Mỹ, Việt Nam gắn kết hơn bao giờ hết về kinh tế và chia sẻ tầm nhìn chung
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định lại việc Washington và Hà Nội cùng chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực và cho biết nền kinh tế của hai nước gắn kết hơn bao giờ hết khi điểm lại những thành tựu trong quan hệ Mỹ-Việt trong năm qua.
Cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm giữa hai nước diễn ra ở Washington DC nhằm thảo luận về nhân quyền và quyền lao động cũng như thực hiện các cam kết được nêu trong Tuyên bố chung.
Trong mộtvideo được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam công bố hôm 29/12, ông Knapper, người tiếp quản chức đại sứ Mỹ từ ông Daniel Kritenbrink vào tháng 1 năm ngoái, gọi 2023 là một năm "tuyệt vời" cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, từ cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Knapper nhắc tới chuyến thăm mà ông gọi là "lịch sử" của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 như là sự kiện quan trọng nhất trong bang giao giữa hai nước trong năm qua.
Trong chuyến thăm này Tổng thống Biden cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng quan hệ Mỹ-Việt lên tầm đối tác cao nhất. Việc Việt Nam nâng cấp hai bậc, đưa Mỹ lên làm đối tác ngang hàng với Trung Quốc trong hệ thống quan hệ ngoại giao của mình là chưa từng có tiền lệ.
Tuyên bố chung được đưa ra hôm 10/9 nói rằng việc nâng cấp quan hệ mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Việc nâng cấp quan hệ diễn ra trong bối cảnh Washington tìm cách gắn kết hơn với khu vực trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng "friendshoring" từ các nước bạn bè và đối tác thân thiện của Mỹ.
"Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn nữa về công nghệ mới nổi", Đại sứ Knapper nói bằng tiếng Việt trong video. "Chúng ta đang cùng nhau xây dựng các điều kiện cho các ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn khởi sắc".
Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, theo Tuyên bố chung. Theo cam kết này, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ông Biden và ông Trọng, theo tuyên bố chung, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam cũng như phối hợp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Đại sứ Knapper cũng đề cập đến các dự án đầu tư lớn của hai nước, trong đó có Amkor Technology ở Việt Nam và VinFast tại Hoa Kỳ.
"Hai nền kinh tế của chúng ta trở nên gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết", Đại sứ Knapper nói. "Amkor Technology đã khai trương cơ sở lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip máy tính (trị giá) 1,6 tỷ đô la Mỹ. VinFast đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở sản xuất xe điện trị giá 4,5 tỷ đô la Mỹ tại North Carolina".
Ông Knapper cho rằng đây chỉ là hai ví dụ cho thấy "tầm quan trọng của thương mại song phương đối với khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu".
Đại sứ Mỹ còn cho biết rằng "Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", nhắc lại những gì được các lãnh đạo Mỹ nói với các lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp trước đây.
Trong năm nay, Việt Nam đã đón các sĩ quan quân đội cao cấp (của Mỹ) và tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng như hợp tác trong các sáng kiến ứng phó nhân đạo như Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, theo Đại sứ Knapper.
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ khi Tổng thống Biden tới Hà Nội nói rằng "Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường".
Đại sứ Knapper cho biết Mỹ đã hỗ trợ trang thiết bị với tổng giá trị 8,9 triệu USD để tăng cường an ninh hàng hải cho Việt Nam.
Một trong những sự kiện của quan hệ Mỹ-Việt diễn ra trong năm 2023 được ông Knapper nhắc tới là cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm giữa hai nước diễn ra ở Washington DC nhằm thảo luận về nhân quyền và quyền lao động cũng như thực hiện các cam kết được nêu trong Tuyên bố chung.
Di sản chiến tranh là một trong những điều khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mất một thời gian dài mới được bình thường hóa và, theo Đại sứ Knapper, Hoa Kỳ "cam kết giải quyết những vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh".
