Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/05/2019

Sông ngòi ô nhiễm, cá chết hàng loạt, vận tải biển thua lỗ

Tổng hợp

Sông ô nhiễm, 6.000 gia đình ở Hậu Giang khốn khổ vì thiếu nước sạch (Người Việt, 03/05/2019)

Hàng ngàn gia đình sống dọc sông Cái Lớn, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ "kêu trời" trước tình trạng nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngay cả nhà máy nước cũng không thể lấy nước để cung cấp cho dân.

onhiem1

Một đoạn sông Cái Lớn nước đen như nước cống. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Chị Phạm Thị Thúy Linh (35 tuổi, ngụ khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ), cho biết tình trạng nước đen, thối đã kéo dài gần 10 ngày nay làm cho ếch, cá nuôi của chị và của nhiều gia đình khác bị chết gần hết.

Nói về nguyên nhân nước sông bị ô nhiễm, người dân cho rằng do công ty trách nhiệm hữu hạn Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát (Công Ty Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát) xả chất thải.

"Từ khi công ty mía đường này hoạt động đến nay thì nước sông thường xuyên bị đen. Lúc trước thỉnh thoảng nước mới đen nhưng thời gian gần đây nước càng đen, thối và liên tục, người dân chỉ biết kêu trời", chị Linh bức xúc nói.

Ngày 2 Tháng Năm, 2019, khảo sát dọc theo sông Cái Lớn, báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận "nước sông đen kịt như nước cống, mùi thối bốc lên nồng nặc. Đoạn sông chảy qua khu vực trung tâm thị xã Long Mỹ cũng nhuộm một màu đen".

onhiem2

Công ty Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát vẫn hoạt động bình thường với nhiều ghe mía đậu chờ. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Ở khu vực 4, phường Thuận An, từ sáng sớm 2 Tháng Năm, bị cúp nước đột ngột do nước sông bị ô nhiễm, trạm cấp phát nước thị xã Long Mỹ không có nước cung cấp cho dân.

"Nghe là nước sông ô nhiễm trạm cấp nước không lấy nước được nên cúp nước. Thấy xe bồn cấp nước đi ngang nên người dân đem xô ra cửa chờ đón để lấy nước nhưng xe không đủ phát. May gia đình tôi có dự trữ ít nước mưa nên xài tạm, chứ nhà khác không có phải mua nước bình về nhà tắm luôn", anh Nguyễn Thương (ở khu vực 4, phường Thuận An) nói.

Ngày 3 Tháng Năm, nói với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bá Nam, giám đốc Chi Nhánh Cấp Thoát Nước – Công Trình Đô Thị thị xã Long Mỹ thừa nhận nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm, không có nước sạch nên phải tạm ngừng cấp phát cho người dân.

"Trước mắt chúng tôi lấy nguồn nước ngầm để cung cấp cho người dân, nhưng nguồn nước này cũng không đủ để cung cấp liên tục nên phải cấp ngắt quãng 3 tiếng một lần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì không ổn", ông Nam nói.

Tin cho biết, nước sông Cái Lớn nguồn nước chính để cung cấp cho Nhà Máy Nước thị xã Long Mỹ hoạt động cung cấp nước cho khoảng 6.000 hộ dân ở thị xã.

Giải thích về việc công ty được cho là tác nhân chính gây ô nhiễm nước sông, nói qua điện thoại với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh bà Bùi Thị Quy, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát, cho rằng phản ánh của người dân là không đúng. "Công ty tôi đã ngưng hoạt động đã hai năm nay, không có gì để xả thải".

onhiem3

Người dân để xô nhựa trực chờ xe đô thị phát nước. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Thế nhưng theo người dân, thời gian qua vẫn thấy công ty Long Mỹ Phát vẫn hoạt động bình thường.

Ông Trần Đình Tuấn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Vĩnh Thuận Đông, thị xã Long Mỹ, cho biết Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Hậu Giang đã gửi thông báo kết quả giám định mẫu nước.

"Thông báo chỉ thể hiện nước sông bị ô nhiễm nhưng nguyên nhân cụ thể là gì thì phải chờ kết quả giám định", ông Tuấn nói.

Cũng trong sáng ngày 3 Tháng Năm, Phòng Cảnh Sát Môi Trường Công An tỉnh Hậu Giang, cho biết đã phối hợp với các cơ quan hữu trách đến làm việc tại Công Ty Mía Đường Cồn Long Mỹ Phát và lấy mẫu gửi đến Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Cần Thơ để kiểm định. (Tr.N)

***************

Cá chết trắng sông ở Hậu Giang (RFA, 03/05/2019)

Hàng loạt cá, tôm và các loài thủy sản khác bỗng dưng chết hàng loạt, khi nước sông Cái Lớn ở Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

onhiem4

Hàng loạt cá, tôm và các loài thủy sản khác bỗng dưng chết hàng loạt, khi nước sông Cái Lớn ở Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Courtesy DanViet/RFA Edited

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 3/5/2019.

Sông Cái Lớn đi qua địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang.

Trả lời báo chí trong nước, người dân địa phương cho biết, tình trạng nước đen như nước cống đã kéo dài gần 10 ngày qua làm cá chết, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Nhiều người đầu tư nuôi cá, ếch, lươn ở khu vực này bị chết hết, số lượng lên đến hàng chục ngàn con, khiến vốn liếng bỏ ra mất sạch.

