‘Fighting for Family’ và cuộc vận động đoàn tụ gia đình của người tị nạn gốc Việt (VOA,29/05/2019)
Lan Nguyễn, đạo diễn gốc Việt vừa quay xong phim tài liệu Fighting for Family, chia sẻ với VOA một góc nhìn về chính sách di trú của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoàn cảnh một gia đình người Việt ở bang North Carolina bị chia cắt vì chính sách này và cuộc tranh đấu của họ để được đoàn tụ.
111111111111111
Chị Rex Ny và các con về Việt Nam thăm anh Chuh A.
Đạo diễn Lan Nguyễn, một giáo viên giảng dạy môn nghiên cứu sắc tộc tại trường đại học California State University of Long Beach, cùng với tổ chức VietUnity-SoCal thực hiện bộ phim tài liệu Fighting for Family nói về đôi vợ chồng Chuh A và Rex Ny và bốn đứa con đã cố gắng xây dựng một gia đình hạnh phúc, nay đang chiến đấu để gia đình được đoàn tụ vì người chồng đã bị trục xuất về Việt Nam.
Cô Lan Nguyễn nói với VOA :
"Chúng tôi đang tích cực kêu gọi cộng động chống lại chính sách trục xuất người tị nạn gốc Đông Nam Á. Chúng tôi cũng kêu gọi giúp đỡ các gia đình có người gặp nguy cơ trục xuất và bị trục xuất. Tôi thấy có vài phim tài liệu về người Khmer bị trục xuất, nhưng chưa có phim về người Việt. Thế là tôi làm phim về người Việt, vì vấn đề trục xuất chưa được cộng đồng người gốc Việt biết nhiều".
Bộ phim tài liệu thành hình nhằm mục đích gia tăng nhận thức về vấn đề di dân, đồng thời tìm kiếm ngân quỹ để giúp đoàn tụ gia đình người tị nạn đang bị phân chia, cô Lan nói thêm.
"Bộ phim cũng sẽ đặt nghi vấn về các hệ thống của cảnh sát, hệ thống hình sự hóa tội phạm, cụ thể là vì sao cùng mức độ phạm tội mà người da màu có tội nặng hơn người da trắng".
Trang Next Shark trích lời đạo diễn Lan Nguyễn, nói : "Năm 2017, tôi biết được có hơn 14,000 người Đông Nam Á đang sống trong nguy cơ bị trục xuất và gia đình họ sẽ bị chia cách. Nghe vậy làm tôi tức giận và muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này để tìm cách giúp đỡ những người tị nạn đứng trước nguy cơ bị trục xuất".
Gần 20 năm trước, anh Chuh A và chị Rex Ny, người tị nạn Montagnard từ Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một gia đình và sau đó họ có 4 đứa con gái ở tiểu bang North Carolina.
Anh Chuh là một trong số 193 người gốc Việt bị trục xuất về Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018.
Trong đoạn giới thiệu phim, anh Chuh ngồi một mình ở phòng trọ ở thành phố Hồ Chí Minh, nhớ lại giây phút đau lòng khi bị đưa lên máy bay về lại Việt Nam năm 2017.
"Đó là điều tệ hại nhất khi tôi bị đưa lên máy bay. Đầu óc tôi cứ quay cuồng tự hỏi vì sao tôi bị cho về, vì sao tôi không được chung sống với gia đình tôi… Bây giờ ngồi đây một mình thật đau lòng. Tối đến tôi cứ khóc hoài, nhìn hình các con mà nhói lòng…".
Cũng trong phim, từ thành phố Raleigh, North Carolina, chị Rex Ny, vợ anh Chuh, nói :
"Điều duy nhất mà tôi mong muốn là chồng tôi quay về. Đó chính là mục tiêu của tôi, tôi không cầu xin điều gì khác".
222222222222222222
Anh Chuh làm việc tại một quán cà phê ở Sài Gòn. Cảnh trong phim Fighting for Family.
Trang Indiegogo viết : "Câu chuyện của anh Chuh và chị Rex là một trong hàng ngàn câu chuyện về vấn đề chính sách chia tách gia đình nhập cư. Chiến tranh Việt Nam đã làm hơn 2 triệu người mất nước từ Việt Nam đến Campuchia và Lào. Những người tị nạn này phải trốn nước và định cư ở Mỹ. Hiện giờ hơn 14.000 người Đông Nam Á đang sống trong nguy cơ bị trục xuất. Các người tị nạn giống anh Chuh và chị Rex đã sống ở Mỹ từ nhỏ nhưng đến bây giờ vẫn chưa tìm được giấc mơ Mỹ".
Đạo diễn Lan Nguyễn nói :
"Phim của tôi cho thấy gia đình anh Chuh chị Rex, cũng như một gia đình bình thường nào khác, thương yêu và chăm sóc cho nhau, một gia đình Việt Nam rất đặc trưng, nhưng lại gặp nhiều thử thách.
"Tôi cũng mong muốn chúng ta lưu tâm nhiều hơn đến người Thượng di dân, một cộng đồng thiểu số Việt Nam tị nạn ở Hoa Kỳ".
