Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/04/2017

Ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam

RFI tiếng Việt

Donald Trump : Ba tháng thay đổi thái độ "đến chóng mặt" (RFI, 20/04/2017)

Hôm 20/4/2017, là đúng ba tháng Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Đó cũng là 100 ngày "rắc rối" với những xáo trộn và những thay đổi thái độ "đến chóng mặt" của tân tổng thống Mỹ.

ngoaigiao1

Donald Trump đọc bài diễn văn thắng cử ngày 09/11/2016 tại New York. REUTERS/Carlo Allegri

Donald Trump được bầu làm tổng thống nhờ vào một chương trình tranh cử muốn đáp ứng trực tiếp nguyện vọng của một bộ phận tầng lớp trung lưu Mỹ, những người cho rằng bị thiệt hại nhiều do tiến trình hiện đại hóa, cách mạng kỹ thuật số và tác động của toàn cầu hóa.

Giờ ngày càng có nhiều người từng ủng hộ ông Trump bắt đầu cảm thấy chán chường. Theo thông tín viên RFI, tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, chỉ số tín nhiệm của Donald Trump trong số cử tri ủng hộ ông đã tụt giảm mạnh. Chỉ có 45% số người được hỏi vẫn còn tin rằng tổng thống Mỹ sẽ giữ lời hứa khi vận động tranh cử, trong khi chỉ số này vào tháng Giêng là 62%.

"Đúng là, như đã hứa, Donald Trump đã từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, cũng như đã bổ nhiệm thành công một vị thẩm phán nổi tiếng rất bảo thủ vào Tòa Án Tối Cao.

Nhưng trên những hồ sơ còn lại, ông buộc phải tôn trọng các định chế Hoa Kỳ và điều này làm chậm lại những hành động của một vị tổng thống mà chắc là đã không lường trước những khó khăn.

Sắc lệnh của ông về nhập cư đã bị tư pháp chặn lại vì không "tôn trọng tinh thần Hiến Pháp". Việc rút bỏ đạo luật Obamacare cũng bị thất bại do gặp phải sự phản đối của một số nghị sĩ cực hữu tại Nghị viện.

Tiếp đến là việc xây tường ngăn chặn người nhập cư ở biên giới phía nam với Mêhicô giờ vẫn chỉ là một dự án cần phải có nguồn tài trợ. Donald Trump trước đó không ngừng lặp lại là trong 8 tuần ông đã làm được nhiều việc hơn ông Obama trong 8 năm ở Nhà Trắng. Thế nhưng, mọi việc đã rành rành ra đấy. Các cử tri Mỹ giờ khó mà tin được".

Về đối ngoại, tổng thống Donald Trump có những thay đổi thái độ ngoạn mục "đến chóng mặt" trên nhiều hồ sơ mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

"Chẳng hạn như với Trung Quốc. Trước đó, ông không ngừng cáo buộc Bắc Kinh là thao túng đồng nội tệ, nay thì ông không nói như vậy nữa. Trung Quốc giờ trở thành đồng minh sẽ trợ giúp Hoa Kỳ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

ương tự với NATO, ông Trump nay cho rằng tổ chức này đã hết ‘lỗi thời’. Hay như trong hồ sơ Syria, Donald Trump từng khuyên Barack Obama không nên can thiệp, thì nay ông lại tung một chiến dịch oanh kích.

Cuối cùng, Hoa Kỳ vẫn còn lâu mới hòa giải được với Nga. Bởi vì, các nghị sĩ Quốc Hội Mỹ đang gây khó khăn cho ông khi mở điều tra về khả năng đã có thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông với Moskva".

Với Châu Á cũng vậy. Nếu như trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump chủ trương chủ nghĩa biệt lập, yêu cầu các nước Châu Á đồng minh phải tự thân vận động, đóng góp nhiều hơn vào chi phí phòng thủ chung, thì nay giọng điệu cũng khác hẳn.

Mike Pence hiện đang công du Châu Á đã lên tiếng trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời đe dọa cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên. Ai cũng hiểu rằng chẳng được lợi gì khi chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Trump hiện cũng buộc phải đi theo con đường thông thường đã vạch ra.

Bất kể chuyện gì xảy ra, Donald Trump cũng đã bắt đầu gây quỹ cho chiến dịch vận động tranh cử 2020. Lá bài chủ đạo của ông là hiện giờ chính là sự yếu kém của phe Dân chủ, hiện đã mất cả hai viện và vẫn đang tìm kiếm một lãnh đạo mới..