"Hoa Kỳ và Việt Nam đã cập nhật thỏa thuận hợp tác xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, nâng tổng mức đóng góp lên 300 triệu đô la Mỹ", Đại sứ Knapper nói.
Theo ông Knapper, Việt Nam trong năm qua tiếp tục là một trong số những nước có lượng sinh viên du học ở Mỹ đông nhất, với khoảng 30.000 du học sinh.
Nguồn : VOA, 30/12/2023
Liệu Mỹ có thể kiềm chế Trung Quốc qua nỗ lực nâng cấp quan hệ với Việt Nam ?
Giữa tháng 6, Việt Nam và Trung Quốc lại một lần nữa xung đột về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Một tuần sau, vào ngày 25/6, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã đến cảng Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập "quan hệ đối tác toàn diện" giữa Mỹ và Việt Nam.
Việt Nam không có động lực để cải thiện quan hệ với Mỹ, và Bắc Kinh hiểu điều này - Ảnh minh họa
Một số nhà phân tích cho rằng trong những năm gần đây, cả Mỹ và Việt Nam không chỉ nâng tầm quan hệ kinh tế và thương mại, mà còn chia sẻ những lo ngại chung về việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông.
Việt Nam đã liên tục bày tỏ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tuần qua, bộ phim "Barbie" sắp ra mắt của Mỹ đã bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có hình ảnh bản đồ chứa đường lưỡi bò.
Phải chăng Việt Nam bắt đầu có lập trường "thân Mỹ, chống Trung Quốc" vì vấn đề Biển Đông ?
Câu trả lời có thể không đơn giản như vậy. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những nỗ lực của Washington nhằm thu phục Hà Nội đã không thành công và kết quả có thể không như họ mong đợi.
"Việt Nam không có động lực để cải thiện quan hệ với Mỹ, và Bắc Kinh hiểu điều này", Tiến sĩ Bill Hayton, nhà nghiên cứu thuộc chương trình châu Á – Thái Bình Dương của Chatham House, nói với truyền thông Mỹ.
Trong khi đó, giáo sư Vũ Tường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt - Mỹ tại Đại học Oregon, tin rằng giới lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam không coi tranh chấp trên Biển Đông quan trọng như thế giới bên ngoài vẫn tưởng. Ông nói với BBC Tiếng Trung :
"Các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam không thích vấn đề này vì nó đe dọa sự tồn vong của chế độ. Sự tồn vong này mới là mối quan tâm thực sự của họ. Đồng thời, họ cố gắng thu lợi từ vấn đề này để giành được ưu đãi từ Mỹ, bao gồm viện trợ và tiếp cận thị trường Mỹ".
Tuy nhiên, học giả Harrison Pretat từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tin rằng "Việt Nam hy vọng duy trì quan hệ hữu nghị với cả Trung Quốc và Mỹ trong khả năng của mình, để không làm ảnh hưởng tình hữu nghị với nước còn lại".
Trả lời BBC tiếng Trung, ông cho rằng Biển Đông đặc biệt quan trọng với Việt Nam, nhất là về nguồn năng lượng ngoài khơi.
Nhưng khi phải duy trì quan hệ chính trị và kinh tế với Trung Quốc và đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam cần duy trì sự cân bằng.
Theo ông, sự tương tác giữa Việt Nam với Mỹ được coi là quá thân thiện hoặc nếu Hà Nội ủng hộ các chiến lược khu vực của Washington được coi là chống Trung Quốc, thì Việt Nam có nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ với Bắc Kinh.
Tháng 10/2022, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Bắc Kinh sau Đại hội Đảng lần thứ 20.
Cuối tháng 6, khi tàu sân bay USS Ronald Reagan đến Đà Nẵng, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Lý Khắc Cường, đã bay đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức thủ tướng.
"Mảnh ghép Việt Nam" ?
Tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm cảng Việt Nam vào cuối tháng 6, đánh dấu chuyến thăm thứ ba kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chuyến thăm này đã gây chú ý và làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Pretat nói với BBC Tiếng Trung rằng chuyến thăm này là một dấu hiệu quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước, cho thấy Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, trái ngược với sự phản đối của Trung Quốc.
