RFA, 24/08/2022
Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền, một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) ra thông cáo báo chí yêu cầu Nhà nước Việt Nam điều tra cáo buộc tra tấn nhà hoạt động Trịnh Bá Phương trong thời gian tạm giam ông.
Trong thông cáo phát hành ngày 23/8, một tuần sau khi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo của ông Phương và giữ nguyên bản án mười năm tù giam và năm năm quản chế, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền nói, nhà hoạt động về quyền đất đai này đã bị tra tấn và đối xử tàn tệ trong suốt thời gian điều tra trước xét xử và còn bị đưa vào bệnh viện tâm thần trong suốt tháng ba năm 2021, và không được gặp luật sư trong thời gian hơn một năm kể từ khi bị bắt giữ vào ngày 24/6/2020.
Trong phiên tòa sơ thẩm giữa tháng 12 năm ngoái, ông Phương cho biết ông đã bị điều tra viên tra tấn, đánh vào bộ phận sinh dục để buộc ông khai nhận theo cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong những luật sư biện hộ cho ông Phương ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Tại phiên tòa sơ thẩm ông Phương nói các hành vi tra tấn vào lúc bị bắt. Ông bị bắt và bị đánh ở công an phường. Khi đánh như vậy có bà Tâm (Nguyễn Thị Tâm- PV) chứng kiến".
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Miếng, trong phiên tòa sơ thẩm, sau khi ông Phương tố cáo bị tra tấn ép cung, công tố viên đòi ông cung cấp bằng chứng của việc tra tấn này.
Trong lần thăm gặp chồng vào ngày 24/8 trong trại tạm giam của công an thành phố Hà Nội, lần đầu tiên được gặp lại chồng sau 26 tháng kể từ khi ông Phương bị bắt, bà Đỗ Thị Thu có hỏi chồng về việc ông bị tra tấn. Bà kể lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :
"Anh Phương bảo là trong một ngày họ cũng đã tra tấn anh ấy, đánh anh ấy vào bộ phận sinh dục trong thời gian điều tra".
Không chỉ ông Phương tố cáo bị tra tấn, mà em trai ông là Trịnh Bá Tư, người bị bắt cùng ngày với cùng cáo buộc bởi công an tỉnh Hòa Bình, cũng nói với gia đình là ông bị đánh đập bởi công an dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Bà Thu cho biết "Em Tư bị đánh sưng thận trái hôm em Tư bị bắt".
Theo luật sư Miếng, ông Phương tố cáo bị đối xử tàn nhẫn trong thời gian giam giữ trước và sau khi xét xử.
Ông bị biệt giam hơn một năm trước phiên sơ thẩm, và hơn tám tháng từ lúc sơ thẩm đến phiên phúc thẩm, trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định thời hạn đưa ra xét xử phúc thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp cao là 90 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án. Sau phiên sơ thẩm, công an còn buộc ông ký vào giấy cam kết chấp nhận bản án, tuy nhiên, ông từ chối.
Về việc đối xử tàn nhẫn đối với bà Cấn Thị Thêu - mẹ của hai ông Phương và Tư – người cũng bị bắt cùng ngày với cùng cáo buộc, con gái bà là Trịnh Thị Thảo cho RFA biết như sau :
"Mẹ tôi bị giam chung với người nhiễm HIV. Trong tuần đầu tiên, mẹ tôi không được nhận quần áo gia đình gửi vào cho nên lúc nào mẹ tôi cũng phải mặc quần áo ướt, giặt rồi mặc ngay. Phòng 7 mét vuông mà giam giữ 13 người. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè ở phòng giam có lúc lên đến 45 độ mà lúc nào cũng thiếu nước và không có quạt điện trong điều kiện nắng nóng như vậy".
Trong thông cáo báo chí của mình, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền chỉ trích việc kết án không công bằng, bắt giữ tuỳ tiện và quấy rối tư pháp đối với ông Trịnh Bá Phương cũng như đối với ông Trịnh Bá Tư và mẹ của hai ông, bà Cấn Thị Thêu, và bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ cao họ bị tra tấn và đối xử tàn nhẫn trong nhà giam.