Trước đó theo Reuters, vào tháng 6/2016, anh Chuh lần đầu tiên nhận lệnh trục xuất. Tuy nhiên, khi ấy tòa đại sứ Việt Nam ở thủ đô Washington từ chối cấp hộ chiếu hay giấy tờ cần thiết để anh Chuh hồi hương. Anh Chuh bị giam giữ ở nhà tù do ICE quản lý ở Irwin County, bang Georgia, trước khi bị trục xuất về Việt Nam vào tháng 7/2017.
Anh Chuh vừa là người Thượng gốc ở Kon Tum, vừa là con trai của một người thuộc lực lượng đồng minh của Mỹ. Ông Tony Ngiu, cha của anh Chuh A, cùng với 40,000 người Thượng khác, đã trợ giúp cho CIA và Biệt kích Mỹ trong thời chiến Việt Nam. Ông Tony từng bị tù cải tạo 9 năm sau chiến tranh, trước khi thoát sang Mỹ cùng gia đình vào năm 1998, khi đó Chuh mới có 13 tuổi, theo New York Times.
Đạo diễn Lan Nguyễn chia sẻ bộ phim Fighting for Family sẽ hoàn tất vào tháng 9 năm nay, và cô hy vọng sẽ được công chiếu tại các liên hoan phim khác nhau khắp thế giới và cuối cùng được đưa lên mạng xã hội vào năm tới.
Lan Nguyễn, cô con gái của một gia đình tị nạn Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở thành phố Long Beach, bang California, cho VOA biết cuộc vận động quyên góp để trang trải phí luật sư cho gia đình anh chị Chuh và Rex trên Indiegogo đã nhận được hơn 3.000 đôla Mỹ của hơn 31 mạnh thường quân, và cuộc vận động sẽ tiếp tục đến hết ngày 30/5/2019.
An Hải
*******************
Nhiều người Việt ở Trung Quốc nói với VOA tiếng Việt rằng họ cũng ít nhiều chịu tác động của cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Mỹ, nhưng không nhiều bằng các doanh nghiệp địa phương như Huawei.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục "ăn miếng trả miếng" sau khi cuộc đàm phán nhằm chấm dứt thương chiến đổ vỡ giữa tháng này, khiến hai nước gia tăng mức áp thuế hàng hóa nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỷ đôla.
Mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ báo cáo quốc hội nước này rằng Trung Quốc là một trong chín nước, gồm cả Việt Nam, cần bị theo dõi chặt chẽ về vấn đề thao túng tiền tệ, một bước đi Bắc Kinh nói là "chính trị hóa" của Washington.
Ông Trần Quyết, một công dân Việt Nam sống ở Trung Quốc sáu năm qua, nói với VOA tiếng Việt rằng người Việt cũng bị ảnh hưởng vì chiến tranh thương mại, nhưng không nhiều vì "99% là lao động chui", "không thể làm cho các công ty lớn".
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về người Việt sang Trung Quốc làm việc, và VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được thông tin mà ông Quyết đưa ra.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung Quốc không nằm trong danh sách 10 nước nhận nhiều người Việt sang lao động.
Theo ông Quyết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chịu các tác động từ hành động được cho là "mạnh tay" của Mỹ.
"Các công ty ngày xưa làm ra sản phẩm xuất khẩu đi nước Mỹ thì bây giờ các công ty sẽ bị đóng cửa và công nhân sẽ không có việc làm. Bên này thất nghiệp rất chi là nhiều rồi", ông nói.
Ông Quyết cũng bày tỏ "hy vọng" rằng các công ty ở Trung Quốc sẽ "chuyển sang Việt Nam" như dự báo của Tổng thống Donald Trump về việc "nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc".
Trong khi đó, ông Tùng Lâm, một người Việt khác ở Trung Quốc, cho biết rằng tập đoàn viễn thông Huawei dường như cũng hứng chịu hệ quả từ cuộc thương chiến vì giá điện thoại của hãng này giảm mạnh trên thị trường sau quyết định của Google.
"Tại các cửa hàng điện thoại, nó giảm sâu so với năm ngoái", ông Lâm nói. Không chỉ tại Trung Quốc, tin cho hay, người sử dụng tại nhiều nơi như Singapore hay Philippines đã bán tháo điện thoại Huawei vì lo ngại không thể tiếp cận và cập nhật các ứng dụng của Google.
Theo quan sát của mình, bà Lâm Lệ Quân, một cô dâu Việt ở Trung Quốc, cho biết rằng bà sống "ở dưới quê" và "không đi làm" nên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít ảnh hưởng tới bà.
Tuy nhiên, bà cho biết thêm, khi gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam, bà thấy "đồng tiền của Trung Quốc [Nhân dân Tệ] khi đổi qua tiền Việt Nam thì giảm rất nhiều".
Tin cho hay, trong tháng này, đồng tiền của Trung Quốc đã mất giá nhiều so với đồng đôla vì chiến tranh thương mại.
Trước tác động của thương chiến, ông Quyết cho VOA tiếng Việt biết rằng báo chí nhà nước Trung Quốc đã "mở cuộc chiến truyền thông" nhắm vào Mỹ.
