Sông ô nhiễm, 6.000 gia đình ở Hậu Giang khốn khổ vì thiếu nước sạch (Người Việt, 03/05/2019)
Hàng ngàn gia đình sống dọc sông Cái Lớn, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ "kêu trời" trước tình trạng nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngay cả nhà máy nước cũng không thể lấy nước để cung cấp cho dân.
Một đoạn sông Cái Lớn nước đen như nước cống. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Chị Phạm Thị Thúy Linh (35 tuổi, ngụ khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ), cho biết tình trạng nước đen, thối đã kéo dài gần 10 ngày nay làm cho ếch, cá nuôi của chị và của nhiều gia đình khác bị chết gần hết.
Nói về nguyên nhân nước sông bị ô nhiễm, người dân cho rằng do công ty trách nhiệm hữu hạn Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát (Công Ty Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát) xả chất thải.
"Từ khi công ty mía đường này hoạt động đến nay thì nước sông thường xuyên bị đen. Lúc trước thỉnh thoảng nước mới đen nhưng thời gian gần đây nước càng đen, thối và liên tục, người dân chỉ biết kêu trời", chị Linh bức xúc nói.
Ngày 2 Tháng Năm, 2019, khảo sát dọc theo sông Cái Lớn, báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận "nước sông đen kịt như nước cống, mùi thối bốc lên nồng nặc. Đoạn sông chảy qua khu vực trung tâm thị xã Long Mỹ cũng nhuộm một màu đen".
Công ty Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát vẫn hoạt động bình thường với nhiều ghe mía đậu chờ. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Ở khu vực 4, phường Thuận An, từ sáng sớm 2 Tháng Năm, bị cúp nước đột ngột do nước sông bị ô nhiễm, trạm cấp phát nước thị xã Long Mỹ không có nước cung cấp cho dân.
"Nghe là nước sông ô nhiễm trạm cấp nước không lấy nước được nên cúp nước. Thấy xe bồn cấp nước đi ngang nên người dân đem xô ra cửa chờ đón để lấy nước nhưng xe không đủ phát. May gia đình tôi có dự trữ ít nước mưa nên xài tạm, chứ nhà khác không có phải mua nước bình về nhà tắm luôn", anh Nguyễn Thương (ở khu vực 4, phường Thuận An) nói.
Ngày 3 Tháng Năm, nói với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bá Nam, giám đốc Chi Nhánh Cấp Thoát Nước – Công Trình Đô Thị thị xã Long Mỹ thừa nhận nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm, không có nước sạch nên phải tạm ngừng cấp phát cho người dân.
"Trước mắt chúng tôi lấy nguồn nước ngầm để cung cấp cho người dân, nhưng nguồn nước này cũng không đủ để cung cấp liên tục nên phải cấp ngắt quãng 3 tiếng một lần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì không ổn", ông Nam nói.
Tin cho biết, nước sông Cái Lớn nguồn nước chính để cung cấp cho Nhà Máy Nước thị xã Long Mỹ hoạt động cung cấp nước cho khoảng 6.000 hộ dân ở thị xã.
Giải thích về việc công ty được cho là tác nhân chính gây ô nhiễm nước sông, nói qua điện thoại với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh bà Bùi Thị Quy, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát, cho rằng phản ánh của người dân là không đúng. "Công ty tôi đã ngưng hoạt động đã hai năm nay, không có gì để xả thải".
Người dân để xô nhựa trực chờ xe đô thị phát nước. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Thế nhưng theo người dân, thời gian qua vẫn thấy công ty Long Mỹ Phát vẫn hoạt động bình thường.
Ông Trần Đình Tuấn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Vĩnh Thuận Đông, thị xã Long Mỹ, cho biết Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Hậu Giang đã gửi thông báo kết quả giám định mẫu nước.
"Thông báo chỉ thể hiện nước sông bị ô nhiễm nhưng nguyên nhân cụ thể là gì thì phải chờ kết quả giám định", ông Tuấn nói.
Cũng trong sáng ngày 3 Tháng Năm, Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An tỉnh Hậu Giang, cho biết đã phối hợp với các cơ quan hữu trách đến làm việc tại Công Ty Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát và lấy mẫu gửi đến Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Cần Thơ để kiểm định. (Tr.N)
***************
Cá chết trắng sông ở Hậu Giang (RFA, 03/05/2019)
Hàng loạt cá, tôm và các loài thủy sản khác bỗng dưng chết hàng loạt, khi nước sông Cái Lớn ở Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Hàng loạt cá, tôm và các loài thủy sản khác bỗng dưng chết hàng loạt, khi nước sông Cái Lớn ở Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Courtesy DanViet/RFA Edited
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 3/5/2019.
Sông Cái Lớn đi qua địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang.
Trả lời báo chí trong nước, người dân địa phương cho biết, tình trạng nước đen như nước cống đã kéo dài gần 10 ngày qua làm cá chết, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Nhiều người đầu tư nuôi cá, ếch, lươn ở khu vực này bị chết hết, số lượng lên đến hàng chục ngàn con, khiến vốn liếng bỏ ra mất sạch.
Chi nhánh Cấp nước ở Long Mỹ phải dừng lấy nước và tiến hành cúp nước, chuyển sang cấp nước cục bộ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, ông Trần Đình Tuấn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi thông báo kết quả giám định mẫu nước, nhưng chỉ thể hiện nước sông bị ô nhiễm chứ không nêu nguyên nhân cụ thể là gì.
Một số người dân cho rằng, nguyên nhân gây ra ô nhiễm là do một công ty mía đường ở khu vực này, hiện Phòng cảnh sát môi trường đã vào cuộc.
********************
Cá tiếp tục chết trắng và nổi lềnh bềnh trên kênh Khe Cạn và Phú Lộc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm 3/5/2019.
Cá tiếp tục chết trắng và nổi lềnh bềnh trên kênh Khe Cạn và Phú Lộc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm 3/5/2019. Courtesy NLD
Báo chí trong nước loan tin trong cùng ngày, theo đó người dân sinh sống dọc tuyến kênh Khe Cạn và Phú Lộc than phiền tình trạng ô nhiễm nặng tại khu vực 2 kênh vừa nêu xảy ra suốt nhiều ngày nay.
