Bằng tiến sĩ siêu tốc nặng mùi hương khói cúng dường !
Gió Bấc, RFA, 28/06/2024
Cơn thịnh nộ về các bài giảng nghiệp báo cúng dường xàm xí chưa yên, dư luận lại bùng nổ về bằng tiến sĩ luật siêu tốc của Thích Chân Quang. Chỉ sau hai năm, ngay trong mùa covid, anh cử nhân luật hệ tại chức bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Trường Đại học Luật Hà Nội (Đại học Luật) lên tiếng phân bua tất cả đều đúng quy trình nhưng Bộ Giáo dục – Đào Tạo yêu cầu báo cáo chi tiết. Mạng xã hội điều tra đào bới và nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ này bốc mùi hương khói cúng dường rất nặng.
Chỉ sau hai năm, ngay trong mùa covid, anh cử nhân luật hệ tại chức bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Ảnh minh họa Thượng tọa Thích Chân Quang trong lễ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Luật Hà Nội / Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Mấy ngày gần đây, dư luận bùng nổ băn khoăn về bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang. Theo thông cáo báo chí của trường Đại học Luật thì ông Vương Tấn Việt (SN 1959) tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - nay là Trường Đại học Hà Nội ; tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 - vừa học vừa làm).
Trường phân bua siêu tốc đúng chẳng mấy ai tin !
Ông Việt được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 - Vừa học vừa làm vào ngày 15/1/2019, xếp hạng loại giỏi. Đến ngày 26/11/2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh. Đến ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường. Ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật hiến pháp - hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ-Đại học LuậtHN của Trường Đại học Luật Hà Nội". Các giáo sư của trường này cũng dành những lời có cánh khen ngợi Vương Tấn Việt (1).
Mặc dù Đại học Luật trả lời tất cả đều đúng quy trình nhưng từ cử nhân lên tiến sĩ chỉ hai năm không qua thạc sĩ là nhanh siêu tốc làm người ta thắc mắc, săm soi rất nhiều nghi vấn. Ông Chân Quang ở Bà Rịa Vũng Tàu, trường Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hệ đào tạo văn bằng hai vừa học vừa làm, sao ông lại phải học Đại học Luật tại chi nhánh liên kết với trường Cao Đẳng Bách Việt ỏ Thành phố Hồ Chí Minh ? Luật sư Trần Vũ Hải thắc mắc về tính pháp lý của cơ sở đào tạo này.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, "có thể coi là hiếm". Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Trung, quy chế đào tạo chung của Bộ Giáo dục và đào tạo nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Trong khi đó, ông Thích Chân Quang lại chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) để hoàn thành. Điều này cần xem xét lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.
Thứ hai, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ sẽ phải học bổ sung từ 4 - 8 môn (trung bình mỗi môn 2 - 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh sẽ cần tới gần một năm để hoàn thành hết số tín chỉ bổ sung theo quy định.
Sau đó các nghiên cứu sinh sẽ tự làm việc, tự học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ, quãng thời gian này mất khoảng gần 2 năm. Như vậy, để hoàn thành các nội dung đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm, tiếp đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.
"Tôi chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm. Trừ trường hợp nhà trường dồn toàn lực cho nghiên cứu sinh, dạy ngày dạy đêm, thậm chí tổ chức dạy cả cuối tuần mới chạy đủ các nội dung kiến thức bổ sung. Người học cũng phải 'siêu nhân lắm' mới có thể tiếp thu và hoàn thành được chương trình với thời gian siêu ngắn" (2), ông Trung khẳng định.
Luận văn sai nhân quyền, trái hiến pháp
Quá trình lấy bằng siêu tốc gây nghi ngờ còn nội dung luận văn tiến sĩ càng gây thêm phẫn nộ trong giới học thuật.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn đánh giá đề tài luận văn "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam" của Vương Tấn Việt là rất bất hợp lý, thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Pháp luật quốc tế chỉ tập trung quy định về quyền con người, không quy định về nghĩa vụ con người. Các quy định của pháp luật quốc tế chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia phải bảo đảm và bảo vệ quyền con người. 50% nội dung đề tài là không có dữ liệu để thu thập, và tất nhiên là cũng không có thực tiễn để nghiên cứu. "Một luận án tiến sĩ cần có tính mới mẻ và đóng góp thực tiễn hoặc lý thuyết quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu. Với đề tài này, tính mới mẻ và đóng góp sẽ bị hạn chế do thiếu các tiền lệ và nghiên cứu trước đó, cũng như phạm vi áp dụng thực tế của đề tài" (3).
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật của trường Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2022 đã có ý kiến phê phán luận văn này. Mới đây, ông có stt trên fb khá gay gắt : CÁI BẬY BẠ TRONG QUAN ĐIỂM CỦA THÍCH CHÂN QUANG VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI.
Tiến sĩ Ngô Huy Cương dẫn một đoạn trong luận văn của Vương Tấn Việt :"Tóm lại, Quyền con người do chính Nghĩa vụ con người quyết định. Có chăng nhà nước chịu trách nhiệm tạo cơ hội cho con người được thực thi Nghĩa vụ, nghĩa là không để cho ai trở thành vô dụng, và nhà nước cũng chịu trách nhiệm cung cấp Quyền con người một cách công bằng tương xứng".
Tiến sĩ Ngô Huy Cương đã phân tích quan điểm này đi ngược lại Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Quyền con người năm 1948 và Điều 19, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Ông kết luận rằng "Vậy có phải Thích Chân Quang và Trường Đại học Luật Hà Nội không thừa nhận tự do và nhân phẩm của con người (nền tảng của quyền con người mà đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn về Quyền con người đã dẫn ở trên), bác bỏ pháp luật quốc tế về quyền con người và không thừa nhận Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ?
Nếu đúng vậy thì có nên kết luận là phản động thực sự được không" (4) ?
Do ý kiến trái chiều này, ngày 26/6 Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị Trường Đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo Tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ, phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt (5).
Thầy giáo đảnh lễ học trò !!!
Trong khi chờ đợi báo cáo của Đại học Luật và kết luận của Bô Giáo dục và đào tạo, cộng đồng mạng tiếp tục phát hiện nhiều điều bất thường trong quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án của Vương Tấn Việt.
Ngay trên trang fb Thiền Tôn Phật Quang có đưa sự kiện ngày 15/11/2020, tại Bảo tàng Hàng Không (số 196 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội), Thượng tọa Thích Chân Quang đã tổ chức buổi lễ tri ân Thầy Cô giáo với sự tham gia của hơn 50 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đến từ trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Kiểm sát và gần 1.000 Phật tử đến từ các Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên cả nước. Điều bất bình thường là hình ảnh trong buổi lễ tri ân ấy cho thấy một số thầy cô giáo quỳ đảnh lễ và dâng cúng dường cho học trò là Thượng Tọa Thích Chân Quang. (Mời xem ảnh lấy từ fb Thiền Tôn Phật Quang). Giống như con tôm lộn c.. lên đầu, quan hệ thầy trò trong lễ tri ân ngày nhà giáo lại trở thành lễ cúng dường của con nhang và thầy cúng (6).
Hình ảnh trong buổi lễ tri ân ấy cho thấy một số thầy cô giáo quỳ đảnh lễ và dâng cúng dường cho học trò là Thượng Tọa Thích Chân Quang.
Luật gia Trần Đình Thu còn phát hiện trong video ghi hình lễ bảo vệ luận án tại trường Đại học Luật, Tiến sĩ Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt trình bày trước Hội đồng tóm tắt hồ sơ nghiên cứu. Mở đầu, thay vì kính thưa Hội đồng, Tiến sĩ Trần Kim Liễu lại cung kính cúi đầu và kính thưa sư phụ. Hóa ra lễ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt đã trở thành lễ vinh danh, cúng dường bằng tiến sĩ cho thầy cúng Thượng Tọa Thích Chân Quang (7).
Thích Chân Quang không phải là tác giả luận án !
Đặc biệt hơn nửa, trang mạng Báo Tiếng Dân còn đăng bài viết "Ai thực sự là người viết luận án của ông Vương Tấn Việt ?" của tác giả Khánh Duy. Bằng công cụ tra cứu nào đó, Khánh Duy đã đưa thông tin chấn động.
Hồ sơ bảo vệ luận án của ông Vương Tấn Việt công bố trên Chuyên trang Luận văn – Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm 6 tài liệu. Tác giả các file tài liệu này đều không phải ông Vương Tấn Việt.
1. Toàn văn luận án tiến sĩ : Tác giả file này là Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.. Đây là email của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan, người hướng dẫn khoa học chính của ông Vương Tấn Việt.
2. Thông tin về những đóng góp mới của luận án, bản tiếng Việt : Tác giả file này là Phap Vu, nhiều khả năng là đại đức Thích Pháp Vũ ở chùa Phật Quang, nơi thượng tọa Thích Chân Quang làm trụ trì.
3. Thông tin về những đóng góp mới của luận án, bản tiếng Anh : Tác giả cũng là Phap Vu
4. Toàn văn luận án tiến sĩ, bản tiếng Anh : Tác giả file này là Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..
Ngoài ra, bài báo cáo hội thảo mang tiêu đề "Administration in the digital era : opportunities and challenges for building a "Good government". Mr. Vuong Tan Viet Administration in the Digital Era : Tác giả file này là Kim Liễu, nhiều khả năng là Tiến sĩ Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt. (8)
Tất cả các thông tin của Khánh Duy đều có hình ảnh minh họa và link liên kết nguồn.
Như vậy có quá nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt nặng mùi hương khói cúng dường. Khốn thay, mùi xú uế này bốc lên từ người đã có quá nhiều tiếng tăm, xú danh khét lẹt Thích Cúng Dường mà còn ngày lan rộng đến các giáo sư tiến sĩ của Đại học Luật có liên quan trong vở hài kịch này. Vì sao họ cố sống cố chết thần tốc cấp bằng cho một nghiên cứu sinh kém cỏi, một luận văn phi khoa học về phương pháp, phản động chống lại loài người về tư tưởng ?
Lẽ nào với kiến thức, EQ tầm giáo sư tiến sĩ họ có thể bị Thích Chân Quang ma mị biến thành những con nhang cuồng tín ? Phải chăng có cuộc cúng dường xuôi ngược giữa thầy và trò đã bôi trơn tăng tốc cho việc cấp bằng. Đông Lào từng có lò ấp trứng học viện của Viện Hàn Lâm xòn xòn mỗi ngày một tiến sĩ thì chuyện này không phải mới.
Nhà báo Tâm Chánh nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị đã than trên fb :
"Chuyện không còn là một gã thầy tu háo danh, mà đã thành chuyện nhân cách, tư cách của nhà khoa học, của người thầy, của bậc trí giả.
Chuyện cứt lộn lên đầu !".
"Kiểu diễn đạt quấy quá về khái niệm quyền và nghĩa vụ của tay thầy chùa xuất phát từ lối bợ đít chính trị trong học thuật. Đó mới là đại nạn "tiến sỹ luật" !" (9).
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 28/06/2024
1. https://dantri.com.vn/xa-hoi/chi-tiet-qua-trinh-dao-tao-tien-si-cua-thuo...
2. https://cafef.vn/bang-tien-si-cua-ong-thich-chan-quang-chuyen-gia-noi-ba...
3. https://tintuconline.com.vn/giao-duc/ts-nguyen-si-dung-de-tai-luan-an-ti...
4. https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/pfbid0ahb4SwgDRyqcenA3ax88Exdz...
5. https://nld.com.vn/bo-gd-dt-yeu-cau-bao-cao-khan-ve-viec-thuong-toa-thic...
6. https://www.facebook.com/media/set/?set=a.994067757772549&type=3&paipv=0...