Liên minh này kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cả ba mẹ con- những người bị bắt và cầm tù với mức án tù dài hạn chỉ vì đấu tranh về quyền đất đai và dũng cảm cất tiếng nói bảo vệ những người dân oan bị cướp đất khác.
Dẫn tuyên bố của Các Thủ tục đặc biệt của Liên Hiệp quốc về Điều 117 của Bộ luật Hình sự "quá rộng và dường như nhằm bịt miệng những người tìm cách thực hiện quyền tự do ngôn luận", liên minh kêu gọi nhà nước Việt Nam chấm dứt việc lạm dụng điều khoản này trong việc truy tố và bịt miệng giới bất đồng chính kiến.
Liên minh cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư cho ban lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Ngoại trưởng, Bộ trưởng nội vụ, và Tòa đại sứ của Việt Nam ở thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ) để yêu cầu điều tra ngay lập tức và minh bạch cáo buộc tra tấn và đối xử tệ bạc đối với ông Trịnh Bá Phương và buộc những kẻ thực hiện phải chịu trách nhiệm, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu.
***********************
Nguyễn Nam, VNTB, 24/08/2022
Một khi việc bổ nhiệm, luân chuyển chức sắc Phật giáo là do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định như công chức, cán bộ lãnh đạo của nhà nước, thì chuyện thành lập các chi bộ đảng trong Phật giáo, chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, đã được phân công đảm trách phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV.
Ông Trần Đức Thủy – trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho rằng : "Việc bổ nhiệm người ở địa phương khác vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh là rất bình thường. Thẩm quyền luân chuyển bổ nhiệm thì do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt".
Vậy có thể hiểu là người đang được gọi là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thật ra đó là một cán bộ của đảng, được đảng phân công về làm trụ trì chùa Ba Vàng. Nay vì yêu cầu của tình hình mới nên đảng quyết định phân công ông này về làm nhiệm vụ chính trị với chức danh "phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV".
Khó thể có cách hiểu khác, vì cách đây tuần lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết chùa Ba Vàng không chịu sự quản lý trực tiếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nghĩa là không nằm trong Giáo hội. Và như vậy thì người khoác áo cà sa được gọi là Đại đức Thích Trúc Thái Minh được ngồi vào ghế "phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV", chỉ có thể là người của đảng nên chịu sự phân công của đảng.
Không có cách hiểu khác, vì Ban trị sự Phật giáo Quảng Bình là tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên khó thể có chuyện nhân sự đến chức "phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV" lại là người bên ngoài Giáo hội.
Nếu không hiểu theo cách diễn giải ở trên thì việc bổ nhiệm, luân chuyển chức sắc Phật giáo sao lại do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định như công chức, cán bộ lãnh đạo của nhà nước ?
Nói thêm, trên trang web của chùa Ba Vàng (*), còn cho biết cả một ê-kíp chùa Ba Vàng được "phân công" tham gia vào Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình ; cụ thể, Đại đức Thích Trúc Bảo Lực và Đại đức Thích Trúc Bảo Hội được phân công đảm trách Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình.
Một nhà báo đang là biên tập viên ở tòa soạn có cơ quan chủ quản là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến về chuyện nhân sự ở trên, đó là biểu hiện rõ nét cho thời mạt pháp, bởi nếu không thì sao có điều vô pháp này, khi mà Thích Trúc Thái Minh từng bị kỷ luật nặng !
Trước đó, ngày 12/-7/2019, trong thời gian làm trụ trì chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng bị Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết bãi nhiệm tất cả chức vụ trong giáo hội.