Trả lời báo chí người dân khu vực này cho biết, không hiểu vì sao nơi này nằm cạnh Trạm xử lý nước thải Phú Lộc mà tình trạng ô nhiễm nước thải, cá chết lại liên tục xảy ra và không được xử lý. Xác cá chết và nước thải lẫn rác thải không được thu gom, xử lý buộc người dân phải đóng kín cửa nhà vì lo sợ ô nhiễm.
Trong khi trước đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết nước thải tại khu vực Khe Cạn và Phú Lộc đã được thu gom về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý, nước thải không còn chảy ra sông, sau khi tình trạng cá chết trắng xảy ra tại đây vào ngày 22/4/2019.
*******************
Bán trụ sở, bán tàu nhưng nhiều công ty vẫn chưa đủ để trả hết khoản nợ tồn đọng.
Nhiều hãng tàu triền miên thua lỗ - CTV
Công ty cổ phần Container phía Nam (VSG) kết thúc năm 2018 tiếp tục bị lỗ hơn 54,2 tỉ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế lên đến 523,77 tỉ đồng. Đồng thời nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 528 tỉ đồng. Vì vậy công ty kiểm toán bày tỏ sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VSG. Đáng chú ý, đây là năm thứ 9 liên tục VSG chìm trong thua lỗ. Hội đồng quản trị VSG nhận định, do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung của thế giới và Việt Nam, giá cước vận tải biển thấp, hầu hết công ty vận tải biển của Việt Nam và các hãng vận tải lớn của nước ngoài năm vừa qua đều thua lỗ. Đó là tình trạng chung và VSG không nằm ngoài. Mặc dù Ban điều hành đã tìm mọi biện pháp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh kho bãi, cho thuê văn phòng... vẫn không đủ bù cho khoản lỗ quá lớn của vận tải biển. Và đây vẫn là bài toán khó đối với Ban điều hành công ty trong năm tới. Cổ phiếu VSG đang niêm yết trên UPCoM với giá 1.400 đồng/cổ phiếu và gần như không có giao dịch.
Trong khi đó, mức lỗ lũy kế ở mức "khủng" thuộc về Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) khi năm 2018 tiếp tục lỗ gần 255,2 tỉ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế của công ty này lên 1.780,7 tỉ đồng trong khi nguồn vốn của công ty chỉ có hơn 1.000 tỉ đồng. Kiểm toán viên cũng cho biết nợ ngắn hạn với gần 1.900 tỉ đồng cũng đang lớn hơn tài sản ngắn hạn, trong đó có các khoản vay đã quá hạn thanh toán. Vì vậy kiểm toán viên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VST. Giá cổ phiếu VST đang giao dịch trên UPCoM ở mức 800 đồng/cổ phiếu và hầu như bị mất thanh khoản.
Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SSG) năm vừa qua đạt lợi nhuận sau thuế 35,7 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty có lãi sau 6 năm thua lỗ liên tiếp nhờ bán trụ sở cũ, xử lý xong khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Việt Á. Tuy nhiên sau khi trừ đi mức lỗ của các năm trước thì đến hết 2018, SSG vẫn còn bị lỗ lũy kế trên 45 tỉ đồng. Đáng chú ý, công ty kiểm toán cũng nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 36,5 tỉ đồng. Phía SSG cũng nhận định hiện nay giá dầu lại tăng, chi phí nhiên liệu, dầu nhớt chiếm trên 40% doanh thu. Việc giá dầu tăng khiến chi phí dịch vụ hàng hải tăng trong khi hàng hóa khan hiếm, tàu chạy rỗng nhiều mà giá cước vận tải giảm khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy công ty này cũng không có chủ trương đóng tàu mới hay mua tàu đã qua sử dụng trong năm 2019.
Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) năm 2018 có lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức lỗ lũy kế của công ty vẫn còn hơn 792,3 tỉ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2018 là 654,4 tỉ đồng. Công ty kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VOS khi nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Giá cổ phiếu VOS đang giao dịch trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh mức 1.570 đồng/cổ phiếu...
Các hãng tàu Việt Nam chỉ đảm đương 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước - NG.NGA
Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) nhận định thị trường bị trượt dốc liên tục sau những khoảng thời gian ngắn tăng điểm. Đến nay vẫn chưa có yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng thật sự bền vững và ổn định. Lượng tàu nằm chờ vẫn khá nhiều do nhu cầu vận chuyển chịu ảnh hưởng xấu bởi nhiều yếu tố như chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng giảm bất ổn, nhu cầu nhập khẩu than giảm… Điển hình là mặt hàng đậu nành, bắp nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc ngưng trệ từ đầu tháng 7.2018 đã làm giảm nhu cầu hàng trăm tàu Pamanax/Supramax mỗi tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vận tải biển quốc tế. Trước đó trong 10 tháng đầu năm 2018, giá dầu thế giới tăng khoảng 30% và tăng lên mức cao 86,74 USD/thùng. Đến gần cuối năm, giá dầu bất ngờ giảm gần 40%, xuống còn khoảng 53,25 USD/thùng. Giá dầu biến động mạnh và thất thường làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Container phía Nam cũng dự đoán tình hình vẫn chưa hồi phục nhiều trong năm nay nên kế hoạch đề ra là tiếp tục thua lỗ hơn 39,8 tỉ đồng. Với tình hình kinh doanh lỗ nhiều năm, không đủ điều kiện phát hành tăng vốn ra công chúng, Hội đồng quản trị sẽ xây dựng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành riêng lẻ. Trước đó, VSG đề ra mục tiêu chuyển hướng kinh doanh bất động sản nhưng với việc thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm, việc triển khai hoạt động này cũng rất khó khăn.
Nhìn chung, đánh giá của các công ty vận tải biển về triển vọng kinh doanh trong năm nay đều khá tiêu cực. Có vẻ rất khó có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2017, Bộ Công thương nhận định do hạn chế về năng lực cạnh tranh nên phạm vi hoạt động của tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á và hiện chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân cho hạn chế này, trong đó nổi bật là sự liên kết lỏng lẻo giữa các chủ tàu với nhau và chủ tàu với chủ hàng cũng như tập quán của chủ hàng Việt Nam mua CIF bán FOB còn phổ biến. Một số doanh nghiệp nhà nước được xác định là nòng cốt trong đó có Vinalines, thì hiệu quả khai thác đội tàu thấp và khó cạnh tranh được với các đội tàu nước ngoài.
