Sau khi có một số thông tin tiết lộ Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos mua của Ấn Độ, hãng tin New Indian Express (Ấn Độ) vào ngày 18/8, dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn đã xác định rằng những thông tin về thương vụ đó "không chính xác".
Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế ở Saint Petersburg vào ngày 28 tháng 6 năm 2017. AFP
Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam không phủ nhận, nhưng cũng không đưa ra thêm những thông tin cụ thể khác.
Điều kiện mua bán chưa đáp ứng đủ
Quan sát sự việc, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho biết trước đây Việt Nam đã từng mua một số vũ khí của Ấn Độ và BrahMos có tính chất đặc biệt hơn. Theo ông, hai bên có thể đang gặp trở ngại nào đó trong quá trình mua bán nên việc chuyển giao BrahMos chưa được thực hiện.
"Cũng có thể là trong quá trình thương thảo và còn 1 số điều kiện nào đó mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Việt Nam cũng nhân cơ hội này muốn công bố cho thế giới và đặc biệt cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam có những đối tác và có những vũ khí đặc biệt, những vũ khí này sẽ nâng năng lực đặc biệt cho Việt Nam".
Theo tin từ OutlookIndia, Ấn Độ từng đề cập đến thương vụ bán hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam từ năm 2011. Sáu năm sau đó, ngày 15 tháng 8, theo thông tin do tờ World Tribune tiết lộ, Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos, một trong những loại tên lửa chống hạm được đánh giá có hiệu quả và nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phủ Chủ tịch, Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 2016. AFP
Chính báo giới Việt Nam cũng dẫn lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi được hỏi về thương vụ mua BrahMos rằng việc mua bán như thế phù hợp với chính sách an ninh và quốc phòng, bảo vệ hoà bình quốc gia.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định với tờ Press Trust of India rằng thông tin đó "không chính xác" nói rằng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã bác tin này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng ông không thể đưa ra bình luận hay biết được chắc chắn là "có hay không thương vụ này", với lý do đây thuộc về bí mật an ninh quốc gia :
"Việc mua bán vũ khí để tăng cường khả năng quốc phòng cho Việt Nam là một câu chuyện thuộc bí mật quốc phòng, quốc gia. Giữa hai bên đã nói là không có chuyện đó thì chúng ta cứ tin như thế thôi. Mình không thể biết được, nhất là về lĩnh vực quốc phòng".
Cùng có tranh chấp với Trung Quốc
Dù thế, ông Trần Công Trục có những chia sẻ khá tương đồng với ý kiến của Thạc sĩ Hoàng Việt khi đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ :
"Tôi nghĩ rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử lâu dài lâu đời, rất là khắng khít từ trước.
Trong các mối quan hệ đó, hai bên đã có những thoả thuận, cam kết thông qua các chuyến thăm giữa các cấp hai bên, đều khẳng định rằng đây là mối quan hệ rất chiến lược, toàn diện".
Thêm vào đó, một yếu tố đều được cả hai nhà nghiên cứu về Biển Đông, là Thạc sĩ Hoàng Việt và Tiến sĩ Trần Công Trục nêu ra, là điểm giống nhau của Việt Nam và Ấn Độ, làm cho hai quốc gia dễ dàng có sự hợp tác với nhau, đó chính là sự tranh chấp với Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang có sự tranh chấp về biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có những vấn đề về Biển Đông :
"Chắc chắn những sự tranh chấp có vấn đề về Trung Quốc đó, hai bên có thể có những đồng cảm và chia sẻ, nếu được thì có sự hợp tác với nhau để tăng cường bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự đúng đắn của mỗi bên trong quan hệ về mặt biên giới lãnh thổ với Trung Quốc".
Rất nhiều những người quan sát tình hình tranh chấp Biển Đông giữa các quốc gia liên quan cho rằng thương vụ mua bán hoả tiễn BrahMos giữa Việt Nam và Ấn Độ là một khởi đầu cho động thái chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng ý với nhận định này, Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra phân tích.
"Nhận định đó hợp lý. Bởi vì hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ có thể cùng với nhau chống lại ảnh hưởng Trung Quốc vì hai quốc gia đều có biên giới với Trung Quốc, và có những tranh chấp lãnh thổ biên giới với Trung Quốc. Trong quá khứ hai quốc gia này đã từng có những chiến tranh biên giới với Trung Quốc rồi. Cho nên trước hành động gần đây của Trung Quốc ngày càng hung hăng trên khu vực mà họ cho rằng có quyền kiểm soát cả trên bộ và trên biển, Việt Nam cũng cần 1 quốc gia đủ mạnh để chống lại tham vọng đó".