"Hay là Giáo hội Phật giáo Quảng Bình muốn mời ông Thích này về "trục vong", cúng dường kiếm chác ! ? Điều lạ là việc bổ nhiệm này đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt ! Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu ?" – vị nhà báo nêu một câu hỏi tu từ.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 24/08/2022
************************
Thùy Dương, RFI, 24/08/2022
Cảnh sát Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam và Trung Quốc đã mở một chiến dịch triệt phá đường dây lừa đảo quy mô lớn liên quan đến nạn buôn người sang nhiều nước Đông Nam Á.
333333333333333333333333
Nhiều nước Châu Á hợp tác phá vỡ một mạng lưới lừa đảo liên quan đến nhiều nước trong khu vực. Getty Images - Matt Anderson Photography
Mục đích của đường dây buôn người là đưa người sang một số nước như Cam Bốt, Thái Lan, Lào và Miến Điện, dồn họ tập trung đến một nơi rồi buộc những người này thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến. Số nạn nhân hiện vẫn chưa được nêu rõ, nhưng danh tính vài trăm người đã được xác định và nhà chức trách một số nơi đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ.
Tất cả bắt đầu với một lời chào mời việc làm hấp dẫn, được trả lương cao tại một quốc gia Đông Nam Á, như Cam Bốt, Thái Lan, Lào hoặc Miến Điện. Những người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy, được mua vé máy bay cho, nhưng khi đến quốc gia họ đã chọn thì bị tịch thu hộ chiếu. Sau đó, họ bị giam nhốt và phải thực hiện các trò lừa đảo, gian lận qua điện thoại hoặc trên mạng internet. Theo lời khai, những người này bị bạo hành cả về thể xác, tình dục, thậm chí không được cho ăn uống. Và chính các nạn nhân này còn bị dụ dỗ, ép buộc tìm thêm những người mới.
Theo nguồn tin của RFI ngày 23/08/2022, trong đường dây buôn người này, có nhiều nạn nhân là người Việt Nam và Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc đã xác định có dưới 400 công dân Đài Loan bị mạng lưới mafia này lừa.
Ngay từ tuần trước, theo AFP, tại Hồng Kông, đã có 36 nạn nhân liên lạc với cảnh sát nhờ trợ giúp về các vụ lừa đảo liên quan tới việc làm. Cảnh sát hồng Kông đã bắt giữ 5 người bị nghi là tổ chức các vụ lừa đảo về việc làm sang các nước Đông Nam Á.
Cũng trong tuần trước, tại Việt Nam, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khoảng 40 người Việt Nam tại Cam Bốt bị nhiều người cầm gậy đuổi theo. Theo truyền thông trong nước, họ là nạn nhân của mạng lưới buôn người, lừa đảo này và khi đó đang cố gắng chạy trốn về nước. Nhà chức trách Cam Bốt cũng đã công bố hàng trăm vụ bắt giữ.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương vẫn im lặng sau 3 tháng bị tạm giam
RFA, 24/09/2020
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương vẫn giữ quyền im lặng sau 3 tháng bị công an Hà Nội bắt giữ để điều tra với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Ông Trịnh Bá Tư (trái), Trịnh Bá Phương (giữa) và mẹ là bà Cấn Thị Thêu - FB Nhà Vườn Trịnh Bá Phương - Tư
Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương cho biết như thế sau khi bị triệu tập lên cơ quan An ninh điều tra công an Hà Nội để làm việc về vụ án vào sáng 24-9-2020. Bà Thu nói qua điện thoại như sau :
"Họ không hỏi gì nhiều, họ chỉ hỏi là có biết chị Đoan Trang hay là không, họ hỏi về Facebook của chồng em và họ hỏi về sức khỏe trước khi anh Phương bị bắt.
Họ nói anh Phương nhà em vẫn khỏe, nghe họ nói anh Phương hiện tại vẫn không nói một câu gì hết, anh ấy vẫn trong tình trạng im lặng (giữ quyền im lặng)".
Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 có hiệu lực đầu năm 2018 quy định : "Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Tuy nhiên quy định này thường không được áp dụng triệt để nhất là trong những vụ án an ninh do các bị cáo trong những vụ án này chỉ được gặp luật sư sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.
