Trung Quốc - Môi trường : Liên Âu phản công
Báo Pháp số ra ngày thứ Sáu cuối cùng của năm 2019 có nhiều bài tổng kết, đồng thời mở ra những viễn cảnh của Năm Mới. Nhật báo kinh tế Les Echos có chùm bài đáng chú ý về Trung Quốc và môi trường, hai mặt trận chính của Liên Hiệp Châu Âu trong năm tới.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 18/12/2019. Reuters/Vincent Kessler
Bài "Trung Quốc lo ngại về chính sách thương mại của Châu Âu, đang trở nên cứng rắn hơn", của Les Echos dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles, cảnh báo chính sách của Liên Âu hiện nay khiến các nhà đầu tư muốn rời bỏ Châu Âu. Lý do là vì, từ nhiều tháng nay, trước tham vọng của nhiều tập đoàn lớn Trung Quốc thôn tính các doanh nghiệp chiến lược của Liên Âu, giới lãnh đạo Châu Âu bắt đầu xây dựng một chiến lược thống nhất hơn để đối phó với Bắc Kinh, được coi là "đối thủ chiến lược" của Liên Âu.
Hiện tại, nhiều biện pháp đang được các nước Châu Âu thảo luận, trong đó có đề xuất của Hà Lan nhằm hạn chế các hoạt động tại Châu Âu của các doanh nghiệp được một quốc gia tài trợ (ngầm chỉ Trung Quốc), cũng như gia tăng kiểm soát các đầu tư nước ngoài tại Châu Âu.
Vấn đề hệ trọng nhất là quyết định của các quốc gia thành viên Châu Âu, sắp phải đưa ra, trong việc chọn hay không các thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), cho các mạng điện thoại 5G. Đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất một số biện pháp nhằm giới hạn các nguy cơ do việc sử dụng các thiết bị của tập đoàn Trung Quốc, vốn đã có chỗ đứng vững chắc tại Châu Âu, do lo ngại Hoa Vi bị chính quyền Bắc Kinh chi phối. Hoa Vi đã bị Mỹ gạt ra khỏi thị trường, tổng thống Donald Trump nói thẳng đến "đe dọa" với an ninh quốc gia.
Một điểm lo ngại khác của Bắc Kinh, qua lời của đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles, là thuế các-bon đối với các hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào Châu Âu, mà Châu Âu dự định áp dụng. Biện pháp này bị coi là có thể đi ngược lại các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại.
"Châu Âu phải dẫn đầu cuộc đua"
Về chủ đề này, Les Echos đặt câu hỏi với tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Châu Âu phải dẫn đầu cuộc đua", nữ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu giải thích rõ. Chiến lược của Liên Âu trong thời gian tới là đẩy nhanh tiến trình chuyển sang Kinh tế Xanh, với trụ cột là các cách tân công nghệ.
Theo tân chủ tịch Ursula von der Leyen, Liên Âu sở hữu "nhiều công nghệ phù hợp với nền Kinh tế Xanh nhất". Một ví dụ bà đưa ra là Thụy Điển trong những năm tới có thể đưa ra thị trường các sản phẩm thép, mà trong quá trình sản xuất không tạo ra khí thải. Sản phẩm này có thể đắt hơn giá cả trung bình trên thị trường. Châu Âu phải có nghĩa vụ bảo vệ các sản phẩm với công nghệ Xanh như vậy, hàng rào thuế các-bon là cần thiết để ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu vừa gây ô nhiễm, vừa được chính quyền trợ giá.
Lãnh đạo Liên Âu nhấn mạnh là, trong vấn đề này, Liên Âu không nhất thiết phải đối đầu với Trung Quốc, mà tốt hơn là hợp tác với Bắc Kinh trong việc thiết lập một sắc thuế như vậy, với mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi Trung Quốc cũng đang phát triển "thị trường tín chỉ các-bon" trong nước. Lãnh đạo Liên Âu tin tưởng là sáng kiến trên của Liên Âu sẽ kích thích nỗ lực cạnh tranh lành mạnh, vì sinh thái, tại Trung Quốc.
Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhậm chức đúng vào thời điểm cuộc chiến hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trong giai đoạn cam go. Trong lúc đa số các quốc gia trên thế giới không tỏ ra có thêm nỗ lực nhằm thực thi mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, Liên Âu đứng ở vị trí buộc phải trở thành đầu tầu của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến Khí hậu. Trong bài trả lời phỏng vấn Les Echos, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc đặt lợi ích chung của nhân loại vào trọng tâm trong dự án hành động của Liên Hiệp, nguyên tắc kinh tế "xoay vòng", hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nguyên liệu không tái tạo được trong thiên nhiên phải trở thành thế mạnh của Liên Âu.
Để huy động vốn cho các dự án chuyển đổi sang kinh tế Xanh, bên cạnh khoản đầu tư hàng năm 100 tỉ euro ; hàng loạt nguồn vốn khác, trong đó có thị trường các-bon, thuế các-bon biên giới, hay thuế đánh vào các sản phẩm nhựa dùng một lần… đang được xem xét.
Châu Âu đứng trước nhiều thách thức vô cùng lớn, nhưng tân lãnh đạo Ủy Ban tin tưởng là Liên Âu sẽ khẳng định được con đường của mình. Bởi những gì đã diễn ra, đặc biệt với tiến trình ly dị với nước Anh, cho thấy trong hơn ba năm đàm phán căng thẳng, kéo dài, các thành viên Châu Âu đã tỏ ra hết sức bình tĩnh, tìm được quyết định chung cuối cùng, khẳng định một Liên Âu "đoàn kết, mạnh mẽ và chính xác trong các lựa chọn của mình".
Cái giá kinh hoàng của Biến đổi Khí hậu
Hành động quyết liệt cho một nền kinh tế Xanh đã trở thành lựa chọn của giới lãnh đạo Châu Âu, của đông đảo người Châu Âu, bởi các thiệt hại, nếu không kịp thay đổi mô hình kinh tế, sẽ là khủng khiếp. Vẫn trên Les Echos hôm nay có bài điểm lại 15 hiện tượng thời tiết cực đoan, trong năm 2019 đang đi qua, gây thiệt hại vật chất tổng cộng 140 tỉ đô la. Từ những trận cháy rừng khổng lồ tại Úc (tháng Giêng), tại California (tháng 12), lũ lớn tại Trung Quốc (từ tháng 6 đến tháng 8), siêu bão tại Midwest và miền nam nước Mỹ (từ tháng 3 đến tháng 6)…
Con số do tổ chức phi chính phủ Christian Aid cung cấp hôm nay, được chính các tác giả đánh giá là chỉ phản ánh một phần các thiệt hại. Và cũng không phải là toàn bộ các thiệt hại trên thế giới. Đặc biệt các tổn thất với các quốc gia nghèo là rất khó tính, do ngành bảo hiểm ít phát triển. Tổ chức Christian Aid cũng nhấn mạnh là tuyệt đại đa số thiệt hại nhân mạng do các hiện tượng thời tiết cực đoan là tại các quốc gia đang phát triển.
Nỗi lo biến đổi khí hậu ám ảnh. Cháy rừng tại Sydney là hình ảnh trang nhất của Le Monde. Nhật báo Pháp có hồ sơ : "Cháy rừng, khô hạn kỷ lục : Mùa hè địa ngục tại nước Úc".
Môi trường : Vận tải biển thế giới buộc phải loại bỏ dầu gây ô nhiễm
Thượng đỉnh Khí hậu COP 25 tại Madrid, đầu tháng 12/2019, bị coi là một thất bại thảm hại, bởi các quốc gia tỏ ra trơ lì trước áp lực của giới bảo vệ môi trường, gần như không nâng cao mức cam kết cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, đã bắt đầu có các chuyển động mạnh trong từng lĩnh vực. Theo Les Echos, từ ngày mùng một tháng Giêng năm 2020, toàn bộ ngành vận tải đường biển sẽ buộc phải chuyển sang sử dụng các loại dầu mới, với mức lưu huỳnh thấp hơn hiện nay đến 7 lần.
Theo Les Echos, các chuẩn mực mới về môi trường của cơ quan hàng hải quốc tế sẽ làm đảo lộn thị trường xăng dầu toàn cầu. Trước mắt, ngành vận tải đường biển sẽ phải trả thêm khoảng gấp rưỡi số tiền mua dầu máy hiện có để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt nói trên.
Afghanistan lo bị Trump bỏ rơi vào tay Taliban
Về thời sự quốc tế, Le Figaro đặc biệt chú ý đến nguy cơ Afghanistan bị chính quyền Mỹ bỏ rơi vào tay Taliban. Trong bài "Hoa Kỳ đối mặt với bóng ma thất bại tại Afghanistan", nhân 40 năm quân đội Liên Xô can thiệp vào quốc gia Nam Á này, Le Figaro cảnh báo : Tổng thống Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến mà ông cho là vô lý này tuy nhiên, việc rút quân Mỹ có nguy cơ khiến thủ đô Kabul rơi vào tay phiến quân. Le Figaro dự báo từ nay đến cuối năm 2020, nếu một phần lực lượng của chính quyền Afghanistan sụp đổ, ông Trump rất có thể sẽ buộc phải ra quyết định lui quân.
"Một Việt Nam khác" là tựa đề bài xã luận Le Figaro. Tờ báo đánh giá là chiến lược thương lượng của Trump với Taliban hiện nay rất nguy hiểm, bởi không gì bảo đảm là các lực lượng thánh chiến sẽ không sử dụng vùng đất do Taliban kiểm soát để tấn công quân đội Mỹ.
Sự phân cực cao độ trong xã hội Mỹ khiến các định chế không thể vận hành bình thường. Đó là phân tích của Le Monde, trong bối cảnh tổng thống Mỹ sắp bị đưa ra luận tội trước Thượng Viện vào đầu tháng tới, và phía đảng Dân Chủ đối lập đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu tranh cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống vào đầu tháng Hai tới.
Pháp : Việc làm khởi sắc
Về nước Pháp, Le Monde và Les Echos đồng loạt loan báo tin vui, tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ 10 năm nay. Theo Le Monde, với hơn 260.000 chỗ làm mới được tạo ra trong năm nay, so với chỉ 180.000 năm 2018, tình hình lao động tại Pháp đang có xu hướng trở nên sáng sủa hơn. Những người được hưởng lợi nhiều nhất là giới trẻ dưới 24 tuổi.
Bãi công chống cải cách hưu trí
Về phong trào chổng cải cách hưu trí tại Pháp, La Croix cho biết bãi công đã đến ngày thứ 23, dài hơn cuộc bãi công chống cải cách thời thủ tướng Alain Juppé năm 1995. La Croix có bài phóng sự mô tả tình cảnh của những người bãi công. Bị thiệt hại về tài chính, do không có lương, người bãi công hy vọng được sự hỗ trợ của công chúng, thông qua các quỹ "đoàn kết tài chính". Nhật báo công giáo dự báo với đà này, cuộc bãi công sẽ còn kéo dài.
Trên Les Echos, học giả Jacques Attali có bài phân tích đáng chú ý, "Hưu trí, cuộc cải cách có nguy cơ bị bác bỏ". Bài viết nhấn mạnh đến tính chất vô cùng nan giải của cuộc cải cách, được ông ví với "một cơ quan nhân tạo", với rất nhiều điểm ưu việt, đang được chính phủ nỗ lực "dùng mọi biện pháp dân chủ" để ghép vào "cơ thể sống xã hội". Cuộc cấy ghép có thể thành công, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ bị cơ thể đào thải.
Trọng Thành
Pháp : Truyền thống bán lịch cuối năm của nhân viên bưu điện
Ngày Giáng sinh 25/12/2019, các nhật báo lớn của Pháp đều nghỉ, chỉ có Le Monde ra báo giấy liền hai số.
Lịch của ngành Bưu chính Viễn thông, năm 1887, "Thánh Paul trên đường đến Damascus", in tại nhà in Oberthür. Flickr
Trong một bài viết, Le Monde nói đến truyền thống bán lịch và bưu thiếp cuối năm của nhân viên bưu điện, "một ngành kinh doanh lên đến 100 triệu euro".
Hàng năm, khoảng 8 đến 10 triệu cuốn lịch, tất cả đều được in tại Pháp, được nhân viên ngành bưu điện chào bán cho người dân. Truyền thống "mừng tuổi" này có từ thời vua Louis XIV và được phổ biến từ năm 1853 nhờ François-Charles Oberthür, sống ở vùng Alsace (phía đông nước Pháp). Để cảm ơn nhân viên bưu điện phát thư, người dân có thể mua lịch hoặc thiệp chúc mừng với giá tùy tâm, nhưng thường dao động từ 8 đến 10 euro.
Tại Pháp, hiện có ba nhà in lớn chuyên nhận đặt in lịch của người phát thư, trong đó Oberthur chiếm đến 40% thị trường. Các nhà in không có hợp đồng chính thức với Bưu điện Pháp (La Poste), ngoài việc đồng ý cho in logo của La Poste trên lịch để chứng thực "hàng thật".
