Luật phòng, chống tham nhũng dùng để làm gì ?
Hiền Lương, VNTB, 27/04/2020
Chiều ngày 26/4, rất nhiều bài báo trên trang điện tử có chung tít tựa "Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc". Đây là câu dạng ‘kim khẩu’ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nội dung về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
"Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc" - Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Đoạn ‘mào đầu - chapeau’ ở các báo cũng chung ý rằng, "Không để lọt vào trung ương cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc" - đó là nhấn mạnh của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Bài viết có ‘kim khẩu’ như trên của ông Nguyễn Phú Trọng khá dông dài, lên tới gần 6.100 từ, với lối diễn đạt giống như bài báo xã luận duy ý chí của người viết. Đáng chú ý là trong đó ông Nguyễn Phú Trọng không lập luận trên căn cứ của hệ thống pháp luật hiện hành cho các vấn đề mà như báo chí đã nhấn mạnh ở phần tít tựa : "Không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc".
Có thể tạm diễn nôm ý tứ của ông Nguyễn Phú Trọng, là cần hết sức cẩn thận khi chọn cơ cấu nhân sự là những đảng viên giàu nhanh với việc sở hữu nhiều bất động sản, tài sản toàn đứng tên của thân quyến, nhưng thực ra toàn bằng tiền bạc lại đích thị của chính cá nhân đảng viên đó.
Thật ra ở đây ông Nguyễn Phú Trọng chỉ cần ngắn gọn câu từ, khi yêu cầu phải công khai trước bàn dân thiên hạ tất cả các bản kê khai tài sản của đảng viên nằm trong sách dự tính ‘cơ cấu’. Người dân chỉ cần giở Luật phòng, chống tham nhũng ra để ‘soi’ các bản kê khai tài sản này, là không phải ngại chi tới đe dọa hăm he bắt bớ của Luật An ninh mạng.
Nếu quả tình ông Nguyễn Phú Trọng thật sự muốn có được bản danh sách đảng viên trong sạch về tài sản, và bảo đảm luôn những đảng viên sau khi ‘ngã ngũ’ ghế trong các ban bệ hậu Đại hội 13 vẫn giữ được liêm khiết, thì cách tiện nhất là bãi bỏ việc buộc các tờ báo phải hành nghề theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được thêm những kênh truyền thông giúp đảng chính trị của ông luôn giữ được sự trong sạch, nếu như ông tự tin để bãi bỏ luôn sự độc quyền báo chí ; nghĩa là mở cửa thị trường báo chí cho tư nhân cạnh tranh sòng phẳng. Và khi vận dụng những điều luật để chế tài quyền ngôn luận của báo chí tư nhân lẫn báo chí quốc doanh, thì phán quyết phải đến từ tòa án, chứ không phải là những quyết định mang tính mệnh lệnh hành chánh của cơ quan công an ở hiện nay, ví dụ như trong chuyện Luật An ninh mạng, chẳng hạn.
"Tôi nghĩ rằng phát biểu của cụ tổng mới chỉ là vế đầu, của yêu cầu ‘không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản mà không rõ nguồn gốc’. Trên thực tế, khi lọt vô được nhóm danh sách lên tới 200 cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thì người ta mới thực sự có thể giàu nhanh với nhiều tài sản ‘tránh né nguồn gốc’.
Vụ cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Bắc Son nhận va-ly chứa ‘tiền tươi’ là 3 triệu Mỹ kim cho mỗi chuyện ‘chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG’, cho thấy làm giàu thời hậu Đại hội Đảng mới là điều đáng để bàn dân thiên hạ săm soi". Một nhà báo từng ‘theo’ mảng An ninh nội chính của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét như vậy.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 27/04/2020
*********************
Bài viết mới nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có tựa đề "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Quốc hội hôm 2/11/2018. AP - Hình minh họa.
Trong bài viết này, người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam yêu cầu Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương trong thời gian tới tập trung nhiều hơn cho công tác nhân sự và lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII.
Theo yêu cầu vừa nêu, ông Trọng nhấn mạnh rằng kiến quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc, mà được viện dẫn với câu thơ Kiều của thi hào Nguyễn Du "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Song song đó, ông Trọng cũng khẳng định kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương khóa XIII những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Trước đó, hồi trung tuần tháng 3, khi chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng và trong vai trò Trưởng Tiểu ban, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng công tác nhân sự Đại hội XIII gắn liền với sự sống còn của Đảng và chế độ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống từng lên tiếng với RFA rằng Đảng cộng sản Việt Nam muốn nâng cao uy tín lãnh đạo đất nước cũng như tạo niềm tin cho hơn 90 triệu người dân thì điều cần thiết phải làm trong Đại hội Đảng XIII là có những thay đổi quan trọng về tổ chức Đảng cũng như đường lối, quyết sách vì vận mạng của đất nước, chứ không thể tiếp tục đi theo lối mòn từ trước đến nay.
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, vào tối ngày 27/4 bày tỏ với RFA rằng một số người quan tâm đến chính trường Việt Nam mà ông quen biết và cả bản thân ông thật sự rất thất vọng qua bài viết mới nhất dài khoảng 7000 chữ của ông Trọng vừa được phổ biến một ngày trước đây.