Bà Đỗ Thị Thu cho biết thêm, cơ quan an ninh điều tra hỏi bà về liên hệ của ông Phương với những người dân ở Đồng Tâm, khuyên không nên tiếp tục đấu tranh và nên tập trung chăm sóc con cái.
Như chúng tôi đã thông tin, hôm 24-6-2020, ôngTrịnh Bá Phương và em trai Trịnh Bá Tư cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu bị công an Việt Nam bắt tạm giam.
Bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân Dương Nội cũng bị bắt giữ trong cùng ngày.
Cả 4 người đều là những người lên tiếng mạnh mẽ trong sự việc công an Hà Nội điều hàng ngàn quân tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020 khiến ông Lê Đình Kình bị Cảnh sát cơ động bắn chết và 3 công an tử vong.
Thông tin về em trai ông Phương là Trịnh Bá Tư tuyệt thực hơn 20 ngày trong trại tạm giam công an tỉnh Hòa Bình cũng được gia đình cho hay từ ngày 25/8, tuy nhiên đến nay không có thông tin gì thêm.
**************************
Mỹ cảnh báo công dân khả năng bị ‘tấn công tình dục’ ở Việt Nam
VOA, 24/09/2020
Các cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mới lên tiếng cảnh báo công dân Hoa Kỳ về khả năng "bị tấn công tình dục" khi sử dụng các dịch vụ vận chuyển hành khách không chính thống ở Việt Nam.
Đại sứ quán Mỹ cho biết rằng cơ quan này "đã nhận được thông báo về các cá nhân bị tấn công tình dục bởi những tài xế xe taxi hoặc xe máy không có biển hiệu" và nói thêm rằng chuyện này "không phổ biến".
Các công dân Mỹ được khuyến cáo "không bao giờ đi taxi không có biển hiệu hoặc chấp nhận [dịch vụ] vận chuyển từ các tài xế không được đặt trước qua ứng dụng có thể theo dõi dấu vết hoặc qua một công ty taxi có uy tín".
"Luôn phải bảo đảm rằng lái xe, màu và loại xe, và biển số đăng ký phải đúng với [thông tin] đặt qua ứng dụng", cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội viết trong một cảnh báo đăng tải ngày 18/9. "Chú ý tới tuyến đường đi và bảo đảm rằng lái xe thả quý vị tại một khu vực an toàn ở điểm đến chính xác".
Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng cảnh báo các công dân nước mình "không nhận đồ uống hoặc thuốc lá từ người lạ vì các tội phạm ở Việt Nam từng được biết sử dụng thuốc lá đã được can thiệp để làm suy yếu nạn nhân", cũng như "nên đi theo nhóm và cảnh giác khi ra ngoài vào ban đêm".
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA Việt Ngữ, hiện chưa có thống kê các trường hợp hành khách bị tấn công tình dục khi sử dụng các dịch vụ taxi và xe máy "lậu" ở Việt Nam.
Tuy nhiên, báo chí trong nước từng loan tải tin tức về các vụ quấy rối tình dục khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách.
Các cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các công dân Hoa Kỳ "thông báo" sự việc nếu họ "bị tấn công hoặc cảm thấy không an toàn".
Hồi cuối tháng Tư, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam đã phát đi "thông tin quan trọng", khuyến cáo công dân nước mình ở Việt Nam về tình trạng tội phạm gia tăng do kinh tế khó khăn vì virus Corona như "trộm cắp, tấn công để cướp của và lừa đảo trên mạng".
Cùng thời gian cơ quan ngoại giao Mỹ ở Việt Nam phát đi cảnh báo, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang được báo chí trong nước trích lời nói rằng dịch bệnh Covid-19 "khiến kinh tế đình trệ, đời sống của người dân gặp khó khăn" nên "tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp".