Mai Phương
Phản đối dự án lấp biển ở Lý Sơn (RFA, 26/02/2019)
Một công ty đang đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi xin lấp đến 51 ha biển ở đảo Lý Sơn để làm dự án du lịch và nhà ở. Điều này gây quan ngại ảnh hưởng môi trường biển và vấn nạn quan trọng hơn là hủy diệt văn hóa đảo của địa phương. Ý kiến người dân và các nhà khoa học như thế nào ?
Người dân Lý Sơn - RFA
Vào trung tuần tháng 12 năm 2018, Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn, là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Nghĩa, xin đầu tư dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes. Ngay sau đó, dự án này được ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký "thẩm định, trình phê duyệt dự án".
Khi trả lời báo chí, công ty này cho biết dự án được quy hoạch thương mại dịch vụ và nhà ở này gồm 4 phân khu gồm một khu đô thị biển và ba khu cộng đồng dân cư… với tổng mức đầu tư là 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2022.
Trong tổng diện tích 54,65 ha của dự án này thì có đến 51 ha nằm trên thềm lục địa, vũng nước cạn ở phía nam đảo Lý Sơn, kéo dài 2,5 km, phần diện tích còn lại cũng rất sát mép biển.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho biết vấn đề chung này thì hiện nay không chỉ riêng Lý Sơn mà rất nhiều khu vực khác cũng rất quan ngại :
"Người ta chọn phát triển cho cuộc sống người dân, hay là chọn gìn giữ môi trường biển, văn hóa biển thì vẫn duy trì cuộc sống người dân như trước, dẫn đến cuộc sống người dân khốn khó ? Thế thì phát triển kinh tế thì luôn luôn cần thiết, bất cứ nơi nào trên thế giới cũng muốn. Nhưng mà thế giới bây giờ phải hiểu là phát triển thì phải phát triển bền vững, để có thể duy trì cho nhiều đời sau để có thể phát triển được tiếp. Chứ nếu chỉ phát triển một vài đời, rồi đến con cháu không còn gì để phát triển thì đấy là vấn đề cần suy nghĩ và cân nhắc".
Một người dân ở Lý Sơn khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho biết :
"Dự án mà tôi được biết là bên mặt phía nam của đảo, tức là khu có view biển và san hô cực kỳ đẹp, trong những năm gần đây, đảo Lý Sơn phát triển, theo dự án thì họ sẽ lấp hơn 53 ha, họ bảo rằng để lập ra khu dân cư, khu đô thị. Nhưng rõ ràng họ lấp để họ giao cho một doanh nghiệp".
Với quy mô và vị trí của dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes, người dân lo sợ dự án sẽ bồi lấp, tàn phá một diện tích khá lớn mà ở đó là rạn san hô, rong, cỏ biển nằm trong Khu vực phục hồi và tiếp giáp Khu vực bảo vệ nghiệm ngặt của Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Cư dân Lý Sơn nói tiếp :
"Tôi là dân Lý Sơn, khi mà biết tỉnh Quảng Ngãi giao cho một công ty dự án lấp biển, thì tôi cũng như toàn thể dân Lý Sơn kịch liệt phản đối. Bởi vì nó xâm phạm thứ nhất là liên quan đến văn hóa đảo của Cha Ông chúng ta hàng trăm năm đã xây dựng, thứ hai là nó sẽ xâm hại sinh thái biển của người dân Lý Sơn. Người dân Lý Sơn sẽ không được hưởng lợi gì nếu như dự án đó được hình thành".
Bến Lý Sơn, Quảng Ngãi. RFA photo
Ông cho rằng, nếu thực hiện dự án đó thì sẽ hủy diệt văn hóa đảo, chặn không cho người dân đi biển, ảnh hưởng hệ sinh thái biển… chưa kể người dân rất bức xúc, chuyện chính quyền muốn biến đất công thành đất tư cho doanh nghiệp.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, gần đây Việt Nam đã tuyên bố chiến lược biển cho đến năm 2020 và sẽ xây dựng chiến lược biển tiếp nối. Trong chiến lược biển thì Việt Nam cũng đặt ra nhiều mục tiêu cũng như yêu cầu phát triển kinh tế biển. Thế nhưng theo ông, nếu lấp biển, lấn biển thì rạng san hô tuyệt đẹp ở Lý Sơn sẽ chết, chắn chắn sẽ chết và không bao giờ tái tạo lại được. Như vậy nếu xây dựng dự án lấn biển mà tiêu diệt rạng san hô thì có đáng đánh đổi hay không ? Chưa kể Việt Nam cũng có nhiều vấn đề cần bảo tồn như không gian biển, văn hóa biển cũng như tài nguyên biển.
Trước đó, nhiều nhà bảo tồn biển, chuyên gia về địa chất cũng bày tỏ quan ngại nếu dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng đến địa chất của đảo Lý Sơn. Ngoài ra, dự án sẽ làm mất rất lớn diện tích san hô, rong, cỏ biển… vốn đang được bảo tồn nhằm cân bằng lại hệ sinh thái biển đảo.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định :
"Chúng ta sẽ thấy đó là một nghịch lý, khi toàn bộ tài nguyên đất nước, toàn bộ tài nguyên đẹp nhất của địa phương, sẽ chỉ cho một số ít người có thể hưởng thụ được nó, chưa kể việc hưởng thụ đó tàn phá môi trường biển rất là nhiều, tôi nghĩ đó là vấn đề Việt Nam cần xem xét. Câu chuyện này không chỉ ở Lý Sơn mà trước đây đã xảy ra ở Nha Trang, tôi nhớ chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa còn nói rằng, những đảo đó thuộc tỉnh Khánh Hòa nên tỉnh có quyền làm những gì mình muốn. Thế nhưng sau đó Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phải trả lời là, đấy không phải là tài sản của Khánh Hòa mà là của cả nước, giao cho Khánh Hòa quản lý, chứ không phải Khánh Hòa muốn làm gì thì làm mà còn liên quan rất nhiều đến luật pháp Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường biển".
Vì vậy ông cho rằng, thứ nhất phải xem xét Lý Sơn làm vậy có đúng luật hay không ? Và nếu đúng luật thì có nên chăng đánh đổi hy sinh tài nguyên biển để chỉ cho một số người hưởng lợi ?
