Phản đối dự án lấp biển ở Lý Sơn (RFA, 26/02/2019)
Một công ty đang đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi xin lấp đến 51 ha biển ở đảo Lý Sơn để làm dự án du lịch và nhà ở. Điều này gây quan ngại ảnh hưởng môi trường biển và vấn nạn quan trọng hơn là hủy diệt văn hóa đảo của địa phương. Ý kiến người dân và các nhà khoa học như thế nào ?
Người dân Lý Sơn - RFA
Vào trung tuần tháng 12 năm 2018, Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn, là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Nghĩa, xin đầu tư dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes. Ngay sau đó, dự án này được ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký "thẩm định, trình phê duyệt dự án".
Khi trả lời báo chí, công ty này cho biết dự án được quy hoạch thương mại dịch vụ và nhà ở này gồm 4 phân khu gồm một khu đô thị biển và ba khu cộng đồng dân cư… với tổng mức đầu tư là 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2022.
Trong tổng diện tích 54,65 ha của dự án này thì có đến 51 ha nằm trên thềm lục địa, vũng nước cạn ở phía nam đảo Lý Sơn, kéo dài 2,5 km, phần diện tích còn lại cũng rất sát mép biển.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho biết vấn đề chung này thì hiện nay không chỉ riêng Lý Sơn mà rất nhiều khu vực khác cũng rất quan ngại :
"Người ta chọn phát triển cho cuộc sống người dân, hay là chọn gìn giữ môi trường biển, văn hóa biển thì vẫn duy trì cuộc sống người dân như trước, dẫn đến cuộc sống người dân khốn khó ? Thế thì phát triển kinh tế thì luôn luôn cần thiết, bất cứ nơi nào trên thế giới cũng muốn. Nhưng mà thế giới bây giờ phải hiểu là phát triển thì phải phát triển bền vững, để có thể duy trì cho nhiều đời sau để có thể phát triển được tiếp. Chứ nếu chỉ phát triển một vài đời, rồi đến con cháu không còn gì để phát triển thì đấy là vấn đề cần suy nghĩ và cân nhắc".
Một người dân ở Lý Sơn khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho biết :
"Dự án mà tôi được biết là bên mặt phía nam của đảo, tức là khu có view biển và san hô cực kỳ đẹp, trong những năm gần đây, đảo Lý Sơn phát triển, theo dự án thì họ sẽ lấp hơn 53 ha, họ bảo rằng để lập ra khu dân cư, khu đô thị. Nhưng rõ ràng họ lấp để họ giao cho một doanh nghiệp".
Với quy mô và vị trí của dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes, người dân lo sợ dự án sẽ bồi lấp, tàn phá một diện tích khá lớn mà ở đó là rạn san hô, rong, cỏ biển nằm trong Khu vực phục hồi và tiếp giáp Khu vực bảo vệ nghiệm ngặt của Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Cư dân Lý Sơn nói tiếp :
"Tôi là dân Lý Sơn, khi mà biết tỉnh Quảng Ngãi giao cho một công ty dự án lấp biển, thì tôi cũng như toàn thể dân Lý Sơn kịch liệt phản đối. Bởi vì nó xâm phạm thứ nhất là liên quan đến văn hóa đảo của Cha Ông chúng ta hàng trăm năm đã xây dựng, thứ hai là nó sẽ xâm hại sinh thái biển của người dân Lý Sơn. Người dân Lý Sơn sẽ không được hưởng lợi gì nếu như dự án đó được hình thành".
Bến Lý Sơn, Quảng Ngãi. RFA photo
Ông cho rằng, nếu thực hiện dự án đó thì sẽ hủy diệt văn hóa đảo, chặn không cho người dân đi biển, ảnh hưởng hệ sinh thái biển… chưa kể người dân rất bức xúc, chuyện chính quyền muốn biến đất công thành đất tư cho doanh nghiệp.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, gần đây Việt Nam đã tuyên bố chiến lược biển cho đến năm 2020 và sẽ xây dựng chiến lược biển tiếp nối. Trong chiến lược biển thì Việt Nam cũng đặt ra nhiều mục tiêu cũng như yêu cầu phát triển kinh tế biển. Thế nhưng theo ông, nếu lấp biển, lấn biển thì rạng san hô tuyệt đẹp ở Lý Sơn sẽ chết, chắn chắn sẽ chết và không bao giờ tái tạo lại được. Như vậy nếu xây dựng dự án lấn biển mà tiêu diệt rạng san hô thì có đáng đánh đổi hay không ? Chưa kể Việt Nam cũng có nhiều vấn đề cần bảo tồn như không gian biển, văn hóa biển cũng như tài nguyên biển.
Trước đó, nhiều nhà bảo tồn biển, chuyên gia về địa chất cũng bày tỏ quan ngại nếu dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng đến địa chất của đảo Lý Sơn. Ngoài ra, dự án sẽ làm mất rất lớn diện tích san hô, rong, cỏ biển… vốn đang được bảo tồn nhằm cân bằng lại hệ sinh thái biển đảo.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định :
"Chúng ta sẽ thấy đó là một nghịch lý, khi toàn bộ tài nguyên đất nước, toàn bộ tài nguyên đẹp nhất của địa phương, sẽ chỉ cho một số ít người có thể hưởng thụ được nó, chưa kể việc hưởng thụ đó tàn phá môi trường biển rất là nhiều, tôi nghĩ đó là vấn đề Việt Nam cần xem xét. Câu chuyện này không chỉ ở Lý Sơn mà trước đây đã xảy ra ở Nha Trang, tôi nhớ chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa còn nói rằng, những đảo đó thuộc tỉnh Khánh Hòa nên tỉnh có quyền làm những gì mình muốn. Thế nhưng sau đó Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phải trả lời là, đấy không phải là tài sản của Khánh Hòa mà là của cả nước, giao cho Khánh Hòa quản lý, chứ không phải Khánh Hòa muốn làm gì thì làm mà còn liên quan rất nhiều đến luật pháp Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường biển".
Vì vậy ông cho rằng, thứ nhất phải xem xét Lý Sơn làm vậy có đúng luật hay không ? Và nếu đúng luật thì có nên chăng đánh đổi hy sinh tài nguyên biển để chỉ cho một số người hưởng lợi ?
Khi trao đổi với chúng tôi hôm 26 tháng 2 năm 2019, ông Lê Kế Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đưa ra ý kiến của mình :
"Cái đó là ý tưởng của ai thì tôi nghĩ phải suy nghĩ thật kỹ, lấn biển thì thiếu gì chỗ để lấn. Riêng đảo Lý Sơn thì có rất nhiều di tích lịch sử, biết bao nhiêu sự kiện của dân tộc, của đất nước, nhất là đối với Hoàng Sa. Ở Lý Sơn hàng năm đều có những đội ra quản lý Hoàng Sa. Tôi nghĩ phải bảo tồn Lý Sơn và làm cho nó càng ngày càng đẹp hơn, sao lại lấn biển như thế nhỉ ?"
Ông bày tỏ không đồng tình việc lấn biển làm du lịch, ông cho rằng phát triển kinh tế là phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ truyền thống lịch sử của dân tộc, của đất nước. Phải bảo vệ những cái gì cha ông đã đổ xương máu ra để xây dựng.
Đảo Lý Sơn còn được gọi là cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là ‘cù lao có nhiều cây Ré’, là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý, với diện tích khoảng 9,97 km² và dân số hơn 20 ngàn người.
Người dân sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn tin vào hồn cốt thiêng liêng của đảo này, phần nhiều nằm ngay bến Đình, từ đình làng An Vĩnh hướng tầm mắt ra biển. Cũng tại Bến Đình, hình ảnh hải đội Hoàng Sa được tái hiện qua lễ khao lề thế lính tổ chức hằng năm. Và theo người dân Lý Sơn, nếu lớp lớp biệt thự, khách sạn cao tầng mọc lên án ngữ Bến Đình thì còn đâu di tích, còn đâu văn hóa.
Trung Khang
*******************
Hòa Phát được nhận chìm hơn 15 triệu m3 vật chất xuống biển (RFA, 27/02/2019)
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vào ngày 21/2 nhận được giấy phép chính thức từ Bộ Tài nguyên – Môi trường cho phép nhận chìm 15,39 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Dung Quất, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà điều hành của thép Hòa Phát Dung Quất. Courtesy of soha.vn
Truyền thông trong nước loan tin ngày 27/2.
Tin cho biết, việc nhận chìm sẽ diễn ra từ tháng 3/2019 - 5/2020 và chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn nhận chìm khoảng 7,7 triệu m3 trong diện tích 180 hecta vùng biển Dung Quất được chỉ định với độ sâu từ 51-55 mét.
Trong đó, Công ty Thép Hòa Phát được phép nhận chìm cát và bùn sét, không được nhận chìm chất chất chứa phóng xạ, chất độc, chất nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ và quy chuẩn môi trường.
Trong văn bản Bộ Tài nguyên – Môi trường gửi Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất có yêu cầu nộp phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, đồng thời bố trí kinh phí thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường trong quá trình nhận chìm.
Ngoài ra, Công ty Thép Hòa Phát chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định, cũng như những yêu cầu khác từ phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh...
Khu Liên hiệp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất có diện tích 366 triệu hecta với tổng vốn đầu tư trên 52.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2017.
Nhà máy sẽ sản xuất chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng, với công suất được nói là 4 triệu tấn/năm.
********************
Cá chết hàng loạt tại Quảng Nam (RFA, 26/02/2019)
Nhiều loại cá chết hàng loạt từ chiều ngày 25/2 sau khi một đám bọt trắng nổi trên kênh thủy lợi N10A tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Cá chết trên kênh N10A (đoạn chảy qua xã Tam phước). Courtesy of congan.com.vn
Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/2, cho biết thêm đám bọt trắng này xuất phát từ xã Tam Phước, nơi đầu nguồn dòng kênh N10A.
Ông Vũ Thạch Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Phước, cho biết bọt trắng chỉ xuất hiện 15 phút khi chảy qua xã Tam Phước, nhưng tình trạng cá chết vẫn còn tiếp diễn. Vẫn theo ông, công an huyện Phú Ninh đã lấy mẫu cá đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân cá chết.
Nói với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Nhật Trường, người dân xã Tam An, huyện Phú Ninh cho biết bọt trắng xuất hiện lúc 5 giờ chiều ngày 25/2 trên kênh N10A đoạn chảy qua xã Tam Phước và Tam An. Theo ông, đám bọt này như bọt xà phòng, vệt dài khoảng 500 mét, dày khoảng 10 cm phủ kín mặt kênh, và bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Người dân khi ngửi mùi này cũng bị chóng mặt, đau đầu. Nhiều loại cá như cá rô phi, cá lóc, thậm chí cả gà, vịt sau khi bọt này trôi tới cũng chết hàng loạt.
Ông Huỳnh Tấn Nhật, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam An, cho biết xã cũng đã cử người đi kiểm tra tình hình sau khi nhận được tin báo. Đến nay, tuy bọt đã tan nhưng mùi hôi như thuốc diệt cỏ vẫn còn.
Do chưa biết mức độ nguy hiểm nên người dân xã Tam An hiện được khuyến cáo không được mở nước vào ruộng nhằm tránh gây thiệt hại cho vụ mùa sắp tới.