Câu chuyện Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt – tự nguyện nộp lại hai văn bằng cử nhân và một văn bằng tiến sĩ để các cơ quan hữu trách "xử lý theo quy định" vì ông đã dùng "bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp" để có thể thủ đắc chúng [1] tiếp tục khuấy động dư luận.
Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt - tâm điểm của một scandal bằng giả. Hình chụp ngày nhận bằng tiến sĩ luật. (Ảnh : Cổng Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Có thể vì nhiều người thắc mắc, tại sao Bộ Giáo dục và đào tạo không gọi tấm bằng bổ túc văn hóa cấp ba mà ông Việt dùng là "bằng giả" mà xếp tấm bằng này vào loại "không hợp pháp" nên Kiem Mai Ba lý giải, đại ý : Bằng cấp không phải là hàng hóa có thể mua bán nên không có "giả", chỉ có "bất hợp pháp". Nhờ "thông thái", Bộ Giáo dục và đào tạo mới nghĩ ra việc sử dụng từ ngữ có tính học thuật để lượng giá như vậy, rồi bởi ông Việt "thừa nhận" thành ra không cần chuyển cho công an truy xét xem có mua bán bằng cấp hay không, các đại học chỉ cần làm thủ tục thu hồi những văn bằng đã cấp cho ông Việt là xong, không cần phải xử lý lý bất kỳ cán bộ, giảng viên nào đã "nhúng chàm" trong tuyển sinh và cho "sanh viên chưa tốt nghiệp cấp ba" hội đủ điều kiện nhận văn bằng cao hơn. Mai Bá Kiếm còn chỉ ra lợi ích khác khi xác định "bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp" là biến việc "thụ phong Tỳ kheo và tấn phong Trụ trì cũng... không hợp pháp" chỉ cần sắp xếp cho Việt ông tự nguyện trả hết là ổn [2].
Tin Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt - tự nguyện nộp lại các văn bằng trên trang Facebook của VTV24 thu hút cả ngàn người tham gia bình luận [3]. Phần lớn bày tỏ thái độ ngán ngẩm về sự học ở Việt Nam. Không ít người như Trương Hiền xem đó là ví dụ về "sự ưu việt của chế độ". Bên cạnh đó có không ít người đặt vấn đề như Nông Chí Minh : Liệu Bộ Giáo dục và đào tạo có dám cho phanh phui cho hết những trường hợp học giả nhưng bằng cấp thật đã tồn tại rất lâu, nhất là những trường hợp không đỗ tú tài nhưng khi trở thành cán bộ thì thăng tiến cả về chức vụ lẫn bằng cấp ? Nguyễn Văn Hóa không tin có cơ quan hữu trách nào dám làm chuyện này bởi : Nếu kiểm tra, thanh tra, toàn bộ văn bằng tiến sĩ đã cấp, chắc chắn sẽ phải thu hồi rất nhiều và chẳng còn mấy người làm việc ! Đó cũng là lý do Lưu Hiếu khái quát hiện trạng : Người có bằng cấp chưa chắc có việc làm và địa vị xã hội nhưng người dùng bằng giả chắc chắn có cả hai !
Scandal liên quan đến ông Việt chọc ngoáy thêm một lần nữa vào khối u đã mưng mủ từ lâu nhưng chính quyền Việt Nam không muốn chữa trị. Cũng vì vậy thiên hạ mới nửa đùa, nửa thật kiểu như An Truong : Sai phạm xảy ra là điều không ai mong muốn song đừng đề cập trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào vì trách nhiệm thuộc về... toàn dân. Hoặc ngán ngẩm bồi thêm như Tk Kc : Nên quy trách nhiệm cho người tin vào cái giấy... Chẳng phải tự nhiên mà chỗ nào đề cập đến scandal này trên mạng xã hội cũng có những ý kiến tương tư như Trương Văn Tiến : Giờ mà sờ từ ngọn đến gốc thì khối ông to bà lớn ra đi. Hoặc như Nika Sang : Một bên vì danh lợi, một bên vì tiền, ô hợp cả bè, nhếch nhác, kinh tởm [4]. Đó cũng là lý do khi bàn về ông Việt, thiên hạ không thể quên các Giáo sư Tiến sĩ Đại học Luật Hà Nội từng cung kính dâng cho ông Việt tấm bảng "quốc trung hiền sĩ" hay Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo chuyên ca ngợi bác Hồ, đột nhiên chuyển sang tôn xưng ông Việt là "nhà văn hóa", là "học giả uyên bác" [5].
