Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/12/2019

Điểm báo Pháp - Truyền thống bán lịch cuối năm

RFI tiếng Việt

Pháp : Truyền thống bán lịch cuối năm của nhân viên bưu điện

Ngày Giáng sinh 25/12/2019, các nhật báo lớn của Pháp đều nghỉ, chỉ có Le Monde ra báo giấy liền hai số.

lich1

Lịch của ngành Bưu chính Viễn thông, năm 1887, "Thánh Paul trên đường đến Damascus", in tại nhà in Oberthür. Flickr

Trong một bài viết, Le Monde nói đến truyền thống bán lịch và bưu thiếp cuối năm của nhân viên bưu điện, "một ngành kinh doanh lên đến 100 triệu euro".

Hàng năm, khoảng 8 đến 10 triệu cuốn lịch, tất cả đều được in tại Pháp, được nhân viên ngành bưu điện chào bán cho người dân. Truyền thống "mừng tuổi" này có từ thời vua Louis XIV và được phổ biến từ năm 1853 nhờ François-Charles Oberthür, sống ở vùng Alsace (phía đông nước Pháp). Để cảm ơn nhân viên bưu điện phát thư, người dân có thể mua lịch hoặc thiệp chúc mừng với giá tùy tâm, nhưng thường dao động từ 8 đến 10 euro.

Tại Pháp, hiện có ba nhà in lớn chuyên nhận đặt in lịch của người phát thư, trong đó Oberthur chiếm đến 40% thị trường. Các nhà in không có hợp đồng chính thức với Bưu điện Pháp (La Poste), ngoài việc đồng ý cho in logo của La Poste trên lịch để chứng thực "hàng thật".

Việc bán lịch là ý tưởng của từng cá nhân. Vì nhân viên ngành bưu điện không có lương tháng thứ 13, như một số ngành nghề khác, nên hàng năm, họ có thể bán thêm lịch và bưu thiếp tại khu vực hoạt động hàng ngày của họ để bù khoản "thất thu" này. Nhiều nhân viên sẵn sàng nghỉ một tuần, chỉ để đi gõ cửa từng nhà bán lịch.

Ngay từ tháng Ba hàng năm, nhân viên bưu điện đặt mẫu lịch và số lượng trên website của các nhà in. Đứng đầu Top 10 các mẫu ảnh được sử dụng nhiều vẫn là hình ảnh đơn điệu như những chú chó, chú mèo, phong cảnh. Một số nhà in gợi ý nên có thêm "những lời khuyên, công thức nấu ăn, chuyện cười, hình ảnh các đức thánh, hay cảnh thủy triều lên đối với những vùng duyên hải…".

Tổng giám đốc nhà in Oberthur cho biết : "Chúng tôi in thành ba đợt, vào tháng 06, tháng 07 và tháng 09. Thông thường, người phát thư không ứng tiền trước. Họ thanh toán vào tháng Giêng, sau khi nhận được tiền mừng tuổi". Một số khác thì thanh toán thành 10 lần trong năm. Nhà in Oberthur có khoảng 30.000 nhân viên bưu điện là khách hàng và những "khách hàng trung thành" cũng được tri ân với "những món quà nhỏ".

Tuy nhiên, dường như người dân Pháp, đặc biệt là ở Paris, không hiểu hết được công sức của người đưa thư. Người đưa thư mua mỗi một cuốn lịch với giá từ 1,81 đến 1,82 euro, bỏ công đến kho để vận chuyển, sau đó gõ cửa từng nhà, nhưng thông thường người dân chỉ tặng 5 euro.

Nghệ sĩ ballet Opéra de Paris đình công bằng cách... biểu diễn ngoài đường

Thay vì khiến người dân Paris khốn đốn vì đi lại như phong trào đình công của ngành giao thông công cộng, các nghệ sĩ múa ballet của Nhà hát Paris (Opéra de Paris) có cách đình công riêng. Bất chấp cái lạnh 9 độ C, khoảng 40 nghệ sĩ múa, trong trang phục váy xòe trắng và biểu diễn vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga ngay trước cửa Nhà hát vào ngày 24/12/2019.

Họ cũng là những người được hưởng quy chế đặc biệt, như nhân viên ngành đường sắt và điện lực. Nhà hát Opéra Paris và Nhà hát kịch Pháp là hai cơ quan văn hóa nằm trong loạt cải cách của chính phủ. Quy chế đặc biệt của Opéra Paris là một trong những quy chế lâu đời nhất của Pháp, có từ năm 1698, dưới thời vua Louis XIV.

