Rối rắm số nhà và tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh ! (RFA, 05/06/2020)
Đặt tên đường tùy tiện, phi lý !
Con đường Đinh Tiên Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 2 km, bắt đầu từ đoạn giao với đường Lê Duẩn, quận 1, chạy qua cầu Bông và điểm cuối là đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Nay một đoạn đường này từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu được đề xuất đổi thành Lê Văn Duyệt - tên gọi trước năm 1975. Đề xuất này khiến câu chuyện về tên đường và số nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh lại một lần nữa nóng lên.
Con đường trước chợ Bến Thành, Sài Gòn. AFP
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Trung Hoa, ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA về việc này :
"Ông Lê Văn Duyệt có cái đúng mà cũng có cái sai. Cái đúng là ổng đã theo Nguyễn Ánh nhưng cái sai là ổng chống lại nhà Tây Sơn. Nhưng ổng lại là người có công với đất Sài Gòn nên người ta đề nghị khôi phục lại.
Nói chung là nhân vật nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm cho nên phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như Phan Thanh Giản cũng có khuyết điểm và ưu điểm nên họ đề nghị bỏ. Có nơi đã bỏ nhưng có nơi chưa bỏ. Còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được và chưa biết bao giờ xong".
Ngày 2/7/1976, Quốc hội ra Nghị quyết chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh. Theo sau đó là hàng loạt con đường bị đổi tên khiến người dân Sài Gòn tiếc nuối, như đường Công Lý đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa ; đường Tự Do thành đường Đồng Khởi ; đường Cộng Hòa thành Nguyễn Văn Cừ…
Đặc biệt con đường mang tên Alexandre de Rhodes từ năm 1955 bị đổi thành đường Thái Văn Lung vào năm 1985, nhưng khoảng 10 năm sau đó lại được phục hồi tên Alexandre de Rhodes đến ngày nay.
Trước 1975, tên đường ở Sài Gòn được đặt theo cụm giúp người dân dễ nhớ. Ví dụ ở quận 3, tập trung tên các danh nhân văn hóa, nhà thơ như Ngô Thời Nhiệm, Lê Quý Đôn, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…
Hoặc khu Tân Định, quận 1 tập trung danh tướng nhà Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc (Khát) Chân…
Sau 1975, các con đường được đổi tên không theo nguyên tắc nào, thậm chí viết sai cả tên các danh nhân như Lê Thánh Tông thành Lê Thánh Tôn ; Đông Kinh Nghĩa Thục bị cắt ngắn thành Nghĩa Thục ; Võ Duy Dương thành Nguyễn Duy Dương…
Các nhà sử học và khoa học thống kê toàn thành phố hiện có 38 tên đường viết sai tên danh nhân cần phải sửa lại.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Trung Hoa, hiện có nhiều cái rất vô lý nhưng chưa có điều kiện đổi lại vì còn nhiều khúc mắc trong Hội đồng đặt tên đường, ví dụ như mỗi người một ý. Người bảo có công, kẻ bảo có tội. Có khi chính những người trong hội đồng tư vấn không có khả năng, trình độ hiểu biết về những nhân vật lịch sử. Ông nói thêm :
"Có hàng ngàn con đường nên đây là vấn đề rất lớn. Thành phố đã lập ủy ban nhưng mấy chục năm nay cũng chưa xong vì còn nhiều "vấn đề" lắm. Cả tên đường và số nhà. Số nhà thì lộn xộn quá rồi. Tên đường thì còn một số trường hợp không đúng và vô lý nhưng chưa sửa được.
Vô lý nhiều cái lắm. Ví dụ như theo quy định thì chiều dài đường là 200 mét thì mới đổi. Họ lên danh sách rồi nhưng chưa có điều kiện để đổi.
Đổi thì nhanh thôi nhưng vấn đề là phải tìm tiểu sử nhân vật sẽ lấy đặt tên đường. Có nhiều nhân vật còn sống mà tưởng đã chết. Nguyên tắc thì chết rồi mới đặt được. Có khi người ta không có điều kiện điều tra".
Trong một lần trao đổi với truyền thông trong nước về tình trạng đặt tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh thiếu hệ thống, TS Nguyễn Khắc Thuần, ủy viên thường trực Hội đồng tên đường nói rằng, việc đặt lại toàn bộ tên đường không tốn nhiều thời gian nếu đừng bày vẽ họp lên họp xuống. Chỉ giao cho một người soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để ra quyết định là quá đủ.