***
Nhân chuyện thiên hạ bình phẩm về qui trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, ông Xuan Son Vo lưu ý : Vương Tấn Việt không phải là người đầu tiên có bằng như vậy. Ông Sơn nhắc một chuyện mà nhiều người làm việc trong ngành y ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nhớ, liên quan tới một bác sĩ được chọn làm Trưởng khoa một bệnh viện lớn. Tuy bác sĩ này nổi tiếng, rất nhiều người đổ đến phòng mạch của ông khám bệnh nhưng những người trực tiếp làm việc với ông đều nghi ngờ việc ông đã từng học trường y. Thế rồi bác sĩ đó hoàn tất "Chuyên khoa cấp hai"... Cuối cùng, do dư luận, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cử người sang Pháp xác minh và nhận được xác nhận là ông không học y tại Pháp. Theo ông Sơn, việc ông bác sĩ giả hoàn tất "Chuyên khoa cấp hai" là do qui trình đào tạo và sự "kín tiếng" của những người học chung với ông. Bộ môn qui định ba người làm chung luận án. Tuy ông không biết gì nhưng hai người còn lại thuộc hàng cây đa, cây đề trong ngành và không rõ khi làm chung luận án, hai người có nghi ông là bác sĩ giả hay không ?
Xuan Son Vo nói thêm : Sau này, khi tôi làm luận án tiến sĩ, tôi mới thấy, nếu như làm theo qui định, việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Việt Nam khó hơn nhiều so với bảo vệ nó ở nước ngoài vì có nhiều yếu tố không chuyên môn xen vô. Thế nhưng, chất lượng chuyên môn lại là vấn đề rất khác [6].
Giống như nhiều scandal cùng loại, scandal liên quan tới Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt – cũng được mang ra nghị trường khi quốc hội Việt Nam "thảo luận về tình hình kinh tế xã hội". Thêm một lần nữa, đại diện cho "ý chí nguyện vọng của nhân dân" đề nghị "quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng, thực chất để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội". Thêm một lần nữa, ĐBQH thông báo : Cử tri cho rằng ngoài trường hợp này, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự nữa đang tồn tại ?
Những tiến sĩ ‘dỏm’ ấy đang ở đâu, họ đã và đang làm gì ? Có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước hay sự phát triển của cộng đồng xã hội hay không ? Vấn đề này cần sớm được quốc hội, chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, rà soát... Không thể đếm được đã có bao nhiêu đề nghị kiểm tra, rà soát, đã có bao nhiêu chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhưng không thể trả lời khi nào thì kiểm tra, soát xong hay không cần kiểm tra, rà soát nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/10/2024
Chú thích
[1] https://tienphong.vn/ket-qua-xac-minh-bang-bo-tuc-van-hoa-cua-ong-vuong-tan-viet-post1684436.tpo
[2] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0bQcLctua6qEuDp2bhGZD2ifRD2DUCXfoQx1k816bHfNCVDGmqMF5UAp1C5C6DxWEl&id=100089087646024
[3] https://www.facebook.com/tintucvtv24/posts/pfbid0xiYKpVF2TkRFMaZbrp9v7t5TghgxV1hLHbxS8oHs94uNzxtSVD9aqG3zJCUVf4Nil
[4] https://www.facebook.com/haynhucnhoi/posts/pfbid0XxySrRFZ3ab9m1p2ZtPSNirqUMens2M6mnTGqv3UTqagCbFL4dSn8hedyphNxpoBl
[5] https://www.facebook.com/reel/480167554565756
[6] https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid0qEKbngR7GCnyDJe6QCvFCvPWrBMw2M9JvUw2f5aTvc1sx9MrsX9PaTmcbx3R2tinl
[7] https://tuoitre.vn/nhan-chuyen-ong-vuong-tan-viet-dung-bang-gia-dai-bieu-ban-khoan-cac-tien-si-dom-dang-o-dau-20241026094957012.htm
Những thông tin và sự kiện liên quan đến Thượng tọa Thích Chân Quang (thế danh Vương Tấn Việt, sinh năm 1959), trụ trì Thiền tôn Phật Quang tọa lạc ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) tiếp tục khiến công chúng sửng sốt.
