Con tin : Món hàng mặc cả của Iran trong đàm phán quốc tế ?
Hệ quả của virus corona đối với chính trị và kinh tế Trung Quốc ; Khủng hoảng chính trị tại Đức ; Bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở New Hampshire… là những chủ đề quốc tế được các nhật báo Pháp ngày 11/02/2020 khai thác rộng rãi.
Hai nhà khoa học Pháp, nhà nhân chủng học Fariba Adelkhah và nhà chính trị học Roland Marchal, bị Iran giam giữ từ 9 tháng qua. Sciences Po
Tuy nhiên, điều làm cho nước Pháp lo lắng nhất là "Vũ khí con tin của Iran", như hàng tít lớn trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix. Bởi vì, ngày hôm nay, tại Paris diễn ra một cuộc tập hợp thầm lặng để đòi chính quyền Tehran trả tự do cho bà Fariba Adelkhah và Roland Marchal, bị bắt tại Iran khi về thăm người thân.
Cả hai đều là nhà nghiên cứu khoa học của Pháp : Fariba Adelkhah, nhà nhân chủng học gốc Iran, còn Roland Marchal lại là một nhà chính trị học và chuyên gia về Vùng Sừng Châu Phi. Họ bị bắt vì lý do gì ? Thật sự không ai biết ngoài những cáo buộc do chính quyền do Tehran đưa ra : "tuyên truyền chống chế độ" hay có "âm mưu gây hại an ninh quốc gia". Những cáo buộc mà các đồng nghiệp của hai nhà khoa học đánh giá là "nực cười và thậm chí quá đáng".
Làm thế nào để hai nhà nghiên cứu được trả tự do ? Đây quả thật là một bài toán hóc búa cho chính phủ Pháp. Bởi vì, kẻ bắt giữ họ là một Nhà nước chứ không phải là một "nhóm khủng bố". Do vậy, như nhận định của ông Jean-François Bayart, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Sciences Po, nơi bà Fariba Adelkhah công tác "chắc chắn tài chính không là vấn đề mặc cả".
Trao đổi tù nhân ?
Vậy thì vì mục đích gì ? Giới chuyên gia tại Pháp được La Croix trích dẫn đưa ra hai giả thuyết : Thứ nhất là lực lượng Vệ binh Cộng hòa muốn cản trở ý đồ nối lại đàm phán giữa nguyên thủ Pháp với tổng thống Hassan Rohani, kể từ khi Hoa Kỳ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015.
Giả thuyết thứ hai là có thể sử dụng hai nhà nghiên cứu này như là một món hàng để trao đổi. Jean-François Bayart giải thích : "Các nhà ngoại giao chưa có gì là chắc chắn cả, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy yếu tố khởi động là vụ bắt giữ một kỹ sư người Iran, đầu tháng Hai ở Nice. Có nhiều thông điệp thể hiện rõ ý đồ này".
Ông Jalal Rohollahnejad, 41 tuổi, bị bắt khi vừa đặt chân đến Pháp ngày 02/02/2019. Người này là đối tượng truy nã của Mỹ, bị cáo buộc có âm mưu xuất khẩu các thiết bị tin học cho một doanh nghiệp Iran trực thuộc Vệ bnh Cách mạng. Hiện tư pháp Pháp đang hoàn tất các thủ tục để cho dẫn độ sang Mỹ.
Nếu như giả thuyết này đúng, đây cũng không phải là lần đầu tiên nước Pháp có kiểu thỏa thuận này. Năm 2010, tuy nước Pháp không thừa nhận công khai, nhưng kẻ ám sát cựu thủ tướng Chapour Bakhtiar dưới thời vua Iran Mohammad Reza Pahlavi (16/09/1941-11/02/1979) đã bị trục xuất khỏi nước Pháp hai ngày sau khi nữ sinh viên Clotilde Reiss được trả tự do sau gần một năm bị Tehran giam giữ.
Trở lại với trong trường hợp của hai nhà nghiên cứu Pháp, cái khó của chính quyền Paris hiện nay là làm thế nào vượt qua được cấp độ tổng thống Rohani và ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif để đối thoại với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Nếu như tổng thống và ngoại trưởng Iran quen thuộc với các tiếp xúc bên ngoài chừng nào, thì Vệ binh Cách mạng lại thiếu kinh nghiệm trường quốc tế đến ngần ấy.
Hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, theo quan điểm của Olivier Roy, Vệ binh Cách mạng không có được vị thế tốt nhất để đàm phán. Có thể nói, cuộc đàm phán lần này giữa Paris và Tehran dự báo đầy cam go trong khi hai nhà khoa học Pháp bắt đầu bước sang tháng giam cầm thứ 9.
Virus Corona : "Thiên mệnh" của Tập Cận Bình bị lung lay ?
Diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra tiếp tục được các báo Pháp cập nhật thông tin. Les Echos nói đến "hy vọng hoạt động trở lại thật ngắn ngủi".
Các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại vào ngày thứ Hai 10/02, nhưng vẫn còn rất cầm chừng. Lo ngại sự trở về ồ ạt của hàng triệu người lao động (riêng tại Bắc Kinh là 8 triệu người), nhiều thành phố lớn khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc ở nhà để tránh cảnh tụ tập và di chuyển đông đúc. Nói một cách khác, "Vì virus corona : Trung Quốc vẫn ngừng trệ bất chấp thông báo làm việc chính thức trở lại", tựa trên Le Figaro.
Đây cũng là một "tuần lễ của mọi sự nguy hiểm", Le Monde nhận định. Bởi vì, việc Tổ chức Y tế Thế gGiới (WHO) gởi một phái đoàn chuyên gia đến Bắc Kinh cho thấy là với WHO, tình hình ở Trung Quốc vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó người dân bắt đầu lo lắng : Dịch bệnh là một phần, nhưng còn công ăn việc làm, vấn đề tài chính…
Đối với chính quyền, thách thức không chỉ là vấn đề vệ sinh dịch tễ hay kinh tế nữa, mà còn mang tầm cỡ chính trị. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám người báo động đầu tiên, bị công an trừng phạt đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích bất chấp các biện pháp kiểm duyệt.
Phải chăng dịch virus corona còn là cơ hội để người dân Trung Quốc đứng lên đòi hỏi tự do ngôn luận và thông tin ? Không rầm rộ xuống đường như tại Hồng Kông nhưng cũng không kém phần sôi sục trên các trang mạng xã hội. Hai bức thư ngỏ đòi tự do ngôn luận được các nhà trí thức tại một đại học có uy tín ở Bắc Kinh và các giáo sư ở Vũ Hán đăng trên mạng xã hội đã được hàng triệu người xem trước khi bị bộ máy kiểm duyệt xóa bỏ.
Le Figaro tự hỏi : "Phải chăng Tập Cận Bình đang đánh mất thiên mệnh ?" Reanaud Girard, tác giả bài báo nhìn nhận "Việc trở lại với chế độ chuyên chế Mao-ít sẽ không gây ra vấn đề gì chừng nào Bắc Kinh vẫn sẽ còn gặt hái được những thành công về kinh tế và địa chính trị từ chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới. Nhưng hậu quả xã hội của dịch bệnh hiện nay có nguy cơ làm thay đổi tất cả".
Nhìn lại những sự kiện trong thời gian qua, việc thâu tóm quyền lực đã giúp ông Tập làm được những gì ? Chẳng được gì cả và còn bị phản tác dụng nữa. Hồng Kông nổi dậy chống sự áp đặt của Bắc Kinh. Đài Loan bầu chọn một tổng thống chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống ý đồ sáp nhập với đất mẹ Hoa Lục. Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng chưa đi tới đâu. Giờ đây thêm một Lý Văn Lượng, biểu tượng cho tự do ngôn luận.
Liệu Bắc Kinh hay đúng hơn Đảng cộng sản Trung Quốc có sẵn sàng nới lỏng bàn tay sắt ? Liệu rằng Tập Cận Bình có chấp nhận quay trở về với hình thức lãnh đạo tập thể như trước hay không ? Liệu ông có khuyến khích phân quyền cho phép thành lập một nhà nước pháp quyền hay không ? Tập Cận Bình có sẽ áp dụng các quyền về con người và công dân như quy định trong Hiến Pháp hay không ? Hay ngược lại người ta sẽ phải chứng kiến chế độ siết chặt bàn tay kiểm soát một khi dịch bệnh đã đi qua ?
Ngần ấy câu hỏi Le Figaro đặt ra để rồi cho rằng Tập Cận Bình đang đối mặt với một chọn lựa mấu chốt. Trước khi kết thúc bài viết, Renaud Girard tự hỏi : Một chế độ mà đã bị mất đi sự ủng hộ nhiệt thành của người dân thì có thể tồn tại được trong bao lâu ? Chưa ai có được câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng tại Nga, chủ nghĩa Lenin chỉ sống sót được có 60 năm mà thôi.
Đức : Quyền lực Angela Merkel bị "lâm nguy"
Tại Đức, chính trường bị rúng động sau khi AKK – tên gọi tắt của bà Annegret Kramp-Karrenbauer – tuyên bố sẽ rời chức chủ tịch đảng CDU trong những tháng sắp tới, một khi người kế nhiệm đã được chọn.
Với thông báo này, xem như "AKK" cũng quyết định không đại diện cho đảng CDU ra ứng cử chức thủ tướng. Theo Les Echos, đây chính là hệ quả của cuộc bầu cử vùng Thuringe, một thủ hiến thuộc đảng CDU về đầu cuộc đua nhờ vào lá phiếu của đảng cực hữu AfD.
Quyết định này của "AKK" không chỉ nhấn chìm đảng CDU vào một cuộc khủng hoảng chính trị (LaCroix) mà còn đẩy quyền lực của bà Angela Merkel vào một vòng xoáy (Le Figaro).
Vì đâu nên nỗi ? Theo phân tích của Claire Demesmay, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Đức, "sự tiến triển địa bàn cử tri của đảng cực hữu AfD là một cơn ác mộng cho chính phủ Đức hiện nay và ảnh hưởng của đảng này có thể nhận thấy trong mọi vấn đề quan hệ quốc tế, chẳng hạn như trong vấn đề di dân".
Theo Le Figaro, người kế nhiệm AKK sẽ có một trọng trách khá nặng là phải "làm rõ" đường hướng của đảng CDU như yêu cầu của đảng Xã Hội SPD nhưng không được trái ý với bà Merkel : Không đối thoại với AfD. Tuy nhiên, theo nhận xét bi quan của Der Spiegel, bất kể người kế nhiệm lãnh đạo đảng có là ai đi chăng nữa, đó cũng sẽ làm một nhiệm vụ bất khả thi. Theo tờ báo Đức này, Angela Merkel không còn chọn lựa nào khác ngoài việc từ nhiệm và khởi động bầu cử lập pháp trước thời hạn, sáu tháng trước khi Đức làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.
Minh Anh
Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 30 năm ?
Từ Co-vi 2019 đến Hoa Vi thế hệ 5, do đâu mà Trung Quốc là mối hiểm nguy, mạnh lên cũng đáng lo, mà yếu đi cũng đáng ngại. Còn đối với người Việt Nam, nguy cơ trước mắt là Đồng Bằng sông Cửu Long với vựa lúa miền Tây sẽ biến mất trong tương lai gần, do khả năng tái tạo của thiên nhiên đã bị các đập thủy điện và nạn khai thác cát phá vỡ. Đó là các chủ đề thời sự trên các tuần báo Pháp.
Người dân Vĩnh Long vận chuyển gạo trên sông Mêkông. Wikimedia Commons
Đất lở mà sông không bồi
Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long chìm dần dưới nước biển. Qua rồi thời oanh liệt của thiên nhiên, thời "đất lở sông bồi". Hơn một chục đập thủy điện trên thượng nguồn và nhất là hiện tượng nạo vét cát khiến các cửa biển ngày càng sâu. Le Courier International giới thiệu bài phóng sự dài của Financial Times.
Một đêm tháng 8, dân làng Bình Mỹ, một ngôi làng trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long bị một tiếng nổ lớn đánh thức. Chạy ra đường, họ thấy một đoạn xa lộ dài 30 thước trước xóm nhà lọt xuống sông. Bình Mỹ (tỉnh An Giang) không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Vì sao nên nỗi ? Và đến khi nào toàn vựa lúa của Việt Nam chịu chung số phận ?
Theo Financial Times, một trong những vùng ruộng đồng ở Châu Á đang chìm dần xuống biển. Hiện tượng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao là một trong những lý do. Nghiên cứu của Tổ chức Climate Central dự báo "một phần lớn của vùng đồng bằng sông Mêkông sẽ biến mất từ nay đến năm 2050". Trái lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, với tình hình hiện nay, mực nước chỉ dâng lên độ 3 mm mỗi năm, tức là rất chậm.