Trang mạng báo Le Monde cho biết, từ 15 ngày nay, các nghệ sĩ đình công để phản đối kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhiều buổi biểu diễn đã bị hủy. Alexandre Carniato, một nghệ sĩ 41 tuổi, cho biết : "Từ năm 8 tuổi, người ta đã khắc trong tâm trí chúng tôi là chúng tôi có một nhiệm vụ cao cả và chúng tôi sẽ múa cho Nhà hát Opéra Paris, biểu tượng cho nước Pháp". Một nghệ sĩ khác cho rằng "Toàn bộ Nhà hát bị ảnh hưởng. Nền nghệ thuật của chúng ta đang gặp nguy hiểm".

Biểu diễn chân trần, trên nền đá cứng trước cả nhà hát, những nghệ sĩ múa ballet muốn cho công chúng thấy những khó khăn của nghề, như giải thích của Alexandre Carniato : "Đó là 15 năm cống hiến, đó là công việc hàng ngày. Và để đạt được đến trình độ này, phải chấp nhận giới hạn và gò bó. Nếu công chúng còn muốn tiếp tục thấy những nghệ sĩ múa xinh đẹp, họ không thể nào tiếp tục làm việc đến năm 64 tuổi. Đây là điều không thể".

Hiện tại, chế độ đặc biệt cho phép các nghệ sĩ "nghỉ hưu" vào năm 42 tuổi, căn cứ vào "mức độ nặng nhọc" của nghề, cũng như nguy cơ chấn thương hoặc khó có thể để một nghệ sĩ cao tuổi tiếp tục biểu diễn với yêu cầu nghệ thuật cao trong những vở kịch lớn.

20 ngày đình công : Ngành đường sắt Pháp thất thu 400 triệu euro

Ngày Giáng sinh nhưng cũng là ngày đình công thứ 21 tại Pháp. Tân tổng giám đốc Nghiệp đoàn Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) thẩm định mỗi ngày thất thu 20 triệu euro, như vậy tổng cộng là 400 triệu euro tính từ đầu cuộc đình công, chưa kể những chi phí gián tiếp, chỉ có thể được thẩm định sau này.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde, tân tổng giám đốc SNCF Jean-Pierre Farandou khẳng định : "Từ giờ, mọi thứ đã được đặt trên bàn (đàm phán)", trừ quy chế đặc biệt, đã bị xóa trong đợt cải cách 2018. Có hai biện pháp đang được tiến hành để áp dụng quy định mới : Tính toán lương hưu cho khoảng 40% nhân viên (50.000 người) thuộc giai đoạn chuyển tiếp ; tính lương hưu cho những người thuộc hệ thống mới. Vấn đề tiếp theo là nâng dần tuổi nghỉ hưu, hiện là 52 tuổi đối với lái tầu và 57 tuổi đối với những nhân viên còn lại.

Từ năm 2020, công ty đường sắt Pháp sẽ có nhiều thay đổi. Trước tiên là chuyển sang quy chế mới, gồm nhiều công ty vô danh thay vì chỉ gồm những công ty công như trước đây. Mỗi công ty sẽ phải chặt chẽ về tài chính và phải biết tự quản lý nợ. Tiếp theo, công ty sẽ không tuyển nhân viên theo quy chế đặc biệt, mà theo hợp đồng lao động thông thường như những ngành nghề khác.

Ngành đường sắt Pháp nổi tiếng với "bản sắc riêng" thông qua những cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi, dấn thân... Nhưng thêm vào đó, tân tổng giám đốc SNCF muốn thêm một chút "linh động, táo bạo, canh tân, trách nhiệm và phi tập trung". Theo ông, đó không phải là "biến đổi" mà chỉ là "quá độ" trong công ty SNCF.

SNCF - RATP : Hai tốc độ đàm phán khác nhau

Trong ngày đình công thứ 21, không có bất kỳ chuyến tầu cao tốc nào hoạt động vào sáng 25/12. Tại Paris, tuyến tầu A xuyên vùng Ile-de-France đóng cửa hoàn toàn, metro hoạt động cầm chừng trong giờ cao điểm.

