Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh (RFA, 12/01/2017)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Bắc Kinh hôm 12/1/2017. Photo courtesy of tuoitre.vn
Ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam, chiều hôm nay đến Bắc Kinh trong chuyến công du lân bang Trung Quốc kéo dài 4 ngày.
Chuyến đi được truyền thông chính phủ Hà Nội nói là ‘định hướng phát triển lành mạnh, lâu dài cho quan hệ Việt- Trung, củng cố cục diện ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.’
Thông tấn xã Việt Nam loan tin sau cuộc hội đàm diễn ra ngay chiều nay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa hai nước. Trong đó có tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc đến năm 2025.
Ngay trước khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc lần này, tờ Hoàn Cầu Thời báo - cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản ở Hoa Lục hôm qua có bài bình luận về thông tin Việt Nam và Ấn Độ đang bàn thảo việc New Dehli bán tên lửa địa không Akash cho Hà Nội.
Nội dung bài bình luận nêu quan ngại của Bắc Kinh đối với việc New Dehli muốn tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội, cho rằng bất cứ biện pháp nào của Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác quân sự với Việt Nam để chống lại Trung Quốc đều gây ‘rối loạn’ cho khu vực và Bắc Kinh sẽ không khoanh tay ngồi yên.
Chiều nay, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khi được phóng viên hãng thông tấn Reuters hỏi về tin mua hỏa tiễn Akash của Ấn Độ, ông này nói sẽ chuyển câu hỏi đến cơ quan chức năng, đồng thời nhắc lại chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Hà Nội và việc mua sắm vũ khí là bình thường để bảo vệ đất nước.
RFA tiếng Việt
********************
Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn 'định hướng lớn' (BBC, 12/01/2017)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng uống trà tại Bắc Kinh cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm đầu năm 2017
Lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn về quan hệ hợp tác và phát triển 'lành mạnh, ổn định' và nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước, truyền thông Việt Nam loan tin về cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc gặp diễn ra ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm chính thức kéo dài bốn hôm, 12-15/1/2017, của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hai vị đứng đầu đảng cộng sản hai nước "vui mừng về đà phát triển lành mạnh" giữa hai đảng, hai nước, và "sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân hai nước" trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn, báo Tin tức tường thuật.
Nội dung trao đổi giữa hai Tổng bí thư bao gồm việc bàn về "các định hướng lớn" trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc "duy trì hòa bình, ổn định trên biển", Thông tấn xã Việt Nam nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc 'sẽ làm hết sức mình' ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017, trong khi phía Việt Nam bày tỏ ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về "Một vành đai, một con đường" trong năm 2017.
Kiểm soát bất đồng trên biển
Hai nhà lãnh đạo đảng Việt Nam và Trung Quốc nhấn mạnh việc 'tuân thủ nhận thức chung' giữa lãnh đạo cao cấp hai bên trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Các nhà phân tích trông đợi rằng chuyến đi của ông Trọng sẽ làm tốt đẹp trở lại quan hệ song phương vốn bị tác động bởi những tranh chấp ở Biển Đông vào thời điểm chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực trong thời gian tới đây chưa biết sẽ ra sao.
Căng thẳng đã leo thang tại vùng châu Á - Thái Bình Dương từ hai tháng nay, điều sẽ ảnh hưởng mạnh tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng như các nước khác ở vùng Đông Nam Á, ông Trang Quốc Thổ, trưởng khoa Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói.
Hai Tổng bí thư cùng cho rằng chủ đề trên biển là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt-Trung, không chỉ có tác động lớn tới quan hệ chính trị song phương mà còn ảnh hưởng tới cục diện và tình hình khu vực, thế giới.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý ; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC)," VietnamNet đưa tin.
Cũng hôm thứ Năm, báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam tường trình cuộc Hội đàm và dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam cho biết trong buổi gặp mặt, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Lễ tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Sảnh Bắc của Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, sau đó, buổi trao đổi diễn ra bên trong Đại Lễ Đường.