Nhưng đối với dân địa phương và chuyên gia theo sát biến đổi của dòng sông Mêkông từ ba bốn thập kỷ, thì có hai hiện tượng do con người gây ra, đe dọa nghiêm trọng vựa lúa và thực phẩm của Việt Nam. Một là nạn khai thác cát vô trách nhiệm, để phục vụ nhu cầu xây dựng các tòa nhà chọc trời ở thành phố Hồ Chí Minh và gia tăng diện tích lấn biển cho Singapore. Hai là các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào trên thượng nguồn.
Cách nay 20 năm, nhờ vào phù sa, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lấn thêm ra biển. Nhưng bây giờ, phù sa bị giảm gần 50% do các đập thủy điện Trung Quốc, nên bờ biển Cà Mau bị mất hàng chục mét mỗi năm. Nước biển xâm nhập sâu vào sông ngòi làm thay đổi quân bình giữa ba loại nước mặn, lợ và ngọt ; tác hại đến ngành trồng trọt, ruộng rẫy, chăn nuôi cá tôm của người dân. Nếu đồng bằng biến mất thì đến phiên người thành phố lãnh hệ quả.
Trước mắt, trong một thế giới mà số phận các vùng duyên hải ngày càng nguy ngập, những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu báo trước tương lai ảm đạm. Dân làng Bình Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng di tản trong trường hợp khẩn cấp.
Đến cát cũng cạn nguồn
Ý thức cần phải bảo vệ dòng trường giang huyết mạch, chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố từ chối kế hoạch đầu tư nạo vét đáy sông của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức cần phải thay đổi chính sách, phải bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng theo ý kiến một số chuyên gia, tình hình đã quá trễ, trừ phi ngăn chận được 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.
Bảo vệ dòng sông bằng cách nào khi tàu khai thác cát "đông như kiến" ? Người dân bắt đầu ý thức mối nguy hại này nên đôi khi phản ứng thô bạo với dân vét cát. Theo một chuyên gia Việt Nam, cát của Việt Nam chỉ còn từng ấy thôi. Khi 11 đập thủy điện Trung Quốc cùng hoạt động thì cát cũng hết. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu ý thức và thi hành một số biện pháp như xây kè bê-tông, nhưng cuối cùng phải bỏ dần vì quá tốn kém. Lệnh cấm khai thác cát, ban hành năm 2017, không hiệu quả vì thiếu quyết tâm, vì bị luồn lách.
Báo chí nhà nước cũng bắt đầu tường thuật những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo hình ảnh những con đường và nhà cửa rơi xuống sông. Chuyên gia Brian Eyler xem đây là tín hiệu tốt, bởi vì chính quyền Việt Nam bắt đầu nhìn nhận có sai lầm và tìm cách thay đổi chính sách 180°.
Hồ Bắc : Kẻ thù số một
Trung Quốc ho, thế giới sổ mũi. Trong khi thế giới nỗ lực tìm phương pháp chủng ngừa siêu vi Corona thì Đảng cộng sản Trung Quốc tập trung tuyên truyền chính trị vì sợ bất ổn định. Sợ hãi còn làm trỗi dậy tâm lý kỳ thị dân Hồ Bắc. Tình trạng một phần lãnh thổ bị tê liệt có thể tác hại cho kinh tế toàn cầu.
Tác giả bài xã luận "Định kiến đã thức giấc", từ Bắc Kinh, nêu lên một số phản ứng quá đáng và thiếu hiệu quả trong phương thức chống dịch siêu vi Corona tại Trung Quốc : Vì quá "sợ" cho nên trong cuộc chiến "không tiếng súng" này, thay vì đoàn kết tỉ người như một, lại tung ra những thông cáo "tẩy chay người dân Vũ Hán và xe hơi mang bảng số Hồ Bắc", hay "thưởng tiền cho những ai tố giác những người đi thăm thân nhân từ Vũ Hán trở về". Có địa phương còn công bố "tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số xe lửa du hành thậm chí điểm thi vào đại học" của những người Vũ Hán sau khi bắt họ khai báo qua thủ tục kiểm kê sức khỏe, để cư dân nơi đương sự trú ngụ hay làm việc biết rõ.
"Chống dịch không có nghĩa là nghi ngờ võ đoán hàng chục triệu dân của một tỉnh là mầm bệnh. Cho dù có 5 triệu người Vũ Hán đã thoát rào cách ly đi xa trước Tết, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta có định kiến đối với họ".
Trong lúc Trung Quốc còn loay hoay với cách ly và phong tỏa, thì báo chí quốc tế tập trung vào các hệ quả kinh tế. New York Times, trong bài "Trung Quốc ho, Thế giới sổ mũi", ngược dòng thời gian, trở lại toàn cảnh vụ khủng hoảng dịch SARS trong hai năm 2002-2003 cũng phát xuất từ Hoa lục. Sau nhiều tháng lao đao, kinh tế của Trung Quốc, chuyên sản xuất hàng giá rẻ, phất lên trở lại.
New York Times cho rằng hiện nay chưa có thể dự đoán dịch Corona chủng mới kéo dài đến bao giờ, lan rộng đến đâu và giết chết bao nhiêu nạn nhân, tác hại đến mức độ nào cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, do vị trí quan trọng của kinh tế Trung Quốc trong kinh tế thế giới, tác động xấu sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, bởi vì các nhà máy Trung Quốc ngày nay chế tạo linh kiện tối tân.
Lãnh vực bán dẫn của Mỹ chẳng hạn, gần như lệ thuộc vào Trung Quốc. Hệ quả của siêu vi Corona trên các chuổi dây chuyền sản xuất rất khó dự kiến. Một món phụ tùng trong máy truyền hình kết nối có thể chứa hàng chục linh kiện nhỏ, mỗi thứ lại được ráp từ nhiều linh kiện nhỏ hơn… Chỉ cần một nhà máy ở Trung Quốc tê liệt vì virus thì nhiều nhà máy khác cũng ngưng hoạt động vì thiếu linh kiện.
Trúng nhiều đòn của Trung Quốc, Châu Âu hết ngây thơ
Cũng liên quan đến cuộc cạnh tranh thương mại nói chung và trận chiến kỹ thuật số nói riêng, hai câu hỏi được báo chí Tây phương đặt ra và tiếp tục đặt ra là "có quá trễ để tẩy chay Hoa Vi hay không, và liệu doanh nghiệp Châu Âu có còn ngây thơ nữa hay không ?".
Theo L’Express, tháng Ba tới đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ công bố một "hiệp ước sản xuất", như một loại cẩm nang để kích thích nền kỹ nghệ Châu Âu, phối hợp với Đức, trong các lãnh vực chiến lược chống lại cạnh tranh của Trung Quốc. Nhà máy chế tạo bình điện Airbus đang được xây dựng là một trường hợp cụ thể.
Như bức họa ở trang bìa, con gà trống nước Pháp đối đầu với con rồng đỏ Trung Quốc và con chim ưng xanh dương của Mỹ, tuần báo tự cho là độc lập, khẳng định với bài phân tích dài : Châu Âu cuối cùng đã hết dại khờ. Liên Hiệp Châu Âu đã có một thời tin cậy mù quáng vào các đối tác nên nền công nghệ Châu Âu phải trả giá đắt.
Từ đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu có thêm một ủy viên mới với nhiệm vụ mới, "Công tố thương mại Châu Âu", để theo dõi xem các đối tác của Châu Âu có tôn trọng cam kết về tự do thương mại hay không. Nói cách khác, như Hoa Vi muốn tham gia vào hệ thống 5G tại Châu Âu thì cũng như một người lái xe, đã đi trên đường sá Châu Âu, thì phải ôm lề phải, không có lôi thôi. Bài học đau đớn nhất cho Đức là đã bị một đối tác Trung Quốc, lợi dụng sơ hở của luật đầu tư để thâu tóm một công ty vô địch về rô-bô.
Chưa hết, các doanh nghiệp Châu Âu còn bị Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ để rồi bị đối tác cạnh tranh trở lại một cách khốc liệt mà không có biện pháp pháp lý chống đỡ. Với sự thúc đẩy của Paris, Berlin đồng ý thành lập "lá chắn sàng lọc chống dumping".
Ngoài phương án tự vệ mới, Châu Âu còn tăng cường vũ khí tấn công với tên gọi "Dự án quan trọng vì quyền lợi chung Châu Âu" : tạo điều kiện phát huy các ngành công nghệ chiến lược, kể cả tài trợ, mà không vi phạm nguyên tắc chống cạnh tranh bất chính của Liên Hiệp Châu Âu và của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Phụ nữ không muốn sinh con
Vào lúc dịch siêu vi Corona đe dọa y tế và kinh tế thế giới thì một nguy cơ khác đe dọa tồn vong của nhân loại : đó là nạn sinh suất giảm, nói thẳng ra là phụ nữ ở mọi Châu lục không muốn sinh con. Đâu là căn nguyên, đâu là giải pháp. Le Courrier International giới thiệu bài phân tích của một nữ phóng viên Mỹ.
Các em bé đâu rồi ? Báo động thiếu trẻ con ! "Bébé" (em bé), cuộc khủng hoảng thế giới ! Đó là một số tựa báo mang tính báo động trong nhiều tuần qua từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, những nước chịu ảnh hưởng mạnh của Thiên Chúa giáo. Nguyên nhân có thể xem là mặt trái của chiếc huy chương.
Hiện tượng sinh suất giảm là hệ quả tất yếu của nền kinh tế phát triển là điều tự nhiên : Phụ nữ có học vấn cao, đi làm việc, tiến thân trong xã hội nên… sinh đẻ ít. Nhưng thực tế không lý tưởng như vậy. Theo nhà báo Anna Louie Sussman, trong một bài phân tích tỉ mỉ trên New York Times, khắp nơi trên thế giới, điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường đã làm nãn lòng phụ nữ như một loại thuốc ngừa thai âm ỉ.
Cuộc thăm dò của OCDE, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế năm 2016 cho thấy nguyện vọng của phụ nữ các nước phát triển là có hơn hai đứa con. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Tất cả mọi châu lục đều giảm sinh suất. Từ 1985 đến 2016, Châu Phi giảm từ 6,5 xuống còn 4,4 ; Châu Á từ 3,69 còn 2,15 ; Châu Âu từ 1,88 xuống 1,61 ; Bắc Mỹ từ 1,79 xuống 1,75…
Tình trạng này dẫn đến hệ quả là dân số giảm. Chưa một chính sách nào hiệu quả để làm đảo ngược xu hướng này từ Trung Quốc, Đan Mạch, cho đến Nga hay Hoa Kỳ.
Tú Anh
Virus corona : Quá phẫn nộ, người dân Trung Quốc không còn sợ hãi
Ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV. Sau khi Tập Cận Bình kêu gọi "tăng cường kiểm soát truyền thông và internet", một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất vẫn đăng bài "Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa", tố cáo độc tài, sự thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Một trung tâm hội nghị triển lãm được chuyển thành bệnh viện ở Vũ Hán ngày 05/02/2020. STR / AFP
Dịch bệnh virus corona, đặc biệt là cái chết của vị bác sĩ trẻ đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo ở Vũ Hán ; nước Mỹ tiếp tục chia rẽ sau vụ truất phế Donald Trump bất thành ; Kirk Douglas, huyền thoại cuối cùng của Hollywood qua đời ở tuổi 103. Đó là những chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay.
Xã hội dân sự Trung Quốc dậy sóng
Trong bài "Sự phẫn nộ của xã hội dân sự Trung Quốc", Le Monde nhận xét việc quản lý khủng hoảng dịch corona hiện nay bị chỉ trích mạnh mẽ không chỉ trên mạng xã hội, mà cả từ truyền thông. Người ta không còn tự kềm chế việc phê phán chính quyền trung ương Trung Quốc.
Bác sĩ, trí thức, nhà báo hoặc chỉ là những người dân bình thường… ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ hoặc thất vọng trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV, mà đến hôm nay đã làm 636 người chết và 31.161 người nhiễm bệnh, theo số liệu chính thức.
Trước hết là 8 bác sĩ ở Vũ Hán, bị công an bắt hôm 01/01/2020 vì đã báo động "quá sớm" về sự nguy hiểm của virus corona mới. Dù Tòa án Tối cao đã phục hồi danh dự, nhưng cư dân mạng vẫn tiếp tục phê phán. Trên Vi Bác và WeChat, người ta viết "Thay vì xử lý vấn đề, họ lại bắt người cảnh báo", "Chính quyền Vũ Hán là những kẻ quan liêu, đây là nạn dịch của đất nước". Nhiều người chia sẻ hình ảnh những người dẫn chương trình truyền hình trên CCTV hồi đầu tháng Giêng loan báo vụ bắt bớ này với dòng chữ "Tám người loan tin thất thiệt bị bắt và điều tra".
