Liên minh AUKUS : Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Phạm Ngọc Phương Đoan, RFA, 21/09/2021
Thiết lập AUKUS để chống Trung Quốc
Mới đây, một sự kiện đã khiến dư luận thế giới chấn động, đó là việc Mỹ, Anh và Australia vừa công bố hình thành Hiệp ước an ninh đặc biệt "Đối tác an ninh ba bên" (AUKUS) gắn liền với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Nhà Trắng hôm 15/9/2021 - AP
Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hầu như tất cả mọi người đều nghĩ rằng, những diễn biến dẫn đến việc hình thành AUKUS phần lớn là do Trung Quốc. Chính sức ép mà Trung Quốc đã tạo ra đối với Australia, ví dụ nổi bật nhất gần đây là cú đáp trả của Bắc Kinh trước lời kêu gọi của Australia tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19. Cách thức Bắc Kinh "đánh đòn" Canberra đã khiến Australia nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.
AUKUS là khuôn khổ hợp tác đa phương mới nhất mà chính quyền Biden đang thúc đẩy trong bối cảnh Mỹ ngày càng cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trong các lĩnh vực từ quân sự, kinh tế đến công nghệ.
Nội dung thỏa thuận trong AUKUS gồm những gì ?
Thỏa thuận liên quan việc chia sẻ thông tin và công nghệ trong một số lĩnh vực, trong đó gồm cả tin tức tình báo và công nghệ lượng tử, cũng như việc mua bán tên lửa.Nhưng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là điểm then chốt. Điểm cần lưu ý đây là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không sử dụng vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định :"Tôi cần phải làm rõ rằng Australia không tìm cách có vũ khí hạt nhân hoặc thiết lập năng lực hạt nhân phục vụ mục đích dân sự".
Nhưng tại sao lại là tàu ngầm hạt nhân ? Nói một cách đơn giản, vấn đề ở đây liên quan đến phạm vi hoạt động, khả năng tàng hình và sức mạnh. Một tàu ngầm diesel không có đủ phạm vi hoạt động hoặc sức bền để đi từ Australia đến một nơi nào đó như Biển Đông hoặc eo biển Malacca và ở duy trì trên biển lâu dài, nhưng một tàu ngầm hạt nhân thì có đủ những khả năng đó. Tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình tốt hơn, khó bị phát hiện hơn vì không phải chạy gần bề mặt để sạc lại pin và có tốc độ tránh nguy hiểm nếu nguy cơ bị phát hiện ở mức cao.Michael Shoebridge, Giám đốc Quốc phòng, Chiến lược và An ninh Quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói :"Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có năng lực ph òng vệ ghê gớm và do vậy có thể bao quát được cả khu vực. Chỉ có 6 quốc gia trên thế giới có thể có tàu ngầm hạt nhân. Thực sự, chúng có khả năng ngăn chặn cực kỳ mạnh mẽ mà không cần dùng vũ khí hạt nhân".
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang vận hành 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel.
Ý nghĩa của việc thành lập AUKUS
Thứ nhất, AUKUS sẽ có những ý nghĩa về mặt địa chiến lược vì nó củng cố một cách hữu hình các mối quan hệ đồng minh gần gũi nhất mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Châu Âu - đặc biệt là Anh và Australia. một đồng minh Châu Âu của Mỹ đang cùng một đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hợp tác để cùng nhau phát triển các năng lực dưới biển và tuần tra các vùng biển ở Thái Bình Dương. Điều này báo hiệu cho Trung Quốc rằng, cũng giống như các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các đồng minh Châu Âu của Mỹ cũng đang nghiêm túc nhìn nhận các hoạt động quân sự mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương (ví dụ như chống lại Đài Loan và các hoạt động quâ n sự ở Biển Đông).
Thứ hai, AUKUS sẽ có ý nghĩa quân sự quan trọng, giúp tăng cường khả năng của các liên minh do Mỹ dẫn đầu trong việc ngăn chặn các hành động cưỡng ép quân sự của Trung Quốc ngay cả khi các năng lực của Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Thứ ba, Peter J. Dean - thành viên cấp cao tại Trung tâm Scowcroft, Giám đốc Viện Quốc phòng và An ninh của trường Đại học Tây Australia- cho rằng AUKUS là một bước tiến lớn đối với tất cả các bên. Ông cho rằng mặc dù Australia là nước sẽ được hỗ trợ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng quyết định này còn thể hiện chính quyền Biden sẵn sàng trao quyền cho các đồng minh chủ chốt bằng công nghệ quân sự tiên tiến mà cho đến nay Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ. Đây là lần thứ hai Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia khác sau lần đầu là với Anh vào năm 1958.Một quan chức Mỹ cho biết việc chuyển giao công nghệ như vậy khó có thể xảy ra một lần thứ ba. Họ giải thích : "Đây là công nghệ cực kỳ nhạy cảm. Có thể nói nói, đây là một ngoại lệ đối với chính sách của Mỹ ở nhiều kh ía cạnh", đồng thời nhấn mạnh rằng quá trình trang bị cho Lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) các tàu ngầm hạt nhân sẽ vừa là thách thức vừa là điểm nhấn quan trọng.Tuy nhiên, Australia hiện không có cơ sở hạ tầng hạt nhân nội địa. Dù chính phủ Australia đã cam kết sẽ phát triển cơ sở hạt nhân trong nước theo hướng này nhưng đây sẽ phải là một nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm.