Chuyến thăm của tàu sân bay USS Ronald Reagan đến Đà Nẵng diễn ra sau một vụ việc gần đây liên quan đến việc tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các khu vực khác, mà các nhà phân tích tin rằng có thể nhằm mục đích thách thức hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Tiến sĩ Tô Tử Vân, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết từ góc độ địa chính trị, Việt Nam là mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh ghép hình để bao vây Trung Quốc.
Tiến sĩ Tô phân tích rằng chiến lược này trong quá trình thời Trump là lấy Việt Nam, Bắc Hàn để tạo thế gọng kềm chặt chẽ với Trung Quốc. Nhưng thời Biden chuyển trọng tâm sang củng cố Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, bỏ rơi Bắc Hàn, biến Việt Nam thành mảnh ghép cuối cùng trong thế cờ địa chính trị của Biden.
Theo ông Tô, Việt Nam có sức hấp dẫn đối với các nước như Nga và Trung Quốc. Vì vậy, Nga đã thuê một căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh từ thời Liên Xô, làm căn cứ phía Nam cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Ông tin rằng thái độ chiến lược của Việt Nam là chơi "ván bài của Mỹ" và "thậm chí có thể chấp nhận hỗ trợ quân sự của Mỹ". Do đó, trong khi vẫn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, Hà Nội cho phép các chuyến thăm ngắn hạn và triển khai máy bay quân sự từ Mỹ, như một chiến lược cân bằng quyền lực.
Giáo sư Tô nhấn mạnh mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Việt Nam sẽ trở nên thân thiết hơn. Ví dụ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vào năm 2016 và chính quyền Trump bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự không quân cho Việt Nam, với tổng trị giá 92 triệu USD vào năm 2022.
"Với hiệu suất kém của vũ khí Nga trên chiến trường Ukraine sẽ tạo điều kiện cho việc Việt Nam chuyển sang mua vũ khí của phương Tây (Ấn Độ đã cho thấy xu hướng này). Việc mở rộng hợp tác an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ mở rộng hơn nữa vòng vây Bắc Kinh",ông nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Pretat của CSIS nói với BBC rằng chuyến thăm này của USS Ronald Reagan có thể không mang ý nghĩa như bên ngoài vẫn tưởng. Ở một góc độ nào đó, đây có thể là chuyến thăm bù cho việc Việt Nam đã hủy chuyến thăm dự kiến vào năm ngoái.
Điểm mấu chốt là Mỹ đã ám chỉ về việc sắp nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam thành "đối tác chiến lược". Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là một tín hiệu quan trọng hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nỗ lực của Mỹ trong việc dùng Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc đã không thành công như mong đợi, hoặc vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với VOA Tiếng Việt rằng vào tháng 10/2022, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải mất "nhiều tháng thu xếp" để có cuộc điện đàm với Biden, cho thấy Hà Nội vẫn đánh giá cao mối quan hệ với Bắc Kinh .
Còn Tiến sĩ Bill Hayton của Chatham House nhận định : "Lãnh đạo của Việt Nam theo chủ nghĩa Lênin, và họ coi nền dân chủ do Mỹ hậu thuẫn là mối đe dọa lớn nhất mà họ phải đối mặt. Các vấn đề của Trung Quốc không đáng kể so với các vấn đề của Mỹ".
Theo Tiến sĩ Abuza, Bắc Kinh tự tin rằng "Việt Nam biết mình là một bên tham gia độc lập và kiên quyết từ chối thực hiện bất kỳ hành động nào mà Bắc Kinh coi là thù địch với lợi ích của Trung Quốc". Ông gợi ý Nhà Trắng phải nhận ra những vấn đề nhạy cảm mà Hà Nội quan tâm và "không nên liên kết rõ ràng việc cải thiện quan hệ với Việt Nam với Trung Quốc".