Thượng tọa Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng tiến sĩ luật. (Ảnh : Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam)
Sau khi Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, ông Việt không có tên trong danh sách thí sinh đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc văn hóa cấp ba khóa 1989, trong khi ông Việt từng sử dụng một văn bằng, chứng nhận ông đã hoàn tất chương trình Bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Thành phố Hồ Chí Minh để lập tự, làm trụ trì, học hai đại học, được chọn làm nghiên cứu sinh, nhận học vị Tiến sĩ Luật... Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Phó ban Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập tức loan báo : Thượng tọa Thích Chân Quang không phải là chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ quản lý thượng tọa Thích Chân Quang với tư cách hành chính [1]. Đại học Hà Nội nơi từng cấp cho ông Việt văn bằng Cử nhân Anh ngữ (2001) để ông lấy thêm văn bằng Cử nhân Luật, tham gia chương trình nghiên cứu sinh rồi nhận học vị Tiến sĩ Luật ở Đại học Luật Hà Nội cũng vội vàng loan báo : Không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt [2]...
Giống như Quốc Ấn Mai với nhận xét : Giờ quay lưng y chang gà quẹt mỏ [3] - Kiều My, một thành viên của nhóm Chuyện tuổi Trung niên trên Facebook – cũng có cảm nhận tương tự : Ngay cả giới thầy tu cũng chơi trò đá bóng, phủi trách nhiệm [4] ! Đó cũng là lý do khiến Nguyễn Thanh Bình cám cảnh, nhắn ông Thích Chân Quang : Lúc hoạn nạn mới biết ai là bạn mình thầy ạ. Lúc thầy nhận bằng tiến sĩ thì người ta bu quanh quỳ lạy, tâng bốc thầy lên tận trời xanh, nào là bậc chân tu hiền sĩ, Tấn Việt là nước Việt ...tiến lên. Bây giờ khi biết thầy chưa xong bổ túc cấp ba, người ta quay xe hết rồi thầy ạ [5].
Tuy nhiên với công chúng, những thông tin, sự kiện liên quan đến ông Vương Tấn Việt/Thượng tọa Thích Chân Quang không đơn thuần chỉ là "thế thái, nhân tình" ! Chẳng phải tự nhiên mà Duong Thang thắc mắc : Ông Thích Trúc Thái Minh tài cao đến thế, thậm chí có khả năng ‘trục vong’ khỏi các thai nhi vậy mà không chịu ra tay trục vong giúp ông Vương Tấn Viêt/Thích Chân Quang để ông này bị vong quấy nhiễu, bị nghiệp quật, bị ma đưa lối quỷ đưa đường... đang yên, đang lành, nguồn thu đang cực kỳ ổn bỗng đi dùng bằng giả để kiếm hai bằng đại học, một bằng cao học, một bằng tiến sĩ... Giờ thì không chỉ sẽ bị tước hết các loại bằng, danh tiếng bị hủy hoại mà chiểu theo pháp luật hiện hành về việc xài bằng giả, nguy cơ bị đi tù là rất cao và cũng liên lụy đến vô số người, chẳng hạn như Giáo sư Hoàng Chí Bảo ‘đáng kính’.
Duong Thang nửa đùa, nửa thật : Tại sao có một đồng đạo cao tay như Thích Trúc Thái Minh mà ông Thích Chân Quang không nhờ vả nhỉ ? Chuyện phi thường như một sợi tóc 4.000 năm tuổi mà ông ấy còn lôi ra trưng bày … thì việc hô ‘biến’, cho ra một văn bằng Bổ túc văn hóa xịn chỉ mới từ 1989 có là gì đâu. Cũng có thể vì đầu năm nay ông Thích Chân Quang quên không nhờ ông Thích Thanh Quyết dâng sao giải hạn cho chính mình. Nếu có nhờ chắc giờ này hạn nào, nặng đến mấy cũng được ông Quyết hóa giải cho bằng hết. Song nên lưu ý, nếu nhờ ông Quyết ‘dâng sao giải hạn’ thì nhớ gửi từ 500.000 trở lên nhé, dưới là thày Quyết ‘lỗ chỏng vó’ đấy [6].
Khác với nhiều người, Cuong Huy Ngo long trọng ‘cám ơn ông Thích Chân Quang’ vì : Cái giả dối của ông đã giúp cho cả nước nhìn ra một sự thật, mà trước kia hễ đụng vào sự thật đấy khi chưa có sự phát giác ra cái giả dối của ông thì kẻ đụng đến ít nhất là bị chửi khó tìm ra lối thoát, thậm chí còn bị đe dọa bỏ tù. Vậy không cảm ơn ông sao được ? Cái sự thật về nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chỉ biết đọc những quy định trên giấy của nhà nước, thậm chí không hiểu đúng và diễn giải lại chúng bằng những lời lẽ thông thường để truyền đạt cho học trò nhưng lại gọi đó là dạy luật. Cái sự thật về nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ bị hút hồn trở thành ngơ ngẩn, trở thành đơ bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng, địa vị xã hội cao, hay những lời lẽ uốn lượn vô tri mê hoặc... để không còn nhận ra được sự giả dối mà người thường chỉ cần bâng quơ cũng đủ thấy. Cái sự thật về việc ‘dồn hết cả trứng’ vào một khóa học trò tốt nghiệp được giữ lại trường và hiện nắm giữ các vị trí chủ chốt. Cái sự thật về cơ quan nào đó có thẩm quyền thiếu sâu sát để tin tưởng nhầm mà suýt nữa thì phá hỏng cả hệ thống đào tạo luật bằng việc trao cầm trịch xác định chuẩn đào tạo. Cái sự thật về nhiều người được phong hàm giáo sư, phó giáo sư mà điếc về nghiên cứu khoa học tới mức ca ngợi đứt lưỡi một công trình giả nhân, giả nghĩa có tính phản động chống lại điều kiện tồn tại bình thường của nhân loại [7].