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, quốc gia đó là Ấn Độ, vì Ấn Độ là một cường quốc không kém Trung Quốc, và về mặt hải quân, Ấn Độ có phần hơn hẳn.
Ngược lại, phía Ấn Độ "cũng cần tìm một đối tác để cùng kềm chế lại ảnh hưởng của Trung Quốc".
Tờ World Tribune hôm 15 tháng 8 trích lời chuyên gia Larkins Dsouza, người sáng lập Cục Hàng không Quốc phòng từ Ấn Độ cho biết Trung Quốc từng phải đối mạnh mẽ việc Hà Nội có thể sở hữu hỏa tiễn BrahMos. Theo vị chuyên gia này thì Bắc Kinh cho rằng việc Ấn Độ cung cấp hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam chẳng khác nào hành động can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.
Khi chúng tôi đặt vấn đề với Thạc sĩ Hoàng Việt liệu có phải Việt Nam và Ấn Độ lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc nên đã bác tin về thương vụ mua bán BrahMos ? Ông cho biết cá nhân ông không nghĩ như thế.
"Thật ra trước sức ép của Trung Quốc chăng nữa thì việc Ấn Độ bán BrahMos cho Việt Nam hay Việt Nam mua của Ấn Độ thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tôi đoán chắc do điều kiện của hai bên, có những điều kiện nào đó mà hai bên chưa thoả mãn yêu cầu của nhau. Đương nhiên Trung Quốc luôn thích Việt Nam phải ngoan ngoãn, yếu ớt và luôn luôn nghe lời họ".
Khó khăn tiềm ẩn
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng có một số học giả phương Tây nhận định vị thế của Việt Nam hiện tại trong việc tranh chấp Biển Đông khá đơn độc. Do đó, ông nói bên cạnh việc đẩy mạnh một mối quan hệ đối tác chiến lược về an ninh quốc phòng với Ấn Độ, chắc chắn sẽ tiềm ẩn những khó khăn cho Việt Nam.
"Hàng loạt những vấn đề về kinh tế chính trị của Việt Nam vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy ngoài việc Việt Nam phát triển, đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ có một rủi ro là sẽ bị Trung Quốc trả đũa. Việt Nam sẽ có tính phương án nào ?
Đối với Ấn Độ cũng tương tự như vậy. Ấn Độ là một quốc gia lớn nhưng Ấn Độ vẫn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Không chỉ riêng với Ấn Độ hay Việt Nam mà tất cả các quốc gia muốn có lợi ích về kinh tế đều phải coi trọng quan hệ với Trung Quốc".
Ngày 23 tháng 8, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Jakarta, Indonesia, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, để cùng giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu tên quốc gia nào trong bài nói chuyện, nhưng được ngầm hiểu là ông muốn nói tới Trung Quốc.
Cát Linh
Biển Đông : Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc (RFI, 07/07/2017)
Việt Nam đang nổi lên thành nước bạo dạn nhất trong việc chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, thông qua hai hành động cụ thể nhắm vào đường lưỡi bò Trung Quốc, với vũ khí là quyền thăm dò dầu khí. Mỹ và Ấn Độ là hai phía hỗ trợ Việt Nam.
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh : en.wikipedia.org)
Mới nhất là sự kiện được tiết lộ hôm 06/07/2017, theo đó Hà Nội đã triển hạn giấy phép thăm dò lô 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam, cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh. Trước đó là thông tin về việc Hà Nội cho phép Talisman-Việt Nam - một liên doanh giữa ba tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tây Ban Nha và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – khởi sự khoan dò tại lô 136-06, xa hơn xuống phía nam. Cả hai lô này đều bị Bắc Kinh cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc trưng ra để khẳng định chủ quyền.
Theo trang mạng Mỹ The American Interest hôm qua, quả đúng là với hai động thái liên tiếp đó, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò "đối thủ hàng đầu" của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo tác giả bài viết trên trang mạng Mỹ, thời điểm Việt Nam bật đèn xanh cho các hành động đó không có gì là ngẫu nhiên.