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng gây phẫn nộ tột đỉnh
Phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong tám bác sĩ nói trên đã qua đời, chính thức là vào ba giờ sáng hôm nay. Tất cả các báo Pháp không kịp đưa tin trên báo giấy, đều cập nhật trên mạng. Le Figaro nhận xét thảm kịch này gây phẫn uất trước một chế độ sẵn sàng thí mạng người dân với danh nghĩa "ổn định xã hội".
Tin người bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi qua đời vào tối hôm qua đã gây xúc động lớn, khiến chính quyền sau đó nói rằng bác sĩ Lý đang được hồi sức tích cực, mãi đến bốn giờ sáng thì bệnh viện mới xác nhận. Le Monde nhận định, hiếm khi nào thấy những lời bình lại thống nhất như thế trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều cư dân mạng cho biết chờ đợi lời xin lỗi của chính quyền.
Le Figaro ghi nhận trong suốt mấy tiếng đồng hồ, hashtag "tự do ngôn luận" và bài hát "Do you hear the people sing ?" của người biểu tình Hồng Kông nở rộ trên mạng Vi Bác, thách thức kiểm duyệt. Một người viết "Tôi hy vọng có thể lập ra một đạo luật mang tên Lý Văn Lượng để xúc tiến tự do ngôn luận", câu này nay đã bị xóa trên Vi Bác.
La Croix cho biết thêm, người bác sĩ "tử đạo" có một con trai còn nhỏ, vợ đang mang bầu nhưng chị cũng bị nhiễm virus corona như cha mẹ. Theo tờ báo, trong trái tim người dân, bác sĩ Lý Văn Lượng không chỉ là hình mẫu của sự chính trực, nhưng còn là nạn nhân bi thảm của một hệ thống chính trị độc đoán, tham tàn. Hai ngày trước khi mất, từ giường bệnh ông đã thổ lộ với CNN : "Nếu chính quyền công bố sớm nạn dịch, tôi tin rằng tình hình đã tốt hơn. Họ cần phải cởi mở và minh bạch" - một di chúc thực sự.
Trước khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, đã có những bác sĩ Vũ Hán thẳng thắn tố cáo tình hình khác hẳn với trên tivi. Bác sĩ Peng Zhiyong nói với tạp chí Tài Kinh : "Tôi thường phải rơi nước mắt vì vô số bệnh nhân không được nhập viện, họ gào khóc trước bệnh viện. Một số còn quỳ gối xin tôi cho vào viện, nhưng tôi không thể làm gì cho họ vì các giường bệnh đều chật kín người". Ông còn kể lại câu chuyện một phụ nữ mang thai từ nông thôn lên, đã chi ra số tiền tương đương 26.000 euro, rồi sau đó không còn khả năng đóng tiền tiếp và nay đã chết, trước khi nhà nước quyết định gánh chi phí. Cư dân mạng còn xúc động trước cái chết của Yan Cheng, một cậu bé bị liệt đã qua đời do cha và anh bị cách ly, không ai chăm sóc cậu.
Các "nhà báo công dân" dũng cảm đưa tin
Để nói lên sự thật, một số người đã quyết định vào cuộc. Luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi), người từng tường thuật các sự kiện ở Hồng Kông và bị công an cảnh cáo, đã lên chuyến tàu cuối cùng đến Vũ Hán trước khi thành phố này bị cô lập hôm 23/1. Từ đó đến nay, ông liên tục thông tin về tình hình tại chỗ, trong các video ông luôn xuất hiện với khẩu trang, kính bảo vệ.
Vị luật sư "chuyển nghề" thành nhà báo đi khắp các bệnh viện, hỏi chuyện những y tá hiếm hoi còn chịu phát biểu, và cùng với những người tình nguyện kiểm tra hư thực của các thông tin. Khi một cư dân mạng đăng video về ba xác người bị bỏ mặc trong hành lang một bệnh viện của Hồng thập tự, ông Trần xác nhận được tin này nhờ một y tá. Ông cũng báo động về vụ bắt giữ Fang Bin, một nhà báo công dân khác, người đã đếm các xác chết trong một xe tang đậu trước bệnh viện.
Sau khi Tập Cận Bình hôm 4/2 kêu gọi Đảng cộng sản Trung Quốc "tăng cường kiểm soát truyền thông và internet", một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất là giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) vẫn đăng trên mạng xã hội ở nước ngoài một bài viết có tiêu đề "Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa". Theo ông, "sự hỗn loạn ở Hồ Bắc chỉ là phần nổi của tảng băng, tất cả các tỉnh khác đều như thế". Bài viết tố cáo các quan chức tham nhũng, chủ nghĩa toàn trị trong việc giám sát toàn dân, thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Bây giờ phải chăng đến lượt chính quyền phải sợ ? Đó là ý kiến của Hồ Giai (Hu Jia), nhà đấu tranh nhân quyền từng được giải Sakharov của Nghị Viện Châu Âu. Ông cho biết bộ trưởng công an mới đây đã tổ chức ba cuộc hội nghị về vấn đề "an ninh".
Virus corona đe dọa Thượng Hải, nhiều địa phương âm thầm phong tỏa
La Croix lưu ý "Tại Trung Quốc, virus corona lan tràn và đang đe dọa Thượng Hải". Con virus từ từ lan về phía đông, cách Vũ Hán 800 kilomet, tiến vào nhiều thành phố lớn vùng duyên hải, chiếc nôi của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Thậm chí Thượng Hải với 20 triệu dân, tủ kính trưng bày sự hiện đại của Trung Quốc trước thế giới, đang lâm vào vòng nguy hiểm. Việc cô lập thành phố khổng lồ này, sẽ có tác động như một trận động đất.
Nhưng trước mắt đã có trên 800 ca ở Chiết Giang, thành phố hơn 60 triệu dân (lớn hơn Hồ Bắc), còn Ôn Châu thì đã bị cách ly toàn bộ. Trên thực tế, rất nhiều thành phố nhỏ và trung bình đã lặng lẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát, cấm người từ địa phương khác đến, nhất là Hồ Bắc. Tại tỉnh Hà Nam (110 triệu dân, nằm ở phía bắc Hồ Bắc), thị trấn Trú Mã Điếm (Zhumadian) chỉ cho phép mỗi gia đình có một người được ra khỏi nhà năm ngày một lần, và hứa thưởng tiền cho những ai "chỉ điểm" người từ Hồ Bắc sang.
Tổng cộng số người đang bị cô lập ở Trung Quốc được ước tính lên đến khoảng 80 triệu, tuy chính quyền không chính thức công bố như ở Vũ Hán hôm 23/1. Vào lúc đó dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh muốn chứng tỏ có những biện pháp cứng rắn để chống dịch, tại thành phố ít được biết đến này. Vài phút sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoãn lại việc công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế. Mãi đến ngày 30/1 rốt cuộc quyết định cũng được đưa ra, nhưng theo La Croix, lần lựa đến một tuần lễ, tình hình đã khác biệt một trời một vực.
Tàu Diamond Princess : Chuyến du lịch trong mơ thành ác mộng
Le Figaro quan tâm đến sự kiện 3.700 hành khách trên chiếc tàu Diamond Princess bị cách ly ở Nhật vì virus corona. Chuyến du lịch bằng tàu biển tưởng như trong mơ bỗng biến thành ác mộng, sau khi một hành khách đã xuống tàu tại Hồng Kông bị phát hiện nhiễm bệnh. Khủng hoảng càng tăng thêm khi đến hôm nay, theo AFP, đã có 61 người trên tàu bị lây nhiễm !
Những người chính thức xác nhận bị nhiễm corona đã được đưa xuống tàu và nhập viện ở Nhật. Những khách còn lại trên tàu bị buộc phải ở trong ca-bin ít nhất 14 ngày, bữa ăn kiểu bệnh viện được các nhân viên y tế bịt mặt và đeo găng mang đến. Khách nào ở ca-bin không cửa sổ được lên boong tàu hóng gió tối đa 90 phút mỗi ngày, người này đứng đứng cách người kia một mét, bị nhân viên phụ trách cách ly theo dõi chặt chẽ. Le Monde cho biết thêm, chính quyền Nhật hôm 6/2 đã tiếp tế thực phẩm và vật liệu y tế, nhất là 7.200 khẩu trang và 4.000 nhiệt kế.
Một cặp vợ chồng người Mỹ qua CNN đã kêu gọi tổng thống Donald Trump gởi máy bay tới giải cứu. Lo âu tràn ngập đối với những ai đã từng tiếp cận những người nhiễm bệnh, trên tàu và cả ở những cảng mà chiếc tàu từng ghé qua sau khi xuất phát hôm 20/1 ở Yokohama : Hồng Kông, Việt Nam, Đài Loan, Okinawa… Riêng Nhật Bản hiện có đến 86 bệnh nhân nhiễm virus corona, nhiều nhất sau Trung Quốc. Chính quyền đang hoang mang khi sự kiện lớn được chuẩn bị từ nhiều năm qua là Olympic Tokyo ngày 24/7 sẽ khai mạc.
Dịch bệnh, Hồng Kông : Do Tập Cận Bình độc tài
"Virus corona, Hồng Kông, những sai trái thấy trước của ông Tập". Les Echos khẳng định việc đảng cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình ngày càng siết chặt xã hội Trung Quốc một cách độc đoán đã làm chậm trễ việc đối phó với virus corona.
Theo tác giả, con virus này đã phong tỏa kinh tế Trung Quốc, làm hơn 600 người chết và trên 30.000 người bị nhiễm bệnh, nhưng bên cạnh đó còn có một nạn nhân khác : sự khả tín của bộ máy cầm quyền. Đảng cộng sản Trung Quốc thiếu minh bạch, nhưng người dân tuân lệnh vì hoạt động hiệu quả, nhất là về kinh tế - chỉ sau một thế hệ dân Trung Quốc đã giàu lên.
Việc giấu thông tin về con virus mới làm mất đi ít nhất 7 tuần lễ quý giá, khiến dịch bệnh lan tràn trên toàn quốc và vượt ra ngoài Hoa lục. Les Echos cho rằng trách nhiệm phần lớn là Tập Cận Bình. Nắm trọn quyền hành trong tay, đưa cả "tư tưởng Tập Cận Bình" vào Hiến pháp, tự giành cho mình quyền lãnh đạo trọn đời, ông ta đã thay đổi hẳn cách chọn người vào bộ máy từ thời Đặng Tiểu Bình.
Để thăng tiến, còn có những tiêu chí khác như lý lịch, nhưng tiêu chuẩn chọn người theo năng lực đã giúp cho bộ máy chính quyền các cấp có được những người tài. Ngày nay, vâng lời mới là tiêu chuẩn chính, và cuộc khủng hoảng virus corona ở Vũ Hán cho thấy quan chức đợi lệnh trên thay vì xử lý một cách hiệu quả. Đảng, tức là Tập Cận Bình, hôm 3/2 nhìn nhận dịch bệnh corona là "thử nghiệm quan trọng" cho năng lực điều hành đất nước. Tuy nhiên sai sót này đã được báo trước, con virus corona là sự cố đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng.
Một "sự cố" khác là Hồng Kông. Việc giới trẻ ở đặc khu nổi dậy sẽ không khi nào đạt được tầm vóc đại quy mô, nếu Tập Cận Bình không độc tài như thế.
Thụy My
Virus corona : Trung Quốc "giam lỏng" dân để ngăn ngừa lây nhiễm
Tại Pháp, khủng hoảng niềm tin trong nội bộ đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) giữa một bên là lập pháp và và bên kia là hành pháp ; đảng Dân chủ Mỹ bị chia rẽ sau kết quả bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Iowa, tổng thống Mỹ đương nhiệm trên thế thượng phong trong cuộc bầu cử tổng thống là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp ra ngày 06/02/2020.
Người dân đeo khẩu trang bên ngoài ga Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 04/02/2020. Reuters/Aly Song/File Photo
Dù không đăng trên trang nhất, nhưng virus corona mới (2019-nCoV) vẫn tiếp tục được các báo đề cập. Cả Le Monde và Les Echos cùng quan tâm đến sự kiện "Các biện pháp giam lỏng được mở rộng ở Trung Quốc", ngoài Vũ Hán, hiện được áp dụng thêm ở ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) để phòng lây nhiễm virus corona mới (2019-nCoV).
Hai nhật báo đưa tin, Hàng Châu (Hangzhou), ở tỉnh Chiết Giang, đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép có một người ra khỏi nhà đi chợ hai ngày một lần. Sau Hàng Châu, thêm ba thành phố cũng áp dụng biện pháp "giam lỏng" là Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou) và Ninh Ba (Ningbo). Liệu Thượng Hải, thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ cách Hàng Châu chưa đầy 200 km, sắp phải chịu những biện pháp tương tự ?