Minh Anh

*********************

Ngoại trưởng Việt Nam thăm Mỹ (BBC, 20/04/2017)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hiện đang thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 20 đến ngày 21/4/2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

ngoaigiao2

Ngoại trưởng Rex Tillerson và Phó Thủ tuớng/Ngoại trưởng Phạm Bình Mình tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.

Tại Washington, ông Minh sẽ gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Hai người từng gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại Bonn, Đức hồi tháng Hai.

"Nghị trình thì theo tôi có việc bàn thảo một số việc trong đó có chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Hà Nội, nói với BBC hôm 20/04 .

Ông Hợp nói trong khi việc chính quyền ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra một số thách thức với Việt Nam thì động thái Washington mới đây đưa 16 nước vào danh sách Hoa Kỳ quan ngại vì xuất siêu vào Mỹ cũng đáng quan tâm.

"Việt Nam nằm khá cao trong danh sách mà Hoa Kỳ coi là tạo thâm hụt mậu dịch nên câu hỏi đặt ra là liệu Washington có cần thẩm định lại quan hệ Mỹ Việt hay không", ông Hợp nói.

Việt Nam xếp thứ sáu trong số 16 quốc gia gần đây bị "soi" vì có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Một trong những sắc lệnh gần đây của Tổng thống Trump đã yêu cầu thực hiện một nghiên cứu 90 ngày theo từng quốc gia và theo từng sản phẩm về các lý do của sự thâm hụt thương mại này của Hoa Kỳ.

Hồi tháng trước trang Facebook của văn phòng chính phủ Việt Nam mô tả điều họ gọi là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẵn sàng thăm Mỹ để thúc đẩy quan hệ song phương.

Trong bài viết hồi đầu tháng Tư trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cố vấn về Châu Á của trung tâm này là ông Murray Hiebert mô tả điều ông gọi là Việt Nam không chần chừ trong nỗ lực kết nối với chính quyền Trump.

"Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi trong thập kỷ qua để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nhằm cân bằng với mối quan hệ gần gũi về kinh tế với Trung Quốc và đối phó với sự lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông".

ngoaigiao3

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Theo tác giả, giới chức Việt Nam đã khẩn trương tìm cách kết nối với tân Tổng thống Hoa Kỳ và quảng bá với chính phủ của ông về vai trò của Việt Nam như là một trong những đối tác tin cậy nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á cũng như trong việc đối phó với các tranh chấp ở Biển Đông.

"Động thái này được đánh giá bằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc điện thoại ngắn với ông Trump ngay sau khi ông được bầu làm tổng thống và một trong những vấn đề mà tân Tổng thống hỏi là về mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.

Được biết vào ngày 23/2, Tổng thống Donald Trump gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác, theo truyền thông trong nước.

Chủ tịch Trần Đại Quang đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius để trao đổi về quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ.

Ông Quang được dẫn lời nói rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin.

Chủ tịch Quang cũng hoan nghênh việc Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trong việc duy trì tự do hàng hải.

Ông Hiebert trong bài viết nói Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đang có kế hoạch thăm Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc đàm phán về an ninh với quan chức quốc phòng Hoa Kỳ trong một hoặc hai tháng tới.

"Một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể quan tâm bao gồm mua thiết bị của Hoa Kỳ như radar ven biển, máy bay giám sát và tàu tuần tra để tăng cường khả năng quản lý biển của đất nước", ông Hiebert nhận định.

"Các quan chức của Việt Nam được cho là đang lặng lẽ thúc giục chính quyền Trump tiếp tục tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, bao gồm trong phạm vi 12 hải lý của một số hòn đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp trong những năm gần đây.

"Giới chức ở Hà Nội phàn nàn rằng việc quấy rối và giam giữ ngư dân Việt Nam gần các khu vực tranh chấp ở Biển Đông do các cơ quan thực thi Trung Quốc tiếp tục là một thách thức", tác giả viết.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với thương mại hàng hoá hai chiều đạt 52 tỷ USD vào năm 2016 và hiện nay là thị trường nông nghiệp lớn thứ 10 của Hoa Kỳ với xuất khẩu tổng cộng 2,7 tỷ USD vào năm 2016. Nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ vào năm ngoái đạt trên 10 tỷ đô la, tăng 43% so với năm trước đó.

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vào tuần này cũng thăm Bắc Kinh ba ngày (16-18/4) theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì.

Ngoài các lĩnh vực kinh tế thương mại, mở rộng đầu tư, và hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa giáo dục, du lịch, báo chí và giao lưu nhân dân, vấn đề Biển Đông cũng được bàn tới tại cuộc họp lần này.

Quay lại trang chủ
Read 823 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)