Việc bán lịch là ý tưởng của từng cá nhân. Vì nhân viên ngành bưu điện không có lương tháng thứ 13, như một số ngành nghề khác, nên hàng năm, họ có thể bán thêm lịch và bưu thiếp tại khu vực hoạt động hàng ngày của họ để bù khoản "thất thu" này. Nhiều nhân viên sẵn sàng nghỉ một tuần, chỉ để đi gõ cửa từng nhà bán lịch.
Ngay từ tháng Ba hàng năm, nhân viên bưu điện đặt mẫu lịch và số lượng trên website của các nhà in. Đứng đầu Top 10 các mẫu ảnh được sử dụng nhiều vẫn là hình ảnh đơn điệu như những chú chó, chú mèo, phong cảnh. Một số nhà in gợi ý nên có thêm "những lời khuyên, công thức nấu ăn, chuyện cười, hình ảnh các đức thánh, hay cảnh thủy triều lên đối với những vùng duyên hải…".
Tổng giám đốc nhà in Oberthur cho biết : "Chúng tôi in thành ba đợt, vào tháng 06, tháng 07 và tháng 09. Thông thường, người phát thư không ứng tiền trước. Họ thanh toán vào tháng Giêng, sau khi nhận được tiền mừng tuổi". Một số khác thì thanh toán thành 10 lần trong năm. Nhà in Oberthur có khoảng 30.000 nhân viên bưu điện là khách hàng và những "khách hàng trung thành" cũng được tri ân với "những món quà nhỏ".
Tuy nhiên, dường như người dân Pháp, đặc biệt là ở Paris, không hiểu hết được công sức của người đưa thư. Người đưa thư mua mỗi một cuốn lịch với giá từ 1,81 đến 1,82 euro, bỏ công đến kho để vận chuyển, sau đó gõ cửa từng nhà, nhưng thông thường người dân chỉ tặng 5 euro.
Nghệ sĩ ballet Opéra de Paris đình công bằng cách... biểu diễn ngoài đường
Thay vì khiến người dân Paris khốn đốn vì đi lại như phong trào đình công của ngành giao thông công cộng, các nghệ sĩ múa ballet của Nhà hát Paris (Opéra de Paris) có cách đình công riêng. Bất chấp cái lạnh 9 độ C, khoảng 40 nghệ sĩ múa, trong trang phục váy xòe trắng và biểu diễn vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga ngay trước cửa Nhà hát vào ngày 24/12/2019.
Họ cũng là những người được hưởng quy chế đặc biệt, như nhân viên ngành đường sắt và điện lực. Nhà hát Opéra Paris và Nhà hát kịch Pháp là hai cơ quan văn hóa nằm trong loạt cải cách của chính phủ. Quy chế đặc biệt của Opéra Paris là một trong những quy chế lâu đời nhất của Pháp, có từ năm 1698, dưới thời vua Louis XIV.
Trang mạng báo Le Monde cho biết, từ 15 ngày nay, các nghệ sĩ đình công để phản đối kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhiều buổi biểu diễn đã bị hủy. Alexandre Carniato, một nghệ sĩ 41 tuổi, cho biết : "Từ năm 8 tuổi, người ta đã khắc trong tâm trí chúng tôi là chúng tôi có một nhiệm vụ cao cả và chúng tôi sẽ múa cho Nhà hát Opéra Paris, biểu tượng cho nước Pháp". Một nghệ sĩ khác cho rằng "Toàn bộ Nhà hát bị ảnh hưởng. Nền nghệ thuật của chúng ta đang gặp nguy hiểm".
Biểu diễn chân trần, trên nền đá cứng trước cả nhà hát, những nghệ sĩ múa ballet muốn cho công chúng thấy những khó khăn của nghề, như giải thích của Alexandre Carniato : "Đó là 15 năm cống hiến, đó là công việc hàng ngày. Và để đạt được đến trình độ này, phải chấp nhận giới hạn và gò bó. Nếu công chúng còn muốn tiếp tục thấy những nghệ sĩ múa xinh đẹp, họ không thể nào tiếp tục làm việc đến năm 64 tuổi. Đây là điều không thể".
Hiện tại, chế độ đặc biệt cho phép các nghệ sĩ "nghỉ hưu" vào năm 42 tuổi, căn cứ vào "mức độ nặng nhọc" của nghề, cũng như nguy cơ chấn thương hoặc khó có thể để một nghệ sĩ cao tuổi tiếp tục biểu diễn với yêu cầu nghệ thuật cao trong những vở kịch lớn.
20 ngày đình công : Ngành đường sắt Pháp thất thu 400 triệu euro
Ngày Giáng sinh nhưng cũng là ngày đình công thứ 21 tại Pháp. Tân tổng giám đốc Nghiệp đoàn Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) thẩm định mỗi ngày thất thu 20 triệu euro, như vậy tổng cộng là 400 triệu euro tính từ đầu cuộc đình công, chưa kể những chi phí gián tiếp, chỉ có thể được thẩm định sau này.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde, tân tổng giám đốc SNCF Jean-Pierre Farandou khẳng định : "Từ giờ, mọi thứ đã được đặt trên bàn (đàm phán)", trừ quy chế đặc biệt, đã bị xóa trong đợt cải cách 2018. Có hai biện pháp đang được tiến hành để áp dụng quy định mới : Tính toán lương hưu cho khoảng 40% nhân viên (50.000 người) thuộc giai đoạn chuyển tiếp ; tính lương hưu cho những người thuộc hệ thống mới. Vấn đề tiếp theo là nâng dần tuổi nghỉ hưu, hiện là 52 tuổi đối với lái tầu và 57 tuổi đối với những nhân viên còn lại.
Từ năm 2020, công ty đường sắt Pháp sẽ có nhiều thay đổi. Trước tiên là chuyển sang quy chế mới, gồm nhiều công ty vô danh thay vì chỉ gồm những công ty công như trước đây. Mỗi công ty sẽ phải chặt chẽ về tài chính và phải biết tự quản lý nợ. Tiếp theo, công ty sẽ không tuyển nhân viên theo quy chế đặc biệt, mà theo hợp đồng lao động thông thường như những ngành nghề khác.
Ngành đường sắt Pháp nổi tiếng với "bản sắc riêng" thông qua những cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi, dấn thân... Nhưng thêm vào đó, tân tổng giám đốc SNCF muốn thêm một chút "linh động, táo bạo, canh tân, trách nhiệm và phi tập trung". Theo ông, đó không phải là "biến đổi" mà chỉ là "quá độ" trong công ty SNCF.
SNCF - RATP : Hai tốc độ đàm phán khác nhau
Trong ngày đình công thứ 21, không có bất kỳ chuyến tầu cao tốc nào hoạt động vào sáng 25/12. Tại Paris, tuyến tầu A xuyên vùng Ile-de-France đóng cửa hoàn toàn, metro hoạt động cầm chừng trong giờ cao điểm.
Trên website, Le Figaro đặt câu hỏi : "Tại sao các cuộc đàm phán với SNCF lại nhanh hơn so với RATP ?". Thực vậy, với ngành đường sắt SNCF, chính phủ đã tìm được một số tiền đề thỏa thuận, trong khi hướng giải pháp với công ty giao thông công cộng Paris và Ile-de-France (RATP) lại bị lùi sang năm 2020.
Chủ tịch nghiệp đoàn CGT tại RATP cho rằng nhân viên ngành giao thông cộng cộng Paris - Ile de France "bị đối xử không tốt bằng nhân viên ngành đường sắt. Bởi vì có thể là do chúng tôi làm phiền ít hơn". Trong khi chính phủ vội vàng tìm ra được một tiếng nói chung với nghiệp đoàn UNSA-ferroviaire, một trong hai nghiệp đoàn ủng hộ cải cách, trước đợt đi lại lớn dịp cuối năm, thì "deal" tương tự đã không được đề xuất với RATP, bởi vì, theo Le Figaro, rất nhiều người dân Paris đi nghỉ vào dịp này.
Le Monde nhận định : "Cải cách hưu trí : không có "hưu chiến" đối với chính phủ". Điện Matignon cho biết thủ tướng Edouard Philippe chia đổi thời gian nghỉ lễ giữa Paris và vùng Normandie. Lãnh đạo bộ Giao thông Pháp "luôn túc trực ở Paris". Tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra kín tiếng. Ông sẽ gửi lời chúc mừng Năm Mới đến người dân vào tối 31/12 như thường lệ.
Algeria : Bước ngoặt trên thượng tầng sau khi tướng Gaïd Salah qua đời ?
Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde đề cập các sự kiện "Algeria : tướng Gaïd Salah qua đời, làm đổi hướng quân bài trên thượng tầng Nhà nước" ; "Vụ Khashoggi : giới thân cận của "MBS" (Mohammad bin Salman) được trắng án" ; "Tiến trình cải cách Giáo triều khó khăn đối với giáo hoàng".
Trang nhất của Le Monde cho rằng việc tướng Gaïd Salah, tổng tư lệnh quân đội Algeria, một nhân vật quan trọng trên chính trường, đột ngột qua đời chỉ một ngày sau khi quốc gia Bắc Phi này có tân tổng thống, đang định hình lại hệ thống chính trị Algeria. Từng ủng hộ chế độ Bouteflika, nhưng tướng Gaïd Salah đã lùi bước trước sức ép của công chúng.
Đối với một số người ủng hộ vị tổng tự lệnh, tướng Gaïd Salah đã giúp Algeria tránh một được bể máu. Nhưng đối với những người đối lập, tướng Gaïd Salah đã tận dụng phong trào phản kháng (Hirak) của dân chúng để lật đổ bè phái Bouteflika. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa vị tổng tư lệnh và công chúng lại trở nên xấu đi do tướng Gaïd Salah yêu cầu nhanh chóng tổ chức bầu tổng thống, trong khi người biểu tình đòi một chuyển tiếp dân chủ có thương lượng. Ông Gaïd Salah xuất hiện ở khắp nơi, làm lu mờ hình ảnh quyền tổng thống Abdelkader Bensalah.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, tổng thống tân cử Algeria là nguyên thủ có được ít số phiếu bầu nhất, do gần 70% người dân tẩy chay cuộc bầu cử, vì nhân vật này từng là thứ trưởng trong chính quyền cũ.
Vụ Khashoggi : Giới thân cận của "MBS" được trắng án
Tư pháp Saudi Arabia đã tuyên 5 bản án tử hình hôm 23/12/2019 trong vụ ám sát nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, theo Le Monde, hai nhân vật thân cận của hoàng thái tử Mohammed Ben Salman lại được trắng án : Người thứ nhất là Ahmed Al Assiri, nhân vật số 2 trong ngành tình báo Saudi Arabia, cựu phát ngôn viên của liên quân Ả Rập tấn công vào Yemen, do "không có đủ bằng chứng" ; người thứ hai là Saoud al Qahtani, cố vấn truyền thông của hoàng thái tử.
Ankara đánh giá bản án "không đáp ứng trông đợi" của Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng bản án là "lời chế nhạo ngành Tư pháp". Riêng bộ Ngoại Giao Pháp, đến sáng 24/12, chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Thu Hằng
Phong trào phản kháng Hồng Kông : Giáo phận bị chia rẽ
Báo công giáo La Croix hướng về giáo phận Hồng Kông và phong trào đấu tranh dân chủ tại đặc khu hành chính Trung Quốc. Trong bài viết "Người Công giáo Hồng Hông bị chia rẽ trước các cuộc phản kháng", đặc phái viên Dorian Malovic của La Croix cho biết mặc dù đông đảo thanh niên Công giáo rất hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh trong suốt 6 tháng qua, nhưng các chức sắc Giáo phận Hồng Kông vẫn cực kỳ thận trọng, dè dặt, do sợ Bắc Kinh mếch lòng.
Hồi giữa tháng 11/2019, vào ngày thứ 15 Đại học Bách Khoa Hồng Kông bị cảnh sát bao vây, các nhà báo, những nhà làm công tác xã hội và cứu hộ đã có ấn tượng mạnh mẽ về lòng can đảm của giám mục phụ tá Giáo phận Hồng Kông Giuse Hạ Chí Thành, người khi đó hết sức bình tĩnh thương lượng với lực lượng cảnh sát đang vây quanh ông để giải cứu những sinh viên cuối cùng còn bám trụ trong trường, không để họ bị cảnh sát bạo hành hay bắt đi.
Giám mục phụ tá Giuse Hạ Chí Thành chưa bao giờ ngần ngại lên tuyến đầu kể từ khi nổ ra phong trào phản kháng xã hội chống chính phủ hồi cuối tháng 06. Một nhà hoạt động xã hội tích cực ca ngợi Cha Giuse Hạ Chí Thành là một người hùng, một người tốt, gần gũi với nhân dân, thậm chí một số người còn muốn theo Công giáo khi thấy ông ngược xuôi trên địa bàn suốt 6 tháng qua.
Nhiều tín đồ Công giáo và Tin Lành thường có mặt trong đoàn người biểu tình. Qua tiếng hát, họ xoa dịu cả những người tuần hành và cảnh sát. Thế nhưng, sự tham gia của họ không nhận được sự đồng tình tuyệt đối trong nội bộ Giáo phận Hồng Kông. Giáo phận Hồng Kông không dám tham gia chính thức vào phong trào. Mặc dù nhiều tu sĩ trẻ đứng về phía người biểu tình bằng cách mở cửa nhà thờ cho họ vào ẩn náu khi cảnh sát đi vây bắt người biểu tình, nhưng nhiều cha xứ cao tuổi hơn lại từ chối để người biểu tình ẩn náu, nhiều tín đồ Công giáo cũng không muốn Giáo phận chỉ trích chính phủ.