***
Trước những thông tin, sự kiện càng ngày càng khiến thiên hạ vừa kinh ngạc, vừa cảm thấy não nề vì toàn những sự thật chưa từng tưởng tượng, Nguyễn Văn Phước than : Vương Tấn Việt - Thích Chân Quang đã làm bằng giả tốt nghiệp cấp ba ! Chỉ có thể ở Việt Nam - chưa tốt nghiệp cấp ba mà lấy bằng Tiến sĩ ! Và ở Việt Nam còn nhiều trường hợp như vậy nữa ? Ai ? Những ai [8] ? Gọi những thông tin, sự kiện liên quan đến ông Vương Tấn Việt – Thượng tọa Thích Chân Quang là ‘drama hài’, sau những ‘tập’ như : Mất hồ sơ, Không thuộc giáo hội, Con nhang Giáo sư Tiến sĩ quay xe, Cù Mai Công dự đoán : Drama hài còn nhiều tập. Đón xem hồi sau sẽ rõ [9] !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/08/2024
Chú thích
[4] https://www.facebook.com/groups/267411247747886/posts/1290564298765904/
Ông Thích Chân Quang chưa tốt nghiệp trung học mà có bằng tiến sĩ theo cách nào ?
RFA, 13/08/2024
Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại có đến hai bằng cử nhân và một bằng tiến sĩ.
Ông Thích Chân Quang - Photo : Phatgiao.org
Cụ thể trước khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông Việt đã có bằng cử nhân ngành tiếng Anh năm 2001 tại trường Đại học Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Hà Nội) ; tốt nghiệp cử nhân ngành Luật văn bằng thứ 2 năm 2019 tại trường Đại học Luật Hà Nội ; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường năm 2021 ; được cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật hiến pháp - hành chính của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022.
Tháng 6 năm 2024, khi mạng xã hội lên tiếng về việc ông Vương Tấn Việt hoàn thành chương trình đào tạo và nhận bằng tiến sĩ chỉ trong hai năm, trường Đại học Luật Hà Nội phát đi thông báo cho hay, ông Việt có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông về trường hợp ông Vương Tấn Việt như vừa nêu với RFA sáng 13/8 :
"Khi bảng photocopy bằng cấp 3 của ông ta bị tung lên mạng, nhiều người đã chỉ ra nội dung của bằng khá vô lý vào thời đó. Người ta nghi nhưng bằng chứng ông này gian dối thì không thể có. Muốn có thì phải lục hồ sơ, mà dân thường thì làm sao mà lục được. Đến khi Ban Tôn giáo của Chính phủ vô làm việc với Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và đặt vấn đề đó, thì Sở mới lục ra và kết luận hai điều : một là không có danh sách thi và chấm thi của thí sinh tên Vương Tấn Việt trong kỳ thi ngày tháng năm đó ; hai là cũng không có danh sách cấp bằng cho ông này.
Điều đó có nghĩa bằng của ông Vương Tấn Việt là bằng giả.
Theo nguyên tắc luật pháp đã được công bố, những người có gian dối về bằng cấp như vậy thì cái bằng tiếp theo sẽ bị tước. Như vậy, bằng đại học cũng bị tước, bằng tiến sĩ cũng bị tước. Chúng ta chờ bước tiếp theo là Đại học Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội phải ra quyết định tước bằng. Như vậy ông ta sẽ bị tước hai bằng cao học và một bằng tiến sĩ".
Chuyện bằng cấp giả ở Việt Nam từng gây xôn xao dư luận vào năm 2020, khi Trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội - một trong những đại học ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại Việt Nam - đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Theo báo chí nhà nước, hầu hết những người sử dụng văn bằng giả của Trường đại học Đông Đô là những người có vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành ; có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội ; có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.
