Bị lùa vào trong vùng ánh sáng màu xám bạc chênh chếch nơi đầu Bãi Tư Chính, các tàu tuần tiễu nhỏ của Hải quân Việt Nam và cả ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ đi cùng đang rơi một tình trạng giằng xé cực kỳ khó chịu và khó gỡ : chiến thuật ‘vùng xám’ của người đồng chí tốt Bắc Kinh.
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Màu xám chênh chếch
Theo định nghĩa của giới chuyên gia quân sự, chiến thuật "vùng xám", hay còn được gọi là những hành động "dưới ngưỡng chiến tranh", tức là không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài loại hình tàu hải giám và tàu dân quân biển, tàu thương mại dân sự cũng là một thành phần nằm trong chiến thuật ‘vùng xám’ sâu hiểm ấy của Trung Quốc.
Khi cái màu xám chênh chếch của nắng chiều đã ngả sang màu tối trong tiết hè nồng nực nén bão của năm 2019, hiện tượng ngày càng nhiều chấm đen lấm tấm của các tàu dân sự lảng vảng xung quanh tâm điểm là tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ở khu vực Bãi Tư Chính, cùng với hiện tượng ‘đảng anh’ Trung Quốc điều động thêm tàu nghiên cứu vào khu vực này và cho tập trận máy bay SU-35 trên Biển Đông, chẳng hề phát ra tín hiệu tốt lành nào mà có thể khiến ‘đảng em’ Việt Nam kê cao gối ngủ ngày.
Đã rất rõ là phía Trung Quốc đang chơi một trò rất khó chịu : chiến thuật dân sự – quân sự hỗn hợp.
Một tổng kết của giới nghiên cứu cho biết vào năm 2014, loại hình tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981, để cùng với các tàu hải giám tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan.
Còn theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu C4ADS tại Mỹ, đã có tới khoảng 30 tàu thương mại dân sự được cho là hiện diện quanh giàn khoan HD-981 hồi năm 2014, trong đó chỉ có 10 tàu có thể xác định danh tính. Báo cáo được đăng trên trang của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) cho biết đã có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.
Việc Trung Quốc sử dụng tàu thương mại dân sự và tàu dân quân biển trong chiến thuật ‘vùng xám’ cho thấy nhiều khả năng Bắc Kinh muốn kéo dài vụ xâm phạm Bãi Tư Chính, còn kéo dài tới bao lâu thì còn tùy thuộc vào một số yếu tố như Trung Quốc có đạt được mục đích hoặc một phần mục đích gây áp lực buộc Việt Nam phải chia bôi tài sản dầu khí khai thác được, yếu tố về mức độ phản ứng của Việt Nam, yếu tố phản ứng của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, đối với Trung Quốc…
Vậy Việt Nam có gì trong tay để đối phó với ‘vùng xám’ ?
Lực lượng ngư dân tự vệ ?
Trên phương diện giấy tờ, chính thể Việt Nam xem ra chẳng thiếu thứ gì. Và ở mức độ ‘dưới ngưỡng chiến tranh’ mà chưa cần thiết phải nổ súng vào tàu Trung Quốc, Việt Nam cũng có lực lượng ngư dân tự vệ của nó.
Ở mức độ ‘dưới ngưỡng chiến tranh’ mà chưa cần thiết phải nổ súng vào tàu Trung Quốc, Việt Nam cũng có lực lượng ngư dân tự vệ
Trong một lần hiếm hoi, lực lượng dân sự có một chút dân quân trên đã được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đề cập trong bài "Việt Nam tăng cường lực lượng ‘ngư dân tự vệ’ để đối phó với Trung Quốc" của tác giả Ralph Jennings, vào tháng Tư năm 2018. Bài này cho biết lực lượng ngư dân tự vệ được tăng cường trong năm 2009 khi Quốc hội Việt Nam thông qua một đạo luật cho phép ngư dân tự vệ hộ tống các tàu cá. Theo một nghiên cứu năm 2017 của các học giả thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, 13 đội "ngư quân" (của Việt Nam) yểm trợ hơn 3.000 ngư dân đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa, nhưng Việt Nam tuyên bố chuỗi đảo này là thuộc chủ quyền của mình. Hơn 10.000 ngư dân và khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa được cấp ống nhòm hồng ngoại, theo nghiên cứu của Singapore. Việt Nam đã ban hành một nghị định vào năm 2014 để trợ giúp các ngư dân, những người có tàu "công suất lớn hiện đại" - thường là các tàu thép, mở rộng phạm vi hoạt động. Theo nghị định này, các ngân hàng Việt Nam đã cho các ngư dân vay 176 triệu USD để nâng cấp khoảng 400 tàu…
Nhưng trong thực tế, chính thể Việt Nam đã làm được gì cho "lực lượng ngư dân tự vệ" và sử dụng lực lượng này có hiệu quả hay không ?