"Những yêu cầu của ông Trọng nêu ra chỉ là lý thuyết và toàn là những chuyện ai cũng biết cả. Tôi đọc kỹ bài viết của ông Trọng thì tôi thấy cũng là những điều cũ rích thôi. Cũng chuyện về Marx-Lenin. Cũng kiên trì đường lối của các ông ấy. Thế thì có thay đổi được cái gì ? Tôi nói về cách chọn cán bộ của các ông, bằng cách quy hoạch. Các ông chọn vào một số theo quy hoạch, chứ không phải chọn rộng rãi. Không phải các ông chọn lựa một cách dân chủ để cho người ta tranh luận, người ta tranh cử. Quan trọng của việc bầu cử vào Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị là phải tranh cử. Ông Trọng to mồm nói rằng là phải dân chủ, nhưng cách làm của các ông chẳng có dân chủ gì cả. Thành ra ông Trọng đề ra tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia, nhưng cuối cùng là tiêu chuẩn cao nhất hợp với ý của các ông ấy mà thôi".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ trong thời gian mấy năm vừa qua. Thế nhưng, giới quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước đều cho rằng đó chỉ là công cuộc "đốt lò"-đấu đá phe nhóm mà ông Trọng đang ra sức để củng cố quyền lực của mình.
Từ Paris, Pháp, vào ngày 27/4, ông Nguyễn Gia Kiểng, thuộc Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, nói với RFA về ghi nhận của ông sau khi đọc bài viết mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng liên quan nhân sự Đại hội Đảng XIII của Đảng cộng sản Việt Nam :
"Cũng phải nhìn nhận số cán bộ bị kỷ luật hoặc bị đem ra xử án và bị cầm tù nhiều hơn trước. Theo trong bài viết của ông Trọng thì có gần 100 người, tức là một con số lớn hơn trước đây. Thế nhưng chúng ta đừng quên khẩu hiệu chống tham nhũng từng có mấy chục năm nay rồi. Thành ra phải hiểu rằng việc chống tham nhũng thì quả nhiên có tăng cường từ 5 năm nay. Tuy nhiên sự gia tăng của những bản án chống tham nhũng và các biện pháp kỹ luật có thật sự phản ánh quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam chống tham nhũng hay không hay là chỉ biểu lộ sự đấu đá phe phái ngày càng trở nên trầm trọng ?"
Ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên vấn đề mà nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng từng khẳng định với RFA rằng :
"Truyền thống của người cộng sản Việt Nam qua nhiều năm là mỗi kỳ Đại hội Đảng là sự đấu đá giữa các phe phái, phe nào mạnh hơn, phe nào yếu hơn ta thấy rất rõ".
Và nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng xác quyết :
"Đấy là những lúc thanh trừng bằng các chiến dịch như đốt lò củi. Những nhân vật bị thanh trừng đều thuộc nhóm người khác, những người không bị đụng tới sẽ thuộc một nhóm mới. Trên cơ sở đó, có thể một số thông tin rò rỉ là để chúng ta thấy rõ những dàn xếp cho việc chuẩn bị nhân sự thực ra là thanh trừng phe nhóm".
Ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm của ông về sự đấu đá nội bộ tại Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam :
"Sự tham nhũng đã trở thành bản chất của Đảng Cộng sản. Và nếu cần buộc tội bất cứ ai về tội tham nhũng, cần xử án ai 10 năm hay 20 năm tù về tội tham nhũng thì có thể xử bất cứ một cán bộ nào. Cho nên có thể một người bị đưa ra tòa, bị phạt án tù trong lúc này về tội tham nhũng chỉ vì họ thuộc về phe thua mà thôi, bởi đang có một sự đấu đá đang rất dữ dội trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Chính bài viết này và ai đọc qua bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng cũng thấy có sự đấu đá nội bộ rất nghiêm trọng".
Ông Nguyễn Gia Kiểng lập luận rằng Đại hội Đảng XIII là khúc quanh của Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì, bắt đầu từ Đại hội Đảng XIII, Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một chính đảng của nhân dân Việt Nam đã đành, mà cũng không phải là một chính đảng của 5 triệu đảng viên nữa. Ông Nguyễn Gia Kiểng nhấn mạnh "Đó chỉ là một cơ quan trong bộ máy cầm quyền của một nhóm người chung quanh ông Nguyễn Phú Trọng".
Còn Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng Đại hội XIII sẽ không có gì là mới mẻ, trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tại vị :
"Tôi nói rằng cách bầu cử như thế, đường lối như thế thì chỉ chọn ra tập hợp một số người chủ yếu là bọn cơ hội có nhiều mưu mô, chứ không chọn được những người có tài năng thực sự vì những người này đã bị loại ngay từ vòng đầu rồi. Cán bộ cũng như vậy. Đường lối cũng thế thôi. Thành ra những hy vọng vào Đại hội Đảng XIII cho đến bây giờ thì chẳng có gì. Còn tiếp theo nữa thì chưa biết. Khi mà ông Trọng đang nắm toàn bộ quyền hành để điều khiển thì Đại hội Đảng XIII này rồi cũng chẳng có chuyện gì mới lạ".