"Đất nước nào, ví dụ như Việt Nam mình, thì cái gì nó cũng nói tốt cho Việt Nam, chẳng bao giờ nó nói xấu Việt Nam, nói tốt cho đối phương cả. Bên này thì nó nói xấu về người Mỹ và lại nói tốt về bản thân của nó. Đất nước nào nó cũng thế à", ông nói tiếp.
Cũng liên quan tới thương chiến Mỹ - Trung, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 23/5 nói rằng Hà Nội đang "quan tâm theo dõi", đồng thời bày tỏ "mong muốn Bắc Kinh và Washington sẽ sớm giải quyết bất đồng".
"Đây là quan tâm chung của quốc tế bởi có ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và sự ổn định của kinh tế thế giới", bà Hằng nói.
"Việt Nam quan tâm theo dõi và mong muốn hai nước sẽ sớm giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, thương lượng trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".
Viễn Đông
*****************
Nhóm Dân biểu Hoa Kỳ gửi thư kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa và Trương Duy Nhất (RFA, 29/05/2019)
Một nhóm dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ vừa đồng ký tên vào lá thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu bật quan ngại của họ về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.
5555555555555555
Nguyễn Văn Hóa (trái) và Trương Duy Nhất (phải) - Photo : RFA
Bức thư đề ngày 28/5 do nhóm 25 dân biểu gồm những vị luôn quan tâm đến Việt Nam như Alan Lowenthal, Tim Kaine, Ro Khana, Juis Correa, Zoe Lofgren… cho rằng hơn 4 thập niên sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc cũng như việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Washington, Hà Nội vẫn là một quốc gia độc đảng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản theo đường lối không mấy dung tha cho tiếng nói đối lập.
Những vị dân biểu Hoa Ký ký tên vào thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo quan ngại về chiến dịch của chính phủ Việt Nam trấn áp, bắt bớ các nhà báo, ngăn chặn truyền thông độc lập và quyền tự do báo chí.
Những trường hợp được nêu ra gồm các nhà báo hay cộng tác viên cho Đài Á Châu Tự Do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, mà cả hai đều trực thuộc Cơ quan Truyền thông Toàn Cầu Hoa Kỳ (USAGM).
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hóa, người từng tham gia quay phim loan tin về thảm họa môi trường Formosa cho Ban Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do. Anh bị lực lượng chức năng bắt vào năm 2017 và bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Trường hợp thứ hai được nêu lên là nhà blogger và nhà báo Lê Anh Hùng bị bắt theo điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’. Ông Lê Anh Hùng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập chuyên vận động cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam. Ông này cũng là một cộng tác viên viết blog cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Trường hợp thứ ba được nêu lên trong bức thư là nhà báo độc lập Trương Duy Nhất, một cộng tác viên viết blog cho Ban Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do. Ông bị bắt cóc tại Bangkok vào ngày 26 tháng 1 năm 2019 ; chỉ một ngày sau khi đến Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để nộp đơn xin qui chế tỵ nạn.
Đến tháng 3/2019, truyền thông quốc tế loan tin ông này bị giam giữ mà không có cáo buộc gì tại Trại T6 thuộc Bộ Công An ở Hà Nội.
Các dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ ký tên vào thư gửi ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu 3 điểm đối với người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ : Bộ Ngoại giao đang thực hiện những gì để vận động cho việc trả tự do cho những cá nhân vừa nêu ? ; Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bangkok có hỏi cơ quan chức năng Thái Lan về cuộc điều tra đang tiến hành đối với trường hợp ông Trương Duy Nhất chưa ? Nếu có thì câu trả lời nhận được là khi nào và thế nào ? Nếu chưa thì vì sao ? ; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có xem xét những biện pháp đối với cơ quan chức năng Việt Nam nếu như những cá nhân vừa nêu không được trả tự do ; trong đó có những biện pháp trừng phạt và những hạn chế về du lịch và tài sản của những quan chức Việt Nam liên quan đến những cá nhân vừa nêu ?
Thời hạn mà các vị dân biểu đưa ra cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo để trả lời các vấn đề vừa nêu là ngày 17 tháng 6 tới đây.
*****************
Nguyễn Văn Hóa được gặp gia đình sau tin bị tra tấn và biệt giam (RFA, 28/05/2019)
Tù nhân chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa được gặp mặt gia đình sau tin bị hành hung và bị biệt giam mà những tù nhân khác cùng trại An Điềm không được biết.
666666666666
Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ở Hà Tĩnh hôm 27/11/2017 - AFP
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa, thông tin về việc gặp người em sau chuyến thăm ngày 28 tháng 5. Theo lời bà Nguyễn Thị Huệ thì em trai của bà nhờ chuyển lời cám ơn đến tất cả những người quan tâm đến sự an nguy của anh này trong thời gian qua.
Cũng theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Huệ thì anh Nguyễn Văn Hóa tiếp tục bị biệt giam tại khu giam riêng phòng số 4, Phân trại 1, Trại giam An Điềm. Lệnh giam riêng này có hiệu lực 6 tháng.
Tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa ủy quyền cho người chị là bà Nguyễn Thị Huệ tiếp tục làm và gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Yêu cầu được nói rõ là Trại giam An Điềm cần tuân thủ đúng pháp luật, chấp dứt biện pháp biệt giam và giải quyết đơn tố cáo cho tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa.