7. https://www.youtube.com/watch?v=R9GNIuLsub8
8. https://baotiengdan.com/2024/06/28/ai-thuc-su-la-nguoi-viet-luan-an-cua-...
9. https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/pfbid0bJeMmEayHA1xDgJiqAeCb1...
**************************
Vụ cấp bằng tiến sĩ ‘thần tốc’ cho Thượng tọa Thích Chân Quang- Bộ Giáo dục và đào tạo chưa nhận báo cáo của Đại học Luật
RFA, 27/06/2024
Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam vào chiều ngày 26/6 lên tiếng cho biết chưa nhận được báo cáo chính thức của Đại học Luật Hà Nội về việc đào tạo tiến sĩ "thần tốc" cho Thượng tọa Thích Chân Quang, thế danh Vương Tấn Việt.
Thượng tọa Thích Chân Quang – Tiền Phong online
Mạng báo An ninh Thủ đô loan tin vừa nêu và cho biết thêm trong cùng ngày 26/6 Đại học Luật Hà Nội có thông tin liên quan sau khi nhận được công văn của Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu trường này báo cáo quá trình tuyển sinh, đào tạo, có bằng chứng kèm theo đối với hồ sơ tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt.
Yêu cầu vừa nêu được đưa ra sau khi có thắc mắc được nêu ra trên mạng xã hội về quá trình học tiến sĩ được nói "thần tốc" chỉ hơn 2 năm của ông Vương Tấn Việt; tức Thượng tọa Thích Chân Quang.
Vị sư này trụ trì Thiền Tôn Phật Quang tại Bà Rịa - Vũng Tàu và trở nên nổi tiếng trên mạng vì nhiều bài giảng gây lo lắng cho người nghe như thuyết quả báo. Ông cũng khuyến khích người dân cúng dường bằng mọi cách cho nhà chùa. Người dân còn đặt cho ông biệt danh sư "Thích Cúng Dường". Cư dân mạng đặc biệt chú ý tới ông này sau khi có sự xuất hiện của vị sư khổ hạnh Thích Minh Tuệ. Người dân được dịp so sánh về cách sống và hành đạo của hai vị sư, một người là sư tự do và một người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 19/6, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức đối với sư Thích Chân Quang.
Theo quyết định này, sư Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian hai năm. Thiền tôn Phật Quang và Thượng tọa Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả các Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa một trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội. Bản thân Thượng tọa Thích Chân Quang và Ban quản lý Thiền tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố. Không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang.
Nguồn : RFA, 27/06/2024
Thái Hạo, Nông Nghiệp, 08/05/2022
Phải làm gì đây với những 'luận án' và những chủ nhân của nó mà giờ đã 'lỡ' thành 'tiến sĩ' ? Đó là một câu hỏi nghiêm túc.
Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" – Tranh minh họa / Báo Tuổi trẻ
Sau khi thông tin về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được phát tán và bình phẩm rầm rộ trên mạng xã hội cũng như báo chí nhà nước thì người ta còn khui ra rất nhiều những luận án khác nữa với những "đề tài" dễ… gây cười không kém. Tuy nhiên, sau tiếng cười chua chát ấy, bất cứ ai có lòng với nền giáo dục và tương lai đất nước đều không thể giấu nổi sự lo lắng và cả giận dữ.
Cứ cho rằng dư luận trên mạng xã hội có thể là cảm tính, nhưng một khi những người như PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá rằng "Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua đề tài như vậy" (vtc.vn) thì vấn đề chất lượng của nó là thật sự đáng báo động, chứ không phải là như ông Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao nói là "Mạng xã hội đang làm quá lên" !
Nhân dân đặt câu hỏi : phải làm gì đây với những "luận án" và những chủ nhân của nó mà giờ đã "lỡ" thành "tiến sĩ" ? Đó là một câu hỏi nghiêm túc.
Có thể lập hội đồng thẩm định lại/bảo vệ lại đối với những luận án loại này không ?
Nếu trường hợp luận án không được thông qua thì giải quyết ra sao ? Có thể tước bằng tiến sĩ của những tác giả luận án đó không ? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất mọi mặt cho nghiên cứu sinh trong suốt mấy năm đó để có cái bằng tiến sĩ kia ?
Có hay không những khuất tất, tiêu cực đằng trong quá trình thực hiện, bảo vệ và công nhận kia ? Nếu có thì xử lý ra sao với những người hướng dẫn, với hội đồng và các cấp có liên quan ?
Tất cả những câu hỏi loại này được đặt ra là trên cơ sở một nguyên tắc hệ trọng và bất di bất dịch sau đây : không thể chấp nhận những "luận án rởm" và những "tiến sĩ giấy". Nếu không có những xử lý thích đáng như hủy bỏ kết quả bảo vệ và tước học vị tiến sĩ nếu luận án không đảm bảo chất lượng thì đó chính là việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả một cách công khai, chà đạp lên pháp luật. Và như chúng tôi đã chỉ ra ở hai bài viết liền trước, chấp nhận những món hàng giả này là đang trực tiếp phá hủy nền học vấn, sự trong sạch cùng tính công bằng ; chấp nhận nghĩa là công khai sỉ nhục những "tiến sĩ thật", phá hủy các nền tảng cơ bản nhất của một quốc gia.
Nelson Mandela, Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi và là người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, phát biểu trong chuyến thăm trường đại học Nam Phi rằng : "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia".
Và cũng chính ông đã nói : "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới".
Chừng đó đã đủ để chúng ta thấy nạn bằng cấp giả/dỏm không phải chỉ là câu chuyện của đương sự với các nhà quản lý ; rộng lớn, nó liên quan trực tiếp tới số phận của cả một quốc gia mà ở đó không một công dân nào có thể vô sự và vô can. Vì thế, đòi hỏi về việc làm trong sạch hệ thống giáo dục ấy là đòi hỏi chính đáng và dứt khoát phải được thi hành.
Tóm lại, đây không phải là một chuyện ồn ào trên mạng xã hội, càng không phải là một vụ "khủng hoảng truyền thông". Đây là một sự việc nghiêm trọng và cần phải làm sáng tỏ. Tất cả các bên có liên đới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (tức là chịu trách nhiệm trước nhân dân), từ đó mà thiết định lại một nền học vấn tử tế, lành mạnh và tiến bộ.
Thái Hạo
Nguồn : Nông Nghiệp online, 08/05/2022
***************************
Những luận án 'salami'
Nguyễn Văn Tuấn, Tuổi Trẻ online, 07/05/2022
Câu chuyện 'phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức' là một sự thất bại trong việc gác cổng học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một luận án tiến sĩ...
Những luận án tiến sĩ với tiêu đề na ná như nhau khiến dư luận đặt câu hỏi về giá trị của học vị tiến sĩ và trình độ của hội đồng giám khảo. – Tranh minh họa / Báo Tuổi Trẻ
Những ngày qua, những luận án tiến sĩ với tiêu đề na ná nhau như "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức" và "Đảng bộ tỉnh lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng" làm cho công chúng có lý do đặt câu hỏi về tiêu chuẩn của học vị tiến sĩ và vai trò của những người gác cổng học thuật.
Văn bằng tiến sĩ có nguồn gốc từ phương Tây và các thiết chế học thuật phương Tây có đề ra những quy trình và tiêu chuẩn cho các nghiên cứu cấp tiến sĩ.
Theo đó, một nghiên cứu cấp tiến sĩ phải thể hiện một hay vài đóng góp quan trọng và nguyên thủy trong một lĩnh vực khoa học.
"Quan trọng" ở đây hiểu theo nghĩa kết quả nghiên cứu có tác động tích cực, như làm thay đổi nhận thức về một vấn đề, làm thay đổi chính sách hay mở ra một địa hạt nghiên cứu mới. Tính "nguyên thủy" hiểu theo nghĩa nghiên cứu phải có cái mới : mới về ý tưởng, phương pháp, dữ liệu hay cách diễn giải dữ liệu. Nói tóm lại, một nghiên cứu cấp tiến sĩ phải sản sinh ra tri thức khoa học vừa mới vừa quan trọng.
Một tri thức được xem là khoa học phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn : phổ quát, khái quát hóa và tái lập. Tri thức khoa học được đúc kết từ dữ liệu thực tế và dữ liệu phải được thu thập bằng phương pháp khoa học. Những luận án vừa đề cập trên tuy có vài dữ liệu và đưa ra một số kiến nghị nhưng đó không phải là tri thức khoa học.
Cần phải nói thêm để nhấn mạnh rằng những dữ liệu được thu thập từ một phong trào hay được tổng kết từ một chương trình hành động theo một chính sách công nào đó không thể xem là "dữ liệu khoa học". Những luận văn được viết từ những dữ liệu như thế không thể xem là nghiên cứu khoa học, vì những dữ liệu đó không thể đúc kết thành tri thức khoa học.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều báo cáo như vậy đã được hoán chuyển thành những luận án tiến sĩ !
Những luận án có nội dung na ná nhau như trên thường được đề cập đến như là một dạng "Khoa học salami" (salami science). Giống như cây xúc xích salami (một loại nem chua ở phương Tây) được cắt ra thành nhiều lát mỏng, và các lát đều giống nhau về chất liệu cũng như hình thể, chủ đề "phát triển môn cầu lông cho công nhân viên chức" hay môn nào đó nữa có thể viết thành những luận án giông giống nhau về nội dung, chỉ khác nhau ở địa phương thực hiện. Đó là một dạng "khoa học salami" và dĩ nhiên đó là một vi phạm về đạo đức khoa học.
Theo tôi thấy Việt Nam rất cần cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ và nên bắt đầu bằng tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ. Hiện nay có nhiều người hiểu sai lệch về học vị tiến sĩ và xem các báo cáo tổng kết như là một luận án tiến sĩ.
Thế nào là một học vị tiến sĩ và những tiêu chuẩn nào cần thiết cho một học vị tiến sĩ ? Năm 1987, một nhóm nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học phân tử đã ngồi lại với nhau, vạch định ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ trong lĩnh vực này.
Sau thêm 2 năm tham khảo từ nhiều nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, năm 1989 họ hoàn tất một bản thảo về các tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ. Năm 1999 các tiêu chuẩn này lại được sửa đổi chút ít và công bố trên các tập san khoa học liên quan và được các chuyên ngành khác chấp thuận về nguyên tắc.
Theo đó, các tiêu chuẩn cho một tiến sĩ bao gồm 2 nhóm liên quan đến kiến thức và kỹ năng. Kiến thức bao gồm am hiểu về khoa học và kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Kỹ năng bao gồm kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ thuật thiết kế và thử nghiệm khoa học, kỹ năng phân tích và kỹ năng truyền thông (kể cả xuất bản khoa học). Các tiêu chuẩn này có thể dùng làm khung tham khảo để thiết lập một bộ tiêu chuẩn tiến sĩ ở Việt Nam.
Công bằng mà nói câu chuyện "phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức" xảy ra là một sự thất bại trong việc gác cổng học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một luận án tiến sĩ và thiếu một bộ tiêu chuẩn cho một tiến sĩ, đó là chưa nói đến chuyện tiêu cực hay cơ chế dung dưỡng việc "làm đẹp" cho cái ghế bằng những học vị, học hàm. Nhưng đó cũng là một cơ hội để cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ đúng với chuẩn mực quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 07/05/2022
*********************
Thái Hạo, Nông Nghiệp online, 07/05/2022
Chỉ khi con đường học vấn không còn bị vấy bẩn và bôi nhọ bởi những thứ giả danh, thì lúc đó mới hi vọng về một sự chấn hưng thật sự trong giáo dục.