Dân khổ vì tên đường và số nhà
Để giải quyết hậu quả của việc đặt, đổi tên đường ‘vô tội vạ’ sau 1975, các cơ quan chức năng đau đầu đã đành, người dân cũng khổ không kém.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên ‘vô nghĩa’. Bên cạnh đó có những con đường trùng tên, chỉ khác quận. Nhà trùng số trên một con đường.
Hiện có hai con đường mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở quận 1 và quận Phú Nhuận ; hai con đường mang tên Phan Văn Trị ở quận 5 và Gò Vấp. Hay những con đường mang tên tuy khác nhau nhưng chỉ là một, như đường Nguyễn Huệ ở quận 1 và đường Quang Trung ở Gò Vấp ; đường Đinh Tiên Hoàng và đường Đinh Bộ Lĩnh ở quận Bình Thạnh ; đường Đề Thám ở quận 1 và đường Hoàng Hoa Thám ở quận Bình Thạnh…
Anh Tâm Thái Hòa, chủ nhà sách Khai Tâm ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến của anh về việc đánh số nhà :
"Rất nhiều đường có số nhà đang lẻ nhảy qua chẵn rồi ngược lại. Nó loạn xà ngầu hết, nhất là những quận ở xa trung tâm thành phố như quận Gò Vấp, quận 12. Tìm số nhà rất khó. Nó cứ chồng chéo lên, làm như họ không nghĩ ra được con số hay sao đó !"
Ngoài những hạn chế trên, nhiều con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh được đặt những cái tên mà người dân không biết họ là ai. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do lấy tên các Mẹ Việt Nam anh hùng để đặt.
Nhà báo Đỗ Cao Cường nhận định rằng, tư duy lãnh đạo ở Việt Nam có hạn nên tạo ra một đất nước bát nháo về mọi mặt. Việc đặt tên đường hay đánh số nhà là hậu quả của tư duy cộng sản. Ông phân tích :
"Số nhà hay tên đường là những do con cháu sinh sau đẻ muộn của thời cộng sản ngồi nghĩ. Thích ai thì dùng đặt tên đường, tên phố. Có những ông mà lịch sử chẳng biết là ai. Làm thế là họ không tôn trọng lịch sử hoặc không nghiên cứu kỹ về lịch sử. Cần tôn trọng cả lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa thì mới hợp lý".
Từ năm 1998, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra những yêu cầu trong việc đặt mới và sửa đổi những tên đường bất hợp lý như tên không có ý nghĩa, sai tên danh nhân, đặt trùng tên đường.
Cách đây vài năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao thành phố thực hiện đề án "Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020". Đề án đã quy tụ hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín cùng tham gia khảo sát và nghiên cứu công phu. Đến nay đề án vẫn chưa triển khai thực hiện.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/06/2020
******************
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh có mong chờ nhà hát, sân vận động như lời lãnh đạo ? (RFA, 05/06/2020)
"Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng các công trình nhà hát, sân vận động để nhiều người dân có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội. Đừng để người dân Thành phố Hồ Chí Minh chờ nhà hát, sân vận động quá lâu".
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và hình ảnh Thủ Thiêm chụp từ trên cao /RFA Edited - Ảnh minh họa
Đó là phát biểu của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh, tại buổi tọa đàm về công tác xây dựng phát triển thành phố, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hôm 4 tháng 6 năm 2020.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu tinh thần người dân vẫn chưa tương xứng, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, năng suất lao động cao gấp 2,7 lần cả nước.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhà báo độc lập Sương Quỳnh từ thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Để nâng cao dân trí và cuộc sống của nhân dân, thì nhà hát và sân vận động là những nơi truyền đạt văn hóa, giải trí tốt. Nhưng phải xét theo hoàn cảnh nào ? Thực tế đây là một xã hội, thì phải cân nhắc người dân cần gì trước tiên. Trong một thành phố mà cuộc sống người dân đang khốn khổ, đang bị kẹt xe, đang bị ngập nước, thì xây nhà hát đó, xân vận động đó phục vụ cho ai, khi người dân không có điều kiện để đến những nơi đó, người dân cũng không có thời gian khi cuộc sống người ta quá khốn khổ. Vậy thì trước tiên, muốn người dân đến nhà hát hay sân vận động, thì đời sống người dân phải được nâng cao trước đã, họ phải thoát ra được sự mưu sinh hàng ngày, họ phải có cuộc sống được bình an, ấm no, thì họ mới nghĩ đến nơi để họ cảm nhận được văn hóa".