Sự thật trần trụi và đau đớn
Mặc dù cảnh tượng côn đồ và giết người của tàu Trung Quốc đối với tàu ngư dân Việt đã xảy ra từ rất nhiều năm và đặc biệt từ năm 2011 trở đi, nhưng phải đến tháng Sáu năm 2016 mới lần đầu tiên xuất hiện một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân - ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - đề cập một cách bình thản "Hơn 4.000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2.300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển chỉ trong hơn hai năm qua".
Ngay cả thời gian gần đây khi Việt Nam có một chút nhúc nhích từ tư thế "đu dây" sang "dựa Mỹ đối Trung", một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu Việt Nam đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.
Một Việt Nam đương đại đang hiện ra trên bản đồ thế giới với câu châm ngôn "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ".
Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, cho tới nay lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn không có động tác thực chất và hiệu quả nào để hộ tống ngư dân ra khơi - như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức "quân với dân như cá với nước.
Không những tư thế "bám bờ" vẫn kiên định một cách phủ phục đến khó tưởng tượng nơi quân chủng hải quân và cảnh sát biển, những hứa hẹn của chính phủ "cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt" từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải. Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết "còn đảng còn tiền" bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn.
Kết luận thật đắng chát : Lực lượng ngư dân tự vệ của Việt Nam không chỉ phải chịu rủi ro nguy hiểm từ "tàu không rõ quốc tịch", mà còn bị chính những người cùng quốc tịch lừa gạt một cách không thể nhẫn tâm hơn.
Bởi ngay cả những ngư dân vay được ngân hàng và được ngân hàng giải ngân để "đóng tàu sắt" để đối phó với tàu cá và tàu hải giám của Trung Quốc cũng bị chính những doanh nghiệp đóng tàu lừa gạt bằng… vỏ thép Trung Quốc.
Vào năm 2016, bất chấp Nghị định 67 của Chính phủ Việt Nam về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời mà được kỳ vọng sẽ "giúp ngư dân thực hiện giấc mơ đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày", đã có đến vài chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung - trị giá hàng trăm chục tỷ đồng - vừa đóng mới và đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, phải nằm bờ. Còn một số cơ sở đóng tàu lại "qua cầu rút ván" khi xảy ra hậu quả đó. Thậm chí một trong những doanh nghiệp đóng tàu có nhiều dấu hiệu gian dối như thế lại thuộc… Bộ Công an.
Nhưng cho tới nay, đã chẳng có bất kỳ doanh nghiệp đóng tàu gian dối nào bị truy tố. Về thực chất, kế hoạch "đóng tàu sắt" của Việt Nam cho tới nay đã gần như phá sản, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông và còn xông thẳng vào vùng hải phận Việt Nam trước cơn "ngủ ngày" của Hải quân và Cảnh sát biển nước Việt.
Song vẫn chưa hết.
Vào khoảng thời gian hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, ngư dân Việt không chỉ bị hành hạ bởi kẻ cướp bên ngoài mà còn bởi ‘nội xâm’ bên trong : theo quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 và Công văn số 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25 tháng 3 năm 2019, tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý. Quy định ‘hành là chính’ này đã khiến hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi, chủ tàu phải chịu lỗ, còn ngư dân thì mất việc.