Khi trao đổi với chúng tôi hôm 26 tháng 2 năm 2019, ông Lê Kế Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đưa ra ý kiến của mình :
"Cái đó là ý tưởng của ai thì tôi nghĩ phải suy nghĩ thật kỹ, lấn biển thì thiếu gì chỗ để lấn. Riêng đảo Lý Sơn thì có rất nhiều di tích lịch sử, biết bao nhiêu sự kiện của dân tộc, của đất nước, nhất là đối với Hoàng Sa. Ở Lý Sơn hàng năm đều có những đội ra quản lý Hoàng Sa. Tôi nghĩ phải bảo tồn Lý Sơn và làm cho nó càng ngày càng đẹp hơn, sao lại lấn biển như thế nhỉ ?"
Ông bày tỏ không đồng tình việc lấn biển làm du lịch, ông cho rằng phát triển kinh tế là phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ truyền thống lịch sử của dân tộc, của đất nước. Phải bảo vệ những cái gì cha ông đã đổ xương máu ra để xây dựng.
Đảo Lý Sơn còn được gọi là cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là ‘cù lao có nhiều cây Ré’, là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý, với diện tích khoảng 9,97 km² và dân số hơn 20 ngàn người.
Người dân sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn tin vào hồn cốt thiêng liêng của đảo này, phần nhiều nằm ngay bến Đình, từ đình làng An Vĩnh hướng tầm mắt ra biển. Cũng tại Bến Đình, hình ảnh hải đội Hoàng Sa được tái hiện qua lễ khao lề thế lính tổ chức hằng năm. Và theo người dân Lý Sơn, nếu lớp lớp biệt thự, khách sạn cao tầng mọc lên án ngữ Bến Đình thì còn đâu di tích, còn đâu văn hóa.
Trung Khang
*******************
Hòa Phát được nhận chìm hơn 15 triệu m3 vật chất xuống biển (RFA, 27/02/2019)
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vào ngày 21/2 nhận được giấy phép chính thức từ Bộ Tài nguyên – Môi trường cho phép nhận chìm 15,39 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Dung Quất, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà điều hành của thép Hòa Phát Dung Quất. Courtesy of soha.vn
Truyền thông trong nước loan tin ngày 27/2.
Tin cho biết, việc nhận chìm sẽ diễn ra từ tháng 3/2019 - 5/2020 và chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn nhận chìm khoảng 7,7 triệu m3 trong diện tích 180 hecta vùng biển Dung Quất được chỉ định với độ sâu từ 51-55 mét.
Trong đó, Công ty Thép Hòa Phát được phép nhận chìm cát và bùn sét, không được nhận chìm chất chất chứa phóng xạ, chất độc, chất nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ và quy chuẩn môi trường.
Trong văn bản Bộ Tài nguyên – Môi trường gửi Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất có yêu cầu nộp phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, đồng thời bố trí kinh phí thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường trong quá trình nhận chìm.
Ngoài ra, Công ty Thép Hòa Phát chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định, cũng như những yêu cầu khác từ phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh...
Khu Liên hiệp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất có diện tích 366 triệu hecta với tổng vốn đầu tư trên 52.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2017.
Nhà máy sẽ sản xuất chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng, với công suất được nói là 4 triệu tấn/năm.
********************
Cá chết hàng loạt tại Quảng Nam (RFA, 26/02/2019)
Nhiều loại cá chết hàng loạt từ chiều ngày 25/2 sau khi một đám bọt trắng nổi trên kênh thủy lợi N10A tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Cá chết trên kênh N10A (đoạn chảy qua xã Tam phước). Courtesy of congan.com.vn
Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/2, cho biết thêm đám bọt trắng này xuất phát từ xã Tam Phước, nơi đầu nguồn dòng kênh N10A.
Ông Vũ Thạch Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Phước, cho biết bọt trắng chỉ xuất hiện 15 phút khi chảy qua xã Tam Phước, nhưng tình trạng cá chết vẫn còn tiếp diễn. Vẫn theo ông, công an huyện Phú Ninh đã lấy mẫu cá đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân cá chết.
Nói với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Nhật Trường, người dân xã Tam An, huyện Phú Ninh cho biết bọt trắng xuất hiện lúc 5 giờ chiều ngày 25/2 trên kênh N10A đoạn chảy qua xã Tam Phước và Tam An. Theo ông, đám bọt này như bọt xà phòng, vệt dài khoảng 500 mét, dày khoảng 10 cm phủ kín mặt kênh, và bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Người dân khi ngửi mùi này cũng bị chóng mặt, đau đầu. Nhiều loại cá như cá rô phi, cá lóc, thậm chí cả gà, vịt sau khi bọt này trôi tới cũng chết hàng loạt.
Ông Huỳnh Tấn Nhật, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam An, cho biết xã cũng đã cử người đi kiểm tra tình hình sau khi nhận được tin báo. Đến nay, tuy bọt đã tan nhưng mùi hôi như thuốc diệt cỏ vẫn còn.
Do chưa biết mức độ nguy hiểm nên người dân xã Tam An hiện được khuyến cáo không được mở nước vào ruộng nhằm tránh gây thiệt hại cho vụ mùa sắp tới.
Đối tượng đập phá tượng Thánh và dùng súng bắn Đức Mẹ giờ thế nào ? (VNTB, 27/04/2018)
Anh Trần Văn Tuấn đã có một vợ và 3 đứa con, Bí thư chi đoàn xóm 7, Trưởng ban văn hóa xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh ta là người cầm đầu hội cờ đỏ tại khu vực xã Diễn Mỹ với mục đích hoạt động chia rẽ Lương - Giáo, bằng cách chống phá những người có đạo, xúc phạm Đức tin của giáo dân nơi đây. Hội cờ đỏ do Tuấn dẫn đầu đã càn phá một cách ngông cuồng trong khu vực suốt 6 tháng trời, chúng hoành hành như băng đảng mafia với sự bảo kê của cấp ủy xã Diễn Mỹ, bằng chứng là nhiều lần đánh giáo dân, đập phá hàng hóa và tài sản của họ trước sự chứng kiến của công an cộng sản.
Những ai theo dõi thông tin trên trang Thanh Niên Công Giáo và một số báo đài khác, đã biết rõ về những gì mà Tuấn và hội Cờ Đỏ đã gây ra cho giáo dân. Chúng cầm băng rôn diễu hành đòi trục xuất linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ, thậm chí khống chế hai linh mục ngay tại trụ sở UBND xã Diễn Mỹ….
