Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/08/2022

Trịnh Bá Phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nạn buôn người

Tổng hợp

Liên minh quốc tế thúc giục Việt Nam điều tra cáo buộc tra tấn ông Trịnh Bá Phương

RFA, 24/08/2022

Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền, một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) ra thông cáo báo chí yêu cầu Nhà nước Việt Nam điều tra cáo buộc tra tấn nhà hoạt động Trịnh Bá Phương trong thời gian tạm giam ông.

vn1

Ông Trịnh Bá Phương – Facebook

Trong thông cáo phát hành ngày 23/8, một tuần sau khi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo của ông Phương và giữ nguyên bản án mười năm tù giam và năm năm quản chế, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền nói, nhà hoạt động về quyền đất đai này đã bị tra tấn và đối xử tàn tệ trong suốt thời gian điều tra trước xét xử và còn bị đưa vào bệnh viện tâm thần trong suốt tháng ba năm 2021, và không được gặp luật sư trong thời gian hơn một năm kể từ khi bị bắt giữ vào ngày 24/6/2020.

Trong phiên tòa sơ thẩm giữa tháng 12 năm ngoái, ông Phương cho biết ông đã bị điều tra viên tra tấn, đánh vào bộ phận sinh dục để buộc ông khai nhận theo cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong những luật sư biện hộ cho ông Phương ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cho Đài Á Châu Tự Do biết :

"Tại phiên tòa sơ thẩm ông Phương nói các hành vi tra tấn vào lúc bị bắt. Ông bị bắt và bị đánh ở công an phường. Khi đánh như vậy có bà Tâm (Nguyễn Thị Tâm- PV) chứng kiến".

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Miếng, trong phiên tòa sơ thẩm, sau khi ông Phương tố cáo bị tra tấn ép cung, công tố viên đòi ông cung cấp bằng chứng của việc tra tấn này.

Trong lần thăm gặp chồng vào ngày 24/8 trong trại tạm giam của công an thành phố Hà Nội, lần đầu tiên được gặp lại chồng sau 26 tháng kể từ khi ông Phương bị bắt, bà Đỗ Thị Thu có hỏi chồng về việc ông bị tra tấn. Bà kể lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :

"Anh Phương bảo là trong một ngày họ cũng đã tra tấn anh ấy, đánh anh ấy vào bộ phận sinh dục trong thời gian điều tra".

Không chỉ ông Phương tố cáo bị tra tấn, mà em trai ông là Trịnh Bá Tư, người bị bắt cùng ngày với cùng cáo buộc bởi công an tỉnh Hòa Bình, cũng nói với gia đình là ông bị đánh đập bởi công an dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Bà Thu cho biết "Em Tư bị đánh sưng thận trái hôm em Tư bị bắt".

Theo luật sư Miếng, ông Phương tố cáo bị đối xử tàn nhẫn trong thời gian giam giữ trước và sau khi xét xử.

Ông bị biệt giam hơn một năm trước phiên sơ thẩm, và hơn tám tháng từ lúc sơ thẩm đến phiên phúc thẩm, trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định thời hạn đưa ra xét xử phúc thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp cao là 90 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án. Sau phiên sơ thẩm, công an còn buộc ông ký vào giấy cam kết chấp nhận bản án, tuy nhiên, ông từ chối.

Về việc đối xử tàn nhẫn đối với bà Cấn Thị Thêu - mẹ của hai ông Phương và Tư – người cũng bị bắt cùng ngày với cùng cáo buộc, con gái bà là Trịnh Thị Thảo cho RFA biết như sau :

"Mẹ tôi bị giam chung với người nhiễm HIV. Trong tuần đầu tiên, mẹ tôi không được nhận quần áo gia đình gửi vào cho nên lúc nào mẹ tôi cũng phải mặc quần áo ướt, giặt rồi mặc ngay. Phòng 7 mét vuông mà giam giữ 13 người. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè ở phòng giam có lúc lên đến 45 độ mà lúc nào cũng thiếu nước và không có quạt điện trong điều kiện nắng nóng như vậy". 