Thời điểm ký thỏa thuận AUKUS cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thỏa thuận được đưa ra chỉ một tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, khiến cho có những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với Châu Á.Anh cũng sốt sắng muốn tham gia nhiều hơn vào Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt sau khi nước này rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), còn Australia thì ngày càng lo ngại về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc.
Guy Boekenstein, Giám đốc cấp cao của bộ phận quốc phòng và an ninh quốc gia của chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia, nói : "Đây là một‘chuyện lớn’ bởi nó thực sự cho thấy cả 3 quốc gia này đang vạch ra ranh giới nhằm bắt đầu đối phó với những hoạt động hung hăng của Đảng cộng sản Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó cũng công khai cho thấy quan điểm chung của chúng tôi về vấn đề này và sự cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và an toàn, điều trong vòng 70 năm qua đã đem lại sự thịnh vượng cho toàn khu vực, bao gồm cả sự phát triển kinh tế của Trung Quốc".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse cho biết thỏa thuận này"gửi đi một thông điệp rõ ràng về sức mạnh tới Chủ tịch Tập Cận Bình". Ông nói :"Tôi sẽ luôn hoan nghênh những bước đi cụ thể để chống lại Bắc Kinh và đây là một trong số đó".
Tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018. Reuters
AUKUS tác động gì đến biển Đông và Việt Nam ?
Thỏa thuận AUKUS cho thấy Mỹ, Australia và Anh coi Biển Đông là địa điểm chính cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd lưu ý chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cần làm rõ xem liệu Mỹ có yêu cầu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia sẽ được triển khai để hỗ trợ Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Đài Loan hoặc Biển Đông hay không. Về câu hỏi này, ngày 17/9 Mỹ khẳng định không đưa ra yêu cầu"có đi có lại".
Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á khá khác nhau trước vấn đề này. Các quốc gia có quan điểm tích cực về vấn đề biển Đông như Việt Nam, Philippines, Singapore cảm thấy việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc là điều đáng mừng, cho dù họ không công khai bày tỏ như vậy.
Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á khác lo ngại rằng thỏa thuận AUKUS là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc bằng cách kết nạp Australia vào"câu lạc bộ hạt nhân".
Cả Indonesia (nhà lãnh đạo không chính thức của ASEAN) và Malaysia đều lo ngại AUKUS cũng sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây cũng sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam, quốc gia luôn khẳng định việc không chọn bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đang cố gắng cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa hai Đảng cộng sản, hai chính quyền Việt - Trung đã được thiết lập từ lâu, còn Mỹ đã từng là cựu thù. Tuy vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nhanh chóng phát triển. Đặc biệt, người dân Việt Nam tỏ rõ thái độ "thích Mỹ, ghét Trung". Điều này cũng phần nào tác động lên chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một quan chức Mỹ đã phát biểu rằng, AUKUS sẽ sớm thúc đẩy quan hệ với các đối tác tiềm năng, mà Việt Nam sẽ là một đối tác như vậy. Những tác động mà AUKUS mang lại sẽ khiến có những dịch chuyển trong trật tự toàn cầu. Trong một thế gi ới phức tạp như hiện nay, điều duy nhất đảm bảo Việt Nam duy trì được vị thế của mình, ngoài việc cân bằng giữa các cường quốc, thì điểm then chốt phải là nâng cao sức mạnh của chính mình.
Cựu Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc mới đây có chia sẻ trên Facebook của ông ta về một kỷ niệm hồi năm 1993 với Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ông Lý Quang Diệu đã nói với ông Phúc năm đó là :"Bao giờ mà các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam thì các ông mới thành công ! Muốn thế thì các ông phải có một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch !..Muốn vậy các ông phải có một chính quyền mạnh từ cấp lãnh đạo cho đến người thực thi ! Muốn vậy thì chính quyền của các ông phải gồm những người giỏi và sạch sẽ nhất".
Cho đến giờ, những nhận định của ông Lý Quang Diệu vẫn đúng cho Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được những gì ông Lý Quang Diệu đã góp ý.