Trong khi đó, Đài RFA ghi nhận có không ít ý kiến trong giới quan sát tình hình Việt Nam tiên liệu rằng Đại hội Đảng XIII sẽ diễn ra tùy thuộc vào sức khỏe của ông Tổng Trọng, như nhận định của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng với RFA, trước khi ông bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ hồi hạ tuần tháng 11/2019.
Nguồn : RFA, 27/04/2020
************************
Dịch Covid-19 không làm giảm được ‘dịch tham nhũng’ ở Việt Nam
VOA, 27/04/2020
Dư luận Việt Nam hiện không chỉ quan tâm đến con số người nhiễm Covid-19 tăng hay giảm, mà cũng đang rất chú ý đến tin tức về hàng loạt cơ quan y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ tham nhũng bằng cách "thổi giá" máy móc phục vụ việc chống dịch.
Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp bị tố bán khẩu trang giá cao đã bị đình chỉ công tác và chức vụ. Ảnh : TL
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói với VOA rằng ông không ngạc nhiên về điều này vì tham nhũng là "thuộc tính của chế độ" ở Việt Nam, với thực trạng là các quan chức "không từ bất cứ thứ gì, kể cả dịch bệnh, để kiếm chác".
Như tin đã đưa, hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam khởi tố và bắt giam viên giám đốc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng 6 nghi phạm khác, với cáo buộc rằng nhóm người này "câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị" khi mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động Covid-19, gọi tắt là máy Realtime PCR.
Việc làm của nhóm bị quy là "gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng" cho nhà nước, theo Bộ Công an.
Dẫn lại thông tin từ cơ quan điều tra, các báo trong nước nói máy Realtime PCR khi nhập về Việt Nam có giá trên dưới 2 tỉ đồng, nhưng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã mua với giá cao gấp 3 lần, là 7 tỉ đồng.
Trong vòng ít ngày sau khi công an bắt nhóm nghi phạm ở Hà Nội, báo chí cho hay một loạt cơ quan y tế ở ít nhất 6 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam, đã mua cùng hệ thống máy với giá từ 5,9 tỉ đến 8,4 tỉ.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo kỳ cựu Quốc Phong, từng là Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, gọi vụ gian lận và nâng giá máy xét nghiệm là "ăn bẩn tàn bạo" và đáng "căm phẫn".
Trong các diễn đàn trên mạng như Góc nhìn Báo chí - Công dân, xuất hiện một số cuộc thảo luận về đề tài này với nhiều lời lẽ phẫn nộ lên án "đám cán bộ tham nhũng lợi dụng dịch bệnh để ‘ăn’ tiền ngân sách".
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA rằng vụ này, cũng như bất cứ vụ tham nhũng nào khác từ trước đến nay, đều có gốc rễ là "cơ chế độc đảng, không bị đối lập và xã hội dân sự giám sát, phản biện". Ông nói thêm :
"Quan chức toàn quyền làm mọi việc. Cho nên họ thấy cái gì ăn được là họ ăn. Tức là cơ chế của chế độ này tạo điều kiện cho mọi người tham nhũng. Mua sắm bất cứ cái gì cho nhà nước, bỏ tiền nhà nước ra mua thì đều có chuyện nâng giá, kê giá lên hết. Và chuyện mua máy xét nghiệm đều không nằm ngoài cái chung đó".
Trong khi những người sử dụng mạng xã hội yêu cầu nhà chức trách điều tra các quan chức y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ lợi dụng dịch Covid-19 để tham nhũng, báo chí đưa tin rằng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ở các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam vẫn tiếp tục đàm phán để giảm thêm giá mua các máy xét nghiệm, dù các máy đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng.
Cùng lúc, vẫn theo báo chí trong nước, một số tỉnh, thành khác trong đó có Hải Phòng và Bắc Giang, nói rằng họ đã lắp đặt và sử dụng máy xét nghiệm Realtime PCR nhưng đó là máy họ "mượn được" của doanh nghiệp.
Dịch bệnh làm nhiều người dân phải tìm đến cứu trợ, trong khi một số quan chức có thêm cơ hội tham nhũng
Các thành viên diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân đưa ra nhận định rằng việc doanh nghiệp "cho mượn" hoặc còn tiếp tục đàm phán giảm giá máy xét nghiệm đã được lắp đặt và sử dụng là điều "vô lý", vì đây là loại hàng giá trị cao và thuộc danh mục "kinh doanh có điều kiện" theo quy định của luật.
Vẫn theo các thành viên diễn đàn, những động thái kể trên dường như là cách đối phó của các cơ quan y tế ở một số tỉnh do lo lắng sau khi công an bắt các nghi phạm tham nhũng ở Hà Nội.
Mặc dù vậy, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người thường xuyên lên tiếng trên internet để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, việc bắt bớ hồi tuần trước chỉ là một show diễn của chính quyền, không có tác dụng thực tế về chống tham nhũng. Ông nói với VOA :
"Nói chống tham nhũng là nói cho vui và để đẹp mặt chế độ thôi. Số người lộ liễu quá phải chống, phải đánh, phải triệt phá để cho thấy chế độ này không dung dưỡng tham nhũng, nhưng bản chất nó đã tham nhũng rồi. Vừa rồi chỉ là giải quyết cái ngọn để thỏa mãn áp lực của dân chúng. Nay bắt người này, mai bắt người khác chỉ toàn là chuyện làm trên ngọn".