Kết thúc buộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã cùng dự lễ ký kết một số văn bản hợp tác.
Tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình còn có các ủy viên Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Lật Chiến Thư, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng kể sau khi tái đắc cử chức vụ Tổng bí thư đảng sau Đại hội lần thứ 12.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ngày 20/7/2016. Reuters
Ngày 30/10/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết 4/XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ". Nghị quyết nêu lên 3 hạng mục và 27 biểu hiện (mỗi hạng mục có 9 biểu hiện) của tình trạng suy thoái và tha hóa của các đảng viên cần khắc phục.
Hơn 40 năm nay, đã có khá nhiều Nghị quyết về xây dựng đảng và chỉnh đốn đảng. Nhưng xem ra các nghị quyết như thế đã tỏ ra ít hiệu quả. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trượt dài trên con đường suy thoái, tha hóa nghiêm trọng chưa từng có, dẫn đến tình trạng cán bộ cao cấp phải nói chuyện với nhau bằng súng đạn (như vụ Yên Bái), các ủy viên Bộ Chính trị đối xử với nhau như thù địch, cán bộ cao cấp tham nhũng ôm tiền nối gót nhau chạy ra nước ngoài, những vụ án tham nhũng lớn thường vượt hàng vài nghìn tỷ đồng nhưng thu về không được 1% cho công quỹ... Đảng Cộng sản Việt Nam càng chỉnh đốn bao nhiêu lại chỉ càng đổ đốn thêm bấy nhiêu làm cho niềm tin của nhân dân vào đảng tụt xuống gần bằng con số không.
Lý do quan trọng nhất cần chỉ ra chính là ở các Nghị quyết về xây dựng đảng đều chệch hướng, bắt mạch không chính xác, đúng sai không rõ ràng, chính nghĩa và phi nghĩa không phân minh, phải trái không tách bạch. Sinh lực của một đảng, bản mệnh của một đảng nằm trước hết ở Chính cương, ở Cương lĩnh chính trị, ở đường lối, chính sách chính trị, kinh tế, tài chính, an ninh quốc phòng và văn hóa của nó, có ăn khớp với quyền lợi dân tộc, với lợi ích nhân dân và có hợp với thời đại văn minh của loài người hay không. Rõ ràng các sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam mấy chục năm nay là đã "kiên định" chủ nghĩa Mác - Lênin, "kiên định" chế độ toàn trị độc đảng, "kiên định" chủ nghĩa xã hội ảo tưởng, "kiên định" nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, "kiên định" nền kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, "kiên định" chế độ sở hữu toàn dân.
Đã vậy, từ 26 năm nay 5 khóa Đại hội, 5 khóa Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, 5 khóa Tổng bí thư – từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đến Nông Đức Mạnh rồi Nguyễn Phú Trọng - đều chui thêm vào cái "cùm Thành Đô", bán rẻ nền độc lập đã dành được qua biết bao hy sinh của nhân dân và quân đội, dẫn đến nguy cơ bị mất chủ quyền, để rồi mất hết.
Trong đảng, ngay trong Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương đã có hàng trăm, hàng ngàn ý kiến can ngăn, tha thiết yêu cầu đảng mạnh dạn sáng suốt từ bỏ sớm các điều "kiên định" sai lầm, tệ hại vừa nêu, khi chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị phá sản triệt để, chế độ độc đảng phản dân chủ, phản nhân dân là trái hiến pháp, chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng mơ hồ, đầu hàng bọn bành trướng là bán nước, là tự sát.
Lẽ ra lãnh đạo đảng phải hân hoan tiếp thu những ý kiến xây dựng hợp thời, hợp đạo lý vừa kể thì họ lại một mực ngoan cố, ôm chặt sai lầm cổ hủ nguy hiểm, còn vu cáo cho các đảng viên sáng suốt là thoái hóa, biến chất, là theo quan điểm phản động. Họ đã ngang nhiên chụp mũ cho ông Trần Xuân Bách là theo quan điểm phản động, bác bỏ lời cảnh báo của ông Nguyễn Cơ Thạch về nguy cơ một thời Bắc thuộc mới là "sai lầm".
