Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/08/2018

Người Việt đó đây : có gì để vinh quang ?

Tổng hợp

Úc phát hiện thuyền buôn người Việt Nam ở vùng nhiều cá sấu (BBC, 27/08/2018)

Chiếc thuyền bị bỏ lại trong một vùng nước có nhiều cá sấu là của một nhóm "buôn người", Chính phủ Úc cho hay.

uc1

Chính quyền Úc vẫn đang tuy tìm những người đang lẩn trốn trong khu rừng có nhiều cá sầu

Giới chức đã bắt giữ 15 người và cho rằng vẫn còn nhiều người, gồm cả thuyền trưởng, đang trốn trong khu rừng ngập mặn phía bắc Cairns, cảnh sát nói.

Được biết những người bị bắt giữ đều ăn mặc chỉnh tề và trong tình trạng sức khỏe tốt.

The Brisbane Courier Mail cho biết có đến 20 người vẫn đang mất tích.

Chiếc thuyền này đến từ Việt Nam và là chiếc thuyền đưa người lậu đầu tiên vào được Úc trong gần 4 năm qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton nói.

Giới chức vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

uc2

Chiếc thuyền bị mắc cạn không xa bờ

Họ không nói có bao nhiêu người trên thuyền khi mắc cạn gần Daintree hôm Chủ Nhật (26/8), và cũng không nói đã có ai từ chiếc thuyền này định xin tỵ nạn hay không.

Thị trưởng thành phố Julia Leu nói với ABC rằng những người này đã "tự đặt mình vào vùng nguy hiểm, nơi khét tiếng là có nhiều cá sấu".

Họ sẽ phải tránh cá sấu, rắn độc và cả đà điểu đầu mèo khổng lồ (cassowaries), một trong những loài chim hung dữ và nguy hiểm nhất thế giới.

Úc giám sát chặt chẽ các tàu thuyền đi vào vùng biển của họ, cho nên tàu thuyền đến bất hợp pháp thường bị chặn lại trước khi có thể cập bờ.

"Rõ ràng việc giám sát đã thất bại khi không xác định được chiếc thuyền này", ông Duton nói với báo giới hôm thứ Hai (27/8).

Trước đó, Úc đã gửi tất cả thuyền nhân xin tỵ nạn đến các trung tâm xét duyệt đặt ở nước ngoài, gồm tại Cộng hòa Nauru và đảo Manus thuộc Papua New Guinea.

Ngay cả khi được xác nhận là người tỵ nạn, họ sẽ không bao giờ được cho phép tái định cư ở Úc. Chính sách gây tranh cãi này nhằm ngăn chặn dòng người tỵ nạn trong tương lai.

Một bộ trưởng khác trong chính phủ Úc, Steve Ciobo, nói với Sky News Australia rằng nhóm người này "nên được gửi tới Nauru" hoặc "nơi nào đó ở ngoài khơi".

Hồi 2017, Úc đã gửi trả năm người đàn ông Trung Quốc về nước sau khi giới chức nước này chặn được một chiếc thuyền buôn người tại eo biển Torres nằm ở phía nam Papua New Guinea.

******************

Úc bắt giữ 15 thuyền nhân nghi là người Việt vượt biên (Người Việt, 27/08/2018)

Sở Di Trú Úc đã bắt giữ 15 người trên tổng số khoảng 40 người nghi là người Việt vượt biên trên một chiếc tàu hồi tuần qua với nghi vấn hoạt động của dịch vụ "buôn người".

viet2

Các thuyền nhân bị Úc bắt giữ hồi tuần qua ở khu vực đầy cá sấu, phía Bắc bang Queensland. (Hình : Courier Mail)

Nhiều báo của Úc dựa trên thông tin của chính phủ Úc nói những người trên các chiếc tàu câu cá ở địa phương đã thông báo với nhà cầm quyền khi họ thấy các người trên một chiếc tàu lạ chạy lên bờ và ẩn trốn sau các bụi rậm ở khu vực có con sông Daintree. Đây là vùng nổi tiếng có rất nhiều cá sấu thuộc phía bắc tiểu bang Queensland của liên bang Úc.

Lực lượng Biên Phòng Úc cho hay họ đang phối hợp với cảnh sát của bang Queensland để tìm kiếm những người còn lại đang lẩn trốn. Trong số những người bị bắt giữ không thấy có thuyền trưởng của chiếc tàu. Chiếc tàu mắc cạn ở cửa sông Daintree hiện đã bị nghiêng và ngập nước một phần.