Vậy thì lấy đâu ra tinh thần và vật chất cho ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ để lao thuyền ra Biển Đông đối đầu với hàng ngàn tàu sắt kiên cố của Trung Quốc ? Hay lại ‘chống ngập bằng lu, chống giặc bằng cờ’ theo lối chính quyền phát miễn phí hàng chục ngàn lá cờ đỏ sao vàng cho những ngư dân đang muốn bục mặt vì lo lắng và sợ hãi, vừa thuyết mị vừa gây áp lực buộc họ phải xông lên nơi đầu sóng ngọn gió, trong lúc những quan chức cao cấp của đảng như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng vẫn uốn mình sang Bắc Kinh ‘triều kiến’ và học hỏi về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc lẫn cái vùng xám của ‘đại cục’ ở Biển Đông, còn Bộ Giao thông Vận tải thì ra sức ‘cõng rắn cắn gà nhà’ bằng cách mời mọc và bảo vệ cho nhiều chục doanh nghiệp Trung Quốc tấn công vào mảng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam và có thể cả dự án đường sắt cao tốc chạy từ Sài Gòn đến tận… Trung Quốc ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/08/2019
Việt Nam tăng cường lực lượng ‘ngư dân tự vệ’ để đối phó với Trung Quốc (VOA, 06/04/2018)
Việt Nam đang lặng lẽ tăng cường đội dân vệ trên các tàu đánh cá để đối phó với Trung Quốc, mặc dù 2 bên đã chính thức thương thảo về việc hạ giảm những tranh cãi chủ quyền, theo các chuyên gia về lĩnh vực này.
Tàu đánh các của ngư dân Việt Nam ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang tăng cường lực lượng đánh bắt cá tự vệ trên biển để bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc.
Quốc gia Đông Nam Á này đang khuyến khích ngư dân sử dụng tàu đánh cá tốt hơn và nên tuyển dụng những người được đào tạo trong quân đội ra biển đánh bắt, phòng khi có va chạm với Trung Quốc, theo các nhà phân tích theo dõi các vấn đề về Trung Quốc. Trung Quốc có đội dân quân đánh cá của họ trong cùng một vùng biển.
"Tôi nghĩ rằng đó là một chính sách tốt để tránh những xung đột trong tương lai", theo ông Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngư dân tự vệ của Việt Nam được phát triển ít nhất là trước năm 2009, bất chấp những cuộc đàm thoại thường xuyên giữa hai chính phủ, với cuộc họp mới nhất diễn ra hồi đầu tuần này.
Tổng thư ký Đảng cộng sản Việt Nam đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc tại Hà Nội hôm 2/4 để đề xuất "cùng gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển", theo Tân Hoa Xã.
Theo giáo sư khoa Chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore, Eduardo Araral, Việt Nam có thể "giương oai" trong trường hợp các cuộc đàm phán không đi đến kết quả nào.
Ngư dân tự vệ
Lực lượng dân quân Việt Nam chưa bao giờ đối đầu với Trung Quốc, và nếu có thì họ đứng trước nguy cơ đối mặt với quân đội lớn thứ ba trên thế giới.
Nhưng các quân đội Việt Nam đang trang bị vũ khí cho các tàu đánh cá, theo giáo sư danh dự chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales của Úc, Carl Thayer.
Quy trình này tương tự như việc triển khai cựu chiến binh để giữ trật tự công cộng khi cần thiết trên đất liền ở Việt Nam, theo vị Giáo sư này. Việt Nam có chế độ tập quân sự bắt buộc (cho mọi người dân) vì vậy ngư dân đã có những kỹ năng quân sự cơ bản.
Giáo sư Thayer nói : "Đưa họ ra biển chỉ cần chọn người ở đúng độ tuổi và huấn luyện thêm cho họ. Tất cả những gì họ làm là áp dụng những gì họ làm trên đất liền, làm thế nào để bảo vệ các nhà máy v.v… và áp dụng nó trên biển, vì vậy tôi nghĩ nó giống nhau".