Trong khi rất nhiều cha xứ cho phép các tín đồ hát "quốc ca" của người biểu tình "Vinh quang cho Hồng Kông" sau các buổi lễ, nhưng giáo phận Hồng Kông thì nghiêm cấm. Nhiều cha xứ trẻ tuổi sợ phải phát biểu công khai về quan điểm của họ vì lo sợ bị Giáo phận khiển trách, mặc dù họ rất tích cực "bên trong hậu trường", ngầm bảo vệ các học sinh, quyên góp quần áo và thực phẩm cho người biểu tình.
Một số tín đồ Công giáo Hồng Kông tỏ ra thất vọng về Giáo phận, nhiều tín đồ trẻ tuổi rất có cảm tình với hình mẫu giáo phận Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào chiến dịch lật đổ chế độ độc tài năm 1987.
1979, năm ma trận của thế giới
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2019 khép lại, báo Le Monde nhìn lại các sự kiện năm 1979, cách nay tròn 40 năm. Trong mục Ý tưởng, Le Monde giới thiệu bài viết của sử gia Justin Vaïsse, tổng giám đốc Diễn đàn Paris về hòa bình : "1979, năm ma trận của thế giới".
Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 trong bối cảnh có nhiều thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, nhưng theo sử gia Justin Vaïsse, những biến chuyển đó thực chất bắt nguồn từ trước đó cả chục năm, tức là vào năm 1979.
Vào năm 1979, Margaret Thatcher được bầu lên làm thủ tướng Anh, đánh dấu bước khởi đầu của các chính sách tân tự do ở nhiều nước phát triển, đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, nhưng cũng khoét sâu bất bình đẳng xã hội. Còn tại Châu Á, các chính sách kinh tế do Đặng Tiểu Bình phát động hồi cuối năm 1978 đã "đánh thức" Trung Quốc, mang lại cho quốc gia này tỉ lệ tăng trưởng kinh tế gần 10% hàng năm, làm xáo trộn thế cân bằng thế giới, kéo theo sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi, nhất là trong những năm 2000.
Về địa chính trị, cuộc cách mạng Iran và cuộc xâm lược Iraq cho Liên Xô tiến hành đã làm đảo lộn thế cân bằng trong thế giới Hồi giáo, đẩy nhanh sự sụp đổ của đế chế Xô Viết và đưa thế giới vào thời kỳ tái khẳng định, củng cố bản sắc, nhất là trong thế giới Hồi giáo. Sự thách thức Giáo chủ Khomeyni của Iran nhắm vào Saudi Arabia trở thành cuộc đua về vị trí lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Chính điều này đã kích thích sự phát triển của Hồi giáo cực đoan. Đương nhiên, Hồi giáo cực đoan đã tồn tại từ trước đó, trong các cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa, nhưng từ năm 1979 Hồi giáo cực đoan vượt lên trên cả chủ nghĩa liên ả rập hay cộng sản.
Hệ quả thứ hai là cuộc Cách Mạng Iran 1979 đã biến sự đối lập giữa hệ phái Shia và hệ phái Sunni thành một ván bài địa chiến lược. Kể từ năm 2003, chiến dịch xâm lược Iraq của Mỹ làm đất nước vốn do hệ phái Sunni lãnh đạo gia nhập phe của các nước theo hệ phái Shia, làm trầm trọng thêm mối thâm thù giữa Riyadh và Tehran, hai nước có vai trò lãnh đạo lớn nhất Trung Cận Đông hiện nay.
Liên quan tới Afghanistan, vào Giáng sinh năm 1979, khi tấn công quân sự vào nước này, Liên Xô vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của cả đất nước Hồi giáo, vốn được sự hậu thuẫn về cả vũ khí và tiền bạc từ các kẻ thù của Moskva là Mỹ, Saudi Arabia, Pakistan, và dần dần Liên Xô phải đối phó với cả hàng chục ngàn người Hồi giáo của các nước Trung Cận Đông tình nguyện chiến đấu chống lại lực lượng xâm lược vô thần.
Công cuộc kháng cự của những người Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì đức tin và của những người Ả Rập tự nguyện chiến đấu đã tạo ra ma trận chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hiện đại, thông qua những người như Abdallah Azzam, người truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan, Usama bin Laden, người đã đổi hướng quay lại chống Tây phương, những người tình nguyện chiến đấu từ khắp nơi trên thế giới đến Afghanistan, rồi đến các vùng đất Hồi giáo cực đoan khác như Algeri, Bosnia, Chechnya… al-Qaeda, tổ chức của Usama bin Laden, bắt nguồn từ Hồi giáo cực đoan Afghanistan, đã nhiều lần chống lại các lợi ích của Mỹ, cho đến ngày tấn công khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/09/2001.
Cỗ máy khủng khiếp khởi động : việc Mỹ đáp trả quân sự bằng các cuộc tấn công Afghanistan (2001) và Iraq (2003) khiến Hồi giáo cực đoan tăng cường chiêu mộ chiến binh, đẩy mạnh việc tái khẳng định bản sắc và cứ như vậy tạo thành một vòng luẩn quẩn. Sau al-Qaeda là đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và các miền đất mới của Hồi giáo cực đoan xuất hiện : Iraq, Syria, Libya, Sahel, Châu Phi cận Sahara.
Thế nhưng, ai phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra vào năm 1979 ? Theo sử gia Justin Vaïsse, phải kể tới cuộc cách mạng Iran, các chính sách hiện đại hóa chuyên quyền độc đoán. Liên quan đến Afghanistan, cuộc xâm lược của Moskva, rồi cuộc chiến tranh chống nổi loạn là điểm khởi đầu. Nhưng trách nhiệm cũng thuộc về chính quyền Mỹ và một nhân vật "rất diều hâu", Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh của tổng thống Jimmy Carter. Không chỉ ủng hộ những chiến binh chiến đấu vì đức tin Hồi giáo cực đoan để làm suy yếu Liên Xô, ông ta còn tạo ra cái bẫy Afghan bằng kích thích các phe đối lập của chế độ thân Xô Viết.
Về phía Afghanistan, năng lực yếu kém và sự tàn bạo của các nhà lãnh đạo nối tiếp nhau (Taraki và Amin) khiến điện Kremlin lo ngại về việc sẽ đánh mất chế độ thân Xô Viết này, và quyết định phải can thiệp quân sự. Về phía Mỹ, Brzezinski ngày càng ủng hộ sự hậu thuẫn của tình báo Mỹ CIA dành cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì đức tin tôn giáo, thông qua tình báo Pakistan và tiền của Saudi Arabia. Sau này, vào thời tổng thống Ronald Reagan, Quốc Hội Mỹ thông qua việc chi thêm rất nhiều ngân sách giúp Afghanistan kháng cự Liên Xô và chuyển giao cho họ cả tên lửa phòng không Stinger.
Liệu có nên trách cứ các nhà hoạch định chính sách hồi năm 1979 đã tạo ra thế giới như bây giờ ? Sử gia Justin Vaïsse kết luận, không thể có chuyện chỉ có một người, cho dù có quyền lực cao đến thế nào đi chăng nữa, có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, điểm giao nhau của nhiều sự thay đổi cơ bản mới có ý nghĩa quyết định.
Hàng giả và những con số cao "chóng mặt"
Giáng sinh là dịp người dân bận rộn mua sắm quà cáp tặng cho gia đình, người thân. Nhưng không phải ai cũng chắc chắn món hàng mình mua không phải là hàng giả, hàng nhái. "Bao nhiêu món quà Giáng sinh là hàng giả "made in Fake Economy ?" là tiêu đề một bài viết trong mục Ý kiến và Tranh luận của báo kinh tế Les Echos.
Theo số liệu mới đây của Cơ quan Châu Âu về sở hữu trí tuệ, mỗi năm, số lượng hàng nhái, hàng giả nhập vào Liên Hiệp Châu Âu có tổng giá trị lên đến 85 tỉ euro. Các nạn nhân lớn nhất Châu Âu chính là Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hàng giả làm PIB hàng năm của Liên Âu thiệt hại tới 60 tỉ euro, làm mất tới 434.000 việc làm. Riêng Pháp mất gần 30.000 việc làm vì Fake Economy.
Năm 2018, chỉ riêng Hải quan Pháp tịch biên 1,8 triệu món hàng thời trang, đồ trang sức giả, nhưng Les Echos nhấn mạnh hàng hóa của tất cả các lĩnh vực đều bị làm nhái : từ phần mềm máy tính, thuốc men, đồ chơi, phụ tùng xe hơi, cho đến những loại hàng cực kỳ nhạy cảm như thiết bị liên quan đến vũ khí, hạ tầng năng lượng, thậm chí cả hạt nhân. Fake Economy không chỉ gây tác hại với tăng trưởng kinh tế và việc làm mà còn liên quan đến vấn đề an toàn cho người sử dụng.
"Nền kinh tế hàng giả" đứng đầu thế giới là Trung Quốc (hơn 80%), nhất là miền tây nước này. Tác giả bài viết, Emmanuel Maurel, nhấn mạnh đã đến lúc Châu Âu cần phản ứng chống "nền kinh tề hàng giả" đang ngầm phá hoại Liên Hiệp, cần mở rộng quyền của Hải quan, trao cho họ nhiều phương tiện phù hợp hơn nữa, cả về pháp lý và tài chính. Các mối quan hệ thương mại giữa Liên Âu và Trung Quốc cũng phải kèm theo mục đích phá hủy Fake Economy, tức là Trung Quốc phải đóng cửa các "nhà máy sao chép".
"Nền kinh tế hàng giả" phát triển mạnh cũng là nhờ phương thức bán hàng trực tiếp trên mạng internet, qua các trang như Alibaba và nhất là Amazon và các dịch vụ chuyển phát hàng. Vì thế, "các tòng phạm" này không thể không bị trừng phạt.
Trang nhất các báo Pháp
Nhìn sang Châu Á, Le Monde quan tâm đến phong trào phản kháng xã hội tại Ấn Độ sau khi New Delhi cho thông qua luật mới về quyền công dân, bị cho là nhắm vào người Hồi giáo. Le Monde chạy tựa trang nhất : "Ấn Độ : Xã hội dân sự thức tỉnh để đối phó với thủ tướng Modi". Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nói tới cuộc khủng hoảng lịch sử của Boeing mang tên 737MAX : "Tập đoàn Boeing hy sinh chủ doanh nghiệp khi đang ở giữa tâm bão".
Báo Le Figaro lại quan tâm đến người theo Công giáo tại Trung Đông qua hàng tựa : "Làn sóng di cư đáng lo ngại của người Công giáo Trung Đông". Từ Iraq, qua miền Đất Thánh, tới Syria, hàng loạt Giáo dân ngoan đoạn ở Trung Đông phải ra đi, vì lo sợ về sự bất ổn, mất an toàn do Hồi giáo cực đoan và các vụ khủng bố bài Công giáo. Tại Iraq, hiện nay chỉ còn 300.000 Giáo dân, so với con số 1,5 triệu hồi năm 2003, thời điểm trước khi chế độ độc tài Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ. Trong vòng một thế kỷ, tỉ lệ dân Trung Đông theo Công giáo giảm từ 20% xuống còn 2-3%. Hàng năm, nước Pháp vẫn đón tiếp vài ngàn Giáo dân từ Trung Đông, nhất là từ Iraq.
Thùy Dương
Gần ngày Noël, nhiều tờ báo Pháp đề cập đến chủ đề đạo Thiên Chúa. Nhật báo Le Figaro đưa độc giả đến Trung Quốc qua bài viết có hàng tựa gây sự tò mò : "Tập Cận Bình muốn viết lại Kinh Thánh theo đường lối của Đảng".
Le Figaro cho hay, "từ giờ trở đi Kinh Thánh sẽ phải tuân thủ theo kinh Mác-Lê pha trộn "màu sắc Trung Quốc" và các câu chuyện của Chúa Giê-su sẽ phải ở trong đường lối của đảng cộng sản". Bắc Kinh vừa mở cuộc tấn công mới nhằm "Trung Quốc hóa" tôn giáo. Lần này họ nhằm vào các giáo lý, không chỉ của Thiên Chúa giáo mà cả kinh Coran của Hồi giáo cho đến những lời răn của Phật.
Theo Le Figaro, trong một hội nghị về tôn giáo hôm 6/11/2019, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu đại diện của các tôn giáo chính ở Trung Quốc phải sửa đổi các bản dịch dẫn chiếu kinh sách sao cho phù hợp với "đòi hỏi của thời kỳ mới". Có thể hiểu cái "thời kỳ mới" ở đây chính là "kỷ nguyên của Tập Cận Bình" với tư tưởng đã được đưa vào Hiến pháp hồi năm 2018, tờ báo nhận xét.
Hội nghị nói trên, do ông Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, chủ trì. Le Figaro trích dẫn báo cáo của hội nghị có đoạn : "Cần phải đánh giá lại toàn bộ các bản dịch hiện nay của các tôn giáo truyền thống. Những nội dung không phù hợp, cần phải sửa đổi và phải dịch lại các văn bản".