Tuy nhiên theo nhà báo Sương Quỳnh, trước tiên 'văn hóa' đó phải thật sự mang lại giá trị. Chứ xây nhà hát mà suốt ngày cứ hát những kịch bản như ‘Hồ Chí Minh muôn năm’, rồi 'đảng ta luôn luôn vĩ đại', trong khi cuộc sống người ta lầm than như thế, thì người ta có đến những nơi đó để xem, để nghe những bản nhạc, luôn luôn chỉ để tuyên truyền cho đảng và nhà nước ? Bà nói tiếp :
"Nếu Bà Phạm Phương Thào nói người dân cần thiết nhà hát và sân vận động, thì tôi nghĩ rằng người dân chưa cần thiết. Có thể giới trẻ cũng cần thiết, nhưng sự cần thiết đó phải có cốt lõi là một nền văn hóa thật sự, đề cao nhân phẩm con người, đề cao sự yêu thương, đề cao sự bác ái... thì hãy đưa văn hóa đó cho người dân. Vấn đề là niềm tin, chính quyền có trung thực trong văn hóa không ? Nếu họ cứ xây dựng nền văn hóa tuyên truyền cho đảng, cho nhà nước, thì liệu có ai cần không ? Khi cuộc sống người dân cần lắm sự mưu sinh... hãy an dân đã rồi mới nghĩ đến mấy chuyện đó".
Sài Gòn hiện có 5 nhà hát lớn gồm : Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát thuộc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát Quân đội ở quận Tân Bình... Ngoài 5 nhà hát này, Sài Gòn còn có khoảng hơn 20 nhà hát, sân khấu khác... Tuy nhiên ngay cả những nơi nổi tiếng như Sân khấu kịch Idecaf hay sân khấu kịch Hồng Vân đều phải bù lỗ để hoạt động do yêu nghề.
Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Theo tôi nghĩ không nên làm, bây giờ mở nhà hát thì ai vô đó mà coi ? Nhưng mà mấy ổng nghĩ nước ngoài vô phải có cái nhà hát lớn… để mà cho có bộ mặt đó mà. Tui nghĩ đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ổng không nghĩ người dân đang khó khăn, đang khổ".
Sân vận động Quân khu 7, ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh / AFP - Ảnh minh họa
Tình cảnh các sân vận động tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn được nói ‘thê thảm’ hơn, trừ các sân bóng nhỏ có khách đến chơi bóng, còn các sân vận động có sức chứa hàng ngàn khán giả thường rất ít thu hút người dân dù có đội bóng của địa phương mình thi đấu.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn Đình Đệ, một người dân ở Quận 2, Sài Gòn, cho biết ý kiến của mình :
"Hoàn toàn không cần thiết, sân vận động Thống Nhất mở đèn lên không có người coi mà, không có khán giả. Có bằng chứng sự thật luôn, câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh trong giải quốc gia, đá trên sân Thống Nhất vắng khách, không có khách... thì xây sân vọng động làm gì ? Xây nhà hát làm gì ? Trong khi bà con quận 2 còn rất nhiều khó khăn, còn sống trong khu ổ chuột, giờ này chưa được nhận đất, chưa được nhận nhà... Làm kiều đó làm chi vậy ? Tôi đại diện cho bà con Thủ Thiêm, không đồng tình việc xây nhà hát và sân vận động, việc này không cần thiết, dùng quỹ đất đó để đền bù cho bà con, dùng ngân sách để lo cho bào con Thành phố Hồ Chí Minh còn rất nghèo, rất đông".
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu lên, vào tháng 10 năm 2018, khi Thành phố Hồ Chí Minh đòi xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch với vốn đầu tư lên đến 1.500 tỉ đồng, trong khi người dân phản đối, thì Bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đã cho rằng "Đây là dự án tầm vóc thế kỉ, được người dân thành phố chờ đợi từ rất lâu".
