Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/04/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Bầu cử Pháp

RFI tiếng Việt

Bầu cử Pháp : Vì sao các ứng viên "chính" đều "chống hệ thống" ?

Ba ngày trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Chủ nhật 23/04/2017, chủ đề tranh cử chiếm trang nhất hầu hết các báo. Để huy động tối đa sự ủng hộ của cử tri, các ứng cử viên "chính" đều chọn lập trường "chống lại hệ thống chính trị hiện hành", ở các mức độ khác nhau. Vì sao các ứng cử viên lại chọn chiến lược này ? Đó là chủ đề hồ sơ chính của Le Monde hôm nay, 20/04.

baucu1

Một điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Pháp, Saint Andre de La Roche, gần Nice, 10/04/2017. REUTERS/Eric Gaillard/File Photo

Tranh cử : Ngày J-3

Báo thiên hữu Le Figaro tập trung ủng hộ ứng cử viên François Fillon, với bài xã luận "Cơ hội cuối cùng ". Báo thiên tả Libération đưa lên trang nhất cuộc đối đầu giữa ứng viên phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean Luc Melenchon và ứng viên Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen, với hàng tựa : "Cuộc chiến giành phiếu bầu công nhân ".

Le Monde ghi nhận một hiện tượng đặc biệt : vẫn còn đến hơn một phần tư cử tri còn lưỡng lự, chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, trong bối cảnh mức độ ủng hộ dành cho 2 ứng cử viên được coi là dẫn đầu từ nhiều tháng nay – lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia cực hữu Marine Le Pen và người đứng đầu phong trào Tiến Bước không tả, không hữu Emmanuel Macron – lại đang có xu hướng suy giảm.

Khả năng cử tri "vắng mặt đạt mức kỷ lục ", và "tính bất trắc lớn chưa từng thấy" là đặc điểm của cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2017 này, như nhận định của Le Monde. Theo các chuyên gia, với tỉ lệ ủng hộ hiện nay, theo các thăm dò dư luận, tất cả 4 ứng cử viên nhóm dẫn đầu đều có cơ hội lọt vào vòng hai.

Theo Le Monde, lập trường chống lại tầng lớp cầm quyền là quan điểm của ứng cử viên Jean Luc Melenchon "từ nhiều năm nay ", lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Le Pen cũng tỏ rõ quan điểm "đứng về phía dân chúng chống lại giới tinh hoa ". Cựu thủ tướng Fillon và cựu Bộ trưởng kinh tế Macron cũng tham gia vào cuộc đấu này trong những tháng gần đây, lên án đối thủ là "người của hệ thống ".

"Hệ thống, cái bung xung của kỳ tranh cử ", một bài viết trong hồ sơ nói trên của Le Monde mở đầu với cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ứng cử viên Macron và thượng nghị sĩ Bruno Retailleau, người thân cận với ứng cử viên Fillon hôm 06/04. Khi bị chỉ trích là "một sản phẩm của hệ thống ", ông Macron đáp lại với vẻ giễu cợt, với nhận xét : "Ông có lý. Người nổi loạn chống lại hệ thống là một cựu thủ tướng, đã tham gia chính trường Pháp từ 35 năm nay. Thật tuyệt vời khi coi ông ấy là người nổi loạn ! ".

Quan điểm "chống hệ thống" - vốn là lập trường riêng của các phong trào cực tả, cực hữu hay vô chính phủ - đã "lan tràn" trong cuộc tranh cử lần này, bởi "chống hệ thống " là một khẩu hiệu có sức thu hút mạnh mẽ dân chúng. Tại Hoa Kỳ, Donald Trump đã triệt để lợi dụng, những người ủng hộ Brexit tại Anh cũng làm tương tự.

Về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, theo Le Monde, thực ra, dưới lớp vỏ ngôn từ chung này, mỗi ứng cử viên đưa ra một cách hiểu khác nhau. Hệ thống có thể được hiểu là "giới tài chính ", "giới công chức Châu Âu ", "người nhập cư được hưởng phúc lợi ", "các đảng phái chính trị truyền thống ", "truyền thông " hay "giới tinh hoa "…

Đối lập "nước Pháp bên trên " với "nước Pháp bên dưới ", giới tinh hoa chống lại dân chúng, Châu Âu chống lại Pháp là lập luận của một số ứng cử viên. Ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia Le Pen đưa ra một định nghĩa đơn giản là : Hệ thống là "những nhóm người bảo vệ lợi ích của riêng họ chống lại dân chúng ", "những kẻ kỹ trị của Liên Hiệp Châu Âu buộc dân chúng phải tuân theo ý muốn của họ. Đó là một giai tầng tách lìa khỏi dân chúng, hoạt động vì lợi ích của riêng họ ".

Ứng cử viên phong trào Nước Pháp Bất Khuất Melenchon cũng đã triệt để sử dụng khẩu hiệu "Cút đi !" của phong trào Mùa Xuân Ả Rập để bày tỏ quan điểm.