Ông Quang nêu lên nhận định này khi tới chúc mừng và khen thưởng các đơn vị tham gia phá vụ án dùng súng cướp ngân hàng ở Sóc Sơn, Hà Nội, theo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tôi tình cờ gặp Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội An nhiều năm trước. Buổi nói chuyện ngắn ngủi nhưng ấn tượng để lại là một bạn đồng trang lứa sống có lý tưởng và thương người.
Hôm nghe tin Tuấn bị bắt, tôi vào Facebook bạn ấy, vốn chỉ chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh về gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, có một bài đăng nói lên rất nhiều về Tuấn :
"Từng là người rất sợ cái chết, nhưng giờ đây mình nhận ra cuộc sống này vốn dĩ ngắn ngủi, và "chết là hết". Cô phụ trách nhận hiến mô tạng cho mình hay, con số người hiến còn khiêm tốn, ở mức 3.000 người/ 95 triệu người. Trong khi, một người chết não hiến mô - tạng sẽ cứu được 10 người khác !".
Tuấn hơn tôi chỉ một tuổi.
Hình ảnh thẻ đăng ký hiến tạng của Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội An và Trịnh Bá Phương (phải)
—
Với Trịnh Bá Phương, tôi chưa có dịp được gặp, dù đã biết nhau nhiều năm trên Facebook.
Lần đầu nói chuyện với nhau, tình cờ thay là ngay sau khi tôi bị đưa đi làm việc hồi cuối tháng 5 vừa rồi.
Phương lúc đó đã linh tính có điều không hay sẽ sớm xảy ra với mình. Tuy nhiên anh chia sẻ rằng không muốn đi đâu cả vì chỉ vài tuần nữa sẽ đón đứa con thứ hai chào đời. Anh muốn ở cạnh vợ và con mình vào lúc họ cần anh nhất. Có ra sao cũng đành.
Bốn ngày sau khi nhìn mặt con, anh bị bắt.
Phương chỉ hơn tôi vài tuổi.
—
Mươi năm qua, tôi đã phải ‘làm việc’ với cán bộ an ninh đủ cả 3 miền. Không ít trong số đó cũng chỉ ngang tuổi tôi.
Những buổi làm việc như thế không phải lúc nào cũng chỉ thẩm vấn và truy xét. Vẫn có những khoảng xen giữa nói chuyện đời thường nhật.
Tôi nhận ra có là ai thì cũng nghĩ về gia đình, lúc rảnh rỗi cũng thích tụ tập bạn bè, cũng tự hào giới thiệu về nơi mình sinh ra lớn lên khi được hỏi.
Cũng cười thật tươi khi nhắc chuyện vợ con hay yêu đương.
—
Trước kia, nơi đây là những mảnh vườn xanh tốt, là mái nhà, là của cải của những hộ dân. Tất cả đã đổi thay, đã là dấu chấm hết với họ vào một buổi sớm mai cùng với lệnh cưỡng chế đất, tiếng máy xúc, lựu đạn cay, và tiếng gào khóc trong tuyệt vọng của nông dân Dương Nội.
Trang facebook "Chuyện của Thịnh" (1) có một bộ ảnh về dân làng Dương Nội và những ngôi biệt thự bỏ hoang mà tác giả dẫn dắt bằng câu : "Ừ, họ vẫn ở đây".
"Chúng tôi vẫn ở đây" là bộ ảnh chụp một nhóm người trong số 200 hộ dân đã từ chối nhận tiền thu hồi đất để tiếp tục bám trụ trên mảnh đất của mình. Nhìn hình ảnh một gia đình người nông dân Dương Nội nằm ngủ say sưa giữa bức tường của hai ngôi biệt thự bỏ hoang, trên lá cỏ, giữa đất trời mà như đang nằm chính trong ngôi nhà của mình ; tôi hiểu vì sao suốt một thập kỷ đăng đẵng giữa bạo lực và trấn áp, Dương Nội vẫn mãi mãi là mái nhà của họ. Những nhóm lợi ích như đám ruồi xanh kia rồi sẽ biến mất khi đất không còn cho mật ; nhưng đất quê hương, máu thịt bao đời của cha ông mình sẽ mãi mãi vẫn là đất quê hương !