Việc Việt Nam triển hạn cho ONGC Videsh tiếp tục thăm dò lô 128 được quyết định ngay sau khi ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh kết thúc 4 ngày công du Ấn Độ, nơi ông đã thảo luận về an ninh và hợp tác kinh tế, với một đối tác vốn không ngần ngại tái khẳng định rằng mọi nước cần phải bảo vệ quyền "tự do hàng hải và pháp luật quốc tế" ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của Reuters, chống lại tham vọng của Trung Quốc muốn khống chế toàn bộ Biển Đông là điều được Hà Nội và New Delhi chia sẻ, và trong một vài năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, cung cấp tầu tuần tra, huấn luyện phi công và thủy thủ tàu ngầm, cho Việt Nam tiếp cận thông tin vệ tinh để giám sát vùng biển của mình.
Chính trong chiều hướng kháng lại Trung Quốc đó, mà Việt Nam và nhất là Ấn Độ, đã tiếp tục hợp tác thăm dò lô 128, dù nơi đó được cho là sẽ không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Lý do tiếp tục hợp tác là "chiến lược", như một quan chức Ấn Độ từng xác nhận với Reuters. Có thể hiểu chiến lược là duy trì sự hiện diện cụ thể tại một nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền, mặc nhiên chọc thủng đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Ý nghĩa chiến lược "cắt đứt đường lưỡi bò" cũng có thể được thấy qua việc Việt Nam bật đèn xanh cho liên doanh Talisman Việt Nam khoan dò tại lô 136-06 mà Trung Quốc từng nhận là của họ và giao quyền khai thác cho hãng Brightoil ở Hồng Kông.
Những động thái được cho là bạo dạn của Việt Nam chống lại Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã được giới quan sát lồng vào trong bối cảnh tân chính quyền Mỹ của ông Donald Trump liên tiếp thực hiện hai chuyến tuần tra "bảo vệ quyền tự do hàng hải" trên Biển Đông, thách thức Trung Quốc khi cho chiến hạm tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh trấn giữ, cả ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Song song với các sự kiện đó, hai chiến hạm Mỹ cũng đã cập cảng Cam Ranh từ hôm qua, bắt đầu các hoạt động diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng của sự kiện này chính là địa điểm diễn tập là Cam Ranh.
Đây là hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng ý nghĩa chống Trung Quốc được nêu bật vì diễn ra chỉ vài ngày sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Cho đến gần đây, Trung Quốc đã gần như được tự do tung hoành ở Biển Đông. Với việc Việt Nam hành động mạnh mẽ hơn chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và các cường quốc lớn như Hoa Kỳ Ấn Độ, Nhật Bản, can dự nhiều hơn, câu hỏi mà tờ The American Interest đặt ra là liệu cục diện có sẽ thay đổi được hay không ?
Trọng Nghĩa
***********************
Việt Nam đã tiến hành khoan dầu tại một khu vực mà Trung Quốc nói thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông và hành động này được cho là nguyên nhân khiến phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, đột ngột cắt ngắn chuyến thăm viếng Hà Nội gần ba tuần trước đây, các nguồn tin cho hay.
Một nhà quan sát từ Hoa Kỳ nói với VOA rằng sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc không có lý do để ngăn cản Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình.
Bản tin của đài BBC dẫn lời ông Ian Cross thuộc công ty tư vấn về dầu hỏa Moyes & Co có trụ sở tại Singapore cho biết tàu khoan Deepsea Metro 1 đã bắt đầu khoan trên vùng biển nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 400km hôm 21/6.
Cũng theo bản tin này, hành động này của Hà Nội dường như là lý do khiến cho ông Phạm Trường Long đã đột ngột hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng biên giới giữa hai nước Trung-Việt.
Tạp chí "The Diplomat" chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế của Mỹ dựa vào các nguồn tin riêng của họ cũng cho biết rằng cuộc Giao lưu Quốc phòng Biên giới lần thứ tư giữa hai nước đã bị hoãn đột ngột hồi tháng trước với nguyên do là phía Bắc Kinh bất bình với việc Hà Nội nối lại việc thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Tuy nhiên, truyền thông chính thức của cả Việt Nam và Trung Quốc đều không đề cập bất cứ điều gì về việc này. Thông báo chính thức của cả hai phía cho biết ông Phạm hủy bỏ tham dự cuộc giao lưu do "những vấn đề trong việc sắp xếp công việc".
Tàu khoan Deepsea Metro 1 hoạt động theo hợp đồng với công ty quốc tế Talisman-Vietnam. Khu vực Việt Nam thăm dò là lô 136-03 theo cách gọi của Việt Nam trong khi Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc. BBC cũng dẫn lời một nguồn tin trong ngành cho biết Talisman-Vietnam đã bị từ chối cấp phép khoan dầu trong ba năm qua do lo ngại làm Bắc Kinh tức giận.