Thị trưởng Ôn Châu, nói rõ : "Người dân không được ra khỏi nhà trong vòng một tuần". Ôn Châu có hơn 3 triệu dân và có hơn 170.000 người đi làm ở tỉnh Hồ Bắc, vùng dịch virus corona mới và về nhà ăn Tết nguyên đán. Trong số lao động đó, có thể rất nhiều người đã nhiễm virus corona mới và biến thành phố này thành địa phương bị nhiễm nặng nhất ngoài vùng ổ dịch Hồ Bắc.
Một số nhân chứng ở Ôn Châu thuật lại đời thường của họ với nhật báo Le Monde. Joss Van der Broek, một người Hà Lan 49 tuổi, chủ một nhà hàng ở Ôn Châu từ 9 năm nay, cho biết là đã 3 đêm, ông phải ngủ lại nhà hàng ở trung tâm thành phố. Dân làng nơi ông sinh sống, nằm ở ngoại ô, đã đóng mọi ngả đường, chỉ để mở một lối vào duy nhất, được người dân thay nhau canh gác trước rào chắn bằng tre. Họ để ông đi, nhưng cảnh báo "không thể cho ông vào làng". Trong làng có rất nhiều người già.
Hou Shenglie, một người dân khác sống ở Ôn Châu, cho Le Monde biết cả gia đình ông phải ở trong nhà. Ông được nhiều tờ giấy mầu hồng, kiểu "giấy thông hành", trên đó ghi : "Khu phố Doumen, giấy phép ra". Giấy này chỉ được sử dụng một lần nên chính quyền địa phương khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên dùng một phiếu hai ngày một lần để đi chợ. Ngoài ra, theo ông Hou, "các biện pháp kiểm tra được thực hiện rất chặt chẽ. Họ đang tách các khu dân cư trong thành phố".
Ở Hàng Châu, cũng tương tự, người dân nhận được giấy cho phép ra khỏi nhà hai lần mỗi tuần để đi chợ và mỗi nhà chỉ có một người được phép ra. Còn ở Thai Châu, xe mang biển số từ địa phương khác bị cấm vào thành phố, nếu lái xe không có giấy tờ hợp lệ cần thiết. Một số thành phố khác ở tỉnh Chiết Giang, như Thiệu Hưng (Shaoxing) hay Nghĩa Ô (Yiwu), cũng áp dụng những biện pháp tương tự.
Trên mạng xã hội, nếu như một số người dường như chấp nhận bị hạn chế đi lại, một số khác thì lên án những biện pháp kiểu "chuyện đã rồi". Khác với Vũ Hán, các thành phố ở Chiết Giang không báo trước các biện pháp cách ly. Ví dụ ở Ôn Châu, trong số 46 điểm vào thành phố, chỉ có 9 điểm được mở cửa và bị kiểm soát.
Hàng triệu người lao động, về quê ăn Tết, giờ chờ đèn xanh của chính quyền để trở về nơi làm việc. Chính những đợt di chuyển lớn như thế này khiến giới chuyên gia lo ngại dịch bệnh lan truyền nhanh hơn, đặc biệt trong hệ thống giao thông công cộng ở những thành phố lớn. Để cố hạn chế phần nào khả năng lây lan, kiểm tra thân nhiệt trở thành chuyện bình thường ở mỗi lối vào chung cư hay siêu thị. Nhiều cơ quan hành chính ở Bắc Kinh cho phép công chức "từ nơi khác đến" làm việc tại nhà trong vòng hai tuần.
Le Monde kết luận, ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang đang trở thành phòng thí nghiệm cho một Trung Quốc, xây từng bức tường nhỏ ngăn cách, để dựng lên Vạn Lý Trường Thành ngăn dịch. Trong khi chưa dập tắt được dịch, chính phủ Trung Quốc che giấu những lời chỉ trích và mở rộng tuyên truyền. Một chiến dịch được Le Figaro phân tích trong bài : "Virus corona : Tập Cận Bình mạnh tay kiểm duyệt".
Virus corona : Bao nhiêu ca được chữa khỏi ?
Tính đến ngày 06/02/2020 đã có hơn 28.000 ca nhiễm virus corona mới được xác nhận. Nhưng có bao nhiêu ca được chữa khỏi ? Nhật báo Libération đặt câu hỏi, vốn cho đến nay vẫn ít được đề cập.
Theo kết quả của một nhóm nghiên cứu, thuộc trường Đại học Johns-Hopkins ở Baltimore, Mỹ, có 910 người được chính thức chữa khỏi virus corona mới. Con số này lớn hơn tổng số người chết là 563, tính đến ngày 06/02. Riêng tại Pháp, 6 người nhiễm virus corona mới vẫn chưa được chữa khỏi.
Để có được số liệu trên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Johns-Hopkins đã dựa vào dữ liệu được 5 tổ chức cung cấp : Tổ chức Y tế Thế gới, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ và DXY (cơ sở dữ liệu của các chuyên gia y tế Trung Quốc).
Theo Tổng cục Y tế Pháp (DGS), một người bệnh được coi là được chữa khỏi khi đáp ứng được các "điều kiện khỏi bệnh" do WHO ấn định : sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân đó được thử mẫu nước bọt và niêm dịch và phải có kết quả "thử PCR âm tính trong vòng 24 giờ cách biệt".
Công xưởng thế giới đắp chiếu vì virus corona
Theo nhật báo Le Figaro, về mặt chính thức, hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại vào ngày 09/02, hoặc chậm nhất là ngày 13/02 ở tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, chưa có gì là chắc chắn.
Truyền thông Trung Quốc đồng loạt chỉ trích việc một nhà máy dệt may ở miền nam mở cửa trở lại. Ông chủ nhà máy đang bị tạm giam. Chính quyền trung ương đưa ra chỉ thị rõ ràng : an ninh trước đã, kinh tế tính sau. Hiện chỉ có những nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế và một số nông phẩm được phép hoạt động. Hàng loạt nhà máy gia công cho các tập đoàn quốc tế đành đắp chiếu cho đến khi có lệnh mới. Dịch virus corona đưa ra bằng chứng : Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, cung cấp đến 20% sản lượng thế giới và các nhà máy này cung cấp gần 1/3 GDP của Trung Quốc.
Hệ quả, Foxconn tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Apple, các nhà máy của Hyundai ở Hàn Quốc phải ngừng sản xuất vì thiếu thiết bị dây cáp được sản xuất ở Trung Quốc, Tesla phải thông báo hoãn ngày ra mắt mẫu xe điện Model 3 ở Trung Quốc, được dự kiến vào đầu tháng Hai. Văn phòng IHS Markit thẩm định virus corona có thể sẽ làm giảm 1,7 triệu xe được sản xuất trong năm 2020.
Những lĩnh vực khác như dệt may, điện thoại di động, đồ gia dụng… đều gặp vấn đề với các nhà cung cấp Trung Quốc vì dịch virus corona. Đối với một số tập đoàn lớn, đã đến lúc phải tìm đến giải pháp đa dạng hóa nguồn sản xuất. Xiaomi đã chuyển một phần đơn hàng sang Việt Nam và Thái Lan. Electrolux, phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, đã lập một nhóm nghiên cứu để tìm những nhà cung cấp mới.
Mỹ : Đảng Dân chủ bị chia rẽ, tổng thống Trump trên thế thượng phong
Cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ trong đảng Dân chủ bị chỉ trích vì trục trặc kỹ thuật nên không thể công bố kết quả đúng thời hạn, tiếp theo là Thông điệp Liên bang được tổng thống Trump đọc ở Quốc hội lưỡng viện được cho như bài diễn văn tái tranh cử, cuối cùng là chủ nhân Nhà Trắng được Thượng viện xử trắng án trong vụ truất phế tổng thống, được tất cả các nhật báo Pháp đề cập.
Qua tất cả những sự kiện trên trong vòng vài ngày, nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : "Bầu cử tổng thống Mỹ, ai có thể đánh bại được Trump ?". Trong Thông điệp Liên bang, tổng thống Trump ca ngợi "những kết quả không thể tin được" của chính sách "nước Mỹ vĩ đại trở lại được bắt đầu cách đây 3 năm", cùng với lời hứa "điều tốt đẹp nhất còn sắp tới" như lời khẳng định ông sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2. Bên cạnh đó là hình ảnh một đảng Dân chủ bị muối mặt, vì trục trặc kỹ thuật ở bang Iowa và "vẫn bị chia rẽ", theo nhận định của La Croix. Tiếp theo là chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bài diễn văn của tổng thống Mỹ, một hành động bị chỉ trích là để thù ghét riêng xen vào chính trị.
Le Figaro nhận định với việc được xử trắng án ở Thượng viện, "Donald Trump sẵn sàng trả đũa ở phòng phiếu". Còn Libération đánh giá : "Đảng Dân chủ sa lầy, Donald Trump phấn kích" cùng với dự đoán "Dù gặp nhiều trở ngại, việc tổng thống Mỹ được tái đắc cử chưa bao giờ lại đáng tin đến như vậy".
Pháp : Phe đa số cầm quyền gặp khủng hoảng
Như nói ở trên, thời sự Pháp là chủ đề chính của nhiều bài viết. Trước hết là "Cuộc khủng hoảng rõ ràng giữa phe đa số ở Hạ viện với hành pháp", theo nhận định của nhật báo Le Monde.
Sau khi Hạ viện, do liên minh của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) cầm quyền chiếm đa số, bác đề xuất tăng ngày nghỉ, từ 5 ngày lên thành 12 ngày, cho cha mẹ có con qua đời, đặc biệt là phát biểu của bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud, các phe đối lập và dân sự đã lên tiếng chỉ trích nặng nề. Các nghị sĩ phe đa số bị chỉ trích là "Playmobil (nhân vật đồ chơi) vô lương tâm", "những kẻ đần không biết làm việc".
Sau đó, tổng thống Emmanuel Macron đã "đề nghị chính phủ thể hiện lòng nhân đạo" và bỏ phiếu lại về đề xuất trên. Nhưng chính đề nghị của tổng thống Pháp lại khiến các nghị sĩ có mặt bỏ phiếu hôm 30/01 phẫn nộ và quay sang chỉ trích chính phủ. Một nữ nghị sĩ "cảm nhận được sự chối bỏ từ phía các đồng nhiệm, thậm chí là cảm giác nhục nhã".
Trong bối cảnh phe đa số cần phải đoàn kết trong hồ sơ cải cách hưu trí, tổng thống Pháp muốn gặp các nghị sĩ LREM và tìm cách lên tinh thần cho họ. Nhưng "làm thế nào Macron thắt chặt lại quan hệ với đa số ?", Le Figaro đặt câu hỏi.
Cảnh sát Pháp tự làm truyền thông để thay đổi hình ảnh
Liên tục bị lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình, một số cảnh sát Pháp đã viết sách và thường xuyên đăng statut trên mạng Twitter để kể lại ngày làm việc, cũng như những khó khăn của họ.
Theo Le Monde, trong bài "Khi cảnh sát mô tả ngày làm việc của họ", đây là cách "cho phép nhân văn hóa công việc của họ". Tác giả cuốn sách Vis ma vie de flic (tạm dịch : Sống cuộc đời cảnh sát của tôi), kể lại những lần trên thực địa kể từ đầu phong trào Áo Vàng ở Paris ngày 01/12/2018, lấy làm tiếc là trên truyền hình, người ta chỉ thấy những lực lượng tinh nhuệ, cảnh sát điều tra, trong khi "những người mặc trang phục giữ gìn an ninh lại là những người bị quên đầu tiên". Mathieu Zagrodzki, một nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Cesdip, nhận định : "Rất nhiều cảnh sát đã đăng bài trên mạng xã hội từ nhiều năm qua, nhưng việc họ cùng nhau viết một cuốn sách là điều gì đó rất mới".
Nhật báo La Croix, cũng quan tâm đến chủ đề này, nhận định : Trên mạng xã hội, rất nhiều cảnh sát có vài nghìn người theo và họ không che giấu mong muốn "thay đổi hình ảnh về cảnh sát". Dù không phản đối nhưng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia chú ý theo dõi mong muốn được tự do bày tỏ quan điểm của cảnh sát, vì cần phải "tôn trọng chặt chẽ quy định đạo đức nghề nghiệp, với tư cách là cảnh sát... cũng như với tư cách là công dân. Nếu lời bình luận mang tính tích cực, điều đó không gây vấn đề gì".
Thu Hằng
Virus corona : Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối
Công xưởng của thế giới tê liệt, người Trung Quốc bị kỳ thị, trong nước dân bị cách ly thô bạo, ngoài nước bị cấm cửa. Liệu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt này có hiệu quả ngăn chận virus corona hay không ? Vì sao tâm trạng sợ virus làm bùng lên tâm lý bài Trung Quốc ? Đó là những chủ đề tốn hao giấy mực trên báo Pháp hôm nay.
Một bệnh viện tại Vũ Hán, Trung Quốc, đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm siêu vi corona, ngày 28/01/2020 China Daily via Reuters
Nỗi lo khánh tận
Kinh tế Trung Quốc ngưng trệ. Đường giao thông bị phong tỏa, hãng xưởng đóng cửa, hàng quán thưa khách… tác hại của siêu vi corona mới bắt đầu được thấy rõ. Nhiều chủ doanh nghiệp loại vừa lo sợ khánh tận.