Xin cùng bạn chia sẻ một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là "Áo vải chân không đi lùng giặc đánh".
Hình ảnh ngày 25/07/2015 bà con dân oan, bạn bè đón mẹ tôi kết thúc 15 tháng tù oan. Nhà tù đã từng không khuất phục được chúng tôi. Nay cộng sản Hà Nội lại tiếp tục dùng bản án 20 tháng tù với mẹ tôi để khủng bố gia đình tôi và bà con dân oan, nhưng chúng tôi không chùn bước, bởi chúng tôi tin rằng công lý sẽ được thực thi nếu kiên quyết đấu tranh.
Luôn luôn tuân thủ luật pháp, nhưng hiểu rất rõ về quyền hạn của mình
Hỏi : Ý nguyện của bà con là gì ? Tại sao không làm riêng từng gia đình mà đấu tranh chung cả làng với nhau ?
Đáp : Mục đích ý nguyện của nhóm dân oan chúng tôi là đấu tranh đòi lại tư liệu sản xuất là đất đai của chúng tôi. Nguyên nhân chính là khi không còn đất đai thì chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Từ đó con cái chúng tôi không được cắp sách đến trường, lâm bệnh ốm đau không có tiền đi viện…
Theo quy định cụ thể của nhà nước trong "Nghị định số 75/2012/NĐ-CP" (2) ngày 03 tháng 10 năm 2012, chúng tôi khiếu kiện tập thể thông qua hình thức cử 20 người đại diện là hoàn toàn đúng luật khiếu nại tố cáo. Việc khiếu nại chung đã giúp chúng tôi có sức mạnh tập thể, các phe nhóm lợi ích khó khăn hơn trong việc trấn áp số đông chúng tôi. Tuy nhiên thời gian qua chính quyền đã dùng rất nhiều thủ đoạn hòng tách chúng tôi làm đơn riêng từng hộ để dễ bề đàn áp, dập tắt phong trào. Không ít lần chính quyền Hà Nội đã thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để dễ giải quyết, nhưng quan điểm của gia đình tôi không phản bội lại bà con và kiên quyết sát cánh với bà con đấu tranh đến cùng.
Mỗi người dân chia sẻ trách nhiệm của mình
Hỏi : Có sợ bị dán nhãn lập tổ chức phản động chống nhà nước không ?
Đáp : Chúng tôi thực hiện theo luật pháp nên chính quyền không dễ quy chụp cả nhóm chúng tôi là tổ chức. Tuy nhiên truyền thông nhà nước và đám gọi là 'Dư luận viên' vẫn thường quy chụp là nhóm chúng tôi bị các thế lực phản động xúi dục, kích động và chúng quy chụp cho tôi và mẹ tôi Cấn Thị Thêu là tham gia tổ chức phản động, hòng chia rẽ gây hoang mang trong nhóm. Trong khi các thành viên trong gia đình tôi đến thời điểm hiện tại không thuộc một tổ chức, hay đảng phái chính trị nào.
Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp hàng tuần để bà con cảnh giác các âm mưu chia rẽ ; từ đó, đã khiến nhà cầm quyền Hà Nội đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nhóm chúng tôi bầu ra mẹ tôi là người đại diện soạn thảo đơn thư, tổng hợp ý kiến nhân dân. Tôi cùng 18 người nữa là đại diện cho nhóm, ngoài ra mỗi tổ dân phố có 1 tổ trưởng chịu trách nhiệm nắm bắt tình hình, nếu có an ninh xâm nhập, đánh phá, gây chia rẽ thì đến nay chúng tôi đã lật tẩy toàn bộ âm mưu của họ. Hiện chúng tôi đang là một khối đoàn kết, không một ai có thể đánh phá, triệt hạ tinh thần đấu tranh của chúng tôi.
