Ngày 15 Tháng Ba này, Liên bang Nga chính thức kỷ niệm 100 năm việc Sa hoàng Nicolai Đệ nhị thoái vị, mở đầu cho một chuỗi biến động dẫn tới cái gọi là "Cách mạng Tháng 10" là khi chế độ cộng sản lần đầu tiên thành hình trên mặt địa cầu vào năm 1917. Từ đó, nhân loại đã gặp tai họa mà nhiều thế hệ ngày nay lại không biết. Diễn đàn Kinh tế xin trở lại biến cố mà người ta không thể quên được….
Chân dung của Karl Marx, Vladimir Lenin và Vladimir Putin trên mặt tiền một ngôi nhà riêng ở làng Severnaya Griva, quận Shatura, khu vực Moscow chụp hôm 5/8/2011. AFP photo
Nguyên Lam : Nguyên Lam và Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hàng năm, người Nga vẫn kỷ niệm ngày Sa hoàng Nicôlai Đệ nhị thoái vị, vào ngày 15 Tháng Ba năm 1917. Biến cố đó kết thúc hơn 300 năm cầm quyền của dòng Romanov và mở đầu cho những biến động dồn dập dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng 10 và sự ra đời của Liên bang Xô viết dưới chế độ Cộng sản, cách nay đúng trăm năm.
Vì vậy, năm nay Liên bang Nga mới tổ chức lễ kỷ niệm đặc biệt long trọng, nhưng có lẽ vẫn chưa biết giải thích sự thể một cách khách quan vì khó nói về những tai họa do chủ nghĩa cộng sản gây ra tại nước Nga và trên toàn thế giới. Vì các thế hệ trẻ tại Việt Nam không được biết về những gì đang xảy ra trong đất nước mình, huống hồ nhiều biến cố đau thương khác trong lịch sử nhân loại, kỳ này, chúng tôi xin đề nghị ông nhắc lại trăm năm đó… Ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đến thế kỷ 21 nhân loại đã tiến tới một trạng thái khá phổ biến dù chưa toàn cầu, là không ai được độc quyền chân lý, để áp đặt một sự thật nào đó mà mọi người phải theo. Trạng thái ấy được gọi là "sự cởi mở" là điều kiện tiên quyết của nền dân chủ, nơi mà người ta chấp nhận tinh thần đa nguyên về văn hóa, đa đảng về chính trị và là nơi mà người dân có quyền sống và suy nghĩ tự do. Tuy nhiên, nhiều xã hội chưa có được sự tiến hóa ấy khi nhà nước độc tài vẫn giữ độc quyền về tư tưởng chẳng những cho tương lai mà còn về những gì xảy ra trong quá khứ. Thí dụ như tương lai nhân loại tất yếu phải dẫn tới xã hội chủ nghĩa và quá khứ là những thành tựu chói lọi của chủ nghĩa cộng sản, vốn dĩ là một tai họa lịch sử !
Trở lại chuyện nước Nga, nơi chủ nghĩa cộng sản đã lần đầu tiên ngự trị từ Tháng 11 năm 1917 đến Tháng 12 năm 1991, chế độ đương quyền ngày nay đang lúng túng tường thuật những gì đã xảy ra từ trăm năm trước, khi Đế quốc Nga tiêu vong, Đế quốc Xô viết ra đời và cai trị trong hơn 70 năm với một số thành tựu và rất nhiều thảm họa cho người dân và cả thế giới. Chế độ chính trị của Liên bang Nga vẫn duy trì ách độc tài bên dưới hình thức bầu bán dân chủ và biết rằng xã hội đã đổi thay nên không thể áp đặt một chân lý khiên cưỡng sai lệch nhưng vẫn cố loay hoay nói về quá khứ hay lịch sử một cách thiên lệch méo mó. Trường hợp Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn hay Cuba cũng thế thôi. Họ đều có nét chung là cái chất cộng sản !
Nguyên Lam : Như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ nước Nga, rồi qua nước Tầu, nước Ta, để nhớ lại chuyện trăm năm về trước. Xin mời ông khởi đầu….