Cuối năm 2020 tôi nghỉ việc, rời khỏi môi trường giáo dục. Lúc ấy, nhiều thầy cô và bè bạn đã khuyên tôi tiếp tục học lên tiến sĩ để trở lại với công việc chữ nghĩa và nghiên cứu trong một môi trường phù hợp hơn. Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về những đề nghị này.
Một người thầy thậm chí còn nhiệt tình thu xếp cho tôi gặp người của phòng đào tạo sau đại học của một trường đại học lớn ở miền Trung để tôi bàn về việc học tiến sĩ. Có nhiều anh em đang công tác ở các môi trường học thuật cũng mở lời, sẵn sàng giúp tôi bước chân vào chinh phục học vị cao nhất này.
Đương lúc đó, một người thầy khác công tác tại một đại học ở Hà Nội mà tôi vốn chưa từng gặp mặt đã nhắn tin nói với tôi rằng, muốn tôi về chỗ thầy để cùng làm việc, nhưng trước tiên để thầy lên phòng đào tạo đặt vấn đề xem sao. Chiều hôm ấy, thầy nhắn lại, họ đòi có bằng tiến sĩ… Và ngậm ngùi khuyên tôi hãy gắng học lấy tấm bằng ấy.
"Có bằng tiến sĩ", đúng thôi, giảng dạy đại học thì yêu cầu đó là hợp lý. Vấn đề ở chỗ không phải là yêu cầu cao hay thấp, có tiến sĩ hay chưa có tiến sĩ mà là điều sau đây : tất cả những người đã đề nghị và tha thiết giúp đỡ tôi đều nói "đó là giấy thông hành". Xin lưu ý, tất cả những người ấy đều thực học, là "tiến sĩ thật" và nghiêm túc trong lao động khoa học mà tôi vốn kính nể.
Thế nhưng, với bối cảnh hiện tại, việc học lên tiến sĩ trong cái nhìn của họ thì chỉ là để vượt qua hàng rào "kiểm duyệt", cầm trong tay một tấm giấy để ĐƯỢC làm chuyên môn. Đó là một sự chua chát, vì họ vốn không coi thường học vị tiến sĩ, nhưng trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn, yêu cầu về một mảnh bằng giữa sự lộn xộn ấy lại không thể coi thường. Chúng ta phải nghe thấy nỗi đau của họ, rằng "học cho xong, để làm việc của mình".
Khi mà tấm bằng danh giá nhất, bằng tiến sĩ, đã chỉ còn là một chiếc vé lên tàu, là một cái giấy thông hành, và việc sở hữu nó là một điều bất đắc dĩ thì chúng ta phải hiểu rằng nó đã thành một sự cản trở chứ không phải là điều kiện nữa. Khi mà ngay cả những người nghiêm túc nhất cũng đã coi tấm bằng tiến sĩ là một sự đối phó để có cơ hội được làm khoa học thì chúng ta phải hiểu chất lượng của nó đã thê thảm đến thế nào.
Họ không còn niềm tin vào chất lượng đào tạo đã đành mà còn phải từ bỏ luôn cả niềm tự hào của bản thân về học vị cao nhất mà mình đang sở hữu. Mọi lời khuyên của họ đối với tôi đều không phải là cần học lên tiến sĩ để đủ trình độ làm việc, mà là để có thể được bước vào một chỗ nào đó, có điều kiện mà làm khoa học. Như thế mới thấy cái thực tế về việc đào tạo, tuyển dụng ở ta đã trở nên trớ trêu và thảm hại như thế nào. Trong những cách nói đó luôn muốn diễn tả cái ý rằng, học xong rồi thì cất vô tủ và quên nó đi, coi như hết "nợ đời" !
Hãy hình dung, khi mà việc tốt nghiệp một học vị nào đó (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) chỉ là để lấy một tấm vé thì nó khác với việc học để có trình độ đến thế nào. Để có vé thì có rất nhiều cách, từ nhờ người học hộ, "đi đêm", cho đến mua bán ; nhưng học để có trình độ thì chỉ có một, là học thật, không còn cách nào khác.
Người ta dựng lên những hàng rào pháp lý nhưng lại không đủ khả năng/không đủ trách nhiệm để bảo vệ cái hàng rào ấy cũng như giám sát nó. Thế là bên cạnh vài người đã qua được bằng chính năng lực của mình thì không ít kẻ đã chui qua, thậm chí cắt lưới để chuồn sang. Bằng tiến sĩ, thay vì thấy rằng đó là một thử thách chuyên môn và phải rèn luyện để có đủ khả năng mà nhảy qua thì giờ đây nó trở thành một chướng ngại vật trong hành trình học vấn mỗi người.
Thái độ của những nhà khoa học và những người trí thức chân chính đối với tấm bằng tiến sĩ như tôi đã nhắc ở trên đã gián tiếp phản ánh một thực tế trái ngang, một thái độ chua chát và sự vùng vẫy trước "tấn trò đời" học vị ấy. Họ không còn tin vào nó nữa nhưng lại vẫn phải chấp nhận, thậm chí động viên người khác gắng mà sở hữu cho được. Sau tất cả những điều ấy là một sự tha thiết được làm việc và cùng nhau làm việc, hòng hi vọng có thể mang lại chút giá trị gì đó cho xã hội.
Trở lại, tôi đã quyết định, quyết định không dấn bước vào con đường khoa bảng ấy nữa. Với tất cả những gì đang bày ra, tôi chợt thấy may mắn nhưng lại cũng không thể vui, vì mình đã chọn dừng lại. Con đường học tiến sĩ không những là một cuộc đầu tư tiền bạc thực sự mà những người ít điều kiện khó lòng kham nổi bởi những thứ "phi học thuật" trong đó ; hơn thế, nó còn mở ra cả một viễn tượng với chông gai trùng trùng phía trước trong một cơ chế xin – cho điển hình cùng với tình trạng mất tự do trong nghiên cứu…
Đến bao giờ mà chân ngụy phân minh, đến bao giờ mà những người làm khoa học chân chính không còn phải chua chát lo đối phó với cơ chế nhiễu nhương nữa, đến bao giờ mà con đường học vấn dù vẫn luôn gian nan nhưng không còn bị vấy bẩn và bôi nhọ bởi những thứ giả danh…, thì đó là lúc chúng ta mới có quyền hi vọng về một sự chấn hưng thật sự trong giáo dục và ở các nền tảng xã hội cơ bản khác, đủ để làm chân móng cho toàn bộ sự kiến tạo nên tương lai.
Thái Hạo
Nguồn : Nông nghiệp Việt Nam, 07/05/2022
**********************
Mai Lan, VNTB, 05/05/2022
12.000 tỷ đồng chi cho 9.000 tiến sĩ, vị chi, mỗi tiến sĩ cần 1,33 tỷ đồng. Như vậy, để có một tiến sĩ người nông dân sẽ tốn cỡ chừng 665 con heo, hay tương đương 88 con bò (?!)
Đó là câu chuyện thời giá hồi giữa tháng 11/2017, thông tin từ bản dự thảo đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng, với mục tiêu chính là trong vòng 8 năm (2018 – 2025) đào tạo, thu hút khoảng 9.000 tiến sĩ cho các trường đại học được báo chí đăng tải. Dòng tít ngắn gọn : "Chi 12.000 tỷ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ" nhanh chóng tạo "bão" trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội.
Rất đơn giản, mỗi một giáo sư vừa là CEO (tổng giám đốc) phòng thí nghiệm của mình, vừa chính là con bò vắt ra… tiền cho trường/ viện nơi nhận đào tạo ra các tiến sĩ.
Vào khoảng đầu tháng 4/2016, cả xã hội nóng lên bởi câu chuyện "lò sản xuất tiến sĩ" ở Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) với phép tính "cứ một ngày một tiếng 15 phút ra một tiến sĩ" mà tới nay nhiều người vẫn còn nhắc tới, và đang trở lại thành thời sự khi cuối tháng 4/2022, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019.
Thanh tra Chính phủ nêu ra một số vi phạm như : Quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn ; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Đặc biệt, tại chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót, có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Trong đó Thanh tra kết luận : "Có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh".
Có một thực tế là sở dĩ nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ, tiến sĩ có duyên cớ từ việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào bằng cấp. Đây không còn là một "luật ngầm" trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, mà đã được luật hóa trong các Luật Công chức và Luật Viên chức cũng như các văn bản liên quan. Cả hai luật này đều có các điều khoản quy định về những ưu tiên, đặc cách đối với đối tượng có bằng cấp cao như thạc sĩ và tiến sĩ.
Một người bạn học thuở hoa niên với người viết, hiện là giáo sư bậc đại học ở Mỹ (người bạn này là ‘dân vượt biên’ sau biến cố tháng 4/1975), có thời gian về giảng dạy ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo một chương trình hợp tác quốc tế gì đó, kể rằng ở xứ người để làm nghiên cứu sinh thì với sinh viên đến từ Việt Nam thường hay nhận lời khuyên chân tình vầy, "Ở đây người ta không quan tâm tới giải pháp cho Việt Nam. Chúng tôi quan tâm tới cái gì đúng cho mọi quốc gia, mọi nơi, mọi lúc".
Phần lớn tiến sĩ – trong tiếng Anh là Doctor of Philosophy, hay viết tắt là PhD, được xem là bằng cấp cao nhất trong lĩnh vực học thuật, tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ : tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới – những cấp mà họ chỉ cần tập trung vào việc dạy.
Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.
"Hồi mới trở lại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe rằng những vị chính khách như tổng bí thư, một số bộ trưởng được giới thiệu kèm học vị tiến sĩ, thậm chí còn luôn cả học hàm giáo sư.
Rồi tôi bỏ công tìm hiểu thì không thấy họ tham gia giảng dạy ở các trường đại học nào, chuyên ngành hẹp là gì ? Chính điều này nên rất khó trách các quan chức cấp nhỏ hơn đang ráng kiếm cái văn bằng công nhận tiến sĩ !" – người bạn học cũ, nhận xét và lưu ý rằng, 46 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.
Còn ở Việt Nam, số lượng người làm cơ quan quản lý, làm hành chính có học vị tiến sĩ đang quá nhiều.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 05/05/2022
Tuấn Khanh, RFA, 07/05/2022
Suốt nhiều ngày, giới bình dân lẫn trí thức đều bàn tán về chuyện các tiến sĩ hạng lông đang xuất hiện khắp nơi trên đất nước. Những tấm bằng trọng vọng, phủ lên trên những dự án hết sức ngớ ngẩn đang được tìm thấy với sự mỉa mai, rằng "đất nước ta có bao giờ được như thế này đâu".
- AFP
Theo con số ước tính, Việt Nam đang có hơn 24.000 danh vị tiến sĩ (thống kê từ năm 2016), nhưng vào năm 2020, theo báo Tuổi Trẻ, thì Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam cho biết những năm gần đây, cứ mỗi năm có hơn 1500 tiến sĩ lấy bằng. Nhưng khả năng và ứng dụng thực tế của các vị tiến sĩ đó thì chưa được công bố. Chưa kể là còn liên tiếp các vụ tố nhau đạo văn, kể cả quan chức chính phủ.
Một người bạn làm nghề kinh doanh, phải đi gặp rất nhiều khách hàng, kể là đến đâu nhận danh thiếp của giám đốc, trưởng phòng… đều thấy đề danh vị là tiến sĩ, thấp thì cũng là thạc sĩ. Người Việt Nam hôm nay trí thức rất toàn phần. Nói như một nhà báo về hưu non ví von "Vừa bỏ súng xuống, họ lại cầm bút. Nhưng không biết súng đã bắn vào đâu và bút đã viết những gì".