Theo phân tích của các chuyên gia, có vẻ như mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam của Mỹ nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7 sẽ khó thành hiện thực dưới tác động của Bắc Kinh.
Mặc dù Mỹ là nhà đầu tư lớn và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ thăm Việt Nam vào đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn hỗ trợ kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Reuters dẫn lời các quan chức Việt Nam nói rằng trong khi mong muốn của Washington là nâng cấp hệ ngoại giao với Hà Nội, "các nhà lãnh đạo Việt Nam do dự, sợ rằng Trung Quốc có thể trả đũa". Cạnh tranh Trung-Mỹ và khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam, Hà Nội có thể miễn cưỡng chính thức nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện với Washington",Bích Trần, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington nói với Reuters.
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Đại học Quốc gia TP HCM Việt Nam nói với BBC Tiếng Trung rằng Việt Nam hiện nay rất cần sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt là về an ninh và quốc phòng, để đối phó với áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ chính trị của Trung Quốc để duy trì và củng cố địa vị của Đảng cộng sản Việt Nam.
"Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro", ông nói.
Giáo sư Vũ Tường từ Đại học Oregon cho rằng, trên thực tế, mối quan hệ tay ba giữa Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam đã không có bất kỳ thay đổi nào trong những năm qua. Ví dụ, mỗi mùa hè, Trung Quốc đều đưa một số tàu đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông để tuyên bố chủ quyền, trong khi Hà Nội đáp trả một cách tượng trưng, khiến bên ngoài tin rằng họ rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
"Việt Nam muốn giữ cho Mỹ hy vọng rằng họ có thể có mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam trong tương lai để họ không chỉ trích những vi phạm về nhân quyền ngày càng rõ ràng của Việt Nam",ông nói với BBC.
Cái nhìn khác biệt giữa chính quyền và người dân Việt Nam
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không được lòng công chúng Việt Nam, vốn ngày càng trở nên chống Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo các cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện, tâm lý của công chúng Việt Nam đối với chính phủ Trung Quốc ngày càng trở nên tiêu cực.
Một khảo sát do trung tâm này công bố vào tháng 8/2017 cho thấy Việt Nam là nước châu Á-Thái Bình Dương có cái nhìn kém thiện cảm nhất với Trung Quốc, hơn cả Nhật Bản, quốc gia lâu nay có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Chỉ 10% người Việt Nam được hỏi ủng hộ Trung Quốc hơn Mỹ.
Hơn nữa, báo cáo của Pew chỉ ra rằng Việt Nam đứng đầu trong số các quốc gia coi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một điều tồi tệ. Ngoài ra, người dân Việt Nam có niềm tin thấp nhất vào ảnh hưởng tích cực của Tập Cận Bình đối với các vấn đề toàn cầu trong số tất cả các quốc gia được khảo sát.
Phân tích tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng trong xã hội Việt Nam. Giáo sư Hoàng Quỳnh Thu từ Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, đã chỉ ra rằng ở Việt Nam, tâm lí chống Trung Quốc đã được chính phủ tích cực thúc đẩy thông qua các bản đài báo và thậm chí giáo dục, tăng cường trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tâm lý chống Trung Quốc của người dân Việt Nam không chỉ nảy sinh sau khi Trung Quốc trỗi dậy 20 năm về trước.
Theo giáo sư Hoàng, gốc rễ của việc chống Trung Quốc có thể bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa khi Việt Nam bị đô hộ. Bà nhấn mạnh, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền kiểm soát Việt Nam, sự thao túng tâm lý chống Trung Quốc của chính quyền ngày càng trở nên rõ ràng, "thậm chí làm rung chuyển quan hệ Việt - Trung".
Ông Hoàng nêu ví dụ, dựa trên những ghi chép lịch sử, vào năm 1946, lãnh tụ Việt Nam khi đó, ông Hồ Chí Minh đã nói trong cuộc đàm phán với đại diện của Pháp rằng : "Chúng tôi thà ngửi mùi xì hơi của Pháp trong 5 năm còn hơn là ăn phân Trung Quốc cả đời".