Riêng trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3 mà có bằng tiến sĩ thật, Giáo sư Mạc Văn Trang nhận định với RFA :
"Theo luật pháp, khi bằng tốt nghiệp phổ thông không có mà lại đi học đại học để lấy bằng đại học thì bằng đại học đó không có giá trị. Mà bằng đại học không có giá trị thì cái bằng thạc sĩ cũng không có giá trị. Bằng thạc sĩ không có giá trị thì cái bằng tiến sĩ cũng không có giá trị.
Thế nhưng những cơ sở đào tạo về sau (sau trung học) cũng không có khuyết điểm bởi vì người ta không biết được cái bằng đầu tiên (bằng Trung học phổ thông) là bằng giả. Như thế, chỉ có nơi cấp bằng đầu tiên là bằng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khuyết điểm của những nơi đào tạo sau này là sai từ khi đề tài luận án đến quá trình làm luận án không đúng về quy trình và không đúng về thời gian. Và chất lượng của luận án thì kém mà tất cả hội đồng đó, bằng cách nào đó, tất cả đều ca ngợi là xuất sắc, là tài năng, là tuyệt vời. Khuyết điểm là ở chỗ quá trình đào tạo và đánh giá, chứ khuyết điểm không phải ở chỗ là tại sao lại đào tạo thạc sĩ hay tiến sĩ rồi cấp bằng.
Chính nơi cấp bằng giả tốt nghiệp phổ thông bổ túc văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh là tội nặng nhất".
Theo hình ảnh được đăng tải trên báo chí nhà nước và mạng xã hội trước đó, thì tấm bằng Tốt nghiệp cấp 3 Bổ túc Văn hóa của ông Vương Tấn Việt được cấp ngày 12/7/1989, do Phó Giám đốc Sở Giáo dục ký, ông Việt đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp vào ngày 6/6/1989. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và đào tạo hôm 13/8/2024 khẳng định : Có căn cứ để khẳng định ông Thích Chân Quang dùng bằng cấp 3 giả.
Theo đó, ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Việt cũng không có trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Nói về bằng cấp giả, Luật sư Đặng Đình Mạnh khi còn ở trong nước đã nhận định về việc này với RFA rằng :
"Ở Việt Nam cũng không chấp nhận chuyện bằng giả. Vẫn có quy định để chế tài việc làm giả những giấy chứng nhận, tài liệu của Nhà nước. Đó là tội hình sự nặng chứ không nhẹ đâu.
Nhưng rõ ràng là có cầu thì mới có cung. Tức là phải có người cần thì những dịch vụ cung cấp bằng giả mới phát sinh. Điều đáng nói là không chỉ người dân có nhu cầu bằng giả mà chính cán bộ là đối tượng mua bằng cấp giả khá nhiều. Họ cần bằng cấp để thăng quan tiến chức hoặc hợp thức hóa cái chức vụ hiện hành của họ".
Nhiều năm trước, Trường Đại học Dược Hà Nội có công văn khẳng định không cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành Dược năm 2008 cho ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Điều đó cho thấy Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam dùng bằng giả.
Nguồn : RFA, 13/08/2024
******************************
Cháu ruột Hồ Chí Minh sử dụng văn bằng tốt nghiệp giả mạo
Hiếu Bá Linh, Thoibao.de, 13/08/2024
Hôm 13/8, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố công văn khẳng định Thích Chân Quang (tức là ông Vương Tấn Việt) không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989.
Ảnh chụp công văn của Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và bằng tốt nghiệp cấp 3.
Thích Chân Quang đã sử dụng bằng tốt nghiệp cấp ba giả mạo này để nộp hồ sơ học đại học tại chức ở trường Đại học Luật Hà Nội để lấy bằng tiến sĩ luật.
Thích Chân Quang có nguy cơ bị truy tố hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và có thể bị kết án tù.
Hiếu Bá Linh
Nỗi nhục của nền giáo dục Việt Nam
Việc ông Vương Tấn Việt, pháp danh Thích Chân Quang, lấy bằng tiến sĩ trong vỏn vẹn hai năm ba tháng, đang thu hút dư luận cả nước không chỉ ở những bất minh liên quan đến quá trình thực hiện, mà còn ở nội dung đậm chất tuyên giáo của bản luận văn. Sự kiện này nói lên điều gì về hiện trạng của nền giáo dục và nhận thức về nhân quyền ở Việt Nam ?
Đài Á châu Tự do tổ chức cuộc hội luận với ba vị khách mời gồm Phó giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh để cùng phân tích.