Nạn lạm phát tiến sĩ, thạc sĩ, chức danh nổ như pháp hiện nay, phải nói đến công của thời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân. Năm học 2007 – 2008, ông Nhân được ra khẩu hiệu "năm không", trong đó có "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích". Nhưng chính ông ta lại mâu thuẫn với mình khi vào lúc nhận chức Phó Thủ tướng, ông phát động chiến dịch trang trí toàn cõi Việt Nam bằng các loại bằng cấp, qua đề án do chính ông ký tên ban hành là mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 – 2020.
Tiến sĩ cầu lông, hay các loại tiến sĩ đã và đang bị dòm ngó về nội dung luận án, có nằm trong chiếc lồng ấp 20.000 tiến sĩ của ông Nhân không ? Và họ đã làm gì với mảnh bằng chói lòa số lượng ấy ?
Nhưng mảnh bằng tiến sĩ trong nước giờ đã kém sang, nhiều nhân vật quan chức nay săn tìm bằng cấp nước ngoài để có vẻ "phương Tây" hơn, và cũng khó truy nguyên hơn. Việt Nam là nước mua bằng giả từ các công ty ma tại Mỹ nhiều đến mức mà năm 2019, tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Mỹ tại Việt Nam đã phải gửi đến giới báo chí, xin giúp công khai danh sách 21 trường đại học Mỹ đang có mặt tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận ngay tại Mỹ. Dĩ nhiên, vô số các tấm bằng giả đã bị phát hiện, và được xử lý nội bộ.
Một trong những vụ bị phanh phui – do đến lúc – là trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, nhận bằng tiến sĩ của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) mà thời gian tu học đòi hỏi từ 4-7 năm, nhưng chỉ hơn 1 năm, ông Anh đã hoàn tất.
Đến lúc, tức bị đào thải ra khỏi hệ thống vì lý do gì đó, và bằng cấp chỉ là một trong những lý do để vin vào. Ví dụ cho chuyện này, nặm 2021, Đại Học Đông Đô ở Hà Nội bị phát hiện đã cấp bằng giả cho gần 450 quan chức. Nhưng chỉ có hơn chục người bị tiết lộ danh tính, còn lại thì vẫn bí mật, vì là vấn đề an ninh quốc gia. Quan chức sống trên bằng cấp giả, lừa mị nhân dân bằng học thức giả, là một hiện thực mà cả nước Việt Nam lâu nay "ai cũng biết, mà không ai nói".
Nói về đề án bốc lửa, tạo ra 20.000 tiến sĩ của ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có gửi góp ý sau khi mọi thứ vỡ lỡ là thất bại thảm hại "Tiêu đồng tiền của dân thì phải thận trọng". Còn Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thì tiết lộ rằng mọi nơi trong ngành giáo dục rùng rùng chạy theo niềm cảm hứng của ông Nhân, bất kể hiện thực. "Các cơ quan cử người đi du học (lấy bằng tiến sĩ) thì đa phần trình độ tiếng Anh rất là yếu, rồi ngay cả việc bồi dưỡng tiếng Anh đủ chuẩn để đi du học cũng yếu, cho nên rất nhiều em qua học 4 năm không thể làm gì được", ông Dũng kể về giai đoạn sôi sục với chỉ tiêu ấp cho được 20.000 tiến sĩ của ông Nhân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc tại Đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016. AFP
Được biết đề án đó (có tên là Đề án 911), dự trù kinh phí 14.000 tỷ đồng, không biết thất bại bao nhiêu, nhưng sau đó Kiểm toán Nhà nước kiến nghị khắp nơi phải thu hồi nộp trả lại phần có thể, cho ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Điểm lại cuộc chiến tranh nhân dân mà Hà Nội đã khởi đi từ năm 1954, trong nội dung đó, trí thức và các loại bằng cấp thường không được xem trọng. Đặc biệt sau Tháng Tư 1975, cuộc cải tạo tư tưởng khổng lồ với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, bao gồm luôn cả các thành phần trí thức đã biến giới có học trở thành hạng người bị coi là hư hỏng, nhiễm độc bởi tư tưởng sai lầm của phương Tây. Cụ thể là chuyện Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Tổng trưởng Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông là người phát triển tri thức cho toàn bộ vùng miền Tây Việt Nam, và là người phát hiện nhà nông nghiệp học Võ Tòng Xuân về Việt Nam làm việc vào năm 1972. Ông bị đi "học tập" và chết năm 1986 vì đau yếu, thiếu thốn trong tù Ba Sao, Nam Hà.
Thật khác với những ngày khai lý lịch ở miền Nam sau 1975, người ta thì thào với nhau rằng trong mục học vấn, tốt nhất là nên để nguồn gốc bần cố công, hoặc chỉ học đến lớp 12… như vậy thì mới yên phận. Thỉnh thoảng ai đó bị phát hiện là có bậc đại học hoặc trên mức đó mà che giấu, đều bị tra vấn như tội phạm.
Nhớ ông thầy dạy Anh Văn, bị đi "học tập cải tạo" mấy năm do là viên chức hành chánh chế độ. Ông kể có lần phái đoàn quốc tế đến thăm trại, cán bộ vào căn dặn mọi người là không được nói chuyện trực tiếp, mà phải qua phiên dịch của nhà nước. Và nếu có được hỏi là có nói được ngoại ngữ không thì phải từ chối. Chẳng may, dáng vẻ trí thức lụm cụm của ông làm thành viên phái đoàn quốc tế chú ý. Họ đi đến gần và hỏi ông có nói được tiếng Anh không, ông lắc đầu và chỉ trả lời qua phiên dịch. Cuối cùng, có một thành viên Phái đoàn hỏi ông là trước năm 1975 làm nghề gì. Ông nói "làm thầy giáo". Người phiên dịch chuyển lời ngay. Thành viên phái đoàn quốc tế lại gặng "ông dạy môn gì ?". Ông thầy trả lời giọng nhỏ "dạy Anh văn". Người phiên dịch cũng chuyển lời ngay, nhưng nửa câu thì hắn giật mình, im lặng. Nhưng cũng đã trễ. Các thành viên Phái đoàn quốc tế lúc đó gồm những người Pháp, Thụy Điển, Đức… nhìn nhau, cười và vỗ vai ông thầy.
Sau buổi đó, ông thầy bị tịch thu hết sách vở ngoại ngữ cất ở chỗ nằm, bị phạt hết một tuần vì dám nói chuyện liên quan đến tiếng ngoại quốc và cố lý lừa cán bộ. Giờ thì ông mất rồi. Ông không còn dịp để thấy chuyện thỉnh thoảng ông Nhân hay ông Đam bập bẹ nói vài câu xã giao tiếng Anh trên đường phố với Tây du lịch, báo chí đã rần rần tung hô như là tiến sĩ.
*********************
Từ câu chuyện tiến sĩ cầu lông…
Trân Văn, VOA, 07/05/2022
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam – người có học hàm Phó Giáo sư về Khoa học an ninh, học vị Tiến sĩ về Luật – tuyên bố : Cần phải "học thật, thi thật, nhân tài thật"...
Luận án tiến sĩ gây bỡ ngỡ trong dư luận.
Câu chuyện ông Đặng Hoàng Anh được công nhận là Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục nhờ luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đã trở thành giọt nước làm tràn ly bất bình về giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó, theo tờ Tuổi Trẻ thì trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam có khoảng mười nghiên cứu sinh được công nhận là "Tiến sĩ Giáo dục" nhờ tập trung nghiên cứu về cầu lông (1).
Cách nay năm năm, công chúng từng choáng váng khi Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo công bố kết luận thanh tra hoạt động của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo đó, trong ba năm liền, mỗi ngày, nơi này đào tạo hơn một "Tiến sĩ" và gần năm "Thạc sĩ" ! Tất cả các khâu, từ tuyển sinh, giảng dạy, đến hướng dẫn nghiên cứu, thẩm định luận án, đều có vấn đề (2). Cũng vì vậy, phần lớn đề tài nghiên cứu và tính hữu dụng chỉ có tác dụng tạo buồn phiền và khinh miệt...
Không phải tự nhiên mà "lò ấp tiến sĩ" trở thành thành ngữ được sử dụng rộng rãi khi đề cập đến nhận thức và thực trạng giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Cung cấp nhân lực cho giới nghiên cứu khoa học đã được chấn chỉnh kèm nhiều cam kết, hứa hẹn và tuyên bố thành tích dù không ai tin vào tính hiệu quả (3) và giờ cho ra kết quả không chỉ thảm hại hơn mà còn tồi tệ hơn. Công nhận các "Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục" sau khi nghiên cứu về hoạt động của "cầu lông" trong "công chức, viên chức" ở đâu đó chỉ là ví dụ minh họa !
***
Không thể kể hết ý kiến về scandal mới liên quan đến học hàm, học vị tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cả trên mạng xã hội lẫn diễn đàn của các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức.
Nhìn một cách tổng quát, chẳng ai tin dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng Đảng cộng sản Việt Nam, "ngày mai trời sẽ sáng", lĩnh vực Giáo dục và đào tạo nói chung và thẩm định chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói riêng sẽ thấy bình minh !
Chẳng hạn Lê Huyền Ái Mỹ nhận định thế này : Trí thức là tinh hoa của đất nước. Họ luôn xứng đáng được ngưỡng vọng, kính trọng một cách thật lòng như chính trí tuệ, sức lao động, cống hiến thực sự, thực lực, thực tài của họ.Tuy nhiên đến "thể loại" đề tài này, nghiên cứu sinh này, hướng dẫn đề tài này, hội đồng khoa học từ "Phản biện 1", "Phản biện 2", các thành viên này mà thông qua thì chẳngcó gì lạ so với "Hội đồng testkit quân y "kia.
Lê Huyền Ái Mỹ thở dài :Huấn thị vốn dành cho nhà khoa học "Tôi không biết" là để học hỏi, tìm tòi, khám phá để được biết. Còn ở xứ ta, với những "thể loại" đề tài "cầu lông công chức" thì người nghiên cứu lẫn hội đồng thông qua đề tài chỉ là "không biết xấu hổ".Thú thật, đọc những thông tin dạng này, ban đầu thường nghĩ… tin giả nên bật cười vì óc hài hước của bà con. Nhưng khi báo chí xác thực thì phẫn nộ (vì nó xài cái học vị cho nấc thang địa vị, xài bằng tiền ngân sách), rồi lại xót, nghĩ đến những thầy cô, bạn bè, người thân vốn là những vị thức giả, học thức chân chính. Vì chân chính nên họ không màng thị phi quơ quào. Nhưng mình nhìn vào, thấy mỗi ngày cái giả, cái dốt, cái xấu, cái ác nó cứ lúc nhúc, chui rúc, chen chúc đầy khắp nào "Viện", nào "Trường" cho đến ngoài đường, tội tình xiết bao cho những "tinh hoa", "nguyên khí" thật (4).
Mạnh Trần cảm thán tương tự :Hỏi thămmấy người bạn đi theo con đường nghiên cứu giảng dạy thì nhận được câu trả lời, "Thạc sĩ" bây giờ không khác gì đi học tại chức ngày xưa. Ra đường "Thạcsĩ" nhiều như lợn con. "Tiến sĩ" rồi cũng sẽ như học tại chức vì lợn con sẽ lớn, tính lại háu ăn. Nói chung là sẽ lạm phát "Thạc sĩ" và "Tiến sĩ". Đa số có họcvị "Thạcsĩ" hay "Tiến sĩ" đều ghi họcvị trên danh thiếp, đi đâu cũng muốn giới thiệu nhưng hỏi đếnluận án thì giấu tiệt. Điều này nên thông cảm và ghi nhận cho họ. Học hành vất vả, "tiền đóng, gạo góp" chứ chảchơi để có cái khoe với đời.Tôi đang tính khởi nghiệp ngành "Bảo mật luận án Thạcsĩ, Tiếnsĩ". Bảo đảm không ai tìm thấy công trình nghiên cứu sau khi được công nhận, kể cả người viết.