Giáo sư Hướng nhấn mạnh, chính sách chính thức về Trung Quốc và tâm lý của công chúng ở Việt Nam không nhất quán, tạo ra nhiều mâu thuẫn. Nói cách khác, Hà Nội thường xuyên phải cân bằng những khó khăn giữa "củng cố tình cảm của người dân" và "lợi ích quốc gia".
Chẳng hạn, nếu chính phủ Việt Nam không thể đòi hỏi sự công bằng từ Bắc Kinh theo quan điểm chống Trung Quốc, thì sự thất vọng của công chúng đối với chính phủ có thể phản tác dụng.
Ví dụ, vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 đến khu vực mà Việt Nam cho là thuộc quyền tài phán của mình, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra và các nhà máy nước ngoài ở tỉnh Bình Dương phía nam đã bị đập phá.
Vào tháng 6/2018, hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã xuống đường biểu tình phản đối "Luật Đặc khu kinh tế" mới được đưa ra mà họ cho rằng sẽ có lợi cho Trung Quốc, khiến giới lãnh đạo ở Hà Nội sửng sốt.
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng giải thích với BBC rằng thực sự người Việt Nam nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn do quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ và "sức mạnh mềm" mà Mỹ thể hiện thông qua giáo dục ở Việt Nam.
Ông nói rằng hầu hết người dân Việt Nam không có ấn tượng tốt về Bắc Kinh, nhưng họ tôn trọng nền văn minh và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Lữ Gia Hồng
Nguồn : BBC, 08/07/2023
Tám năm qua, RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership-Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) là ván cờ của Trung Quốc để đối trọng lại TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement-Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), nay là CPTPP (Comprehensive Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership-Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) do Mỹ cầm đầu. Việc Donald Trump rời bỏ TPP vào đầu năm 2017 là cơ hội vàng cho Trung Quốc. Mấy tháng qua, Mỹ và thế giới đã bị lôi cuốn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ quá nhiều nên sao nhãng các vấn đề khác, trong đó có Hiệp định RCEP.
Sơ đồ những quốc gia gia nhập CPTPP và RCEP
Khi Trump và Biden tranh giành quyết liệt để xác định ai là chủ Nhà Trắng thì đó là thời điểm không thể tốt hơn để Trung Quốc thúc đẩy việc ký kết RCEP tại Hà Nội ngày 15/11. Trong khi Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán RCEP năm ngoái vì lý do riêng thì 10 nước ASEAN và 5 đối tác Thái Bình Dương (Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, và New Zealand) không thể cưỡng lại RCEP vì tổn thương do đại dịch.
Thời điểm này là tốt nhất cho Trung Quốc vì họ đang rất cần RCEP để xoay chuyển tình thế với Mỹ. Nhiều nước vẫn còn giận Bắc Kinh đã che giấu khi đại dịch bắt đầu bùng phát và tiếp tục đòi chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc đã đỡ đầu cho RCEP và được ASEAN và các đối tác khu vực tham gia, nên đây là thắng lợi lớn của Bắc Kinh về tuyên truyền.
Sơ đồ những quốc gia ASEAN tham gia vào RCRP và CPTPP
Các nước RCEP chiếm 30% dân số và 29% GDP của thế giới. Vì RCEP còn lớn hơn cả Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada và Mỹ-EU cộng lại, nên rõ ràng Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ RCEP, nhất là khi họ theo đuổi chiến lược "hai thị trường song hành" gồm thị trường trong nước và khu vực. Tuy một số nước ASEAN và đối tác cũng có lợi khi tham gia RCEP vì suy thoái do đại dịch, nhưng Việt Nam là câu chuyện khác.
Việc ký RCEP làm nhiều người Việt bất ngờ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan "lo nhiều hơn vui" vì RCEP sẽ làm Việt Nam càng lệ thuộc vào Trung Quốc trong khi lẽ ra phải đa dạng hóa nguồn đầu tư bằng tăng cường hợp tác với các nước khác thông qua CPTPP và EVFTA. Vũ Quang Việt (cựu chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc) lo ngại RCEP với các tiêu chí thấp về môi trường và bảo vệ lao động sẽ làm cho Việt Nam càng tụt hậu.
