Con đường em đi là con đường của cả dân tộc.
Tôi thảnh thốt trước tiếng kêu cứu của mẹ blogger Mẹ Nấm, bà Nguyễn Tuyết Lan, tiếng gào thét trước án oan của con mình : "Con tôi vô tội, con tôi vô tội, con tôi vô tội...". Để đáp lại tiếng kêu đó là những âm thanh và sự đàn áp, bức hại của lực lượng "công an nhân dân, còn đảng còn mình".
Bà Nguyễn Tuyết Lan – thân mẫu blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đấu tranh gay gắt trước cổng dẫn vào phiên toà. Ảnh blogger Trịnh Kim Tiến.
Tôi đau xót trước tiếng kêu cứu cho người chị, người mẹ tinh thần của chị Trịnh Kim Tiến. Tôi cảm giác như tiếng kêu đó thật thống thiết, nhưng cũng thật cô đơn giữa dòng người qua lại đông đúc và giữa dòng đời trôi dạt vô thường.
Tôi bàng hoàng trước sự ra đi của cháu bé chỉ mới 6 tuổi, tiếng kêu cứu của con đã xé lòng biết bao nhiêu người. Sinh mạng của con đã bị cướp đi bởi một kẻ được gọi là "bảo vệ dân phố". Con đã gục ngã ngay khi con cố gắng chạy thoát khỏi sự bức hại của kẻ thủ ác, nhưng con đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng và mất quá nhiều máu. Chúng tôi, những người đã lớn, những người đã là những người cha người mẹ, là những người ông người bà, chúng tôi nợ những sinh mạng đã phải ra đi như con, chúng tôi đã không bảo vệ được con.
Tôi không khỏi sợ hãi, khi một người bà có thể giết cháu ruột chỉ mới hơn 20 ngày tuổi của mình chỉ vì tin lời thầy bói, một người đã đi đến chặng cuối của cuộc đời mình nhưng không biết nghĩ đến ai và sẵn sàng xâm phạm đến sự sống của người khác.
Tôi khắc khoải trước tiếng kêu cứu của con gái blogger Mẹ Nấm, cháu Nguyễn Bảo Nguyên, cháu đã phải kêu cứu tới đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ, bà Melania Trump: "Xin Bà giúp mẹ con trở về với chúng con". Đáng lẽ ra, tiếng kêu cứu này phải gởi cho những người cha, người mẹ, những người đang cùng thở chung một bầu không khí, cùng uống chung một nguồn nước, cùng nói chung một ngôn ngữ, cùng viết chung những dòng chữ mà tổ tiên để lại, là những người cùng sống chung trong một đất nước hiện tại và cùng nhau đón nhận một tương lai.
Nhưng dường như cháu đã không thể nhận được một hy vọng nào. Tiếng kêu cứu của cháu rơi vào tuyệt vọng, mẹ của cháu, ngày hôm nay, 30/11/2017, đã phải nhận y án 10 năm tù trong phiên tòa phúc thẩm chớp nhoáng. Họ, những người đại diện pháp luật đã đứng trên pháp luật, bất chấp sự lên án của cộng đồng người Việt và quốc tế, họ đã không lắng nghe tiếng kêu cứu của cháu.
Tôi nhìn vào hình ảnh chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đứng trước những quan tòa và bao bọc xung quanh là lực lượng "công an nhân dân", một sự bao vây trấn áp quá lớn cho một nhân cách, một tấm lòng trung kiên với lẽ phải. Chị đại diện cho tình yêu và lòng trung thành, một tình yêu chấp nhận sự hy sinh, một tình yêu chấp nhận quên mình. Chị đại diện cho một điều gì đó rất đỗi giản dị và thuộc về lẽ tự nhiên, của lẽ phải trong mỗi con người. Chị đại diện cho những người mẹ yêu con mình trên hết mọi sự, yêu đến nỗi dám liều mình để rồi để lại cho con mình những di sản như là niềm tin vào công lý, là sự mạnh mẽ không khuất phục trước bạo quyền, là một lương tâm được tôi luyện để không đánh mất bản thân dù bão tố có ập đến, là một niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Tôi cũng nhìn thấy trong chị là sự khắc khoải cô đơn khi con thuyền vượt sóng đại dương của chị còn quá ít người bạn đồng hành. Giá như có nhiều người mẹ yêu con đến tận cùng theo cách của chị, có lẽ giờ này, Việt Nam chúng ta đã không còn những tiếng kêu cứu của những trẻ thơ non nớt, không còn những tiếng kêu cứu, rên xiết của những người bị lũ cuốn trôi, không có nỗi khổ đau đến tận cùng của những người dân oan, của những người chết oan trong đồn công an, và của biết bao bất công của cả gần một thế kỷ nay.
Tôi nhìn thấy hình ảnh em Nguyễn Văn Hóa. Nhìn em bị còng tay ngay trong phiên xử. Tôi cảm nhận em ở một tình cảnh cô đơn vô cùng, một phiên tòa mà không có luật sư bào chữa, một phiên tòa xử trước thời gian thông báo chỉ một ngày, em hoàn toàn như chiên con ở giữa bầy sói. Một nỗi khắc khoải trong cô đơn, với sức sống của tuổi trẻ, với nhiệt huyết và tình yêu dành cho người dân nghèo vùng biển, vốn đang đối diện với cuộc sống vô cùng khó khăn vì sự dung túng của chính quyền khi cho phép Formosa xả thải vượt ngưỡng quy định rất nhiều, với niềm háo hức mong ngóng về tương lai và dấn thân vì tương lai, em đã phải chịu biết bao nhiêu sự đối xử khắc nghiệt, tôi không dám nghĩ tiếp về những gì em đã phải trải qua. Tôi chỉ biết cầu mong cho em kiên cường, rằng em vững tin vào chân lý và tiếng nói của lương tâm. Tôi mong em không cảm thấy cô đơn, và mong em hãy tin là sẽ có những người đang tiếp tục dấn thân để phá tan xiềng xích bủa vây lấy em, bủa vây lấy biết bao nhiêu người lương thiện khác, và bủa vây cả dân tộc này.
Tôi cũng nhìn thấy ở em Phan Kim Khánh, một người sinh viên anh tú, một người trẻ đam mê chính trị…những mong ước góp phần cho quê hương hiền hòa hơn, cho những phận người êm ấm hơn, cho những ước mơ được chắp cánh bay cao hơn, và cho những hiện thực là hiện thực của sự thật và công lý ngự trị. Thế nhưng, đáp lại cho những nỗ lực và ước mơ của em, là một lực lượng đại diện cho sự gian trá và tội ác, họ lại tiếp tục chọn lựa đi theo bước đường của sự tăm tối, họ chối bỏ sự sáng, họ chối bỏ bản chất phải có trong con người, họ đã hoàn toàn vong thân.
Và tôi nhìn thấy những người luật sư chân chính, những người luật sư chọn lựa đến với những người nghèo, đến với những người oan trái, đến với những người cô thế. Họ đã lội ngược dòng, đã bứt phá để đứng thẳng lên đi về phía chân lý và lẽ phải. Họ như những đốm sáng giữa màn đêm đen dày đặc. Tôi tin là họ sẽ thắp sáng được cả vùng trời Việt Nam khi họ cùng nhau bước đi, cùng nhau đòi lại công lý cho người dân để luật pháp được thượng tôn cho tất cả mọi người dân Việt.
Tôi đã được lớn lên trong nhận thức bởi những con người quả cảm đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc, bởi những người đã chịu biết bao nhiêu khắc nghiệt vì đã nói tiếng nói của tự do phải có của con người, và bởi những người gần như cả cuộc đời bền chí nhằm đưa ra những tư tưởng nền tảng cho cuộc cách mạng dân chủ của Việt Nam. Tôi sẽ là thành phần kết gắn trong một tổ chức, để có thể cùng tổng hợp sức mạnh và bẻ gãy được xiềng xích mà Đảng cộng sản đã còng vào cổ toàn thể người dân Việt hôm nay.
Những tiếng kêu cứu chỉ có thể được giải cứu khi chúng ta chọn đứng chung vào trong một tổ chức chính trị dân chủ đối lập để làm cho tổ chức đó trở nên hùng mạnh và trở thành một đối trọng thật sự của đảng cộng sản Việt Nam.
Việt Lữ
(02/12/2017)
Blogger Mẹ Nấm y án 10 năm tù sau phiên phúc thẩm (RFA, 30/11/2017)
Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo quy kết "tuyên truyền chống nhà nước" ở phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 30/11/2017.
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hoà ngày 30 tháng 11 năm 2017. - AFP
Bào chữa cho blogger Mẹ Nấm trong phiên tòa phúc thẩm gồm có ba luật sư là các ông Nguyễn Hà Luân, Hà Huy Sơn và Nguyễn Khả Thành.
Một phiên tòa có nhiều điều chưa thỏa đáng
Phiên tòa diễn ra từ 8 giờ tới 11 giờ thì tuyên án và theo các luật sư thì nhanh chóng và có nhiều điều không thỏa đáng. Luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết :
Phiên xử diễn ra bình thường, cũng đặt câu hỏi và cũng tranh luận, rồi luận tội chứ không có gì đặc biệt. Lập luận của chúng tôi là Như Quỳnh không phạm tội, hậu quả gây ra cũng không có gì nghiêm trọng.
Các luật sư đã yêu cầu các giám định viên tham dự phiên tòa nhưng cả ba giám định viên đều viết đơn xin vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Hà Luân cho rằng viện kiểm soát né tránh các câu hỏi và không tập trung vào các chất vấn của luật sư.
Nhận xét về thái độ của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, luật sư Nguyễn Khả Thành cho rằng "bản lĩnh" :
Cô cũng bản lĩnh đó. Không nhận tội, cô trả lời những hành động đó thể hiện quyền tự do cá nhân của cô. Cô nhất quyết không nhận tội.