Tượng Đức Mẹ bị bắn vỡ nát bởi súng.
Khởi điểm sự quấy phá vào ngày 03/09/2017, Tuấn cầm đầu hội Cờ Đỏ với gậy gộc, thậm chí cả súng Côn tới đập phá tài sản của nhà ông Trần Văn Trịnh và một số gia đình tại xóm chợ Đình, giáo xứ Đông Kiều. Đến ngày 10/9, Tuấn và nhiều kẻ bịt mặt ném đá và cầm dao mác xông vào nhà và quán cà phê ông Duyên Sự để đập phá bàn ghế, Tivi …
Khốn nạn và ngông cuồng nhất phải kể đến lần Tuấn dẫn đám côn đồ đập phá tượng Đức Mẹ tại nhà ông Trịnh, sau đó dùng súng bắn thủng mặt tượng Đức Mẹ của gia đình anh Hoàng Văn Hòe vào đêm 15 tháng 09 năm 2017.
Tình hình giáo dân Đông Kiều mới được yên ổn sau ngày 11/04/2018, đó là ngày mà Tuấn và một số thành viên hội cờ đỏ đi họp "đồng hương xã Diễn Mỹ tại thành phố Vinh". Sau khi họp xong trên đường về nhà, Trần Văn Tuấn đã bị tại nạn giao thông rất nặng làm chấn thương sọ não và bầm dập người khắp người.
Tuấn cầm đầu hội Cờ Đỏ với gậy gộc, thậm chí cả súng Côn tới đập phá tài sản của nhà ông Trần Văn Trịnh
Nguyên nhân tai nạn được biết do Tuấn tự đâm vào cột tường sau một ngày họp hành, vui chơi nhậu nhẹt với bạn bè. Hiện tại Tuấn đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ chỉ còn cách cưa hộp sọ, nuôi não nhằm kiếm cách giữ lại mạng sống cho Trần Văn Tuấn.
Sau khi bị tai nạn rồi mới biết gia cảnh của Tuấn cũng rất khó khăn, một người vợ trẻ vô cùng khốn khổ khi vừa phải nuôi ba đứa con thơ, vừa chạy vay tiền để chữa trị cho một ông chồng ngang tàng. Hoàn cảnh như vậy giờ một mình gia đình Tuấn chịu khổ cực, trong khi Hội Cờ Đỏ không đủ sức chu cấp. Không biết lúc này cấp ủy đảng và công an xã Diễn Mỹ quan tâm lo liệu cho Trần Văn Tuấn cùng vợ con anh ấy như thế nào ?
Người bắn tượng Đức Mẹ giờ phải nằm viện do tai nạn giao thông.
Chúng tôi đưa tin này để cảnh báo những kẻ còn dã tâm xúc phạm tới tượng Thánh, trù dập những người có đức tin bởi hậu quả việc làm ngu xuẩn đó sẽ vô cùng khủng khiếp. Chúng tôi không có quyền kết án Trần Văn Tuấn, nhưng có bổn phận loan tin để những kẻ vô luân biết mà hành xử cho phải lẽ đạo. Đừng bắt vợ con và người thân gánh chịu những hình phạt cay đắng như Trần Văn Tuấn lúc này.
Ước mong vợ con anh Tuấn được bình yên và gặp được người có lòng thiện, để hỗ trợ chữa trị cho anh ấy cùng với việc học hành cho con cái nữa. Nhất là qua thảm cảnh này, anh Tuấn tỉnh ngộ và biết xin lỗi những nạn nhân của anh anh mà cởi bỏ thù hận và u mê. Có như vậy, anh Tuấn và những thành viên Hội Cờ Đỏ mới nhận ra đâu là giá trị đích thực của cuộc đời, để không bị ma qủy xúi giục chà đạp tha nhân và xúc phạm Thiên Chúa.
Nguồn : Thanh Niên Công Giáo
*****************
Người Việt ở nước ngoài gửi về hơn 13 tỷ đô la trong năm 2017 (RFA, 26/04/2018)
Lao động Việt đang sống ở nước ngoài đã gửi về nước 13,8 tỷ đôla Mỹ trong năm 2017, giúp Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Đếm tiền - Ảnh minh họa. AFP
Đây là thông tin trong bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới World Bank mới được công bố vào ngày 23 tháng 4.
Lượng kiều hối 13,8 tỷ đôla Mỹ của Việt Nam tương đương với 6,7% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước trong năm 2017, cho thấy kiều hối tiếp tục là một nguồn thu nhập quan trọng cho đất nước.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới vào tháng 5 năm ngoái, trong vòng 25 năm, dòng kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam đã tăng khoảng 100 lần, từ 140 triệu đôla Mỹ trong năm 1993 lên đến gần 13,4 tỷ đôla Mỹ trong năm 2016.
Dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy hơn một nửa số kiều hối 11,8 tỷ đôla Mỹ Việt Nam nhận được trong năm 2016 đến từ Mỹ, tiếp theo là Úc, Canada, Đức và Pháp.
Thống kê từ Chính phủ Việt Nam cho thấy có đến 135.000 ngàn người Việt đã đi xuất khẩu lao động trong năm 2017, lên đến 6,7% so với năm 2016.
********************
Hiện tượng thủy sản chết ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh : nghi vấn về xả thải của Formosa ? (VNTB, 27/04/2018)
Ngày 24/4/2018, tại các bè nổi nuôi hải sản khu vực biển Vũng Áng, gần nơi sản xuất của Formosa Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng một số cá, mực nuôi ngoi lên mặt nước, lờ đờ rồi chết. Chính quyền giải thích rằng đây là do bị thiếu oxy.
Cá điêu hồng tại lồng nuôi ở khu vực cảng Vũng Áng lờ đờ trên mặt nước, một số sau đó đã bị chết. Ảnh : Dân Trí
Giải thích này khó thuyết phục, vì nếu vùng nước làng bè bị thiếu oxy thì cá không chết đột ngột và nhanh đến như vậy. Việc hải sản đột ngột chết cũng chỉ ghi nhận xảy ra vào buổi sớm 24/4, mà không diễn tiếp sau đó.