Đài truyền hình ABC dẫn lời một viên chức địa phương nói : "Chúng tôi không biết họ có phải là các người tị nạn bất hợp pháp hay họ là các người đánh cá có thể khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển nước Úc rồi chẳng may chiếc tàu của họ gặp nạn rồi kẹt ở đây".

Bộ Nội Vụ Úc ra một bản tuyên bố nói việc ưu tiên của họ là lo cho sự an nguy của các người đi trên chiếc tàu hiện đã bỏ hoang. Đây là chiếc tàu vào đất Úc từ 4 năm qua. Các tàu chở di dân lậu khác thường bị Hải Quân Úc phát hiện trên biển và trục xuất hoặc đưa tới "gửi" tại hai đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương là Nauru và Papua New Guinea.

viet3

Chiếc tàu vượt biên mắc cạn (Hình : ABC)

Bộ Trưởng Nội Vụ Úc Peter Dutton cho hay, chiếc tàu ngập nước đến từ Việt Nam. Ông nói : "Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để bảo đảm chúng tôi trục xuất tất cả những người này về nguyên quán, sau khi đã hiểu mọi sự việc".

Tuy nói chiếc tàu có nguồn gốc Việt Nam nhưng ông Dutton không xác nhận tất cả có bao nhiêu người cũng như quốc tịch của họ. Theo luật di trú gắt gao hiện hành của nước Úc, tất cả những người di dân tị nạn nào đến nước Úc trên các tàu biển đều bị trục xuất hoặc đưa tới các lều tạm trú mà chính phủ Úc thuê tại cộng hòa Nauru hay Papua New Guinea.

Một số tổ chức người Việt tại Úc đã cố gắng vận động chính phủ Úc cứu xét để những thuyền nhân Việt đến nước Úc dạo sau này được tạm giữ ngay trên nước Úc để cứu xét từng trường hợp, nhưng không có tác dụng. Một số tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Úc cũng từng chỉ trích chính sách của chính phủ trong khi Liên Hiệp Quốc cũng đả kích chính phủ Úc là vi phạm Công ước Quốc tế về Người Tị Nạn.

Dù vậy ông Dutton tái xác nhận lại quan điểm của chính phủ Úc hôm Thứ Hai rằng việc chiếc tàu với cập bến "nhắc nhở rằng hoạt động đưa người nhập lậu vẫn không hết".

Giữa Tháng Tư, năm 2015, chính phủ Úc cho một chiến hạm chở gần 50 thuyền nhân Việt Nam bị trục xuất về nước. Họ bị hải quan và hải quân Úc tìm thấy hồi tháng trước đó tại khu vực ngoài khơi phía Bắc nước Úc. Kể từ Tháng Chín, 2013, chính phủ Úc đã có 15 đợt trả người xin tị nạn về nước "với những hình thức khác nhau", theo một thông báo của chính quyền hồi Tháng Giêng, 2015. (TN)

*********************

Nhóm người Việt khoan két sắt trộm tiền ở Malaysia bị truy tố (RFA, 27/08/2018)

Một nhóm 5 người Việt ngày 27 tháng 8 đã bị Malaysia đem ra xét xử về tội đột nhập vào một siêu thị trộm tài sản hồi tháng 7 vừa qua.

viet1

Nhóm 5 người Việt phá két sắt trộm tiền siêu thị Malaysia.- Ảnh chụp màn hình Vnexpress

Nhóm người này thuộc một tổ chức chuyên trộm cắp khét tiếng ở Malaysia có tên là Geng Tebuk, với các thành viên nằm trong độ tuổi từ 20 đến 30.

Vào ngày 2 tháng 7 vừa qua, nhóm này đã đột nhập vào siêu thị Kawang thuộc huyện Ayer Hitam, bang Kedah vào khoảng 3 giờ sáng để phá két sắt lấy trộm số tiền khoảng 250 đô la.

Trước đó, nhóm này cũng đã thực hiện một loạt các vụ trộm cắp khác ở các nhà kho và siêu thị với số tiền lấy cắp được khoảng 25.000 đô la.

Tại phiên xét xử ngày 27 tháng 8, nhóm người ngày không đưa ra lời biện hộ nào vì không hiểu tiếng Malaysia và cũng không có luật sư bào chữa. Nếu bị kết tội đột nhập, nhóm này có thể đối mặt với bản án 5 năm tù giam, còn nếu bị kết tội trộm cắp, họ có thể phải ngồi tù lên đến 14 năm.