Luật sư Hà Huy Sơn nhấn mạnh rằng các luật sư đã phân tích sự khác nhau giữa đảng – nhà nước và phân biệt hai khái niệm này.
Ngay từ sáng sớm, trong clip tường thuật trực tiếp từ Nha Trang đăng trên facebook, nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến cho biết các ngả đường đi vào tòa án đều bị đặt barier chặn đường không cho vào. Ngay cả bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – thân mẫu bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng bị chặn, nhưng bà Lan đã cương quyết vượt qua hàng rào an ninh để vào bên trong phiên tòa.
Riêng luật sư Võ An Đôn do trước đó đã bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên nên không thể có mặt tại tòa trong tư cách luật sư bào chữa. Tuy vậy, ông Đôn cũng đã đến để theo dõi và ủng hộ tinh thần cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bên ngoài.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa những người ủng hộ blogger Mẹ Nấm đã hô to những khẩu hiệu phản đối bản án dành cho bà Quỳnh.
Facebooker Nguyễn Hoàng Vi cho biết đã có nhiều người bị công an đánh và bắt sau phiên tòa bao gồm cả thân mẫu của Mẹ Nấm. Một số người bị cướp điện thoại như luật sư Võ An Đôn và Trịnh Kim Tiến và bà Trần Thu Nguyệt.
Luật sư Hà Huy Sơn xác nhận rằng có nhiều người đã bị đánh đập và bắt đi.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nhiều lần nhưng máy liên tục bận.
Ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) trong một thông cáo yêu cầu EU áp lực Việt Nam trả các tù nhân chính trị hôm 28/11/2017 nói :
EU cần công khai vinh danh những công dân Việt Nam dũng cảm như ‘Mẹ Nấm’ và luật sư Võ An Đôn, những người đã chịu nhiều rủi ro vì nhân quyền và dân chủ. EU cần nói rõ rằng việc thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai bên phụ thuộc vào việc Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, đe dọa những người bảo vệ nhân quyền.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 - Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa cáo buộc bà đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân..".
Bà từng bị bắt nhiều lần trước đó trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo và đòi nhân quyền.
Mẹ Nấm là ai ?
Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra tỉnh Khánh Hòa, bà Quỳnh soạn thảo một tập tài liệu có tiêu đề tiếng Anh là "Stop police killing civilians", tiếng Việt là "Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường". Cơ quan điều tra Khánh Hòa cho rằng "nhằm mục đích để người đọc hiểu sai bản chất, xúc phạm và hạ uy tín của công an nhân dân Việt Nam".
Thực chất, đây là một tập tài liệu tổng hợp các trường hợp các nạn nhân bị chết trong đồn công an, và kêu gọi mở những cuộc điều tra minh bạch về nhũng cái chết thương tâm này.
Năm 2010 bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett vì những hoạt động bảo vệ quyền tự do biểu đạt.
Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm.
Bà cũng được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ vào tháng Ba năm 2017.
Ngày 29/6 trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao sau phiên tòa sơ thẩm, Bà Heather Nauert, người phát ngôn nói với Báo giới rằng "Quỳnh đã bị tuyên án 10 năm tù với một bản án mơ hồ về tội chống phá nhà nước…" và yêu cầu Việt Nam "thả Mẹ Nấm và tất cả những tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và cho phép các cá nhân Việt Nam quyền tự do biểu đạt và hội họp mà không sợ bị trả đũa".
Những tiếng hô to "Mẹ Nấm vô tội" ngay trước cổng phiên tòa và những người phản đối bị công an đánh là một nghịch lý dễ thấy trong các phiên tòa mang tính chính trị gần đây.
Tiến Thiện, thông tín viên RFA
**********************
Việt Nam : Blogger "Mẹ nấm" bị y án 10 năm tù (RFI, 30/11/2017)
Trong phiên xử phúc thẩm sáng nay 30/11/2017, tại thành phố Nha Trang, toà án tỉnh Khánh Hoà bác đơn kháng cáo của "Mẹ nấm" Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những blogger bảo vệ môi trường có tiếng tăm tại Việt Nam. Một trong những luật sư biện hộ bị rút thẻ hành nghề trước ngày xử.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (áo đen) trong phiên xử phúc thẩm tại Nha Trang ngày 30/11/2017. Ảnh : TTXV /Tiến Minh via Reuters
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, bị giam từ tháng 10/2016 cho đến tháng 6 /2017, bị kết án 10 năm tù trong phiên xử sơ thẩm, một vụ án bị giới nhân quyền gọi là hành động đàn áp tiếng nói phản biện chính quyền Việt Nam.
Theo AFP, phiên xử phúc thẩm ngày hôm nay diễn ra trong sự kiểm soát chặt chẽ của an ninh. Báo chí nước ngoài bị cấm dự khán.
Qua mạng xã hội, blogger "Mẹ Nấm" - "Nấm" là tên gọi ở nhà của một trong hai con của Như Quỳnh- tố cáo tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là qua vụ Formosa xả thải ở miền trung và nạn "người bị câu lưu chết trong đồn công an".
Trả lời AFP, luật sư biện hộ Hà Huy Sơn thẩm định bán án 10 năm tù là "bất công, thiếu vô tư và không phù hợp với pháp luật".
Còn theo luật sư Nguyễn Hà Luân, thân chủ của ông "không phủ nhận những chuyện mình làm và khẳng định những hành động đó không có căn cứ để buộc tội".
AFP cho biết thêm sự kiện một trong những luật sư nhận lời biện hộ cho blogger "Mẹ Nấm" là Võ An Đôn bị rút thẻ hành nghề, ngay trước phiên xử vài ngày. Theo luật sư Đôn, ông bị trả thù vì "bênh vực nạn nhân bị áp bức và tù nhân lương tâm".
Tháng 3/2017, Như Quỳnh được Bộ Ngoại Giao Mỹ tặng giải thưởng "Phụ nữ can đảm". Phu nhân tổng thống Mỹ Melania Trump, thay mặt nhận lãnh.
Hoa Kỳ lên tiếng phản đối bản án, đồng thời kêu gọi Việt nam trả tự do cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và tất cả những người bị bỏ tù chỉ vì phát biểu chính kiến ôn hòa. Thông cáo của Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội ra hôm nay tỏ ý "quan ngại sâu sắc" trước một phán quyết dựa vào "cáo buộc vu vơ".
Tú Anh
*******************
Tòa ‘xử công khai’ nhưng cấm mẹ của blogger Mẹ Nấm tham dự (Người Việt, 29/11/2017)
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được chính phủ Mỹ vinh danh là phụ nữ can đảm trên thế giới, lần thứ hai bị nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra tòa án phúc thẩm tại Nha Trang về cáo buộc chống phá chế độ vào sáng 30 Tháng Mười Một, giờ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bên ngoài tòa sáng 30 Tháng Mười Một. (Hình : Facebook Trịnh Kim Tiến)
Cũng khá giống với phiên tòa đầu tiên khoảng nửa năm trước, tức hôm 29 Tháng Sáu, theo tường thuật của Facebooker Trịnh Kim Tiến, người cùng đi với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, đến phiên tòa : "Tòa ‘công khai’ 30 Tháng Mười Một, 2017, tại Nha Trang, hai đầu tòa bị chặn bằng hàng rào barie, công an sắc phục và an ninh thường phục".
Trước đó, sáng 29 Tháng Mười Một, trong bài "Một phiên tòa ‘công khai’ nhưng không được quay phim, chụp hình dù là trên đường đi", cô viết : "An ninh nói ‘chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra’ nếu cô Lan cố tình quay phim chụp ảnh. Buổi tối trước phiên xử phúc thẩm blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, an ninh Khánh Hòa đến nhà tìm gặp cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ chị. Họ nói sẽ để cô đi đến tòa nhưng không được quay phim chụp ảnh bất cứ thứ gì về phiên tòa này".
"Cô Lan nhìn thẳng vào mặt người nói : ‘Sao không cho tao đi được ?’ Và bức xúc sau lời ‘khuyên nhủ’ không được chụp hình, quay hình một phiên tòa được quy định là ‘công khai’ : ‘Chụp trên đường cũng không được hay sao, tao cứ chụp thì sao ?’", cô viết.
"Thì ‘chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra’ là câu trả lời của họ. Nghĩa là họ có thể làm mọi thứ bao gồm đánh đập, cướp giật và giam lỏng mọi người cho hết phiên tòa để ngăn cản thông tin về phiên tòa bị lan truyền ra ngoài. Phiên tòa diễn ra sớm hơn mọi phiên tòa, 7 giờ 30 sáng, thời điểm khá lý tưởng để hành hung những người đến dự phiên tòa với đủ loại kịch bản, từ sử dụng côn đồ cho đến ném gạch đá vào người dân", cô viết tiếp.
Lúc 7 giờ 19 phút, Facebooker Trịnh Kim Tiến chụp hình bà Tuyết Lan bên ngoài phiên tòa với một hàng rào barie dài ghi rõ "Khu vực cấm phương tiện giao thông đường bộ".
Hình ảnh này khiến Facebooker Luong Pham bình luận : "Buồn lắm ! Nhìn cô Lan chỉ muốn khóc". Còn Facebooker Lê Quang Sử khuyên : "Thôi về cụ ơi, án con cụ người ta đã có từ lúc bắt, xử án chỉ là trò hề của chế độ thôi".
Facebooker Tuan Truong thì : "Một chính quyền nham nhở và một nền tư pháp nham nhở".
Bình luận về "khu vực cấm" tại phiên tòa này, Facebooker Doanh Nguyen viết : "Tòa án của một nước mà lại xử trộm không được công khai cho mọi người được xem và chụp ảnh chỉ có tòa án rừng rú với xử như vậy".