Ông Chênh, người từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải thưởng Công dân mạng, khẳng định với VOA rằng để chống tham nhũng hiểu quả phải có đảng đối lập và xã hội dân sự mạnh.
Giữa lúc công luận xôn xao và bức xúc về việc nhiều tỉnh mua máy xét nghiệm lên đến khoảng 7 tỉ đồng mỗi máy, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay hôm 27/4 rằng doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, hay còn gọi là Cường "đô la" đã tặng Sở Y tế tỉnh Gia Lai một máy xét nghiệm cùng loại có giá chỉ 2 tỉ đồng vào ngày 10/4.
Nhưng đó chưa phải là mức giá thấp nhất vì một bản tin của Dân Việt hôm 26/4 dẫn lời ông Đỗ Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh này mua máy xét nghiệm với giá chỉ 1,5 tỉ đồng. Ông Hùng nói rằng mức giá 7 tỉ đồng mà CDC Hà Nội trả là "quá cao" và "không chấp nhận được".
Hiện chưa rõ số tiền cụ thể các tỉnh chi để mua máy xét nghiệm là bao nhiêu. Về tổng kinh phí phòng chống dịch Covid-19, báo chí Việt Nam dẫn lời lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi là khoảng 3.000 tỉ đồng.
Những công chức y tế tham nhũng bị xem là những "con quạ đen" làm xấu đi hình ảnh của ngành
Trong số tiền đó, một phần dành cho mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Phần còn được dùng để trả phụ cấp cho các lực lượng tham gia chống dịch, và hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch này, như chi tiền ăn cho hàng chục ngàn người bị cách ly.
Báo cáo về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hồi tháng 1 năm nay cho thấy Việt Nam đứng ở vị trí 96 trong bảng xếp hạng gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là đạt chỉ số cao nhất kể từ năm 1997 trở lại đây, nhưng vẫn nằm trong số các quốc gia có nhiều tham nhũng.
Nguồn : VOA, 27/24/2020
********************
Diễm Thi, RFA, 27/04/2020
Gói hỗ trợ 'khủng'
Hôm 24/4, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng sẽ được chi cho khoảng 20 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.
Một phụ nữ buôn bán trái cây ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2019. AFP
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai quyết định của Thủ tướng chính phủ diễn ra chiều 27/4, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng, gói hỗ trợ này rất quan trọng và chỉ mong đừng để ai bị xử lý về đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật khác vì "đụng" đến gói hỗ trợ này. Nếu có thì sẽ là nỗi nhục của các đồng chí cán bộ.
Luật sư Đặng Hùng Dũng chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :
"Các quan chức thì biết rồi, họ ăn nói kém lắm. Gói hỗ trợ này mới được thông qua thôi. Cũng phát mẫu điền cho dân nhưng thật sự chưa có ai nhận được cả. Người dân thì rất tự trọng, phải làm đủ thứ giấy tờ để nhận tiền thì nhiều khi họ không làm. Thành ra đừng nghe những gì các ông ấy nói mà chờ xem các ông ấy làm. Mà chờ các ông ấy làm thì còn bao nhiêu là những cái tiêu cực. Họ nói một đằng làm một nẻo.
Ở đất nước này thì nhà nước cũng hình dung những chuyện như vậy. Còn người dân thì họ cũng ngán ngẩm lắm, họ tự kiếm sống chứ chẳng chờ mong gì ở những cái gọi là cứu trợ khẩn cấp mà chẳng thấy làm gì khẩn cấp cả".
Vị luật sư này nhận định gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng là gói hỗ trợ khủng. Nhà nước cũng biết trong mùa đại dịch sẽ có những vụ tiêu cực nhưng không thể tránh. Vụ người đứng đầu và các viên chức ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) nâng khống tiền mua máy xét nghiệm là vụ mới nhất.
Hôm 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc CDC Hà Nội, Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm với lý do thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19.
Theo điều tra ban đầu, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng, chi phí bảo trì… Các hệ thống Realtime PCR tự động đã được CDC Hà Nội kê giá lên hơn 7 tỷ đồng/hệ thống, cao gấp 4-5 lần so với giá thị trường.
Với cái nhìn của một nhà báo độc lập, ông Ngô Nhật Đăng phân tích câu nói của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung theo hai hướng :
"Có thể nhìn theo hai cách. Cách thứ nhất họ biện minh cho việc chính phủ đã hết tiền, không có tiền hỗ trợ cho người dân. Trong lúc cách ly xã hội, những người tổn thương nhất là thành phần dân nghèo mà họ lại chưa nhận được cứu trợ.
Cái thứ hai nữa là câu nói ‘nỗi nhục của các cán bộ. Chúng ta thấy thêm một cái tai hại về ý thức hệ của nhà cầm quyền cộng sản. bao giờ họ cũng nghĩ họ đứng ở một tầng lớp khác cao hơn nhân dân, chỉ có họ mới biết dân cần gì và những gì họ làm cho dân đều là sự ban ơn. Họ không bao giờ nghĩ đến dân cả.