Le Monde mượn trường hợp cụ thể để minh họa cho tình trạng suy nhược của đại cường kinh tế, liệt giường vì siêu vi viêm phổi mới.
Giả Quốc Long, chủ nhân thương hiệu 400 nhà hàng Tây Bắc (Xibei) tại 60 thành phố Trung Quốc, sử dụng 20.000 nhân viên than thở với báo chí Nhà nước : "Kéo dài tình trạng sống dở chết dở này tối đa ba tháng là tôi sạt nghiệp". Doanh nghiệp này chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp cụ thể.
Tình trạng đóng cửa nhà máy, biện pháp cô lập thành phố, cách ly cư dân đã làm cho đại cường kinh tế số hai thế giới gần như tê liệt. Oxford Economics hạ điểm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu là 4%, tăng trưởng toàn năm 2020 được 5,4% là cao nhất.
Hồng Kông : Tâm lý bài Hoa lục có thêm nhiên liệu
Siêu vi "Vũ Hán", theo cách gọi của dân Hồng Kông, đã gây chết người tại đặc khu. Cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng Trung Quốc có thêm nhiên liệu. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga chịu áp lực đình công của hàng chục ngàn nhân viên y tế.
Kể từ đêm thứ Hai, những trạm biên giới cuối cùng giữa Hồng Kông và Hoa lục phải đóng cửa, trừ hai điểm : đồn Thâm Quyến phía Hoa lục và chiếc cầu vượt sông Châu Giang nối Hông Kông với Chu Hải và Macao. Tuy nhiên, biện pháp trấn an này không xoa dịu được giới y tế Hồng Kông, 2.700 người đã đình công, 9.000 người sẽ gia nhập phong trào trong nay mai nếu bà Lâm không nhượng bộ. Đa số dân Hồng Kông chủ trương phong tỏa biên giới cấm triệt để người dân Hoa lục.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao tâm lý bài Trung Quốc dâng cao với con virus corona ? Theo nhận định của Le Figaro, nguy cơ dịch bệnh tràn sang Hồng Kông làm giảm đi các cuộc xuống đường. Bù lại, phong trào dân chủ có một hướng tấn công mới : Tại sao cho dân Hoa lục mang bệnh qua Hồng Kông ? Tại sao bác sĩ Hồng Kông phải chết vì Trung Quốc ? Một nhân viên y tế tên Kai Yeung gằn giọng : "Nếu có một người Hồng Kông chết vì bị lây bệnh, những người Trung Quốc này sẽ xuống hỏa ngục".
Cũng cùng một câu hỏi, nhật báo công giáo La Croix mượn ngòi bút của một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và một sử gia y tế cộng đồng. Theo bác sĩ Christoph Rapp, công luận ở Tây phương lo sợ nhiều hơn là chính phủ. Các nước giàu, rút kinh nghiệm khủng hoảng dịch viêm phổi cấp tính 2003 cũng xuất phát từ Trung Quốc, nên đã có "bí kíp" ngăn chận lan truyền. Thế nhưng, Trung Quốc là một thế giới khác, có lẽ vì dân số quá đông, biện pháp chống dịch ban hành quá trễ. Hậu quả là hơn 20 nước cấm cửa dân Trung Quốc làm Trung Quốc cảm thấy bị cô lập.
Nhân quả vụ SARS : chỉ cần đọc báo Hồng Kông và Việt Nam
Trong bài "Trước dịch bệnh virus corona, phải chăng thế giới lo ngại quá mức ?", trên báo La Croix, sử gia y tế cộng đồng Patrick Zylberman cho rằng "sự gian trá của Trung Quốc trong vụ dịch SARS để lại nhiều dấu vết" và ông khuyến cáo Bắc Kinh hãy xét mình trước khi trách người : "Chúng ta không rõ chính quyền Trung Quốc lương thiện đến mức độ nào trong vụ virus corona chủng mới 2019 nhưng chỉ cần đọc báo chí Hồng Kông và Việt Nam là thấy rõ Trung Quốc lừa đảo như thế nào trong vụ SARS 2003".
Rất có thể họ đã trung thực hơn vào thời điểm này nhưng họ đã che giấu thông tin trong hơn một tháng, từ cuối tháng 11 cho đến cuối tháng 12/2019. Tổ chức Y tế Thế giới bị Bắc Kinh gây sức ép không cho báo động toàn cầu. Vấn đề là thái độ của Bắc Kinh tạo ra một loạt hệ quả và phản ứng khắp thế giới. Nếu dịch kéo dài, nhiều dây chuyền sản xuất sẽ đình trệ như trường hợp của Hyundai ở Hàn Quốc.
Một hệ quả nữa là chính cộng đồng người Hoa phải trả giá. Năm 2003, tại một quốc gia không có tiếng kỳ thị như Canada mà tài xế xe điện ở Toronto, mỗi khi sắp đi ngang khu chợ Châu Á là họ lấy khẩu trang che nửa mặt. Tại Pháp, đã xuất hiện tâm lý tránh các nhà hàng người Hoa, cho dù thận trọng không chính đáng.
Bắc Kinh hãy tự soi gương
Trước khi trách người ghét mình, Trung Quốc hãy tự xét mình vì sao nên nỗi. Le Monde phân tích : Ngay trên mặt ngoại giao, Bắc Kinh cũng bị thất bại vì xem trọng quyền lợi chính trị, địa chính trị hơn tình người. Bắc Kinh đã thuyết phục được giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không những không chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Trung Quốc mà còn khen ngợi phản ứng "nhanh và minh bạch".
Thế mà, cùng ngày, công luận được tin chính quyền câu lưu 8 bác sĩ ở Vũ Hán vì họ phổ biến thông tin. Phải mất ba tuần im lặng, Bắc Kinh mới nhìn nhận có dịch. Một dấu hiệu khác chứng minh Bắc Kinh xem trọng chính trị hơn sinh mạng con người là nhất quyết không cho Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới để được chia sẻ thông tin về dịch, trong lúc siêu lây đến hải đảo.
Đài Loan không cô đơn
Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ này, Đài Loan nỗ lực chứng minh là một quốc gia độc lập. Khác với vụ dịch SARS, Đài Bắc tạo được kênh liên lạc với WHO, Tổ chức Y tế Thế giới.
Khủng hoảng viêm phổi cấp tính mới là cơ hội để thấy thái độ "nhập nhằng" của Trung Quốc đối với Đài Loan. Bất chấp kêu gọi của Mỹ, Canada và Nhật Bản, chính quyền Trung Quốc vẫn khư khư không cho Đài Loan trở lại làm thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới, bất chấp số phận của 23 triệu dân hải đảo. Thế nhưng, Đài Loan trên thực tế, không bị cô lập.
Một mặt, qua kênh liên lạc "Quy định vệ sinh quốc tế", một cơ cấu của Tổ chức Y tế Thế giới thành lập năm 2005, Đài Loan được cung cấp thông tin đầy đủ về dịch bệnh hiện nay đang hoành hành Hoa lục. Thêm vào đó, giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có một thỏa thuận chia sẻ thông tin y tế khi có khủng hoảng, ký vào năm 2010. Hệ quả là hai chuyên gia Đài Loan đã đến Vũ Hán hồi giữa tháng Giêng để lấy mẫu siêu vi.
Trung Quốc rơi vào thế bị động
Vì sao thế giới chia sẻ xúc động với Paris khi Nhà Thờ Đức Bà bị cháy mà không một chút tình tương thân với người dân Vũ Hán ? Vì sao chính quyền Nga cấm cửa dân Trung Quốc ? Vì sao dân Hồng Kông, hào phóng giúp Trung Quốc tái thiết Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2008, bây giờ đòi đóng cửa biên giới với đại lục ?
Theo bài xã luận của Le Monde, Bắc Kinh thất bại trên mọi mặt trận vì xem tình người nhẹ hơn quyền lực.
Từ khi dịch corona chủng mới hết có thể bị giấu giếm, tâm lý bài Trung Quốc hiện rõ qua những bình luận kiểu "trời trả báo kẻ ăn thịt dơi" hay qua tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ "khuyến khích doanh nghiệp bỏ Trung Quốc về đầu tư tại Mỹ".
Theo Le Monde, Trung Quốc bị rơi vào thế thủ vì thất bại trên mọi mặt trận. Trước hết về khắc phục nhân tâm trong lẫn ngoài nước. Năm 2008, dân Hồng Kông hào phóng giúp Tứ Xuyên tái thiết sau động đất. Năm 2020, giới y tế đình công đòi đóng biên giới. Ngay những nước như Kazakhstan, Philippines, nằm trong chiến lược "một vành đai một con đường" của Tập Cận Bình cũng đóng cửa không nhận du khách Trung Quốc.
Nước Nga của Putin cũng đóng biên giới với Trung Quốc, một biện pháp mà Moskva không làm trong vụ khủng hoảng dịch SARS 2003. Những nước bạn của Trung Quốc chỉ áp dụng phương pháp của Bắc Kinh đối với dân Trung Quốc mà thôi : Phong tỏa Hồ Bắc, cách ly hơn 50 triệu dân trong một tỉnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Hỏa Thần Sơn : bệnh viện dã chiến hay nhà tù ?
Liên quan đến hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, Libération cảnh báo : đó là hai pháo đài do quân đội Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt "có vào mà không có ra". Một đoạn phim quay lén trong ngày khánh thành và được phát tán trên mạng Taiwan News đã gây "sóng gió" trên các mạng xã hội. Tác giả giấu tên vào các phòng dành cho bệnh nhân giải thích : "Không cách nào mở cửa ra từ bên trong. Quý vị hãy ở nhà thì tốt hơn. Những người không qua khỏi sẽ bị đưa ngay đến lò thiêu".
Si Meng Wang, một nhà nghiên cứu xã hội học Trung Quốc quốc tịch Pháp lo ngại : Trông giống trại lính hơn là bệnh viện. Chống dịch là chuyện của Bộ Y tế sao lại trao cho quân đội ? Quyền lợi của bệnh nhân có được tôn trọng hay không ? Những người lính quân y có được phép tiếp xúc hay liên lạc với gia đình hay không ?
Châu Âu đứng giữa hai đế chế công nghệ số
Trái lại, Le Figaro nhắc nhở độc giả là Trung Quốc ngày nay không còn là "công xưởng" của thế giới mà là một đại cường công nghiệp cạnh tranh nguy hiểm. Trong bài xã luận "Hai đế chế", nhật báo thiên hữu cảnh báo : cuộc chạy đua giữa hai siêu cường công nghệ số Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ vô cùng khốc liệt. Các đại tập đoàn GAFAM của Mỹ (Google, Apple, Faccebook, Amazon và Microsoft) hoạt động và thu lợi nhuận tối đa trong năm 2019. Sức mạnh này cho phép Mỹ áp đảo thị trường internet.
Nhưng trong lúc Hoa Kỳ suy nghĩ hai lần trước khi hành động, thì trái lại Trung Quốc, không cần phép tắc của một chế độ dân chủ. Bắc kinh cấm cửa các đối tác Mỹ, rồi thành lập những tập đoàn giống hệt đối phương, để cạnh tranh lại. Theo Le Figaro, Châu Âu có trong tay những vũ khí công nghiệp hàng đầu, phải tận lực khai thác để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền.
Tú Anh
Trung Quốc : Virus corona lan sang mặt trận ngoại giao và địa chính trị
Virus corona vẫn là một chủ đề được các báo Pháp ra ngày hôm nay 04/02/2020 quan tâm. Le Monde chạy tít trang nhất : "Trung Quốc : Những hậu quả của dịch bệnh". Corona đã lây lan từ lĩnh vực y tế sang ngoại giao và địa chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Tedros Adhanom, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Bắc Kinh, ngày 28/01/2020. Naohiko Hatta/Pool via Reuters
Hai tuần sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổng động viên nhân dân chống siêu vi corona, cuộc chiến chống virus vẫn chưa thắng lợi. Giờ đây, không chỉ Vũ Hán mà cả thành phố Ôn Châu, nằm cách Vũ Hán 800 km, cũng bị cách ly. Chín triệu dân Ôn Châu không được phép rời khỏi nhà, trừ đi mua thực phẩm : cứ hai ngày, mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người đi chợ mua thức ăn.
Việc Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu hôm 30/01/2020 đã khiến chính quyền Trung Quốc phải mở rộng mặt trận chống virus sang cả lĩnh vực đối ngoại và địa chính trị.