Tuy nhiên Mạnh Trần không quên lưu ý : Vẫn còn nhiều ngườithật sự hoạt động khoa họcvà có công trình đóng góp cho xã hộichứ không phải "làm khoa học" theo kiểu "Thạc sĩ", "Tiến sĩ" tại chức. Thời buổi ‘làm khoa học’ dễ dãi mà họ vẫn chọn con đường nghiên cứu đàng hoàng, nghiêm túcthì những người như vậy đáng được tôn trọng, đáng được tôn vinh. Buồn cho xã hội lạm phát bằng cấp nhưng cũng phải trân trọng những người làm khoa học chân chính(5).
***
Sau scandal mới liên quan đến học hàm, học vị tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như vừa đề cập, Minh Tran – một thành viên của trang "Liêm chính khoa học" trên facebook (6) -đã vào trang web chuyên giới thiệu các luận văn và luận án của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam (vẫn được quảng bá như một nỗ lực chấn chỉnh sự hỗn loạn trong đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học) để tìm hiểu thêm về kết quả hướng dẫn – thẩm định - công nhận các "Tiến sĩ" trong vài năm gần đây (7).
Kết quả - ngoài những "Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục" kiểu như ông Đặng Hoàng Anh được công nhận là "Tiến sĩ" do "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", Minh Tran phát hiện và giới thiệu thêm một "lô" "Tiến sĩ" các chuyên ngành "Kinh tế", "Lịch sử", "Văn hóa", vì nghiên cứu về "Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015". Hay về "Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015". Hoặc về "Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014". Hay về "Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014" mà Minh Tran ví von là. "Công nghệ nhân bản giáo sư, tiến sĩ…" (8) !
Cũng từ việc tham khảo trang web mang tính chất như thư viện online về "Luận văn – Luận án" của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam, Minh Tran nêu ra một thắc mắc khác khi có quá nhiều "Luận văn – Luận án" của các cá nhân đã được công nhận học vị "Tiến sĩ" nhưng chẳng khác gì "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương" : "Nghiên cứu khoa học" của các "Tiến sĩ" hết xoay quanh "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010", tới "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012" Thậm chí có cả những "luận văn tiến sĩ" từ "Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1986 đến năm 2010", sang "Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức (Hà Tây) từ năm 1991 đến năm 2008", và "Chuyển biến kinh tế, xã hội của thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 1975 đến năm 2010" (9).
***
Năm ngoái, trước vô số chỉ trích về hiện trạng Giáo dục và đào tạo Việt Nam và cảnh báo về hậu quả đối với tương lai của xứ sở, vận mệnh dân tộc, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam – người có học hàmPhó Giáo sư vềKhoa học an ninh, học vịTiến sĩ vềLuật – tuyên bố :Cần phải "học thật, thi thật, nhân tài thật" (10). Muốn biết mức độ về "thật" trong tuyên bố của ông Chính tới cỡ nào cứ đối chiếu "Luận văn, Luận án" của các "Tiến sĩ". Không "nói thật và làm thật" thì "thật" mãi là thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/05/2022
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/tu-vu-tien-si-cau-long-nhuc-nhoi-luan-an-tien-si-20220505230357176.htm
(4) https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/390509279618179
(5) https://www.facebook.com/100000032181078/posts/5460364423974576/
(6) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc
(7) http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.31&view=39599
(8) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/704878784092290
(9) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/706089230637912
(10) https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-904943
Loạn tiến sĩ – Vì đâu nên nỗi ?
Hiếu Chân, SaigonnhoNews,05/05/2022
Vài suy nghĩ lan man nhân chuyện tiến sĩ mọc ra như nấm ở Việt Nam
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội Facebook rộ lên chuyện phong trào "tiến sĩ" nhân vụ báo chí phanh phui chuyện Viện Hàn Lâm Khoa Học và Xã Hội Việt Nam cấp bằng tiến sĩ giống như cái máy đẻ, "nghiệm thu" hàng chục đề tài nghiên cứu để sinh ra hàng chục tiến sĩ trong một ngày. Đọc tiêu đề của các luận văn tiến sĩ này khó ai khép được miệng cười, hoặc không nhịn được mà phải văng tục, chẳng hạn như luận văn "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của Đặng Hoàng Anh, bộ môn Giáo dục học, được giáo sư tiến sĩ Lưu Quang Hiệp và phó giáo sư tiến sĩ Đặng Văn Dũng thuộc Viện Khoa học Thể dục Thể thao hướng dẫn ! Một thông tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng Năm cho biết luận văn tiến sĩ cầu lông của ông Anh đã "bảo vệ thành công" ngày 19 tháng Giêng 2022 và đến nay có tới 10 luận án tiến sĩ cầu lông như của ông Anh !
Một trong vô số luận án tiến sĩ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh Facebook
Người ta còn tìm ra và đăng lên Facebook hàng chục bìa luận văn tiến sĩ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (tên mới của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trung ương, nơi đào tạo các quan chức lãnh đạo của đảng Đảng cộng sản Việt Nam) với những đề tài giống hệt nhau, kiểu như "Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến 2015" của Lê Xuân Dũng ; "Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến 2015" của Trần Thị Vân ; "Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến 2015" của Nguyễn Thị Thu Hương v.v… Trên một bài đăng của Facebooker Sơn Trần, chúng tôi đếm có hơn 30 luận văn như vậy.
***
Phong trào tiến sĩ nở rộ ở Việt Nam như nấm sau mưa không phải tự dưng xuất hiện mà có chủ trương chính sách khuyến khích của nhà cầm quyền. Các bộ ngành trung ương và các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đều đặt ra "chỉ tiêu" đào tạo, "nâng cấp" hàng ngàn tiến sĩ cho đội ngũ cán bộ công chức. Ông Nguyễn Thiện Nhân, từng là phó thủ tướng, bộ trưởng giáo dục, khi còn là phó chủ tịch thành phố Sài Gòn đã yêu cầu thành phố phải đầu tư 14,000 tỷ đồng để đào tạo 20,000 tiến sĩ làm việc cho chính quyền thành phố !
Chính sách khuyến khích "phổ cập tiến sĩ" còn được hỗ trợ bởi các biện pháp vật chất khác. Người làm việc trong guồng máy nhà nước phải có bằng tiến sĩ mới có cơ may được đề bạt làm phó giáo sư, giáo sư, lên các chức vụ quản lý. Độ tuổi nghỉ hưu theo luật định là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ, nhưng nếu có bằng tiến sĩ thì nhà quản lý có thể ngồi tiếp đến năm 65 tuổi, tiếp tục hưởng bổng lộc và sau đó vẫn có thể làm tiếp nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nữa.
Với những quyền và lợi hấp dẫn như vậy, người người chen nhau đi tìm bằng tiến sĩ và các "lò sản xuất" luận văn tiến sĩ âm thầm mọc lên, cung cấp đủ loại luận văn cho người có nhu cầu và có tiền trả, thường là luận văn cho các ngành "tào lao", chẳng có ý nghĩa khoa học gì như ngành lịch sử Đảng, xây dựng Đảng, quản trị kinh doanh, văn hóa học ; hầu như không có các luận văn thuộc các ngành khoa học tự nhiên hoặc công nghệ. Báo Asia Sentinel từng đăng một phóng sự điều tra khá sốc về tình trạng gian lận học thuật ở Việt Nam mà báo gọi là một thị trường kinh doanh lớn phục vụ chủ yếu cho giới quan chức ; có thể đọc bản dịch tiếng Việt của phóng sự trên ở đây.
Không khó để nhận ra những "luận văn tiến sĩ" kể trên là sản phẩm sản xuất hàng loạt của một vài lò luận văn nào đó, lấy một bản luận văn "mẫu", thay đổi chút về tên người, địa danh và vài số liệu là có thêm một tiến sĩ được ra lò ! Rất nhiều quan chức lãnh đạo hoàn toàn không đi học, không có thời gian cho việc học nhưng chỉ sau vài năm cầm quyền thì trên danh thiếp đã có thêm dòng chữ ghi học vị tiến sĩ, giáo sư. Loại tiến sĩ đó chỉ có thể là do mua bằng, mua luận văn và đút lót các hội đồng trường mà có.
Điểm hết sức khác biệt của Việt Nam là ở các nước, luận văn tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu, đưa ra một giá trị mới dù nhỏ về tri thức khoa học ở một lĩnh vực nào đó, và phải trải qua một quy trình đào tạo, xét duyệt công phu của những nhà khoa học có uy tín, không hề có cái luận văn tiến sĩ nào về cầu lông, cờ tướng, lãnh đạo công tác hội, ứng xử của cán bộ, xây dựng phường xã… tào lao, vô bổ như ở Việt Nam. Ở các nước, tiến sĩ là nhà khoa học, làm việc chủ yếu ở các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm hoặc giảng dạy ở đại học, chẳng có bao nhiêu người làm quan chức hành chánh trong khi ở Việt Nam, hơn một nửa số tiến sĩ là quan chức đảng, lãnh đạo cơ quan chính quyền mà công việc chẳng liên can gì tới khoa học, chẳng cần nghiên cứu.
***
Chuyện trái khoáy là trào lưu coi trọng bằng tiến sĩ ở Việt Nam đi ngược lại với triết lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản mà đảng và nhà nước Việt Nam cổ xúy, trong đó đề cao người công nhân, nông dân như là nòng cốt của cách mạng vô sản.
Ngay từ thuở mới thành lập, năm 1930, đảng Đảng cộng sản Việt Nam đã thù địch với trí thức, coi những người có bằng cấp, có học thức là tay sai của thực dân phong kiến, áp bức nhân dân lao động. Câu khẩu hiệu đấu tranh của đảng thời Xô Viết Nghệ Tĩnh : "Trí, phú, địa, hào – đào tận gốc, trốc tận rễ", đặt trí thức lên hàng đầu những "đối tượng" phải tiêu diệt. Những thanh niên trí thức được đào tạo trong nhà trường của Pháp, khi đi theo cộng sản, như Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đều phải từ chối thành phần xuất thân, phải "vô sản hóa", phải hòa mình với công nhân, nông dân "để lãnh đạo họ". Trong những chiến dịch thanh trừng sau khi cầm quyền, như cuộc Cải Cách Ruộng Đất, đám bần cố nông vô học làm theo sự dẫn dắt của các cố vấn Trung Cộng, thẳng tay tiêu diệt những người có của (địa chủ, tư sản) và không tha cả những người có học (thầy giáo, thầy thuốc) ở nông thôn.
Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên cả nước sau năm 1975, để được cho đi học, cho vào làm việc trong chính quyền, cho vào đảng cộng sản, thanh niên phải có lý lịch tốt, cụ thể là phải xuất thân từ thành phần công nhân, bần nông (nông dân nghèo), cố nông (nông dân cực nghèo). Những ai xuất thân trong gia đình tư sản, địa chủ, dính dáng với chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì sống không bằng chết, bằng cấp càng cao càng bị ngược đãi, đã được đào tạo, tu nghiệp ở các nước tư bản thì bị nghi ngờ là CIA, là gián điệp, chẳng những không được sử dụng mà còn bị an ninh theo dõi thường xuyên.