Tôi nghiêng về cái nhìn nhà nước đã hết tiền, không còn những khoản tiền cứu trợ cho xã hội nữa, hơn là về mặt đạo đức, tức ngăn cản cán bộ tham nhũng".
Sẽ không tham nhũng theo cảnh báo của Bộ trưởng ?
Người dân Việt Nam không lạ gì với tình trạng "ăn của dân không chừa thứ gì", cho dù đó là những khoản tiền cho liệt sĩ hay tiền cho người già, trẻ em, người nghèo khổ.
Người ta còn nhớ vụ 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không hài cốt, chỉ chứa túi nilon đựng đất đá và không tìm thấy hồ sơ quy tập. Trong khi thân nhân của các liệt sĩ ngỡ ngàng trong ngày khai quật các ngôi mộ này (23/11/2019) thì lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn nói có thể hài cốt để lâu hóa thành đất.
Cuối tháng 9 năm 2019, dư luận Việt Nam bày tỏ bất bình trước tin 8 cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tuồn hàng do các đoàn từ thiện tặng cho trung tâm nhân dịp Trung thu, ra bên ngoài khi trời tối và bị phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí.
Trước đó 3 tháng, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phát hiện một số cán bộ sở này làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm biển thủ hơn một tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho Quỹ hỗ trợ trẻ em.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nói với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên vì thực ra trước đây cũng có một vài vụ về chuyện biển thủ tiền như tiền hỗ trợ cho người nghèo, tiền hỗ trợ cho người khuyết tật…
Với đại dịch Covid-19, liệu có xảy ra tham nhũng gói hỗ trợ người nghèo hay không khi chính Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cảnh báo cán bộ cấp dưới ?
Luật sư Đặng Hùng Dũng nêu quan điểm của ông :
"Tôi không tin họ không ‘đụng’ đến vì tất cả đều có tiêu cực. Họ sẽ đụng đến. Chính phủ cũng đã hình dung và răn đe rồi nhưng dĩ nhiên là ai cũng mong gói cứu trợ này sẽ đến tay người dân. Cứu trợ, cứu đói vài ngày cũng là một điều tốt. Ai cũng mong những gì họ nói thì sẽ làm cho người dân".
Còn nhà báo Ngô Nhật Đăng nêu một thực tế, tất cả những cứu trợ đều do người dân tự giác giúp đỡ lẫn nhau. Các mạnh thường quân gom góp cứu trợ như phát gạo, phát quà cho người khó khăn... hoàn toàn do lòng hảo tâm của người dân. Nhà nước làm những cái mà người dân gọi là ‘mượn hoa cúng Phật’.
Cả luật sư Đặng Hùng Dũng lẫn nhà báo Ngô Nhật Đăng đều dẫn câu nói của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11 tháng 9 năm 2013 :
"Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 27/04/2020
Luật Công an mới ‘có lộ trình giảm tướng’ (BBC, 20/11/2018)
Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Công an với số lượng cấp tướng có giảm 6 người so với yêu cầu của Bộ Chính trị.
Bộ máy cơ cấu Bộ Công an quá cồng kềnh ?
Được biết hơn 85% tổng số đại biểu có mặt (416/464) tán thành, với 40 đại biểu đã biểu quyết không tán thành.
Kết quả biểu quyết riêng Điều 25 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có 104 vị không tán thành, 7 người không biểu quyết.
Kết quả biểu quyết riêng một điều quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an có 104 đại biểu không tán thành, 7 người không biểu quyết, chỉ đạt gần 73%.
Điều 25 dự thảo luật này nói chỉ có 1 đại tướng, không quá 6 thượng tướng, 35 trung tướng, 157 thiếu tướng, tức là tổng cộng cả bốn hạng mục là 199 người có quân hàm cấp tướng.
Với trần cấp tướng do Bộ Chính trị cho phép là 205, điều này có nghĩa là luật sửa đổi được thông qua có số lượng cấp tướng sẽ giảm 6 người so với yêu cầu.
Tuy nhiên, truyền thông trong nước nói báo cáo giải trình không cho biết số lượng cụ thể tại luật mới là bao nhiêu và đã giảm được bao nhiêu so với quy định hiện hành.
Tin giản biên chế - cuộc cách mạng bộ máy Việt Nam ?
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trong kỳ họp Quốc hội hồi giữa năm nay từng khẳng định việc phong tướng khi sửa Luật Công an nhân dân sẽ không vượt trần.
Việc thông qua Luật Công an Nhân dân đã được sửa đổi diễn ra trong bối cảnh một đại biểu Quốc hội mới đây nói "Nhiều ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế".
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) hồi đầu tháng 11 nói "những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều" và "người dân rất quan tâm đến uy tín, vị thế của tướng lĩnh, nhất là khi một số cán bộ cấp cao vi phạm".
Năm 2018 chứng kiến số lượng cao chưa có tiền lệ các tướng công an bị kỷ luật Đảng, bị bắt giam, khởi tố và phạt tù.
Dư luận hiện đang quan tâm tới vụ xử hai tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ.
Cây bút Trương Huy San hôm 20/11 trên Facebook cá nhân viết : Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hóa của các cá nhân đơn lẻ. Nó được "báo cáo", "bút phê" từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó.