Trên thực tế, một loạt ứng viên trụ cột của các đảng phái chính trị truyền thống đã bị loại khỏi cuộc đấu, trước và trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Từ tổng thống François Hollande, thủ tướng Manuel Valls, đến các ứng cử viên vốn được coi là đứng đầu cánh hữu, như cựu tổng thống Nicolas Sarkozy hay cựu thủ tướng Alain Juppé.

Le Monde ghi nhận, "trong một thế giới phức tạp như hiện nay ", khẩu hiệu "chống hệ thống " là một "công cụ hiệu quả để thu hút những tình cảm oán giận ". Bản thân cựu thủ tướng Fillon cũng mới chỉ tham gia vào cuộc chơi "chống hệ thống ", sau khi trở thành ứng viên chính thức của liên minh cánh hữu và cánh trung. Đáp lại vụ bê bối liên quan đến nghi án việc làm giả, hay các lùm xùm về tiền nong, ứng cử viên Fillon khẳng định mình như là nạn nhân của "một cú đảo chính Hiến pháp ", bị "báo chí hành hình ". Thái độ phản kháng này được coi là "một chìa khóa" cho cuộc tập hợp đông đảo cử tri, có tính quyết định đối với ông Fillon, tại quảng trường Trocadero, Paris, hồi đầu tháng 3.

Theo Le Monde, bị thu hút vào các khẩu hiệu "chống hệ thống ", công chúng dường như không còn chú ý nhiều đến các đề xuất thay đổi hệ thống cụ thể mà các ứng cử viên đưa ra (như đề xuất tổ chức Quốc Hội lập hiến, để chuyển sang nền cộng hòa thứ Sáu của Melenchon, giảm số lượng dân biểu của Macron…).

Bài học cho người "chống hệ thống"

Bài viết của Le Monde kết thúc với một chi tiết được công luận Pháp chú ý nhiều. Trong cuộc tranh luận lịch sử trên truyền hình lần đầu tiên giữa tất cả 11 ứng cử viên tổng thống, đầu tháng 4/2017, ông Philippe Poutou, một công nhân, nhà hoạt động công đoàn, được coi là "ứng cử viên nhỏ ", đã kịch liệt lên án thái độ bất chấp luật pháp của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, nghị sĩ Châu Âu.

Bà Le Pen không ra trình diện tư pháp nước Pháp theo yêu cầu, trong nghi án dùng tiền của Châu Âu cho hoạt động của đảng phái riêng, viện cớ có đặc quyền miễn trừ tư pháp. Bà Le Pen vốn là ứng cử viên có quan điểm bài châu Âu rất mạnh.

Le Monde kết luận : "Tối hôm ấy, chính người có quan điểm chống hệ thống đã nhận được một bài học đích đáng về thế nào là chống hệ thống ".

Tranh cử tổng thống Pháp : Lo ngại về hố sâu chia rẽ

Cũng về cuộc bầu cử Pháp, bài xã luận của báo Les Echos có đặt câu hỏi : "Liệu cuộc tranh cử này có xứng đáng không ? ". Les Echos ghi nhận một tính chất khác thường nữa của cuộc bầu cử lần này. Đó là "các cuộc đối đầu lớn " đã không xảy ra, các vận động không mang lại nhiều phấn khích trong xã hội. Tờ báo lo ngại, sau cuộc tranh cử "hỗn loạn " này, liệu đất nước có thể đoàn kết ?

Les Echos nhận xét : Ba ứng cử viên Fillon, Le Pen và Melenchon có một điểm chung, đó là "tất cả đều có được một khối cử tri chắc chắn, cuồng nhiệt" làm chỗ dựa. Cả ba ứng cử viên đều, "hoặc rất được yêu mến, hoặc rất bị thù ghét ". "Hố ngăn cách giữa ba ứng cử viên ngày càng sâu đậm trong cuộc tranh cử ". Đối với hai ứng cử viên Le Pen và Fillon, dường như "điều đó không quan trọng, vì điều đáng kể nhất đối với họ là bệ đỡ chắc chắn của khối cử tri ủng hộ truyền thống ".

Chỉ có ứng cử viên Macron là hoàn toàn ngược lại, "không bị nhiều người ghét bỏ, nhưng cũng không có được một bệ đỡ cử tri vững chắc ". Macron chọn lập trường vì "một nước Pháp thống nhất, hơn là bảo vệ một bản sắc chính trị rõ nét ". Les Echos đặt câu hỏi, nhưng phải chăng chính như thế mà ông ấy có thể "chiến thắng và điều hành được đất nước" ?

Bầu cử Pháp : Giới chủ cũng phân hóa

Vẫn về cuộc tranh cử Pháp, Les Echos cho biết thái độ của giới chủ Pháp rất phân hóa. Lãnh đạo MEDEF, Pierre Gattaz, một hiệp hội chính của giới chủ, công khai ủng hộ ứng viên Fillon đảng LR, chống lại ba ứng viên Le Pen, Hamon và Melenchon.