Trong nước, truyền thông Trung Quốc âm thầm, không nói nhiều tới dịch bệnh, nhưng lại nhiệt tình loan báo về tình đoàn kết mà quốc tế dành cho Hoa lục, những lời cổ vũ, khen ngợi của các nước Lào, Pakistan, Nam Phi, Liban, Iran, Argentina, Mexico và Costa Rica … Tuy nhiên, những phát biểu của giới ngoại giao Trung Quốc và báo chí Nhà nước bằng tiếng Anh lại cho thấy nước này đang bị thế giới cách ly.
Trên mạng xã hội Twitter, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo chỉ trích việc Washington cấm người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó nhập cảnh vào Mỹ là thái độ cực đoan nhất của các nước nhắm vào Trung Quốc. Đại diện Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị Mỹ tỏ thái độ tôn trọng trước những hy sinh lớn lao của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus. Bắc Kinh đã dựa vào những phát biểu ủng hộ của tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới hôm 30/01 để cho thế giới thấy không thể trách móc được gì Trung Quốc trong cuộc chiến chống corona.
Theo Bắc Kinh, không những Trung Quốc là một siêu cường khoa học đi đầu cuộc chiến chống các dịch bệnh, mà virus corona còn không nguy hiểm bằng "chứng hoảng loạn (hystéria) của truyền thông Tây phương". China Daily nêu lên một ví dụ : Mặc dù một số phương tiện truyền thông phương Tây dành trang nhất cho virus corona, nhưng lại rất ít nói đến kết quả báo cáo của trung tâm dự phòng và giám sát bệnh ngày 31/01, theo đó hiện đã có 10.000 người chết và 180.000 nhập viện tại Mỹ vì bệnh cúm.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã có những phản ứng thái quá đến chệch hướng. Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo, đại sứ Trung Quốc tại Israel đã so sánh việc cấm người Trung Quốc nhập cảnh với nạn thảm sát người Do Thái : "Hàng triệu người Do Thái đã bị sát hại và nhiều người Do Thái bị cấm đến một số quốc gia. Nhiều nước đã mở cửa đón nhận họ, trong đó có Trung Quốc". Quan chức ngoại giao này sau đó đã có lời xin lỗi vì phát ngôn trên.
Nhưng theo Le Monde, điều này cũng cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đang căng thẳng. Còn đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì nhận định một con "virus chính trị dường như đang cản trở Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt tay hợp tác để đối phó với các thách thức chung". Đối với Bắc Kinh, Washington đang lợi dụng virus corona để làm suy yếu Trung Quốc. Hôm qua 03/02, trong một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Mỹ không hề có sự trợ giúp cụ thể nào cho Trung Quốc, mà chỉ khiến mọi người lo ngại.
Hoàn Cầu Thời Báo thì tổng hợp 4 điều liên quan đến thái độ của phương Tây, nhất là Mỹ : Mỹ vô đạo đức khi tấn công cuộc chiến của Trung Quốc chống virus, siêu vi kích động thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội phương Tây, corona sẽ không thể giúp chính quyền Mỹ trong giai đoạn đàm phán thương mại thứ hai, những lời tố cáo và lăng nhục không khiến Trung Quốc chệch hướng trong cuộc chiến chống virus corona. Đối với Bắc Kinh, virus corona hiện giờ liên quan đến lĩnh vực địa chính trị nhiều không kém so với y tế.
Tập Cận Bình bị virus corona thách thức
Cũng như Le Monde, báo công giáo La Croix - trong bài viết "Tập Cận Bình bị virus corona thách thức" - nhấn mạnh "thách thức về y tế vẫn còn nguyên, nhưng hiện nay ưu tiên của nhà chức trách Trung Quốc là về mặt chính trị". Chế độ cộng sản Trung Quốc đang làm mọi việc để Đảng và nhà lãnh đạo được nhìn nhận như người cứu thế. Trong khi người dân thể hiện nỗi giận dữ trên các mạng xã hội về các biện pháp y tế, thì chính quyền lại lo ngại về hậu quả của dịch bệnh đối với hình ảnh của đất nước trong mắt quốc tế.
Ở trong nước, mục tiêu tối cao của chính quyền Trung Quốc vẫn là cho dân chúng thấy "người cha của dân tộc" đang kiểm soát được mọi chuyện. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei, thuộc trường Claremont McKenna tại California, Mỹ, phân tích : "Khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố thắng virus, họ sẽ cảm ơn Đảng cộng sản và chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi ngược lại, sự thật là chính Đảng cộng sản mới phải chịu trách nhiệm đầu tiên về thảm họa này".
Bộ máy tuyên truyền của Nhà nước nhấn mạnh là khoa học chứ không phải dân chủ sẽ cứu được đất nước. Nhưng nhiều người tự hỏi tại sao từ 20 năm nay, ở Trung Quốc lại xảy ra nhiều dịch bệnh đến như vậy : Sida năm 1990, SARS năm 2003, cúm gà H5N1 năm 2006 và dịch tả heo Châu Phi trong những tháng gần đây. Một nhà báo ở tỉnh Tứ Xuyên nhận định với La Croix : "Hệ thống chính trị của Trung Quốc đã thối nát từ trên xuống dưới, đó là chế độ chỉ chấp nhận duy nhất một tư tưởng, tư tưởng của Tập Cận Bình". Còn nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei khẳng định "virus corona là một căn bệnh của chế độ độc tài Trung Quốc". Chính chế độ độc đảng, dựa trên thái độ che giấu sự thật, không minh bạch, sự kiểm duyệt và kiểm soát dân chúng về đời sống xã hội, đã gây ra mọi thảm họa đã kể trên.
Nhiều đảng viên cấp cao nghĩ rằng Tập Cận Bình đã điều hành đất nước không tốt từ nhiều năm nay. Virus corona càng khiến ông ta bị chỉ trích, nhưng ít ai dám lên tiếng công khai, vì họ đều sợ bị đàn áp. Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Minxin Pei, cho dù nỗi giận dữ đang dâng lên trên các mạng xã hội, nhưng chắc chắn thảm họa corona sẽ không thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, La Croix cũng khẳng định, nếu như trong nước, bộ máy tuyên truyền có thể giúp giữ gìn hình ảnh của Tập Cận Bình và đảm bảo tính chính đáng cho Đảng cộng sản, nhưng trên trường quốc tế, thách thức đặt ra cho Tập Cận Bình sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trung Quốc đang bị tấn công từ mọi phía : bị chỉ trích mạnh mẽ việc trấn áp hai triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, bị tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nêu tên trong tổng kết thường niên về vi phạm nhân quyền, bị người Hồng Kông phản kháng từ suốt 8 tháng nay, lại đang trong tâm cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Thế giới coi người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về tình trạng nói trên không ai khác chính là Tập Cận Bình. Ông ta ngày càng bị so sánh với Mao Trạch Đông, mà chính sách từ năm 1949 đến năm 1976 đã gây ra cái chết của ít nhất 60 triệu người Trung Quốc. Theo La Croix, sự so sánh này không phải là vô cớ.
Một loại virus chống toàn cầu hóa
Trong bài xã luận mang tựa đề "Một loại virus chống toàn cầu hóa", La Croix nhận định dịch bệnh do virus corona gây ra khiến chúng ta phải có ý thức hơn về việc nền sản xuất công nghiệp thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn được gọi là công xưởng của thế giới.
Lâu nay người ta vẫn tự hỏi điều gì có thể hãm bớt các hoạt động trao đổi kinh tế từ những khoảng cách địa lý xa xôi - hiện tượng thường được gọi là "toàn cầu hóa". Cho đến nay, dường như chưa có gì có thể hãm phanh xu hướng toàn cầu hóa, vốn dựa trên lợi nhuận, tư tưởng tự do mậu dịch và các cuộc cách mạng công nghệ (tin học và vận chuyển bằng container). Thực ra trong thập kỷ qua, tư tưởng bảo hộ cũng đã được nhiều người có thế lực ủng hộ, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chưa đủ để làm thay đổi mọi chuyện.
Nhưng việc nhìn thấy dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona lây lan nhanh khiến nhiều người có suy nghĩ rút lui, thu mình lại. Nhiều nước đã đề xuất đưa công dân hồi hương. Cho đến nay, vẫn chưa có nhân vật quốc tế quan trọng nào đến thăm Trung Quốc để bày tỏ tình đoàn kết với người dân nước này trong cuộc chiến chống virus, như thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã làm khi xảy ra dịch SARS hồi năm 2003.
Công chúng có thể nghĩ rằng mọi chuyện sẽ sớm thay đổi. Khi dịch bệnh lắng xuống, các hoạt động giao thương lại ít nhiều hồi phục như trước đây, nhưng La Croix nhấn mạnh, trong suy nghĩ của mọi người đã có sự thay đổi nhất định. Virus corona chỉ là một hạt cát so với guồng máy kinh tế đã được toàn cầu hóa nhưng virus này đã cho thấy có sự bấp bênh của toàn cầu hóa. Trong tương lai, có thể các nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ thêm một chút trước khi đặt cược vào Trung Quốc.
Hệ quả của virus corona đối với kinh tế thế giới
Vẫn liên quan đến virus corona, báo Les Echos nhận định dịch corona sẽ có tác động đối với kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh quy mô kinh tế Trung Quốc đã tăng mạnh trong suốt 20 năm qua. Theo Michala Marcussen, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Pháp Société Générale, so với năm 2003, khi xảy ra đại dịch SARS, quy mô nền kinh tế Trung Quốc nay đã tăng gấp 4 lần. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc chiếm 16% GDP toàn cầu và 30% sản xuất công nghiệp thế giới.
Mức độ ảnh hưởng đương nhiên sẽ phụ thuộc nhiều vào chiều hướng diễn biến của dịch bệnh. Tác động của dịch corona đối với kinh tế thế giới thể hiện ở hai khía cạnh. Nhu cầu mua hàng của Trung Quốc sẽ giảm trong những tuần tới. Kinh tế gia trưởng của Société Générale dự báo trong quý 1 năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ mất 0,3% vì virus corona.
Nền kinh tế toàn cầu cũng bị tác động do việc tổ chức các dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng. Dệt may, tin học, điện tử là những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, và nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Hungary và Indonesia sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Thùy Dương
Virus corona : Vũ Hán, địa ngục trần gian ở Trung Quốc
Virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ. Sống với virus corona, Vũ Hán không khác gì "địa ngục". Le Figaro dành đến ba bài báo để nói về chủ đề này.
Đường phố Vũ Hán, Trung Quốc vắng tanh. Ảnh chụp ngày 31/01/2020. NICOLAS ASFOURI / AFP
Trong bài thứ nhất tờ báo tóm lược tình hình : "Thế giới dựng thành lũy đối mặt với virus corona" dù chỉ có 1% các ca bệnh. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuần qua đã nhấn mạnh rằng tình hình không đến nỗi phải giới hạn mọi giao thương với Trung Quốc. Điều đó không cấm cản các nước từ Mỹ, Nhật Bản đến Anh, Pháp, Đức và cả Morocco hay Indonesia hối hả hồi hương kiều dân khỏi ổ dịch Vũ Hán, các hãng hàng không lớn bé trên thế giới ngừng phục vụ các chuyến bay sang Hoa lục. Đó là bằng chứng rõ rệt cho thấy Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh mất uy tín.
Vũ Hán : Người bị đầy xuống địa ngục
Những người trong cuộc ở ngay ổ dịch Vũ Hán đang sống ra sao ? Bà Shi Muying, một phụ nữ 37 tuổi, sống tại Luân Đôn về nước thăm mẹ bị ung thư giai đoạn cuối kể lại với phóng viên báo Le Figaro : Bà về đến Vũ Hán 12 ngày trước khi thành phố bị phong tỏa và đã từng bước "rơi xuống địa ngục".
Chuyến về thăm quê lần này của bà vốn đã mang màu tang tóc nhưng với dịch viêm phổi virus corona, bà và gia đình còn khổ hơn. Từ khi đáp xuống phi trường, ngày ngày người phụ nữ Vũ Hán này cùng cha vào bệnh viện thăm người mẹ chỉ còn đợi ngày ra đi. Đó cũng là thời gian hai bố con bà Shi Muying bắt đầu bị sốt, rồi ho. Họ đạp xe đi khắp thành phố tìm một hiệu thuốc.
Cuối cùng, hôm 26/01 họ đành phải đi bệnh viện khám xem chỉ cảm cúm qua loa hay đã nhiễm virus corona. Vào gặp được bác sĩ, họ mới biết rằng, phải tự đi tìm lấy dụng cụ xét nghiệm, nhưng trong một thành phố đã bị phong tỏa, những ca bị ho, sốt bị "cách ly", hai cha con bà "bó tay". Nhân chứng này nói rõ : bị cách ly có nghĩa là họ bị trả về nhà và không được phép ra khỏi cửa. Ba ngày sau, phụ nữ này trở lại bệnh viện tái khám và đã phải đợi "từ bốn đến năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ, đông kín người".