Còn Facebooker Nhi Hoàng bình luận : "Mọi thứ trong phiên tòa này sẽ được giữ đến… muôn đời sau ! Giờ đây mình mới hiểu rõ, tại sao phải rút thẻ hành nghề Luật Sư Đôn trước khi phiên tòa khai đao !"
Được biết, hôm 26 Tháng Mười Một, Luật Sư Võ An Đôn – người tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm – bị Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh này. Do bị khai trừ nên ông Đôn nghiễm nhiên không còn có thể tiếp tục hành nghề luật sư dù ông đã được Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép bào chữa trước đó.
Tuy nhiên, dù không còn là luật sư nhưng ông Đôn vẫn đến dự phiên tòa.
Nói chuyện với Facebooker Trịnh Kim Tiến, ông cho biết : "Tôi nghĩ phiên tòa hôm nay sẽ có khả năng giảm án cho Mẹ Nấm bởi vì vụ án này dư luận quốc tế rất quan tâm, nhiều tổ chức quốc tế và các nước can thiệp. Thông thường những vụ án chính trị như thế này thì mỗi phiên tòa phúc thẩm thời gian diễn ra rất nhanh, khoảng một tiếng đồng hồ".
Ông nhận định : "Việc làm của Quỳnh rất có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của xã hội. Quỳnh đã thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận của mình theo quy định của pháp luật nhưng bị tòa tuyên án 10 năm tù. Nếu mà giữ nguyên bản án này thì quá là man rợ".
Bà Quỳnh, mẹ của hai con nhỏ, bị chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt giam ngày 10 Tháng Mười, 2016, khi bà cùng mẹ một thanh niên tranh đấu dân chủ Nguyễn Hữu Quốc Duy (mới bị kết án ba năm tù về tội "tuyên truyền chống nhà nước") tới trại giam để mẹ Duy xin được gặp con trai.
Bà là cái gai trong mắt nhà cầm quyền Việt Nam suốt nhiều năm qua. Các bài viết về thời sự Việt Nam của bà với những nhận xét sắc sảo và mạnh mẽ lên án các chính sách sai trái của chế độ lôi cuốn rất nhiều độc giả. Bà là một trong những thành viên sáng lập "Mạng Lưới Blogger Việt Nam" kêu gọi nhà cầm quyền hủy bỏ Điều 258 trong Luật Hình Sự kết án tù người dân chỉ vì họ bị vu cho tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…"
Bà Quỳnh là một trong những người tích cực tham gia các cuộc biểu tình lên án công ty Formosa đầu độc môi trường biển miền Trung Việt Nam, chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.
Bà từng tham gia các cuộc phổ biến ở nơi công cộng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Bà cũng từng lập một hồ sơ liệt kê các vụ chết bất thường của người dân khi mới bị bắt vào trụ sở công an mà phần lớn đều đổ cho người ta "tự tử".
Ngày 29 Tháng Ba, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Đệ Nhất Phu Nhân Tổng Thống Mỹ Melania Trump vinh danh và trao giải Phụ Nữ Quốc Tế Dũng Cảm năm 2017 trong một buổi lễ tại Bộ Ngoại Giao vì đã chứng tỏ "lòng can đảm, nghị lực và khả năng lãnh đạo trong công cuộc giúp tăng tiến cuộc sống của những người khác".
Từ khi bà bị bắt giam đến nay, bà không được gặp mặt hai con và các người thân khác nên không ai biết tình trạng sức khỏe của bà ra sao tại nhà tạm giam tỉnh Khánh Hòa. (TS)
*****************
Bản y án 10 năm tù với mẹ Nấm ‘nặng hơn án giết người’ (VOA, 30/11/2017)
Tòa án Nhân dân cấp cao Đà Nẵng tại Nha Trang vừa tuyên y án 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, trong phiên xử phúc thẩm hôm 30/11. Các luật sư tham gia bào chữa cho bà Quỳnh nói với VOA rằng bản án "không khách quan", "nặng hơn cả án giết người" nhằm "răn đe để không có những người làm điều này nữa".
Blogger Mẹ Nấm trong phiên xử phúc thẩm ngày 30/11/2017.
Luật sư Hà Huy Sơn, một trong 3 luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho rằng bản án được giữ nguyên đối với bà Quỳnh là một điều "bất công". Ông nói :
"Bản án này không khách quan, bất công là vì đây là những hành vi của công dân bày tỏ quan điểm cá nhân. Đây là quyền của công dân giám sát các cơ quan hành pháp, cơ quan công an, chứ không phải nhằm mục đích chống Nhà nước Việt Nam. Tôi cho rằng kết tội chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là không đúng".
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói đây là một bản án nặng hơn cả án dành cho tội giết người. Ông nói :
"Khoảng 5-7 năm trước, với những hành vi như thế này, phạm Điều 88, thì tối đa chỉ 4,5 – 5 năm tù thôi. Nhưng đợt này, cách đây khoảng 1 năm, như Quỳnh, chị Nga hay em Hóa ở Nghệ An, không biết họ đánh giá thế nào mà trong thời điểm này các mức án rất nặng. Có lẽ họ muốn răn đe để đừng có những người ra làm việc đó nữa. Rất lạ. Đôi lúc có những bản án giết người, tòa xử 8 năm hoặc thấp hơn".
Luật sư Nguyễn Khả Thành nói ông đã dự báo trước bản án sẽ được giữ nguyên. Ông cho biết thêm rằng tại phiên xử phúc thẩm, Viện Kiểm sát đã "tranh luận một cách lơ là" đối với những luận điểm mà các luật sư bào chữa đưa ra.
"Ví dụ như tôi đưa ra các bản giám định và cho rằng những chứng cứ này không hợp pháp và nếu việc giám định chỉ do một người thực hiện thì không khách quan, cần phải có một hội đồng để khách quan hơn. Còn về hình thức thì không phù hợp. Viện Kiểm sát nói rằng họ áp dụng điều luật giám định của năm 2012, nhưng tôi nói bây giờ đã có luật mới rồi thì không thể áp dụng như vậy được. Chúng tôi đưa ra những chứng minh, nhưng cuối cùng Viện Kiểm sát cũng không tranh luận lại".
"Chúng tôi cũng đưa ra quan điểm là phải chứng minh hậu quả của việc Quỳnh làm, nhưng phía bên kia trong tài liệu cũng không có chứng cứ nào để chứng minh hậu quả".
Luật sư Lê Khả Thành cho biết trong phiên tòa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tỏ ra rất "bản lĩnh" và "hiên ngang". Ông kể : "Hôm nay ra tòa, Quỳnh trả lời rất dõng dạc, không hề nao núng, sợ sệt, nói rất bản lĩnh. Cái nào có làm thì nhận mình làm, cái nào không thì nói không. Trả lời rất dũng cảm và thái độ rất hiên ngang trước tòa".
Theo kinh nghiệm của luật sư Thành, nếu Mẹ Nấm chịu nhận tội, mức án chắc chắn sẽ giảm xuống, nhưng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã không chọn điều đó.
"Nếu trường hợp Mẹ Nấm ra tòa mà nhận hết tội, tôi nghĩ bản án sẽ giảm, thường là như vậy. Nhưng đối với Quỳnh, Quỳnh trả lời rằng ‘Em có án bao nhiêu đi nữa, 10 hay 15 năm tù đi nữa, thì cái nào đúng em vẫn cho là đúng, cái này sai thì vẫn là sai, chứ em không nhận tội, mặc dù biết nhận tội thì thế nào án cũng giảm, đó là điều chắc chắn".
Phiên tòa phúc thẩm xử Mẹ Nấm diễn ra công khai. Tuy nhiên, người thân của bà Quỳnh và một số người đứng bên ngoài theo dõi phiên tòa cho biết họ không được phép vào bên trong tham dự phiên tòa.
Sau khi tòa tuyên y án, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và một số người đã lên tiếng công khai phản đối bản án bên ngoài tòa. Bà Lan cho VOA biết một số người đã bị an ninh mặc thường phục hành hung, bị "cướp" điện thoại, thậm chí có người bị bắt đưa lên xe chở đi.
Trịnh Kim Tiến, một trong số những người bị đánh, kể với VOA sau khi được thả về vào tối ngày 30/11 :
"Đánh xong, họ lôi mình lê lết trên đường như con heo, rồi quẳng mình lên xe đưa về xã Vĩnh Lương. Những người mặc thường phục đi theo mình về xã Vĩnh Lương. Sau khi về xã Vĩnh Lương thì có hai viên an ninh mặc cảnh phục vào làm việc với mình. Họ hỏi mình tại sao lại có mặt tại phiên tòa".
Trong chiều cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí : "Tôi cho rằng phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay blogger Mẹ Nấm đã được diễn ra công khai theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam".
Khánh An
Một ngày trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong 5 luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm là ông Nguyễn Khả thánh nói rằng khả năng giảm án cho thân chủ của ông là ‘rất mong manh’.
Tất cả những đường dẫn vào Tòa án nhân dân tối cao huyện Khánh Hòa đã bị chặn từ sáng sớm 28 tháng 6, ngày diễn ra phiên xử sơ thẩm Blogger Mẹ Nấm. Courtesy photo
Trả lời phỏng vấn của BBC, luật sư Nguyễn Khả Thành cho hay rằng trong cuộc gặp gần đây nhất giữa ông và blogger Mẹ Nấm, Mẹ Nấm vẫn dứt khoát không nhận tội. Luật sư Thành còn nói thêm giảm án hay không là còn tuỳ, có thể là vì áp lực của cộng đồng và dư luận, nhưng khẳng định đó chỉ là dự báo của ông.