Tờ "Diplomat" thì cho rằng vụ việc Tướng Phạm Trường Long đột ngột cắt ngắn chuyến thăm là bước lùi lớn nhất trong quan hệ song phương kể từ cuộc khủng hoảng giàn khoan vào tháng 5/2014.
Tờ báo này dẫn một nguồn tin giấu tên từ Việt Nam cho biết ông Phạm đã "nêu vấn đề Việt Nam khoan dầu với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu ở lô 136-03.
Các nguồn tin Việt Nam cho hay vị lãnh đạo Việt Nam không được tiết lộ danh tính được cho là đã "mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam" trước yêu cầu của ông Phạm, và chính cuộc trao đổi này giữa Tướng Phạm và vị lãnh đạo Việt Nam đã khiến ông Phạm Trường Long hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước.
Theo phân tích của phóng viên Bill Hayton của BBC, người nhiều năm theo dõi những diễn biến trên Biển Đông, thì nguyên nhân Hà Nội có hành động quả quyết trước Bắc Kinh là vì Hà Nội có lẽ cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng "Một Vành đai, Một Con đường" (OBOR) cũng như Hiệp định đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) trong khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào mùa thu năm nay nên họ khó lòng leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trao đổi với VOA, GS Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói rằng vùng biển mà Việt Nam thăm dò thuộc thềm lục địa của Việt Nam và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền trên Biển Đông nên "Trung Quốc không có lý do gì để nói vấn đề ở đây là vấn đề tranh chấp".
"Trung Quốc chỉ ỷ thế mạnh để lấy thịt đè người", ông Long nói.
"Lúc trước Việt Nam còn nhân nhượng Trung Quốc nhưng bây giờ đã có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thì Việt Nam thấy rằng Việt Nam có lý do để theo đuổi phán quyết của tòa án ở The Hague", ông nói thêm.
**********************
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang có những bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Hôm 6/7, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố 'vững vàng giữ chủ quyền' ở Biển Đông sau khi Việt Nam cho tiến hành khoan tìm dầu tại vùng biển có tranh chấp.
Trên bộ, đã xảy ra tình trạng đối đầu quân sự Trung-Ấn tại vùng Sikkim kéo dài suốt bốn tuần qua trên một phần đường biên giới chung kéo dài 3.500km giữa hai nước.
Trong cuộc phỏng vấn với PTI, được thực hiện trong chuyến thăm mới đây tới Ấn Độ, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam cho biết hai nước đã thảo luận về tiến độ triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ song phương "một cách mạnh mẽ".
Ông Phạm Bình Minh nhắc tới hoạt động đầu tư của các hãng Ấn Độ vào Việt Nam, đáng kể là hãng ONGC Videsh hoạt động khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc luôn phản đối các dự án khai thác dầu Ấn Độ ký với Việt Nam tại một số địa điểm trên Biển Đông mà Bắc Kinh nói thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ nói rằng nước này đang hợp tác với Việt Nam theo đúng luật quốc tế, và muốn sự hợp tác đó tiếp tục phát triển, PTI nói.
Trong chuyến đi kéo dài từ ngày 3 đến 5/7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ tay đôi với giới lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Pranab Mukherjee và Ngoại trưởng Sushma Swaraj.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó ra thông cáo nói hai bên nhấn mạnh việc ủng hộ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tự do bay, tự do thương mại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Hai bên lặp lại quan điểm trong bối cảnh cùng ghi nhận nội dung phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) đưa ra hồi tháng Bảy năm ngoái, theo đó bác yêu sách của Bắc Kinh về đường chín đoạn trên Biển Đông.
Hồi 9/2016, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, sau khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập hồi 2007.
Việc nâng cấp quan hệ này, ông Phạm Bình Minh được PTI dẫn lời, đã tạo khung hoạt động quan trọng cho sự hợp tác song phương sâu rộng trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, và các lĩnh vực khác.
Về mặt kinh tế, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
*********************
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (trái) và người tương nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj bắt tay tại New Delhi vào ngày 4 tháng 7 năm 2017. AFP photo
Việt Nam vừa gia hạn hợp đồng cho phép công ty ONGC Videsh của Ấn Độ khoan tìm kiếm, khai thác dầu ở một khu vực khác ngoài biển Đông nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Giám đốc điều hành hãng ONGC Videsh cho biết hồi đầu tuần này Việt nam đã đồng ý một hợp đồng mới có thời hạn hai năm, theo đó công ty ONGC Videsh được khoan tìm kiếm ở lô 128 ngoài khơi miền trung Việt Nam. Một phần của lô dầu khí này bị đường chữ U do Trung Quốc vẽ ra trên biển Đông đi qua.