Phía Trại giam An Điềm thông báo với bà Nguyễn Thị Huệ là đến tháng sau sẽ hạn chế không cho gặp anh Nguyễn Văn Hóa trong nhà tù.
Vừa qua, sau khi biết được anh Nguyễn Văn Hóa bị cán bộ trại giam hành hung, rồi đưa đi mà không cho các tù nhân khác trong cùng trại biết thông tin ; một số tù chính trị gồm ông Nguyễn Bắc Truyển, anh Hoàng Đức Bình… tiến hảnh tuyệt thực.
Vào ngày 28 tháng 5, Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ ông Nguyễn Bắc Truyển thuật lại cuộc thăm gặp tại Trại An Điềm hôm 26 tháng 5 với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại 5 như sau :
"Ảnh nói là có 4 người tuyệt thực gồm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động tuyệt thực từ ngày 13/5 để phản đối kỷ luật Nguyễn Văn Hóa không minh bạch và vi phạm pháp luật".
Bà Bùi thị Kim Phượng cho biết thêm đến ngày 12/5, bốn tù nhân lương tâm vừa nêu ra 1 thư phản đối trại giam An Điềm, cho biết những tù nhân lương tâm hiệp thông với Nguyễn Văn Hóa đồng tuyên bố phản đối trại giam An Điềm, phản đối chính sách giam giữ vô nhân đạo với tù nhân lương tâm, và phản đối cảnh sát trại giam An Điềm nhiều lần xúc phạm tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, đồng thời thi hành kỷ luật Nguyễn Văn Hóa không công khai minh bạch, không rõ ràng lý do.
Cũng theo lời vợ ông Nguyễn Bắc Truyển thì ông Truyển chính là người chứng kiến viên Trung úy công an trại giam An Điềm tên Lê Văn Hiếu khóa tay và kẹp cổ Nguyễn Văn Hóa hôm 12/5/2019. Ngay ngày hôm sau, ông Hóa bị quản giáo khiêng ra khỏi phòng và không biết tung tích gì từ đó cho đến nay.
Đài Á Châu Tự Do không liên lạc được với trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam để xác thực vụ việc.
Hôm 24/5, bà Phạm Thị Vạn, mẹ tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình cũng gửi một thư ngỏ đến các tổ chức nhân quyền và chính phủ các nước để kêu cứu cho ông Hoàng Bình cùng một số tù chính trị khác đang gặp nguy hiểm tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.
Theo bức thư, ông Hoàng Đức Bình, người đang phải thụ án tù 14 năm với cáo buộc chống người thi hành công vụ và lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đang gặp nguy hiểm về tính mạng do tuyệt thực dài ngày trong trại giam An Điềm.
Còn ông Nguyễn Bắc Truyển là cựu thành viên của Hội Anh em dân chủ bị tuyên án 11 năm tù giam với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" cùng với các thành viên của hội này hồi tháng 4/2018.
Chủ tịch Hội Anh em dân chủ là ông Nguyễn Văn Đài và đồng sự cô Lê Thu Hà được phóng thích không rõ lý do và đi từ nhà tù sang Đức định cư khi đang thụ án 15 năm và 9 năm tù.
Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, người dùng flycam để quay lại các thước phim trên cao liên quan đến các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân miền Trung trong thảm họa Formosa.
Anh bị bắt hồi đầu năm 2017 khi đang quay phóng sự gần khu vực tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong một bức thư gửi cho gia đình ông nói mình bị công an "bắt cóc" 9 ngày và giam giữ trong một khách sạn sau đó mới có lệnh bắt chính thức.
Đến ngày 27/11 cùng năm anh bị tuyên án 7 năm tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
****************
Thêm một nhà hoạt động xã hội ở Nghệ An bị bắt (RFA, 29/05/2019)
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, một giáo dân công giáo, giảng dạy thanh nhạc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, vừa bị công an tỉnh Nghệ An bắt vào sáng ngày 29/5. Chị Nguyễn Thị Tình, vợ ông Nguyễn Năng Tĩnh cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy qua điện thoại vào tối ngày 29/5. Chị Tình cho biết ông Tĩnh bị bắt khi đang cùng con trai cả 7 tuổi đi ăn sáng.
7777777777777777
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh - Courtesy of FB Hồ Huy Khoái
"Lúc khoảng 10 giờ thì chị có tin là anh bị bắt rồi. Chị liên lạc với anh không được và liên lạc với bạn bè cũng không được. Sau đó thì ông nội gọi điện về và cho biết là Công an tỉnh gọi điện và bảo ra ủy ban xã để đón cháu. Nó bắt con và cho lên xe đưa về mà lúc đó hai cha con chuẩn bị đi ăn sáng. Đứa con trai lớn mô tả là ba cho con đi ăn sáng mà mấy chú đến rất nhiều. Mấy chú không cho con ăn và mấy chú bắt ba và tống lên xe. Con khóc thì mấy chú nói là ba mày phạm tội".
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh được giới hoạt động trong nước cho biết là người năng nổ trong công tác xã hội, văn hóa tại Giáo phận Vinh.