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta khởi đầu cái chuyện nhức đầu từ Âu Châu vì lục địa này đi trước trong nhiều lĩnh vực và chi phối thế giới từ mấy trăm năm. Trước hết, cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 xuất phát từ một cuộc cách mạng khai phóng về tư tưởng trước đó hai trăm năm đã tiến dần tới một chế độ dân chủ hơn, là người dân có nhiều quyền hạn hơn nhờ hiểu biết nhiều hơn. Nối tiếp, sự hiểu biết mở rộng dẫn tới cuộc cách mạng về công nghiệp vào cuối thế kỷ 19, nó đảo lộn trật tự sản xuất cũ với một hình thái mới. Vào buổi bình minh của nền sản xuất kỹ nghệ và sinh hoạt kinh tế mới lạ, tất nhiên nhiều sự bất toàn đã xảy ra khiến người ta tìm hiểu, nghiên cứu và mỗi người hay mỗi trường phái lại tìm ra một cách giải thích. Nếu được cởi mở và có dân chủ thì xã hội có thể áp dụng giải pháp này hay giải pháp khác hầu tránh được sự bất công trong tiến trình phát triển. Đấy là quy luật chung cho mọi xã hội.
Trong buổi bình minh của nền sản xuất công nghiệp, Karl Marx và nhiều nhà lý luận khác đã nghiên cứu và tìm hiểu về hình thái sản xuất mới để giải thích và đề nghị. Cách giải thích của Marx có vài điểm mới lạ nhưng cũng có đầy mâu thuẫn và sai lầm như nhiều học thuyết khác. Điều tai hại là nước Nga khi đó lại có một trí thức xuất sắc và chiến lược gia đại tài là Lenin. Ông áp dụng học thuyết của Marx có chọn lọc và đảo lộn nhiều lý luận để cướp chính quyền và thiết lập bộ máy độc tài với nền độc quyền chân lý đi ngược với sự tiến hóa chung. Vụ cướp chính quyền ấy được gọi là "Cách mạng Tháng Mười" và đánh dấu một tai họa mới. Marx chỉ là kẻ mơ ngủ, Lenin mới là có công và có tội khi đặt ra chủ nghĩa Mác-Lenin đầy thảm khốc !
Vai trò của Lenin
Lenin vẫn là biểu tượng của Đảng Cộng sản Liên Xô trong Đại hội đảng lần cuối cùng (Khóa 27) tháng 2/1986
Nguyên Lam : Khi nhắc lại chuyện trăm năm bao trùm lên nhiều lĩnh vực sinh hoạt từ kinh tế đến tư tưởng, ông cố tóm lược nhiều vấn đề khá phức tạp của lịch sử. Nhưng thưa ông, liệu chúng ta có thể hiểu sự thể đã diễn biến ra sao không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chính diễn biến đó mới làm nhà cầm quyền Liên bang Nga lúng túng, như nhiều chế độ cộng sản độc tài còn lại trên mặt địa cầu khi giải thích lại quá khứ. Chế độ quân chủ của Sa hoàng, là Hoàng đế Nga, bó tay trước nhiều đổi thay của xã hội và lâm khủng hoảng khi người dân bị đói và công nhân biểu tình. Chế độ ấy tiêu vong với việc Sa hoàng thoái vị và một chính quyền mới ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Hai.
Chính quyền non yếu này, nói theo người cộng sản thì thuộc giai cấp tư sản với lý luận cải lương, đang vất vả giải quyết bài toán mới thì bị Lenin và hạt nhân cộng sản cướp chính quyền mà gọi là cách mạng, hàm ý là tiến bộ và triệt để hơn giải pháp cải lương. Sau đó là năm năm khủng hoảng và nội chiến lồng trong Thế chiến thứ nhất.
Hiện tượng này cũng được thấy bên Tầu và nhất là tại Việt Nam sau cái gọi là "Cách mạng Tháng Tám" năm 1945 khi Chính phủ Trần Trọng Kim bị lật đổ, chương trình cải cách bị tiêu diệt để dẫn tới hỗn loạn và chiến tranh cho tới 1975. Sau đó, tàn dư tai hại của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn làm các quốc gia này điêu đứng. Kẻ chủ chốt của thảm họa chính là Lenin.