"Khi vùng biển được người dân chọn làm bè để nuôi cá bị thiếu oxy (oxy hòa tan, DO), thì trước tiên cá sẽ nổi lên mặt nước, đớp không khí để hô hấp gọi là hiện tượng cá nổi đầu. Nếu thiếu dưỡng khí kéo dài thì hàm dưới của cá nhô ra, màu sắc trên lưng biến nhạt. Nếu không có biện pháp xử lý cá sẽ chết hàng loạt thậm chí chết toàn bộ".
Tài liệu về "Bệnh học thủy sản" của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho biết như vậy.
Giải thích từ nhà chức trách đưa ra là "khu vực các bè nổi đang kinh doanh nằm giữa cầu cảng số 3, số 4 và số 5 đang thi công gây ứ đọng, giảm khả năng lưu thông nguồn nước, có thể tác động đến môi trường" ; và "các chỉ số về các trạm quan trắc online lắp đặt tại các nhà máy Nhiệt điện, Formosa… được gửi về Sở Tài nguyên thì các chỉ số về nguồn nước đều ở ngưỡng bình thường" (!?).
Tuy nhiên theo lời của ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý các dự án của Công ty cảng Quốc tế Lào- Việt thì việc kết luận thi công cầu cảng gây nước ứ đọng, dẫn tới chuyện cá bè trên biển bị chết là không thuyết phục.
"Hiện Công ty cảng Quốc tế Lào-Việt đang thi công Bến cảng số 3. Do đó, đơn vị đang khoan cọc nhồi bằng phương pháp thả ống vách ngăn móc đất lên bờ, công trình thi công được hơn 4 tháng nay đã hoàn thành được 40 cọc bê tông, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước". Ông Tuấn nói và cho biết cần lưu ý tình tiết vào khoảng 5 giờ sáng 24/4, các hộ kinh doanh hải sản trên bè nổi tại Vũng Áng - Hà Tĩnh bất ngờ phát hiện thấy có hiện tượng lạ khi nước biển đang trong bỗng chuyển sang màu như nước chè xanh đặc.
Trong lúc người dân đang đặt câu hỏi tại sao thì đến khoảng 6 giờ cùng ngày bắt đầu thấy hải sản trong lồng bè của mình, trong đó có các loại cá mú, cá hồng, mực nhảy, tôm hùm, cua, ghẹ... thi nhau chết hàng loạt.
"Thi công cọc bê tông bến cảng thực hiện vào ban ngày. Khả năng dòng nước biển có màu như nước chè xanh đặc, là từ một họng cống xả thải nào đó từ nhà máy trong vùng biển này !". Một số công nhân khoan cọc nhồi tại đây đặt nghi vấn. Họ ngại nêu tên Formosa cho ngờ vực xả thải đó.
Năm 2014, nhiều ngư dân khi lặn biển đêm đã phát hiện hệ thống đường ống dẫn nước khổng lồ dưới đáy biển Vũng Áng. Đến đầu tháng 4/2016, cũng trong lúc lặn đêm, một ngư dân bất ngờ phát hiện miệng đường ống khổng lồ nằm dưới đáy biển này đang phun rất mạnh dòng nước có màu vàng đục ra biển. Ngư dân này đã cấp tốc trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Đồn Biên phòng Đèo Ngang sau đó lên tiếng cho rằng, đó chỉ là ống dẫn nước xả thải sinh hoạt của dự án Formosa. Tuy nhiên từ thời điểm đó cá biển ở Vũng Áng đột ngột chết rất nhanh và lan rộng tới nhiều địa phương khác…
Khi ấy, trả lời về hiện tượng cá bị nhiễm độc chết hàng loạt liệu có liên quan đến dự án Formosa, ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Công ty Formosa nói rằng hệ thống xả thải của Formosa trước khi được thải ra biển các điểm xả thải phải tập trung về một chỗ. Sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động. Ống xả thải ra biển này, là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Ống xả thải đó đã được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nhà nước Việt Nam.
Tháng 4 năm nay tái xuất hiện chuyện cá chết ở vùng biển Vũng Áng với quy mô nhỏ hơn. Rất nhanh, chính quyền địa phương đã khẳng định "các chỉ số về các trạm quan trắc online lắp đặt tại các nhà máy Nhiệt điện, Formosa gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đều bình thường (!?)".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Đình Đáp, cựu phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, dè dặt cho rằng : "Đương nhiên họ đã rút kinh nghiệm lần 1, không dám để gây hậu quả như trước, còn xử lý công nghệ như thế nào giảm thiểu ô nhiễm lại khác, đã khai khoáng thì chỉ là mức độ nặng nhẹ ra sao, khu vực đông dân cư hay thế nào, chủ yếu là mức độ chấp nhận được, chỉ là hạn chế tối đa ô nhiễm, chứ không phải là không có ô nhiễm.
Việc sản xuất chắc chắn sẽ kèm theo ô nhiễm, nhà sản xuất nào cũng biết, nhưng tùy theo điều kiện nước sở tại, địa phương có nguồn khoáng sản, ứng xử như thế nào, chấp nhận được hay không, còn đòi hỏi sản xuất, khai khoáng, luyện khoáng không gây ô nhiễm là rất khó. Tôi nói ngay như luyện cốc khô không có công nghệ hiện đại cũng ô nhiễm lắm, ra khói bụi, đối tượng là con người, mà con người sức chịu đựng chất độc rất giỏi, nên cần thời gian lâu dài mới phát bệnh".
Cho đến nay, chuyện đặt nghi vấn về việc Formosa Hà Tĩnh tiếp tục xả thải đầu độc môi trường, rất dễ bị nhà chức trách chụp mũ chính trị.
Thảo Vy-Nguyễn Cao
Những ngày Tết Đinh Dậu vừa qua, người dân lại tiếp nhận thông tin cá lại chết hàng loạt ở Quảng Bình. Hàng loạt cá khoai đã chết tấp vào bờ gây sự sợ hãi và phẫn nộ của người dân.
Hàng loạt cá chết tấp vào bờ gây sự sợ hãi và phẫn nộ của người dân
Những màn kịch độc ác
Ngay lập tức, ngày 2/2/2017, Nguyễn Viết Ánh - chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết việc cá biển chết hàng loạt ở biển Hải Ninh những ngày vừa qua "là bình thường".