Le Figaro cho biết thêm : Đại diện của các tôn giáo chính tại Trung Quốc đã được triệu tập để nghe truyền đạt các quyết định của Hội nghị Trung ương 4 của đảng cộng sản họp hồi cuối tháng 10, theo đó khẳng định vai trò tuyệt đối của hệ tư tưởng cộng sản đối với xã hội.
Trước các chức sắc tôn giáo ở Trung Quốc, ông Uông Dương nhấn mạnh "tầm quan trọng căn bản việc diễn giải các giáo lý và quy tắc tôn giáo là nhằm mục đích dần dần hình thành một hệ thống tư tưởng mang đặc sắc Trung Quốc".
Tờ báo bình luận : Từ khi thành lập, nước Cộng hòa nhân dân này đã giám sát chặt các tôn giáo, đưa họ vào khuôn khổ của các tổ chức "ái quốc", nhưng lệnh thay đổi thuyết giáo lần này đánh dấu một ngưỡng mới trong quyết tâm của Tập Cận Bình muốn bóp nghẹt mọi quan điểm đối lập với Đảng.
Tổ chức phi chính phủ đấu tranh về tự do tôn giáo trên thế giới Better Winter cho biết : Chính quyền Trung Quốc căng khẩu hiệu tuyên truyền trên các nhà thời Hồi giáo như trong vùng tự trị Ninh Hạ. Gần đây, chân dung của Tập Cận Bình còn thay chỗ ảnh của Đức Mẹ Maria trong một trường công giáo ở tỉnh Giang Tây. Le Figaro cũng không quên nhắc đến tỉnh Tân Cương, nơi có hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị truy bức bằng đủ mọi hình thức.
Nhà sử học độc lập ở Bắc Kinh, Chương Lập Phàm, bản thân ông cũng bị chính quyền theo dõi, nhận định : "Chế độ cộng sản là một giáo phái và họ nhìn Phật giáo Tây Tạng, Công giáo, Hồi giáo như là những tư tưởng đối địch. Gia tăng kiểm soát tôn giáo, trên thực tế đã bộc lộ nỗi lo sợ xã hội thoát khỏi tầm kiểm soát của họ".
Tuy nhiên một số nhà quan sát cảnh báo nguy cơ "gậy ông đập lưng ông đối với đảng cộng sản khi muốn mở rộng uy quyền sang địa hạt tín ngưỡng".
Chuyên gia về tôn giáo Trung Quốc Nhậm Diên Lê (Ren Yanli) được Le Figaro trích dẫn nhận xét : "Việc thắt chặt kiểm soát tôn giáo sẽ phản tác dụng như đã thấy trong nhiều thập kỷ qua. Chính quyền có nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, kinh tế, xã hội chứ không phải lãnh đạo niềm tin. Một số lãnh đạo dường như không hiểu điều đó".
Úc : Mùa hè rực lửa
Chuyển qua báo Libération. Tờ báo dành kín trang nhất cho bức ảnh đám cháy rừng rực lửa ở Úc trước một người lính cứu hỏa bất lực trước thảm họa.
Nước Úc đang bắt đầu mùa hè cực nóng và thiếu mưa vì thế mới xảy ra các vụ cháy rừng quy mô rộng lớn chưa từng thấy. Báo Pháp nhìn tai họa đổ xuống Úc xa hơn nhiều một trận thiên tai địa phương.
Xã luận của Libération gọi đó là "thảm họa quốc tế". Tờ báo bình luận : Tương lai của chúng ta có sẽ như Úc không ? Những gì mà Úc đang phải hứng chịu liệu có là định mệnh chung ? Trong khi người ta vẫn cố tìm những dấu vết của cuộc khủng hoảng khí hậu ở miền cực bắc địa cầu thì hậu quả của nó đang diễn ra nhãn tiền ở miền nam bán cầu. Nước Úc đang là tầm gương phóng to tương lai môi sinh cũng như chính sách về môi trường. Cũng giống như ở Brazil và Mỹ hay Nga, chính phủ Úc được lãnh đạo bởi một người thờ ơ với những mối nguy cơ của khí hậu, tồi tệ hơn đó còn là người phủ nhận những tác động của biến đổi khí hậu.
Xã luận tờ báo viết tiếp : "Úc có số dân ít hơn Pháp ba lần nhưng lại phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn. Úc sử dụng năng lượng từ than đá là chính và chính phủ Úc không có ý định thay đổi căn bản tình trạng này. Theo đầu người, Úc ở vị trí thứ 2 thế giới về phát thải ô nhiễm… vì thế mà nước này là một trong những nạn nhân chính" của biến đổi khí hậu.
Xã luận Libération kết luận : "Chính người lãnh đạo mù quáng, ngạo mạn với tư duy hoài nghi về khí hậu đang đặt nhân loại trong nguy hiểm".
Pháp : Đình công biểu tình, xe đạp lên ngôi
Chuyển qua với thời sự Pháp. Sát đến kỳ nghỉ lễ, các cuộc tranh luận xung quanh dự án cải cách hưu bổng vẫn lác đác nhắc đến trên các mặt báo, trong khi mà các cuộc đình công đã giảm nhiệt.
Báo Le Figaro đề cập đến một khía cạnh mới sau phong trào đình ở rộng khắp nước Pháp. Tờ báo ghi nhận qua hàng tựa chính trang nhất : "Với đình công, xe đạp ngự trị trong thành phố". Do các giao thông công cộng bị tê liệt, không có phương tiện đi lại, trong các thành phố lớn, xe đạp giờ đây là phương tiện được mọi người ưa chuộng và dần trở thành xu hướng di chuyển trong các thành phố. Từ là giải pháp để đối phó với đình công, xe đạp bắt đầu thuyết phục và hấp dẫn người dân đô thị Pháp. Tờ báo ghi nhận như vậy là "một cuộc cách mạng nho nhỏ đã để lại dấu ấn" ít nhiều mang tính tích cực. Riêng tại Paris, nhu cầu xử dụng thuê xe đạp Velib tăng 50%. Số lượng người dùng xe đạp tăng 250%.
Xu hướng sử dụng xe đạp sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần trong giao thông đô thị Pháp. Ở Paris giờ đây người ta thấy những dòng xe đạp ngược xuôi, mang dáng dấp của các thành phố như Amsterdam hay Copenhagen, những thủ đô xanh do ít phương tiện gây ô nhiễm nhờ xe đạp.
Noël Paris không Nhà thờ Đức Bà
Vẫn về nước Pháp dịp Noël. Nhật báo Le Parisien nói về Noël đầu tiên thủ đô Pháp không có Nhà thờ Đức Bà. Đây là hoàn cảnh chưa từng có từ 2 thế kỷ nay.
Những tín đồ, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Paris dịp Noël này sẽ không còn được được dự buổi thánh lễ nửa đêm 24/12 tại Nhà thờ Notre-Dame như mọi năm.
Tám tháng sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi công trình lịch sử tôn giáo hàng đầu của Pháp, nhân dịp này tờ báo dành lời cho những người mà tờ báo gọi là những kẻ mồi côi Đức Bà. Tất cả đều có chung một ước nguyện được sớm thấy lại Đức Bà.
Trong một bài báo khác, Le Parisien điểm lại câu chuyện tái thiết công trình xây dựng nhà thờ này đầy căng thẳng, gây không ít tranh cãi, trong khi mà các nguồn tiền tài trợ tiếp tục ùn ùn đổ về cho đến tận kỳ Noël này.
Còn Libération thì cho biết, công trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ chỉ có thể bắt đầu vào năm 2021, sau khi tháo gỡ hết hệ thống giàn giáo bảo vệ an toàn công trình. Ngay cả công đoạn này cũng diễn ra hết sức phức tạp và nhiều rủi ro.
Tuy nhiên tờ báo cho biết du khách khắp nơi, dù không thể đông như vốn thấy, vẫn đổ đến thăm Nhà thờ Đức Bà trong dịp lễ năm nay. Tuần trước bên ngoài tường chắn bảo vệ công trình, thành phố cho trưng bày những bức ảnh ghi lại những công đoạn phục dựng nhà thờ từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn.
Anh Vũ
Dân Hồng Kông sợ chung số phận với người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 22/12/2019)
Đông đảo người dân Hồng Kông đấu tranh vì dân chủ đã tập trung chiều 22/12/2019 để tỏ lòng liên đới với người Duy Ngô Nhĩ. Nhiều người so sánh số phận của họ với tộc người theo Hồi giáo ở Tân Cương.
Người Hồng Kông biểu tình ủng hộ dân Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ngày 22/12/2019. REUTERS/Lucy Nicholson
Khoảng 1.000 người đã tập trung ở một quảng trường nhìn ra biển, trên đảo Hồng Kông. Nhiều diễn giả lên phát biểu, khẳng định chế độ Bắc Kinh có thể trấn áp Hồng Kông, với những biện pháp đang được áp dụng ở Tân Cương.
Một người phát biểu : "Chúng ta không được quên những người chia sẻ cùng mục tiêu với chúng ta, đấu tranh vì tự do, vì nền dân chủ và phẫn nộ chống đảng cộng sản Trung Quốc".
Một công chức khẳng định với AFP : "Chính phủ Trung Quốc bị ám ảnh về kiểm soát, họ không dung thứ cho những ý kiến trái ngược. Họ sẽ làm tương tự với Hồng Kông những gì họ làm ở Tân Cương khi họ chiếm được thành phố này".
Rất nhiều người giương cờ "Đông Turkestan". Lực lượng cảnh sát đã đến giải tán cuộc tập hợp sau khi một số người biểu tình trèo lên tháo cờ Trung Quốc trên một toàn nhà chính phủ ở bên cạnh.
Người Hồi giáo Malaysia tuần hành ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ
Trong khi đó, hơn 100 thành viên của nhiều tổ chức Hồi giáo Malaysia đã tập trung ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, trước trung tâm hội nghị Bangi Avenue Convention Centre, ở Kajang, ngoại ô Kuala Lumpur, nơi sứ quán Trung Quốc tổ chức chương trình Vẻ Đẹp Văn Hóa Tân Cương.
Trang Malaymail ngày 21/12/2019 cho biết cuộc tập hợp được tổ chức để phản đối chính sách tuyên truyền sai lệch của chính quyền Bắc Kinh, vì theo một người biểu tình, "người Duy Ngô Nhĩ vẫn bị trấn áp và bị cách ly, bị tập trung trong các trại cải tạo".
Thu Hằng
**************
Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un họp Quân ủy Trung ương (RFI, 22/12/2019)
Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 22/12/2019 loan tin : Kim Jong-un đã triệu tập một cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington về hồ sơ hạt nhân.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ảnh không đề ngày được hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA công bố ngày 22/12/2019. KCNA via Reuters
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi với các tướng lĩnh quân đội về các biện pháp, phương tiện tăng cường sức mạnh quân sự cho chế độ Bình Nhưỡng.
Ông Kim chính là chủ tịch Quân ủy Trung ương. Kim Jong-un đã đưa ra những phân tích tình hình trong và ngoài nước và đề ra các yêu cầu, nêu một cách chi tiết hướng đi của Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Kim đặc biệt đề cập đến phòng thủ quốc gia và khả năng quân sự để tự vệ.
Phi cơ giám sát của Mỹ bay trên báo đảo Triều Tiên
Trang theo dõi hàng không dân sự Aircraft Spots hôm nay cho biết Hoa Kỳ đã cho phi cơ giám sát RCA-135W bay trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến bay được thực hiện vào cuối tuần này, nhưng Aircraft Spots không cho biết chính xác ngày bay. Đây là chuyến bay mới nhất trong hàng loạt chuyến bay giám sát mà phi cơ Mỹ thực hiện trong những tuần gần đây, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Bắc Triều Tiên tăng cao.
Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, hồi tuần trước, đã nói rằng Mỹ đã sẵn sàng cho "mọi tình huống" liên quan đến khả năng Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa.
Lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Hai 23/12/2019. Sau đó, hai lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Theo Reuters, mặc dù các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế, nhưng dường như Bắc Triều Tiên sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự.
Còn đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp hai nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm thứ Sáu 20/12 trong chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh, sau khi có cuộc gặp tương tự ở Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó. Các nhà ngoại giao của các nước đang nỗ lực để ngăn chặn cuộc đối đầu mới với chế độ Bình Nhưỡng.
Thùy Dương
********************
Bầu cử tổng thống Đài Loan : Thái Anh Văn dẫn đầu các cuộc thăm dò (RFI, 22/12/2019)
Bà Thái Anh Văn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến bỏ phiếu bầu cử tổng thống Đài Loan, sẽ diễn ra vào ngày 11/01/2020. Sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan, phong trào dân chủ ở Hồng Kông, cũng như sự ủng hộ về mặt quân sự của Washington với Đài Bắc là một số nguyên nhân giúp điểm tín nhiệm của đương kim tổng thống gia tăng.
Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận ở Chương Hóa ngày 28/05/2019 tại Đài Loan, mô phỏng một cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Reuters - Ảnh minh họa
Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò, được trang Channel News Asia đăng ngày 21/12/2019 trích dẫn, bà Thái Anh Văn, 63 tuổi, thuộc đảng Dân Tiến, nhận được từ 35% đến 50% ý định bầu, bỏ xa đối thủ Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng thuộc Quốc Dân Đảng, bị coi là thân Bắc Kinh, chỉ được từ 15% đến 30%.
Nhà phân tích chính trị Wang Yeh Lih, thuộc Đại Học Quốc gia Đài Loan, phân tích : "Tâm lý chống Trung Quốc ngày càng trở thành một yếu tố quyết định trong các cuộc thăm dò". Đảng Dân Tiến vận động bầu cử với khẩu hiệu : "Chống Trung Quốc, Bảo vệ Đài Loan" và kêu gọi cử tri nhìn vào trường hợp "Hồng Kông hiện nay có thể là sẽ là Đài Loan trong tương lai". Dù Hồng Kông được hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ", Bắc Kinh vẫn can thiệp sâu rộng vào đặc khu hành chính này.
Điểm tín nhiệm đối với tổng thống Thái Anh Văn bắt đầu gia tăng từ tháng 01/2019 sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một bài diễn văn, khẳng định thống nhất Đài Loan là "điều không tránh được" và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần. Tiếp theo, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Đài Bắc : khẳng định Đài Loan là thuộc phần lãnh thổ "một nước Trung Hoa thống nhất", cắt đường liên lạc chính thức, gia tăng sức ép quân sự và kinh tế, cô lập Đài Loan trên trường quốc tế…
Tuy nhiên, theo AFP, Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Đài Loan, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự. Trong Luật Ngân Sách Quân Sự năm 2020, được tổng thống Donald Trump ký ngày 20/12, Washington "ủng hộ việc tăng cường khả năng quốc phòng và khả năng chiến đấu của Đài Loan, phát triển huấn luyện chung, bán vũ khí cho nước ngoài và quan hệ giữa các sĩ quan cấp cao". Luật mới của Mỹ cũng yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đài Bắc trong "các lĩnh vực quân sự, kinh tế, thông tin, ngoại giao và internet".
Dân Cao Hùng chia rẽ trong việc chống và ủng hộ thị trưởng
Ngày 21/12, vài trăm nghìn người đã xuống đường tuần hành ở thành phố Cao Hùng, nhưng chia thành hai phe, một bên ủng hộ thị trưởng Cao Hùng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, bên kia đòi ông Hàn Quốc Du từ chức.
Phóng sự của thông tín viên RFI Adrien Simorre từ Cao Hùng :
"Một cuộc đọ sức thực sự đã diễn ra trên đường phố Cao Hùng, thành phố lớn thứ hai của Đài Loan. Đầu tiên là một cuộc tuần hành công dân được tổ chức để yêu cầu thị trưởng Hàn Quốc Du từ chức. Ông này cũng là ứng viên của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Lý do người biểu tình phản đối ông Hàn Quốc Du là cách quản lý thành phố không đúng đắn, nhưng sâu xa hơn là ông Hàn có quan điểm mập mờ với Bắc Kinh.
Eason, một sinh viên đại học Cao Hùng, hô vang : "Đài Loan, hãy thức tỉnh đi !". Anh nói : "Trước khi ứng viên Hàn Quốc Du xuất hiện, Quốc Dân Đảng không thân Bắc Kinh đến như này. Tôi không thực sự thích tổng thống hiện nay, nhưng ít nhất, tôi nghĩ rằng bà ấy có thể bảo vệ chủ quyền của Đài Loan trước Trung Quốc".
Chỉ cách đó vài cây số, Quốc Dân Đảng cũng tổ chức tỉ mỉ một cuộc tuần hành đáp trả. Rất nhiều xe ca được huy động, một sân khấu nhạc được dựng lên. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng, chỉ ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống, như giải thích của người phát ngôn thành phố.
Ông nói : "Chúng tôi có đông người hơn nhiều ! Điều này cho thấy đa số người dân ủng hộ ứng viên tranh cử tổng thống Hàn Quốc Du".
Vào cuối ngày, mỗi bên đều tuyên bố có vài trăm nghìn người tham gia cuộc tuần hành do họ tổ chức, nhưng khó có thể phân định hơn thua. Cuộc tập hợp lần tới được ấn định vào ngày 11/01/2020, nhưng sẽ trực tiếp diễn ra ở phòng phiếu".
Thu Hằng
******************
Hải Quân Philippines cảnh báo về đề án sân bay có Trung Quốc tham gia (RFI, 21/12/2019)
Một số quan chức Hải Quân Philippines đã lo lắng theo dõi kỹ lưỡng sự can dự của Trung Quốc vào một đề án trị giá 10 tỷ đô la nhằm xây dựng một sân bay mới gần Manila. Theo báo Nhật Bản Nikkei Asian Review số ra ngày 20/12/2019, lý do gây lo ngại là việc Trung Quốc tham gia công trình này hàm chứa nhiều đe dọa đối với an ninh và quốc phòng Philippines.
Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) tham gia nhiều dự án bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo, trong ảnh là Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. CSIS/Reuters
Theo tờ báo Nhật Bản, mới đây, một tập đoàn Nhà Nước Trung Quốc là Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) đã liên kết với công ty dịch vụ hàng không Macroasia của một tỷ phú Philippines để giành được gói thầu xây dựng một sân bay trị giá 10 tỷ USD ở ngoại ô thủ đô Manila.
Điều được Nikkei Asian Review nêu bật là tập đoàn Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc chính là đơn vị đã xây dựng một loạt tiền đồn quân sự Trung Quốc ở Biển Đông, trong lúc sân bay mới của Philippines lại nằm gần một loạt cơ sở quân sự rất nhạy cảm của Manila.
Một quan chức Hải Quân Philippines cấp cao xin giấu tên đã xác nhận với tờ báo Nhật Bản : "Đấy không chỉ là một mối lo ngại đối với Hải Quân và lực lượng vũ trang Philippines, mà còn đối với cả đất nước Philippines".
Nằm cách trung tâm thành phố Manila khoảng 35 km, sân bay được cho là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hàng không của thủ đô Philippines.
Thế nhưng, sân bay Sangley Point lại nằm ở tỉnh Cavite, gần Bộ Chỉ Huy nhiều cơ quan trọng yếu của Hải Quân, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng cho quân đội như tiếp tế nhiên liệu, kết nối điện, và một loạt dịch vụ hậu cần khác.Sân bay cũng nằm trên vịnh Manila, nơi đặt bản doanh của Hải Quân Philippines.
Cựu tư lệnh Hải Quân Philippines đã về hưu Alexander Pama cho rằng nếu được tiến hành với sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc gây tranh cãi đó, dự án sẽ là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu Philippines.
Trong một bài đăng trên Facebook, vị cựu tư lệnh này cho rằng "Trong lịch sử Philippines, các căn cứ hải quân và không quân được đặt ở khu vực hiện tại chính là vị trí chiến lược của nơi đó trong việc giúp bảo vệ thủ đô Manila".
Trọng Nghĩa
********************
Ngoại trưởng Malaysia : Đường 9 đoạn Trung Quốc là yêu sách "lố bịch" (RFI, 21/12/2019)
Khẩu chiến giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông vừa tăng thêm một mức. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/12/2019, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại đánh giá rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách "lố bịch".
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh chụp ngày 03/08/2018. CC/U.S. Department of State
Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia được cho là nhằm đáp trả lời tố cáo hôm 16/12 của Bắc Kinh, theo đó Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông khi nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc xin công nhận thềm lục địa mở rộng.
Theo đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera, ngoại trưởng Malaysia đã khẳng định rằng việc nước ông quyết định xin mở rộng vùng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý ở Biển Đông nằm trong "quyền chủ quyền" của Malaysia.
Về yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Saifuddin đã không ngần ngại đánh giá : "Về phần Trung Quốc, việc họ tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ, theo tôi điều đó thật lố bịch".
Vào ngày 12/12, Malaysia đã chính thức nộp đơn lên lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc xin công nhận vùng thềm lục địa ở phía bắc Biển Đông nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Đây là yêu cầu của Malaysia đối với phần còn lại của thềm lục địa nước này, vì trước đó, vào năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã cùng đệ trình phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.
Động thái mới của Malaysia đã khiến Trung Quốc giận dữ. Phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã lập tức gởi thơ cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu không xem xét đề nghị của Malaysia, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc gởi công hàm phản đối Malaysia là đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và "các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế".
Trung Quốc đã viện ra luật lệ quốc tế để phản đối Malaysia, trong lúc chính Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đánh giá rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nằm bên trong đường chín đoạn hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Trọng Nghĩa
Quốc gia nổi bật năm 2019 là… Uzbekistan !
Nhân dịp cuối năm, các tạp chí có thông lệ ra số đặc biệt, tập trung trên các chủ đề phi thời sự hay tổng kết năm cũ, dự báo năm mới. Đây là trường hợp của Le Point, L’Obs và The Economist, đều đã ra số kép, trong lúc Courrier International thì nhập ba số làm một.
Khu Registan của Thành phố Samarcand, có hơn 2500 năm tuổi, ở phía nam Uzbekistan, được xếp hạng di sản nhân loại thế giới. Ảnh minh họa. CCAS3.0 / Ekrem Canli / Wikimedia Commons
Trong lúc L’Obs nhìn về tương lai, phác họa chân dung của những nhân vật sẽ làm nên năm 2020, Le Point đã lùi sâu về quá khứ, nêu bật những điều chưa được biết đến về nguồn gốc loài người.
The Economist như thường lệ đã ra số kép cuối năm với những bài "đặc biệt Giáng Sinh" nhưng không liên quan gì nhiều đến ngày lễ cuối năm này, còn Courrier International thì chú ý đến quan hệ tương thông giữa cây cối với con người.
Riêng tuần báo Pháp L’Express vẫn ra số đơn bình thường, nhưng dành hồ sơ đặc biệt 30 trang cho người Anh và đất nước Anh.
Danh hiệu "Quốc gia tiêu biểu trong năm"
Nhân dịp cuối năm, điều được độc giả The Economist trông đợi nhất là tuần báo Anh sẽ bình chọn nước nào làm quốc gia nổi bật trong năm sắp kết thúc, danh hiệu được tờ báo gọi là "Country of the Year". Trong một bài xã luận với tựa đề : "Quốc gia nào tiến bộ nhất trong năm 2019", The Economist đã đưa ra câu trả lời khá bất ngờ : đó là Uzbekistan, một nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, chỉ mới tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Về toàn cảnh thế giới năm 2019, The Economist ghi nhận một xu hướng đáng ngại : Đó là chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến. Ấn Độ thì tước bỏ quyền của cư dân Hồi giáo, Trung Quốc thì nhốt người Hồi giáo trong các trại, Mỹ thì đánh mạnh vào các tổ chức toàn cầu.
Á quân 1 : New Zealand
Trong toàn cảnh đó, tạp chí Anh cho rằng thật là nhẹ nhõm khi thấy rằng vẫn có một số quốc gia đi theo hướng khác. New Zealand chẳng hạn, đáng được trân trọng nhờ phản ứng trước một vụ thảm sát tại một đền thờ Hồi giáo mà thủ phạm là một người dân tộc chủ nghĩa da trắng. Bà thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sau đó đã đội khăn trùm đầu và tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào người Hồi giáo là tấn công vào tất cả người dân New Zealand. Chính phủ của bà đã ra lệnh cấm các loại vũ khí bán tự động và mua lại hàng ngàn khẩu súng lưu hành trong dân chúng.
Á quân 2 : Bắc Macedonia
Ấn tượng hơn nữa, theo The Economist, là nước Bắc Macedonia, đã đổi tên nước để thúc đẩy hòa bình với nước láng giềng Hy Lạp, vốn đã cực lực phản đối tên Macedonia đơn thuần. Việc các nhà lập pháp Macedonia nhún nhường thông qua việc đổi tên đất nước của họ đã góp phần cải thiện quan hệ với Hy Lạp, xóa bỏ được một nguyên nhân gây bất hòa tại một khu vực rất dễ bùng nổ.
Chỉ tiếc là nước Pháp, quốc gia được The Economist bình chọn thành nước tiêu biểu của năm 2017, lại đang ngăn chặn đường vào Liên Hiệp Châu Âu của Bắc Macedonia vì "sợ rằng việc đón thêm một quốc gia Balkan vào Liên Âu sẽ làm phiền cử tri Pháp".
Á quân 3 : Sudan
Đối với tạp chí Anh, có một nước khác cũng đáng được vinh danh là quốc gia tiêu biểu của năm 2019 trong việc xóa bỏ chế độ độc tài. Đó là trường hợp của Sudan, nơi mà các cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc tổng thống Omar al-Bashir, một trong những bạo chúa tàn bạo nhất thế giới phải ra đi. Chế độ Hồi giáo của Bashir đã sát hại và nô lệ hóa nhiều người Châu Phi da đen đến nỗi mà một phần ba đất nước đã ly khai để thành lập nước Nam Sudan vào năm 2011.