Chị Nguyễn Thị Tình cho biết gia đình đã không nhận được bất cứ lệnh bắt nào của công an đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh. Gia đình ông Tĩnh hiện cũng chưa được vào thăm gặp ông Tĩnh.
"Hiện tại người nhà, có một đứa em con cậu hỏi và muốn vào gặp mà họ đóng cửa họ không tiếp. Họ không có bất cứ giấy tờ gì".
Thông tin từ các nhà hoạt động xã hội trong nước và các trang facebook được cho là thân chính phủ cho biết Công an đã đến phòng trọ của ông Tĩnh ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh để khám xét, tịch thu giấy tờ, tài liệu và niêm phong phòng trọ này.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976, quê quán xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Vợ thầy giáo Tĩnh nói rằng chồng bà là người hay giúp đỡ người khác đồng thời phản bác các thông tin trên các trang xã hội thân chính phủ cho rằng ông Tĩnh là thành viên đảng Việt Tân.
"Anh là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Còn đảng Việt Tân thì em là vợ của anh, em xác định 100% là anh không bao giờ có trong danh sách. Anh thì ai cần việc mà anh cảm thấy việc đó là tốt là anh làm đúng lương tâm. Bây giờ nói đảng Việt Tân thì chứng cứ đâu ra ? Mà đảng Việt Tân có gì xấu em cũng không biết… Anh đâu có làm gì phạm tội đâu".
Việt Nam xếp đảng Việt Tân, một đảng có trụ sở và hoạt động hợp pháp tại Mỹ, vào danh sách khủng bố.
Hôm 16/8 năm ngoái, tòa án Tỉnh Nghệ An đã kết án 20 năm tù một giáo dân khác thuộc Giáo Phận Vinh là ông Lê Đình Lượng – một nhà hoạt động môi trường. Truyền thông trong nước viết rằng ông Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức Việt Tân. Ông bị kết tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Tổ chức Amnesty International mới đây công bố báo cáo, cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm.
*****************
Nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt ở Nghệ An (VOA, 29/05/2019)
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, người lâu nay được nhìn nhận là một nhà đấu tranh vì công lý, sự thật, mới bị nhà chức trách bắt giữ ở tỉnh Nghệ An hôm 29/5.
888888888888888
Nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh (quê Nghệ An), ảnh chụp khi chưa bị bắt
Tin tức trên đây được ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, xác nhận với VOA, với thông tin từ gia đình và bạn bè của ông Tĩnh.
Hiện chưa có tuyên bố chính thức từ nhà chức trách về các cáo buộc đối với ông Tĩnh, 43 tuổi, người từng là giáo viên nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. VOA cố gắng liên lạc với nhà chức trách song không có hồi đáp.
Theo tìm hiểu của VOA, ông Tĩnh, người cũng là một giáo dân, tham gia một số hội nhóm như "Bảo vệ sự sống", "NoU FC Vinh", "Quỹ phát triển con người", "Truyền thông công giáo" vốn bị chính quyền coi là "các nhóm chống đối".
Bên cạnh đó, các video trên mạng cho thấy ông Tĩnh hát những nhạc phẩm "Việt Nam tôi đâu", "Xin hỏi anh là ai", "Trả lại cho dân", v.v… mà trong con mắt của chính quyền, đó là các bài hát "có nội dung phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương chính sách của đảng, nhà nước".
Dẫn lại thông tin từ gia đình nhà đấu tranh Nguyễn Năng Tĩnh, đại diện tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, ông Vũ Quốc Ngữ cho VOA biết thêm một số chi tiết :
"Anh Tĩnh bị bắt ở một địa điểm gần nhà, khi anh vừa đưa đón hai con từ Sài Gòn về quê. Hai con của anh sống với mẹ ở Sài Gòn. Và khi anh đón về đến gần nhà thì bị công an địa phương bắt giữ và đưa họ lên có lẽ là Ủy ban Nhân dân xã. Một vài tiếng sau họ gọi bố anh Tĩnh ra đón hai cháu, tức là ông ra đón cháu, còn anh Tĩnh bị giữa lại".
Hồi tháng 11/2015, ông Tĩnh từng bị 8 người mà ông cáo buộc là "công an Nghệ an mặc thường phục giả danh côn đồ" lôi lên xe đưa đến cầu Bến Thuỷ đánh đập, cướp tài sản vì ông tham gia các hoạt động đấu tranh. VOA không có điều kiện để kiểm chứng cáo buộc này.
Về vụ bắt giữ vừa xảy ra, Tổng Giám đốc Người Bảo vệ Nhân quyền, ông Vũ Quốc Ngữ, bình luận với VOA rằng cuộc trấn áp của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động từ cuối năm 2015 vẫn tiếp tục cho đến nay.
Trong khi chính quyền mới trả tự do cho một số tù nhân lương tâm và cho phép một số nhà hoạt động khác rời khỏi Viêt Nam để đi sống lưu vong, việc bắt giữ ông Tĩnh và kết án tù một người ở Bình Định về tội khủng bố trong vòng mấy ngày gần đây cho thấy chính quyền vẫn coi việc bắt bớ và giam giữ các nhà đấu tranh như là món hàng để mặc cả với các nước phương Tây về các vấn đề kinh tế, chính trị, ông Ngữ nói.