"Bỏ tù tướng Vĩnh, tướng Hóa là cần thiết nhưng nếu Bộ Công an không sửa ngay từ gốc, xác lập trách nhiệm chính với tổ quốc, với nhân dân là giữ gìn an ninh thì trong tương lai không chỉ có một bộ đôi "Hóa - Vĩnh"", ông Trương Huy San, còn được biết tới dưới bút danh Huy Đức, viết.
Nhiều tướng lĩnh ngành công an bị kỷ luật, bắt giam hoặc ra tòa trong năm 2018
Hồi cuối tháng Bảy năm nay tòa tại Hà Nội tuyên phạt ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, người được cho là có quân hàm thượng tá công an, 9 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Cựu Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an bị phạt 7 năm tù và ông Nguyễn Hữu Bách, cựu cán bộ Bộ Công an, nhận mức án 6 năm trong trách nhiệm liên đới từ vụ xử này.
Cũng trong tháng Bảy, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và và giáng cấp bậc hàm đối với ông Bùi Văn Thành, người có hàm Thứ trưởng Bộ Công an.
Cùng với Trung tướng Thành, Bộ Chính trị khi đó nói Thượng tướng Trần Việt Tân đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
******************
Luật Phòng chống tham nhũng, điểm mới và tính khả thi (BBC, 19/11/2018)
Quốc hội Việt Nam chuẩn bị thông qua Luật Phòng chống Tham nhũng sửa đổi với những điểm mới trước các băn khoăn về tính khả thi.
Luật Phòng chống tham nhũng được thông qua kỳ này có giúp công tác chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam hiệu quả hơn ?
Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi là một trong bảy bộ luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ sáu.
Theo đó, có ba điểm mới trong Luật này được cho là làm 'nóng nghị trường' về tính khả thi, bao gồm việc xử lý tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, và kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ công chức.
'Lấn' sang khu vực tư nhân
Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh so với luật hiện hành.
Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp "ngoài nhà nước" do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập sẽ buộc phải sử dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Trịnh Xuân Thanh là một trong các quan chức cấp cao bị xét xử vì tham nhũng
Quy định này cũng đúng cho các tổ chức thường xuyên huy động đóng góp của nhân dân để làm từ thiện, các công ty đại chúng và tổ chức tín dụng.
Băn khoăn của các đại biểu Quốc hội là việc mở rộng đối tượng sẽ được thực hiện thế nào khi ngay trong khu vực nhà nước còn làm chưa tốt.
Có ý kiến của đại biểu cho rằng chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh trong khi công tác phòng chống tham nhũng chưa được làm tốt trong khu vực nhà nước. Do đó cần tập trung vào khu vực nhà nước để tập trung nguồn lực.
Ngoài ra, sẽ là chồng chéo vì đã có Bộ luật Hình sự để xử lý đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài Nhà nước.
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định kiểm soát tài sản, thu nhập ủa khu vực "ngoài nhà nước" có thể sẽ tạo tiền đề để lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Chính phủ đưa ra hai phương án để xử lý tài sản không rõ nguồn ngốc : đưa về thuộc sở hữu nhà nước, hoặc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.
Nhiều ý kiến cho rằng vi phạm thì cần xử lý, nhưng các xử lý như thế nào là hợp lý thì cần phải xem xét.
Một trong các lý lẽ được đưa ra là căn cứ vào truyền thống tích lũy tiết kiệm của người Việt. Tài sản của một cán bộ, công chức có thể được hình thành tư nhiều nguồn khác nhau, như tiết kiệm, từ kế, được tặng, cho...
Thế nào "giải trình không hợp lý" về nguồn gốc số tài sản này cũng cần được giải thích rõ ràng.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức ?
Theo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ được kiểm soát tài sản, thu nhập của Giám đốc sở và các chức vụ tương đương trở lên tại bộ, các cơ quan ngang bộ, v.v..
Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương mình.
Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách, v.v...
Nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường thời gian qua cho rằng việc giao cho các đơn vị chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết.
Nhưng việc này cũng khiến bộ máy, biên chế của cơ quan thanh tra trở nên nặng nề, cồng kềnh để đáp ứng các yêu cầu mới. Còn nếu giữ nguyên bộ máy cũ và làm thêm việc mới thì sẽ quá tải.
Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần mở rộng đối tượng cần kê khai tài sản, không chỉ của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên mà còn cả cha, mẹ, con thành niên, ông, bà nội của cán bộ.
Về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt giải thích rằng trên thực tế, con, bố mẹ, ông bà của nhiều cán bộ ở nhiều địa phương sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ, xe sang, dự án lớn, theo tường thuật của VnExpress.
Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, cho rằng việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ khiến số lượng cần kê khai quá lớn, vượt quá kiểm soát của cơ quan chức năng.
*********************
Luật chống tham nhũng sửa đổi vẫn không có quy định xử lý tài sản bất minh (RFA, 20/11/2018)
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi hôm 20 tháng 11, với tỷ lệ 93,20% tán thành.
Ảnh minh họa : Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018. AFP
Đây là lần thứ tư Luật phòng chống tham nhũng được sửa đổi kể từ lần đầu được thông qua vào năm 2005.
Ba điều luật được sửa đổi trong lần này là điều 30, 64 và 80.
Cụ thể, điều 30 quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, điều 64 quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và điều 80 quy định áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp.
Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Điểm mới là kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/7/2019, tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Trước đây chỉ cán bộ từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải kê khai tài sản.
Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này có quy định, kê khai tài sản thiếu trung thực sẽ bị xử lý về mặt đảng và nhà nước. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ tịch thu, xử lý, nếu có dấu hiệu trốn thuế sẽ xử lý theo luật thuế.
Cũng trong ngày 20 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã bế mạc kỳ họp thứ 6 sau khi thông qua 9 luật, lấy ý kiến về 6 dự án luật.
Phát biểu trong lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau gần một tháng làm việc dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. Và quan trọng nhất theo bà là Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
**********************
Việt Nam thông qua Luật Đặc xá sửa đổi để đáp ứng ‘nhu cầu’ đối ngoại (VOA, 20/11/2018)
Chiều ngày 19/11, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá sửa đổi với kết quả biểu quyết tán thành hơn 92% và có hiệu lực vào 1/7/2019.
Các nhà hoạt động Việt Nam tại một phiên xử vào tháng 4/2018.
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng Luật đặc xá sửa đổi năm 2018 so với Luật Đặc xá năm 2007 có mở rộng việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt, đáp ứng yêu cầu về chính trị, đối nội, đối ngoại của đất nước.
Điều 22 của Luật Đặc xá sửa đổi nêu rõ : "Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân…"
Theo một báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổng kết Luật Đặc xá trong 10 năm qua cho biết chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết rõ 14 người đó là những ai.
Theo một nguồn tin ngoại giao, vào năm 2014, khi đang thụ án tù chung thân, ông Nguyễn Hữu Cầu, một cựu sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã được chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký lệnh đặc xá sau 32 năm bị giam cầm, và cũng trong năm 2014, thầy giáo và là nhà hoạt động nhân quyền Đinh Đăng Định ở Đak Nông cũng được đặc xá vì mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối.
Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Photo HRW
Luật Đặc xá sửa đổi 2018 không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà nước, tội chống phá cơ sở giam giữ, ngoài tội phản bội tổ quốc, gián điệp, khủng bố, lật đổ chính quyền, xâm phạm an ninh lãnh thổ.
Theo quy định của Luật Đặc xá sửa đổi, Chủ tịch nước có quyền quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của quốc gia. Tuy nhiên, luật sửa đổi có bổ sung quyền xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước.
"Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, và người đang chấp hành án phạt tù chung thân…" theo Báo Lao Động.
Nhận định về việc đặc xá theo "nhu cầu đối ngoại của đảng và nhà nước", nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng viết cho VOA : "Chưa bao giờ khẩn thiết như lúc này - bối cảnh mà nợ nước ngoài đã vọt đến hơn 200 tỷ đôla, ngân sách hộc rỗng và lâm vào cảnh vỡ nợ, hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã gần như cạn kiệt và các nguồn ‘ngoại viện’ như viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đã trở nên ngàn trùng xa cách tầm với của Đảng".
Đây là lần đầu tiên từ khi Luật Đặc xá được thông qua vào tháng 11/ 2007, luật này mới được bổ sung cơ chế đặc xá cho những tù chính trị ‘phạm tội an ninh quốc gia’ mà giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và nhiều người dân gọi là tù nhân lương tâm.
Gần đây có một vài trường hợp tù nhân chính trị được cho là được "đặc xá" do "nhu cầu đối ngoại" là nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng, thành viên đảng Việt Tân, bị tống xuất sang Pháp vào tháng 7/2017 ; Nguyễn Văn Đài, Hội Anh em Dân chủ bị tống xuất sang Đức vào tháng 6/2018, và Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tống xuất sang Mỹ vào tháng 10/2018.
Chính quyền Việt Nam gọi những vụ phóng thích tù nhân chính trị này là vì "lý do nhân đạo" và tạm hoãn việc thi hành án tù đối với các nhà tranh đấu.
Truyền thông quốc tế nhận định rằng những vụ trao đổi tù nhân lương tâm này là những mặc cả của Hà Nội đối với các nước phương Tây để đổi lấy những mối lợi về thương mại và kinh tế.
Một trường hợp khác, không phải là tù nhân chính trị là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), hiện thụ 2 án tù chung thân tại Việt Nam về tội tham ô tài sản, đang được chính phủ Đức yêu cầu phóng thích để Berlin giải quyết đơn xin tị nạn của ông, sau khi ông bị bắt cóc tại Đức vào năm ngoái.
****************
Tướng Phan Văn Vĩnh và lời khai về lãnh đạo (BBC, 20/11/2018)
Phiên tòa xử ông Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cùng tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng C50 và những "đồng phạm" trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đang diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Những lời khai của tướng Phan Văn Vĩnh tạo bàn luận nhiều trên mạng xã hội
Chuyên đề về chiến dịch 'đốt lò tham nhũng' của ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Khung hình phạt theo quy định cho tội danh này là từ 5-10 năm tù.
Lời khai nhắc đến Đại tướng Trần Đại Quang
Bài báo ngày 19/11/2018 trên tờ Thanh Niên nói theo cáo trạng, đầu năm 2016, ông Nguyễn Thanh Hóa trao đổi với Phan Văn Vĩnh về ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) thực hiện.
Ngày 11/1/2016, Nguyễn Văn Dương, khi đó là Chủ tịch CNC, ký báo cáo gửi Nguyễn Thanh Hóa về "kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng".
Ngày 7/3, Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn để Nguyễn Thanh Hóa ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ngày 17/3, Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát.
Ngày 25/3, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê : "Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng".
Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê : "Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng".
"Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20/05/2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an", bị cáo Vĩnh khai trước tòa, theo tờ Thanh Niên.
Không rõ nội dung đầy đủ của bút phê của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang này là gì, nó có bao gồm cả việc đường hướng xử lý vụ việc hay không - Nhà quan sát chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận
Hôm 20/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế giới Luật pháp, nói với BBC : "Chúng ta không rõ nội dung đầy đủ của bút phê của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang này là gì, nó có bao gồm cả việc đường hướng xử lý vụ việc hay không".
"Nếu bút phê của ông Trần Đại Quang khi đó thể hiện rõ đường hướng xử lý và giao cho Thứ trưởng Lê Quý Vương phụ trách và chỉ đạo thực hiện thì đúng là đã có chỉ đạo của Bộ trưởng Quang".
"Còn nếu bút phê chỉ thể hiện nội dung giao Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ đạo thì cần làm rõ nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Vương".
'Bỏ lọt tội danh Nhận hối lộ'
Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng bình luận thêm : "Tôi thấy có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội danh 'Nhận hối lộ' đối với ông Vĩnh".
"Với lời khai của ông Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC, là đã đưa cho ông Vĩnh hàng chục tỷ đồng và hàng triệu đô la, đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỷ đồng và thực tế ông Vĩnh đang sử dụng đồng hồ Rolex thì ai cũng biết thì vụ việc có dấu hiệu của tội nhận hối lộ".
"Nhưng không rõ vì lý do gì mà tội danh đó không được đưa ra. Cơ quan điều tra phải sử dụng các nghiệp vụ của mình để điều tra, xác minh xem lời khai của ông Dương có đúng sự thật hay không".
"Cơ quan điều tra không thể trông chờ vào sự thừa nhận của bị can nói chung và ông Vĩnh nói riêng".
"Là tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát thì ông Vĩnh thừa biết phải làm gì để không để lại dấu vết".
"Và không ai đưa và nhận hối lộ mà có ký nhận cả, nên cơ quan điều tra không thể nói đơn giản là "không có bằng chứng chứng minh việc ông Vĩnh nhận tiền của ông Dương và ông Vĩnh cũng không thừa nhận việc nhận tiền" để không khởi tố ông Vĩnh về tội 'Nhận hối lộ'.
"Cái mà người dân muốn biết là cơ quan điều tra đã làm những gì để đi đến kết luận đó. Bởi thực tế ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp có thể sống được mà không chung chi ?"
"Nếu nói một doanh nghiệp doanh thu bất hợp pháp hàng ngàn tỷ đồng mà không chung chi cho cơ quan quản lý Nhà nước thì rất khó tin".
"Cái bất cập pháp luật hiện nay của Bộ luật Tố tụng Hình sự là không quy định rõ là trước khi đi đến kết luận có hành vi tội phạm hay không thì cơ quan điều tra phải thực hiện những bước nghiệp vụ cần thiết nào. Nên trên thực tế, chúng ta không biết được việc "không có dấu hiệu tội phạm" là do cơ quan điều tra không tiến hành điều tra hay là đã tiến hành điều tra và thực hiện tất cả các biện pháp nghiệp vụ nhưng vẫn không xác định được hành vi phạm tội".
'Giá trị lời khai'
Các bị cáo tại phiên tòa
Cùng ngày, nói với BBC từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, bình luận : "Lời khai của tướng Vĩnh cho thấy sự bầy hầy, nhem nhuốc của những người tiếm chức tiếm quyền".
"Cho nên, tôi thấy giá trị của những lời khai trong phiên tòa này là làm cho dư luận xã hội thấy và lên án những người lợi dụng chức vụ, quyền lực để tư lợi cho bản thân, gia đình thì nhiều, làm việc lợi cho dân thì ít".
"Những người này có thể tạo nên một công ty vỏ bọc của một tổng cục công an để kiếm chác".
"Và dường như không chỉ những vị phải ra tòa mà còn là những người khác trong hệ thống".
"Phiên tòa còn cho thấy người dân không dám can dự vào công việc của ngành công an".
"Vấn đề là phiên tòa này sẽ kết thúc với phán quyết thế nào, có khiến cho người ta tin rằng Việt Nam có nền tư pháp thật sự, những quan tòa có nhân cách và dũng khí hay không ?"
Mạng xã hội nói gì ?
Trên Facebook cá nhân, phóng viên Nguyễn Hoài Nam nhận định : "Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang".
Nhà báo Huy Đức nhận xét : "Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là "công ty bình phong" cho C50 mà C50 - Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hóa của các cá nhân đơn lẻ. Nó được "báo cáo", "bút phê" từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó".
Các mốc chính trong vụ này
30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.
Giữa năm 2015, hai ông Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.
20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.
11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
9/4/2018, Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
31/8/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.