Ông Bashir đã bị một tòa án Sudan kết án về tội tham nhũng ngày 14/12 vừa qua, nhưng dường như không thể bị dẫn độ để trả lời về việc giám sát cuộc diệt chủng ở vùng Darfur. Một chính phủ hòa giải đã lên nắm quyền và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử trong vòng ba năm tới đây, đã có một số cải cách tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ là những phần tử côn đồ của chế độ cũ có thể phá hoại tiến trình cải cách dân chủ ở Sudan.
Quốc gia tiêu biểu nhất : Uzbekistan
So với 3 nước trên, Uzbekistan có phần trội hơn. Ba năm trước đây, nước này còn là một chế độ độc tài hậu Xô Viết lỗi thời, một xã hội khép kín do một guồng máy đặc biệt tàn bạo và bất tài điều hành. Thế nhưng, từ hơn một năm nay, tình hình đã được cải thiện rõ nét.
Chế độ Uzbekistan bị cáo buộc là đã hành hạ dã man những người bất đồng chính kiến và chắc chắn là đã cưỡng bức cả quân đoàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em ra lao động trên các cánh đồng bông vải vào thời điểm thu hoạch.
Khi nhà độc tài Islam Karimov, cầm quyền trong suốt 27 năm, qua đời vào năm 2016, người lên thay là thủ tướng Shavkat Mirziyoyev. Lúc đầu, có rất ít thay đổi, nhưng từ khi loại bỏ được người đứng đầu các lực lượng an ninh vào năm 2018, ông Mirziyoyev bắt đầu tăng tốc độ cải cách. Chính phủ của ông đã xóa bỏ phần lớn tình trạng cưỡng bức lao động, trại tù khét tiếng nhất của nước này đã bị đóng cửa, các nhà báo nước ngoài được phép vào Uzbekistan.
Các quan chức bị cấm sách nhiễu các các doanh nghiệp nhỏ, điều mà họ đã làm liên tục trước đây, để đòi hối lộ. Nhiều cửa khẩu biên giới đã được mở ra, giúp cho các gia đình bị chia cắt bởi các đường biên giới điên rồ của vùng Trung Á được đoàn tụ với nhau. Các nhà kỹ trị nước ngoài đã được mời đến để giúp cải tổ kinh tế trên quy mô lớn.
Uzbekistan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội trước năm mới. Mặc dù còn khác xa một nền dân chủ - tất cả các đảng đều ủng hộ ông Mirziyoyev và một số nhà đối lập vẫn còn ở trong tù - thế nhưng, nhiều ứng cử viên đã có thể chỉ trích chính phủ một cách nhẹ nhàng, điều mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Người dân bình thường cũng vậy, cảm thấy được tự do hơn khi phàn nàn về chiến dịch tranh cử hay tầng lớp chính trị, mà không sợ bị an ninh đến nhà bắt đi vào giữa đêm.
The Economist kết luận : Uzbekistan vẫn còn một chặng đường dài để đi, nhưng không có quốc gia nào tiến xa hơn nước này vào năm 2019.
Cây cối cũng có "trí thông minh"
Như nói ở trên, tạp chí Pháp Courrier International đã đặt trọng tâm trên vấn đề môi trường trong số báo cuối năm, với tựa lớn trang bìa "Điều mà cây cối có thể nói với chúng ta", giới thiệu một hồ sơ 12 trang, cho thấy rằng cây cối cũng biết "liên lạc" với nhau, giúp con người chữa bệnh, là tài sản chung của nhân loại.
Tạp chí giải thích sự chọn lựa chủ đề về môi trường này : "Những vụ cháy rừng kinh hồn năm nay ở Amazonia, rồi ở California, Bolivia, Úc… đã nhắc nhở chúng ta rằng rừng là tài sản chung mà chúng ta rất gắn bó. Chúng tôi muốn dành hồ sơ đặc biệt này trong số cuối năm để nói về sự gắn bó này đối với rừng, với cây cối, hơn là nói về vấn đề phá rừng và hậu quả môi trường đã từng nhiều lần nói đến".
Tạp chí Courrier International xem hồ sơ đặc biệt này là hành động bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tính "khôn ngoan của cây cối", như lời của nhà văn người Peru Jaime Bayly. Ông đã nhận thấy những loài cây như "cây minh quyết, cây sồi hay cây đậu tán, những loại cây trăm tuổi đã nhìn thấy người ta qua lại, thấy người ta thay đổi, giận nhau, gây nhau, hòa với nhau, thấy người ta chết đi. Ngược lại thì chúng không chết, không mệt, không suy sụp. Chúng dường như bất tử".
Dường như nước nào cũng có một loại cây thiêng liêng của mình. Courrier International trích nhật báo Indonesia Kompas, nói đến cây "chọc trời hariara", mà người dân Indonesia gọi là "cây của linh hồn".
Tạp chí cũng trích lời những nhân chứng mà cây cối đã giúp chữa được những chấn thương, như một cựu chiến binh Mỹ ở Afghanistan đã kể lại trên tờ The New Republic.
Nhưng lý thú nhất trong hồ sơ này là những công trình khoa học gần đây, như của bà Suzanne Simard, người Canada, mà Courrier International cho là đã thay đổi cái nhìn của chúng ta về cây cối, khi cho thấy thế giới thực vật cũng có trí thông minh.
Trong bài phỏng vấn, nhà khoa học mà trang mạng nautil.us đã thực hiện và tạp chí đã đăng lại, bà Simard đã giải thích cách thức cây cối trao đổi với nhau. Theo bà, "bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi có được về ý thức ở cây cối là nhận thức về liên hệ gia đình. Những cây già nhìn những cây non sinh ra từ hạt giống của họ".
Courrier International còn trích dẫn báo cáo của giới khoa học Anh Quốc, cũng trong xu hướng nghiên cứu của bà Simard và đã thắc mắc, trên báo The Times, về xu hướng chính trị trong trao đổi giữa các cây với nhau trong cái mà họ gọi là "Internet của rừng" : Rốt cuộc cây cối theo cánh tả hay cánh hữu ?
Những điều chưa được biết về thủy tổ loài người
Trong số cuối cùng năm 2019, một số đôi dày cả 236 trang, Le Point trở lại với nguồn gốc con người, và dành gần 100 trang - chính xác là 95 trang - để nói về "Lịch sử mới của con người" và khẳng định trên trang bìa : "Cha ông chúng ta chưa nói hết cho chúng ta".
Le Point dựa trên những khám phá mới và giải thích của những nhà khảo cổ nổi tiếng mà tạp chí đã mời, để điều chỉnh lại những gì đã được viết và biết về lịch sử loài người.
Một ví dụ : khám phá mới đây về một hang động có tranh vẽ trên vách ở đảo Sulawesi, Indonesia. Tranh ước tính được vẽ cách đây 44.000 năm, đẩy lùi đến 10.000 năm thời kỳ con người biết vẽ trên vách được ghi nhận.
Tạp chí L’Obs trên trang bìa chú ý đến : "Những người sẽ làm nên 2020", tựa đập mắt với một loạt tên, từ nữ diễn viên Pháp Blanche Gardin - chiếm ảnh trang bìa - cho đến các chính khách : tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu tổng thống Pháp François Hollande, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hay là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Pháp Didier Deschamps…
2020 và thập niên 20, đã làm cho tạp chí Pháp nhớ lại thế kỷ trước đây và nêu câu hỏi là phải chăng những Năm Điên Cuồng - Les Années Folles - những năm mà phụ nữ đấu tranh cho bình quyền, phụ nữ Mỹ và Anh, đã giành quyền được bỏ phiếu và không ngần ngại đốt phá cơ sở chính quyền hay đặt bom để đòi quyền bình đẳng, sẽ trở lại và người ta sẽ thấy một nửa nhân loại lại có một bước nhảy vọt mới ? Phong trào tố cáo nạn bạo hành đối với phụ nữ trên thế giới hiện nay, theo tạp chí, có lẽ là giai đoạn đầu của sự chuyển biến đã bị gác lại quá lâu.
Đó là trên bình diện xã hội. Còn trong địa hạt chính trị, năm 2020 đánh dấu một khúc quanh cho cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, với câu hỏi : Liệu Donald Trump nóng nẩy có được bầu trở lại hay không ?
L’Obs trích nhận định của cựu tổng thống Pháp François Hollande, cho là "Điều sẽ được quyết định là hòa bình trên thế giới, tương lai của hành tinh và cả của nền dân chủ". L’Obs không quên những người chống ông Trump và ứng viên Joe Biden.
Không chỉ ở Mỹ, L’Obs nhìn sang Châu Âu cũng cho là 2020 là năm thử thách to lớn đối với ê kíp lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu.
Đất nước và con người Anh
Nói đến sân khấu chính trị 2020, không thể quên Anh Quốc, trên nguyên tắc, sẽ chính thức rời Liên Âu, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 30 trang trong, giới thiệu vương quốc này từ thủ tướng, nữ hoàng, cho đến các vùng Scotland, Bắc Ireland…
Riêng về cá nhân thủ tướng Anh Boris Johnson, L’Express chú ý trước tiên đến tính cách ưa tự chế giễu mình, và đây là sức mạnh của chính khách Johnson, rất giỏi thu hút những kẻ thích đùa ủng hộ ông.
Chính vì cá tính này mà nhiều người hay cho rằng ông Johnson là một tay hề. Nhưng tạp chí Le Point - vốn đã dành 6 trang cho nhân vật này - ngược lại đã nhận ra một người "bảo thủ có xu hướng xã hội, rất gắn bó với nhà nước phúc lợi xã hội, với tính chất đa văn hóa và với nhập cư".
Mai Vân
Tập Cận Bình dùng Macao chống Hồng Kông
Nước Pháp với cuộc biểu tình lớn hôm qua, 17/12/2019, trong ngày đình công thứ 13, chống dự luật cải cách hưu trí, là tựa trang nhất của hầu hết các báo. Trước hết xin giới thiệu bài viết trên Le Figaro về chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc đến Macao. Bắc Kinh muốn lợi dụng mô hình Macao thần phục chính quyền trung ương, để tuyên truyền cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", đang bị thách thức nghiêm trọng tại Hồng Kông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại sân bay quốc tế Macao, bên trái là cựu lãnh đạo Macao Thôi Thế An(Fernando Chui), ngày 18/12/2019. Reuters/Jason Lee
Chuyến đi nhân kỷ niệm 20 năm vùng lãnh thổ này trở về Hoa Lục của ông Tập Cận Bìnhkhông phải là một chuyến đi thông thường. Theo Le Figaro, Bắc Kinh muốn lợi dụng mô hình Macao thần phục chính quyền trung ương, để tuyên truyền cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", hiện đang bị thách thức nghiêm trọng tại Hồng Kông, với phong trào phản kháng chống chính quyền thần Bắc Kinh từ nửa năm nay, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bài "Tập Cận Bình dùng Macao chống Hồng Kông" nhấn mạnh đến tham vọng của Bắc Kinh, muốn biến sòng bài nổi tiếng Châu Á này trở thành địa điểm thu hút đầu tư công nghệ cao, một trung tâm tài chính quốc tế ngang ngửa với đặc khu Hồng Kông.
Đối với Bắc Kinh, ưu điểm trước hết của Macao là thái độ thần phục vô điều kiện của dân cư hòn đảo 30 km², với khoảng 700.000 dân cư này.
Ngay từ năm 2009, Macao đã thông qua luật về an ninh nội địa, để chính quyền độc tài rảnh tay đè bẹp các mưu toan phản kháng. Các sách giáo khoa lịch sử dạy trong trường học Macao do Bắc Kinh ấn hành, học sinh Macao phải chào cờ Trung Quốc hàng ngày. Đây là những điều mà dân chúng Hồng Kông không chấp nhận. Kể từ đầu phong trào phản kháng Hồng Kông, tư pháp Macao ngăn chặn mọi cuộc biểu tình ủng hộ Hồng Kông tại hòn đảo.
Trong một cuộc gặp lãnh đạo Macao Hạ Nhất Thành (Ho Lat Seng) tại Bắc Kinh hồi tháng 9, ông Tập Cận Bình khen ngợi Macao "từ 20 năm qua đã hiểu và áp dụng tốt nguyên tắc một quốc gia hai chế độ" và đáng là một tấm gương sáng cho Hồng Kông.
Với chuyến công du của ông Tập, giới lãnh đạo Macao có thể nhận được một số phần thưởng, vì thái độ "vâng lời", như ghi nhận của giảng viên Đại học Báp-tít Hồng Kông Bruce Lui Ping Kuen. Hòn đảo có thể được chính quyền trung ương hỗ trợ để tăng gấp đôi GDP trong hai thập niên tới, và bớt phụ thuộc vào các sòng bạc, hiện chiếm đến hơn 80% thu nhập của giới lãnh đạo địa phương. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch hội nhập Macao vào vùng Châu thổ sông Châu Giang, bao gồm Hồng Kông và nhiều thành phố Quảng Đông, trong đó có Thâm Quyến, khu vực mà Trung Quốc hy vọng biến thành một "California" mới.
Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, hòn đảo rửa tiền và trung tâm mua bán dâm nổi tiếng này sẽ còn lâu mới có thể cạnh tranh lại được với Hồng Kông, về phương diện thu hút đầu tư. Bất chấp khủng hoảng, Hồng Kông vẫn còn là một trung tâm tài chính quan trọng với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, mà việc tập đoàn Alibaba lên sàn chứng khoán Hồng Kông mới đây là một ví dụ.