Nguồn : RFA, 04/07/2024
Không chỉ mạng xã hội mà hệ thống truyền thông chính thức cũng tham gia đưa công chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về một số tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức đã cũng như đang dẫn dắt Phật tử mang niềm tin trộn với chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa xã hội) để thực hiện tiêu chí "đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội"...
Thượng tọa Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng tiến sĩ luật. (Ảnh : Cổng Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Chẳng hạn chuyện Đại đức Thích Trúc Thái Minh tiếp tục khuấy động dư luận khi cùng với bà Phạm Thị Yến dùng một thiếu nữ chừng 15 tuổi làm giáo cụ trực quan[1], giáo huấn hàng ngàn đứa trẻ rằng chúng phải tham dự các khóa tu tập do họ tổ chức Cả hai khẳng định, vong theo thiếu nữ ấy từng có nhiều kiếp làm gái mại dâm do 14 kiếp trước lẳng lơ, rù quyến tăng. Kiếp này, thiếu nữ 15 tuổi sẽ thoát khỏi số phận bị cưỡng hiếp, bị phụ bạc, ruồng rẫy, phải lấy nhiều chồng vì may mắn được phụ huynh cho tham dự tu tập một tuần tại chùa Ba Vàng. Theo Đại đức và nữ "cư sĩ" vừa đề cập, đứa trẻ nào muốn thoát vong thì phải tham dự thêm nhiều tuần tu tập khác[2] !
Tuy nhiên Đại đức Thích Trúc Thái Minh chưa phải là tâm của trận bão dư luận. Tâm của trận bão dư luận về những vị tăng của tổ chức tình nguyện đưa Phật tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam là Thượng tọa Thích Chân Quang. Trong vài ngày vừa qua, cả người sử dụng mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức đang cùng xới lại hành trình trở thành Tiến sĩ Luật của trụ trì chùa Phật Quang có thế danh là Vương Tấn Việt. Cứ như những bằng chứng đã được bày ra thì ông Việt sinh năm 1959, đến năm 30 tuổi (1989) mới hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa cấp ba. Mười hai năm sau (2001), lúc 42 tuổi, ông Việt tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Sau đó 16 năm (2019), ông Việt tốt nghiệp cử nhân ngành Luật (vừa học vừa làm). Mười tháng sau khi cầm văn bằng cử nhân luật, ông Việt được nhận làm "Nghiên cứu sinh Tiến sĩ" (12/2021) và chỉ trong vòng 24 tháng, ông Việt hoàn tất - bảo vệ thành công luận án tiến sĩ [3].
Bởi con đường trở thành "Tiến sĩ Luật chuyên ngành Hiến pháp - Hành chính" của ông Việt vừa ngắn ngủi, vừa lạ thường (trung bình khoảng bốn năm, nếu đặc biệt xuất sắc cũng không thể ít hơn ba năm) nên ngày 25/6/2024, Bộ Giáo dục và đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Đại học Luật Hà Nội "báo cáo" [4]. Tuy nhiên chuyện không chỉ có thế...
***
Tuy là tu sĩ nhưng dường như ông Việt đặc biệt ham thích chuyện tự tô vẽ cho chính ông. Đó cũng là lý do công chúng có thể vào YouTube xem ông Việt trình bày luận án tiến sĩ của ông về "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam". Luận án đã bị nhiều người, nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài chỉ trích.
Một trong những phản biện sớm nhất và đáng chú ý nhất đối với luận án của ông Việt là phân tích của ông Nguyễn Quốc Tấn Trung – khi đó đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành công pháp tại Đại học Victoria ở Canada[5]. Trong video clip có thời lượng khoảng 16 phút, ông Trung nêu ra nhiều điểm không chỉ đáng chú ý mà còn đáng lo đối với quan điểm của ông Việt – người cho rằng thế giới đang chệch hướng vì "hiểu sai về nhân quyền". Trong khi ông Việt nhấn mạnh "quyền phải đi kèm với nghĩa vụ", thậm chí phải thực hiện, chu toàn các nghĩa vụ trước khi thụ hưởng các quyền thì ông Trung giải thích và chứng minh loại quan niệm này ngược chiều với văn minh nhân loại.