Thoạt nghe tin này, người ta nghĩ rằng ông Chủ tịch cho rằng cá chết là bình thường, vì biển vẫn độc - một điều hết sức hiển nhiên - để cảnh báo người dân đừng ăn chất độc vào mình mà gây đại họa sức khỏe người dân và suy tàn nòi giống Việt.
Nhưng không, ông ta giải thích rằng "chỉ là cá khoai, là loài cá sinh sống gần như trên mặt nước và có chu kỳ sống khá ngắn ngủi".
Thậm chí, tay Lê Văn Khởi - bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh còn nói rằng do "tập trung ở một chỗ nên lượng cá chết tăng nhiều hơn bình thường".
Cái "bình thường" ở cách giải thích mà đến trẻ con cũng không thể nhịn được cười này đã phản ánh một điều : Họ đã không dám nói thật - Biển độc.
Tưởng chỉ có Quảng Bình mới có chuyện lấp liếm việc cá chết hàng loạt, đẩy người dân vào chỗ ăn cá độc.
Nhưng, không chỉ có Quảng Bình.
Ngày sau tết, 4/2/2017, trên một chương trình Tivi, người ta thấy ông Cục trưởng cục nuôi trồng Thủy sản và cả ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lên nói rằng : Các loại cá đã nhiều trên biển Hà Tĩnh, điều đó chứng tỏ rằng biển đã sạch( !).
Nghe những lời này, người ta nhớ lại vẫn những lời nói, hành động của các quan chức nhà nước về việc nhiễm độc biển và thảm họa môi trường ở Miền Trung.
- Ngày 6/4, người dân phát hiện ra cá chết hàng loạt, thảm họa môi trưởng Biển Miền Trung bắt đầu được phát hiện. Hàng loạt các loại cá, chim, sinh vật biển kể cả san hô thi nhau "đi theo cụ Các Mác, cụ Lenin" mà "chưa rõ nguyên nhân". Cả nước hoảng hốt với thông tin này.
Thế nhưng.
- Ngày 23/4/2017, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố : "mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này".
- Ngày 26/4/2017, Báo Hà Tĩnh, cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Hà Tĩnh tuyên bố : "Biển đã sạch hơn" và xúi ngư dân ra khơi đánh bắt.
Vậy rồi cá tiếp tục chết, mà không chỉ có cá. Người dân kêu điện thoại tận nhà Phó Chủ tịch Tỉnh đề nghị ông ăn cá và tắm biển Vũng Áng làm mẫu, ông lặn mất tăm.
Sau đó, hàng loạt màn diễn được quan chức từ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đến quan chức Quảng Bình, Đà Nẵng đã thi nhau tắm biển và ăn cá biển. Họ muốn làm mẫu cho người dân cứ vậy mà xơi cá. Mục đích là để ve vuốt và lừa đảo người dân, xoa dịu cơn giận dữ của họ với kẻ đã thủ ác gây ra Thảm họa môi trường cũng như những kẻ cố tình bao che cho nó.
Phải nói rằng, đó là những màn kịch độc ác.
Bởi không ai có lương tâm lại man rợ đến mức không cần kiểm nghiệm, không biết được mức độ độc tố ở biển ra sao mà vẫn xúi dân là "ông chủ" là "cha mẹ" mình đi ăn những chất độc đó.
Nếu có một con số thống kê, thử hỏi trong gia đình quan chức từ Hà Tĩnh đến mấy tỉnh Miền Trung, có những nhà nào dám ăn cá từ biển Miền Trung ? Tôi dám chắc là họ chưa bị điên.
Cho đến tận chiều tối 30/6/2017, chính phủ mới công nhận việc cá nhiễm độc chết do Formosa xả độc, sau khi đã dàn hàng loạt công an, cảnh sát các loại vào dằn mặt và đe dọa cơn phẫn nộ của người dân Miền Trung.
Thế nhưng, cũng trong việc công bố nguyên nhân cá chết, Thứ trưởng Bộ môi trường còn giấu giếm điều cốt tử khi người ta hỏi về kim loại nặng trong nước biển rằng "nói kến kim loại nặng là gây tổn hại cho dân tộc" - quả là một trò hài không thể cười nổi.
Tất cả những ví dụ trên, cho thấy một điều : Nhà cầm quyền hiện nay, đã bất chấp tất cả mọi vấn đề về sức khỏe, sinh mạng của người dân và sự tồn vong của nòi giống, chỉ nhằm để bảo vệ bằng được kẻ thủ ác, và đằng sau đó là những nhóm lợi ích đã đang tâm đầu độc đất nước này.
Biển sạch thật không ?
Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ cho rằng "Phải mất ít nhất 50 năm sau, hệ sinh thái biển ở bốn tỉnh này mới phục hồi lại như hiện trạng ban đầu".
Thế nhưng, chỉ cần 4 tháng sau, ngày 22/8/2016, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tuyên bố trên báo chí : "Biển đã sạch, cá đã ăn được". Quả là sự thần kỳ chỉ có ở Việt Nam nếu tin theo lời quan chức cộng sản.
Có điều là sau đó lại hàng loạt vụ ngộ độc hải sản từ biển diễn ra liên tiếp. Và lại tiếp tục màn dối trá, quanh co vòng vo tam quốc nhằm che giấu nguyên nhân. Thậm chí gà chết sau khi ăn cá là "do gà ăn quá no".
Nghe câu nói này, nhiều người dù đau đớn cũng phải bật người mà rằng : Nếu ăn quá no mà chết, thì hàng loạt quan chức cộng sản tham nhũng đâu còn tồn tại, "lấy đâu ra cán bộ mà làm việc" như lời Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Ngồi Vũng Áng, ăn cá Vũng Tàu. Cá Vũng Áng đi đâu ?
Chúng tôi đã có mặt tại Vũng Áng những ngày sát tết trong đợt cứu trợ cho ngư dân có cái để đón xuân. Thảm họa môi trường đã xảy ra cách đó 9 tháng.
Ngồi ngay tại Vũng Áng trong một bữa cơm trưa có món cá biển, chủ nhà sợ chúng tôi nghi ngại đã nói rõ : Đây là cá biển nhưng được người thân gửi từ Vũng Tàu ra chứ không phải cá biển miền Trung.
Khi hỏi về hải sản và những thứ từ biển nơi đây, người dân cho biết : Sau khi thảm họa môi trường xảy ra, nhiều ngư dân đã bị nhiễm độc chì và nhiều người đã bị ngộ độc cá. Hàng loạt người đi khám sức khỏe để đi lao động nước ngoài đã không thể đảm bảo sức khỏe vì cơ thể nhiễm chì. Từ đó, không ai dám ăn bất cứ sản vật nào từ biển.