Chuyến đi của Tập Cận Bình đến Macao có thể coi là một trắc nghiệm của Trung Quốc với nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, thất bại thảm hại của đảng thân Bắc Kinh tại Hồng Kông trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, và viễn cảnh tổng thống mãn nhiệm Đài Loan Thái Anh Văn gần như chắc chắn sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử 11/01 tới, do ảnh hưởng thuận lợi của phong trào dân chủ Hồng Kông, khiến "tấm gương Macao" mà ông Tập muốn quảng bá ngày càng trở nên đơn độc.
Biểu tình tại Pháp : Ít người tham gia hơn, nghiệp đoàn "thua cược"
Trở lại với tình hình nước Pháp, cuộc biểu tình tuy đông đảo, nhưng ít người tham dự hơn so với ngày 05/12 đầu tháng là điều mà nhật báo kinh tế Les Echos chú ý trước hết, với hàng tựa trang nhất : "Các công đoàn thua cược", với số lượng người tham gia biểu tình ít hơn ngày 05/12. Về phần mình, chính phủ khẳng định cương quyết tiến hành cải cách. Theo Les Echos, cho dù có thêm sự tham gia của thành viên nghiệp đoàn CFDT, vốn ủng hộ cuộc cải cách của chính phủ, giới công đoàn đã thất bại trong việc huy động đông đảo người tham gia, sau hai tuần bãi công liên tiếp.
"Đối diện với làn sóng phản kháng, chính phủ tỏ thái độ kiên quyết", tựa lớn của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài xã luận "Nghiệp đoàn hay cử tri ?" khẳng định chính phủ không nên trông chờ ở sự hợp tác của nghiệp đoàn cải cách CFDT, mà cần kiên quyết lựa chọn giới "cử tri cải cách", thay vì "nghiệp đoàn cải cách".
Chính phủ gặp khó
Mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Echos ghi nhận thực trạng thủ lĩnh công đoàn cải cách CFDT Laurent Berger, từ chỗ là đối tác trở thành "đối thủ đáng gờm" của chính phủ.
Báo Le Monde mô tả khó khăn về phía chính phủ : "Cải cách hưu trí : Chính phủ mất Delevoye trong lúc khủng hoảng đang ở giai đoạn cao trào". Tuy nhiên, một giới chức hàm bộ trưởng cho biết việc người phụ trách hồ sơ cải cách hưu trí từ chức không hề ảnh hưởng đến tiền trình cải cách, vì quyết định giờ đây được đưa ra tại phủ thủ tướng hoặc phủ tổng thống. Vấn đề hiện nay là làm sao để các thảo luận trong chính phủ và Quốc hội về dự luật cải cách diễn ra suông sẻ. Ngày 22/01, nội các sẽ bàn về dự luật, và dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào tháng Hai, với điều kiện là tiến trình chuẩn bị luật không bị ảnh hưởng bởi phong trào phản kháng.
"Đừng giễu võ giương oai"
Nhật báo thiên tả Libération đăng hình ảnh một cuộc tập hợp lớn tại quảng trường Bastille, với hàng tựa : "Dân chúng xuống đường, chính quyền dưới áp lực. Lối thoát nào cho khủng hoảng ?". Nhật báo thiên tả Libération có bài xã luận mang tựa đề "Giễu võ giương oai".
Libération tuy thừa nhận các nghiệp đoàn không thu hút thêm người tham gia, nhưng phong trào vẫn "rất mạnh và kiên định", vì vậy chính quyền "đừng giễu võ giương oai". Chính phủ nên "thảo luận một cách nghiêm túc", nhất là với CFDT. Cụ thể là nên chấp nhận rút khỏi dự luật điều khoản ấn định mức tuổi được hưởng toàn phần lương hưu cơ bản. Theo Libération, đây là "một ý tưởng tai họa, khiến cánh hữu rất hài lòng", và bởi tuổi về hưu, trên thực tế, đã mỗi năm bị lùi đi vài tháng, do hệ quả của một số cải cách hưu trí trước đó, vậy tại sao cần phải bổ sung thêm một hy sinh mới vào những chấp nhận thua thiệt, vốn đã được lập trình.
"Phải tái lập lòng tin !"
Về cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay tại Pháp, nhật báo công giáo La Croix có bài "Cải cách hưu : Điều cần làm để trấn an người Pháp", nhấn mạnh đến mức độ mất lòng tin rộng lớn với chính quyền đang lộ rõ. Theo cuộc điều tra dư luận của Harris Interactive, có đến hai phần ba người Pháp cảm thấy cuộc cải cách này là "khó hiểu". Một giới chức của nghiệp đoàn CFTC so sánh việc chính phủ gửi đến từng nhà thư giải thích về cải cách phương thức thu thuế, lấy ngay từ gốc, mới đây, với tình trạng gần như vắng bóng các giải thích về cuộc cải cách hiện nay, xét về quy mô, phức tạp gấp bội phần.
Một trong các lo ngại lớn khác là, một khi cải cách hưu trí đã diễn ra, không có gì bảo đảm là các chính phủ tiếp theo sẽ không tìm cách thay đổi để tìm cách hạ thấp tiền hưu bổng, do đó cần phải đưa những nguyên tắc chính vào Hiến pháp. Nhà nghiên cứu Jean-Marie Pernot, Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội, thì cho là nên tiến hành một cuộc thảo luận toàn quốc, cho phép chọn một số kịch bản, để sau đó đưa ra trưng cầu dân ý.
Quá tải !
Vẫn theo thăm dò dư luận của Harris Interractive, gần 2/3 người Pháp ủng hộ phong trào xã hội nói trên, cho dù 69% muốn chính quyền và công đoàn "hưu chiến" vào dịp Noel đang đến gần.
Trong một bài viết "Người sử dụng phương tiện công cộng : tinh thần căng thẳng, cơ thể rệu rã", La Croix cho biết đời sống hàng ngày đang trở nên khó khăn không chịu nổi với đông đảo người lao động, do tình trạng giao thông bị tắc nghẽn. Nhiều người phải dậy từ 4 giờ, thậm chí 3 giờ rưỡi sáng để kịp đến nơi làm việc. Ngày làm việc cũng kéo dài hơn, nhiều người phải đi bộ 5, 7 cây số hay nhiều hơn nữa, để trở về nhà, trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, với nhịp độ kinh hoàng như trên.
Thể chế thế tục tại Ấn Độ bị đe dọa, quốc tế cần lên tiếng
Về tình hình Châu Á, tình hình Ấn Độ là một điểm nóng khác. Xã luận Le Monde có bài : "Thế chế thế tục, trung lập về tôn giáo tại Ấn Độ bị đe dọa".
Ngày 11/12/2019, Hạ Viện Ấn Độ thông qua luật cấp quốc tịch cho dân tị nạn một số nước láng giềng, nhưng loại trừ người theo đạo Hồi. Theo Le Monde, đây là điều hết sức đáng lo ngại, bởi với dự luật này, chính phủ Modi đang thực thi dự án mà các thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan Ấn Độ đã thai nghén từ những năm 1920. Cho đến nay, chính sách bài Hồi giáo đang được chính quyền Modi thực thi tại Ấn Độ, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, mà không gặp trở ngại đáng kể nào trong và ngoài nước. Do đối lập rất yếu ớt, bởi đảng Quốc Đại kiệt sức sau nhiều năm cầm quyền và nạn tham nhũng hoành hành trong nội bộ. Giới trí thức tinh hoa, báo giới, các tổ chức phi chính phủ bị chính quyền uy hiếp.
Chính trong bối cảnh này, theo Le Monde, cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ trước các hành động tàn bạo nhắm vào người theo đạo Hồi. Làn sóng giận dữ phản đối luật cấp quốc tịch, loại trừ người Hồi giáo, đang làm rung chuyển Ấn Độ, từ một tuần nay, làm nổi rõ ý thức hệ kỳ thị tôn giáo của phe dân tộc chủ nghĩa Ấn Giáo, và thái độ độc đoán của chính quyền Modi, phản bội lại những hứa hẹn của người cha đẻ nền độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, về một nước Ấn Độ không kỳ thị tôn giáo. Một quốc gia được coi là "nền dân chủ lớn nhất hành tinh" không thể để cho hàng triệu người tị nạn lâu năm trên đất Ấn phải sống trong tình trạng ngoài vòng pháp luật, chỉ bởi tôn giáo mà họ theo.
Trọng Thành
Cuba : Ánh hào quang của Fidel Castro tắt dần
Trong vô số các bài viết xung quanh việc nước Pháp đang bước vào một tuần mới đầy căng thẳng trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và các công đoàn về cuộc cải cách hưu trí, trên trang quốc tế, báo Le Figaro có bài viết "Buổi hoàng hôn của tư tưởng Castro tại Cuba".
Fidel Castro và cách mạng Cuba. Ảnh minh họa
Bài viết cho thấy, 3 năm sau khi Fidel Castro ra đi, các lãnh đạo lịch sử của cách mạng cũng lần lượt qua đời, ảnh hưởng (của Cuba) trong vùng giảm đi.
Bài báo mở đầu bằng câu hỏi "Những đứa con của cách mạng đã quên Fidel Castro chăng ?". Năm nay, khi La Havana kỷ niệm 3 năm ngày mất của vị lãnh tụ vĩ đại (25/11/2016), "những hoạt động tưởng nhớ đến người cha đẻ của chủ nghĩa xã hội Cuba diễn ra rất thưa thớt. Báo chí chính thức chỉ nhắc đến những hoạt động tưởng nhớ trong các trường học hay trong giới y tế đang làm nhiệm vụ ở Venezuela và người ta nhắc đến những thời khắc kỷ niệm mà rất ít nói về những cống hiến".
Tờ báo nhận xét : "Thời đại con người đó ngự trị như chủ nhân của đất nước dường như đã lùi xa. Chỉ còn lại những tấm áp phích vàng úa theo thời gian của Fidel trong các tòa nhà chính phủ của Cuba, không có gì là phô trương".
Bài báo cho biết, mặc dù giờ đây, "Fidel vẫn được đông đảo dân chúng kính trọng, nhưng không còn ai sợ hãi khi nhắc đến tên ông". Fidel Castro chết đi, nhưng không có nghĩa là tư tưởng Castro cũng mất theo. Đa số các lãnh tụ lịch sử của cuộc cách mạng cũng đều ở tuổi gần đất xa trời. Nhiều người cũng đã lần lượt ra đi theo ông. Thế hệ chính trị còn lại bây giờ, tuy là những người được lựa chọn để kế tục sự nghiệp của Fidel Castro, nhưng phần đông họ muốn đất nước có được nhiều đồng đô la hay euro hơn là những bài diễn văn tràng giang đại hải về hệ tư tưởng.
Một dấu hiệu mà tác giả bài viết nhận thấy là, khác với cách đây 5-6 năm, ở Cuba giờ đây ra đường không còn thấy ai gọi nhau bằng "đồng chí" nữa. Tinh thần quốc tế của Castro cũng chìm xuống. Ở Châu Mỹ Latinh, các chính phủ cánh tả từng chịu ảnh hưởng của Cuba cũng lần lượt tan rã hay lâm vào khủng hoảng, từ Bolivia, Nicaragua cho đến Venezuela.
Nga : Một căn hộ cho con những nạn nhân thời Stalin
Theo Le Figaro, Tòa án Hiến pháp Nga, trong phán quyết ra hôm 10/12 đã chấp thuận bồi thường cho con cái những tù nhân của các trại cải tạo Goulag dưới thời cộng sản. Họ sẽ được quyền nhận một căn hộ tại Moskva.
Như mọi người đã biết, cuối những năm 1930, Liên Xô dưới thời Stalin, trong cuộc đại thanh trừng đối kháng, hàng trăm nghìn người bị quy kết là "kẻ thù nhân dân" đã bị đưa đi đầy hoặc hành hình. Phần lớn các cuộc trấn áp này diễn ra ở Moskva. Những người bị bắt đi đầy trong các trại tù Goulag đều bị tịch thu tất cả tài sản, nhà cửa. Những ai sống sót, mãn hạn tù đều bị cấm trở lại sinh sống trong các thành phố mà họ đã bị bắt.
Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, một bộ luật để phục hồi nhân phẩm và đền bù cho các nạn nhân đã được thông qua. Đến năm 2005, điều luật này mới được phổ biến ở các vùng và thành phố Moskva. Phải đợi đến bây giờ, Quốc hội Liên bang Nga mới bắt đầu cho triển khai áp dụng luật. Theo Le Figaro, có khoảng vài trăm đến vài nghìn người, nay tuổi cũng khá cao, trên lý thuyết có thể được hưởng các quyền lợi đền bù theo luật trên. Dù sao thì việc đền bù này cũng cho thấy nạn nhân của những năm tháng kinh hoàng dưới thời Stalin cũng đã được thừa nhận.
Hội nghị COP25 vô ích ?
Một chủ đề thời sự quốc tế khác cũng thu hút sự quan tâm của các báo Pháp : Hội nghị khí hậu toàn cầu COP25 vừa khép lại tại Madrid cuối tuần rồi với ghi nhận thất bại.
