Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/06/2020

Công nhân Bình Dương đình công, có bằng tiến sĩ để làm gì sau đó

RFA tồng hợp

Công nhân Bình Dương đình công vì bị ‘kích động' ?

Thanh Trúc, RFA, 04/06/2020

Cuộc đình công của khoảng 10 ngàn công nhân công ty Chí Hùng, do doanh nhân Đài Loan làm chủ, đã manh nha từ hôm 25/5. Đây là công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu thương hiệu giày thể thao Adidas nổi tiếng trên thế giới.

bangcap1

Công nhân đình công ở công ty Chí Hùng, tỉnh Bình Dương hồi cuối tháng 5/2020 Photo : RFA

Công ty trách nhiệm hữu hạn Chí Hùng có mặt tại phường Thái Hòa, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương từ năm 2.000, tổng số lao động được thuê trên 10.000 người.

Theo báo Tiền Phong Online ngày 30/5, nguyên nhân đình công được người của công ty Chí Hùng cho hay vì có người đưa tin không chính xác trên mạng rằng Chí Hùng không có đơn đặt hàng từ tháng 7 tới nên sẽ cho công nhân nghỉ việc không lương. Thông tin bị cho không chính xác như thế kích động công nhân dẫn tới những cuộc biểu tình đông người làm xáo trộn trật tự xã hội.

Một công nhân không muốn nêu tên cho biết nguyên nhân biểu tình :

"Nói chung thì công ty cũng có công đoàn mà tại sao không giải quyết gì cho công nhân, không một lời giải thích hay hứa hẹn gì hết. Ngồi hoài luôn mà không thấy ai xuống thì bắt đầu người ta kéo ra ngoài đường, người ta đi rất là đông luôn. Một số thì người ta ngồi vòng vòng phía trong khuôn viên của công ty. Đó là bắt đầu đình công từ ngày 26, ngày 27"

Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động nay phải lánh nạn sang Thái Lan để tránh bị bắt bớ, cho biết :

"Năm người bị bắt bị công an tỉnh Bình Dương cho là kích động nhưng xin thưa ở đây không có gì gọi là kích động cả. Sự tranh chấp đó là vấn đề giữa doanh nghiệp với công nhân, chính quyền lại đưa cảnh sát cơ động, trong đó có cả công an chìm, xịt hơi cay đến những công nhân, đến phụ nữ mang thai là những người làm việc và đóng thuế nuôi họ thì tôi thấy thật là bất công".

Anh Đoàn Huy Chương cho biết tiếp, các công nhân của công ty Chí Hùng sau khi bị trấn áp rất ngại nói chuyện với người bên ngoài, cũng như rất hoang mang vì không biết ai sẽ bênh vực cho họ :

"Bản thân tôi đã hoạt động trong lãnh vực nghiệp đoàn độc lập trên 10 năm nay, tôi biết Liên Đoàn Lao Động của Việt Nam, hoặc là công đoàn nhà nước, không bảo vệ cho quyền lợi của người lao động"

"Cuộc đình công ở công ty Chí Hùng đã xảy ra từ ngày 25 nhưng đến ngày 27, 28 mới có những cuộc biểu tình rầm rộ như vậy. Nếu công đoàn của Việt Nam có vai trò thực sự bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì từ ban đầu, từ ngày 25 họ phải vào cuộc rồi. không thể để vấn đề đáng tiếc là có những người bị xịt hơi cay đến ngất xỉu, có những người bị bắt và bị qui chụp là những người kích động".

"Đối với tôi công đoàn của nhà nước không bảo vệ người lao động, họ chỉ đóng vai trò giám sát người lao động, chỉ là cánh tay nối dài của đảng mà thôi".