Vài ngày trước trong lần trả lời RFA về khả năng bà Quỳnh sẽ được giảm án hay không trong phiên tòa phúc thẩm ngày 30 tháng 11 này, Luật sư Thành cho biết dư luận hiện nay đều cho rằng bản án 10 năm tù ở phiên sơ thẩm là quá nặng, cộng với áp lực quốc tế từ các tổ chức dân sự, giúp ông hy vọng bản án phúc thẩm có thể sẽ nhẹ hơn.
Đây cũng là nhận định của luật sư Võ An Đôn, người sẽ không được tham gia phiên tòa phúc thẩm sắp tới vì bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên tước thẻ hành nghề hôm 26 tháng 11, chia sẻ với đài RFA biết hôm Chủ nhật vừa qua.
Không chỉ riêng những luật sư tranh cãi cho blogger Mẹ Nấm cho rằng khả năng giảm án sẽ mong manh, mà ngay chính bà Tuyết Lan, mẹ của blogger này cũng đã chuẩn bị cho mình một tâm lý như thế trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm con của bà.
Từ Nha Trang, bà cho đài RFA biết bà không hy vọng con của mình có cơ hội giảm án.
"Tôi không hy vọng gì người ta sẽ giảm án cho con tôi hết. Và Quỳnh cũng nói với tôi rằng con không hy vọng người ta sẽ giảm án cho con".
Khi trả lời BBC, luật sư Nguyễn Khả Thành có nói rằng theo ông, thường thì bị cáo nhận tội sẽ được giảm án ở một mức độ nào đó. Nhưng bà Tuyết Lan cho biết bà cũng không hy vọng vào điều này.
"Vì mới đây tôi đọc trên mạng xã hội thì tôi biết em Nguyễn Văn Hoá, ban đầu họ nói em nhận tội thì họ giảm án nhưng họ vẫn kết tội em".
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt vào ngày 10 tháng 10, năm 2016 với cáo buộc phạm tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Vào ngày 29 tháng Sáu năm nay, bà bị tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam, và bà Như Quỳnh đã kháng án.
Các tổ chức dân sự, nhân quyền trong và ngoài nước phản đối bản án dành cho bà Quỳnh, nói rằng bà chỉ thực thi quyền biểu đạt ôn hòa của mình.
Cơ hội giảm án 'mong manh' cho Mẹ Nấm ? (BBC, 28/11/2017)
Luật sư bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói cơ hội bào chữa thành công cho bà trong phiên phúc thẩm hôm 30/11 "là mong manh" và vai trò của luật sư trong các vụ thế này "thường không thành công".
Tổng Lãnh sự Mỹ bà Mary Tarnowka và ông Charles Sellers Trưởng phòng Tham tán chính trị thăm bà Nguyễn Tuyết Lan tháng 11/2016
Hồi cuối tháng Sáu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước" trong phiên sơ thẩm.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Quỳnh 'ngay lập tức'.
Viết trên mạng xã hội, bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của bà Quỳnh ngỏ lời mời đại diện phái đoàn EU có mặt tại nơi diễn ra phiên phúc thẩm để "có cái nhìn trực diện hơn về tình hình nhân quyền Việt Nam".
'Dứt khoát không nhận tội'
Hôm 27/11, tin cho hay, Luật sư Võ An Đôn, một trong các luật sư đã được cấp phép bào chữa cho bà Quỳnh hôm 30/11 bất ngờ bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên vì "lợi dụng quyền tự do ngôn luận".
Cũng đang có tranh cãi về phát ngôn của ông Đôn trên mạng xã hội rằng: "Mẹ Nấm tiết lộ cho chúng tôi biết một thông tin quan trọng : luật sư Hà Huy Sơn [người cùng bào chữa cho Mẹ Nấm] vào trại giam thăm Mẹ Nấm, đã chuyển thông điệp từ phía cơ quan an ninh rằng "Nếu tại phiên tòa phúc thẩm, Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều" (Hai luật sư miền Nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành)".
Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm là phụ nữ quả cảm
Hôm 28/11, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong ba luật sư còn lại tranh tụng cho Mẹ Nấm trong hôm 30/11 (cùng với các ông Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân), bình luận : "Luật sư Sơn không đến nỗi phân biệt vùng miền đâu. Còn những gì bà Quỳnh hay mẹ bà ấy, Luật sư Đôn nói với nhau thì tôi không nghe được nên không bình luận".
Ông Thành nói thêm : "Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng thường thì các luật sư không thành công khi bảo vệ thân chủ trong các vụ tuyên truyền chống nhà nước".
"Nhưng các luật sư cũng phải làm theo thủ tục. Chủ yếu là về mặt tâm lý, có luật sư thì bị cáo cũng bớt cô đơn, cảm thấy tự tin, vững vàng hơn".
"Trong quá trình gặp trong trại giam, luật sư cũng giúp giải tỏa hoang mang, tư vấn một số vấn đề pháp luật cho thân chủ".
"Với vụ của bà Quỳnh, tôi cũng nói với người nhà là chúng tôi [các luật sư] cố gắng, nhưng hy vọng được giảm án nhiều thì mong manh".
"Bản án cuối cùng thế nào thì tùy vào Hội đồng Xét xử".
Luật sư cũng cho biết : "Thường thì bị cáo nhận tội sẽ được giảm án ở một mức độ nào đó".
"Trong lần tôi gặp gần đây nhất ở trại giam mấy ngày trước, bà Quỳnh vẫn dứt khoát không nhận tội".
"Cho nên tòa giảm án hay không còn tùy, có thể là vì áp lực của cộng đồng, dư luận. Nhưng đó chỉ là dự báo của tôi".
Hôm 28/11, từ Brussels, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi thông cáo ghi : "EU nên công khai vinh danh những người dân Việt Nam dũng cảm như 'Mẹ Nấm' và luật sư của bà [ông Võ An Đôn, người vừa bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên], những người chấp nhận rủi ro lớn vì tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ".
"EU nên làm rõ rằng mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và chấm dứt việc gây phiền nhiễu, hăm dọa những nhà bảo vệ nhân quyền", HRW nói.
Hồi tháng Sáu, liên quan phiên xử sơ thẩm bà Như Quỳnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói "mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật Việt Nam".
******************
Mẹ của ‘Mẹ Nấm’ kêu gọi EU dự phiên tòa xử con gái (VOA, 28/11/2017)
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm, kêu gọi phái đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam hãy dự phiên tòa xử phúc thẩm con gái bà vào ngày 30/11.
Mẹ của blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Thị Tuyết Lan, và 2 con của cô trong bức ảnh đăng tải trên Facebook cá nhân của bà Lan kèm 1 bức thư ngỏ mời phái đoàn của Liên minh Châu Âu ở Việt Nam tham dự phiên tòa phúc thẩm xử con gái bà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ngày 30/11.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nhân quyền tham gia phản kháng thảm họa cá chết biển miền Trung do Formosa gây ra, bị xử 10 năm tù giam về "tội tuyên truyền chống phá nhà nước" tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 6/2016.
Bà Lan tải thư ngỏ lên trang Facebook cá nhân hôm 28/11 gửi tới phái đoàn EU tại Việt Nam, mặc dù bà thừa nhận rằng hy vọng vào sự hiện diện của họ rất "mong manh".
"Không riêng gì trường hợp của con tôi. Tôi mong họ đến mặc dù họ không giúp được gì nhưng để họ biết rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam như thế nào", bà Lan nói. "Họ đã xâm phạm quyền tự do của con người một cách kinh khủng với những bản án đầy bất công và dã man sẵn sàng úp chụp lên những người khi họ lên tiếng nói đòi công bằng lẽ phải, đòi quyền sống quyền con người".
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh với giải thưởng "Phụ nữ dũng cảm quốc tế".
Luật sư Võ An Đôn, người được Mẹ Nấm nhờ bào chữa nhưng vừa bị Đoàn luật sư Phú Yên tước thẻ hành nghề, nói rằng trên thực tế những phiên tòa xét xử các vụ án chính trị thường bị kiểm soát một cách khắt khe.
"Trước đây cũng có nhiều vụ mà lãnh sự quán và các dân biểu ở phương Tây đến dự các phiên tòa xử tù nhân lương tâm ở Hà Nội thì người ta không cho vào mặc dù theo luật là được cho vào", theo luật sư Đôn.
Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong 3 luật sư sẽ bào chữa cho Mẹ Nấm trong phiên tòa ngày 30/11, cho biết trước đây đại diện của phía Đức bị chặn, không được vào tham dự phiên tòa xử blogger Anh Ba Sàm tại Hà Nội.
VOA không thể liên lạc được với phái đoàn EU để xin bình luận về lời yêu cầu của bà Lan.
Biểu đồ - Báo cáo vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2015-2016 của FVPOC. (Ảnh : FVPOC.org)
Liên minh Châu Âu EU đang trong quá trình đàm phán với chính phủ Việt Nam để đạt một hiệp định thương mại tự do (EVFTA) trong đó, nhân quyền là một vấn đề được mang ra thảo luận.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp với trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet hôm 21/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu không đưa vấn đề nhân quyền vào trong các thỏa thuận tự do mậu dịch.
EU và chính phủ Việt Nam sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 2/12.
Trước thềm cuộc đối thoại, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) thúc giục EU gây sức ép với chính quyền Hà Nội phải thả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ. Theo HRW, hiện có hơn 100 người đang bị giam cầm ở Việt Nam vì lý do chính trị hoặc tôn giáo.
Danh sách này vừa có thêm 1 người nữa khi nhà hoạt động 22 tuổi Nguyễn Văn Hóa hôm 27/11 bị chính quyền Việt Nam kết án 7 năm tù vì tội danh tương tự như đã dành cho Mẹ Nấm qua những bài viết và tường trình của anh về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải độc ra biển miền Trung.
Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù vì tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" tại phiên tòa hôm 27/11. (BBG photo)
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York hôm 28/11 cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ bản án đối với Như Quỳnh, người được Đệ nhất phu nhân Melania Trump vinh danh với giải "Người phụ nữ can đảm quốc tế" vào tháng 3 năm nay.