Nguyên Lam : Thế hệ trẻ về sau như Nguyên Lam thật ra cũng không nắm vững sự thể ấy và chẳng hiểu gì nhiều về vai trò của Lenin. Xin đề nghị ông giải thích thêm cho đoạn này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vào giai đoạn đen tối ấy, cống hiến của Lenin gồm hai phần. Thứ nhất là kỹ thuật tổ chức và cướp chính quyền từ một chế độ non yếu mới ra đời. Thứ hai là đảo lộn lý luận của Marx để kiểm soát tư tưởng hầu bảo vệ ách độc tài. Về đại thể, Marx lý luận rằng kinh tế dưới hạ tầng chi phối thượng tầng chính trị ở trên và mọi chế độ tư bản đều tiến bộ hơn chế độ nông nghiệp đi trước nhưng cũng tất nhiên bị chế độ cộng sản thay thế như một quy luật lịch sử. Lý luận ấy sai vì thời trước đó nước Nga còn lạc hậu so với Âu Châu như nước Đức là quê hương của Marx, vậy mà cách mạng cộng sản lại xuất hiện tại Nga chứ không tại Đức, là nhờ tài tổ chức và lũng đoạn của Lenin. Sau đó, Lenin đảo ngược quy luật tiến hóa của Marx khi quy định rằng tư tưởng ở trên mới chi phối chính trị và kinh tế ở dưới nên nhà nước phải giữ độc quyền chân lý về tư tưởng, bất cứ ai nghĩ sai nói khác đều là kẻ có tội phải bị diệt trừ. Về văn bản thì đấy là cốt lõi của tài liệu "Chủ nghĩa Duy vật và Chủ nghĩa Kinh nghiệm Phê phán".
Chính là lý luận đó của Lenin mới làm chủ nghĩa cộng sản lụn bại và tiêu vong. Ngày nay, chế độ độc tài của Tổng thống Vladimir Putin tại Liên bang Nga chỉ cho nhấn mạnh đến sự thành tựu và ổn định của Liên bang Xô viết mà xóa bỏ những trang sử đen tối và không cho thấy là cả trăm triệu người đã chết trong thế kỷ 20 vì chủ nghĩa cộng sản, là một kỷ lục lịch sử. Thật ra, họ vẫn mặc nhiên duy trì chế độ độc quyền chân lý ! Cái khác là Putin châm thêm chủ nghĩa ái quốc của dân tộc Nga vào chân lý nhà nước để bảo vệ quyền lực của mình, chứ nước Nga của ông đã lụn bại vì 74 năm cai trị của chủ nghĩa cộng sản.
"Tư tưởng Hồ Chí Minh"
Một cửa hàng bán các mặt hàng tuyên truyền cho đảng cộng sản với chân dung Karl Marx và Vladimir Lenin ở Hà Nội hôm 29/9/2010. AFP photo
Nguyên Lam : Thế thì ông giải thích thế nào về những thành tựu kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc trong những thập niên gần đây ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chủ nghĩa cộng sản dẫn tới khủng hoảng là điều đã có tại Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại Hoa lục vào năm 1949, và tại Việt Nam sau khi người cộng sản chiến thắng và thống nhất Việt Nam từ 1975. Khi bị khủng hoảng thì chế độ độc tài quăng lý luận của Marx của Mao của Hồ Chí Minh vào sọt rác mà áp dụng lý luận kinh tế thị trường. Nhờ vậy kinh tế có tăng trưởng so với thời trước, nhưng thật ra chưa có phát triển như các quốc gia khác. Lý do là chế độ vẫn duy trì ách độc tài và tai họa độc quyền chân lý với các trò ma như học thuyết Mác-Lenin, chủ nghĩa Mao hay "Tư tưởng Hồ Chí Minh", v.v…. Vì vậy hai xứ này bị khủng hoảng về văn hóa và đạo đức với hậu quả nghiêm trọng cho tương lai.
Nhưng điều tai hại nhất là lãnh đạo Bắc Kinh châm vào chân lý nhà nước cho thần dân của họ nuốt chửng một số lý luận về chủ nghĩa dân tộc của người Hán. Tức là họ trở lại bài toán xa xưa về chủ nghĩa quốc gia dân tộc của thế kỷ 19 để vuốt ve tự ái người dân. Trong khi đó, lãnh đạo Hà Nội lại triệt phá chủ nghĩa quốc gia dân tộc của người Việt để khỏi xúc phạm Bắc Kinh. Phê phán chế độ độc tài đã là có tội và có thể bị đàn áp, chứ chống lại chính sách bành trướng của Bắc Kinh là chắc chắn vào tù.