Đáng chú ý là đánh giá của Libération : Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 này là kỳ họp lịch sử về khoảng cách giữa những nước dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và những nền kinh tế lớn không có khả năng về trách nhiệm tài chính theo đúng tầm vóc của họ ; khoảng cách giữa những nội dung phát biểu của các chính phủ về tình hình khẩn cấp của khí hậu với thái độ của họ trong các cuộc đàm phán.
La Croix lấy làm tiếc về kết quả đáng thất vọng của COP25. Tuy nhiên, La Croix cũng ghi nhận dù không đạt được thỏa thuận để cứu khí hậu, "ngoại giao khí hậu dường như đã cố gắng hết sức để cứu vớt những gì còn có thể trong thỏa thuận Paris, vốn đang gặp nhiều khó khăn kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố rút ra. Đạt được thỏa thuận tối thiểu, COP25 đã tìm cách cứu vãn trước dư luận ý tưởng cho rằng các cuộc đàm phán không có được tiến bộ đáng kể nào nhưng cũng không đế nỗi vô ích hoàn toàn".
Tờ báo kết luận : "Các lãnh đạo cường quốc vẫn còn thiếu can đảm và sáng suốt khi bỏ mặc những cảnh báo của các nhà khoa học và những cam kết dấn thân của xã hội dân sự".
Thương chiến Mỹ - Trung : "Ngừng bắn tạm thời"
Về thời sự quốc tế, hầu hết các báo đều trở lại với thông tin Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại sơ bộ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã kéo dài hơn 2 năm nay mà vẫn chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Mới chỉ đạt được trên bàn đàm phán, chưa bên nào đặt bút ký, nhưng Washington, đặc biệt tổng thống Mỹ Donald, hôm 13/12 đã hoan hỉ thông báo như vừa giành được thắng lợi to lớn. Giới quan sát tuy nhiên đón nhận thông tin này một cách thận trọng. Nhật báo Le Monde ghi nhận sự kiện bằng hàng tựa : "Thương mại : Lắng dịu giữa Trung Quốc và Mỹ". Theo Le Monde, Bắc Kinh đón nhận bước tiến mới này một cách thận trọng và có chút dè chừng. Báo chí chính thức Trung Quốc chỉ coi đó là đợt "ngừng bắn tạm thời". Một chuyên gia kinh tế của China Center for International Economic Exchange được Le Monde trích dẫn nhận định : "Cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu tiến bộ nào về những vấn đề gai góc nhất của đàm phán, như việc Hoa Kỳ đặt lại về vấn đề trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc". Trong khi đó, tờ báo kinh tế Les Echos đánh giá : "Thỏa thuận đầu tiên mong manh giữa Bắc Kinh và Washington".
Pháp : Cải cách hưu bổng, cuộc chiến Noel
"Cải cách hưu bổng", "đình công", "phong tỏa", các báo Pháp lại bắt đầu một tuần mới với những từ ngữ như vậy trên khắp các trang báo. Cuộc đọ sức giữa chính phủ và các công đoàn về chương trình cải cách hưu bổng bước vào một tuần lễ quyết định, trước kỳ nghỉ lễ Noel và đón năm mới, được nhiều báo ví von như là "cuộc chiến Noel".
Câu hỏi được dư luận Pháp quan tâm nhất hiện nay là đình công có tiếp tục cho đến tận kỷ nghỉ Noel hay không ? Liệu có tàu trong dịp Noel ? Nhật báo Le Figaro chạy tựa chính trên trang nhất : "Đình công và phong tỏa Noel : Cuộc chiến dư luận".
Theo tờ báo, chính phủ đang cố bám vào nguyên tắc ngừng đình công trong dịp lễ cuối năm. Trong khi đó, đợt biểu tình, đình công thứ 3 dự báo sẽ gây tê liệt hệ thống giao thông vào ngày mai (17/12). Người đình công dọa tiếp tục huy động trong dịp lễ Noel. Dựa vào dư luận, chính phủ gia tăng sức ép lên các công đoàn. Đây có thể coi là một chiến lược trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và công đoàn. Theo một thăm dò dư luận của Viện Ifop thực hiện cho Le Figaro, 55% người được hỏi coi việc tiếp tục đình công trong dịp Noel là điều "không thể chấp nhận".
Chính phủ cũng như các công đoàn đều hiểu trận chiến dư luận sẽ là trọng điểm của tuần lễ quyết định trước Noel. Nếu như mục tiêu là cải cách đến cùng chế độ hưu bổng này thì chính phủ đang có 5 ngày để lật ngược tình thế theo hướng có lợi cho mình.
Xã luận của Le Figaro nhận định "Chính bây giờ là lúc cuộc chiến Noel đóng vai trò quan trọng. Các gia đình sẽ được đoàn tụ như lẽ thường ?" Có lẽ không, nhưng chính phủ và người dân Pháp tiếp tục giằng co.
Trong khi đó, xã luận nhật báo Libération, mang tiêu đề "Đọ sức", bình luận, một nỗi khốn khổ đang thịnh hành trong đời sống người dân Pháp. Dự báo bầu không khí xã hội tuần mới này cũng sẽ không khác gì tuần trước : Giao thông tiêp tục tê liệt vì đình công, lại chuỗi ngày dài với đi bộ, chen chúc chờ đợi tàu xe. Bệnh viện, tòa án, cửa hàng buôn bán, doanh nghiệp, cơ quan, không một lĩnh vực hoạt động nào tránh được. Người dân đã tìm mọi giải pháp tình thế để giảm thiểu ảnh hưởng của đình công biểu tình, nhưng vẫn không tránh được căng thẳng, mệt mỏi. Tờ báo nhấn mạnh : Với quyết tâm quyết của chính phủ, động thái cứng rắn của các công đoàn, sẽ không có giải pháp bất ngờ nào trong những ngày tới.
Anh Vũ
Cuộc chiến bài trừ nạn nghiện rượu ở Nga là một "câu chuyện về sự thành công" và đáng được các quốc gia Châu Âu khác học hỏi. Trên đây là nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trung tâm chữa trị chứng nghiện rượu ở Moskva, Nga. Wikimedia Common.
Theo một báo cáo được tổ chức này công bố hồi tháng 10/2019, lượng rượu tiêu thụ tính theo đầu người ở Nga đã giảm 43% trong giai đoạn 2003-2016. Tỉ lệ này là 67% đối với rượu mạnh. Số người nghiện rượu cũng giảm mạnh từ 2.444.000 người vào cuối những năm 1990 xuống còn 1.305.000 vào năm 2018. Không chỉ có số người chết vì rượu và doanh thu bán rượu giảm, mà số vụ ngộ độc rượu, các rối loạn tâm lý do uống nhiều rượu cũng giảm.
Theo các tác giả bản báo cáo, chính việc giảm tiêu thụ rượu đã góp phần khiến tuổi thọ trung bình của người Nga được cải thiện đáng kể, đạt mức kỷ lục vào năm 2018 : 78 tuổi (nữ) và 68 tuổi (nam). Nga là nước có chênh lệch về tuổi thọ giữa nam và nữ cao nhất thế giới. Vào những năm 1990, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 57 tuổi. Từ năm 2003 đến năm 2017, tỉ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch cũng đã giảm khoảng 50%.
Tất cả những thành quả nói trên là nhờ, như phát biểu của ông Oleg Salagay, thứ trưởng Y tế Nga, một chính sách mà chính quyền đã quyết tâm thực hiện từ đầu những năm 2000, và được đẩy mạnh từ năm 2009. Nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin đã kiên quyết bài trừ nạn nghiện rượu.
Hàng loạt biện pháp hạn chế
Chính sách bài trừ nạn nghiện rượu ở Nga dựa trên hàng loạt biện pháp hạn chế. Ban đầu là quy định về giá bán rượu tối thiểu (hiện giờ là khoảng 250 rúp/50cl rượu vodka), tiếp theo đó, các loại rượu có nồng độ cồn cao nhất bị cấm bán sau 23 giờ đêm. Về sau này, có nhiều nơi công cộng mà người dân bị cấm uống rượu, quảng cáo rượu bị cấm, lệnh cấm bán rượu cho trẻ em cũng được thi hành triệt để. Hiện nay, chính quyền đang bàn thảo về việc cấm bán rượu cho những người dưới 21 tuổi. Từ năm 2011, bia cũng được coi là thức uống có cồn và cũng phải áp dụng các biện pháp hạn chế như đối với rượu.
Le Monde ngày 01/12 trích dẫn ông Evgueni Brioun, một chuyên gia nổi tiếng chứng nghiện rượu, theo đó các vấn đề về dân cư là hồi chuông báo động, thúc đẩy chính quyền Nga có các chính sách hợp lý hơn, chặt chẽ hơn. Công tác cai nghiện rượu cũng được cải thiện, làm giảm nguy cơ tái nghiện rượu.
Theo chuyên gia Brioun, điều đáng ngại hiện nay liên quan đến các loại rượu lậu được bán ở các vùng quê, nhất là rượu "samogon" được dán nhãn là chưng cất thủ công. Loại rượu này chiếm 1/3 tổng lượng rượu tiêu thụ tại Nga. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới nói là nhà chức trách Nga đã thành công trong việc kiểm soát thị trường rượu lậu ngay từ đầu những năm 2000, làm giảm 50% lượng rượu lậu, nhưng thông tín viên Benoit Vitkine tại Moskva của báo Le Monde nhận định các vụ ngộ độc rượu vẫn thường xảy ra và cho thấy rượu lậu vẫn chưa được bài trừ.
Chiến dịch răn đe trong quá khứ
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên nước Nga có chiến dịch bài trừ nạn nghiện rượu. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Sa hoàng đã có nhiều biện pháp, chẳng hạn lệnh hạn chế bán rượu từ 22 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Ở nông thôn, rượu chỉ được bán sau 10 giờ sáng. Dưới thời Xô Viết, có một số chiến dịch đặc biệt mang tính răn đe, nhiều người vi phạm bị bắt giữ và thậm chí là bị vào trại tập trung.
Một trong những chiến dịch mạnh nhất là ở thời Mikhail Gorbachev (1985-1991), với nhiều biện pháp hạn chế về giá cả và giờ giấc bán rượu… Theo nhiều ước tính, 1,5 triệu người đã giữ được mạng sống nhờ các biện pháp này. Tuy nhiên, giai đoạn này là quá ngắn để có thể làm thay đổi lâu dài thói quen và suy nghĩ của người dân.
Chống thói nghiện rượu - Cách mạng văn hóa của tổng thống Putin
Ngược lại, theo các nhà quan sát, những thay đổi gần đây tại nước Nga về thói quen uống rượu chắc sẽ được bền lâu. Những thay đổi trong 15 năm qua rất sâu sắc, gần như một cuộc cách mạng về văn hóa. Tổng thống Putin là một minh họa rõ nét. Nếu người tiền nhiệm Boris Yeltsin (1991-1999) nổi tiếng về sức khỏe thể chất yếu kém, thì tổng thống Vladimir Putin lại nổi tiếng là người rất chú ý đến thể lực, hình thể. Chính điều này góp phần khiến ông trở nên được lòng dân.
Tổng thống Vladimir Putin đã không chấp nhận đưa rượu vào danh sách các giá trị truyền thống mà chính quyền ca tụng. Các phong trào thanh niên ủng hộ chính quyền của tổng thống Putin nối tiếp nhau, cùng với nhiều nhóm cực hữu, trong những năm qua, đã tiến hành nhiều chiến dịch bài rượu trên đường phố.
Lối sống của người Nga đã thay đổi. Một phóng viên của hãng tin Nga RIA-Novosti viết : "Không giống như cách nay 40 năm, quý vị không còn có thể nói với lãnh đạo cơ quan là không thể làm việc vì đã uống rượu suốt 3 ngày". Thái độ dung thứ của xã hội với những người nghiện rượu dường như cũng đã thay đổi. Theo một khảo sát của viện VTsiOM hồi năm 2018, chỉ có 14% số người được hỏi có thái độ chê trách người nghiện rượu, 46% cho rằng đó là một "căn bệnh" và 31% xem đó là một "vấn đề xã hội". Hồi năm 2010, 57% người Nga coi nạn nghiện rượu là vấn đề số 1 của đất nước.
Theo chuyên gia Brioun, những thay đổi nói trên rõ nét hơn ở các thành phố lớn. Những người làm công ăn lương không còn uống rượu vào buổi trưa, thay vào đó họ đến các phòng tập thể thao. Nhưng ngay cả ở các vùng nông thôn, hình ảnh những người đàn ông lảo đảo, loạng choạng vì say rượu trên phố vào ban ngày cũng rất hiếm gặp.
Nhà báo hãng tin Nga RIA-Novosti hài hước : Nếu còn một nơi nào đó mà người Nga có thể uống rượu "đã đời", thì đó có lẽ là ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong các chuyến du lịch kiểu "all-inclusive". Ở nơi đây, ngay từ cửa hàng miễn thuế ở sân bay, du khách Nga đã có thể thoát khỏi hệ thống kiểm soát ở quê nhà và "xả stress" với các phương pháp dân gian của cha ông : pha trộn rượu gin, bia và rượu rhum.
Thùy Dương