Trọng Nghĩa, RFI, 21/09/2021
Dư luận Pháp đến nay chủ yếu tập trung vào việc Paris mất đi một hợp đồng đóng tàu ngầm kếch xù cho Úc mà hầu như không chú ý đến liên minh chiến lược Anh-Mỹ-Úc vừa được chính thức khai sinh ngày 15/09/2021. Đối với giới chuyên gia địa lý chính trị, việc liên minh AUKUS được hình thành là một ác mộng đối với Trung Quốc, vì đây có thể là tiền thân của một "NATO Châu Á" mà Bắc Kinh đang lo sợ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến từ Nhà Trắng (Washington-Hoa Kỳ) với thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và thủ tướng Anh Boris Johnson (phải), nhân buổi công bố việc thành lập liên minh AUKUS ngày 15/09/2021. AP - Andrew Harnik
AUKUS là một liên minh quân sự bao gồm ba đồng minh truyền thống : Úc, Anh và Hoa Kỳ, mà tên gọi lấy từ các chữ cái đầu tiên trong tên gọi bằng tiếng Anh của ba quốc gia liên quan, xếp theo thứ tự alphabet (A Australia - UK United Kingdom - US United States).
Thông cáo chung về việc thành lập liên minh khẳng định mục tiêu của khối này là "củng cố và hỗ trợ" lợi ích của ba thành viên trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, thông qua việc "tăng cường chia sẻ thông tin và công nghệ" và "hội nhập sâu hơn các lãnh vực khoa học, công nghiệp và chuỗi cung ứng".
Sáng kiến đầu tiên được công bố của liên minh AUKUS chính là việc Mỹ và Anh sẽ "hỗ trợ" Úc để có được tàu ngầm hạt nhân trong vòng 18 tháng tới đây, sử dụng năng lực công nghiệp Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Tuy nhiên, liên minh AUKUS không đơn thuần là quân sự, mà còn bao gồm các lĩnh vực khác nhau chủ yếu liên quan đến kỹ thuật số như mạng tin học, trí tuệ nhân tạo và thậm chí cả tin học lượng tử.
Đối với giới quan sát, dù không được nêu đích danh, nhưng Trung Quốc chính là đối tượng mà liên minh AUKUS nhắm tới. Cả ba thành viên liên minh đều đã từng cho thấy quyết tâm ngăn chặn đà bành trướng Bắc Kinh.
Theo ghi nhận của báo Pháp Les Echos ngày 18/09, Hoa Kỳ, nền tảng của liên minh AUKUS đã cho thấy rõ quyết tâm đối đầu với Trung Quốc, và liên minh mới hình thành này nằm trong chiến lược đa phương, liên minh với các đối tác truyền thống trong một mặt trận thống nhất, trái hẳn với cách làm đơn phương thời Donald Trump.
Úc được cho là nước hăng hái nhất trong liên minh, vào lúc quan hệ Canberra - Bắc Kinh ngày càng căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là kể từ khi họ tung ra sáng kiến "Con Đường Tơ Lụa Mới" vào năm 2013.
Les Echos nhắc lại rằng năm 2015, Canberra đã nhượng lại cảng Darwin ở miền Bắc Úc cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng chiến lược này nằm trên lộ trình của Con Đường Tơ Lụa Mới và tiếp giáp với một căn cứ Mỹ.
Peter Dutton, bộ trưởng quốc phòng Úc, gần đây cho biết sẵn sàng chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin, và việc xây dựng một cảng thứ hai, cho Hải quân Úc và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ hoạt động, đang được tiến hành.
Liên minh AUKUS do đó cũng nằm trong chiến lược chống Trung Quốc của Úc. Vào tháng 6 năm 2020, thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố ngân sách 270 tỷ đô la trong vòng 10 năm để cải thiện quân đội Úc, trong đó có việc mở rộng khả năng tấn công của hậu quản.
Luân Đôn rất muốn lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu. Về mặt lịch sử, Anh rất gần với Mỹ và Úc, và liên minh AUKUS là một cách để Boris Johnson tái khẳng định chiến lược "Nước Anh Toàn Cầu - Global Britain" của ông, dựa trên việc tăng cường hiện diện ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, hiệp ước giữa Mỹ, Anh và Úc là một sự kiện địa chính trị rất quan trọng, cụ thể hóa quyết tâm của chính quyền Biden đối phó với Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, cơn ác mộng về sự hình thành một liên minh theo kiểu NATO ở Châu Á nhằm bao vây Trung Quốc có thể là đã bắt đầu trở thành hiện thực.
Trả lời phỏng vấn của báo Les Echos, ông Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS, cho rằng AUKUS cụ thể hóa sự chuyển hướng chiến lược của Washington qua vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khiến Bắc Kinh thêm lo ngại trước nguy cơ bị bao vây.