Cũng do chế độ độc quyền chân lý và tư tưởng, Việt Nam không có tự do báo chí và đa số người dân không hề biết gì về những thảm họa đang xảy ra tại nơi này nơi khác bên trong. Đã vậy, người ta còn không được biết hết về sự thật của thế giới bên ngoài vì báo chí tường thuật có chọn lọc với lý luận sai lạc. Báo chí trở thành công cụ độc tài về tư tưởng và kiến thức khi làm cho người dân hiểu sai về thực tế đang thay đổi.
Nguyên Lam : Thưa ông, chắc chắn là suốt năm nay, cả thế giới sẽ còn nói về thảm họa trăm năm của chủ nghĩa cộng sản nhưng trong một chương trình có thời lượng nhất định, xin đề nghị ông tạm nêu ra một số kết luận cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ chúng ta cần một cuốn sách ! Đầu tiên thì đã có bộ sách tên là "Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản" do bốn học giả Pháp thu thập và xuất bản cách nay đúng 20 năm. Dù chưa đủ và thiếu hẳn nhiều tai họa cộng sản tại Châu Á thì bộ sách dầy 840 trang này cũng đáng tham khảo và thật ra đã được nhà báo Hồ Văn Đồng dịch ra Việt ngữ thành hai cuốn 1.200 trang trước khi tạ thế mươi năm về trước tại tiểu bang Virginia. Chuyện thứ hai đáng nhớ và vẫn có giá trị cho ngày nay là nếu xuất phát từ cộng sản chủ nghĩa thì xã hội chủ nghĩa cũng tất yếu dẫn đến nạn độc tài làm cho xứ sở lụn bại vì thu hẹp khả năng hiểu biết và quyết định của người dân, là chuyện đang thấy ngày nay tại Việt Nam.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 15/03/2017
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ban Thường vụ Quốc hội Trương Đức Giang ở Bắc Kinh hôm 13/01/2017
Tiếp tục chỉ trích 'diễn biến hòa bình', một cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng "Đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn", trong bài trên tờ Quân đội Nhân dân trước Tết Đinh Dậu.
Ông Hà Đăng viết hôm 16/01/2017 về sự kiện khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990 như 'cơn động đất chính trị' của Thế kỷ trước.
Nhưng ông nêu lập luận rằng Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam "không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu".
Theo ông, quá trình Đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản ở Việt Nam thực hiện đã có thành tựu to lớn và "làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
"Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý".
Theo ông, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, "đổi mới nhưng không đổi màu", là nguyên tắc đầu tiên.
Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-văn hóa trung ương cũng nhân đây đã thách thức giới chỉ trích :
"Tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì ?".
Phản ứng lại lập luận của ông Hà Đăng, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng trên Facebook cá nhân :
"Tôi rất sẵn lòng lên đài truyền hình quốc gia VTV1 trao đổi và tranh luận với ông Hà Đăng. Nếu thật sự ông tự tin vào các lập luận và chính nghĩa của ông thì ông nên thúc giục VTV1 tổ chức ngay buổi đối thoại này".
Câu hỏi về chủ nghĩa xã hội
Bộ máy văn hóa tư tưởng ở Việt Nam thường nhấn mạnh đến ý thức hệ xã hội chủ nghĩa
Từ nhiều thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tự nêu câu hỏi thế nào là 'Định hướng xã hội chủ nghĩa', nhất là khi Việt Nam đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận kinh tế thị trường.
Hơn 10 năm qua, hai kỳ Đại hội Đảng Cộng sản cũng có vẻ chưa giải quyết được vấn đề này.
Hồi giữa năm 2006, Tiến sĩ Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có bài trên báo Tuổi Trẻ, phân biệt ra con đường xã hội chủ nghĩa như là mục tiêu, hay là mô hình.
Ông cho rằng "chọn định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phát triển xã hội" (phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ) là sự lựa chọn đúng…".
"Còn xã hội chủ nghĩa là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại, cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta".
"Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ; do nhân dân làm chủ ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…"
Thượng Đế và đấu tranh gia cấp mới
Có quan điểm tại Trung Quốc coi Marx là 'Thượng Đế' trong lĩnh vực niềm tin chứ không trong thực tiễn
Việt Nam không phải là nước duy nhất phải suy tính về di sản nhập ngoại là chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ngay từ năm 2009, tại Trung Quốc đã có các ý kiến phải làm gì với chủ nghĩa Marxist và một quan điểm nói cần đặt Marx vào phạm trù niềm tin hơn là nghị trình chính trị.
Từ Khuông Địch, cựu bí thư Thượng Hải, Phó Chủ tịch Chính Hiệp khi đó đã nói với nhà báo Daniel Gross (Newsweek 25/11/2009) rằng đường lối của Karl Marx, chỉ còn "đóng vai trò đạo đức ở Trung Quốc, tựa như Thượng Đế với người Thiên Chúa Giáo ở Âu Mỹ".
Ông Từ Khuông Địch cũng nói tuy vậy, mô hình dân chủ với bầu cử tự do như Tây Phương là chưa thể áp dụng ở Trung Quốc vì dân số quá đông, sự khác biệt vùng miền, và nhất là thu nhập quá lớn.
Ông thẳng thắn nói nếu để bầu cử tự do, một ai đó hô lên khẩu hiệu 'lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo' sẽ được bầu chọn ngay và Trung Quốc sẽ rơi vào cuộc đấu tranh giai cấp mới (class warfare).
'Tốt hơn cả các nước tư bản cùng mức'
Hồi năm 2012, khi sang thăm Cuba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn nói về thành tựu 25 năm Đổi mới ở Việt Nam và cho rằng :
"Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế".
Ông Nguyễn Phú Trọng không nêu tên các nước 'tư bản chủ nghĩa' đó là gì nhưng khẳng định đây là bằng chứng cho "sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội".
Đến tháng 10/2016, sau khi đã tái đắc cử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh đến công tác lý luận về định hướng xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam.
Ông cũng thừa nhận đây là công tác còn cần tiếp tục xây dựng, triển khai :
"Chúng ta cần tập trung đi sâu nghiên cứu và tổng kết nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...", theo tờ Quân đội Nhân dân 20/10/2016.
'Từ chức là thắng lợi'
Hướng về Quảng trường Đỏ ngày Năm Mới : ông Gorbachev nói ông đã đem lại tự do cho người dân Nga
Gần đây, trả lời phỏng vấn BBC nhân dịp kỷ niệm Liên Xô tan rã, ông Mikhail Gorbachev đã nhắc lại quan điểm rằng ông phải từ chức ngày 25/12/1991 vì đe dọa nội chiến :
"Chúng tôi tiến tới nội chiến và tôi muốn tránh nó".
"Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Từ chức là thắng lợi của tôi".
Trong diễn văn từ chức, Gorbachev nói nhờ chương trình cải tổ của ông, xã hội ở các nước Liên Xô cũ "đã có tự do".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu)
Nghị quyết 4/XII do Tổng bí thư nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016 được coi là nghị quyết quan trọng nhất hiện nay. Đây là Nghị quyết về tăng cường xây dựng đảng, chính đốn đảng, khắc phục nguy cơ "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của một số khá nhiều "đảng viên thoái hóa, biến chất, nhiễm phải tư tưởng phản động, chống đảng". Bản nghị quyết kể ra trong ba đề mục lớn về những biểu hiện "sai lầm về chính trị" ; "sa sút về đạo đức, lối sống" ; và "vi phạm kỷ luật đảng, nói, viết và làm trái các nghị quyết của đảng".
Có 2 sai lầm chính trị hàng đầu được nhấn mạnh là không trung thành và bảo vệ đến cùng chủ nghĩa Mác - Lênin và không tin tưởng ở chủ nghĩa xã hội, ở nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo tinh thần bản nghị quyết này, các đảng viên có biểu hiện suy thoái nếu không chịu thành khẩn tự phê bình sẽ không còn có đủ tư cách là đảng viên.
Bước vào năm 2017, nhiều nhà bình luận quốc tế cho biết năm nay là đúng 100 năm học thuyết Mác - Lênin được thí nghiệm ở nước Nga trong cuộc cách mạng vô sản tháng Mười năm 1917, và sau đó chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít đã được thực hiện trong toàn phe xã hội chủ nghĩa bao gồm cả Liên bang Xô viết và Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là thành viên, và là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa – nhưng trên thực tế chỉ là con tốt đen của phe này.