RCEP là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên mà Trung Quốc ký nhằm loại Mỹ khỏi khu vực. Trung Quốc đang lấp lỗ trống quyền lực mà Mỹ để lại sau khi bỏ rơi TPP, nhưng chưa rõ liệu Mỹ có muốn tái gia nhập CPTPP hay không. Dù thế nào đi nữa, Việt Nam vẫn mắc kẹt vào tranh chấp Mỹ-Trung ở khu vực. RCEP gửi đi một thông điệp về kinh tế và ngoại giao rằng đây là "biến số lớn đối với Trung Quốc".
Những ẩn ý với Mỹ và Việt Nam
Trung Quốc là nước có lợi nhất vì RCEP, nên hiệp định này là một thắng lợi quan trọng về địa chính trị đối với Bắc Kinh, góp phần biến "giấc mơ Châu Á" của Tập Cận Bình thành hiện thực. Một khi RCEP đã thành "chuyện đã rồi" thì các nước ASEAN không thể chống lại Trung Quốc, nhất là khi Mỹ không sẵn sàng bảo vệ họ. Các nhà phân tích cho rằng RCEP là "tiếng chuông cảnh tỉnh" và là thách thức mới đối với Washington khi họ định "tách rời" (decoupling) về kinh tế với Trung Quốc và lập "mặt trận thống nhất" ở khu vực để chống lại nước này.
Trong hai tháng tới, quan hệ Mỹ-Trung mà Joe Biden tiếp quản từ Donald Trump có khả năng còn xấu hơn nữa vì Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mới và trói tay chính quyền Biden. Biden khó lòng thay đổi các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Trung Quốc của Trump, nên trở ngại lớn nhất để ổn định quan hệ Mỹ-Trung là chiến tranh thương mại, vì vậy Mỹ cần một thỏa thuận toàn diện mới cho giai đoạn hai.
Theo Derek Grossman (chuyên gia phân tích chiến lược tại RAND), "Việt Nam là một nhân tố tuyệt vời bổ sung cho Bộ tứ Mở rộng để đối phó với Trung Quốc. Việc mở rộng Bộ tứ bao gồm một nước Đông Nam Á sẽ làm suy yếu lập luận của Bắc Kinh cho rằng Bộ tứ chỉ là một nhóm nước ngoài khu vực để ngăn chặn Trung Quốc". Nếu không có bất ngờ, Biden chắc sẽ tăng cường ủng hộ Bộ tứ và Bộ tứ Mở rộng, bao gồm các cuộc tập trận hợp đồng chiến đấu không chỉ có Úc, Ấn Độ, Nhật Bản mà còn gồm các nước khác như Việt Nam.
Kent Calder (giám đốc Trung Tâm CEAS tại Johns Hopkins) tin rằng Biden sẽ tăng cường quan hệ với Việt Nam và ủng hộ ý tưởng "Bộ tứ Mở rộng" vì tầm nhìn Indo-Pacific, và sẽ bao gồm cả hợp tác an ninh hàng hải. Để tăng cường hợp tác thương mại đa phương, sẽ có nhiều công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc.
Theo giáo sư Carl Thayer (University of New South Wales), "Các lợi ích cơ bản của Mỹ sẽ không thay đổi khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46". RCEP sẽ là động lực mới để Washington xây dựng lại quan hệ đồng minh, vì ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên khi họ dùng hiệp định kinh tế đầy hứa hẹn này để đẩy Mỹ ra rìa. RCEP có thể trở thành công cụ để Bắc Kinh xây dựng trật tự kinh tế mới ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Viện Gallup, "79% người Mỹ cho rằng thương mại là cơ hội để phát triển" (tăng từ 45% cách đây một thập kỷ). Theo Lowy Institute, "75% người Úc phản đối Trump rút khỏi TPP. Nay RCEP đã được ký, Mỹ cần một kế hoạch mới về thương mại và đầu tư, nhưng vẫn chưa rõ liệu khi nào Biden có thể vận động chấp thuận một TPP sửa đổi. Nhiều người vẫn hoài nghi chừng nào chưa thấy Mỹ có nguồn lực bổ sung cho lời nói. Nếu Trung Quốc tiếp tục "làm nhiều hơn với nguồn lực lớn hơn", thì Mỹ không thể "làm nhiều hơn với ít hơn".