Tuy nhiên, là những người con của biển, từ tấm bé đến khi xuống mồ con cá và hạt muối như ngấm vào từng thớ thịt đường gân của họ, do vậy thiếu cá thì không thể chịu được. Và họ phải nhờ người mua từ các nơi khác xa xôi gửi về để ăn cho đỡ nhớ.
Thế nhưng, gần đây khi những loài cá tầng đáy và tầng trung đã không thể sống được, thì những đoàn cá tầng nổi vẫn theo sóng vào tận đây. Và khi vào đây, thì rất dễ đánh bắt. Thậm chí, có thuyền còn đánh được cả ba bốn tạ cá khoai mỗi ngày. Dù giá rẻ thì vẫn bán được một số tiền kha khá.
Theo cách giải thích của ngư dân, thì cá đó từ ngoài khơi vào bị nhiễm độc thì càng dễ đánh bắt hơn bình thường. Bởi để lâu hơn thì cá sẽ ngấm độc và... chết. Hiện tượng mấy ngày tết vừa qua, cá ở Quảng Bình chết hàng loạt là vì sau khi nhiễm độc không bị đánh bắt do vào ngày gần tết, nên cá rủ nhau chết hàng loạt là vì vậy.
Khi chúng tôi tìm hiểu số cá đánh bắt được thì có ai kiểm định kiểm tra độ độc tố của nó trước khi đưa đi tiêu thụ hay không ? Câu trả lời là "Không", chưa có bất cứ một động thái nào từ cơ quan nhà nước nào kiểm tra để xem các loại cá nào hiện nay đã ăn được, loại nào không, mẻ cá nào có thể đưa ra thị trường và mẻ nào cần tiêu hủy.
Tất cả cứ mặc kệ người dân tự xử.
Người dân cho chúng tôi biết : Ở đây người dân không dám ăn, nên giá rất rẻ so với thị trường bình thường. Thế nhưng các đầu mối thu gom từ khắp nơi đổ về đây mua đưa đi, thì không ai quan tâm nó sẽ đi đâu nữa.
Và như vậy, nguồn cá độc từ Vũng Áng, từ vùng ô nhiễm cứ nối đuôi nhau ra đi "phục vụ" đồng bào cả nước.
Thật là một đại họa cho dân tộc khi nguồn kim loại nặng dồi dào từ Formosa qua những xe cá đi tung tăng ra khắp cả đất nước này rồi ngấm vào các tế bào người dân để gây họa lâu dài.
Thế nhưng, cũng trong chương trình TV đã nói ở trên, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh còn "tự hào" rằng "cá đánh bắt đến đâu đã được tiêu thụ đến đó" như một thành tích. Không hề thấy ông mảy may đặt câu hỏi rằng cá đó có thật sự đã sạch hay chưa, còn nhiễm độc hay không mà được tung ra thị trường cả nước ?
Trong khi đó, theo ngư dân, thì còn lâu mới nghĩ đến chuyện biển sạch và cá hết độc.
Sự dốt nát hay sự tê liệt của lương tâm ?
Vậy câu hỏi đặt ra là : Những cán bộ nói trên, từ Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện, xã... vùng thảm họa và các cơ quan quản lý hoàn toàn không nghi ngờ về độc tố còn có trong cá hay không ? Hay họ hoàn toàn yên tâm là biển đã sạch và cá đã hết độc ?
Theo suy đoán của mỗi người bình thường, thì các cán bộ trên dù có diễn đủ bài, có phát biểu đủ lời về biển sạch, dù họ có diễn bài ăn hải sản để dụ người dân im miệng mà ăn... thì họ vẫn biết rất rõ là biển vẫn độc và cá vẫn không sạch.
Bằng chứng rất rõ là ông Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã hứa qua điện thoại với người dân là sẽ ăn cá và tắm biển Vũng Áng. Nhưng từ đó đến nay chưa thấy ông ta làm việc đó ?
Bằng chứng rất rõ là từ khi mấy bộ trưởng và quan chức ăn mẫu cho TV và đài báo tuyên truyền, đến nay chưa thấy ông nào đến ăn lại hoặc mua về nhà cho bố mẹ, vợ con họ ăn.
Bằng chứng rất rõ nữa, là chính họ đã không hề đặt ra vấn đề kiểm nghiệm lại biển cũng như các loài thủy sản để công bố công khai. Bởi họ biết rõ, nếu làm vậy thì công lao tuyên truyền dụ người dân sẽ bị bóc trần khi các con số lên tiếng.
Và một điều rất cốt yếu là nhà nước đã lỡ nhận 500 triệu dola của kẻ thủ ác Formosa để đền bù, thì số tiền đó có đủ đền bù cho những thiệt hại của người dân cho đến hết 50 năm, khi biển thật sự sạch ? Theo những người dân ở đây, thì có lẽ số tiền đó chỉ đủ để huy động số công an, cảnh sát cơ động để trấn áp các cuộc biểu tình, huy động công an, an ninh đi rình rập người dân... được một thời gian nữa. Còn sau đó, thì nhà nước lại lấy thuế của người dân cả nước mà bù lỗ cho thảm họa do Formosa.
Tạm kết
Nếu như, theo những gì người cán bộ cộng sản thể hiện, là do sự tối tăm dốt nát đã không cho họ thấy những nguy hiểm của việc mang độc tố kim loại nặng từ Formosa đến từng tế bào người dân, thì đó cũng là chuyện bình thường, một vấn nạn của xã hội cộng sản vốn tồn tại lâu nay của việc sử dụng "người nhà thay cho người tài".
Còn nếu như, họ cũng như những người bình thường, biết rất rõ các tác hại của chất độc khi đi vào từng bữa cơm người dân mang lại đại họa lâu dài cho dân tộc, nòi giống này... mà họ vẫn làm ngơ để "nói và hành động theo nghị quyết" mặc cho mọi hậu quả xảy ra.
Thì đã xảy ra thêm một thảm họa vô cùng lớn : Sự tê liệt đến mức báo động của lương tâm con người trong những người cộng sản.
Hà Nội, ngày 8/2/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 08/02/2017 (nguyenhuuvinh's blog)