Thẩm phán tòa án cho biết sẽ mở tiếp một phiên tòa vào ngày 19 tháng 9 tới đây và sắp xếp người phiên dịch cho các bị cáo.

Năm người này có tên Nguyen Van Hop, Ha Van Khanh, Pham Van Xuan, Nghiem Van Long và Tran Xuan Thong.

Cũng tin liên quan, Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam (C45) cho biết trong 6 tháng đầu năm, công an đã triệt phá được hơn 1.000 băng nhóm tội phạm hình sự, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, và đặc biệt nghiêm trọng đang được làm rõ.

Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống tội phạm hình sự trong 6 tháng đầu năm của C45 cho biết, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự, trong số này đã có hơn 20.100 vụ được điều tra. Hơn 45.500 người bị đưa ra xét xử.

*********************

Cameroon bắt 6 người buôn lậu tê tê về Việt Nam (RFA, 24/08/2018)

Trang tin Wide America hôm 22/8 cho biết 5 người Cameroon và một người Cộng hòa Trung Phi vừa bị bắt giữ ở sân bay quốc tế Douala, gần thủ đô Yaounde, Cameroon, vì vận chuyển lậu tê tê đi Việt Nam.

viet4

Hình minh họa. Một con tê tê trong cũi được phát hiện trong cuộc truy quét của cảnh sát Indonesia ở tỉnh Riau hôm 25/10/2017 - AFP

Việc bắt giữ này nằm trong chiến dịch truy quét của cảnh sát Cameroon và cơ quan bảo vệ động vật hoang dã của nước này.

Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường chính đối với các sản phẩm từ thú hoang dã bị cấm buôn bán là tê tê và tê giác.

Vẩy tê tê được người Trung Quốc coi như là thuốc và được dùng để trị các bệnh về máu và bệnh vẩy nến.

Các nhà bảo tồn nhận định Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ vừa là điểm chung chuyển của các đường dây buôn lậu tê tê.

Nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép tiếp tục bị phát hiện tại Việt Nam cũng như ở những nước trong khu vực mà số hàng cấm được nói được chuyển đến Việt Nam.

Vào ngày 13 tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng tại phi trường Kuala Lumpur của Malaysia bắt giữ 50 sừng tê giác và 9 xác động vật hoang dã gồm gấu, hổ, báo sắp được chuyển đến một địa chỉ ở Hà Nội.

********************

Một người Việt bị tù ở Scotland vì trồng cần sa (RFA, 24/08/2018)

Một người Việt vừa bị tòa án ở Scotland hồi tuần trước kết án 3 năm rưỡi tù vì trồng cần sa. Trang tin Asia Times loan tin này hôm 23/8.

viet5

Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/12/2012 : một nơi trồng cần sa lậu ở Saverne, miền đông nước Pháp nơi có những người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp được thuê để chăm sóc cần sa - AFP

Theo Asia Times, Quyet Nguyen, 38 tuổi bị tuyên có tội vì đã trồng cần sa trị giá 100.000 Bảng Anh trong khoảng thời gian từ 21/9 đến 7/12/2017.

Tờ Ardrossan & Saltcoats Herald của Scotland cho biết Quyet Nguyen đã nhận tội.

Tuy nhiên luật sư của Quyet Nguyen nói tại tòa rằng Quyet Nguyen là nạn nhân buôn người bị đưa vào Scotland từ Việt Nam và qua Wales. Hộ chiếu của Quyet Nguyen đã bị những người đưa anh này vào Scotland lấy đi khi anh ta đến Wales.

Cảnh sát Scotland nói rằng mặc dù Quyet Nguyen chỉ là một người được thuê trồng cần sa nhưng cảnh sát vẫn bỏ tù anh ta vì tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Tình trạng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào một số nước và được thuê trồng cần sa khá phổ biến thời gian gần đây.

Hồi tháng trước, cảnh sát Đài Loan đã bắt hai người Việt nhập cư bất hợp pháp và được thuê trồng cần sa ở Đào Viên.

Theo cảnh sát Anh, trong khoảng 10 năm qua, tội phạm có tổ chức ở Việt Nam đã hợp tác với các băng đảng ở Anh đưa trái phép các em gái và trai từ Việt Nam vào Anh để làm gái mại dâm và trồng cần sa.

Quay lại trang chủ
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)