Theo chuyên gia Bondaz, quyết định của Washington chuyển giao công nghệ động cơ tàu ngầm hạt nhân cho Úc rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên sau 70 năm mà Mỹ làm điều này. Trường hợp Úc có thể làm tiền lệ cho Nhật Bản, Hàn Quốc và trong tương lai xa hơn là Indonesia hoặc Việt Nam.
Chính quyền Trung Quốc, theo ông Bondaz, chắc chắn là đang hết sức lo lắng trước nguy cơ bị Mỹ bao vây về mặt chiến lược. Trái với Washington, vốn có rất nhiều đồng minh, Bắc Kinh hầu như bị cô lập về mặt quân sự. Trung Quốc không có đồng minh quân sự nào, ngoại trừ Bắc Triều Tiên. Nga và Pakistan hiện chỉ là đối tác chứ không hoàn toàn là đồng minh.
Đối với chuyên gia Bondaz, điều mà Bắc Kinh lo ngại hơn cả là về lâu về dài, một NATO Châu Á sẽ hình thành. Với AUKUS, Washington đã thành công trong việc gắn kết hai đồng minh Anh và Úc.
Sắp tới đây, Hoa Kỳ sẽ cố gắng thể chế hóa quan hệ đối tác quốc phòng của họ, bằng cách thúc đẩy việc chính thức hóa nhóm QUAD, tức là Bộ Tứ, bao gồm 4 nước Mỹ, Úc Nhật và Ấn nhân hội nghị thượng đỉnh tại Washington.
Mỹ cũng đang cố gắng mở rộng liên minh tình báo Ngũ Nhãn Five Eyes (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, New Zealand và Úc), để kết nạp thêm hai đối tác Châu Á của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mối lo ngại của Trung Quốc trước khả năng hình thành một "NATO Châu Á" lại càng gia tăng trong bối cảnh khối NATO đang tăng cường quan hệ với 4 đối tác chính thức trong vùng Châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, để bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 21/09/2021
********************
Trọng Nghĩa, RFI, 20/09/2021
Với quan hệ Pháp - Mỹ đột nhiên căng thẳng trong vụ "khủng hoảng tàu ngầm", các nhà phân tích cho rằng tình hình này, nếu kéo dài, có khả năng tác hại đến liên minh giữa Mỹ với Pháp nói riêng và với Châu Âu nói chung.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham quan một tàu ngầm với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Sydney, Úc, tháng 5/2018. Brendan Esposito Pool /AFP/File
Trước mắt, đây là một sự cố làm dấy lên mối hoài nghi về mặt trận thống nhất mà Washington đang cố thành lập nhằm chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, một mặt trận trong đó Châu Âu có thể đóng một vai trò không nhỏ.
Trả lời hãng tin Anh Reuters ngày 18/09/2021, ông Benjamin Haddad, giám đốc Trung tâm Châu Âu, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, đã không ngần ngại tự hỏi : "Vào thời điểm mà chính quyền Biden muốn tập hợp Châu Âu trong một mặt trận chung xuyên Đại Tây Dương để đẩy lùi sự quyết đoán của Trung Quốc, tại sao không kết nạp thành viên chủ chốt của Liên Âu ?".
Thành viên chủ chốt ở đây chính là nước Pháp, luôn được đánh giá là một trong hai đầu tầu chính thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu tiến lên, và là một trong số ít quốc gia Châu Âu có đủ thực lực để can dự vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, góp sức cho chính quyền Biden trong đối sách Trung Quốc của Mỹ.
Đối với nhiều chuyên gia, Trung Quốc đã vươn lên thành trọng tâm đối ngoại chính của chính quyền Biden, nhưng quan hệ lạnh nhạt với Paris có thể gây tác hại nghiêm trọng đến chiến lược rộng lớn này.
Trước mắt, thỏa thuận tàu ngầm ba bên Úc - Anh - Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ khi phải đối mặt với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng thiệt hại xuất phát từ sự tách rời của Pháp có thể lớn hơn mối lợi trước mắt đó.
Theo chuyên gia Pháp François Heisbourg, cố vấn cấp cao về Châu Âu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, "Trung Quốc chắc hẳn đang phải cười nôn ruột". Lý do là vì Bắc Kinh thấy "có hy vọng loại bỏ nguy cơ Châu Âu sát cánh bên cạnh Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Theo giới quan sát, mặc dù quan hệ Mỹ - Úc mạnh mẽ hơn sẽ khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại, nhưng Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có lập trường mạnh mẽ trong việc thúc đẩy một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, trong khi các nước Liên Âu khác như Đức có vẻ chú ý hơn đến việc không làm xáo trộn quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Đối với chuyên gia Heisbourg, mối lợi lớn đối với Trung Quốc là khả năng "Châu Âu về cơ bản sẽ ở bên lề và không đóng vai trò tích cực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung". Theo chuyên gia này, trong tương lai, Pháp có thể thu hẹp trọng tâm chú ý để chỉ tập trung vào các lợi ích cụ thể của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, thay vì nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc trên bình diện rộng hơn.