********************
Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh sẽ bị xét xử vào ngày 6/6 (RFA, 28/05/2019)
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, kỹ sư nuôi tôm ở Bến Tre bị bắt vào dịp lễ 2-9 năm ngoái sẽ bị tòa án tỉnh Bến Tre xét xử vào ngày 6/6/2019 tới đây với cáo buộc "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
99999999999999
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh - Courtesy of FB
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào chiều 28/5 như sau :
"Hôm qua em đi lên gửi quà cho chồng, xong rồi em đi qua tòa án (tỉnh Bến Tre - PV) để hỏi ngày xét xử của chồng em. Tòa có nói là đã có giấy rồi, nhưng chưa kịp gửi về nên đưa luôn cho em.
Ngày hôm qua em lên gửi giấy để xin gặp mặt tháng tiếp theo, vì tháng này em gặp rồi, em muốn gặp trước lúc ra tòa nhưng tòa không chấp nhận. Bên tòa nói là giờ tới ngày xử không cho gặp mặt nữa".
Theo nội dung giấy triệu tập của tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đề ngày 22/5, bà Châu bị triệu tập với tư cách người làm chứng, cùng lưu ý rằng "nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải hoặc có thể bị dẫn giải theo quy định pháp luật".
Ông Ánh sẽ ra tòa vào ngày 6/6 mà không có luật sư bào chữa, do ông bất ngờ rút đơn đề nghị luật sư bào chữa chỉ vài ngày sau khi bị bắt với lý do "có thể tự học để bào chữa và kinh tế gia đình khó khăn".
Theo vợ ông Ánh, thời điểm bị bắt giữ, công an đã lợi dụng đứa trẻ 4 tuổi là con của ông Ánh để mở khóa chiếc điện thoại thông minh có chứa các tài khoản mạng xã hội của ông này để điều tra.
Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1980, quê quán ở Hà Nội nhưng cùng vợ làm nghề nuôi tôm ở tỉnh Bến Tre.
Ngày 30 tháng 8 năm 2018, ông Ánh bị tạm giữ khẩn cấp và sau đó bị khởi tố với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước có mức án lên đến 20 năm.
Cơ quan công an cáo buộc, ông Ánh mặc dù nuôi tôm nhưng đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ nhiều bài viết, video, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam.
Từ đầu năm 2019 đến nay, chính quyền Việt Nam đã kết án gần hai chục người với các mức án nặng nề vì các nhóm tội liên quan đến chống đối đảng Cộng sản và nhà nước.
Úc phát hiện thuyền buôn người Việt Nam ở vùng nhiều cá sấu (BBC, 27/08/2018)
Chiếc thuyền bị bỏ lại trong một vùng nước có nhiều cá sấu là của một nhóm "buôn người", Chính phủ Úc cho hay.
Chính quyền Úc vẫn đang tuy tìm những người đang lẩn trốn trong khu rừng có nhiều cá sầu
Giới chức đã bắt giữ 15 người và cho rằng vẫn còn nhiều người, gồm cả thuyền trưởng, đang trốn trong khu rừng ngập mặn phía bắc Cairns, cảnh sát nói.
Được biết những người bị bắt giữ đều ăn mặc chỉnh tề và trong tình trạng sức khỏe tốt.
The Brisbane Courier Mail cho biết có đến 20 người vẫn đang mất tích.
Chiếc thuyền này đến từ Việt Nam và là chiếc thuyền đưa người lậu đầu tiên vào được Úc trong gần 4 năm qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton nói.
Giới chức vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Chiếc thuyền bị mắc cạn không xa bờ
Họ không nói có bao nhiêu người trên thuyền khi mắc cạn gần Daintree hôm Chủ Nhật (26/8), và cũng không nói đã có ai từ chiếc thuyền này định xin tỵ nạn hay không.
Thị trưởng thành phố Julia Leu nói với ABC rằng những người này đã "tự đặt mình vào vùng nguy hiểm, nơi khét tiếng là có nhiều cá sấu".
Họ sẽ phải tránh cá sấu, rắn độc và cả đà điểu đầu mèo khổng lồ (cassowaries), một trong những loài chim hung dữ và nguy hiểm nhất thế giới.
Úc giám sát chặt chẽ các tàu thuyền đi vào vùng biển của họ, cho nên tàu thuyền đến bất hợp pháp thường bị chặn lại trước khi có thể cập bờ.
"Rõ ràng việc giám sát đã thất bại khi không xác định được chiếc thuyền này", ông Duton nói với báo giới hôm thứ Hai (27/8).
Trước đó, Úc đã gửi tất cả thuyền nhân xin tỵ nạn đến các trung tâm xét duyệt đặt ở nước ngoài, gồm tại Cộng hòa Nauru và đảo Manus thuộc Papua New Guinea.
Ngay cả khi được xác nhận là người tỵ nạn, họ sẽ không bao giờ được cho phép tái định cư ở Úc. Chính sách gây tranh cãi này nhằm ngăn chặn dòng người tỵ nạn trong tương lai.