Anh Nguyễn Đình Đệ, cũng là người bị cưỡng chế đất sai luật ở Thủ Thiêm, cho biết thêm :
"Riêng nói bà con Thủ Thiêm thì chắc chắn Bà con phản đối, thí dụ như nhà hát Thủ Thiêm, sao mình không dùng số tiền đó để lo cho bà con quận 2. Ở thành phố này sau dịch Covid-19, đến giờ này nhiều người không nhận một đồng hỗ trợ nào, nhiều tình cảnh còn tang thương lắm... Tôi và bà con Thủ Thiêm phản đối chuyện thành phố xây nhà hát ở quận 2. Còn rất nhiều việc cần phải lo cho dân, đặc biệc là người dân Thủ Thiêm. Theo tôi, xây lên chẳng có ích gì hết".
Theo Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện dự án Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm là từ năm 2019 đến 2022. Trong đó năm 2019 - 2020, tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình và hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công theo đúng quy định.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người bị cưỡng chế đất tại Thủ Thiêm, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây, nói :
"Chúng tôi không chống bất cứ một công trình văn hóa nghệ thuật nào tại Thủ Thiêm. Trái lại, chúng tôi hoan nghênh việc đó vì thành phố cũng cần, quy hoạch cũng cần. Nhưng trung tâm này, nhà hát này ở thời điểm nào ? Trên phần đất của ai ? Đó là vấn đề chúng tôi đặt ra, và đền bù như thế nào cho người dân ?"
Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp ký, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu lại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên hiện nay họ vẫn chưa nhận được đền bù một cách thỏa đáng.
Cố Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây từng cho rằng thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất Việt Nam, cho nên Nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng lớn hay một quảng trường cho xứng đáng thì cũng là cần thiết. Những những việc ấy Việt Nam nên có trong tương lai, khi mức sống của nhân dân đã lên cao hơn hiện nay. Hay ít ra cũng phải là nước thu nhập trung bình ở lớp trên, chứ hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình ở lớp dưới thấp.
********************
Dự trữ quốc gia Việt Nam trong ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập ! (RFA, 04/06/2020)
Theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao quản lý các nhóm mặt hàng gồm : Hạt giống cây trồng ; thuốc bảo vệ thực vật ; hóa chất khử khuẩn, khử trùng, thuốc phòng, chống dịch bệnh vật nuôi... Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia hầu như không được các địa phương đề nghị hỗ trợ, dẫn đến tồn kho nhiều, gây lãng phí ngân sách rất lớn. Tồn kho dự trữ quốc gia mặt hàng này hiện gần 258 tấn, với giá trị khoảng 42 tỷ đồng.
Một người nông dân đang phun thuốc bảo vệ lúa, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Bà N., một nông dân trồng lúa ở An Giang nói với Đài Á Châu Tự Do về nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng lúa của gia đình bà :
"Thuốc trừ sâu thì có hết trơn... chứ không có khó kiếm... cũng dễ... tại vì lúa khi mình mần... thì cần thuốc... phải có... Giá cả thì có lên, mùa rồi thì tám mấy... chín mấy... Mùa này thì một trăm mười mấy..".
Lý do được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra với báo chí trong nước là, việc dự trữ thuốc bảo vệ thực vật hạn chế và không linh hoạt trong công tác chống dịch, vì sinh vật gây hại cây trồng có những diễn biến bất thường, phát sinh những sinh vật gây hại mới...
Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại, có thời gian sử dụng ngắn, khoảng từ 2 đến 3 năm, nên phải thường xuyên kiểm tra và luân chuyển hàng năm, dẫn đến phát sinh chi phí và tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Để tìm hiểu thêm Đài Á Châu Tự Do liên lạc một của hàng bán thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ở Hậu Giang, và được nhân viên cửa hàng cho biết thực tế việc các doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng bán lẻ :
"Hiện nay trên thế giới có thuốc gì mới nhất thì các doanh nghiệp đều có nhập về để kinh doanh. Các doanh nghiệp này có hệ thống cung ứng rất nhanh. Ngay cả khi dịch Covid-19 đang xảy ra, các doanh nghiệp cũng có lượng dự trữ của chính bản thân các doanh nghiệp. Khi cần thì chỉ trong vòng khoảng mấy ngày thì họ có thể sản xuất ra ngay lập tức thuốc đó để bán ra thị trường".