Điều trớ trêu đối với những ai quan tâm đến việc đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc là một ngày sau khi thỏa thuận tàu ngầm Úc - Anh - Mỹ được loan báo, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc. Nhưng theo ông Heisbourg, với việc Pháp bớt hăng hái, nỗ lực của Châu Âu có nguy cơ chết yểu, hoặc nếu tồn tại thì cũng sẽ trở nên rời rạc hơn nữa.
Bên cạnh các suy đoán kể trên, một số nhà phân tích khác tin rằng nhu cầu bắt buộc để chống lại Bắc Kinh sẽ giúp các nước phương Tây thu hẹp bất đồng của mình.
Ông Greg Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS tại Washington, đã ví von : "Mức độ lo lắng ngày càng tăng trên toàn cầu về Trung Quốc là thủy triều đang nâng tất cả các tàu thuyền trong vụ này. Tôi khá tin tưởng rằng sẽ có một vài tháng khó khăn ở phía trước, nhưng Paris sẽ vượt qua được, bởi vì các lợi ích chiến lược của Pháp buộc họ phải vượt qua".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 20/09/2021
*************************
Thanh Hà, RFI, 20/09/2021
Theo thông báo của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/09/2021, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phát biểu qua video trong ngày khai mạc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc 21/09/2021, thay vì cử một giới chức cao cấp đến New York theo dự trù ban đầu. Theo giới phân tích, có lẽ liên minh quân sự Anh - Mỹ - Úc (AUKUS) đã khiến Trung Quốc thay đổi kế hoạch.
Một thành viên đội bảo vệ danh dự đi ngang qua tấm áp phích in hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gần lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, ngày 18/09/2021. AP – Mark Schiefelbein
Thông tín viên đài RFI tại New York Carrie Nooten giải thích về tầm mức quan trọng của sự thay đổi vào giờ chót từ phía Bắc Kinh :
"Lẽ ra Trung Quốc chỉ phát biểu vào Thứ Bảy tới đây trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thế nhưng khi chọn giải pháp để chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua video, Bắc Kinh đốt cháy giai đoạn đến 4 ngày trong lịch làm việc của Liên Hiệp Quốc. Như vậy, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát biểu ngay trong ngày đầu tiên, tức là ngày mai.
Cần biết rằng, tại Liên Hiệp Quốc, thứ tự đại diện của 193 thành viên phát biểu được quy định tùy theo cấp bậc. Một vị nguyên thủ quốc gia được ưu tiên phát biểu trước một vị thủ tướng và thủ tướng thì được quyền phát biểu trước một vị bộ trưởng. Cho nên chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên tiếng cùng ngày với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và như vậy có thể trực tiếp đáp lời lãnh đạo Nhà Trắng.
Có rất nhiều khả năng Bắc Kinh đã quyết định thay đổi chương trình để phản đối liên minh Anh – Mỹ - Úc (AUKUS). Chính hiệp ước an ninh này đang khiến Paris phẫn nộ. Đương nhiên, Trung Quốc không phản đối vì những lý do tương tự như Pháp. Rất có thể Bắc Kinh phản đối chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và lên án một khối gồm 3 nước phương Tây chống lại Trung Quốc. Qua hành động này, Bắc Kinh đưa công luận trở lại với vấn đề cơ bản, vào lúc mà từ nhiều ngày qua mọi người chỉ chú ý đến khủng hoảng giữa Pháp với Hoa Kỳ chung quanh hợp đồng bán tàu ngầm cho Úc".
Thanh Hà, RFI, 15/09/2021
Trong ngày làm việc tại Seoul hôm nay 15/09/2021, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mạnh mẽ chỉ trích ý định của Hoa Kỳ muốn kết nạp thêm Hàn Quốc vào liên minh tình báo Five Eyes. Theo ông, liên minh hiện tại bao gồm 5 quốc gia, Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand, là một "sản phẩm hạng hai chiến tranh lạnh để lại".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp tại phủ tổng thống, Seoul, ngày 15/09/2021. Reuters - Jonhap News Agency
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap lưu ý là tuyên bố của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Hạ Viện Mỹ chuẩn bị một dự luật kêu gọi tổng thống Biden mở rộng liên minh tình báo, còn được gọi là nhóm "Ngũ Nhãn" (Five Eyes), đến một số các đồng minh Châu Á của Washington. Sáng kiến này nhằm liên kết các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau việc rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ rảnh tay đối phó với Trung Quốc và tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Ngoài ra, trả lời báo chí sau buổi làm việc với đồng nhiệm Hàn Quốc Chung Eui Yong, ông Vương Nghị đã kêu gọi Seoul cùng hợp tác với Bắc Kinh vì nghĩa vụ đối với cộng đồng trước những thay đổi to lớn trên sân khấu chính trị. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia "không thể tách rời nhau. Đôi bên cần có một mối bang giao tốt đẹp hơn, ổn định, toàn diện và thẳng thắn, cần mở rộng những lĩnh vực mà đôi bên cùng có những quyền lợi chung, cần tìm kiếm những điểm có thể hợp tác".