Một người quan tâm đến vụ việc ở Bình Dương, facebooker Lưu Trọng Văn, nói rằng dù không có mặt tại hiện trường nhưng hình ảnh qua YouTube và mạng xã hội khiến ông có suy nghĩ :

"Nếu chỉ có một nhóm thôi thì chúng ta có thể đặt vấn đề ở đây có ai đó hiểu sai hay kích động. Nhưng nếu có 11.000 công nhân cùng đồng lòng với nhau thì rõ ràng họ có niềm tin vào lẽ phải nào đó. Bản thân công nhân, nhất là trong thời buổi khó khăn này, cần được bảo đảm theo đúng luật định".

bangcap2

Đình công ở công ty Chí Hùng, tỉnh Bình Dương, hồi cuối tháng 5/2020 - Hình minh hoạ. Photo : RFA

Trong năm 2019, Việt Nam có 120 vụ đình công, ngừng việc tập thể của công nhân trên cả nước, giảm 50% so với 2018.

Đây là thống kê được truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ngày 5/2, theo đó nguyên nhân là vì công nhân phản đối các chế độ lương, thưởng Tết, đóng bảo hiểm xã hội, chất lượng bữa ăn…

Trong tháng 1/2020 nổ ra một số cuộc đình công gồm trường hợp Công ty Highvina Apparel ở tỉnh Tây Ninh với hơn 1300 công nhân, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6/1. Kế đó, cuộc đình công tại Công ty Knitpassion, tỉnh Tiền Giang, với 2400 công nhân, từ ngày 2 đến ngày 4/1.

Vẫn theo Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam thì những cuộc đình công của công nhân từ đầu năm 2020 không có qui mô và tính chất phức tạp so với các năm trước. Cơ quan này còn cho hay đã phối hợp cùng chủ lao động để đối thoại với công nhân nhằm tìm giải pháp ổn định mối quan hệ lao động giữa hai phía.

Như vậy cuộc đình công từ ngày 25/5 tại công ty Chí Hùng ở Bình Dương, với trên 10.000 công nhân tham dự, được coi là lớn và kéo dài nhất.

Facebooker Lưu Trọng Văn khẳng định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân không nằm trong tay Liên Đoàn Lao Động, công đoàn do Nhà Nước lập ra, mà phải là công đoàn độc lập, cái Việt Nam đang thiếu :

"Nếu có một công đoàn độc lập thì họ chỉ cần cử đại diện ra để đấu tranh, để điều tra xem việc 11.000 công nhân đấu tranh này đúng hay sai".

"Ý thứ hai, hàng ngàn công nhân đó đều có học, đều lớn lên trong môi trường có sự rộng mở hơn về thông tin, họ biết cái nào đúng luật, cái nào sai luật".

Đối với nhà hoạt động Đoàn Huy Chương, chừng nào chưa có những tổ chức công đoàn độc lập thì chừng đó người lao động vẫn là những thành phần chịu thua thiệt nhất.

Còn theo facebooket Lưu Trọng Văn, công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi công nhân là hướng tới mà Việt Nam phải quyết định :

"Theo 2 hiệp ước CPTPP và EVFTA thì Việt Nam đã cam kết cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập. Nhưng vì do Việt Nam có những tính đặc thù, đâm ra các tổ chức thương mại này cho phép Việt Nam tạm chưa làm ngay mà phải có một tiến độ. Tiến độ ấy theo tôi được biết là trong 3 năm, Việt Nam phải hợp thức hóa việc thành lập các công đoàn độc lập"

Việt Nam đang trong tiến trình ra luật, ông Lưu Trọng Văn nói tiếp, có nghĩa là Quốc hội phải phê chuẩn hình thành một đạo luật để công nhân công đoàn độc lập trong tương lai.

Và khi chưa có công đoàn độc lập, ông nói, mọi hình thức đình công, biểu tình tự phát, tụ tập đông người đều dễ dàng bị qui chụp bất hợp pháp, phá hoại an ninh trật tự công cộng theo luật hiện hành của Việt Nam.