Sau gần 100 năm được thực hiện, học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít đã tỏ rõ là những học thuyết sai lầm lớn nhất của thế kỷ XX, giết chết hơn 100 triệu người qua các cuộc thanh trừng (như ở Liên Xô), các cuộc chiến tranh (như ở Việt Nam và Triều Tiên), nạn đói trong cuộc Đại Nhảy vọt và Cách mạng văn hóa vô sản (ở Trung Quốc).
Học thuyết Mác - Lênin đã bị phá sản triệt để. Đó là sự thật hiển nhiên. Đến nay trên thế giới có còn ai nhắc đến giá trị nào đó của học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít ? Đảng Cộng sản Ý và đảng Cộng sản Anh đã tự giải thể, đảng Cộng sản Nhật Bản và đảng Cộng sản Pháp tuy còn giữ danh xưng "Cộng sản" nhưng đã từ bỏ học thuyết Mác - Lênin và nền chuyên chính độc đảng, trong khi đó Cộng hòa Liên bang Đức, Ba Lan và Nghị viện châu Âu đặt chủ nghĩa xã hội Mác-xít ra ngoài vòng pháp luật. Ngay cả đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không còn nhắc nhở gì đến chủ nghĩa Mác - Lênin và không trưng ra ảnh của Mác và Lênin trong Đại hội đảng (chỉ còn riêng đảng Cộng sản Việt Nam thì vẫn trưng ảnh hai ông này, nghĩa là bảo hoàng hơn cả vua).
Tất cả những điều vừa nêu, chẳng lẽ cả Bộ Chính trị 19 người và hơn 200 ủy viên Trung ương không hay biết gì ? Và hàng vạn giáo sư đảng viên, tiến sĩ, thạc sĩ đảng viên đều không hay biết gì hết để tuân theo ông Tổng Trọng ghi học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít là 2 "báu vật thiêng liêng" luôn đặt trên bàn thờ của đảng, không ai được đụng chạm. Cả cái Hội đồng lý luận của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam với hàng lọat công cụ tinh thần, các viện, học viện, đại học cũng đồng loạt mê lú khi nói, viết và nghĩ theo các đường mòn của đảng, nhai đi nhai lại học thuyết Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít là chân lý bất biến, được dạy dỗ ưu tiên trong mọi nhà trường, trong khi cả thế giới coi là những cặn bã độc hại đã bị đào thải, loại bỏ, lên án.
Cái "túi khôn" dân tộc, cái khả năng của con người biết phân biệt phải trái, đúng sai, khôn dại của nhân dân ta đâu mất rồi ? Ông Trọng luôn nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu mọi tổ chức đảng, phải làm gương. Sao ông lại dẫn đầu đảng để cùng chui vào bóng ma Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít một cách mù quáng dại dột như thế ?
Sẽ là điều bổ ích nếu như trong đảng có một số đảng viên ngay thẳng, trung thực ra công ghi chép trong các buổi họp chi bộ bàn về thực hiện Nghị quyết 4/XII và thống kê chính xác xem có bao nhiêu đảng viên ở cơ sở tán thành bản nghị quyết, tán thành duy trì chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội Mác-xít, coi đó là những "báu vật" vĩnh cửu trên bàn thờ thiêng liêng của đảng Cộng sản, và buộc toàn dân tộc phải cúi đầu chấp nhận.
Thật ra ông Tổng Trọng cùng Bộ Chính trị không nhớ gì đến lời dặn của chính Mác khi ông cho rằng những quan điểm, nhận định lý luận của ông là biện chứng, nghĩa là còn thay đổi tùy tình hình, tùy hoàn cảnh và thời đại, không nên coi là bất biến. Nó chỉ là công cụ về nhận thức dùng để cải tạo thế giới. Nó là công cụ, giống như con dao, chiếc búa, cái bút... khi không cần nữa, lại có hại thì bỏ sang một bên, không thương tiếc, việc gì phải thờ mãi nó như vật "thiêng liêng". Khi thấy nó có hại thì dại gì mà ôm nó mãi, chỉ tổ mang vạ vào thân và gây tai họa cho toàn dân tộc.
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 13/01/2017