Về phần ngoại trưởng Hàn Quốc, Chung Eui Yong bày tỏ hy vọng Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của chính quyền Seoul vì hòa bình.
Theo một số nhà quan sát, chuyến công tác tại Seoul lần này là dịp để ngoại trưởng Vương Nghị thăm dò ý định của đối tác kinh tế ở đông bắc Á trên một loạt các hồ sơ nhậy cảm, vào lúc Hoa Kỳ, đồng minh chiến lược của Hàn Quốc, thành lập một mặt trận chung để đương đầu với Trung Quốc trên nhiều hồ sơ : luật an ninh quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt, các biện pháp trừng phạt việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và quan hơn nữa là về căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Thanh Hà
Đại sứ Việt Nam : Hà Nội phản đối liên minh quân sự trên Biển Đông (VOA, 16/11/2018)
Việt Nam hôm 15/11 nói không ủng hộ ‘Bộ Tứ’ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ – một hợp tác an ninh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực – và phản đối bất cứ sự thành lập liên minh quân sự nào trên vùng Biển Đông có tranh chấp.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tại New Delhi (SanhChau Pham's Facebook)
Đại sứ mới của Việt Nam, Phạm Sanh Châu, được truyền thông Ấn Độ trích lời nói hôm 15/11 rằng Việt Nam hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào nhằm duy trì hòa bình, an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không trong khu vực. Tuy nhiên vị đại sứ mới được bổ nhiệm tới New Delhi nói rằng "chúng tôi không muốn thấy bất cứ một liên minh quân sự nào được hình thành bởi vì chúng tôi tin là nó không có lợi cho môi trường an ninh trong khu vực".
Tuyên bố của ông Châu được đưa ra trong bối cảnh các quan chức của Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ gặp gỡ bên lề một hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hôm 15/11.
‘Bộ Tứ’ này, xuất hiện từ năm 2004 dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, có tầm nhìn chiến thuật rộng lớn của Mỹ để quảng bá cho "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", theo lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với các phóng viên hôm 13/11.
Chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" lần đầu được chính thức giới thiệu bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu của ông tại Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng hồi tháng 11 năm ngoái.
Thủ tướng Australian Scott Morrison hôm 14/11 khẳng định coi ‘Bộ Tứ’ là "kết cấu quan trọng được thiết kế cho khu vực" để phát triển hợp tác về kinh tế, quân sự và chiến thuật.
Được hỏi liệu Việt Nam có ủng hộ liên minh bốn cường quốc này không, Đại sứ Châu nói : "Nếu bất kỳ nước nào muốn kéo bè kéo cánh, sử dụng vũ lực hoặc tìm cách dùng vũ lực, thì điều đó đi ngược lại với quan điểm của Việt Nam, theo Times of India.
Ông Châu đưa ra bình luận trên chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind bắt đầu chuyến công du tới Việt Nam, dự kiến vào ngày 18/11, vẫn theo nhật báo tiếng Anh của Ấn Độ.
Thánh 11 năm ngoái ‘Bộ Tứ’ Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ họp lần thứ 3, sau nhiều năm gián đoạn, nhằm phát triển một chiến lược mới để giữ cho hải lộ trọng yếu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không bị ảnh hưởng bởi một thế lực nào.
Theo các nhà quan sát, hành động này được coi là một nỗ lực nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc trong những năm gần đây tăng cường việc bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng Biển Đông bất chấp những phản đối của cộng đồng quốc tế.
Năm 2014, Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền của Việt Nam và trong hơn 1 năm trở lại đây được cho là đã ép Hà Nội ngừng hai dự án khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Trong khi Việt Nam hiểu được những thế yếu của mình đối với Trung Quốc nhưng các lãnh đạo của họ tiếp tục đi nước đôi về chiếc ô an ninh của Mỹ trong khu vực, theo nhận định của nhà nghiên cứu Phương Nguyễn của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington DC với East Asia Forum.
Điều này được thể hiện trong chính sách ‘3-không’ của Việt Nam : không liên minh quân sự, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và không liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại nước khác.
"Chúng tôi sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào nhằm chống lại bất kỳ nước thứ 3 nào", Đại sứ Châu được The Hindu trích lời nói hôm 15/11.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán này của Hà Nội tại các cuộc họp báo trước đây.