Từ vụ việc công ty Chí Hùng rồi nhìn lại những cuộc đình công trước đó, cựu chiến binh, nhà báo Võ Văn Tạo suy ra rằng :

"Về mặt lý thuyết đình công là vũ khí cuối cùng, duy nhất có hiệu lực để người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Ai cũng biết chuyện đó, trừ những trường hợp quá khích. Thế nhưng suốt mấy chục năm nay, không lần nào xảy ra đình công mà công đoàn thực hiện được chức năng hòa giải của mình, hầu như rất hiếm"

"Khi đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 họ tuyên bố giai cấp công nhân nông dân là giai cấp tiền phong lãnh đạo lực lượng quần chúng. Đương nhiên độ giác ngộ thì giai cấp nông dân không bằng giai cấp công nhân, cho nên cuộc cách mạng do đảng lãnh đạo là phải do giai cấp công nhân. Thực tiễn tôi cho đấy là sự lừa đảo, luôn luôn người công nhân là giai cấp chịu thiệt thòi dưới chế độ cộng sản Việt Nam".

Thực tế của mấy chục năm qua, dưới mắt nhà báo Võ Văn Tạo, những cái gọi là lao động vinh quang, công nông chủ đạo, đấu tranh giai cấp, chỉ có trên lý thuyết và chỉ được sử dụng để đánh bóng chủ nghĩa mà thôi.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 04/06/2020

*****************

"Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không giống ai" : Câu chuyện không bao giờ có hồi kết ! (RFA, 03/06/2020)

Kết quả đạt được lạc quan ?

Tại Hội thảo "Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam.

bangcap3

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc (người đứng giữa) chủ trì Hội thảo hôm 27/5/2020. Courtesy : vnu.edu.vn

Bộ Giáo dục và đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.

Tiếp theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, vào tối hôm 3/6 xác nhận với RFA rằng quá trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian qua gặt hái được một số kết quả nhất định :

"Ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ thì có ảnh hưởng quốc tế nhiều. Các thành viên đã được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu về thì họ có phong cách bị ảnh hưởng ở các nước Tây phương cho nên họ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thứ nhất họ có những đề tài hợp lý và thứ hai là họ có phong cách làm việc có giá trị thành ra tôi thấy có những đổi thay".

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng khẳng định sự đổi thay tích cực đó không được đồng đều. Theo ghi nhận của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì có những nơi và có những người họ mang quan điểm khoa học theo quan niệm quốc tế về nước để làm việc. Nhưng vẫn có các trường mà có thể nói là không có tiếng tăm và ‘ăn xổi ở thì’ thì họ làm như cũ.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh :

"Nhưng về mặt Khoa học Xã hội thì tôi nhận thấy không thay đổi bao nhiêu. Nhất là như Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam mà viện đó bị tai tiếng dữ dội, nghĩa là mỗi năm đào tạo 365 tiến sĩ, tức là mỗi ngày 1 tiến sĩ thì vẫn không thay đổi gì và nó vẫn chiếm cứ một thế thượng phong ; mà từ đó nó có những đề tài rất buồn cười như đề tài ‘Phong cách nịnh tại Việt Nam’. Những đề tài như vậy mà cũng được cấp bằng tiến sĩ. Cách đào tạo này tôi thấy họ vẫn đang tiếp tục".

Thực tiễn đào tạo tiến sĩ

Phát biểu tại Hội thảo hôm 27/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tuy có đổi mới quy chế đào tạo tiến sĩ phải quốc tế hóa về mặt công nghệ, chuẩn về quy trình, đạt chuẩn có bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus...nhưng trên thực tế việc đào tạo tiến sĩ đang có nhiều điểm không giống ai. Tiến sĩ Đỗ Minh Cương nói rằng ngành giáo dục Việt Nam đang có sự lúng túng khi chưa có hình mẫu nào để học theo và do đó cần có một hình mẫu chuẩn phù hợp về đào tạo tiến sĩ để hướng tới.

Tiến sĩ Đỗ Minh Cương còn nêu lên vấn đề cần phải xem xét lại việc đào tạo tiến sĩ hiện nay mục đích để làm gì, cũng như mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đã phù hợp hay chưa.