"EU cần công khai vinh danh những công dân Việt Nam dũng cảm như Mẹ Nấm và luật sư Võ An Đôn, những người đã chấp nhận nhiều rủi ro vì nhân quyền và dân chủ", giám đốc đặc tránh Châu Á của HRW Brad Adams nói trong thông cáo ra hôm 28/11.
"EU cần nói rõ rằng việc thắt chặt quan hệ giữa hai bên phụ thuộc vào liệu Việt Nam có phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, đe dọa những người bảo vệ nhân quyền".
Phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/11 tại tòa án cấp cao ở Đà Nẵng. Bà Lan cho biết bà không được thông báo về phiên tòa xử con gái mình mà chỉ được biết qua các luật sư bào chữa cho con bà, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân.
Luật sư Nguyễn Khả Thành, người đã tiếp xúc với chị Như Quỳnh trong trại giam gần đây, cho biết bà mẹ đơn thân này sẽ tiếp tục không nhận tội như đã làm cô ở phiên tòa sơ thẩm.
"Mình sẽ cố gắng ráng sức để chứng minh rằng thân chủ mình không phạm tội bằng những chứng cứ này chứng cứ khác", luật sư Thành cho biết. "Chúng tôi sẽ ráng phản biện để hội đồng xét xử thấy những hành vi đó nằm trong quyền tự do ngôn luận".
Mẹ của chị Như Quỳnh, bà Tuyết Lan, nói mặc dù bà không hy vọng nhiều vào phiên tòa sắp tới, nhưng vẫn mong "họ nghĩ lại".
"Tôi có nói với con tôi rằng mẹ sẽ đi với con hết cuộc đời của mẹ. Nếu họ không giảm án thì chúng tôi sẽ cố gắng và tôi sẽ nói với con tôi ‘chúng ta sẽ đi tới giám đốc thẩm’", bà Lan nói.
Chỉ còn chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa là phiên tòa xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ diễn ra. Nhiều tổ chức nhân quyền, truyền thông thế giới đã và đang đồng loạt lên tiếng phản đối bản án 10 năm tù mà nhà nước Việt Nam đã kết án cô và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô vào phiên xử phúc thẩm ngày thứ Năm, 30 tháng 11 sắp đến.
Blogger Mẹ Nấm tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29 tháng 6 năm 2017. Cô bị kết án 10 năm tù giam. AFP
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là ai ?
Ngày 29 tháng 6 năm 2017, hình ảnh người phụ nữ trong trang phục áo thun ngắn tay màu xám, có hình búp bê sặc sỡ in trước ngực và chiếc quần màu hồng xuất hiện trong phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã được lan truyền đi khắp thế giới.
Mọi người biết đến Mẹ Nấm và hiểu về cô nhiều đến mức sau khi nhìn thấy hình ảnh cô xuất hiện trước phiên tòa sơ thẩm, người ta đã khẳng định với nhau rằng "trang phục ấy không phải do Quỳnh chọn".
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có 1 bài viết ghi rằng: "Hoàn toàn tương phản với hình ảnh quen thuộc của cô từ trước đến nay. Nhưng rồi mọi người lập tức hiểu ra: Như Quỳnh không có quần áo tươm tất để mặc ra tòa".
Điều này cho thấy chỉ cần nói đến Mẹ Nấm, hay gõ vào bàn phím chữ Mẹ Nấm thôi thì người ta có thể biết những câu chuyện về cô, biết được tận tường lý do vì sao cô chịu bản án 10 năm tù giam.
Thế giới biết về Mẹ Nấm. Người dân Việt Nam biết về Mẹ Nấm. Nhưng có lẽ biết về cô nhất, hiểu thật sự về cô nhất và chia sẻ cùng cô nhất, trên cuộc đời này và mãi mãi không ai khác hơn chính là Mẹ của cô, bà Tuyết Lan.
Bắt đầu bằng tiếng khóc, bà nói về Như Quỳnh, đứa con gái duy nhất của mình:
"Quỳnh là đứa con duy nhất của tôi cho nên bao nhiêu tình yêu của tôi, bao nhiêu cuộc đời là tôi dồn hết cho Quỳnh. Quỳnh là một đứa con có cá tính từ nhỏ. Nó quyết liệt, khi đã muốn làm gì thì làm cho bằng được dù mình có khuyên con không nên thế này, không nên thế nọ. Nó luôn muốn trải nghiệm".
Mẹ Nấm và hai con phản đối Formosa gây ô nhiễm bờ biển Việt Nam
Không ai hiểu con bằng mẹ. Hiểu Mẹ Nấm, tin tưởng việc cô làm, ủng hộ con đường cô đã đi, không ai khác hơn là bà Tuyết Lan. Không chỉ vì bà là mẹ, mà còn vì ‘con đường Quỳnh đi là truyền thống gia đình’ như lời bà nói.
"Gia đình chúng tôi là gia đình công giáo. Từ đời cha mẹ là ông bà ngoại của Quỳnh đến đời tôi, cảm thấy sống mà không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác mới là điều đáng xấu hổ. Cho nên những điều Quỳnh làm, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường và nên làm".
Từ ngày Mẹ Nấm bị bắt vào tháng 10 năm ngoái và bị kết án hồi tháng 6 cho đến nay, bà Tuyết Lan chỉ được gặp con gái của mình 1 lần duy nhất vào ngày 31 tháng 7 vỏn vẹn trong 10 phút.
Trong thời gian đó, có không ít những ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng người phụ nữ này "ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ" hay "ăn cơm nhà gác ngà voi". Thế nhưng ai nói mặc ai. Bà Tuyết Lan biết hết, nghe hết, nhưng trong lòng bà, tình yêu và sự ủng hộ dành cho người con gái duy nhất chưa bao giờ thay đổi.
"Tôi không hề oán trách những người đó. Cứ hình dung đi, quê hương không còn thì còn gì là cuộc sống? Tôi không trách con tôi mà tôi cũng không oán trách người ta điều gì hết".
Khi dư luận trong xã hội chỉ trách Mẹ Nấm "ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ", phần nhiều người ta lấy lý do là cô đã không chọn hai đứa con thơ của mình, cho dù cô là một người mẹ.
Chính bà Tuyết Lan kể lại ngay cả một người bạn của bà cũng đặt vấn đề như thế với bà sau khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm.
"Người đó gọi tôi và nói là tại sao con bà lại chọn con đường làm cho bà khổ như vầy? Con bà chẳng yêu con nó. Tại sao nó làm vậy? Bổn phận của nó là bổn phận làm mẹ".
Hai chữ bổn phận tự bản thân nó đã mang một trọng trách rất nặng nề, khó mà cân đong đo đếm hoặc nói là bao nhiêu cho đủ. Dư luận cho rằng Mẹ Nấm không làm tròn bổn phận với con của mình. Nhưng bé Nấm, đứa con gái bé bỏng của cô lại hiểu rất rõ về mẹ của mình.
Nói chuyện với chúng tôi khi vừa trở về từ buổi xem phim, món quà sinh nhật của Nấm, Nấm nói về mẹ của mình rằng :
"Mẹ con là người luôn bảo vệ mọi người. Mẹ con nói cho mọi người biết sự thật về cá chết, về Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tối nào mẹ và con cũng tâm sự, rồi mẹ con kể chuyện cho em Gấu nghe".
Nấm chính là cô bé đã viết lá thư gửi cho Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, bà Melanie Trump để mong bà đến gặp mẹ của Nấm khi bà đến Việt Nam trong tháng vừa qua. Thế nhưng, rất tiếc điều này đã không thể xảy ra như mong muốn của bé.
Một bạn gái trẻ, quê ở Tuy Hòa, hiện đang sống ở Sài Gòn, cho chúng tôi biết qua email về những những gì cô nghĩ về Mẹ Nấm, một người mẹ của hai đứa con nhỏ :
"Với em, Mẹ Nấm là một người dũng cảm và em rất tôn trọng. Em cũng làm mẹ nhưng em hiểu khác. Em hiểu chị ấy nghĩ xa hơn tất cả chúng em. Em lo cho con ở thời hiện tại. Chị ấy lo cho cả về sau".
Đó là việc gì mà Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam vì Điều 88 ?
Cô sinh năm 1979, cử nhân Anh văn của trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Bút danh Mẹ Nấm ra đời từ năm 2006 với các bài viết nói về quyền con người, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, phản đối những bất công trong xã hội, bênh vực những người không có tiếng nói…
Với cáo buộc đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân...", cô bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt vào tháng 10 năm ngoái. Những gì được gọi là bằng chứng phạm tội của cô là các tài liệu về nhà máy Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc…
Mẹ Nấm còn là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".
Ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt chia sẻ về người phụ nữ mà ông nói mình chỉ biết đến sau khi ra tù.
"Mẹ Nấm là một người vì quê hương đất nước, tranh đấu cho nhân quyền cho Formosa, bảo vệ môi trường cũng như chống Trung Quốc để bảo vệ đất nước của mình. Em luôn luôn tôn trọng những việc Mẹ Nấm làm, những việc đã thắp lên ngọn lửa cho anh em khác tiếp tục theo con đường của Mẹ Nấm".
Người phụ nữ đang thắp ngọn lửa đấu tranh cho các bạn trẻ trong nước ấy, trong mắt của người bạn cùng quê với cô, đơn giản cô là "đứa mạnh mẽ, đáng yêu. Đậm chất đàn bà miền Trung".
Ngày Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam, người bạn này đã bày tỏ trên trang cá nhân của mình với những dòng chữ :
"Cũng dịp hè này, năm ngoái, chị hân hạnh được cafe, ăn tối với cô, và cô có nhớ chị đã hỏi cô điều gì không ? "Em lấy đâu ra sức mà gánh vác đủ thứ như vậy ? Chị quá nể cô" !