Trong khi đó, ông Pierre Pringuet, chủ tịch của AFEP (hiệp hội bao gồm hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn của Pháp) kêu gọi bầu cho ứng cử viên Macron, lãnh đạo phong trào Tiến Bước.

Pháp : Số lượng việc làm dự kiến đạt kỷ lục

Về kinh tế Pháp, thông tin về dự kiến thuê người mới, cao kỷ lục của Cơ quan Việc làm Pháp (Pôle d’emploi), được công bố hôm qua, được rất nhiều báo chú ý. Nghiên cứu dựa trên số liệu của 2,3 triệu doanh nghiệp Pháp.

Theo Les Echos, các doanh nghiệp dự kiến sẽ thuê thêm 1.976 triệu người trong năm 2017, tăng 8,2% so với năm ngoái. 23% so với năm 2012. Thông tin nói trên khẳng định xu thế thị trường lao động tại Pháp đang được cải thiện.

Kỹ sư tin học, hộ lý hay công nhân tay nghề cao ngành thực phẩm hứa hẹn sẽ là những nghệ dễ tìm việc. Báo kinh tế Les Echos bình luận : "Tổng thống Hollande chắc chắn sẽ phải nuối tiếc ", khi biết được kết quả này, bởi "ông đã gắn liền khả năng ra tái tranh cử tổng thống với điều kiện thất nghiệp được đẩy lùi ".

Về phần mình, trong bài "Các dự kiến thuê người tại Pháp đạt mức cao nhất từ năm 2002 (năm thống kê được thực hiện)", Le Figaro bình luận : "Đây là một tin tức tốt lành đối với tổng thống Pháp tương lai ! ". Theo Le Figaro, 58% việc làm tiềm năng là các việc làm ổn định, có nghĩa là hợp đồng từ 6 tháng trở lên và hợp đồng vô thời hạn.

Bắc Triều Tiên : Trump bị lên án

Về thời sự Châu Á, chiến lược của tổng thống Mỹ Donald Trump trong khủng hoảng Bắc Triều Tiên bị chỉ trích là nhận định của Les Echos. "Bất chấp những lời lẽ cảnh cáo rất cứng rắn, tổng thống Mỹ không thể chọn giải pháp quân sự ". Les Echos mô tả một thực tế tương phản, giữa một bên là tuyên bố "gươm tuốt khỏi vỏ" của phó tổng thống Mỹ trong chuyến công du Đông Bắc Á, và thái độ không hưởng ứng của các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên các mạng xã hội tại Trung Quốc, người ta chế giễu thái độ không đáng tin cậy của tân chính quyền Mỹ, đặc biệt trong vụ tàu sân bay USS Carl Vinson thay vì tiến về bán đảo Triều Tiên, để chuẩn bị cho các hành động cứng rắn với Bình Nhưỡng, lại đổi hướng sang Ấn Độ Dương. Theo giới chuyên gia, chính quyền Trump đã không xác định được một chiến lược mới với Bắc Triều Tiên.

Không thể can thiệp quân sự, tổng thống Trump hiện tại không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục các kịch bản cũ. Đó là siết chặt trừng phạt và cố gắng hợp tác với Trung Quốc, một đối tác không mấy nhiệt tình, hoặc tìm cách mở ra một cuộc đối thoại thực sự, có khả năng dẫn đến sự mở cửa của quốc gia, mà tờ báo gọi là "một chế độ Stalin cổ đại ".

Biên giới Trung – Triều : Buôn bán vẫn tập nập

Trong khi đó, vẫn liên quan đến Bắc Triều Tiên, Libération có bài phóng sự : "Tại biên giới Trung Quốc, căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên không làm thay đổi gì ". Bất chấp các trừng phạt quốc tế và đe dọa của tổng thống Mỹ, buôn bán qua biên giới vẫn hết sức tập nập. Hàng ngày cửa khẩu thị trấn Hunchun, hơn 200.000 dân, được mở từ 14 giờ đến 17 giờ. Hàng đoàn xe từ Bắc Triều Tiên nối dài trên đường chờ nhập cảnh. Hunchun gần Bình Nhưỡng hơn Bắc Kinh. Buôn bán với Triều Tiên là nguồn sống chủ yếu của thị trấn đường biên.

Không kể than đá bị cấm từ tháng Hai, hàng hóa từ Bắc Triều Tiên vẫn tràn sang Trung Quốc, đặc biệt là hải sản hay các đồ gia công, bởi giá lao động tại Bắc Triều Tiên rẻ hơn tại Trung Quốc khoảng 10 lần.

Phóng viên Libération cũng thấy nhiều nhóm khách du lịch Trung Quốc đang sốt ruột chờ qua biên giới để… đi đến casino đánh bạc. Tại Trung Quốc, muốn chơi bạc, chỉ có cách đi Macao.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)