Sông Côn khi cạn khi đầy, khí thiêng đất nước nơi này vẫn thiêng !
Hỏi : Nhờ yếu tố nào hay sinh hoạt nào mà bà con sống chết với nhau như vậy ?
Đáp : Từ khi đấu tranh chúng tôi đã lên đình làng thắp hương, làm lễ ăn thề. "...Có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Cùng bắt chặt tay nhau tranh đấu giữ lại tư liệu sản xuất. Nếu ai phản bội lại nhân dân sẽ phải chịu những thảm họa, dù có chết thì muôn đời con cháu không rửa được tội..". Lời thề được viết thành sớ. Photo mỗi người giữ một bản. Thực tế đã có vài cá nhân phản bội lại nhóm chúng tôi và đã gặp những bi kịch, người bị tai nạn, người bò húc tấn công dẫn đến bị liệt, người đang buôn bán bỗng dưng bị cấm khẩu…
Về sự chia sẻ đến từ cộng đồng, với sự ủng hộ trên 150 tấn gạo chúng tôi minh bạch sổ sách và phân phát đều cho bà con. Cá nhân tôi khi bố mẹ tôi trong tù mọi người đã chia sẻ cho gia đình tôi khoảng 15,000 Úc kim tương đương 300 triệu đồng, toàn bộ số tiền này tôi đã mua gạo phát cho bà con. Tuy nhiên vì việc này mà loa phường Dương Nội liên lục phát thanh là tôi phát gạo để lấy uy tín với bà con, để kích động bà con...
Chúng tôi cùng là nạn nhân nên đồng cảm yêu thương nhau như người một nhà. Chúng tôi nhận thức rõ chỉ có sự đoàn kết mới có thể đương đầu với tổ chức Mafia đội lốt chính quyền, chính quyền càng đàn áp, bắt giam chỉ càng khiến bộ mặt thối nát của họ phơi bày, bạo lực và nhà tù không thể dập tắt tinh thần đấu tranh của chúng tôi mà điều đó chỉ khiến chúng tôi thêm gắn kết.
Đối diện với trấn áp, bạo lực, tổn thất, … biết rõ mình không đơn độc.
Hỏi : Khi bị trấn áp, cụ thể như nhiều người đại diện bị bắt giam, bà con đã làm gì để vượt qua lo sợ ?
Đáp : Việc bố mẹ tôi bị kết án 50 tháng tù, 5 người trong nhóm bị bắt và kết án 66 tháng tù tổng cộng nhóm chúng tôi bị kết án 116 tháng tù giam đã gây tổn thất khá nặng nề đối với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi đã biến đau thương thành hành động, không chùn bước trước bạo quyền, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình nhằm lên án, tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những lúc khó khăn ấy, chúng tôi không đơn độc, hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ tinh thần và cả vật chất. Hơn 150 tấn gạo đã chuyển về Dương Nội, có người lượm ve chai tích cóp lại để gửi những kg gạo về, chúng tôi coi đó là động lực tinh thần giúp chúng tôi vượt qua tháng ngày gian khó. Cơ quan ngoại giao các nước, tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí quốc tế đã không ngừng nỗ lực giúp chúng tôi, điều đó khiến dân làng tôi vững tâm hơn.
Có thể nói nhà cầm quyền đã sử dụng trăm mưu ngàn kế với chúng tôi, từ sử dụng côn đồ đến nhà tôi đe doạ giết, cho đến sử dụng bạo lực và nhà tù, các thành viên gia đình tôi và dân làng nhiều lần bị đánh đập rất tàn bạo và khủng bố tinh thần. Cùng với đó là các cơ quan báo chí viết sai lệch vu cáo, quy chụp chúng tôi là bị kích động chống phá chính quyền. Nhưng thực tế, chính đảng cộng sản mới là kẻ kích động chúng tôi phải vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột.
Việc một vài cá nhân phản bội lại nhóm thì chúng tôi đã lật tẩy âm mưu và khai trừ khỏi nhóm.
Dân chủ để hạn chế mâu thuẫn, chia sẻ khó khăn để ngăn ngừa rạn nứt
Hỏi : Các đụng chạm trong nội bộ - nếu có thường là gì và những người trụ cột của Dương Nội đã làm gì để giải tỏa ?
Đáp : Nhóm chúng tôi có rất ít mâu thuẫn ; nếu có, thường là nhỏ giữa các thành viên. Nếu có mâu thuẫn chúng tôi tổ chức họp dân và khuyên giải, góp ý.
Về phương pháp đấu tranh cũng như soạn thảo nội dung đơn thư khiếu nại chúng tôi đều biểu quyết lấy ý kiến của tập thể nên hầu như không có mẫu thuẫn trong lĩnh vực này.
Bất kỳ thành viên nào trong nhóm ốm đau hay nhà có việc nhóm chúng tôi đều đến chia sẻ với gia đình, ngoài ra chúng tôi thường xuyên tổ chức gặp gỡ chia sẻ nhằm thắt chặt tình đoàn kết từ đó ngăn ngừa những sự việc có thể gây rạn nứt tình cảm.
Chúng tôi luôn nhắc cho nhau về kẻ thù của chúng tôi là kẻ đã mang danh chính quyền đến đàn áp và cướp đất của chúng tôi chứ không phải là những thành viên trong nhóm. Tất cả các thành viên phải gạt đi hết những bất đồng, những mẫu thuẫn nhỏ nhặt mới có thể tạo được sức mạnh tập thể để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trịnh Bá Phương đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con.
Đồng hành với Tổ quốc - Yêu thương, chung thủy, vững tin vào công lý
Hỏi : Điều khác muốn chia sẻ thêm ?
Đáp : Trong cuộc đấu tranh giữ đất, nhóm chúng tôi đã tham gia các phong trào khác như bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, tham gia biểu tình đòi tự do cho các nhà yêu nước, tham gia các phiên toà xét xử người yêu nước bị nhà nước cộng sản bắt giam tuỳ tiện. Và hướng về biển đông, chống sự bành trướng của Bắc Kinh khi đã cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ! Và mới đây là phản đối bè lũ bán nước đã đưa ra dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng.
Ngày 22/09/2016, khi bị bắt vào đồn công an Nghĩa Đô, mấy an ninh quận Hà Đông thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để họ dễ giải quyết. Tôi từ chối, vì cuộc đấu tranh giữ đất của 356 hộ dân phường Dương Nội đã trải qua gần một thập kỷ (bắt đầu từ năm 2008). Trong quãng thời gian dài ấy, chúng tôi đã dựa vào nhau vượt qua những hình thức đàn áp đê hèn của cộng sản Hà Nội, bà con dân oan Dương Nội đã dành cho gia đình tôi những ân tình, và gia đình tôi sẽ không bao giờ phản bội lại bà con đi đêm với cộng sản để mưu lợi cho riêng mình.
Xin được gửi lời cảm ơn đến các tổ chức nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Úc... và những cá nhân yêu công lý đã ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi trên hành trình đòi Công Lý.
***
Câu chuyện của dân làng Dương Nội cho tôi liên tưởng đến hình ảnh những nông dân ở Yên Thế, Thái Nguyên vào thế kỷ thứ 19 ; đó là những con dân Việt Nam đã gìn giữ đất mẹ suốt hàng nghìn năm. Hiểu về họ, chúng ta chợt thấy yêu Dương Nội như yêu một trang sử vừa sống lại giữa đời này.
Nguyệt Quỳnh
Nguồn : VNTB, 17/09/2018
Phụ chú :
(1) Trang facebook "Chuyện của Thịnh" : https://hanoigrapevine.com/vi/2018/03/photo-series-we-are-still-here-duong-noi-village/
(2) Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định cụ thể tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012.
Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ; trong đó đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điểm đ Khoản 2 Điều 7).