Đã có nhiều thanh niên, là con cái các gia đình cán bộ cao cấp, được theo học các trường đại học trong nước, được cho đi du học các nước Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu. Việc đi học đại học, đặc biệt là đi du học nước ngoài, trước tiên là nhằm tìm chỗ trú an toàn cho các con ông cháu cha, tránh phải vào lính cầm súng vào chiến trường "sinh Bắc tử Nam" – nơi dành cho con cháu thường dân hoặc gia đình cán bộ cấp thấp, không có thế lực hoặc quan hệ chính trị với quan chức. Việc chọn người đi học chỉ dựa vào lý lịch và quan hệ, không coi trọng trình độ và khả năng học vấn, nhưng vì "tình hữu nghị quốc tế vô sản" các sinh viên này sau mấy năm ở nước ngoài, vẫn được tốt nghiệp, được cấp bằng, nhiều người có bằng phó tiến sĩ (candidate). Một chính sách sau này của đảng Đảng cộng sản Việt Nam hủy bỏ học vị phó tiến sĩ, thế là hàng ngàn phó tiến sĩ sau khi ngủ một đêm dậy đều trở thành tiến sĩ !
Chính sách đào tạo và dùng người dựa trên lý lịch, trên thành phần giai cấp, khinh thường học thức đã tạo ra một guồng máy cai trị dốt nát, tham lam và chỉ giỏi phá hoại.
***
Sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, đảng Đảng cộng sản Việt Nam nhận ra không thể tiếp tục lề lối dùng kẻ dốt cai trị người giỏi, cần phải "trí thức hóa" công nông cho phù hợp với thời đại. Vả lại, đất nước hòa bình tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ của đảng được đi học văn hóa, việc mà họ đã bỏ qua trong những năm chiến tranh khổ cực.
Thế là các chính sách khuyến khích cán bộ đi học được ban hành, các chương trình "bổ túc văn hóa", "chuyên tu", "tại chức" mở ra rầm rộ. Có những người học bổ túc văn hóa một năm hai, ba lớp ; có nhiều người học "tại chức", vừa làm việc vừa đi học, nếu không thu xếp được thì nhờ đàn em học thay, thi hộ. Trong xã hội lưu truyền câu thành ngữ : "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" là để chỉ hiện tượng này.
Gần đây, trào lưu học chuyên tu, tại chức để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ phát triển mạnh, đem lại một nguồn thu đáng kể về tiền bạc cho các trường đại học, các giảng viên cho nên mới có chuyện các trường tranh giành nhau, giẫm lên địa bàn của nhau để trục lợi. Nhiều trường ở Hà Nội mở lớp đào tạo tận miền Trung, miền Nam ; trường ở Huế, Đà Nẵng mở lớp ở Cần Thơ, Vĩnh Long ; giảng viên đi mây về gió bằng máy bay, "chạy sô" từ tỉnh này sang tỉnh khác là chuyện bình thường. Nhiều sinh viên ở Sài Gòn than thở với người viết bài này là ở trường bây giờ sinh viên chỉ được học với các thầy cô trẻ, mới tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường, vừa thiếu kiến thức vừa không có kinh nghiệm dạy học bởi vì các thầy cô có tuổi, có kinh nghiệm đã giành nhau đi dạy chuyên tu, tại chức ở tỉnh xa, vừa có nhiều tiền vừa gầy dựng được quan hệ với quan chức địa phương, có nhiều mối lợi.
Chẳng ai quan tâm tới thiệt hại mà thế hệ sinh viên trẻ phải chịu đựng do lòng tham của các bậc cha chú.
***
Cách đây vài mươi năm, Tố Hữu – thi sĩ tuyên truyền số một của đảng – đã phán :
"Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay bỗng hóa anh hùng".
Bây giờ, nhiều cán bộ của đảng trong guồng máy chính quyền, hoặc đi ra từ rừng Trường Sơn, hoặc từ những cánh đồng chiêm trũng của đồng bằng sông Hồng, đã có bằng tiến sĩ nhưng có thành trí thức như Tố Hữu nói hay không lại là chuyện khác. Cái áo không làm nên thầy tu, mảnh bằng không làm nên người trí thức, huống hồ là những mảnh bằng giả, bằng mua. Cũng giống như những tư sản đỏ Việt Nam, nhờ chiếm đoạt đất đai mà trở nên giàu có thì giỏi lắm chỉ có thể thành trọc phú chứ chưa thể đặt chân vào giới thượng lưu.
Để thành trí thức, để có tri thức, ngoài công phu học tập, rèn luyện, nghiên cứu, người ta còn phải có một nền tảng văn hóa nhất định, từ truyền thống gia đình và môi trường văn hóa xã hội. Môi trường văn hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay không thuận lợi cho sự vun trồng trí thức mà giỏi lắm chỉ có thể sinh ra trọc phú, cho dù có mông má, điểm trang kiểu gì đi nữa.
Vì vậy, đừng nên ngạc nhiên khi thấy các quan chức từ địa phương tới trung ương lên truyền hình, báo chí phát biểu những câu "tranh hết phần ngu của thiên hạ" dù ai cũng xưng là tiến sĩ, giáo sư !
RFA, 02/05/2022
Nhiều đề tài khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam kém chất lượng, chỉ tiêu đào tạo dưới 100 người nhưng đăng ký đào tạo hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Điều này dẫn đến chất lượng tiến sĩ thấp nhất trong khu vực.
AFP
Bản kết luận thanh tra Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) vừa được Thanh tra Chính phủ công khai sau gần hai năm thanh tra, cho thấy nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính cũng như công tác đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019. Qua đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được phát hiện kém chất lượng hoặc không có đóng góp gì cho khoa học xã hội.
Viện Hàn lâm không khoa học…
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đã ban hành các quy chế quản lý khoa học với nội dung có nhiều điểm không hợp lý, qui trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của luật Khoa học và công nghệ cùng nhiều bất thường trong nghiệm thu đề tài khoa học.v.v.
Từ những kết luận vừa được công bố của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA :
"Sự thực nó không vó tác dụng mấy trong giáo dục mà đây là câu chuyện về chất lượng các đề tài khoa học của Việt Nam. Hiện nay, so với các nước trong khu vực thì số lượng các bằng phát minh được đăng ký mới về khoa học, công nghệ, hàng hóa… thì Việt Nam hiện nay đứng vào hàng kém nhất mặc dù tính trên số lượng tiến sĩ hiện nay đang có cũng như kế hoạch phát triển tiến sĩ của Việt Nam thì vô cùng lớn.
Điều này thể hiện quá trình đào tạo ra những người có năng lực khoa học có vấn đề ; không đào tạo ra những con người có thực chất.
Tôi là một người làm chuyên làm khoa học, tôi thấy Hội đồng chấm tiến sĩ rồi các buổi nghiệm thu các đề tài khoa học không có những phản biện gay gắt để mổ xẻ chất lượng. Ngay bản thân một cái luận án tiến sĩ nhiều khi tôi phản biện, tôi đặt vấn đề là tác giả chỉ cho tôi xem cái gì là cái mới, nhỏ thôi cũng được, nhưng mãi không chỉ ra được. Ví dụ như thế".
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2017 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đã tổ chức thực hiện được 3.000 đề tài nhiệm vụ, trong đó có 500 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước. Mỗi năm đơn vị này đào tạo được trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành.
Theo số liệu được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổng hợp mấy năm qua, mỗi năm Việt Nam có hơn 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ tốt nghiệp. Số liệu này không tính các trường khối quốc phòng, an ninh, quốc tế.
Dư luận trong nước gọi các viện đào tạo tiến sĩ là "lò ấp" tiến sĩ bởi số tiến sĩ được đào tạo quá nhanh và quá nhiều hàng năm. Một số chuyên gia giáo dục lo ngại quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mới được ban hành năm 2021 với chuẩn tiến sĩ thấp có thể gây nhiều hệ lụy. Theo đó, quy chế mới cho phép người hướng dẫn không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có hai công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình trong năm năm cuối, còn thấp hơn cả chuẩn đầu ra ba công bố cùng loại của nghiên cứu sinh.
Truyền thông Nhà nước dẫn lời của GS Ngô Việt Trung, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam rằng : "Như vậy, tiến sĩ tốt nghiệp xong có thể đào tạo tiến sĩ mới gần như ngay lập tức, chỉ cần sau một năm giảng dạy. Với chuẩn đầu ra thấp như thế này thì sau vài năm liệu có còn "thầy giỏi" để đào tạo ra "trò giỏi" ?".
Chạy theo tiến sĩ… "giấy"
Ảnh minh họa. AFP
Khoảng cuối năm 2017, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ từ năm 2018 đến năm 2025. Dự thảo gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận lúc đó với quan điểm cho rằng, số lượng tiến sĩ ở Việt Nam đã quá nhiều mà chất lượng thì không xứng đáng với tấm bằng được trao.
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại. Theo ông, để đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì cần chất lượng chứ không cần số lượng theo chỉ tiêu :
"Trong xã hội theo tôi có nhiều người có vị trí rất quan trọng nhưng không cần đến bằng cấp mà cần đến năng lực và kỹ năng khác. Trước đây chúng ta đã đào tạo hàng vạn tiến sĩ nhưng dư luận vẫn rất băn khoăn về vấn đề đó. Và rất nhiều người được đào tạo đó trở nên lãng phí khi mà những tri thức đó không ứng dụng vào đời sống được bao nhiêu.
Cá nhân tôi nghĩ rằng đối với các thầy cô ở bậc cao học thì việc phải có bằng cấp là cần thiết, cũng là theo quy chuẩn chung có nhiều nền giáo dục. Nhưng nếu các quan chức ông nào cũng thêm chữ Tiến sĩ hay Giáo sư thì tôi cho rằng đó là điều lãng phí lớn".
Nhắc lại dự thảo năm 2017, Giáo sư Đặng Hùng Võ lo ngại :
"Không nên đưa ra con số bao nhiêu vì cái đó không nói lên được điều gì cả. Một anh thạc sĩ làm được việc thì còn hơn một anh tiến sĩ mà không làm được gì cả. Đừng bao giờ đưa ra chỉ tiêu số lượng tiến sĩ là bao nhiêu, bởi càng đưa ra cao thì chất lượng nó càng thấp đi thôi.
Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào để đẩy chất lượng tiến sĩ lên cao. Trong bất kỳ lĩnh vực gì, không chỉ khoa học, nó cần có những người đứng ở phía trên là những người có đạo đức, có năng lực thật. Chứ bây giờ, những đội ngũ chấm tiến sĩ cũng chỉ chờ nhận phong bì là chính thì làm gì có chất lượng được.
Việt Nam đã trót dại đi vào con đường mở rộng đào tạo tiến sĩ trong nước quá lớn thì nó dẫn đến một cái đội ngũ mà đã là tiến sĩ chất lượng kém thì chấm ra những tiến sĩ chắc chắn cũng rất kém".
Bộ Giáo dục và đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau năm năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.
Nguồn : RFA, 02/05/2022
************************
RFA, 29/04/2022
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng Đảng cộng sản Việt Nam trước đây như : Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...
Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, v.v. cứ vào mỗi đầu năm lại đưa ra "cơ chế đãi ngộ đặc biệt" để thu hút nhân tài nhưng dường như mọi nỗ lực đều đang bị… thất bại.
Khi trả lời RFA hôm 29/04/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Đầu tiên là định nghĩa nhân tài, tôi nghi ngờ cái định nghĩa đó lắm. Nhân tài ở nước này thì thường thường họ căn cứ vào bằng cấp, mà ta biết rằng nhân tài và bằng cấp tuy có liên hệ với nhau, nhưng thật ra là hai chuyện khác nhau. Rất nhiều người thế giới công nhận là nhân tài, nhưng không có bằng cấp gì đáng kể. Thành ra là họ thu hút năm nhân tài, hay 10 nhân tài hay 100 nhân tài thì cũng không quan trọng bằng họ thu hút đúng người mà thật sự là nhân tài, chứ không phải bằng cấp".