Đến bây giờ và có lẽ còn lâu lắm nữa, chị vẫn nể và kính trọng cô ! Vẫn luôn mong cô và các bé con bình an! Mau về để còn tám tám với nhau, nhé !".
Là một người con, một người Mẹ, một người đấu tranh, một người bạn, những người thân yêu của blogger Mẹ Nấm hiểu về cô với những định nghĩa bình dị ấy. Nhưng tất cả họ và hàng triệu người trên thế giới không thể biết về kết quả của phiên tòa ngày 30 tháng 11 sắp đến. Cũng như có lẽ sẽ không ai có thể trả lời được cho câu hỏi của bé Nấm : "Có cách nào giúp cho gia đình con đoàn tụ không ?".
Cát Linh
Nguồn : RFA, 28/11/2017
Tòa án tỉnh Khánh Hòa ngày 29/6/2017 kết án cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm - 10 năm tù giam vì "tội" âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Ai cũng biết cô Mẹ Nấm chỉ có mỗi một "tội" là yêu nước thật lòng, thương dân thật bụng, bênh dân oan và chống giặc bành trướng và giặc nội xâm tham nhũng một cách kiên cường nhất.
Mẹ Nấm cùng hai con phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Phiên tòa trên đây là biểu hiện rõ nhất của bản chất phản nhân dân, chà đạp công lý, phi pháp, vô đạo đức của chế độ toàn trị, coi thường pháp luật, khinh thường dư luận.
Cả một làn sóng dư luận trong và ngoài nước lập tức dâng cao lên án bản án tàn ác này, khi Mẹ Nấm có mẹ già đau ốm, 2 con nhỏ, bản thân lại mang nhiều bệnh.
Nhiều chính phủ, hơn 40 giáo sư, nhà nghiên cứu, trí thức, nhà báo của nhiều nước đã gửi kiến nghị yêu cầu chính quyền phải hủy bỏ bản án phi nhân độc ác này.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã làm lễ vinh danh Mẹ Nấm cùng những phụ nữ kiên cường của nhiều nước khác, với sự có mặt của bà Melania Trump.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, Phóng viên không Biên giới – Reporters sans frontières - và Pens Club - Hội các nhà văn Thế giới - đều lên tiếng mạnh mẽ. Mười dân biểu và nghị sỹ Hoa Kỳ đồng thanh yêu cầu tổng thống D. Trump nêu vấn đề vi phạm nhân quyền của nước chủ nhà trong cuộc họp APEC vừa qua, đòi tự do ngay cho Mẹ Nấm và hơn 100 tù nhân chính trị khác.
Vậy mà tất cả các ông bà nghị Việt Nam đều câm miệng, không một đại biểu nào chất vấn vụ việc phi lý phi pháp này.
Trong khi bà bộ trưởng ngọai giao Thụy Điển cất công sang Việt Nam chỉ để thảo luận về nhân quyền thay mặt cho cả khối Liên Âu 27 nước thì ông Bộ trưởng Ngoại giao và các thứ trưởng ở Hà Nội đều lảng tránh vấn đề này !
Trong quốc hội có bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng đều trong Bộ Chính trị cùng gần một trăm đại biểu nữ đều ngoảnh mặt làm ngơ trước thân phận bi thảm của một người phụ nữ can trường hiếm có. Họ đại diện cho ai ?
Các nhà văn, nhà báo trong nước nghĩ gì khi các nhà báo, nhà văn nước ngoài quan tâm mạnh mẽ mà bản thân mình lại yên lặng, câm nín như thế ?
Chỉ còn vài ngày nữa tòa án tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên phúc thẩm xử Mẹ Nấm một lần cuối, chung thẩm, vào ngày thứ năm 30/11.
Đây là dịp hiếm có để mọi người quan tâm tỏ rõ thái độ của mình để bênh vực người ngay, người vô tội, cảnh báo hội đồng xét xử phải mở phiên tòa thật sự công khai, xử theo đúng luật chứ không theo chỉ thị của ai khác, có sự chứng kiến của các nhà báo, nhà luật học trong nước và quốc tế, cần bắc loa ra ngoài tòa cho đông đảo nhân dân được theo dõi chặt chẽ. Thế mới là phiên xét xử của tòa án nhân dân, nếu không chỉ là xét xử của đảng quay lưng lại với nhân dân. Riêng Hội đồng xét xử mang trách nhiệm rất lớn, không được đóng vai ô nhục tay sai của đảng để hà hiếp công dân nước mình, làm một việc phi pháp, thất đức, sẽ bị xã hội nhớ tên và nguyền rủa.
Rất mong anh chị em ta trong nước sẽ xuống đường nhân dịp này, mang thật nhiều hình ảnh mẹ Nấm và 2 con nhỏ, các luật sư có công tâm, chuộng công lý sẽ theo dõi chặt chẽ kịp thời bình xét về phiên tòa. Các báo trong nước rất nên lên tiếng có nhận xét, đưa tin, bình luận ngay thật khách quan, không cần ai chỉ bảo, như mạng thông tin CTC1 gần đây tuy ở lề phải đang làm một cách chuyên nghiệp và được bạn đọc hoan nghênh.
Vụ xử phúc thẩm Mẹ Nấm sắp tới là rất quan trọng. Đây là thước đo rõ nhất về Việt Nam có thật sự muốn hòa nhập với thế giới hay không, có muốn cải thiện quan hệ với Liên Âu hay không, có muốn Hiệp ước buôn bán tự do với Liên Âu được thông qua trôi chảy hay không, có muốn thật lòng hàn gắn quan hệ bị ngưng trệ với Cộng hòa liên bang Đức hay không.
Hôm 8/11, trong lúc chuyến công du 12 ngày đến Châu Á đang diễn ra, khi Tổng thống Donald Trump và Đệ Nhất Phu nhân vừa đến Trung Quốc thì có tin cho biết trong chặng đường còn lại, bà Melania Trump sẽ không tháp tùng tổng thống đến Việt Nam và Philippines.
Phiên tòa xử Mẹ Nấm.
Tin được nhanh chóng loan tải. Trên FB của VOA và RFA tiếng Việt và đã có rất nhiều bình luận, ý kiến đưa ra lí giải tại sao Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ lại không đến Việt Nam và Philippines.
Có ý kiến cho rằng những vi phạm nhân quyền đã khiến bà Trump không đến Việt Nam, như một biểu hiện phản đối Hà Nội bắt giam những người bất đồng chính kiến, trong đó có nhiều phụ nữ, chỉ vì họ nói lên quan điểm của mình dù trong tinh thần ôn hòa.
Có thể vì bà quan tâm đến một phụ nữ Việt đang bị giam tù. Đó là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, một người vào tháng Sáu vừa qua đã bị tòa án ở Khánh Hòa kết án 10 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Cuối tháng 3/2017, Mẹ Nấm cùng 12 phụ nữ trên toàn thế giới đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên dương và trao giải thưởng "Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017" trong một buổi lễ có sự tham dự của Đệ Nhất Phu nhân Melania Trump.
Hôm 26/10, trước chuyến công du Châu Á của lãnh đạo Hoa Kỳ, người con gái nhỏ của Mẹ Nấm là Nguyễn Bảo Nguyên đã gửi thư cho Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ yêu cầu can thiệp với Hà Nội để mẹ được trả tự do, về đoàn tụ với gia đình.
Theo ghi nhận của các tổ chức nhân quyền quốc tế, hiện nay còn hơn một trăm tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam. Trong khi đó những người tranh đấu cho quyền làm người, cho môi trường sạch, cho một xã hội công bình thường xuyên bị sách nhiễu, ngăn cản di chuyển, bị công an mời lên làm việc hay bị hành hung bởi các nhóm côn đồ được giới chức an ninh bao che.
Mẹ Nấm cùng hai con phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Mẹ Nấm là một người viết blog lên tiếng bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ môi sinh. Ngoài những bài viết trên blog nói lên quan điểm của mình, bà còn hành động bằng cách xuống đường giương bảng chữ phản đối Bắc Kinh tại một địa điểm du lịch ở Nha Trang, nơi hiện nay tràn ngập du khách Trung Quốc. Nhân viên an ninh đã xô đẩy bà và giựt khẩu hiệu.
Ở những nơi khác bà phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đến cho dân hay lên tiếng phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, phản đối công ti thép Formosa làm ô nhiễm môi trường biển miền Trung một cách trầm trọng và yêu cầu khởi tố công ty ra tòa.
Bà bị bắt vào tháng 10/2016. Tháng Sáu vừa qua bà bị kết án 10 năm tù.
Trong đầu năm nay một phụ nữ khác là bà Trần Thị Nga đã bị công an tỉnh Hà Nam đã bắt giam. Bà là một thành viên của Hội Phụ nữ Việt vì Nhân quyền và thường xuyên lên tiếng bênh vực cho những dân oan bị nhà nước chiếm đất. Nhà nước cũng qui tội bà vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Hôm tháng Bảy vừa qua bà bị xét xử và bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế.
Những bản án dành cho Mẹ Nấm và Trần Thị Nga cho thấy Hà Nội không dung tha những ai lên tiếng phản bác chính sách của nhà nước và sẵn sàng áp đặt những bản án nặng lên họ. Trong hai trường hợp này, dù cả hai phụ nữ đều đang có con nhỏ cũng không thoát khỏi các bản án tù cả chục năm.
Trường hợp của Mẹ Nấm và Trần Thị Nga đặc biệt được nhiều học giả nước ngoài quan tâm.
Tuần qua có một thỉnh nguyện thư, với 40 chữ ký của những giáo sư đại học và những nhà nghiên cứu, gửi Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo Việt Nam yêu cầu trả tự do cho Mẹ Nấm và Trần Thị Nga.