Andrew Scobell (tác giả cuốn "Đại Chiến lược của Trung Quốc" do RAND xuất bản) nhận xét : "Nói thẳng ra, Mỹ là bên thua cuộc. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh để Mỹ chú trọng hơn đến khu vực Indo-Pacific, và tham gia vào lĩnh vực hợp tác kinh tế. RCEP là một ví dụ điển hình về "củ cà rốt" mà Trung Quốc dành cho các nước láng giềng ASEAN. Eswar Prasad (chuyên gia kinh tế tại đại học Cornell) nói "hiệp định thương mại này sẽ buộc chặt vận mệnh kinh tế các nước thành viên vào Trung Quốc, và qua thời gian sẽ theo quỹ đạo Trung Quốc.
Trở về tương lai, lần nữa
Để đáp lại RCEP, Joe Biden nói "Chúng ta chiếm 25% thương mại và kinh tế thế giới. Chúng ta cần liên kết với các nền dân chủ khác – 25% nữa hoặc nhiều hơn – để có thể quyết định luật chơi cho thương mại. Nếu không thì Trung Quốc và các nước khác sẽ quyết định kết cục vì đó là trò chơi duy nhất". Tuy Biden không nói cụ thể là Mỹ có định tái nhập TPP hay không, nhưng ông gợi ý, "Tôi hứa là sẽ có một kế hoạch cụ thể để công bố ngày 21/1".
Anthony Blinken (ngoại trưởng dự kiến của chính quyền Biden) cam kết chính quyền mới "sẽ có mặt và cộng tác với ASEAN về các vấn đề thiết yếu mà hai hai bên cùng quan tâm". Theo Michèle Flournoy (có thể trở thành bộ trưởng quốc phòng), "Washington vẫn chưa thực hiện lời hứa xoay trục sang Châu Á". Nay Biden có "cơ hội" để điều chỉnh xu thế mới ở Châu Á. Washington cần đối ngoại khéo léo để tăng cường hợp tác khu vực và cơ chế an ninh như "Bộ tứ".
Tuy không gọi chiến lược Châu Á của Biden là "Xoay trục 2.0", nhưng người Châu Á vẫn nghĩ vậy. Hầu hết các đồng minh và đối tác đều lo ngại : một là liệu Mỹ có quá quan tâm đến các ưu tiên trong nước mà sao nhãng các vấn đề khu vực ; hai là liệu Mỹ có thể tăng cường đầu tư và thương mại ở khu vực hay không ; và ba là liệu Mỹ có thể răn đe Trung Quốc và trấn an đồng minh hay đối tác khu vực với nguồn lực hạn chế hay không ?
Đại sứ Úc John McCarthy cũng khuyên, "nếu Mỹ muốn quản trị hiệu quả các tác động tiêu cực của Trung Quốc trỗi dậy thì họ phải chú trọng đến khu vực Đông Nam Á". Một là Biden cần có mặt tại các cuộc gặp cấp cao của khu vực. Hai là vì Trump đã rút khỏi TPP, Biden phải sửa lại quyết định này. Ba là Mỹ cần điều chỉnh chính sách với các nước Đông Nam Á. Bốn là Mỹ phải cân bằng giữa việc đáp ứng các yêu cầu về an ninh và kinh tế với đòi hỏi phải có một chính sách ngoại giao dựa trên các giá trị.
Hiện nay có ba nhân tố đang tác động tiêu cực đến Mỹ. Một là nhiều người Châu Á cho rằng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Mỹ đang suy giảm. Hai là thấy Mỹ đang quay vào trong nước và hoài nghi các giá trị chung. Ba là lo ngại về chủ nghĩa Trump và tâm trạng "nước Mỹ trên hết". Việc giải quyết các nhân tố đó là thiết yếu để chính quyền Biden răn đe đối phương, trấn an đồng minh và đối tác về năng lực, cam kết, và độ tin cậy của Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien đến thăm Việt Nam vào phút chót (30/10 và 20/11) trước khi nhóm chuyển giao của Biden bắt đầu làm việc (24/11). Theo tin báo chí, Robert O’Brien đã khuyên lãnh đạo Việt Nam chặn hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc trung chuyển qua Việt Nam, và nhập thêm hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại (55,7 tỷ USD năm 2019 so với39,4 tỷ USD năm 2018). Chính quyền Biden cũng có thể cứng rắn như chính quyền Trump về cáo buộc thao túng tiền tệ và gian lận thương mại. Tuy Hà Nội muốn trao đổi với nhóm của Biden nhưng không muốn làm Trump mất lòng, nên chắc sẽ phải cẩn trọng trong hai tháng tới.
Hai chuyến thăm vào phút chót của các quan chức Mỹ nhằm định vị di sản của Trump về tầm nhìn Indo-Pacific, và biến nó thành "chuyện đã rồi" đối với chính quyền Biden. Đó có thể là lý do làm Hà Nội chưa chúc mừng Joe Biden. Trong khi Robert O’Brien nhấn mạnh đến "nguy cơ kép ở Biển Đông và sông Mekong", ông đã khẳng định với Hà Nội là Mỹ sẽ chống lại các hành động cưỡng chế và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông và đe dọa ở lưu vực sông Mekong, với cam kết của Mỹ trong "Bộ tứ" mà Mỹ muốn Việt Nam tham gia.
Năm 2020 là bước ngoặt đặc biệt đối với nhiều nước khi bị lúng túng tại ngã ba đường. Dù ai lên cầm quyền ở Washington hay Hà Nội thì tương lai vẫn còn bất định, và trò chơi chính trị vẫn còn bấp bênh, làm hầu hết các nước phải đặt cược vào ván cờ thế.
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/11/2020
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết hợp tác ‘với các đối tác như Việt Nam’.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Việt gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.
Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.
"Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN để đảm bảo một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.
"Họ cũng tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải, và nêu bật những tiến bộ kể từ cuộc họp hồi tháng Tám tại Washington.
"Ông Mattis nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ là hợp tác với các đối tác như Việt Nam để thúc đẩy một khu vực hòa bình và ổn định", người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Dana W. White nói trong một thông cáo.
ADMM-Plus được mô tả là nền tảng cho các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề quốc phòng và an ninh chiến lược bao gồm Bắc Hàn, khủng bố và an ninh biển…
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được dẫn lời nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là lĩnh vực để có hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và ASEAN.
Hoa Kỳ đề xuất tổ chức một cuộc tập trận hải quân mới với các đối tác ASEAN năm 2018, cũng như tổ chức một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải với các lực lượng hải quân khu vực và thực thi luật hàng hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không...
"Bộ trưởng Mattis khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không, đi lại trên biển và tiến hành hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", bà White nói.
Được biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm gây áp lực với Bắc Hàn nhằm loại bỏ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược được tại bán đảo Triều Tiên.
Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như sẽ không tham dự được các phiên chính của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thành phố Angeles, Philippines vào ngày 14/11.
Hội nghị EAS có sự tham dự của lãnh đạo hơn 10 nước tại Châu Á, Australia, New Zealand và Nga sẽ khai mạc vào ngày 13/11 nhưng ông Trump theo dự kiến sẽ ở thủ đô Manila ngày 12-13.
Tại Manila, ông Trump dự kiến sẽ gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và sẽ tham dự một số phiên họp khác "liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á".