******************
Sinh viên Việt Nam chi 881 triệu USD du học ở Mỹ (RFA, 15/11/2018)
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ gia tăng liên tiếp trong vòng 17 năm qua, với số lượng lên đến 24.325 sinh viên trong niên học 2017-2018 ở các trường đại học và đại học cộng đồng, tăng 8,4% so với niên học trước.
Một quang cảnh tại Triển lãm Du học Hoa Kỳ, tổ chức vào tháng 09/17 ở Hà Nội. Courtesy : vn.usembassy.gov
Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có trụ sở tại Hoa Kỳ, ghi nhận số liệu vừa nêu trong báo cáo hàng năm, được công bố vào ngày 14 tháng 11.
Theo số liệu báo cáo của IIE, hiện có 69,6% du học sinh Việt Nam học đại học, 15,2% sau đại học, 8,6% đăng ký Chương trình Lựa chọn Thực tập và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Việt Nam được xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia trên toàn cầu có số lượng du học sinh đông nhất ở Hoa Kỳ trong niên học 2016-2017, và các du học sinh Việt Nam chi ra gần 881 triệu đô la Mỹ (USD) trong niên học này.
Báo cáo của IIE cũng cho thấy Trung Quốc được xếp vị trí hàng đầu trong danh sách có du học sinh ở Mỹ nhiều nhất. 8 quốc gia còn lại bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả-rập Saudi, Canada, Đài Loan, Nhật Bản, Mexico và Brazil.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Phùng Xuân Nhạ, thông báo trước Quốc Hội số liệu du học sinh Việt Nam chi từ 3 đến 4 tỷ USD hàng năm cho việc học tập ở nước ngoài.
Theo số liệu của Bộ Giáo Dục trong năm 2017, có khỏang 130 ngàn du học sinh Việt Nam, trong đó năm quốc gia hàng đầu được du học sinh Việt Nam chọn đến bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc và Vương quốc Anh.
***************
Hơn 50 ngư dân Việt Nam bị giam ở Indonesia kêu cứu (VOA, 16/11/2018)
Các ngư dân Việt Nam trong số hơn 50 người đang bị bắt giữ tại trại tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, nói với VOA rằng điều kiện sống của họ rất khó khăn, có người bị giam hơn 9 tháng mà chưa được hồi hương trong khi sự trợ giúp của cơ quan ngoại giao Việt Nam dường như rất ít và không hiệu quả.
Các ngư dân Việt Nam bị tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, hôm 8/11/2018. Photo Trần Trí
Các ngư dân nói họ vô tội và đang rất tuyệt vọng trước những khó khăn trong thủ tục hồi hương, trong khi điều kiện sinh hoạt, ăn ở ở trại tạm giam thì thiếu thốn.
Ngư dân Nguyễn Trần Thành Trí, quê ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ với VOA qua Messenger :
"Hơn 50 ngư dân đã đóng tiền mua vé máy bay hơn tháng rưỡi nay mà phía Indonesia cứ hẹn… hết 1 tuần, rồi 2 tuần…và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng hẹn, hết 1 tuần… rồi lại 2 tuần… trong khi tình cảnh ở đây rất khó khăn và thiếu thốn".
Trại giam Pontianak thuộc tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Kalimantan (còn gọi là Borneo), một trong 5 đảo lớn nhất của Indonesia, giáp với Malaysia và Brunei.
Anh Vũ Văn Chiến, nhân viên phục vụ nấu ăn cho một tàu đánh cá Việt Nam, bị đưa vào trại cách nay 2 tháng, chia sẻ về hoàn cảnh sống ở trại tạm giam :
"Do nơi ở ngột ngạt nơi nhiều người đã bị bệnh, xỉu lên xỉu xuống…Hằng ngày họ phát cho ba cục cơm : sáng, trưa, tối. Oải luôn. Họ chỉ mở cửa để đưa cơm vào chứ tụi này không được ra ngoài".
Ông Thành Trí cho biết thêm rằng có trường hợp ngư dân bị sốt rất cao xỉu trong buồng nửa đêm, khi gọi cấp cứu thì phải nằm chờ ở băng ghế ngoài trời đến sáng hôm sau mới được khám.
Ngư dân Nguyễn Văn Vũ, quê ở tỉnh Sóc Trăng, chi sẻ về tình hình sức khỏe của người bị giam giữ :
"Ở đây anh em bị bệnh liên tục, cứ cách một tuần thì có người xỉu. Đem ra thì họ để nằm ở ngoài, đến khi gần chết mới cho đi bệnh viện".
Trong một video clip gửi cho VOA các ngư dân cho biết hơn 50 người bị giam ở ba căn phòng chật chội, oi bức, nhà vệ sinh ẩm thấp và nơi ngủ là nền gạch.
Một ngư dân khác cho biết nước sinh hoạt được bơm từ những con sông, mương gần đó nên bị nhiễm phèn nặng.