Trong số những người quan tâm có chữ ký của Mark Philip Bradley, David Brown, Anita Chan, Christopher Goscha, Hồ Tài Huệ Tâm, Lê Xuân Khoa, Jonathan London, Bruno Machet, Pamela McElwee, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Ngọc Giao, Sophie Quinn-Judge, Philip Taylor, Thái Văn Cầu, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm, Peter Zinoman v.v…
Những người đồng ký tên cho rằng chỉ vì nói lên quan điểm một cách ôn hoà mà nhà nước kết án Mẹ Nấm và Trần Thị Nga với những bản án nặng nề là điều không nên có và các hành động của họ không nên bị kết án hình sự.
Dù phải đối diện với án tù, đã có nhiều phụ nữ Việt lên tiếng và hành động trước những bất công của xã hội, nạn tham nhũng, trước đe doạ hung hăng của Trung Quốc đến chủ quyền quốc gia, trước những vi phạm quyền con người của nhà nước. Họ là Trần Khải Thanh Thủy, Bùi Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thu Hà, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Xuân, Trần Thị Thúy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn.
Trong các chuyến thăm Việt Nam trước đây của lãnh đạo Hoa Kỳ, năm 2000 bà Hillary và ái nữ Chelsea đã tháp tùng Tổng thống Bill Clinton. Bà Laura cùng Tổng thống George W. Bush (con) đến Việt Nam năm 2006. Năm 2016 Tổng thống Barack Obama đi một mình.
Với chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, điều ngạc nhiên là phu nhân Melania đã theo ông trong phần đầu qua ba quốc gia Nhật, Nam Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng bà lại không đến Việt Nam và Philippines trong chặng cuối của chuyến công du.
Cho đến nay chính sách của Tổng thống Trump về Đông Á nói chung, và đối với Việt Nam nói riêng, sẽ như thế nào thì vẫn chưa có những nét rõ ràng ngoài việc tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, nhưng không quá bất lợi cho Hoa Kỳ như trước đây và vấn đề Bắc Triều Tiên thử vũ khí nguyên tử.
Dù chính sách mới của Hoa Kỳ ra sao, dù phu nhân Melania không đến Việt Nam thì việc tranh đấu cho quyền làm người, cho một xã hội cởi mở, công bằng và tiến bộ vẫn tiếp tục với nỗ lực chính là của người Việt, trong cũng như ngoài nước, vì Việt Nam tuy đã ký vào các Công ước Liên Hiệp Quốc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cho người dân nhưng Hà Nội không tôn trọng.
Nói như Mẹ Nấm, bà ý thức được việc của bà làm. Trong tù với điều kiện giam giữ khắc khe mà vẫn vững tin như thế, bà thật là người can đảm.
Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rạng mặt đàn bà nước Nam
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 10/11/2017
Không biết vô tình hay hữu ý, trường hợp Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - nhà hoạt động nhân quyền tranh đấu cho người dân miền Trung phản kháng Formosa - đã được chính quyền nổi còi báo động toàn quốc ngay trước khi diễn ra những chuyến công du đối ngoại của cấp chóp bu Việt Nam. Ngay trước mắt là chuyến đi Đức của Thủ tướng Phúc dự Hội nghị G20 khai mạc vào ngày 7/7/2017.
Vô tình hay hữu ý ?
Vào nửa cuối tháng 5/2017, trước chuyến đi của Thủ tướng Phúc sang Washington với mục đích ẩn ý "làm quen với Trump", ngay trước cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền Việt - Mỹ tại Hà Nội, ngôi nhà nhỏ số 24 Đặng Tất ở Nha Trang của bà Nguyễn Thị Tuyết Lan - mẹ của Như Quỳnh - bất thần bị hàng trăm công an và dân phòng bao vây vòng trong vòng ngoài. Những người hàng xóm chứng kiến cảnh tượng hùng hổ đe nẹt ấy cứ ngỡ là trong bà Lan phải có một lực lượng đang "âm mưu lật đổ chính quyền", hay chí ít cũng phải có một tổ chức phản động đang nhóm họp. Song ngôi nhà ấy lại chỉ có bà Lan và hai bé con của Quỳnh - những sinh linh chân yếu tay mềm mà chỉ cần thế ngang ngược côn đồ của một viên công an là khống chế được tất cả.
Vậy tại sao chính quyền phải dùng đến "sức mạnh toàn dân" như thế ?
Không thể hiểu khác hơn, việc cho số đông công an bao vây nhà, phong tỏa "nội bất xuất ngoại bất nhập" là một "biện pháp nghiệp vụ" của chính quyền vẫn tuyên xưng "chính danh", trở thành mẫu mực về hiệu quả khủng bố tâm lý trong các giáo trình nghiệp vụ "bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Cảnh tượng đầy màu sắc khủng bố trên lại xảy ra hai tháng sau khi đóa hoa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh "Người phụ nữ can đảm quốc tế".
Chỉ một tháng sau bức tranh khủng bố tại nhà số 24 Đặng Tất, tòa án "nhân dân" Khánh Hòa bất ngờ thông báo đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xét xử. Chi tiết cần chú ý là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị đưa ra tòa sau 8 tháng bị bắt tạm giam, trong khi một trường hợp khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã bị Bộ công an bắt từ tháng 12/2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa được đưa ra xét xử, cho dù thời hạn tạm giam đã kéo dài quá lâu và bị nhiều luật sư tố rằng trại giam đã vi phạm quy định của Luật Tố tụng hình sự về thời gian giam giữ.
Đầu tháng 5/2017, Công an tỉnh Hà Nam bất ngờ thông báo "đã hoàn thành kết luận điều tra Trần Thị Nga" - một tiến trình quá nhanh khi dân oan Trần Thị Nga mới bị bắt vào đầu năm 2017, quá nhanh so với rất nhiều trường hợp người đấu tranh nhân quyền bị tạm giam đến vài năm trời trước khi đưa ra xét xử. Tuy nhiên từ đó đến nay bỗng nhiên bặt tăm thông tin ra tòa của bà Nga.
Vì sao là Quỳnh mà không phải Đài hay Nga bị đưa ra tòa vào thời điểm giữa năm 2017 ?
Thời điểm giáng cái án cực kỳ bất công và nặng nề - 10 năm tù - đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, lại xảy ra ngay trước chuyến công du sang Đức - cũng của Thủ tướng Phúc, nhân sự kiện Hội nghị G20 quốc tế.
Võ An Đôn - một trong các luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã tiết lộ trong bài viết "Chuyện Mẹ Nấm bây giờ mới kể" trên facebook của anh : "Không hiểu tại sao, sau khi ngài thủ tướng đi thăm Mỹ về thì việc điều tra vụ án kết thúc nhanh chóng và Viện kiểm sát ra cáo trạng truy tố trong thời gian ngắn, làm các luật sư trở tay không kịp".
Vô tình hay hữu ý ?
Chỉ biết rằng ngay sau bản án 10 năm trên, dư luận quốc tế cùng Mỹ và phương Tây đã nổi giận thật sự, đã phản ứng mạnh mẽ hơn hẳn nhiều vụ Việt Nam bắt người đấu tranh nhân quyền trước đó. Sau giải "Người phụ nữ can đảm quốc tế", vấn đề bây giờ không chỉ là nhân quyền Việt Nam mà còn là thể diện của nước Mỹ.
Riêng tại Hoa Kỳ, giới lập pháp ở đất nước này đã phải dùng cụm từ "vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đến mức báo động", và ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ lên tiếng ủng hộ đưa Việt Nam vào lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), cũng như Hoa Kỳ cần nhanh chóng triển khai Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu để chế tài những quan chức vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đảng tự giẫm chân hay ai giẫm lên đảng ?
Vô tình hay hữu ý, "thúc đẩy quan hệ kênh đảng" - một trong những mục tiêu thể diện và rất quan trọng mà ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam - đặt ra trong chuyến công du sang Washington gặp Tổng thống Obama, được lặp lại trong tuyên bố chung Mỹ - Việt sau cuộc gặp Trump - Phúc vào cuối tháng 5/2017, đã trở nên xấu hổ và xấu đi đến khó tả sau cái án "10 năm Hoa Quỳnh".
Một hiện tượng đáng chú ý và mổ xẻ là vào nửa đầu năm 2017, "quan hệ kênh đảng" đã bắt đầu được triển khai bằng quan hệ truyền thông.
Tháng 6/2017, lần đầu tiên VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) sang London để tiếp xúc với BBC World Service.
Có tin cho biết kể cả Tạp chí Cộng Sản - tờ báo được xếp "loại một" trong hệ thống báo chí quốc doanh và là nơi mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng là tổng biên tập - cũng có kế hoạch giao tiếp với "đài địch".
Chưa kể đến những mục tiêu thầm kín mang tính cá nhân thay vì tập thể, mục tiêu công khai là nâng tầm uy tín và vị thế cho đảng cầm quyền ở Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể là cho nâng cao uy thế chính trị cho những người bên đảng, ưu tiên thuộc khối đảng, không chỉ "trên trường quốc tế" mà có lẽ quan yếu nhất là trong "chính trường nội bộ".
Một trong hiếm hoi bài học có thể "nhân điển hình tiên tiến" là chuyến đi "thành công rực rỡ" của Tổng bí thư trọng sang Mỹ vào tháng 7/2015 : ông Trọng đã nhận được lời cam kết của Mỹ về cho Việt Nam tham gia vào TPP - một Hiệp định thương mại mà giới chóp bu Việt Nam rất thèm muốn hầu mong cứu vãn nền kinh tế đang suy sụp. Chính cam kết này đã hỗ trợ đáng kể cho tiếng nói và vị thế chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng ngay trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền tại Việt Nam - một đại hội cực kỳ cam go khi lần thứ hai nổ ra cuộc chiến "Trọng - Dũng". Kết quả, ông Trọng đã giành thắng lợi lớn chưa từng có !