Khám xong ra về, bà quá tuyệt vọng nên cất tiếng kêu cứu trên mạng xã hội Vi Bác. Nhờ vậy, đến hôm 30 tháng Giêng, hai bố con được nhập viện. Phụ nữ 37 tuổi này không nuôi ảo vọng và biết rằng dù ở bệnh viện hay không thì cũng chẳng được chăm sóc. Cùng phòng với Shi Muying có hai người phụ nữ khác, lớn tuổi hơn, họ ăn nói ồn ào. Thân phụ của bà được giữ ở một tầng khác trong cùng một nhà thương. Hai bố con nói chuyện với nhau bằng điện thoại.
Ngồi trên giường bệnh, nhìn ra dòng sông Dương Tử, người phụ nữ sống ở Luân Đôn trở về Vũ Hán này biết chắc, cách đấy vài cây số, mẹ bà đang trút những hơi thở cuối cùng, không một người thân bên cạnh. Điều khiến bà lo lắng là liệu có được xuất viện để nhận xác mẹ về mai táng hay không. Bà cũng không chắc là người cha già sẽ vượt qua được thử thách này.
Khủng hoảng y tế : Giải pháp nào cho thích hợp ?
Cách xa Vũ Hán ngàn trùng, tại Paris, ông Emmanuel Hirsh, giám đốc tổ chức của vùng Ile de France (Paris và vùng phụ cận) chuyên nghiên cứu về những khía cạnh đạo đức trong đời sống hàng ngày, nêu lên câu hỏi : Trước một cuộc khủng hoảng về y tế, làm thế nào để tránh bị chỉ trích hoặc là không phản ứng kịp thời để cho dịch bệnh lây lan, hoặc là đưa ra những biện pháp quá mạnh tay hành xử như một chế độ độc tài ?
Tác giả bài viết nêu lên trường hợp cụ thể của Trung Quốc : nhân danh chống dịch bệnh, chính quyền đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, bế quan tỏa cảng nhiều thành phố gây trở ngại cho quyền tự do đi lại. Các nền dân chủ làm sao có thể ban hành được những biện pháp này ? Đây là bài báo thứ ba Le Figaro dành để nói về virus corona.
La Croix đề cập đến một khía cạnh gần gũi và dễ hiểu hơn : "Ngành nghiên cứu của thế giới dốc lực chống virus corona". Một tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc công bố những ca bệnh đầu tiên, chúng ta biết thêm được những gì về siêu vi corona ? Còn những gì cần tìm hiểu thêm về loài siêu vi mới lạ này ?
Viện Y tế Quốc gia và Nghiên cứu Y khoa của Pháp - INSERM cuối tuần trước cho biết đã xác định được thời hạn ủ bệnh là từ 5 đến 8 ngày. Tỷ lệ tử vong do virus corona trung bình là từ 2 đến 3%. (Thấp hơn so với 10% do virus gây viêm phổi cấp tính SARS gây nên. Còn virus MERS xuất phát từ vùng Trung Cận Đông có tỷ lệ tử vong là 25%). Ngoài ra, INSERM cũng xác định được rằng cứ 1 người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cho từ 1,4 đến 2,5 người chung quanh. Để so sánh, một người bị ban đỏ có thể lây cho từ 15 đến 20 người.
Bên cạnh đó, virus corona cũng còn nhiều ẩn số mà giới khoa học chưa giải mã được hết. Thí dụ tại sao một số trường hợp, bệnh tình đã nguy ngập hơn hẳn sau 7 ngày được phát hiện ? Tại sao trẻ nhỏ dưới 15 tuổi ít bị lây nhiễm ?
Trung Quốc bị tê liệt
Báo kinh tế Les Echos chú ý đến những thiệt hại khi không chỉ Vũ Hán, mà cả nước Trung Quốc bị thế giới xa lánh. "Bắc Kinh huy động 160 tỷ đô la cứu nguy kinh tế".
Tình trạng bị cô lập, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì của thế giới vào suy thoái. Sau 10 ngày nghỉ Tết, các thị trường tài chính Trung Quốc hoạt động trở lại. Biết trước chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giá, Ngân hàng Trung ương đã vội vã bơm thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ vào cỗ xe kinh tế. Chính quyền thông báo sẽ "kề vai sát cánh" với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cơ quan, nhà máy không thể khai trương đúng ngày như mong đợi.
Một thành phố năng động như Thượng Hải phải quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết thêm một tuần lễ. Thiệt hại về tài chính kèm theo đó không biết đâu mà lường. Thành phố Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nghỉ thêm đến hết tuần này. Thậm chí, một số nhà máy còn thông báo chỉ hoạt động lại vào ngày 14/02/2020. Ba tuần lễ được nghỉ để ăn Tết, một hiện tượng chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Tập đoàn mua bán địa ốc lớn thứ ba trên toàn quốc ngưng tiếp khách cho đến ngày 16/02, cho nhân viên tại hơn 1.200 công trường nghỉ ngơi đến ngày 20/02. "Toàn quốc bị một con virus làm tê liệt", trong lúc học sinh, sinh viên nước ngoài tìm đường "hồi hương".
Cũng Les Echos cho biết các trường đại học của Pháp và các trường lớn gửi sinh viên sang Trung Quốc đều trong tư thế sẵn sàng, cho dù Bộ Giáo dục chưa ra chỉ thị "hồi hương" tất cả các sinh viên Pháp khỏi Trung Quốc. Khoảng 200 sinh viên của trường thương mại Skema tại Tô Châu, cách ổ dịch Vũ Hán 750 cây số, từ thứ Năm tuần trước đã rời thành phố từng được mệnh danh là kinh đô tơ lụa của Viễn Đông.
Ở mãi tận Paris, trường thương mại nổi tiếng HEC thông báo "ngưng các chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc cho đến khi có lệnh mới".
Mỹ : Đảng Dân chủ bầu cử sơ bộ
Nhìn sang Hoa Kỳ, đảng Dân chủ bắt đầu cuộc chạy đua marathon để chỉ định người ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.
Libération ví von : Iowa là chặng đầu trong số 57 hiệp kéo dài từ nay cho đến tháng 6/2020. Đảng Dân chủ tìm người để "trục xuất" Donald Trump ra khỏi Nhà Trắng.
"Donald Trump thách thức đảng Dân chủ đang bị chia rẽ", tựa hồ sơ lớn của báo Le Monde trong phần trang địa chính trị. Hiện chỉ còn 11 ứng viên lao ra đấu trường, nhưng trước đây từng có đến 26 người trong đảng Dân chủ muốn được quyền đọ sức với Donald Trump. Theo Le Monde, số ứng viên này đủ cho thấy bên đảng Dân chủ đang bị chia rẽ đến mức độ nào.
Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Đảng Dân chủ tìm kiếm một nhà vô địch để so găng với Trump". Trong cuộc meeting cuối tuần qua tại Des Moines, bang Iowa, tổng thống Mỹ "làm trò và trêu gan" các đối thủ muốn đọ sức với ông vì biết chắc là ông đang "một mình một chợ".
Báo Les Echos đưa ra hai hình ảnh tương phản với nhau : bên đảng Dân chủ đang bị chia năm xẻ bảy, ngược lại phía đảng Cộng hòa lại đoàn kết chặt chẽ chung quanh Donald Trump. Năm nhân vật thân cận nhất của chủ nhân Nhà Trắng gồm có thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Mitch McConnell, có dân biểu bang Florida, Matt Gaetz - ông này thân với nguyên thủ Mỹ đến nỗi được mệnh danh là Baby Trump, có giám đốc điều hành chiến dịch vận động tranh cử Brad Parscale và có cô con gái của tổng thống Ivanka.
Pháp và những cuộc đọ sức kéo dài
Nhìn đến phần bài vở trên các tờ báo Paris nói về thời sự Pháp, chuyến công du Ba Lan của tổng thống Macron được quan tâm đến nhiều.
Trong chuyến viếng thăm Ba Lan đầu tiên kể từ khi bước vào điện Elysée, Emmanuel Macron đến Warsawa để xoa dịu những bất đồng. Libération nhắc lại nguyên thủ Pháp đã nhiều lần trực tiếp chỉ trích Ba Lan là một "nền dân chủ kém tự do" vi phạm những "nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền"... Warsawa khó chịu vì thái độ "lên giọng dậy đời" của tổng thống Pháp.
Không chỉ có thế, chủ trương của Pháp chìa bàn tay thân thiện với Nga đang khiến Ba Lan hoang mang. Tờ Le Figaro nêu lên thêm một số hồ sơ khác gây bất đồng giữa Pháp với Ba Lan, đứng đầu trong số đó là vấn đề nhập cư, là chính sách phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu.
Nhân dịp tổng thống Emmanuel Macron công du Ba Lan trong hai ngày, tờ báo này điểm lại một mối quan hệ song phương tựa như "một chuyện tình phức tạp" : hoàng hậu Catherine de Médicis từng đặt con trai bà là Henri de Valois lên ngai vàng của Ba Lan nhưng rồi ông đã quay về Pháp ; nhiều cuộc hôn nhân giữa hoàng gia hai nước từng được thắt chặt thêm quan hệ giữa Paris với Warsawa, nhưng rồi kể từ năm 1989 trở đi, Pháp và Ba Lan đã nhiều lần lỡ hẹn với nhau, đã có những hiểu lầm làm rạn nứt thân tình. Lần này, tổng thống Macron muốn "làm lại từ đầu". Đây sẽ là công việc dài hơi như kết luận của tờ báo.
Tiêu chuẩn để trở thành một người phụ nữ đẹp
Thế nào là một phụ nữ đẹp ? Le Figaro dành hẳn một trang báo lớn dưới tựa đề "Soi X quang vào những chuẩn mực của một người phụ nữ đẹp". Tờ báo nhắc lại tên tuổi một vài người đẹp theo năm tháng.
Từ hoàng hậu Ai Cập Nefertiti thế kỷ 14 trước Công nguyên cho đến thế kỷ 20, người đẹp phải có gương mặt khả ái như minh tinh màn bạc Greta Garbo hay cô đào Marilyn Monroe, nếu không thì cũng phải đẹp như búp bê Barbie.
Đến thời đại này của chúng ta, người đẹp thường có khuôn mặt dài, hơi xương xương, gò má cao như Angelina Joly, Kim Kardashian hay cựu đệ nhất phu nhân Pháp, Carla Bruni. Có điều với Instagram, phụ nữ trên thế giới đang trở thành những "phiên bản của nhau".
Thanh Hà
Trung Quốc : Một đế quốc tử chiến với một con virus
Đối với Tập Cận Bình, cuộc khủng hoảng virus corona lần này là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của ông ta. Và nếu trở thành đại dịch, các đối thủ đang âm thầm thì phản đối việc thâu tóm mọi quyền hành của ông Tập, có thể có hành động chống lại ông.
Các nhân viên an ninh đổi gác tại trạm kiểm soát nằm bên sông Trường Giang ở Cửu Giang (tỉnh Giang Tây), không cho qua lại Hồ Bắc, ngày 01/02/2020. Reuters/Thomas Peter
Dịch bệnh do virus corona tại Trung Quốc và Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu là hai hồ sơ lớn trên các tuần báo kỳ này.The Economist chọn màu nền đen cho trang bìa, với hình Trái Đất được bịt mặt bằng một chiếc khẩu trang màu đỏ có năm ngôi sao vàng, màu cờ Trung Quốc. Trang nhất L’Express chạy tựa "Nạn nhân thực sự của Brexit là Châu Âu", trên nền lá cờ xanh của Liên hiệp với những ngôi sao màu vàng đã bị khuyết mất một chiếc, ngôi sao này được chú chó Ăng-lê mặt buồn rầu cắp nách mang theo.
Không có giao thừa cho Vũ Hán
Courrier International dịch bài phóng sự của trang jiemian.com ở Thượng Hải, kể về một đêm giao thừa náo loạn tại Vũ Hán. Bà Luo Jiamin, sau khi chăm sóc người chồng bị gãy xương tại bệnh viện, bị sốt kéo dài và cảm thấy rất mệt. Khám ở bệnh viện lần đầu không khỏi, mấy ngày sau khi quay lại, bà choáng váng khi thấy có đến… 500 người đã xếp hàng trước mình. Luo Jiamin trở về, chỉ muốn buông xuôi trong đêm cuối cùng của năm.
Còn tại bệnh viện trung ương Vũ Hán, các bác sĩ, y tá khoa hồi sức, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mong manh, không có thì giờ nghỉ ngơi. Các bác sĩ, y tá phải mặc đến ba lớp trang phục bảo vệ : trước hết là một bộ combinaison (áo liền quần), nón, găng, túi bọc giày ; tiếp đến là bộ đồ khác kín mít màu trắng, rồi lại phải trùm lên khẩu trang, kính mắt và kính che toàn bộ khuôn mặt. Mất khoảng nửa tiếng đồng hồ để mặc, và sau đó đi đứng khó khăn, không thể uống nước hay đi vệ sinh.