Trên website, Le Figaro đặt câu hỏi : "Tại sao các cuộc đàm phán với SNCF lại nhanh hơn so với RATP ?". Thực vậy, với ngành đường sắt SNCF, chính phủ đã tìm được một số tiền đề thỏa thuận, trong khi hướng giải pháp với công ty giao thông công cộng Paris và Ile-de-France (RATP) lại bị lùi sang năm 2020.

Chủ tịch nghiệp đoàn CGT tại RATP cho rằng nhân viên ngành giao thông cộng cộng Paris - Ile de France "bị đối xử không tốt bằng nhân viên ngành đường sắt. Bởi vì có thể là do chúng tôi làm phiền ít hơn". Trong khi chính phủ vội vàng tìm ra được một tiếng nói chung với nghiệp đoàn UNSA-ferroviaire, một trong hai nghiệp đoàn ủng hộ cải cách, trước đợt đi lại lớn dịp cuối năm, thì "deal" tương tự đã không được đề xuất với RATP, bởi vì, theo Le Figaro, rất nhiều người dân Paris đi nghỉ vào dịp này.

Le Monde nhận định : "Cải cách hưu trí : không có "hưu chiến" đối với chính phủ". Điện Matignon cho biết thủ tướng Edouard Philippe chia đổi thời gian nghỉ lễ giữa Paris và vùng Normandie. Lãnh đạo bộ Giao thông Pháp "luôn túc trực ở Paris". Tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra kín tiếng. Ông sẽ gửi lời chúc mừng Năm Mới đến người dân vào tối 31/12 như thường lệ.

Algeria : Bước ngoặt trên thượng tầng sau khi tướng Gaïd Salah qua đời ?

Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde đề cập các sự kiện "Algeria : tướng Gaïd Salah qua đời, làm đổi hướng quân bài trên thượng tầng Nhà nước" ; "Vụ Khashoggi : giới thân cận của "MBS" (Mohammad bin Salman) được trắng án" ; "Tiến trình cải cách Giáo triều khó khăn đối với giáo hoàng".

Trang nhất của Le Monde cho rằng việc tướng Gaïd Salah, tổng tư lệnh quân đội Algeria, một nhân vật quan trọng trên chính trường, đột ngột qua đời chỉ một ngày sau khi quốc gia Bắc Phi này có tân tổng thống, đang định hình lại hệ thống chính trị Algeria. Từng ủng hộ chế độ Bouteflika, nhưng tướng Gaïd Salah đã lùi bước trước sức ép của công chúng.

Đối với một số người ủng hộ vị tổng tự lệnh, tướng Gaïd Salah đã giúp Algeria tránh một được bể máu. Nhưng đối với những người đối lập, tướng Gaïd Salah đã tận dụng phong trào phản kháng (Hirak) của dân chúng để lật đổ bè phái Bouteflika. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa vị tổng tư lệnh và công chúng lại trở nên xấu đi do tướng Gaïd Salah yêu cầu nhanh chóng tổ chức bầu tổng thống, trong khi người biểu tình đòi một chuyển tiếp dân chủ có thương lượng. Ông Gaïd Salah xuất hiện ở khắp nơi, làm lu mờ hình ảnh quyền tổng thống Abdelkader Bensalah.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, tổng thống tân cử Algeria là nguyên thủ có được ít số phiếu bầu nhất, do gần 70% người dân tẩy chay cuộc bầu cử, vì nhân vật này từng là thứ trưởng trong chính quyền cũ.

Vụ Khashoggi : Giới thân cận của "MBS" được trắng án

Tư pháp Saudi Arabia đã tuyên 5 bản án tử hình hôm 23/12/2019 trong vụ ám sát nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, theo Le Monde, hai nhân vật thân cận của hoàng thái tử Mohammed Ben Salman lại được trắng án : Người thứ nhất là Ahmed Al Assiri, nhân vật số 2 trong ngành tình báo Saudi Arabia, cựu phát ngôn viên của liên quân Ả Rập tấn công vào Yemen, do "không có đủ bằng chứng" ; người thứ hai là Saoud al Qahtani, cố vấn truyền thông của hoàng thái tử.

Ankara đánh giá bản án "không đáp ứng trông đợi" của Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng bản án là "lời chế nhạo ngành Tư pháp". Riêng bộ Ngoại Giao Pháp, đến sáng 24/12, chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 398 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)