Theo Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, nguồn dự trữ quốc gia về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc, vaccine cho gia súc, các loại hạt giống cũng được xuất cấp kịp thời, giúp địa phương ngăn ngừa sớm, dập dịch hiệu quả, bảo đảm ổn định sản xuất. Do đó cũng có ý kiến cho rằng, cần phân tích kỹ việc loại bỏ hẳn thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết :
"Mình đang chuyển hướng sử dụng phân vi sinh, là phân sinh học... để khôi phục nguyên trạng cơ cấu đất. Cho nên mình không cần phải dự trữ thuốc bảo vệ thực vật nhiều như hồi xưa, để nông dân thấy họ phải chuyển. Vì nếu không chuyển thì nguyên liệu nông dân làm ra không hợp với tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu gạo và nông sản của mình".
Một người nông dân đang pha thuốc bảo vệ lúa - Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, đó là cách khuyến khích bà con nông dân không nên dùng các phân bón, thuốc từ nguồn hóa thạch. Tức phân thuốc hóa học, mà dần dần chuyển sang các loại phân sinh học mà hiện nay các nước phát triển đang dùng.
Tuy nhiên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, cũng có những loại thuốc bảo vệ thực vật cần dự trữ để bảo đảm việc sản xuất lúa của bà con nông dân :
"Có thể chỉ dự trữ các loại thật sự cần thiết như thuốc diệt cỏ, kích thích lá phát triển nhanh, rể phát triển nhanh. Những loại này thì hiện nay không phải là hóa chất mà là thuốc, khuyến khích cây trồng phát triển, mình sẽ làm nhiều cái đó. Mấy chất này là mấy chất trích ra từ than bùn, rong biển, những chất xanh. Ví dụ như chất mangan, chất magnesium... Đây là những chất cây trồng rất cần nhưng phân bón hữu cơ không có, thì những thứ đó cần dự trữ".
Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề dự trữ quốc gia liên quan sản xuất nông nghiệp được nói đến, vào tháng 3 năm 2020, việc dự trữ gạo quốc gia khi xảy ra dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất, vì việc quy hoạch số lượng không chính xác dẫn đến cấm xuất khẩu gạo khi giá đang cao, làm thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng như bà con nông dân không được hưởng lợi khi giá lúa cao.
Đến khi chính phủ cho xuất khẩu lại hạn chế mặt hàng gạo, thì lại nảy sinh tiêu cực trong việc doanh nghiệp bỏ ngang thầu dự trữ quốc gia đã trúng trước đó, để lấy gạo xuất khẩu. Việc mở tờ khai xuất khẩu lúc nửa đêm, cũng bị lên án cho rằng có tiêu cực trong việc phân bổ quota không công bằng.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói :
"Có một trục trặc là một số doanh nghiệp bỏ, không tham gia vào đấu thầu mà họ đã đăng ký trước đó với cơ quan dự trữ lương thực. Vì vậy, nếu mà việc mua dự trữ lương thực theo cơ chế thị trường như mọi hình thức mua bán khác, thì phải theo hợp đồng. Tức là doanh nghiệp có quyền đăng ký và cũng có quyền ngừng không thực hiện nữa, vì họ đã đặt cọc và chịu mất cọc. Còn nếu quy định bắt buộc phải tuân thủ (trách nhiệm quốc gia), thì cũng phải ràng buộc trước trong hợp đồng.
Nếu không, theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, thì phải dùng các biện pháp kích thích khác, chẳng hạn nếu như bán cho cơ quan dự trữ thì mới được xuất khẩu. Hoặc là ưu tiên cho doanh nghiệp đã bán cho quỹ dự trữ thì sẽ được tạo thuận lợi hay giảm chi phí trong xuất khẩu. Những chuyện đó phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Nói chung theo ông, trách nhiệm quốc gia thì phải làm tách biệt ra với quan hệ thị trường.
Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ kinh nghiệm của mình trong vấn đề này :
"Ngày xưa bất cập lắm, doanh nghiệp nhà nước đứng ra mua tạm trữ để nông dân có tiền thanh toán. Vì 10 người nông dân thì hết 9 người không có tiền để dành, tới vụ mùa phải vay tiền... Cho nên khi thu hoạch thì cần bán ngay để lấy tiền trả nợ, nếu không sẽ bị tăng lãi. Các doanh nghiệp nhà nước khi đã làm giảm giá lúa thì các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sợ không giám mua, vì đang tạm dừng xuất khẩu. Vì vậy chỉ có doanh nghiệp nhà nước mua tạm trữ, nhưng lại để xuất khẩu... Tới khi giá lúa cao trở lại thì họ sẽ hưởng lợi cái đó, còn nông dân không hưởng gì".