Trưởng khoa Peng Zhiyong cho biết từ khi khởi đầu nạn dịch, do chi phí chữa trị quá cao, nhiều gia đình đã từ chối chữa tiếp cho thân nhân bị nhiễm virus. Dùng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) để hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp tốn đến mấy chục ngàn nhân dân tệ (vài ngàn euro). Có gia đình chạy vạy vay mượn bạn bè người thân, chi đến đồng xu cuối cùng, nhưng cũng có gia đình phải xin "rút ống". Sau khi nhà nước hôm 19/1 loan báo loan báo việc trợ giá chi phí điều trị, bác sĩ Peng vẫn còn ngậm ngùi cho những người xấu số.
Giám sát mọi thứ nhưng không phát hiện được dịch bệnh
Trong bài "Giám sát tất cả, trừ sức khỏe", tờ Minh Báo ở Hồng Kông nhận định đây là thất bại của hệ thống giám sát Trung Quốc trước con virus corona. Với tất cả các công cụ sẵn có, lẽ ra chính quyền phải phát hiện được khi dịch vừa khởi phát. Tuy nhiên hệ thống này được thiết lập để đàn áp chứ không phải dành cho những dịch vụ hữu ích đối với dân chúng.
Tuy vụ này bề ngoài không có vẻ gì là chính trị, nhưng đã làm tăng sự hoài nghi của các nước láng giềng, chính quyền Trung Quốc đã thua một ván trên trường quốc tế. Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao một cuộc khủng hoảng dịch tễ với tầm vóc như vậy lại có thể xảy ra, vào lúc Bắc Kinh sở hữu hệ thống giám sát ngày càng hoàn hảo. Chính quyền không ngần ngại tung tiền vào công nghệ thông tin, và đã trở thành một siêu cường về khoa học và công nghệ. Nhưng an ninh quốc gia được đặt lên trên hết, tự do cá nhân không là gì cả. Lẽ ra chính quyền có thể nhanh chóng theo dõi trên cả nước.
Theo bảng xếp hạng của trang nghiên cứu công nghệ Comparitech, trong số 10 thành phố có nhiều camera an ninh nhất, Trung Quốc chiếm hết 8. Không chỉ có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu mà cả Trùng Khánh và Vũ Hán – thành phố xuất phát dịch viêm phổi lạ. Cần nhớ rằng hệ thống giám sát bao gồm cả nhận diện, tín nhiệm xã hội, thu thập và xử lý một khối dữ liệu khổng lồ (big data) mà người dân đã cung cấp.
Chính quyền và virus đi nghỉ Tết 20 ngày ?
Nhiều tờ báo Hoa lục khẳng định trường hợp nhiễm virus corona mới đầu tiên được phát hiện tại bệnh viện Vũ Hán ngay từ ngày 08/12/2019. Đến cuối tháng 12/2019, ủy ban vệ sinh dịch tễ của thành phố Vũ Hán ghi nhận 27 ca viêm phổi lạ, tuy "không có bằng chứng truyền từ người sang người". Hôm 31/12/2019 chợ Hoa Nam, giờ đây được coi là điểm xuất phát của virus corona, vẫn hoạt động bình thường, trong khi đã có nhiều nhân viên ngã bệnh và sau đó được chẩn đoán là bị nhiễm virus. Đến hôm sau chợ này mới được lệnh đóng cửa.
Minh Báo đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền và con virus đều đi nghỉ Tết trong khoảng 20 ngày sau đó ? Làm thế nào mà phải đợi đến tận ngày 20/01/2020 mới biết được nhờ giáo sư Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) - bác sĩ chuyên về bệnh phổi đã cô lập được virus SARS - trả lời CCTV, là đã có lây từ người sang người, nhân viên y tế đã bị lây nhiễm, và không nên đến Vũ Hán ?
Rõ ràng trong vụ này, hệ thống giám sát đã bất lực trong việc đánh động các cơ quan hữu quan, và bảo đảm mạng sống cho cư dân của nước mình. Vì sao ? Theo tác giả bài báo, vốn là giáo sư trường đại học Lĩnh Nam (Lingnan) ở Hồng Kông, thì có hai lý do. Trước hết, chính quyền giấu nạn dịch vì sợ phải chịu trách nhiệm, hoặc sợ hình ảnh bị xấu đi. Thứ hai, hệ thống giám sát chỉ nhằm bảo vệ chế độ, chứ không quan tâm đến phòng ngừa dịch bệnh. Đến khi nạn dịch xảy ra thì các quan chức hoàn toàn hoảng loạn !
Để mất thời gian vàng vì chờ lệnh Tập Cận Bình
Trong bài "Tập Cận Bình trước thách thức của virus corona", L’Obs phê phán, Bắc Kinh chờ đến ba tuần lễ mới báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cuộc khủng hoảng dịch tễ ở Vũ Hán, và phải chờ đến khi nhà lãnh đạo độc tài họ Tập ra lệnh thì bộ máy của chế độ mới bắt tay vào việc chống dịch lây lan.
Chính báo chí Hồng Kông, được tự do hơn các báo nhà nước ở Hoa lục đã lên tiếng báo động. Thành phố Vũ Hán vẫn cố tình che giấu nguy cơ, dường như để không làm ảnh hưởng đến hai hội nghị quan trọng từ ngày 12 đến 17/1. Hội nghị kết thúc "thắng lợi", không hề nhắc đến nạn dịch đang lây lan.
Chỉ hai ngày sau, giáo sư Chung Nam Sơn xác nhận virus không chỉ lây nhiễm mà còn đạt đỉnh "siêu lây", tức một người bệnh có thể lây cho nhiều người khác. Một bệnh nhân được phẫu thuật thần kinh cũng đã lây ngay cho một bác sĩ và 13 y tá ! Thế nhưng do muốn chứng tỏ bằng mọi giá là mọi việc vẫn ổn, hôm 18/1 thành phố còn cho mở buổi tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình tham gia, để quyết tâm đánh bại kỷ lục thế giới. Sự vô trách nhiệm khủng khiếp này dẫn đến hậu quả là sau đó 60 triệu người Hồ Bắc bị cô lập.
Chuyện gì đã xảy ra : đang cố giấu suốt hơn ba tuần lễ, rồi đột ngột lao vào một cuộc chiến tổng lực vô tiền khoáng hậu ? Trả lời : đó là Tập Cận Bình. Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước hôm 20/1 đã ra lệnh "kiên quyết chống việc virus corona lan tràn", đe dọa trừng phạt những ai giấu thông tin. Nhưng những tuyên bố cứng rắn này được đưa ra quá trễ, thời gian vàng đã mất, người ta lo ngại thiệt hại sẽ gấp 10 lần dịch SARS.
Siêu cường đại chiến siêu vi
Dành 8 trang báo cho chủ đề "Một đế quốc tử chiến với một con virus", Le Point nhận xét đối mặt với virus corona mới, có thể làm chết nhiều người hơn SARS, Trung Quốc chiến đấu với các phương tiện đại quy mô và những biện pháp khắc nghiệt.
Tờ báo kể ra một loạt biện pháp làm kỳ nghỉ Tết mang màu sắc của ngày tận thế : hủy bỏ các lễ hội, cấm du lịch theo đoàn, cấm buôn bán thú rừng, quân lính được gởi đến Vũ Hán bằng các phi cơ vận tải, xây dựng bệnh viện trong 10 ngày, điều đội ngũ y tế từ các nơi khác hỗ trợ. Công an trùm kín trong bộ đồ bảo vệ ngăn chận các ngõ vào, đại đô thị trở thành thành phố chết, các làng mạc dựng rào cản ; máy bay, xe lửa, métro không người, kiểm tra thân nhiệt tại các giao lộ, mọi người dân ra đường đều mang khẩu trang…
Phóng đại nguy cơ chăng ? Đối với các nhà dịch tễ học, thì thậm chí còn chưa đủ. Giáo sư Lương Trác Vĩ (Gabriel Leung) ở Hồng Kông còn khuyến cáo đóng cửa trường học và cho làm việc từ xa. Thực tế Bắc Kinh đã kéo dài kỳ nghỉ Tết đến 3/2 còn Hồng Kông đến 17/2. Chuyên gia này phản bác ý kiến cho rằng tỉ lệ tử vong của 2019 n-CoV thấp hơn SARS. Theo giáo sư Lương, tỉ lệ khi dịch bắt đầu khởi phát luôn thấp, như hồi dịch SARS Tổ chức Y tế Thế giới ước tính chỉ 3%, nhưng rốt cuộc lên đến 17% ở Hồng Kông.
Pháp hy vọng chế tạo được vaccin chống 2019-nCoV
Liệu có cách nào ngừa được con virus này ? Bài viết độc quyền trên trang Khoa học của L’Express cho biết "Virus corona : Pháp đang chạy đua chế tạo vaccin". Viện Pasteur đang triển khai một kỹ thuật đầy hứa hẹn để chống lại 2019-nCoV.
Ngoài Ebola, chưa có con virus lại gây ồn ào đến thế kể từ đầu những năm 2000 cho đến nay. Các virus corona là thủ phạm gây ra các dịch bệnh quy mô lớn như SARS (Sras-CoV năm 2003, làm 774 người chết) và MERS (Mers-CoV năm 2012, làm 823 người chết). Sau khi Trung Quốc giải mã con virus mới, các chuyên gia có thể bắt tay vào chế tạo liệu pháp miễn dịch.
Tại Pháp, ê-kíp của tiến sĩ Frédéric Tangy đã từng nghiên cứu SARS và MERS, cho biết đã có kỹ thuật giúp chế vaccin nhanh hơn nhiều so với quá khứ. Họ dùng virus bệnh sởi đã được làm yếu đi, thêm các gien của loại virus cần nghiên cứu vào bộ gien đơn bội của virus sởi. Khó nhất là làm sao tìm ra được mảng ADN nào giúp cơ thể tạo ra kháng thể để gắn vào.
Quyền lực Tập Cận Bình lung lay
Bắc Kinh nay đã ý thức được dịch corona có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của đảng, và theo L’Obs, rất có thể các quan chức địa phương sẽ trở thành vật tế thần. Tuy nhiên chính sự độc tài của Tập Cận Bình đã đóng vai trò quan trọng trong thảm họa. Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) giải thích : "Vì tại Trung Quốc không có gì được tiến hành nếu không có đèn xanh của Tập Cận Bình, cán bộ các cấp đều thu mình chờ đợi, chỉ thi hành lệnh trên cho khỏi rắc rối. Tuy nhiên đôi khi cần phải biết hành động".
Sâu xa hơn, dù có nhiều thành công về kinh tế, Trung Quốc lại bất lực trong việc cải cách chuỗi cung ứng thực phẩm và hệ thống y tế - rõ ràng là thảm hại. L’Obs nhắc lại vô số xì-căng-đan, từ sữa chứa melamine, vaccin dỏm cho đến dịch cúm heo làm chết hết một phần tư lượng heo trên toàn cầu, và nguy cơ từ hàng ngàn chợ bán động vật hoang dã. Đó là những kho trữ vô tận các loại virus nhảy từ con thú này sang con thú khác và rốt cuộc biến thể để gây bệnh cho con người.
Đối với Tập Cận Bình, cuộc khủng hoảng virus corona lần này là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của ông ta. Và nếu trở thành đại dịch, các đối thủ đang âm thầm phản đối việc thâu tóm mọi quyền hành của ông Tập, có thể có hành động chống lại ông.
Độc tài, không truyền thông phản biện : Căn bệnh của độc đảng
Tương tự, Le Point nhận định những xì-căng-đan y tế tại Trung Quốc cộng sản luôn là một trong những chủ đề, chính yếu và chính đáng, gây phản kháng. Ngay cả Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo vốn luôn bênh vực điên cuồng đảng Cộng Sản, nay dám tố cáo trên Vi Bác (Weibo) các sai trái của quan chức trung ương lẫn địa phương : "Cá nhân tôi cho rằng Vũ Hán và cơ quan y tế phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên có những lý do bao quát hơn, chẳng hạn từ vài năm qua, khả năng phản biện của truyền thông đã giảm hẳn".
The Economist kể lại các trường hợp các hành khách Thượng Hải từ chối lên một chuyến bay ở Nhật, vì phát hiện có một nhóm người Vũ Hán mà họ nhận ra qua giọng nói, hay người Hồng Kông đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục, thậm chí dọa tấn công bằng bom xăng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh chế độ độc đảng là sống còn cho ổn định và phát triển. Thế giới sẽ đánh giá là nhờ độc tài nên chận đứng được dịch corona, hay vì độc tài nên con virus mới lan tràn đến nhiều nước trên thế giới. Nhưng trước hết cuộc khủng hoảng đã cho thấy rõ một đất nước nói rất nhiều về đoàn kết và những điều vĩ đại, nhưng lại dễ dàng bị chia rẽ và rất ít được tin tưởng. Đó là căn bệnh mà các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc dường như không có thuốc chữa.
Thụy My