Ông Trung lưu ý, sở dĩ cộng đồng quốc tế xác định nhân quyền phải là các quyền căn bản, vô điều kiện, không thể tách rời cá nhân và phổ quát vì nhân loại đã từng trả giá rất đắt khi để một số nhà nước đính kèm nghĩa vụ vào các quyền này. Chẳng hạn nhờ việc công nhận "quyền dân tộc tự quyết" mà các dân tộc đang bị đô hộ có quyền tranh đầu đòi lại sự độc lập. Khi "quyền dân tộc tự quyết" có tính đương nhiên thì dân tộc không cần phải thực thi bất kỳ nghĩa vụ nào để được hưởng quyền đó. Tương tự là "quyền bình đẳng giới tính", phụ nữ hoặc những người thuộc cộng đồng giới tính thứ ba chẳng cần hoàn thành bất kỳ nghĩa vụ nào để được bình đẳng với nam giới.
Ông Trung nói thêm, ngay cả khi một cá nhân có dấu hiệu vi phạm luật pháp, vi phạm các chuẩn mực chung thì "không bị tra tấn, không bị đối xử phi nhân tính" vẫn là quyền đương nhiên không thể tách rời khỏi cá nhân đó và cơ quan công quyền vẫn phải tôn trọng quyền này. Đó chính là một loại hàng rào ngăn chặn lạm quyền, gây ra oan sai.
Sau những dẫn chứng, phân tích như vừa lược thuật, ông Trung cho rằng, nỗ lực xem nghĩa vụ là điều kiện, khoác điều kiện lên những quyền đã được hệ thống luật pháp quốc tế về nhân quyền ghi nhận là "đặc biệt nguy hiểm" và "đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến diễn ngôn chính trị".
Khi "Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ" của Đại học Luật Hà Nội với bảy người không là Giáo sư Tiến sĩ thì cũng là Phó Giáo sư Tiến sĩ cùng nhất trí với quan niệm của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, thậm chí còn cho rằng quan niệm của ông Việt là "cơ sở rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" và "mở một hướng nghiên cứu mới, hướng tiếp cận liên ngành để nghiên cứu về nghĩa vụ con người một cách toàn diện" [6] thì điều đó có khác gì hội đồng này vừa tuyên chiến với giới luật gia thuộc phần còn lại của thế giới, vừa gián tiếp thay nhà nước Việt Nam khai chiến trong cuộc chiến nhận thức lại về nhân quyền ?
Ảnh chụp buổi giới thiệu "Thượng tọa Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học".
Chuyện ông Vương Tấn Việt có pháp danh là Thích Chân Quang đột nhiên trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Hiến pháp – Hành chính với nhiều yếu tố bất thường, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong đào tạo, buộc Bộ Giáo dục và đào tạo phải lên tiếng, yêu cầu Đại học Luật Hà Nội "báo cáo" [7], thật ra không quan trọng bằng việc các Giáo sư Tiến sĩ và Phó giáo sư Tiến sĩ đang tham gia đào tạo đội ngũ "luật gia" của Việt Nam đồng thanh hoan hô ý tưởng biến nghĩa vụ thành điều kiện, khoác nghĩa vụ lên vai con người, buộc họ thực thi nghĩa vụ trước khi muốn hưởng các quyền căn bản vốn đã được nhân loại, trong đó có cả Cộng hòa chủ nghĩa xã hội Việt Nam công nhận là đương nhiên.
Từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, dường như Việt Nam là quốc gia duy nhất mà một tập thể được xem như "tinh hoa" của giới nghiên cứu – đào tạo luật gia của một dân tộc văn minh cùng bày tỏ sự tâm đắc với ý tưởng phải có "Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người" nhằm dùng "tuyên ngôn" đó như đối trọng với pháp luật quốc tế về nhân quyền.
Trong khi "Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền" thúc đẩy các chính phủ, các cộng đồng xem được sống, được mưu cầu hạnh phúc, được tự do bày tỏ chính kiến, được đối xử bình đẳng bất kể chủng tộc, tôn giáo, giới tính, các dân tộc có quyền tự định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá, là những quyền tất nhiên, vô điều kiện, không thể tước bỏ vì bất kỳ lý do nào thì ý tưởng của ông Vương Tấn Việt – muốn xác lập các nghĩa vụ, buộc phải chu toàn những nghĩa vụ ấy trước khi muốn hưởng các quyền căn bản của một con người được "Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ" khen là tuyệt !
100% thành viên của hội đồng vừa kể không chỉ nhất trí với việc ông Việt xứng đáng là Tiến sĩ Luật bởi ông "chỉ ra được những điểm hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong pháp luật về nghĩa vụ con người" mà còn khen ý tưởng nên soạn "Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người" là "đột phá, táo bạo", đồng thời khẳng định việc xác lập, áp đặt nghĩa vụ lên các quyền đương nhiên của một cá nhân là "có giá trị nhân văn vượt khỏi khuôn khổ nghiên cứu thuần túy lý luận và luật học về nghĩa vụ con người" và là "cơ sở để rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" [8]...