Trong thông cáo báo chí của mình, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền chỉ trích việc kết án không công bằng, bắt giữ tuỳ tiện và quấy rối tư pháp đối với ông Trịnh Bá Phương cũng như đối với ông Trịnh Bá Tư và mẹ của hai ông, bà Cấn Thị Thêu, và bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ cao họ bị tra tấn và đối xử tàn nhẫn trong nhà giam.

Liên minh này kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cả ba mẹ con- những người bị bắt và cầm tù với mức án tù dài hạn chỉ vì đấu tranh về quyền đất đai và dũng cảm cất tiếng nói bảo vệ những người dân oan bị cướp đất khác.

Dẫn tuyên bố của Các Thủ tục đặc biệt của Liên Hiệp quốc về Điều 117 của Bộ luật Hình sự "quá rộng và dường như nhằm bịt miệng những người tìm cách thực hiện quyền tự do ngôn luận", liên minh kêu gọi nhà nước Việt Nam chấm dứt việc lạm dụng điều khoản này trong việc truy tố và bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

Liên minh cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư cho ban lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Ngoại trưởng, Bộ trưởng nội vụ, và Tòa đại sứ của Việt Nam ở thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ) để yêu cầu điều tra ngay lập tức và minh bạch cáo buộc tra tấn và đối xử tệ bạc đối với ông Trịnh Bá Phương và buộc những kẻ thực hiện phải chịu trách nhiệm, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu.

***********************

Đang tiến tới thành lập các chi bộ đảng trong Phật giáo Việt Nam ?

Nguyễn Nam, VNTB, 24/08/2022

Một khi việc bổ nhiệm, luân chuyển chức sắc Phật giáo là do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định như công chức, cán bộ lãnh đạo của nhà nước, thì chuyện thành lập các chi bộ đảng trong Phật giáo, chỉ là chuyện sớm hay muộn.

vn2

Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định bổ nhiệm, luân chuyển chức sắc Phật giáo như công chức, cán bộ lãnh đạo của nhà nước

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, đã được phân công đảm trách phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV.

Ông Trần Đức Thủy – trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho rằng : "Việc bổ nhiệm người ở địa phương khác vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh là rất bình thường. Thẩm quyền luân chuyển bổ nhiệm thì do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt".

Vậy có thể hiểu là người đang được gọi là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thật ra đó là một cán bộ của đảng, được đảng phân công về làm trụ trì chùa Ba Vàng. Nay vì yêu cầu của tình hình mới nên đảng quyết định phân công ông này về làm nhiệm vụ chính trị với chức danh "phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV".

Khó thể có cách hiểu khác, vì cách đây tuần lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết chùa Ba Vàng không chịu sự quản lý trực tiếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nghĩa là không nằm trong Giáo hội. Và như vậy thì người khoác áo cà sa được gọi là Đại đức Thích Trúc Thái Minh được ngồi vào ghế "phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV", chỉ có thể là người của đảng nên chịu sự phân công của đảng.

Không có cách hiểu khác, vì Ban trị sự Phật giáo Quảng Bình là tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên khó thể có chuyện nhân sự đến chức "phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022/2027, kiêm trưởng Ban Phật giáo quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV" lại là người bên ngoài Giáo hội.

Nếu không hiểu theo cách diễn giải ở trên thì việc bổ nhiệm, luân chuyển chức sắc Phật giáo sao lại do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định như công chức, cán bộ lãnh đạo của nhà nước ?

Nói thêm, trên trang web của chùa Ba Vàng (*), còn cho biết cả một ê-kíp chùa Ba Vàng được "phân công" tham gia vào Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình ; cụ thể, Đại đức Thích Trúc Bảo Lực và Đại đức Thích Trúc Bảo Hội được phân công đảm trách Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình.