Bản Nghị quyết 4/XII vừa ban hành là một văn kiện sai lầm tệ hại theo tư duy sai lầm lẫn lộn phải, trái, đúng, sai. Chính nó là một văn kiện phản động điển hình, một văn kiện xuyên tạc, vu cáo tiêu biểu. Nó đã gộp tất cả các đảng viên trung thực muốn góp ý xây dựng với đảng là những người chống đảng, theo "bọn phản động" để phá hoại đảng. Theo Nguyễn Phú Trọng và những kẻ theo ông ta, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, các nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương và Vũ Khoan, nguyên Đại sứ Nguyễn Trung, các tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Duy Mật, Lê Mã Lương (đòi tưởng niệm các chiến sĩ chống bành trướng ở biên giới, ở Gạc Ma), cũng như nhiều giáo sư, tiến sĩ đảng viên đòi dân chủ, nhân quyền... tất cả đều thuộc lọai "tự diễn biến, tự chuyển hóa", "thoái hóa biến chất".
Nhân đây cũng nên nhắc lại một số trí thức sáng suốt dũng cảm, từng phản đối những điều "kiên định" sai lầm của đảng và đều bị chụp mũ là theo đuôi phản động và đế quốc. Đó là các Giáo sư Đào Công Tiến, Võ Đại Lược, Nguyễn Mại, Vũ Quốc Tuấn, Trần Đình Thiên, Lê Đăng Doanh, Đào Xuân Sâm, Phan Văn Tiệm, Phạm Chi Lan, Dương Thu Hương (ngành ngân hàng), Lê Hữu Đằng, Hoàng Xuân Phú, các nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương, Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang... Ông Trọng lu loa rằng đảng của ông bị những người vừa kể vu cáo, bôi nhọ. Thật ra chính ông là kẻ vu cáo ngang ngược nhất, vì chính đảng ông tự bôi đen đến độ không ai cần bôi đen thêm nữa. Nếu ông biết tự trọng, hãy mời các vị vừa nêu đến hội thảo công khai với 19 ủy viên Bộ Chính trị về những điều "kiên định" của đảng để xác định đúng sai, phải trái ra sao. Ông sẽ thấy cái Nghị quyêt 4/XII ông vừa ký và ban hành là sai lầm và tệ hại đến mức nào. Xin hỏi cái Nghị quyết 4/XII này đưa xuống tận chi bộ, đã có nơi nào thảo luận và biểu quyết tán thành hay phản đối chưa ? Có bao nhiêu đảng viên còn "kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội" ? Có bao nhiêu đảng viên còn quyến luyến cái "sở hữu toàn dân" quái gở ?
Cũng cần chỉ rõ cái Nghị quyết 4/XII này trái ngược hoàn toàn với thế giới dân chủ văn minh tôn trọng quyền con người. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam qua văn kiện này tự thú nhận mình là loại chậm tiến nhất về tôn trọng Hiến chương, các Công ước của Liên Hiệp Quốc, là chiếc đèn đỏ về tôn trọng tự do báo chí, tự do tôn giáo, là học trò dốt theo các tiêu chuẩn cần thiết để tham gia Hiệp định TPP. Đây là một nghị quyết mà thế giới dân chủ không thể đồng tình. Không ai phá hoại Đảng Cộng sản Việt Nam, làm đảng suy thoái, tha hóa thêm bằng chính đảng, bằng chính những nghị quyết xây dựng đảng như thế này.
Sự lú lẫn và sai lầm của ông Nguyễn Phú Trọng lại được chứng minh rõ ràng "đến thế này là cùng" !
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 11/01/2017