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, chính phủ phải làm sao không để tái diễn những chính sách bất cập chỉ làm lợi cho các công ty quốc doanh mà lại gây thiệt hại cho nông dân.
*****************
Loay hoay vực dậy ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19 ! (RFA, 04/06/2020)
Loay hoay đến bất cập !
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trong cuộc họp sáng 4/6 đã thu hồi văn bản số 167 đề nghị các hãng hàng không cung cấp 400 vé máy bay miễn phí cho đoàn công tác kích cầu du lịch nội địa. Đề nghị được đưa ra do phản ứng mạnh từ phía dư luận.
Khách du lịch người ở Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP
Văn bản 167 do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký ngày 2/6 vừa qua và gửi đến 3 hãng hàng không trong nước, cụ thể yêu cầu Vietnam Airlines cung cấp 200 vé máy bay, Vietjet Air 100 vé và Bamboo Airways 100 vé .
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng bản chất văn bản này để triển khai cụ thể các nội dung đã được thống nhất giữa Tổng cục Du lịch với các hãng hàng không. Điều này đã được các hãng hàng không thống nhất và cũng xuất phát từ áp lực sớm đẩy nhanh thị trường du lịch nội địa từ tháng 6 đến tháng 12/2020.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quang Tùng trong sáng 4/6 đã ký văn bản yêu cầu Tổng cục Du lịch phải tiến hành thu hồi văn bản về việc triển khai chương trình kích cầu nội địa. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trước ngày 6/6.
Tính hợp lý của yêu cầu
Trao đổi với RFA vào tối ngày 4/6, Phó giáo sư – Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch thuộc Tổng cục Du lịch cho hay sự hợp tác giữa ngành du lịch và ngành hàng không là sự hợp tác truyền thống và có lợi cả hai bên, đặc biệt trong mùa phục hồi tác động của Covid-19. Tuy nhiên ông nhận định việc đề nghị hay còn gọi là "xin" 400 vé thì Tổng cục Du lịch đã tạo ra những thiếu sót nhất định.
"Thứ nhất là trong lúc dịch bênh ngay ngành hàng không cũng là doanh nghiệp và người ta cũng đang rất khó khăn thì việc tạo thêm áp lực dù chỉ là nhỏ thôi nhưng cũng làm cho doanh nghiệp đó khó khăn hơn. Việc này phải cân nhắc rất kỹ trước khi đặt vấn đề. Mặc dù hai bên cũng đã có kế hoạch hợp tác với nhau trong việc xúc tiến phục hồi du lịch sau tác động Covid-19.
Thứ hai là sau khi có đề xuất đề nghị để người ta xem xét hỗ trợ mình thì mình phải có kế hoạch chi tiết rõ ràng, minh bạch. Nghĩa là trong kế hoạch đó chúng tôi đi đến những đâu, làm gì để có những bước ngoặc tích cực trong việc phục hồi thị trường và sau khi trừ đi chi phí mà nhà nước đã cung cấp cho Tổng cục Du lịch trong công tác thường xuyên nhưng vẫn còn thiếu bao nhiêu vé. Như vậy nghe hợp lý hơn chứ bây giờ người ta có thể đặt câu hỏi vì sao 400 vé mà không phải 500 hay 300 vé ? Cái đó thiếu căn cứ, một kế hoạch mang tính cụ thể, minh bạch. Điều đó làm cho người dân có suy nghĩ tiêu cực về vấn đề này".
Dưới góc nhìn cá nhân, một phi công không muốn nêu tên hiện đang công tác tại một hãng hàng không nội địa nhận xét rằng việc ‘xin’ ngay lúc này chưa hợp lý :
"Lúc này là thời điểm ngành hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn, là ngành bị thiệt hại nhiêu nhất. Việc Tổng cục Du lịch xin lượng vé nhiều như vậy thì cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của hãng hàng không".
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt lại cho rằng cần phải có cách nhìn nội dung Văn bản 167 từ nhiều phía :
"Việc này ở Việt Nam rất thường, thậm chí người được ‘xin’ họ sẵn sàng cho, hoặc không ‘xin’ thì họ vẫn tìm cách cho chứ ở các nước phát triển thì việc này không bình thường".