Một bộ trưởng khác trong chính phủ Úc, Steve Ciobo, nói với Sky News Australia rằng nhóm người này "nên được gửi tới Nauru" hoặc "nơi nào đó ở ngoài khơi".
Hồi 2017, Úc đã gửi trả năm người đàn ông Trung Quốc về nước sau khi giới chức nước này chặn được một chiếc thuyền buôn người tại eo biển Torres nằm ở phía nam Papua New Guinea.
******************
Úc bắt giữ 15 thuyền nhân nghi là người Việt vượt biên (Người Việt, 27/08/2018)
Sở Di Trú Úc đã bắt giữ 15 người trên tổng số khoảng 40 người nghi là người Việt vượt biên trên một chiếc tàu hồi tuần qua với nghi vấn hoạt động của dịch vụ "buôn người".
Các thuyền nhân bị Úc bắt giữ hồi tuần qua ở khu vực đầy cá sấu, phía Bắc bang Queensland. (Hình : Courier Mail)
Nhiều báo của Úc dựa trên thông tin của chính phủ Úc nói những người trên các chiếc tàu câu cá ở địa phương đã thông báo với nhà cầm quyền khi họ thấy các người trên một chiếc tàu lạ chạy lên bờ và ẩn trốn sau các bụi rậm ở khu vực có con sông Daintree. Đây là vùng nổi tiếng có rất nhiều cá sấu thuộc phía bắc tiểu bang Queensland của liên bang Úc.
Lực lượng Biên Phòng Úc cho hay họ đang phối hợp với cảnh sát của bang Queensland để tìm kiếm những người còn lại đang lẩn trốn. Trong số những người bị bắt giữ không thấy có thuyền trưởng của chiếc tàu. Chiếc tàu mắc cạn ở cửa sông Daintree hiện đã bị nghiêng và ngập nước một phần.
Đài truyền hình ABC dẫn lời một viên chức địa phương nói : "Chúng tôi không biết họ có phải là các người tị nạn bất hợp pháp hay họ là các người đánh cá có thể khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển nước Úc rồi chẳng may chiếc tàu của họ gặp nạn rồi kẹt ở đây".
Bộ Nội Vụ Úc ra một bản tuyên bố nói việc ưu tiên của họ là lo cho sự an nguy của các người đi trên chiếc tàu hiện đã bỏ hoang. Đây là chiếc tàu vào đất Úc từ 4 năm qua. Các tàu chở di dân lậu khác thường bị Hải Quân Úc phát hiện trên biển và trục xuất hoặc đưa tới "gửi" tại hai đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương là Nauru và Papua New Guinea.
Chiếc tàu vượt biên mắc cạn (Hình : ABC)
Bộ Trưởng Nội Vụ Úc Peter Dutton cho hay, chiếc tàu ngập nước đến từ Việt Nam. Ông nói : "Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để bảo đảm chúng tôi trục xuất tất cả những người này về nguyên quán, sau khi đã hiểu mọi sự việc".
Tuy nói chiếc tàu có nguồn gốc Việt Nam nhưng ông Dutton không xác nhận tất cả có bao nhiêu người cũng như quốc tịch của họ. Theo luật di trú gắt gao hiện hành của nước Úc, tất cả những người di dân tị nạn nào đến nước Úc trên các tàu biển đều bị trục xuất hoặc đưa tới các lều tạm trú mà chính phủ Úc thuê tại cộng hòa Nauru hay Papua New Guinea.
Một số tổ chức người Việt tại Úc đã cố gắng vận động chính phủ Úc cứu xét để những thuyền nhân Việt đến nước Úc dạo sau này được tạm giữ ngay trên nước Úc để cứu xét từng trường hợp, nhưng không có tác dụng. Một số tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Úc cũng từng chỉ trích chính sách của chính phủ trong khi Liên Hiệp Quốc cũng đả kích chính phủ Úc là vi phạm Công ước Quốc tế về Người Tị Nạn.
Dù vậy ông Dutton tái xác nhận lại quan điểm của chính phủ Úc hôm Thứ Hai rằng việc chiếc tàu với cập bến "nhắc nhở rằng hoạt động đưa người nhập lậu vẫn không hết".
Giữa Tháng Tư, năm 2015, chính phủ Úc cho một chiến hạm chở gần 50 thuyền nhân Việt Nam bị trục xuất về nước. Họ bị hải quan và hải quân Úc tìm thấy hồi tháng trước đó tại khu vực ngoài khơi phía Bắc nước Úc. Kể từ Tháng Chín, 2013, chính phủ Úc đã có 15 đợt trả người xin tị nạn về nước "với những hình thức khác nhau", theo một thông báo của chính quyền hồi Tháng Giêng, 2015. (TN)
*********************
Nhóm người Việt khoan két sắt trộm tiền ở Malaysia bị truy tố (RFA, 27/08/2018)
Một nhóm 5 người Việt ngày 27 tháng 8 đã bị Malaysia đem ra xét xử về tội đột nhập vào một siêu thị trộm tài sản hồi tháng 7 vừa qua.