Nhưng bây giờ không còn là năm 2015, mà đang là 2017.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ biết rằng giờ đây phía Mỹ và Tây Âu đang trở nên khó nghĩ và khó khăn hơn nhiều khi phải tiếp những phái đoàn tự nguyện của "đảng và nhà nước ta". Cứ nhìn vào nhân quyền Việt Nam là thấy hết. Và chắc chắn nhiều chính khách phương Tây rất muốn hỏi thẳng "kênh đảng" của ông Trọng, ông Phúc, bà Ngân… rằng tại sao các ông bà lại để cho vi phạm nhân quyền đổ đốn đến thế…
Có một cái gì đó thuộc về nội bộ đảng đã trở nên vừa thâm hiểm vừa lộ liễu đến mức Luật sư Võ An Đôn phải đặt dấu hỏi : "Nghe nói trong chuyến đi Mỹ vừa qua, một nhóm nghị sĩ dân biểu Mỹ đến gặp ngài thủ tướng, yêu cầu Việt Nam thả ngay các tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt quan tâm trường hợp Mẹ Nấm. Ngài thủ tướng hứa sẽ thả Mẹ Nấm trong thời gian sớm nhất, là luật sư bào chữa nghe tin này tôi rất vui mừng. Không ngờ, tòa tuyên Mẹ Nấm 10 năm tù giam, làm luật sư và nhiều người sốc tức tưởi. Không lẽ, ngài thủ tướng cũng bị cấp dưới "chơi" giống như ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Đồng Tâm hay sao ?".
Một nghi ngờ rất lớn : chẳng lẽ đảng cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, bằng quá nhiều hành động đàn áp nhân quyền lộ liễu và tàn nhẫn, đã tự phá đi "hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế" của họ, cũng như làm khó hẳn cho những chuyến công du đối ngoại mà bị dư luận đánh giá không ngoài mục đích "xin tiền" của Thủ tướng Phúc ?
Hay "toàn đảng toàn quân" vẫn cố níu kéo con bài "đổi nhân quyền lấy lợi ích thương mại" mà cộng đồng quốc tế ngày càng quay lưng ?
Hoặc nếu không phải là những người bên đảng tự giẫm lên chân mình, thế lực nào đã tạo ra vi phạm nhân quyền để giẫm lên đảng ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/07/2017
Ngày người Việt yêu nước Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiên ngang nhận bản án 10 năm tù của tòa án nhà nước sợ Sự Thật.
Một nhà nước tồn tại bằng dối lừa bịp bợm
Sợ Sự Thật như cú cáo sợ mặt trời
Em là Sự Thật
Sự Thật của nhân dân khổ đau suốt gần một thế kỉ bởi học thuyết máu Mác – Lê – Mao
Ba mươi tám tuổi đời em đã có ba mươi tám năm mất quyền làm người, mất quyền yêu nước
Phải sống bơ vơ, lạc loài, lưu vong ngay trên chính quê hương máu thịt của mình
Sự Thật đời em là Sự Thật của cả dân tộc Việt Nam những năm tháng khổ đau bị tước đoạt những giá trị làm người.
Em là Sự Thật
Sự Thật của đất nước bốn ngàn năm oai hùng thắng giặc phương Bắc để tồn tại
Nay tủi nhục trở về thời nô lệ Bắc thuộc từ cuộc đi đêm bán nước ở Thành Đô.
Nhượng địa Tàu ở Tây Nguyên, tô giới Tàu ở Vũng Áng
Cấm người Việt không được lai vãng
Những làng xóm Tàu, khu phố Tàu như những mụn ghẻ Tàu loang lổ trên khắp cơ thể Việt Nam
Tay cầm băng chữ lên án giặc Tàu xâm lược
Em cầm trong tay Sự Thật nỗi phẫn nộ trong lòng chín mươi triệu người dân đất Việt.
29/06/2017, ngày người Việt yêu nước Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiên ngang nhận bản án 10 năm tù của tòa án nhà nước sợ Sự Thật.
Em là Sự Thật
Sự Thật của tâm hồn Việt khi em thét : Formosa cút đi.
Những kẻ chỉ biết có ý thức hệ máu Mác – Lê – Mao
Cùng những kẻ chỉ biết có đồng tiền tanh tưởi đã thậm thụt rước đại họa Formosa về đầu độc biển quê ta
Như năm xưa Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về dày xéo mồ mả ông cha
Con đường em đi là con đường của cả dân tộc.
Em là Sự Thật
Em làm hồ sơ về những cái chết bầm dập, chết tức tưởi trong đồn công an
Em làm hồ sơ Sự Thật về một thời nhà nước đảng trị và xã hội công an trị
Con đẻ của dân, ăn cơm dân nuôi, mặc áo dân may mà công an như hung thần với dân
Vì công an chỉ biết còn đảng còn mình
Sự Thật về một thời đất nước là một nhà tù lớn nhốt chín mươi triệu dân oan
Em là Sự Thật
Sự Thật của những phiên tòa ô nhục
Coi nhân dân, coi lòng yêu nước là thế lực thù địch
Những phiên tòa luận tội lòng yêu nước của nhân dân
Phạm Đình Trọng
Sài Gòn, 29/06/2017
Ngày người Việt yêu nước Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiên ngang nhận bản án 10 năm tù của tòa án nhà nước sợ Sự Thật.
Nhiều người quyên góp tiền hỗ trợ con của Mẹ Nấm (VOA, 03/07/2017)
Sau khi nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận bản án nặng vì "tuyên truyền chống nhà nước", nhiều người góp quỹ gần 300 triệu đồng để giúp các con của nữ blogger.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hai con nhỏ.
Hồi tuần trước, một tòa án ở Khánh Hòa, Việt Nam, kết án Như Quỳnh, 38 tuổi, tới 10 năm tù. Blogger còn được biết đến với bút danh Mẹ Nấm lâu nay đã viết và đăng nhiều bài phản ánh hiện thực xã hội và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
Nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng đó là một bản án "bất công", làm họ thấy "buồn và xót xa" cho hai con nhỏ của Như Quỳnh là Nấm, 11 tuổi, và Gấu, 5 tuổi.
Như Quỳnh bị tòa tuyên án 10 năm tù giam trong phiên sơ thẩm ngày 29/6/2017.
Lo lắng cho tương lai hai cháu trong hoàn cảnh mẹ bị bỏ tù lâu năm, còn bà ngoại không có việc làm, nhiều nhà hoạt động vì dân chủ và những người có nhiều ảnh hưởng trong xã hội đã vận động quyên góp gửi về cho bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh.
Trưa ngày 3/7, bà Lan viết trên trang Facebook cá nhân rằng bà "chân thành cảm ơn cộng đồng đã đồng hành và giúp đỡ" gia đình bà với số tiền hơn 289 triệu đồng. Bà cho biết có rất nhiều người gửi trực tiếp đến tài khoản ngân hàng của bà số tiền 200 nghìn đồng mỗi người.
Trong phần trả lời thông điệp của bà, có người bình luận kết quả quyên góp khả quan cho thấy "những người lên tiếng thúc đẩy nhân quyền không hề cô đơn". Một số người khác cho rằng "Đây là bằng chứng người dân phản đối lại luật pháp vô nhân đạo của nhà cầm quyền", hay nói cách khác, đó là "Một câu trả lời cho phiên tòa vô lương tâm của chính quyền cộng sản dành cho mẹ Nấm".
Bà Lan chia sẻ với VOA số tiền sẽ giúp đảm bảo việc học hành trong thời gian trước mắt cho hai con của Mẹ Nấm :
"Số tiền đó cũng nuôi được cháu khoảng được hơn hai năm. Trước mắt tôi là một khoảng đêm đen rất là dài, làm cho tôi rất lo lắng. Cho dù người ta kết án con tôi, nhưng những đóng góp, nâng đỡ của những ân nhân chính là kết quả cho mọi người thấy rằng con tôi đã làm đúng, đã làm tròn trách nhiệm. Tôi biết những đồng tiền đó là do họ tiết kiệm, họ chia sẻ miếng cơm manh áo với chúng tôi. Chúng tôi rất cám ơn và chúng tôi tri ân trong lúc gia đình chúng tôi gặp hoạn nạn, khó khăn".
Trong trang Facebook của bà Lan, nhiều người góp ý rằng bà không nên giữ tiền trong ngân hàng ở Việt Nam với lo ngại rằng nhà nước có thể "đóng băng tài khoản" làm bà không thể rút tiền ra. Họ cảnh báo rằng đối với những người đối lập chính trị với chính quyền, nhà nước Việt Nam "không có gì là không dám làm".
Cùng ngày 3/7, mẹ của blogger Như Quỳnh cho VOA biết bà đã đến trại giam của Công an tỉnh Khánh Hòa vào buổi sáng, yêu cầu được thăm con gái theo đúng luật.
Blogger Mẹ Nấm - Như Quỳnh, lúc chưa bị bắt
Bà nói dù đã làm đơn và thực hiện đúng các thủ tục, nhưng trại giam vẫn từ chối không cho bà gặp con và họ đã trả lại đơn.
Theo lời kể của bà, trại giam nói bà "không được thăm gặp thân nhân một cách bình thường như những trường hợp khác". Trại giam nói thêm họ chỉ có trách nhiệm giam giữ, còn việc có được thăm gặp hay không là "do bên an ninh quyết định".
Bà Lan cho rằng việc nhà chức trách không cho bà thăm con gái "là hành vi trả thù" đối với Như Quỳnh vì nữ blogger đã "tỏ thái độ kiên cường" và "không nhận tội" trong phiên tòa vừa qua.
Sau khi Mẹ Nấm bị kết án, nhiều chính phủ nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp Châu Âu đồng loạt ra tuyên bố nói họ quan ngại về bản án và đòi Việt Nam trả tự do cho bà.