Chưa rõ khi nào thì tập thể được xem như "tinh hoa" của giới nghiên cứu – đào tạo luật gia tại Việt Nam hoặc sẽ khuyến cáo chính quyền Việt Nam, hoặc sẽ xây dựng xong đội ngũ luật gia đủ sức tác động đến chính quyền Việt Nam "hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" theo hướng vừa đề cập. Cũng chưa rõ chính quyền Việt Nam có dám tiếp nhận và công khai "hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" theo hướng ngược chiều với phần còn lại của nhân loại hay không nhưng gần đây, khi công chúng bắt đầu chú ý đến luận án của ông Việt, video clip ghi lại buổi bảo vệ luận án của ông Việt để ca ngợi "thành tựu" của ông trên YouTube đã được chuyển sang trạng thái "riêng tư", không cho tham khảo nữa[9].
Tương tự, bộ phận quản trị website của chùa Phật Quang – nơi ông Việt làm trụ trì – mới đưa trang web vào tình trạng "bảo trì", không cho thiên hạ truy cập nữa[10], tuy nhiên nếu chịu khó search trên Google vẫn có thể thấy một phần lời giới thiệu bài "Thượng tọa Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học" ca tụng ông Việt thế này :Và thật hy hữu, đúng ngày sinh thần củaNgười(09/12), Thượng tọa đã xuất sắc bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Luật học,nhận được vô vàn lời..." (ảnh). Tiếc rằng sau khi công chúng, trong đó có không ít luật gia, giảng viên, chỉ ra những bất thường quanh chuyện "Người" trở thành tiến sĩ [11], ông Việt không muốn sắm vai "Người" nữa[12] !
Đại học Luật Hà Nội – nơi đỡ đầu, tạo ra và đưa Tiến sĩ Vương Tấn Việt vào học giới – cũng đang vất vả chống đỡ dư luận song phương thức chống đỡ mang sắc thái riêng của một nhà nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thay vì tham gia tranh luận để phân định đúng/sai về học thuật, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan, Giảng viên cao cấp của Đại học Luật Hà Nội, người hướng dẫn ông Vương Tấn Việt thực hiện luận văn tiến sĩ đã cảnh báo công chúng thế này :Các facebooker hãy thận trọng và cân nhắc kỹ khi bình luận. Không xúc phạm đến danh dự của tổ chức, cá nhân, đừng tự đưa mình vào trạng thái như Nguyễn Phương Hằng bà chủ của công ty Đại Nam[13] !
***
Sự ngưỡng mộ của công chúng đối với nhà sư Thích Minh Tuệ, phản ứng của công chúng đối với nhiều Đại đức, Thượng tọa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã đẩy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến chỗ phải bịt miệng (cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức) Đại đức Thích Nhuận Đức[14], Thượng tọa Thích Chân Quang [15] và chấn chỉnh các khóa tu mùa hè, không để các thành viên trong tăng đoàn tự tung, tự tác như trước[16]. Chùa Ba Vàng – nơi Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì đột ngột thông báo "tạm hoãn các khóa tu còn lại trong hè này" vì bỗng dưng phát giác "bận một số Phật sự quan trọng trong mùa an cư kiết hạ" [17].
Không phải tự nhiên mà nhiều người cùng cho rằng Phật giáo tại Việt Nam đang trong giai đoạn đáng ngại tới mức "chưa bao giờ như bây giờ". Điểm đáng chú ý nhất là càng ngày càng nhiều người với không ít Phật tử cùng tin đó là hậu quả tất yếu của việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhất trí để Đảng dùng đạo pháp làm một trong những công cụ xây dựng chủ nghĩa xã hội !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/06/2024
Chú thích
[1] https://www.youtube.com/watch?v=m-rPS4baoAs&ab_channel=ChinhNhân
[5] https://www.youtube.com/watch?v=ODR3ct4dLxM&ab_channel=HộiĐồngCừu
[9] https://www.youtube.com/watch?v=IlauF4Ox1Z0&t=581s
[10] https://thientonphatquang.com/
[12] https://thientonphatquang.com/tt-thich-chan-quang-bao-ve-xuat-sac-luan-an-tien-si-luat-hoc/
[13] https://www.facebook.com/photo?fbid=10225078236878180&set=pcb.10225078281999308
[16] https://plo.vn/khoa-tu-mua-he-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-quy-dinh-ra-sao-post796250.html
[17] https://www.phunuonline.com.vn/chua-ba-vang-tam-hoan-cac-khoa-tu-mua-he-2024-a1521445.html