Nhóm 5 người Việt phá két sắt trộm tiền siêu thị Malaysia.- Ảnh chụp màn hình Vnexpress
Nhóm người này thuộc một tổ chức chuyên trộm cắp khét tiếng ở Malaysia có tên là Geng Tebuk, với các thành viên nằm trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Vào ngày 2 tháng 7 vừa qua, nhóm này đã đột nhập vào siêu thị Kawang thuộc huyện Ayer Hitam, bang Kedah vào khoảng 3 giờ sáng để phá két sắt lấy trộm số tiền khoảng 250 đô la.
Trước đó, nhóm này cũng đã thực hiện một loạt các vụ trộm cắp khác ở các nhà kho và siêu thị với số tiền lấy cắp được khoảng 25.000 đô la.
Tại phiên xét xử ngày 27 tháng 8, nhóm người ngày không đưa ra lời biện hộ nào vì không hiểu tiếng Malaysia và cũng không có luật sư bào chữa. Nếu bị kết tội đột nhập, nhóm này có thể đối mặt với bản án 5 năm tù giam, còn nếu bị kết tội trộm cắp, họ có thể phải ngồi tù lên đến 14 năm.
Thẩm phán tòa án cho biết sẽ mở tiếp một phiên tòa vào ngày 19 tháng 9 tới đây và sắp xếp người phiên dịch cho các bị cáo.
Năm người này có tên Nguyen Van Hop, Ha Van Khanh, Pham Van Xuan, Nghiem Van Long và Tran Xuan Thong.
Cũng tin liên quan, Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam (C45) cho biết trong 6 tháng đầu năm, công an đã triệt phá được hơn 1.000 băng nhóm tội phạm hình sự, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, và đặc biệt nghiêm trọng đang được làm rõ.
Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống tội phạm hình sự trong 6 tháng đầu năm của C45 cho biết, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự, trong số này đã có hơn 20.100 vụ được điều tra. Hơn 45.500 người bị đưa ra xét xử.
*********************
Cameroon bắt 6 người buôn lậu tê tê về Việt Nam (RFA, 24/08/2018)
Trang tin Wide America hôm 22/8 cho biết 5 người Cameroon và một người Cộng hòa Trung Phi vừa bị bắt giữ ở sân bay quốc tế Douala, gần thủ đô Yaounde, Cameroon, vì vận chuyển lậu tê tê đi Việt Nam.
Hình minh họa. Một con tê tê trong cũi được phát hiện trong cuộc truy quét của cảnh sát Indonesia ở tỉnh Riau hôm 25/10/2017 - AFP
Việc bắt giữ này nằm trong chiến dịch truy quét của cảnh sát Cameroon và cơ quan bảo vệ động vật hoang dã của nước này.
Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường chính đối với các sản phẩm từ thú hoang dã bị cấm buôn bán là tê tê và tê giác.
Vẩy tê tê được người Trung Quốc coi như là thuốc và được dùng để trị các bệnh về máu và bệnh vẩy nến.
Các nhà bảo tồn nhận định Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ vừa là điểm chung chuyển của các đường dây buôn lậu tê tê.
Nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép tiếp tục bị phát hiện tại Việt Nam cũng như ở những nước trong khu vực mà số hàng cấm được nói được chuyển đến Việt Nam.
Vào ngày 13 tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng tại phi trường Kuala Lumpur của Malaysia bắt giữ 50 sừng tê giác và 9 xác động vật hoang dã gồm gấu, hổ, báo sắp được chuyển đến một địa chỉ ở Hà Nội.
********************
Một người Việt bị tù ở Scotland vì trồng cần sa (RFA, 24/08/2018)
Một người Việt vừa bị tòa án ở Scotland hồi tuần trước kết án 3 năm rưỡi tù vì trồng cần sa. Trang tin Asia Times loan tin này hôm 23/8.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/12/2012 : một nơi trồng cần sa lậu ở Saverne, miền đông nước Pháp nơi có những người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp được thuê để chăm sóc cần sa - AFP
Theo Asia Times, Quyet Nguyen, 38 tuổi bị tuyên có tội vì đã trồng cần sa trị giá 100.000 Bảng Anh trong khoảng thời gian từ 21/9 đến 7/12/2017.
Tờ Ardrossan & Saltcoats Herald của Scotland cho biết Quyet Nguyen đã nhận tội.
Tuy nhiên luật sư của Quyet Nguyen nói tại tòa rằng Quyet Nguyen là nạn nhân buôn người bị đưa vào Scotland từ Việt Nam và qua Wales. Hộ chiếu của Quyet Nguyen đã bị những người đưa anh này vào Scotland lấy đi khi anh ta đến Wales.
Cảnh sát Scotland nói rằng mặc dù Quyet Nguyen chỉ là một người được thuê trồng cần sa nhưng cảnh sát vẫn bỏ tù anh ta vì tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Tình trạng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào một số nước và được thuê trồng cần sa khá phổ biến thời gian gần đây.
Hồi tháng trước, cảnh sát Đài Loan đã bắt hai người Việt nhập cư bất hợp pháp và được thuê trồng cần sa ở Đào Viên.
Theo cảnh sát Anh, trong khoảng 10 năm qua, tội phạm có tổ chức ở Việt Nam đã hợp tác với các băng đảng ở Anh đưa trái phép các em gái và trai từ Việt Nam vào Anh để làm gái mại dâm và trồng cần sa.