Liên quan vấn đề vừa nêu, Báo mạng Giáo dục Việt Nam, vào ngày 1/6 dẫn nhận định của Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam rằng thực trạng đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua là không đạt yêu cầu và nặng về số lượng, nhẹ chất lượng, đua nhau làm tiến sĩ. Tiến sĩ Phan Hồng Giang khẳng định "nhiều vị khi có chức danh về quản lý Nhà nước thì lại cố kiếm bằng tiến sĩ để sang trọng hơn là để làm việc". Tiến sĩ Phan Hồng Giang còn xác quyết rằng đào tạo là để có được những nhà khoa học chất lượng cao, trước tiên là để giảng dạy đại học và sau đó là nghiên cứu khoa học đóng góp cho trường, cho xã hội.

bangcap4

Bằng Tiến sĩ của Việt Nam. Courtesy : Tiin.vv

Vào ngày 3/6, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, ở Úc qua ứng dụng messenger chia sẻ ghi nhận của ông với RFA về thực tiễn đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học ở Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết :

"Theo tôi thấy cách làm hiện nay đã bị biến chất và nó có hiệu quả làm nhục nghiên cứu sinh hơn là giúp cho họ nghiên cứu tốt. Chẳng những thành viên hội đồng phản biện, mà ngay cả nhân viên hành chánh cũng có thể hành hạ và làm nhục nghiên cứu sinh. Trường không hề can thiệp, hay giả làm ngơ cho nhân viên hành chánh hành hạ nghiên cứu sinh ‘lên bờ xuống ruộng’. Học viên ai cũng chịu nhục để gọi là ‘nín thở qua sông’, sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm".

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, người trực tiếp tham gia đào tạo tiến sĩ chỉ ra một vấn đề quan trọng liên quan chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam :

"Hiện tại Khoa học Xã hội Việt Nam chưa có một tạp chí nào được xếp hạng ISI-Scopus. Do đó, dẫn đến chuyện là những bài hay nhất thì người ta phải lo đi công bố ở nước ngoài và nếu ở Việt Nam mãi mãi không có một tạp chí khoa học nào được xếp vàp có tiếng tăm trên thế giới, bởi vì tạp chí xếp hạng có tiếng tăm trên thế giới đăng những bài hay, thì thực sự đe dọa khoa học Việt Nam. Tôi thấy rằng ông Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học đã nói rất mạnh mẽ về chuyện đó. Ngoài ra không thấy mấy ai nói và cho đến nay tiếng kêu của Giáo sư Phùng Hồ Hải là vô vọng".

Thay đổi thế nào để được hiệu quả ?

Đại diện của hơn 24 trường đại học tham dự Hội thảo hôm 27/5 thảo luận và đóng góp ý kiến về sửa đổi quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ với chú trọng đội ngũ hướng dẫn và nhóm nghiên cứu quyết định chất lượng tiến sĩ, đồng thời "phải làm tiến sĩ" thay vì "học tiến sĩ".

Là vị giáo sư từng từng tham gia hướng dẫn cho nghiên cứu sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn khẳng định rằng "các em ấy không hề thua kém sinh viên Mỹ, các em ấy tốt nghiệp với những công trình nghiên cứu đạt chuẩn mực khoa học quốc tế". Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng Việt Nam có thể đào tạo tiến sĩ tập trung vào cách chọn đề tài nghiên cứu, tài trợ, công bố khoa học và bình duyệt.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trình bày chi tiết qua messenger :

"Thứ nhứt là vấn đề chọn đề tài nghiên cứu thì cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho một luận án tiến sĩ, và bộ tiêu chuẩn này có thể tìm thấy đây đó của các hiệp hội khoa học quốc tế. Thứ hai, tài trợ cho nghiên cứu là tài trợ có thể đến từ labo của thầy hay của một quỹ khoa học. Thứ ba là công bố kết quả : hiện nay, đã có qui định nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Nhưng cần phải bổ sung là tập san phải ‘chánh thống’, chớ những tập san không thuộc một hiệp hội khoa học thì không nên công nhận. Nếu đã có 2 bài báo khoa học thì không có lí do gì để duy trì hội đồng cơ sở ; chỉ 1 hội đồng cấp đại học là đủ. Và thứ tư là luận án và bình duyệt thì hãy bỏ qui định về số tài liệu tham khảo trong nước bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu ; chỉ tham khảo những bài báo trên các tập san ISI đã qua bình duyệt. Cần sự bình duyệt từ các giáo sư ngoài trường và nước ngoài. Không cần gởi bản tóm tắt ra vài chục tiến sĩ như hiện nay".

Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu lên quan điểm của ông, với lưu ý quan trọng :

"Riêng về ngành Khoa học Xã hội thì phải gỡ bỏ cái vòng kim cô chính trị đi thì mới được. Tôi nói một ví dụ cụ thể sau vụ Nhã Thuyên thì tất cả các trường đại học được lệnh phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo và danh sách ai hướng dẫn đề tài gì đều phải báo cáo với Bộ. Việc này gọi là một cuộc khủng bố vì những đề tài hơi nhạy cảm một chút là giáo sư phải rút bỏ. Nghiên cứu rồi lại sợ là không được nghiên cứu cái mảng mà mình cho là có vấn đề, mà có vấn đề thì mới nghiên cứu thì như vậy làm sao nghiên cứu cho tốt được ? Việc nghiên cứu là phải có tự do học thuật. Tự do học thuật là mình muốn nghiên cứu đề tài gì thì phải được phép. Một khi không có tự do học thuật thì đừng nghĩ rằng Khoa học Xã hội giúp đỡ một cách căn bản cho đất nước. Chẳng hạn một khi Nghị quyết ghi rằng ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì tất cả những nhà kinh tế chỉ được nói trong cái vòng kim cô đó thôi".

Mặc dù đưa ra những ý kiến như vậy, nhưng cả ba Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Hoàng Dũng và Nguyễn Văn Tuấn đều khẳng định việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là một câu chuyện dài không có hồi kết, vì chủ trương giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì luôn là "hồng hơn chuyên".

Đài RFA xin được kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này qua chia sẻ của một tiến sĩ Việt Nam chọn ở lại Anh quốc làm việc. Tiến sĩ An Hà nói với RFA rằng "Nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở Việt Nam, nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế".

*******************

Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị vụ án liên quan người tự tử tại Tòa án Bình Phước (RFA, 05/06/2020)

Tòa án Nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa kháng nghị vụ án liên quan ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự sát tại Tòa án tỉnh Bình Phước vào chiều ngày 29/5/2020.

bangcap5

Ảnh chụp màn hình Facebook của ông Lương Hữu Phước vào tối ngày 1/6/2020. Courtesy : Facebook Lương Huu Phuoc

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn một nguồn tin riêng cho biết quyết định vừa nêu được đưa ra tại cuộc họp vào chiều ngày 5/6 với sự có mặt của 11 thành viên của Tòa án nhân dân tối cao.

Tin cho biết Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy các bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.

Tòa án Bình Phước, vào cuối tháng 5 mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai xét xử vụ án gây tai nạn giao thông đối với bị cáo Lương Hữu Phước. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, vào sáng ngày 29/5, quyết định bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Lương Hữu Phước và tuyên y án sơ thẩm ba năm tù giam đối với ông Phước về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Ông Lương Hữu Phước vào chiều cùng ngày 29/5 đã trở lại Tóa án tỉnh Bình Phước và nhảy lầu tự sát. Trước khi vụ việc xảy ra, ông Phước đã đăng tải trên tài khỏan Facebook cá nhân dòng chia sẻ rằng ông mong muốn cái chết của bản thân sẽ làm thức tỉnh ngành tư pháp tỉnh Bình Phước.

Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước, vào sáng ngày 30/5 lập tức tổ chức cuộc họp báo về vụ việc ông Lương Hữu Phước, 55 tuổi, chết tại sân tòa. Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên bố trong buổi họp báo rằng đã xét xử vụ án của ông Phước hoàn toàn vô tư và công tâm.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, là luật sư bào chữa cho ông Lương Hữu Phước, vào ngày 1/6 lên tiếng với truyền thông rằng bản án được tuyên 3 năm tù giam là oan cho ông Phước.

Trong cùng ngày 1/6, báo giới quốc nội cũng loan tin Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc, RFA tồng hợp
Read 669 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)