Thứ hai theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện nay người được gọi là "tài" có thực sự được chính quyền đãi ngộ và tạo điều kiện cho họ làm việc hay không lại là vấn đề cần bàn. Do đó ông nói tiếp :
"Thu hút có nghĩa là đưa họ vào trong bộ máy Nhà nước, rồi xoa tay nói rằng như thế là đã thu hút được nhân tài. Nhưng trước hay sau gì người đó cũng chia tay với Nhà nước, vì trong khuôn khổ chế độ như hiện nay, một nhân tài sống nhờ Nhà nước, hưởng đúng lương Nhà nước thì thường sống không nổi. Cho nên phải thay đổi quan niệm thế nào là nhân tài, và làm sao để cho nhân tài có điều kiện để họ phát huy được năng lực của họ, là chuyện hiện nay đang là vấn đề. Và để giải quyết được chuyện đó thì tôi cho là còn lâu lắm, chứ không phải bây giờ đâu".
Vào tháng 12 năm 2020, Bộ Nội vụ Việt Nam đề ra mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp để từ năm 2026 đến năm 2030, bảo đảm có tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên là nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý ; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Với mục tiêu rõ ràng như vậy vô hình trung khiến các địa phương phải tăng tốc "hút" nhân tài bằng mọi giá nhưng với kết quả tại Thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu của Sở Nội vụ, có thể thấy có sự không đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn chăng ?
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 29/4 nói :
"Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong các doanh nghiệp tư nhân, hay tập đoàn nước ngoài thì người giỏi rất nhiều. Nhưng trong hệ thống chính quyền, hay các trường đại học muốn thu hút nhân tài để người ta cống hiến thì không chỉ đồng lương đãi ngộ, mà là vấn đề tự do học thuật, tự do sáng tạo đó chính là vấn đề hạn chế hiện nay để thu hút người tài vào khối công lập. Tôi quan sát các doanh nghiệp bên ngoài, có rất nhiều giám đốc, trường phòng rất giỏi, năng động và trình độ không thua các nước ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có vấn đề tự do học thuật, tự do cống hiến, cho người ta tự do sáng tạo chứ không phải làm xong báo cáo, chấp hàng mệnh lệnh, làm theo ý lãnh đạo, thì sẽ rất khó thu hút người tài".
Vấn đề tự do sáng tạo và tự do cống hiến không chỉ bây giờ mới được các chuyên gia, những nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề cập đến, mà trước đây, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, thể chế độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Theo ông, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.
Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng chính những bất cập của nền giáo dục Việt Nam đã cản trở động lực phát triển của tri thức trẻ :
"Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhất là họ đã ban hành đạo luật chính thức công nhận bằng tại chức ngang tầm với bằng chính quy. Có nghĩa là họ để cho những người vô học có bằng ngang tầm với những người học hành nghiêm túc mới có thể có được tấm bằng. Và do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia ?".
Điều Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vừa nói đã được minh chứng khi thời gian qua, ngày càng nhiều cán bộ chủ chốt của chính quyền Việt Nam vướng vòng lao lý do hàng loạt các sai phạm trong quản lý.
Sự vụ mới nhất là Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng nguyên Bí thư tỉnh bị kỷ luật Đảng vì những sai phạm trong quản lý đất đai. Hay trường hợp Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai - Huỳnh Văn Tâm vừa bị Công an tỉnh Gia Lai hôm 27/4 tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Dự án Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Sở Nội vụ Gia Lai làm chủ đầu tư.
Mới nhất là tin tức về cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 người khác bao gồm các cựu quan chức Y tế và Hải quan sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 12 tháng 5 tới đây trong vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma.
Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ba năm qua hàng chục cán bộ chủ chốt cũng đã bị khởi tố, kỷ luật, trong đó có cựu Phó bí thư Đảng ủy Tất Thành Cang, cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, v.v.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước.
Nguồn : RFA, 29/4/2022
Công nhân Bình Dương đình công vì bị ‘kích động' ?
Thanh Trúc, RFA, 04/06/2020
Cuộc đình công của khoảng 10 ngàn công nhân công ty Chí Hùng, do doanh nhân Đài Loan làm chủ, đã manh nha từ hôm 25/5. Đây là công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu thương hiệu giày thể thao Adidas nổi tiếng trên thế giới.
Công nhân đình công ở công ty Chí Hùng, tỉnh Bình Dương hồi cuối tháng 5/2020 Photo : RFA
Công ty trách nhiệm hữu hạn Chí Hùng có mặt tại phường Thái Hòa, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương từ năm 2.000, tổng số lao động được thuê trên 10.000 người.
Theo báo Tiền Phong Online ngày 30/5, nguyên nhân đình công được người của công ty Chí Hùng cho hay vì có người đưa tin không chính xác trên mạng rằng Chí Hùng không có đơn đặt hàng từ tháng 7 tới nên sẽ cho công nhân nghỉ việc không lương. Thông tin bị cho không chính xác như thế kích động công nhân dẫn tới những cuộc biểu tình đông người làm xáo trộn trật tự xã hội.
Một công nhân không muốn nêu tên cho biết nguyên nhân biểu tình :
"Nói chung thì công ty cũng có công đoàn mà tại sao không giải quyết gì cho công nhân, không một lời giải thích hay hứa hẹn gì hết. Ngồi hoài luôn mà không thấy ai xuống thì bắt đầu người ta kéo ra ngoài đường, người ta đi rất là đông luôn. Một số thì người ta ngồi vòng vòng phía trong khuôn viên của công ty. Đó là bắt đầu đình công từ ngày 26, ngày 27"
Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động nay phải lánh nạn sang Thái Lan để tránh bị bắt bớ, cho biết :
"Năm người bị bắt bị công an tỉnh Bình Dương cho là kích động nhưng xin thưa ở đây không có gì gọi là kích động cả. Sự tranh chấp đó là vấn đề giữa doanh nghiệp với công nhân, chính quyền lại đưa cảnh sát cơ động, trong đó có cả công an chìm, xịt hơi cay đến những công nhân, đến phụ nữ mang thai là những người làm việc và đóng thuế nuôi họ thì tôi thấy thật là bất công".
Anh Đoàn Huy Chương cho biết tiếp, các công nhân của công ty Chí Hùng sau khi bị trấn áp rất ngại nói chuyện với người bên ngoài, cũng như rất hoang mang vì không biết ai sẽ bênh vực cho họ :
"Bản thân tôi đã hoạt động trong lãnh vực nghiệp đoàn độc lập trên 10 năm nay, tôi biết Liên Đoàn Lao Động của Việt Nam, hoặc là công đoàn nhà nước, không bảo vệ cho quyền lợi của người lao động"
"Cuộc đình công ở công ty Chí Hùng đã xảy ra từ ngày 25 nhưng đến ngày 27, 28 mới có những cuộc biểu tình rầm rộ như vậy. Nếu công đoàn của Việt Nam có vai trò thực sự bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì từ ban đầu, từ ngày 25 họ phải vào cuộc rồi. không thể để vấn đề đáng tiếc là có những người bị xịt hơi cay đến ngất xỉu, có những người bị bắt và bị qui chụp là những người kích động".
"Đối với tôi công đoàn của nhà nước không bảo vệ người lao động, họ chỉ đóng vai trò giám sát người lao động, chỉ là cánh tay nối dài của đảng mà thôi".
Một người quan tâm đến vụ việc ở Bình Dương, facebooker Lưu Trọng Văn, nói rằng dù không có mặt tại hiện trường nhưng hình ảnh qua YouTube và mạng xã hội khiến ông có suy nghĩ :
"Nếu chỉ có một nhóm thôi thì chúng ta có thể đặt vấn đề ở đây có ai đó hiểu sai hay kích động. Nhưng nếu có 11.000 công nhân cùng đồng lòng với nhau thì rõ ràng họ có niềm tin vào lẽ phải nào đó. Bản thân công nhân, nhất là trong thời buổi khó khăn này, cần được bảo đảm theo đúng luật định".
Đình công ở công ty Chí Hùng, tỉnh Bình Dương, hồi cuối tháng 5/2020 - Hình minh hoạ. Photo : RFA
Trong năm 2019, Việt Nam có 120 vụ đình công, ngừng việc tập thể của công nhân trên cả nước, giảm 50% so với 2018.
Đây là thống kê được truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ngày 5/2, theo đó nguyên nhân là vì công nhân phản đối các chế độ lương, thưởng Tết, đóng bảo hiểm xã hội, chất lượng bữa ăn…
Trong tháng 1/2020 nổ ra một số cuộc đình công gồm trường hợp Công ty Highvina Apparel ở tỉnh Tây Ninh với hơn 1300 công nhân, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6/1. Kế đó, cuộc đình công tại Công ty Knitpassion, tỉnh Tiền Giang, với 2400 công nhân, từ ngày 2 đến ngày 4/1.
Vẫn theo Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam thì những cuộc đình công của công nhân từ đầu năm 2020 không có qui mô và tính chất phức tạp so với các năm trước. Cơ quan này còn cho hay đã phối hợp cùng chủ lao động để đối thoại với công nhân nhằm tìm giải pháp ổn định mối quan hệ lao động giữa hai phía.
Như vậy cuộc đình công từ ngày 25/5 tại công ty Chí Hùng ở Bình Dương, với trên 10.000 công nhân tham dự, được coi là lớn và kéo dài nhất.
Facebooker Lưu Trọng Văn khẳng định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân không nằm trong tay Liên Đoàn Lao Động, công đoàn do Nhà Nước lập ra, mà phải là công đoàn độc lập, cái Việt Nam đang thiếu :
"Nếu có một công đoàn độc lập thì họ chỉ cần cử đại diện ra để đấu tranh, để điều tra xem việc 11.000 công nhân đấu tranh này đúng hay sai".
"Ý thứ hai, hàng ngàn công nhân đó đều có học, đều lớn lên trong môi trường có sự rộng mở hơn về thông tin, họ biết cái nào đúng luật, cái nào sai luật".
Đối với nhà hoạt động Đoàn Huy Chương, chừng nào chưa có những tổ chức công đoàn độc lập thì chừng đó người lao động vẫn là những thành phần chịu thua thiệt nhất.
Còn theo facebooket Lưu Trọng Văn, công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi công nhân là hướng tới mà Việt Nam phải quyết định :
"Theo 2 hiệp ước CPTPP và EVFTA thì Việt Nam đã cam kết cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập. Nhưng vì do Việt Nam có những tính đặc thù, đâm ra các tổ chức thương mại này cho phép Việt Nam tạm chưa làm ngay mà phải có một tiến độ. Tiến độ ấy theo tôi được biết là trong 3 năm, Việt Nam phải hợp thức hóa việc thành lập các công đoàn độc lập"
Việt Nam đang trong tiến trình ra luật, ông Lưu Trọng Văn nói tiếp, có nghĩa là Quốc hội phải phê chuẩn hình thành một đạo luật để công nhân công đoàn độc lập trong tương lai.
Và khi chưa có công đoàn độc lập, ông nói, mọi hình thức đình công, biểu tình tự phát, tụ tập đông người đều dễ dàng bị qui chụp bất hợp pháp, phá hoại an ninh trật tự công cộng theo luật hiện hành của Việt Nam.
Từ vụ việc công ty Chí Hùng rồi nhìn lại những cuộc đình công trước đó, cựu chiến binh, nhà báo Võ Văn Tạo suy ra rằng :
"Về mặt lý thuyết đình công là vũ khí cuối cùng, duy nhất có hiệu lực để người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Ai cũng biết chuyện đó, trừ những trường hợp quá khích. Thế nhưng suốt mấy chục năm nay, không lần nào xảy ra đình công mà công đoàn thực hiện được chức năng hòa giải của mình, hầu như rất hiếm"
"Khi đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 họ tuyên bố giai cấp công nhân nông dân là giai cấp tiền phong lãnh đạo lực lượng quần chúng. Đương nhiên độ giác ngộ thì giai cấp nông dân không bằng giai cấp công nhân, cho nên cuộc cách mạng do đảng lãnh đạo là phải do giai cấp công nhân. Thực tiễn tôi cho đấy là sự lừa đảo, luôn luôn người công nhân là giai cấp chịu thiệt thòi dưới chế độ cộng sản Việt Nam".