Theo một nghiên cứu năm 2017 của các học giả thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, 13 đội "ngư quân" (của Việt Nam) đang yễm trợ hơn 3.000 ngư dân đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa, nhưng Việt Nam tuyên bố chuỗi đảo này là thuộc chủ quyền của mình.
Lực lượng ngư dân tự vệ được tăng cường trong năm 2009 khi Quốc hội Việt Nam thông qua một đạo luật cho phép ngư dân tự vệ hộ tống các tàu cá.
Hơn 10.000 ngư dân và khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa được cấp ống nhòm hồng ngoại, theo nghiên cứu của Singapore.
Việt Nam đã ban hành một nghị định vào năm 2014 để trợ giúp các ngư dân, những người có tàu "công suất lớn hiện đại" - thường là các tàu thép, mở rộng phạm vi hoạt động. Theo nghị định này, các ngân hàng Việt Nam đã cho các ngư dân vay 176 triệu USD để nâng cấp khoảng 400 tàu.
Xung đột
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% biển Đông bao phủ 3,5 triệu km2. Việt Nam nói họ kiểm soát vùng biển ngoài khơi bờ biển kéo dài từ bắc tới nam cùng các chuỗi đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều thủy thủ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia này vào năm 1974 và 1988. Việc đặt một giàn khoan dầu của Trung Quốc trên biển Đông vào năm 2014 đã gây ra một vụ đâm chìm tàu trên biển và những cuộc biểu tình bạo loạn gây chết người ở Việt Nam để phản đối các yêu sách của Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã nuôi dưỡng lực lượng dân quân đánh cá của mình như một lực lượng "cơ sở" với sự hỗ trợ chính thức của quân đội và sự chú ý của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo các học giả thuộc Học viện Hàng hải Nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Hải quân Hoa Kỳ. Các tàu đánh cá có vũ trang giúp bảo vệ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc bằng cách "xua đuổi và chuyển hướng" các tàu nước ngoài, theo nhận định của công ty tình báo chính trị Stratfor đưa ra năm 2016.
Năm quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền tất cả hoặc một phần của Biển Đông. Họ phản đối việc bồi đắp đất của Trung Quốc để xây các đảo nhân tạo sử dụng cho các mục đích quân sự.
Ðảng Cộng sản và các giới chức cấp cao của hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết những bất đồng trên biển. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm không đi đến bất kỳ một thỏa thuận nào vì sự bất tín trong lịch sử, đặc biệt là về cách phân chia tài nguyên dầu khí dưới biển, theo Giáo sư của Đại học Singapore, Araral.
Giáo sư Araral nói : "Có thể đây là một kiểu biểu dương sức mạnh của phía Việt Nam để cho thấy rằng trong khi chúng ta đàm phán chúng tôi vẫn khẳng định quyền của chúng tôi".
Đội ngư quân tự vệ của Việt Nam sẽ không thể tương xứng về khả năng và số lượng so với dân quân đánh cá của Trung Quốc, nhưng theo Giáo sư Araral, Việt Nam nhận thấy rằng bắt buộc phải thử làm điều này. "Vì vậy, họ phải xây dựng lực lượng địa phương của mình và họ sẽ thực hiện một cuộc du kích chiến chống Trung Quốc nếu cần thiết", ông nói.
Ralph Jennings
********************
Đồng bằng sông Cửu Long từng được ví như vựa lúa và vùng đất phì nhiêu dồi dào tôm cá, trái cây… Nông dân Đất Chín Rồng trước đây có cuộc sống khá dễ dàng không phải ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ như những vùng khắc nghiệt khác tại Việt Nam.
Người dân nuôi tôm vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. RFA
Tuy nhiên, vùng đất trù phú này hiện đang chịu nhiều tác động bất lợi của thiên nhiên khiến cư dân phải chật vật tìm nguồn sinh kế.
Tại các tỉnh duyên hải dọc Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, nhiều hộ dân cho biết họ phải chịu thiệt hại do thiên tai trong hai năm qua ; do đó phải chuyển đổi từ trồng nghề trồng hoa mùa truyền thống sang nuôi thuỷ sản và các vật nuôi khác.