Anh Nguyễn Văn Vũ cho biết rằng sau hơn 9 tháng bị giam giữ anh chứng kiến được nhân viên sứ quán Việt Nam đến thăm một lần, nhưng nói rằng họ chỉ đến hỏi thăm về nơi sinh hoạt ăn ở, chứ "chưa giải quyết được gì".
"Bị giam ở đây hơn 9 tháng, chúng tôi là ngư dân biển đi làm thuê, không có tội gì. Đại sứ quán Việt Nam có đến thăm một lần, chỉ hỏi han về sinh hoạt ăn uống, chứ chưa giúp được gì cả. Đại sứ quán nói sẽ bảo lãnh về nước, tụi em đã đóng tiền lâu rồi mà sao không được bảo lãnh. Họ cứ hẹn lần hẹn lựa hoài".
Các ngư dân cho biết họ là những người làm thuê trên tàu cá và không có tội gì, ngoại trừ chủ tàu và chủ máy. Họ đã được chuyển đến các trại này để hoàn tất các thủ tục trao trả về nước, nhưng theo họ hình như có điều gì đó ách tắc ở phía cơ quan ngoại giao của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ngư dân Nguyễn Văn Vũ, có khoảng 40 người từ trại này đã được hồi hương trong 9 tháng qua.
VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, Bộ Ngoại giao Indonesia, và Cơ quan Giám sát Ngư nghiệp và Tài nguyên Biển Indonesia (PSDKP) thuộc Bộ Biển và Thủy sản (MMAF) của Indonesia, nhưng chưa được phản hồi.
Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết thời gian để phía Indonesia hoàn thành hồ sơ thường kéo dài khoảng 2-3 tháng, sau đó kết quả này được chuyển cho phía Việt Nam để xác minh từ các cơ quan trong nước và các ngư dân phải nộp tiền mua vé máy bay về nước.
Truyền thông Việt Nam trích lời Đại sứ Việt Nam tại Indonedia Phạm Vinh Quang trong một chuyến thăm ngư dân Việt bị giam ở đảo Pontianak vào tháng 8 cho biết Đại sứ quán Việt Nam đã trao đổi với chính quyền và các cơ quan liên quan của Indonesia để phía Indonesia tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam tại đây có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng "bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia", và kêu gọi Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia "trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN".
Vào tháng 5/2018, một trong các chủ tàu đánh cá của Việt Nam có phương tiện và thuyền viên bị Hải quân Indonesia tịch thu và bắt giữ đã lên tiếng kêu gọi phóng thích ngư dân và tàu thuyền, khẳng định rằng các ngư dân bị bắt oan và họ đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Thành Trí, người bị Hải quân Indonesia bắt vào tháng 7, cho biết những người làm công như ông, đi theo tàu với sự điều khiển của thuyền trưởng, thì không biết rõ vùng biển nào bị phía Indonesia cấm, hơn nữa trở ngại về ngôn ngữ cũng là một vấn đề.
"Rất là bất đồng ngôn ngữ. Chúng tôi là ngư dân đi làm thuê, đi theo tài công. Tài công chạy đến vùng biển nào thì chúng tôi không được biết. Vì tàu chúng tôi đi vào hải phận Indonesia nên bị Hải quân Indonesia bắt vào ngày 5/7. Tài công và tài cải (người đề máy tàu), những người xem định vị la bàn, bị xem là có tội và phải ra tòa, còn tụi em thì không có tội và được phép hồi hương. Không biết quy trình họ làm việc thế nào mà cứ hứa hẹn hoài, trong khi gia đình mỗi người gửi tiền qua đóng tới 8 triệu/ người".
Trong bức thư gửi sứ quán Việt Nam tại Indonesia hôm 3/11, các ngư dân viết : "Chúng tôi thật sự rất hoang mang, hoang mang vì không biết lúc này chính phủ của chúng tôi có đang quan tâm đến chúng tôi hay không. Và tiêu đề "cho dân vì dân" có thực hay không. Và những người được gọi là "đồng bào" liệu có đang nghĩ đến chúng tôi !".
Trong năm 2017, bốn ngư dân Việt Nam đã bị hải quân Indonesia bắn bị thương trong khi đang đánh cá ở đảo Natuna.
Trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 9 năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết rằng nước ông và Việt Nam đã đồng ý hợp tác thêm nữa nhằm chống lại tình trạng đánh bắt cá trái phép của người Việt và cam kết sẽ sẽ trả tự do cho 155 ngư dân đang bị bắt giữ tại Indonesia.
Kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, chính quyền của ông Widodo đã mạnh tay xử lý việc đánh bắt cá trái phép, phá hủy hàng trăm tàu cá nước ngoài, phần lớn từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan.
An Hải