Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/08/2017

Việt Nam - Ấn Độ : Đối tác chiến lược trong tranh chấp Biển Đông

RFA tiếng Việt

Sau khi có một số thông tin tiết lộ Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos mua của Ấn Độ, hãng tin New Indian Express (Ấn Độ) vào ngày 18/8, dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn đã xác định rằng những thông tin về thương vụ đó "không chính xác".

brah1

Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế ở Saint Petersburg vào ngày 28 tháng 6 năm 2017. AFP

Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam không phủ nhận, nhưng cũng không đưa ra thêm những thông tin cụ thể khác.

Điều kiện mua bán chưa đáp ứng đủ

Quan sát sự việc, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho biết trước đây Việt Nam đã từng mua một số vũ khí của Ấn Độ và BrahMos có tính chất đặc biệt hơn. Theo ông, hai bên có thể đang gặp trở ngại nào đó trong quá trình mua bán nên việc chuyển giao BrahMos chưa được thực hiện.

"Cũng có thể là trong quá trình thương thảo và còn 1 số điều kiện nào đó mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Việt Nam cũng nhân cơ hội này muốn công bố cho thế giới và đặc biệt cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam có những đối tác và có những vũ khí đặc biệt, những vũ khí này sẽ nâng năng lực đặc biệt cho Việt Nam".

Theo tin từ OutlookIndia, Ấn Độ từng đề cập đến thương vụ bán hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam từ năm 2011. Sáu năm sau đó, ngày 15 tháng 8, theo thông tin do tờ World Tribune tiết lộ, Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos, một trong những loại tên lửa chống hạm được đánh giá có hiệu quả và nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới.

brah2

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phủ Chủ tịch, Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 2016. AFP

Chính báo giới Việt Nam cũng dẫn lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi được hỏi về thương vụ mua BrahMos rằng việc mua bán như thế phù hợp với chính sách an ninh và quốc phòng, bảo vệ hoà bình quốc gia.

Tuy nhiên, vài ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định với tờ Press Trust of India rằng thông tin đó "không chính xác" nói rằng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã bác tin này.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng ông không thể đưa ra bình luận hay biết được chắc chắn là "có hay không thương vụ này", với lý do đây thuộc về bí mật an ninh quốc gia :

"Việc mua bán vũ khí để tăng cường khả năng quốc phòng cho Việt Nam là một câu chuyện thuộc bí mật quốc phòng, quốc gia. Giữa hai bên đã nói là không có chuyện đó thì chúng ta cứ tin như thế thôi. Mình không thể biết được, nhất là về lĩnh vực quốc phòng".

Cùng có tranh chấp với Trung Quốc

Dù thế, ông Trần Công Trục có những chia sẻ khá tương đồng với ý kiến của Thạc sĩ Hoàng Việt khi đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ :

"Tôi nghĩ rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử lâu dài lâu đời, rất là khắng khít từ trước.

Trong các mối quan hệ đó, hai bên đã có những thoả thuận, cam kết thông qua các chuyến thăm giữa các cấp hai bên, đều khẳng định rằng đây là mối quan hệ rất chiến lược, toàn diện".

Thêm vào đó, một yếu tố đều được cả hai nhà nghiên cứu về Biển Đông, là Thạc sĩ Hoàng Việt và Tiến sĩ Trần Công Trục nêu ra, là điểm giống nhau của Việt Nam và Ấn Độ, làm cho hai quốc gia dễ dàng có sự hợp tác với nhau, đó chính là sự tranh chấp với Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang có sự tranh chấp về biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có những vấn đề về Biển Đông :

"Chắc chắn những sự tranh chấp có vấn đề về Trung Quốc đó, hai bên có thể có những đồng cảm và chia sẻ, nếu được thì có sự hợp tác với nhau để tăng cường bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự đúng đắn của mỗi bên trong quan hệ về mặt biên giới lãnh thổ với Trung Quốc".

Rất nhiều những người quan sát tình hình tranh chấp Biển Đông giữa các quốc gia liên quan cho rằng thương vụ mua bán hoả tiễn BrahMos giữa Việt Nam và Ấn Độ là một khởi đầu cho động thái chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng ý với nhận định này, Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra phân tích.

"Nhận định đó hợp lý. Bởi vì hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ có thể cùng với nhau chống lại ảnh hưởng Trung Quốc vì hai quốc gia đều có biên giới với Trung Quốc, và có những tranh chấp lãnh thổ biên giới với Trung Quốc. Trong quá khứ hai quốc gia này đã từng có những chiến tranh biên giới với Trung Quốc rồi. Cho nên trước hành động gần đây của Trung Quốc ngày càng hung hăng trên khu vực mà họ cho rằng có quyền kiểm soát cả trên bộ và trên biển, Việt Nam cũng cần 1 quốc gia đủ mạnh để chống lại tham vọng đó".

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, quốc gia đó là Ấn Độ, vì Ấn Độ là một cường quốc không kém Trung Quốc, và về mặt hải quân, Ấn Độ có phần hơn hẳn.

Ngược lại, phía Ấn Độ "cũng cần tìm một đối tác để cùng kềm chế lại ảnh hưởng của Trung Quốc".

Tờ World Tribune hôm 15 tháng 8 trích lời chuyên gia Larkins Dsouza, người sáng lập Cục Hàng không Quốc phòng từ Ấn Độ cho biết Trung Quốc từng phải đối mạnh mẽ việc Hà Nội có thể sở hữu hỏa tiễn BrahMos. Theo vị chuyên gia này thì Bắc Kinh cho rằng việc Ấn Độ cung cấp hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam chẳng khác nào hành động can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Khi chúng tôi đặt vấn đề với Thạc sĩ Hoàng Việt liệu có phải Việt Nam và Ấn Độ lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc nên đã bác tin về thương vụ mua bán BrahMos ? Ông cho biết cá nhân ông không nghĩ như thế.

"Thật ra trước sức ép của Trung Quốc chăng nữa thì việc Ấn Độ bán BrahMos cho Việt Nam hay Việt Nam mua của Ấn Độ thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tôi đoán chắc do điều kiện của hai bên, có những điều kiện nào đó mà hai bên chưa thoả mãn yêu cầu của nhau. Đương nhiên Trung Quốc luôn thích Việt Nam phải ngoan ngoãn, yếu ớt và luôn luôn nghe lời họ".

Khó khăn tiềm ẩn

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng có một số học giả phương Tây nhận định vị thế của Việt Nam hiện tại trong việc tranh chấp Biển Đông khá đơn độc. Do đó, ông nói bên cạnh việc đẩy mạnh một mối quan hệ đối tác chiến lược về an ninh quốc phòng với Ấn Độ, chắc chắn sẽ tiềm ẩn những khó khăn cho Việt Nam.

"Hàng loạt những vấn đề về kinh tế chính trị của Việt Nam vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy ngoài việc Việt Nam phát triển, đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ có một rủi ro là sẽ bị Trung Quốc trả đũa. Việt Nam sẽ có tính phương án nào ?

Đối với Ấn Độ cũng tương tự như vậy. Ấn Độ là một quốc gia lớn nhưng Ấn Độ vẫn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Không chỉ riêng với Ấn Độ hay Việt Nam mà tất cả các quốc gia muốn có lợi ích về kinh tế đều phải coi trọng quan hệ với Trung Quốc".

Ngày 23 tháng 8, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Jakarta, Indonesia, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, để cùng giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu tên quốc gia nào trong bài nói chuyện, nhưng được ngầm hiểu là ông muốn nói tới Trung Quốc.

Cát Linh

Quay lại trang chủ
Read 673 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)