Ông A từng là một nhà nông chuyên nghiệp trước đây nhưng do hai năm canh tác thất bát, nay gia đình ông bắt đầu đổi sang đào ao nuôi tôm.
"Tại Ba Tri đây là vùng chuyên canh cây lúa nên bị thiệt hại nặng, còn cây khác không có trồng. Tính thiệt hại khoảng 50% sản lượng lúa hằng năm, quy ra tiền khoảng 25 triệu trên một hecta. Cũng nhờ nhà nước chứ mình đâu có cách, tính từ bây giờ họ chuyển đổi từ trồng cây lúa sang nuôi tôm. Chứ làm cây lúa thấy nó không hiệu quả nữa".
Gia đình ông B ở gần đó cho biết trước kia có nuôi hàng trăm con bò cho lãi lớn, và nguồn thức ăn chính là cỏ mọc từ những cánh đồng lúa bỏ không. Nhưng cũng đang loay hoay bàn tính chuyện nuôi tôm.
"Đang nuôi bò bán hết rồi, chứ chống không nổi với mấy con bò này, rơm thì 25 – 26.000 đồng 1 cục, bán bò thì 5 triệu một con. Nếu con bò được giá như năm rồi năm kia thì tôi không nuôi tôm. Bây giờ lúa, bò chịu hết nổi rồi.
Mỗi công đất lúa là 1.000 mét vuông, làm 1 vụ lời 1 triệu và 1 công đất rơm cho bò ăn là 2 triệu. Hai công là 4 triệu, một năm 2 lần lời 8 triệu. Nhưng nuôi 1 vụ tôm, lấy 2 công đất đó lấy 150 triệu".
Tình trạng người dân ồ ạt đào ao, chuyển sang nuôi tôm là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở những vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long.
Một người nông dân cho biết trước đây trồng lúa, sau nuôi bò nuôi dê. Ông không trồng lúa nữa vì giá thấp quá, trong khu vực ông ở có cả trăm hộ nuôi tôm. Nếu nuôi tôm chừng được 5 năm, 4 công đất thì cũng kiếm đc 500 - 700 triệu.
"Nếu mà tôm bán đc trúng giá thì cũng được 200 mấy (triệu) trong vòng 3 tháng".
Tuy nhiên hoạt động nuôi tôm chủ yếu mang tính chất tự phát nhằm xoay xở, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, người đi trước thì chỉ bảo người đi sau về cách nuôi tôm mà đối với họ hoàn toàn mới mẻ vì trước đây chỉ chuyên canh cây lúa.
"Ở đây bây giờ những ngành nghề khác không giải quyết được gì cho nông dân, vì nông dân rặc chỉ biết chăn nuôi, trồng trọt là chủ yếu".
Có tình trạng đầu ra thiếu ổn định, chăn nuôi chưa khoa học khiến tôm bị nhiễm bệnh, bà con bị mất trắng, nay lại quay sang trồng lúa nhưng đất đã bị nhiễm phèn và nguồn nước tưới không đảm bảo.
"Một vài năm người ta sẽ phải có cách khác, nếu nhà nước không cho thì nghỉ, chứ không phải lâu dài. Theo tôi nuôi tôm không bền vững".
"Mới đầu không nuôi tôm tính đào trồng dừa nhưng dừa bữa nay rẻ rề. Hồi trước nuôi tôm tôm sú nhưng lời chút đỉnh rồi làm đê trồng lúa cũng khá. Lúc đầu lúa có giá, và làm trúng mùa, rồi mất mùa, chuột ăn tiêu hết. Giờ mần ruộng thì cũng sống hết nổi, mần cực dữ lắm, tôi giờ mần mướn, không lời gì hết. Nên giờ họ mới chuyển qua tôm chứ hồi đó giờ vùng này không có vụ nuôi tôm vì nước ngọt".