Hãng tin Reuters trích lời của một lãnh đạo cao cấp giấu tên của công ty ONGC cho biết việc Ấn Độ quan tâm đến lô dầu khí này mang tính chiến lược nhiều hơn là thương mại vì khu vực này có nhiều rủi ro trong khi tiềm năng khai thác không phải là cao. Người này nói thêm là Việt Nam muốn công ty Ấn độ ở đó vì những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi năm 2006, tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam đã cho phép Ấn Độ được khoan thăm dò tại khu vực này. Hợp đồng này hết hạn vào giữa tháng 6 vừa qua.
Hồi năm 2012, báo chí Ấn Độ loan tin cho biết Ấn Độ sẽ rút khỏi hai lô thăm dò ở Việt Nam là lô 127 và 128 với lý do được ONGC đưa ra là trữ lượng tiềm tàng tại các lô này thấp hơn dự kiến. Vào lúc đó, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối việc Việt Nam cho phép công ty Ấn Độ khai thác dầu tại đây.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian gần đây được cho là căng thẳng sau khi Việt Nam cho phép một số công ty nước ngoài khai thác dầu ngoài khơi nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Hãng tin Reuters mới đây cho biết công ty Odfiell Drilling Ltdl, đang tiến hành khoan thăm dò từ hồi giữa tháng trước ở lô 136/3 ở phía nam vùng biển Đông.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây lên tiếng phản đối các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương trên vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Ông này nói Trung Quốc hy vọng các nước sẽ hành động dựa trên nguyên tắc hòa bình và ổn định của khu vực và không làm gì để gây phức tạp thêm tình hình.
Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long mới đây đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua để phản đối việc Việt Nam cho phép công ty nước ngoài khai thác dầu.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục có những thảo luận nhằm tìm cách tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Trả lời báo PTI của Ấn Độ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết nhân chuyến thăm 4 ngày đến Ấn Độ, ông đã gặp các giới chức lãnh đạo Ấn Độ để thảo luận việc thực hiện những thỏa thuận cấp cao ký giữa hai nước nhằm tạo một khuôn khổ giúp các quan hệ phát triển hơn nữa về chất.
Ông Phạm Bình Minh cho biết nhiều công ty Ấn Độ đang đầu tư ở nhiều dự án khác nhau tại Việt Nam trong đó có việc tìm kiếm khai thác dầu khí.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nói việc nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác chiến lược năm 2007 lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2016 đã tạo ra khuôn khổ quan trọng trong hợp tác song phương ở nhiều mặt bao gồm chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục….
Hiện Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Thương mại song phương hai chiều hiện đạt 7 tỷ đô la. Tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5 năm 2017 là 772 triệu đô la với 145 dự án.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sang thăm Ấn Độ lần này nhân cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Ấn Đô và ASEAN diễn ra vào ngày 4 tháng 7 vừa qua.
********************
Việt Nam gia hạn việc nhượng quyền khai thác dầu mỏ cho Ấn Độ tại Biển Đông và bắt đầu khoan thăm dò tại một khu vực khác đang tranh chấp với Trung Quốc, các động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại vùng biển trọng yếu này.
Mọi việc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ Việt-Trung.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền một số nơi trên Biển Đông và Ấn Độ vừa mới phái chiến hạm theo dõi Eo biển Malacca, nơi hầu hết nguồn cung cấp năng lượng và thương mại của Trung Quốc đi qua.
Việt Nam gia hạn cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thêm hai năm nữa để thăm dò khu vực 128 trong một văn thư gởi đến công ty tuần này, giám đốc điều hành công ty quốc doanh ONGC Videsh cho Reuters biết.
Một phần của khu vực này nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đây là thủy lộ với hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm mà Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền.
Một giới chức cao cấp của ONGC Videsh, yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, nói khu vực này được chú trọng về chiến lược hơn là thương mại, bởi việc khai thác dầu tại đây được xem là ‘năm ăn năm thua’ vì trữ lượng trung bình.
"Việt Nam cũng muốn chúng tôi có mặt ở đây vì sự can thiệp của Trung Quốc tại Biển Đông", giới chức này nói.
Công ty quốc doanh PetroVietnam từ chối bình luận về vụ việc. Việt Nam cấp phép cho công ty Ấn lần đầu tiên vào năm 2006, nhưng giấy phép hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.