Một nhà báo đang là biên tập viên ở tòa soạn có cơ quan chủ quản là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến về chuyện nhân sự ở trên, đó là biểu hiện rõ nét cho thời mạt pháp, bởi nếu không thì sao có điều vô pháp này, khi mà Thích Trúc Thái Minh từng bị kỷ luật nặng !

Trước đó, ngày 12/-7/2019, trong thời gian làm trụ trì chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng bị Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết bãi nhiệm tất cả chức vụ trong giáo hội.

"Hay là Giáo hội Phật giáo Quảng Bình muốn mời ông Thích này về "trục vong", cúng dường kiếm chác ! ? Điều lạ là việc bổ nhiệm này đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt ! Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu ?" – vị nhà báo nêu một câu hỏi tu từ.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 24/08/2022

(*) https://chuabavang.com/su-phu-thich-truc-thai-minh-cung-chu-tang-chua-ba-vang-duoc-bo-nhiem-cac-chuc-vu-trong-ban-tri-su-phat-giao-tinh-quang-binh-nhiem-ky/2022/2027-d5075.html

************************

Một đường dây lừa đảo buôn người sang Đông Nam Á bị triệt phá

Thùy Dương, RFI, 24/08/2022

Cảnh sát Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam và Trung Quốc đã mở một chiến dịch triệt phá đường dây lừa đảo quy mô lớn liên quan đến nạn buôn người sang nhiều nước Đông Nam Á.

333333333333333333333333

Nhiều nước Châu Á hợp tác phá vỡ một mạng lưới lừa đảo liên quan đến nhiều nước trong khu vực. Getty Images - Matt Anderson Photography

Mục đích của đường dây buôn người là đưa người sang một số nước như Cam Bốt, Thái Lan, Lào và Miến Điện, dồn họ tập trung đến một nơi rồi buộc những người này thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến. Số nạn nhân hiện vẫn chưa được nêu rõ, nhưng danh tính vài trăm người đã được xác định và nhà chức trách một số nơi đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ.

Tất cả bắt đầu với một lời chào mời việc làm hấp dẫn, được trả lương cao tại một quốc gia Đông Nam Á, như Cam Bốt, Thái Lan, Lào hoặc Miến Điện. Những người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy, được mua vé máy bay cho, nhưng khi đến quốc gia họ đã chọn thì bị tịch thu hộ chiếu. Sau đó, họ bị giam nhốt và phải thực hiện các trò lừa đảo, gian lận qua điện thoại hoặc trên mạng internet. Theo lời khai, những người này bị bạo hành cả về thể xác, tình dục, thậm chí không được cho ăn uống. Và chính các nạn nhân này còn bị dụ dỗ, ép buộc tìm thêm những người mới.

Theo nguồn tin của RFI ngày 23/08/2022, trong đường dây buôn người này, có nhiều nạn nhân là người Việt Nam và Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc đã xác định có dưới 400 công dân Đài Loan bị mạng lưới mafia này lừa.

Ngay từ tuần trước, theo AFP, tại Hồng Kông, đã có 36 nạn nhân liên lạc với cảnh sát nhờ trợ giúp về các vụ lừa đảo liên quan tới việc làm. Cảnh sát hồng Kông đã bắt giữ 5 người bị nghi là tổ chức các vụ lừa đảo về việc làm sang các nước Đông Nam Á.

Cũng trong tuần trước, tại Việt Nam, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khoảng 40 người Việt Nam tại Cam Bốt bị nhiều người cầm gậy đuổi theo. Theo truyền thông trong nước, họ là nạn nhân của mạng lưới buôn người, lừa đảo này và khi đó đang cố gắng chạy trốn về nước. Nhà chức trách Cam Bốt cũng đã công bố hàng trăm vụ bắt giữ.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, Nguyễn Nam, Thùy Dương
Read 407 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)