Thực trạng ngành du lịch và hàng không sau mùa dịch
Dịch bệnh hô hấp do coronavirus gây ra đã ảnh hưởng lên các ngành, nghề trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam.
Nhân viên công ty hàng không xịt thuốc sát trung trong may bay - Ảnh minh họa. AFP
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ Hà Nội đã cho giãn cách xã hội trên cả nước. Đây là hành động được đánh giá là đúng đắn để giảm thiểu tỉ lệ nhiễm bệnh, tuy nhiên đã ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế.
Sau thời gian giãn cách xã hội, các ngành nghề đang từng bước hoạt động trở lại, nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Nói rõ hơn về những khó khăn doanh nghiệp du lịch hiện nay đang phải đối đầu, ông Nguyễn Văn Mỹ lập luận rằng để đủ điều kiện du lịch thì người dân phải có tiền, nhưng sự ngưng trệ việc làm trong thời gian qua khiến người lao động không thể đi làm, không kiếm được thu nhập thì nhu cầu du lịch sẽ không được quan tâm đến.
Dù vậy, tình hình du lịch dường như bắt đầu hồi phục từng bước :
"Bắt đầu có đoàn nhưng chắc phải mất thời gian khá dài, chắc khoảng 6 tháng may ra mới có thể hoạt động lại bình thường. Hiện nay thì các công ty (du lịch) gần như hoạt động lại nhưng số lượng nhân viên thu hẹp vì không có việc làm. Nhiều dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn vẫn đóng cửa vì nếu mở cửa mà khách ít có khi còn căng thẳng hơn đóng cửa, chi phí không đủ vận hành nên bài toán hiện nay vẫn rất khó khăn. Xu thế của khách hiện nay vì tình hình kinh tế khó khăn nên họ phải chọn tour ngắn, nếu họ có xe thì tự đi, chọn phương án tiết kiệm tối đa chi phí".
Bên cạnh đó, các khách sạn đã bắt đầu tự tổ chức tour, những công ty lữ hành nước ngoài cũng tham gia thị trường du lịch nội địa cũng góp phần tăng sự cạnh tranh trong ngành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ cũng cho rằng đây là khó khăn chung của toàn ngành du lịch hiện nay chứ không riêng gì những công ty lữ hành.
Trong khi đó, tình hình của ngành hàng không cũng không khá gì hơn, theo lời người phi công nói với chúng tôi :
"Sau mùa dịch thì khó khăn trước mắt là do khách vẫn còn ái ngại việc đi lại sẽ bị lây nhiễm bệnh, lượng khách đi lại chủ yếu là trong nước, nội địa, chuyến bay chưa hoạt động lại bình thường, tần suất hoạt động khoảng chừng 70% so với lúc trước. Đối với người trong ngành thì khó khăn là khi chuyến bay giảm thì công việc giảm kéo theo thu nhập giảm".
Trước thực tế vừa nêu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Trung Lương cho rằng việc thúc đẩy du lịch và hàng không cùng hợp tác phát triển sau những thiệt hại do tác động Covid-19 gây ra là chuyện nên làm.
Bên cạnh đó, việc để xảy ra những sai sót trong quá trình làm việc là chuyện không thể tránh khỏi nhưng ông thấy rằng lẽ ra Tổng cục Du lịch cần phải xem xét lại những bài học trước đây :
"Tổng cục trước đó đã có những văn bản ban hành ra rồi phải rút lại thì lẽ ra phải hết sức rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước khi ban hành các văn bản. Đây là sự việc đáng tiếc, tôi cho rằng về bản chất thì không có gì nghiêm trọng lắm nhưng cách làm như vậy cần nghiêm túc rút kinh nghiệm cho việc này".
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch được báo trong nước loan tin ngày 6/5 vừa qua, chỉ trong ba tháng tính từ tháng 2-4/2020, ngành du lịch Việt Nam đã thiệt hại khoảng 7,7 tỉ USD.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây của của Cục Hàng không Việt Nam thuộc Bộ Giao thông – Vận tải có ước tính thiệt hại ban đầu do dịch Covid-19 gây ra đối với các hãng hàng không trong nước là khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất nước được ước tính doanh thu có thể bị giảm 2,1 tỷ USD trong năm 2020.