Xa hơn về phía nam của lô 128, công tác khoan dò đã khởi sự tại một lô cùng sở hữu bởi công ty quốc doanh dầu khí của Việt Nam, công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Công ty Deepsea Metro I, do Odfjell Drilling Ltd điều hành đã bắt đầu khoan tìm tại đây từ giữa tháng trước nhân danh công ty Repsol SA của Tây Ban Nha, công ty này cũng có quyền khai thác tại khu vực kế cận 07/03.
Odfjell từ chối bình luận về vị trí rõ ràng của giàn khoan, nhưng dữ liệu về hàng hải cho thấy đây là lô 136/3, cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.
PetroVietnam không đưa ra lời bình luận.
Khi được hỏi về hoạt động này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc phản đối bất cứ nước nào "thực hiện đơn phương, các hoạt động bất hợp pháp về dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển Trung Quốc có chủ quyền".
Ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng : "Chúng tôi hy vọng là các nước liên hệ có thể hành động trên căn bản gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng và không làm việc gì làm tình hình phức tạp thêm".
Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến đi thăm Việt Nam và một hội nghị hữu nghị tại biên giới Việt-Trung đã bị hủy bỏ vào thời điểm việc khoan dầu bắt đầu.
Tranh chấp chủ quyền trên biển càng chứng tỏ sự thiếu tin cậy lẫn nhau kéo dài nhiều thế kỷ giữa Trung Quốc với Việt Nam, dù hai nước cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản và thương mại song phương đang gia tăng.
*************************
Biển Đông : Hà Nội triển hạn cho Ấn Độ tìm dầu ở lô bị Bắc Kinh yêu sách (RFI, 07/07/2017)
Việt Nam vừa triển hạn thêm hai năm giấy phép cho một tập đoàn dầu hỏa Ấn Độ quyền thăm dò và khai thác một khu vực ở Biển Đông bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Thông tin này đã được tập đoàn Ấn Độ có liên quan tiết lộ ngày hôm qua, 06/07/2017 với hãng tin Anh Reuters.
Biển Đông : Lô 128 mà tập đoàn Nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh được giấy phép thăm dò.Ảnh chụp màn hình (twitter.com)
Theo ông Narendra K. Verma, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Nhà Nước Ấn Độ ONGC Videsh, Việt Nam đã chính thức gởi công văn gia hạn thêm 2 năm giấy phép cho tập đoàn Ấn Độ này thăm dò lô mang ký hiệu 128 ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.
Việt Nam cấp phép cho tập đoàn Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 2006, sau đó triển hạn tiếp tục, và giấy phép hiện hành đã hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.
Vấn đề đối với lô 128 là một phần của lô này nằm bên trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền tại Biển Đông
Một quan chức cao cấp của ONGC Videsh, xin giấu tên, đã công nhận rằng việc gia hạn quyền khai thác lô 128 mang ý nghĩa chiến lược và chính trị hơn là kinh tế, thương mại vì tiềm năng dầu khí tại khu mỏ này chỉ khiêm tốn, trong lúc rủi ro lại cực cao. Quan chức này xác định : "Việt Nam cũng muốn chúng tôi tiếp tục ở đó vì những hành động can thiệp của Trung Quốc ở Biển Đông".
Riêng tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) thì đã từ chối bình luận sự kiện này.
Theo hãng Reuters, việc Việt Nam gia hạn giấy phép cho tập đoàn ONGC Videsh thăm dò lô 128, chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối, vào lúc mà mới đây, Hà Nội đã khiến Bắc Kinh bực tức khi cho khởi sự khoan dò tại lô 136-06 xa hơn về phía Nam, một khu vực mà Trung Quốc đã cấp phép khai thác cho một tập đoàn Hồng Kông có hai quan chức cao cấp đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo.
Sau khi thông tin này bị tiết lộ, vào hôm qua, 06/07/2017, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng cho rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ quốc gia nào "tiến hành các hoạt động đơn phương và bất hợp pháp về dầu khí tại vùng biển Trung Quốc có chủ quyền".
Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Trung Quốc lại kêu gọi các nước có liên can "hành động trên cơ sở gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng và không làm việc gì khiến cho tình hình phức tạp thêm".
Trước đó, giới quan sát đã gắn liền việc Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến đi thăm Việt Nam và hủy bỏ chương trình giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung với sự kiện Việt Nam cho tiến hành khoan dò tại lô 136-06.
Trọng Nghĩa