Thực tế cho thấy, việc nuôi tôm đã giúp giải quyết được phần nào các vấn đề kinh tế trước mắt cho một số hộ nông dân bị tác động. Thế nhưng việc nuôi đại trà, thiếu quy hoạch hợp lí dẫn đến nhiều vấn đề như làm nhiễm mặn thêm diện tích đất trồng lúa. Việc sử dụng nguồn nước ngầm triên diện rộng phục vụ nuôi tôm làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất nền ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất phụ trách về Quản lí nước và Biến đổi khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết về kết quả nghiên cứu : Chỉ trong vòng 25 năm, đồng bằng sông Cửu Long từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lún xuống vài centimet, cao hơn nhiều so với tốc độ nước biển dâng. Hiện đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển 1- 2 mét, nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển đã xảy ra.
********************
Chủ tịch xã ở Gia Lai dẫn công an, dân quân đi đánh dân (Người Việt, 06/04/2018)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H’ra cầm rựa và gọi thêm bảy người, trong đó có công an và dân quân xã, cầm theo cây và gậy, y như đám côn đồ truy tìm nhóm người đánh anh em cột chèo của mình.
Làng Kon Chrăh, nơi xảy ra việc chủ tịch xã H’ra dẫn người đi đánh dân. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 7 giờ 30 phút tối 28 tháng Ba, ông Huỳnh Minh Trọng (trú tại thôn Phú Danh, xã H’ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đi xe gắn máy vào làng Kon Chrăh thì bị một số thanh niên đang uống rượu ở ven đường chặn lại. Lấy lý do ông này chạy ẩu trong làng, nhóm thanh niên đã đánh và đập phá xe của ông Trọng.
Sau đó, em trai ông Trọng là ông Huỳnh Minh Thành nhận được tin vào can ngăn cũng bị nhóm thanh niên trên vây đánh. Quá bực mình, ông Trọng đã gọi điện thoại cho người anh em cột chèo là Đinh Tấn Thành, chủ tịch xã H’ra, nhờ can thiệp.
Ngay lập tức, ông chủ tịch xã liền cầm rựa và gọi bảy thanh niên (có cả công an, dân quân) cầm theo cây và gậy vào làng Kon Chrăh tìm nhóm người đã đánh ông Trọng. Tuy nhiên, khi vào tới làng, nhóm ông Thành không tìm thấy ai nên đã vào nhà đánh anh Huơ.
Bảy người đi theo ông Thành còn kéo đến nhà bà Vẽch tìm hai người con trai của bà này là Vũ và Vỡ rồi đánh hai anh này bị thương. Sau đó, nhóm thanh niên đi theo ông Thành còn tiếp tục đi đến các làng khác của xã H’ra để tìm các thanh niên làng Kon Chrăh đã đánh ông Trọng.
Trên đường đi, bảy thanh niên này gặp thanh niên nào cũng đều đánh. Tại làng K’dung 1 và Đê Đak, số thanh niên trên đã đánh anh Rinh và anh Uyên dù hai người này không hề tham gia đánh ông Trọng. Chưa hết, nhóm thanh niên này còn đưa anh Rinh và anh Uyên về phòng trực dân quân của xã H’ra để làm việc.
Khoảng 11 giờ đêm cùng ngày, khoảng 40 người là người thân của anh Rinh và Uyên kéo ra Ủy ban nhân dân xã đòi người. công an xã đã đến giải thích và vận động bà con giải tán, đồng thời thả hai thanh niên vừa bị bắt trở về làng, hẹn sáng hôm sau đến giải quyết.
Sáng 29 tháng Ba, hàng trăm người dân làng Kon Chrăh kéo đến nhà ông Thành gây áp lực vì quá bực tức kiểu hành xử của ông này. Sự việc đã gây náo loạn tại địa phương khiến lãnh đạo huyện Mang Yang phải vào cuộc.
Ngày 5 tháng Tư, ông Nguyễn Như Phi, chủ tịch huyện Mang Yang, cho biết vừa ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Đinh Tấn Thành, chủ tịch xã H’ra, vì có hành vi, tác phong chưa chuẩn mực với nhân dân. (Tr.N)