Thực tế của mấy chục năm qua, dưới mắt nhà báo Võ Văn Tạo, những cái gọi là lao động vinh quang, công nông chủ đạo, đấu tranh giai cấp, chỉ có trên lý thuyết và chỉ được sử dụng để đánh bóng chủ nghĩa mà thôi.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 04/06/2020
*****************
"Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không giống ai" : Câu chuyện không bao giờ có hồi kết ! (RFA, 03/06/2020)
Kết quả đạt được lạc quan ?
Tại Hội thảo "Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc (người đứng giữa) chủ trì Hội thảo hôm 27/5/2020. Courtesy : vnu.edu.vn
Bộ Giáo dục và đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.
Tiếp theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, vào tối hôm 3/6 xác nhận với RFA rằng quá trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian qua gặt hái được một số kết quả nhất định :
"Ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ thì có ảnh hưởng quốc tế nhiều. Các thành viên đã được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu về thì họ có phong cách bị ảnh hưởng ở các nước Tây phương cho nên họ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thứ nhất họ có những đề tài hợp lý và thứ hai là họ có phong cách làm việc có giá trị thành ra tôi thấy có những đổi thay".
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng khẳng định sự đổi thay tích cực đó không được đồng đều. Theo ghi nhận của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì có những nơi và có những người họ mang quan điểm khoa học theo quan niệm quốc tế về nước để làm việc. Nhưng vẫn có các trường mà có thể nói là không có tiếng tăm và ‘ăn xổi ở thì’ thì họ làm như cũ.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh :
"Nhưng về mặt Khoa học Xã hội thì tôi nhận thấy không thay đổi bao nhiêu. Nhất là như Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam mà viện đó bị tai tiếng dữ dội, nghĩa là mỗi năm đào tạo 365 tiến sĩ, tức là mỗi ngày 1 tiến sĩ thì vẫn không thay đổi gì và nó vẫn chiếm cứ một thế thượng phong ; mà từ đó nó có những đề tài rất buồn cười như đề tài ‘Phong cách nịnh tại Việt Nam’. Những đề tài như vậy mà cũng được cấp bằng tiến sĩ. Cách đào tạo này tôi thấy họ vẫn đang tiếp tục".
Thực tiễn đào tạo tiến sĩ
Phát biểu tại Hội thảo hôm 27/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tuy có đổi mới quy chế đào tạo tiến sĩ phải quốc tế hóa về mặt công nghệ, chuẩn về quy trình, đạt chuẩn có bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus...nhưng trên thực tế việc đào tạo tiến sĩ đang có nhiều điểm không giống ai. Tiến sĩ Đỗ Minh Cương nói rằng ngành giáo dục Việt Nam đang có sự lúng túng khi chưa có hình mẫu nào để học theo và do đó cần có một hình mẫu chuẩn phù hợp về đào tạo tiến sĩ để hướng tới.
Tiến sĩ Đỗ Minh Cương còn nêu lên vấn đề cần phải xem xét lại việc đào tạo tiến sĩ hiện nay mục đích để làm gì, cũng như mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đã phù hợp hay chưa.
Liên quan vấn đề vừa nêu, Báo mạng Giáo dục Việt Nam, vào ngày 1/6 dẫn nhận định của Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam rằng thực trạng đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua là không đạt yêu cầu và nặng về số lượng, nhẹ chất lượng, đua nhau làm tiến sĩ. Tiến sĩ Phan Hồng Giang khẳng định "nhiều vị khi có chức danh về quản lý Nhà nước thì lại cố kiếm bằng tiến sĩ để sang trọng hơn là để làm việc". Tiến sĩ Phan Hồng Giang còn xác quyết rằng đào tạo là để có được những nhà khoa học chất lượng cao, trước tiên là để giảng dạy đại học và sau đó là nghiên cứu khoa học đóng góp cho trường, cho xã hội.
Bằng Tiến sĩ của Việt Nam. Courtesy : Tiin.vv
Vào ngày 3/6, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, ở Úc qua ứng dụng messenger chia sẻ ghi nhận của ông với RFA về thực tiễn đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học ở Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết :
"Theo tôi thấy cách làm hiện nay đã bị biến chất và nó có hiệu quả làm nhục nghiên cứu sinh hơn là giúp cho họ nghiên cứu tốt. Chẳng những thành viên hội đồng phản biện, mà ngay cả nhân viên hành chánh cũng có thể hành hạ và làm nhục nghiên cứu sinh. Trường không hề can thiệp, hay giả làm ngơ cho nhân viên hành chánh hành hạ nghiên cứu sinh ‘lên bờ xuống ruộng’. Học viên ai cũng chịu nhục để gọi là ‘nín thở qua sông’, sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm".
Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, người trực tiếp tham gia đào tạo tiến sĩ chỉ ra một vấn đề quan trọng liên quan chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam :
"Hiện tại Khoa học Xã hội Việt Nam chưa có một tạp chí nào được xếp hạng ISI-Scopus. Do đó, dẫn đến chuyện là những bài hay nhất thì người ta phải lo đi công bố ở nước ngoài và nếu ở Việt Nam mãi mãi không có một tạp chí khoa học nào được xếp vàp có tiếng tăm trên thế giới, bởi vì tạp chí xếp hạng có tiếng tăm trên thế giới đăng những bài hay, thì thực sự đe dọa khoa học Việt Nam. Tôi thấy rằng ông Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học đã nói rất mạnh mẽ về chuyện đó. Ngoài ra không thấy mấy ai nói và cho đến nay tiếng kêu của Giáo sư Phùng Hồ Hải là vô vọng".
Thay đổi thế nào để được hiệu quả ?
Đại diện của hơn 24 trường đại học tham dự Hội thảo hôm 27/5 thảo luận và đóng góp ý kiến về sửa đổi quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ với chú trọng đội ngũ hướng dẫn và nhóm nghiên cứu quyết định chất lượng tiến sĩ, đồng thời "phải làm tiến sĩ" thay vì "học tiến sĩ".
Là vị giáo sư từng từng tham gia hướng dẫn cho nghiên cứu sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn khẳng định rằng "các em ấy không hề thua kém sinh viên Mỹ, các em ấy tốt nghiệp với những công trình nghiên cứu đạt chuẩn mực khoa học quốc tế". Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng Việt Nam có thể đào tạo tiến sĩ tập trung vào cách chọn đề tài nghiên cứu, tài trợ, công bố khoa học và bình duyệt.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trình bày chi tiết qua messenger :
"Thứ nhứt là vấn đề chọn đề tài nghiên cứu thì cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho một luận án tiến sĩ, và bộ tiêu chuẩn này có thể tìm thấy đây đó của các hiệp hội khoa học quốc tế. Thứ hai, tài trợ cho nghiên cứu là tài trợ có thể đến từ labo của thầy hay của một quỹ khoa học. Thứ ba là công bố kết quả : hiện nay, đã có qui định nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Nhưng cần phải bổ sung là tập san phải ‘chánh thống’, chớ những tập san không thuộc một hiệp hội khoa học thì không nên công nhận. Nếu đã có 2 bài báo khoa học thì không có lí do gì để duy trì hội đồng cơ sở ; chỉ 1 hội đồng cấp đại học là đủ. Và thứ tư là luận án và bình duyệt thì hãy bỏ qui định về số tài liệu tham khảo trong nước bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu ; chỉ tham khảo những bài báo trên các tập san ISI đã qua bình duyệt. Cần sự bình duyệt từ các giáo sư ngoài trường và nước ngoài. Không cần gởi bản tóm tắt ra vài chục tiến sĩ như hiện nay".
Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu lên quan điểm của ông, với lưu ý quan trọng :
"Riêng về ngành Khoa học Xã hội thì phải gỡ bỏ cái vòng kim cô chính trị đi thì mới được. Tôi nói một ví dụ cụ thể sau vụ Nhã Thuyên thì tất cả các trường đại học được lệnh phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo và danh sách ai hướng dẫn đề tài gì đều phải báo cáo với Bộ. Việc này gọi là một cuộc khủng bố vì những đề tài hơi nhạy cảm một chút là giáo sư phải rút bỏ. Nghiên cứu rồi lại sợ là không được nghiên cứu cái mảng mà mình cho là có vấn đề, mà có vấn đề thì mới nghiên cứu thì như vậy làm sao nghiên cứu cho tốt được ? Việc nghiên cứu là phải có tự do học thuật. Tự do học thuật là mình muốn nghiên cứu đề tài gì thì phải được phép. Một khi không có tự do học thuật thì đừng nghĩ rằng Khoa học Xã hội giúp đỡ một cách căn bản cho đất nước. Chẳng hạn một khi Nghị quyết ghi rằng ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì tất cả những nhà kinh tế chỉ được nói trong cái vòng kim cô đó thôi".
Mặc dù đưa ra những ý kiến như vậy, nhưng cả ba Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Hoàng Dũng và Nguyễn Văn Tuấn đều khẳng định việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là một câu chuyện dài không có hồi kết, vì chủ trương giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì luôn là "hồng hơn chuyên".
Đài RFA xin được kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này qua chia sẻ của một tiến sĩ Việt Nam chọn ở lại Anh quốc làm việc. Tiến sĩ An Hà nói với RFA rằng "Nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở Việt Nam, nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế".
*******************
Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị vụ án liên quan người tự tử tại Tòa án Bình Phước (RFA, 05/06/2020)
Tòa án Nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa kháng nghị vụ án liên quan ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự sát tại Tòa án tỉnh Bình Phước vào chiều ngày 29/5/2020.
Ảnh chụp màn hình Facebook của ông Lương Hữu Phước vào tối ngày 1/6/2020. Courtesy : Facebook Lương Huu Phuoc
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn một nguồn tin riêng cho biết quyết định vừa nêu được đưa ra tại cuộc họp vào chiều ngày 5/6 với sự có mặt của 11 thành viên của Tòa án nhân dân tối cao.
Tin cho biết Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy các bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.
Tòa án Bình Phước, vào cuối tháng 5 mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai xét xử vụ án gây tai nạn giao thông đối với bị cáo Lương Hữu Phước. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, vào sáng ngày 29/5, quyết định bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Lương Hữu Phước và tuyên y án sơ thẩm ba năm tù giam đối với ông Phước về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Ông Lương Hữu Phước vào chiều cùng ngày 29/5 đã trở lại Tóa án tỉnh Bình Phước và nhảy lầu tự sát. Trước khi vụ việc xảy ra, ông Phước đã đăng tải trên tài khỏan Facebook cá nhân dòng chia sẻ rằng ông mong muốn cái chết của bản thân sẽ làm thức tỉnh ngành tư pháp tỉnh Bình Phước.
Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước, vào sáng ngày 30/5 lập tức tổ chức cuộc họp báo về vụ việc ông Lương Hữu Phước, 55 tuổi, chết tại sân tòa. Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên bố trong buổi họp báo rằng đã xét xử vụ án của ông Phước hoàn toàn vô tư và công tâm.
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, là luật sư bào chữa cho ông Lương Hữu Phước, vào ngày 1/6 lên tiếng với truyền thông rằng bản án được tuyên 3 năm tù giam là oan cho ông Phước.
Trong cùng ngày 1/6, báo giới quốc nội cũng loan tin Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét.