Giải thưởng của Mỹ ‘động viên tinh thần’ người Việt (VOA, 29/03/2017)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/3 tôn vinh "sự dũng cảm" của blogger Mẹ Nấm với giải thưởng mà Việt Nam từng nói là "sai trái", nhưng lại được giới hoạt động người Việt, nhất là nữ giới, coi là "một sự động viên tinh thần".
Blogger Mẹ Nấm.
Nhà hoạt động xã hội với tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hiện bị giam giữ ở trong nước, được trao vắng mặt "Giải thưởng dành cho phụ nữ quốc tế can đảm" tại một buổi lễ với sự tham gia của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump tham dự lễ trao giải.
Người phụ nữ có hai con nhỏ ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, được Mỹ công nhận "sự dũng cảm vì nêu lên các vấn đề xã hội dân sự, truyền cảm hứng dẫn tới sự thay đổi ôn hòa, kêu gọi sự minh bạch hơn trong chính phủ và quyền cơ bản của con người, cũng như là một tiếng nói đại diện cho quyền tự do biểu đạt".
Bà Quỳnh được vinh danh gần sáu tháng sau khi bà bị khởi tố và bắt giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", một tội danh mà chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích.
Bốn năm trước, blogger Tạ Phong Tần cũng được Bộ Ngoại giao Mỹ tôn vinh vì sự dấn thân cho các hoạt động xã hội, trong khi đang thụ án tù cũng vì tội "tuyên truyền chống nhà nước" năm 2013.
Trả lời VOA Việt Ngữ từ California, nơi cư trú hiện thời của bà sau khi được trả tự do năm 2015, bà Tần nói bà từng cảm thấy "hãnh diện".
Blogger Tạ Phong Tần được chào đón khi tới Mỹ năm 2015.
Người phụ nữ này nói thêm : "Đấy là một sự động viên tinh thần vô cùng to lớn, vì mình biết rằng sự đấu tranh của mình không đơn độc. Mình không đơn độc trong thế giới văn minh. Ở trong nhà tù, dĩ nhiên mình đơn độc giữa bầy sói cộng sản, nhưng đối với thế giới bên ngoài, mình không đơn độc. Mình vẫn được mọi người quan tâm đến mình. Cả thế giới văn minh quan tâm đến mình".
Về giải thưởng mà Mỹ còn trao cho nhiều nhà hoạt động nữ khác trên khắp thế giới, blogger từng là công an Việt Nam cho rằng bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có lẽ "cũng nghĩ" như bà.
Tuy nhiên, bà Tần nói thêm : "Chúng tôi không ai muốn dấn thân đấu tranh. Là những người phụ nữ, chúng tôi vẫn muốn một cuộc sống bình yên như tất cả mọi người, nhưng cái tình thế nó bắt buộc như thế. Nếu Việt Nam có các quyền cơ bản thì đâu cần ai đấu tranh để mà có cái giải thưởng".
Blogger Mẹ Nấm và con gái năm 2012.
Tới tối ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng về việc Mỹ trao giải cho bà Quỳnh, nhưng trước đây, khi bà Tạ Phong Tần được vinh danh, Hà Nội từng nói rằng "đây là việc làm sai trái, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước".
Khi ấy, báo chí trong nước cũng đồng loạt chỉ trích Washington, và bà Tần nói với VOA tiếng Việt rằng bà biết tin mình đoạt giải cũng nhờ một bài báo lên án hành động của Mỹ trên tờ Nhân Dân.
Tin về giải thưởng dành cho bà Quỳnh được cả Đại sứ Mỹ ở Hà Nội lẫn Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở TP HCM loan đi trên Facebook của hai nhà ngoại giao này sáng 29/3 (giờ địa phương), thu hút hàng nghìn lượt ‘like’ (thích) và hàng trăm comment (bình luận) trái chiều.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội Bùi Thị Minh Hằng nhận xét về "Giải thưởng dành cho phụ nữ quốc tế can đảm" dành cho một người phụ nữ Việt :
"Tôi cho rằng đây là một sự nhìn nhận và động viên rất là kịp thời. Tình trạng mà chị Như Quỳnh hay bất cứ một người nào trong xã hội Việt Nam khi mà lên tiếng nói đấu tranh thì cái sự can đảm nó đều như nhau cả. Tôi thấy là, bên cạnh đó, còn có chị Trần Thị Thúy Nga, hiện nay vẫn đang bị giam cầm [vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước] mà chưa hề có bản án. Tôi cho rằng mỗi người một cách, nhưng tất cả những con người dám đứng lên đấu tranh, dám đứng lên, lên tiếng nói sự thật ở trong một chế độ tà quyền như thế này, thì họ đều là những con người dũng cảm".
Người phụ nữ trực ngôn, mới ra tù hồi tháng Hai vừa qua, nói tiếp : "Bình thường một người nam giới đi hoạt động nó đã vô cùng khó khăn nhưng mà đối với nữ giới chúng tôi, nhất là tình trạng chị em có con nhỏ, thì đấy quả là khỏ khăn vô cùng lớn, và phải có ý chí quật cường như thế nào thì những người phụ nữ đó mới có thể làm những công việc của mình trong suốt một thời gian dài được".
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng khi ra tù ngày 11/2/2017.
Trong khi báo chí trong nước im tiếng về giải thưởng mà bà Quỳnh được Bộ Ngoại giao Mỹ trao, một số người Việt đã lên trang Facebook của Đại sứ Ted Osius và Tổng lãnh sự Mary Tarnowka.
Một Facebooker tên Do Thanh Lam viết rằng giải thưởng là "sự ghi nhận cho Mẹ Nấm" trong khi đó một người khác tên Khai Minh Tran lại nói nó "mang mùi chính trị".
Viễn Đông
*******************
Việt Nam lên tiếng về trường hợp "Mẹ Nấm" (Người Lao Động, 30/03/2017)
Việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ("Mẹ Nấm"), một cá nhân đang bị giam để điều tra hành vi vi phạm pháp luật, là hành động thiếu khách quan, không phù hợp.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ("Mẹ Nấm"), một cá nhân đang bị giam để điều tra hành vi vi phạm pháp luật, là hành động thiếu khách quan, không phù hợp - Ảnh : Nguyễn Hưởng
Chiều 30/3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng phụ nữ can đảm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (được biết đến nhiều nhất dưới cái tên "Mẹ Nấm" trên mạng xã hội Facebook).
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ : "Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước".
Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng cải thiện và đảm bảo quyền con người trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trước đó, ngày 10/10/2016, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã hoàn tất việc khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Các quyết định áp dụng đối với bà Quỳnh đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (37 tuổi, trú phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được biết đến nhiều nhất dưới cái tên "Mẹ Nấm" trên mạng xã hội Facebook. Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2012 đến nay, bà Quỳnh sử dụng Facebook với các tên gọi như : Mẹ nấm, Mẹ nấm Gấu, Nguyen Nhu Quynh và thường xuyên soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân. Tại cơ quan công an, bà Quỳnh khẳng định tự tạo lập và sử dụng, kiểm soát các trang Facebook trên từ trước tới nay, không ai khác tham gia sử dụng chung.
D.Ngọc
Phụ nữ Can đảm quốc tế
Những hoạt động đẩy một phụ nữ trẻ tại Việt Nam vào vòng lao lý lại mang về cho cô "Giải Phụ nữ Can đảm quốc tế" từ nửa vòng trái đất bên kia. Đó là hành trình chông gai, đẫm nước mắt, đánh đổi sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cả sự tự do của bà mẹ đơn thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được thế giới biết đến với bút danh blogger Mẹ Nấm.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Khác với những người bạn trong danh sách được vinh danh Giải thưởng năm nay, người phụ nữ Việt Nam này khiến mọi người quan tâm không chỉ vì cô là người nhận Giải vắng mặt duy nhất trong buổi lễ vinh danh, mà cô là người duy nhất trong số những người nhận Giải năm nay đang bị giam cầm.
Phát ngôn nhân Văn phòng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Grace Choi, nhấn mạnh sự dấn thân của Quỳnh phơi bày tham nhũng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và báo cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam truyền cảm hứng cho giới hoạt động khắp nơi, và nhờ đó, cô trở thành một trong những nhà hoạt động trên mạng nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Bà Choi cho biết Hoa Kỳ nhất mực kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích Quỳnh ngay lập tức. Vẫn theo lời bà, sự công nhận quốc tế dành cho lòng can đảm của Quỳnh sẽ giúp mọi người lưu tâm đến việc làm của cô và hy vọng Giải thưởng này sẽ càng nêu bật vấn đề về tự do ngôn luận tại Việt Nam.
‘Tội nhân’ tại Việt Nam
Cách đây vài tháng, cái tên Mẹ Nấm từng khuấy động chú ý công luận khi cô bị công anh tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt tạm giam hôm 10/10/2016 với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước", theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Biểu ngữ như "Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch",
Trong số những ‘chứng cứ phạm tội’ thu giữ tại nhà Mẹ Nấm được truyền thông nhà nước đăng tải có những biểu ngữ như "Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch", "Khởi tố Formosa", những khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược, cùng tập hồ sơ "Chấm dứt nạn công an giết dân thường" với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo chí nhà nước.
Vụ bắt giữ ngay lập tức khơi dậy làn sóng phản đối từ giới hoạt động nhân quyền trong lẫn ngoài nước và cộng đồng quốc tế.
Hoa Kỳ và các nước Châu Âu ngay lập tức đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ bắt giữ Mẹ Nấm và kêu gọi phóng thích cô ngay lập tức.
Mẹ Nấm là ai ?
Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, cô gái sinh năm 1979 của thành phố biển Nha Trang theo đuổi niềm đam mê học ngoại ngữ và mộng đi đây đi đó làm hành trang vào đời.
Cảnh nhà đơn chiếc, một mẹ một con, khiến Quỳnh phải bỏ ngang ngành học báo chí ở Sài Gòn về học khoa Anh Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Tốt nghiệp cử nhân Anh Văn, cô chấp cánh ước mơ chu du và khám phá thế giới xung quanh bằng nghề hướng dẫn viên du lịch trước khi mở công ty lữ hành cùng với một người bạn.
Vốn tiếng Anh từ 4 năm đại học, cơ hội được tiếp xúc nhiều người nước ngoài trong nghề tour guide đã thôi thúc cô gái miền biển làm quen với internet để trao dồi kiến thức. Và internet chính là bệ phóng đưa cô vượt khỏi không gian thông tin bó hẹp, trải tầm nhìn ra thế giới xung quanh, mở rộng hiểu biết và nhận thức về những gì bị bưng bít.
Từ sự tìm hiểu đó, cô bắt đầu thực hiện những chuyến đi tự mình khám phá thực-hư. Những chuyến đi trốn nhà, tự bỏ tiền túi, dù là thăm các nạn nhân bị tra tấn nhục hình hay đi thực tế tận Lý Sơn để chứng kiến ngư dân Việt chống chọi với tàu Trung Quốc đều đã góp một phần không nhỏ trong quyết tâm của Quỳnh phải lên tiếng vì lẽ phải.
Mẹ Nấm với khẩu hiệu : "Tôi muốn biết"
Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đấu tranh cho những người không có tiếng nói trong xã hội.
Những hoạt động này đã khiến Mẹ Nấm bị ‘nhập kho’ rất nhiều lần, nhưng có thể nói lần bắt giữ vào tháng 9 năm 2009 với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ sau các hoạt động chống Trung Quốc là một ‘dấu mốc.’
Cũng từ đó, sự nghiệp kinh doanh của Quỳnh suy sụp, công ty lữ hành phải dẹp tiệm, hạnh phúc gia đình đổ vỡ lúc con gái đầu lòng, bé Nấm, vừa lên 3. Mẹ con, bà cháu dắt díu nhau làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ bán nước mía, bò bía, cá kho, cho tới phở gõ. Cuộc sống chật vật nhưng Quỳnh không sống cho riêng mình, cô vẫn lặn lội, vẫn dấn thân vì một xã hội có nhân quyền. Bé Gấu, kết quả cuộc hôn nhân thứ nhì, cũng không được sống trong vòng tay bố mẹ như người chị Nấm, cũng bởi vì Mẹ Nấm vẫn tất bật với những hoạt động bị xem là ‘ăn cơm nhà gác ngà voi’ trong xã hội Việt Nam.
Những chuyến con đi lặng lẽ không hề báo trước, những lần đi tìm con ở các đồn công an, những đêm dài thao thức vì sự an nguy của con ‘thân gái dặm trường’ là tất cả những gì bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, có thể xâu chuỗi lại khi kể về con gái mình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, và hai cháu ngoại
Bà Lan kể từ ngày công an ập vào nhà bắt Quỳnh, bà cháu luôn sống trong nỗi sợ hãi. Bà ngoại của Quỳnh, năm nay ngoài 90, luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động ngoài cửa. Bé Nấm trở nên lầm lũi ít nói. Còn bé Gấu liên tục khóc đòi mẹ và giục bà gọi mẹ về. "Cuộc sống của chúng tôi thật sự khó khăn và bị đe dọa khi thiếu vắng Quỳnh", bà Lan chia sẻ.
Những hình ảnh cuối cùng của Mẹ Nấm trước khi bị bắt lần này là những bức hình chụp với hai con, bé Nấm 10 tuổi, bé Gấu 4 tuổi, mang khẩu hiệu phản đối Formosa, kêu gọi bảo vệ môi trường, và yêu cầu giải quyết minh bạch thảm họa hủy diệt môi trường biển miền Trung.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh năm 1979, điều phối viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, cũng là phụ nữ Châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển hồi năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.
Giải Phụ nữ Can đảm quốc tế là giải thưởng hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh các phụ nữ trên thế giới đã chứng tỏ lòng quả cảm ngoại hạng cũng như khả năng lãnh đạo trong việc cổ súy nhân quyền và đặc biệt là nữ quyền, bất chấp gian nguy cho cá nhân. Giải này được thành lập từ năm 2007. Năm 2013, blogger Tạ Phong Tần của Việt Nam từng được vinh danh Giải này khiếm diện trong lúc bà đang thọ án tù 10 năm tại Việt Nam vì tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước.’
Từ nước mắt đến vinh quang, con đường đầy chông gai của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xem ra đích đến vẫn còn xa.
Bà Lan nói con bà sẽ không có tội nếu được sống trong một quốc gia tự do, tôn trọng nhân quyền. Và đối với bà, đó cũng chính là ý nghĩa cốt lõi của Giải Phụ nữ Can đảm quốc tế mà Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng con gái bà năm nay.
Trà Mi
Nguồn : VOA, 30/03/2017