Chi nhánh Cấp nước ở Long Mỹ phải dừng lấy nước và tiến hành cúp nước, chuyển sang cấp nước cục bộ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, ông Trần Đình Tuấn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi thông báo kết quả giám định mẫu nước, nhưng chỉ thể hiện nước sông bị ô nhiễm chứ không nêu nguyên nhân cụ thể là gì.

Một số người dân cho rằng, nguyên nhân gây ra ô nhiễm là do một công ty mía đường ở khu vực này, hiện Phòng cảnh sát môi trường đã vào cuộc.

********************

Cá chết gây ô nhiễm kênh Khe Cạn ở Đà Nẵng (RFA, 03/05/2019)

Cá tiếp tục chết trắng và nổi lềnh bềnh trên kênh Khe Cạn và Phú Lộc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm 3/5/2019.

onhiem5

Cá tiếp tục chết trắng và nổi lềnh bềnh trên kênh Khe Cạn và Phú Lộc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm 3/5/2019. Courtesy NLD

Báo chí trong nước loan tin trong cùng ngày, theo đó người dân sinh sống dọc tuyến kênh Khe Cạn và Phú Lộc than phiền tình trạng ô nhiễm nặng tại khu vực 2 kênh vừa nêu xảy ra suốt nhiều ngày nay.

Trả lời báo chí người dân khu vực này cho biết, không hiểu vì sao nơi này nằm cạnh Trạm xử lý nước thải Phú Lộc mà tình trạng ô nhiễm nước thải, cá chết lại liên tục xảy ra và không được xử lý. Xác cá chết và nước thải lẫn rác thải không được thu gom, xử lý buộc người dân phải đóng kín cửa nhà vì lo sợ ô nhiễm.

Trong khi trước đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết nước thải tại khu vực Khe Cạn và Phú Lộc đã được thu gom về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý, nước thải không còn chảy ra sông, sau khi tình trạng cá chết trắng xảy ra tại đây vào ngày 22/4/2019.

*******************

Thua lỗ tiếp tục 'nhấn chìm' ngành vận tải biển (Thanh Niên, 01/05/2019)

Bán trụ sở, bán tàu nhưng nhiều công ty vẫn chưa đủ để trả hết khoản nợ tồn đọng.

onhiem6

Nhiều hãng tàu triền miên thua lỗ - CTV

Gần 10 năm thua l

Công ty cổ phần Container phía Nam (VSG) kết thúc năm 2018 tiếp tục bị lỗ hơn 54,2 tỉ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế lên đến 523,77 tỉ đồng. Đồng thời nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 528 tỉ đồng. Vì vậy công ty kiểm toán bày tỏ sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VSG. Đáng chú ý, đây là năm thứ 9 liên tục VSG chìm trong thua lỗ. Hội đồng quản trị VSG nhận định, do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung của thế giới và Việt Nam, giá cước vận tải biển thấp, hầu hết công ty vận tải biển của Việt Nam và các hãng vận tải lớn của nước ngoài năm vừa qua đều thua lỗ. Đó là tình trạng chung và VSG không nằm ngoài. Mặc dù Ban điều hành đã tìm mọi biện pháp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh kho bãi, cho thuê văn phòng... vẫn không đủ bù cho khoản lỗ quá lớn của vận tải biển. Và đây vẫn là bài toán khó đối với Ban điều hành công ty trong năm tới. Cổ phiếu VSG đang niêm yết trên UPCoM với giá 1.400 đồng/cổ phiếu và gần như không có giao dịch.

Trong khi đó, mức lỗ lũy kế ở mức "khủng" thuộc về Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) khi năm 2018 tiếp tục lỗ gần 255,2 tỉ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế của công ty này lên 1.780,7 tỉ đồng trong khi nguồn vốn của công ty chỉ có hơn 1.000 tỉ đồng. Kiểm toán viên cũng cho biết nợ ngắn hạn với gần 1.900 tỉ đồng cũng đang lớn hơn tài sản ngắn hạn, trong đó có các khoản vay đã quá hạn thanh toán. Vì vậy kiểm toán viên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VST. Giá cổ phiếu VST đang giao dịch trên UPCoM ở mức 800 đồng/cổ phiếu và hầu như bị mất thanh khoản.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SSG) năm vừa qua đạt lợi nhuận sau thuế 35,7 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty có lãi sau 6 năm thua lỗ liên tiếp nhờ bán trụ sở cũ, xử lý xong khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Việt Á. Tuy nhiên sau khi trừ đi mức lỗ của các năm trước thì đến hết 2018, SSG vẫn còn bị lỗ lũy kế trên 45 tỉ đồng. Đáng chú ý, công ty kiểm toán cũng nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 36,5 tỉ đồng. Phía SSG cũng nhận định hiện nay giá dầu lại tăng, chi phí nhiên liệu, dầu nhớt chiếm trên 40% doanh thu. Việc giá dầu tăng khiến chi phí dịch vụ hàng hải tăng trong khi hàng hóa khan hiếm, tàu chạy rỗng nhiều mà giá cước vận tải giảm khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy công ty này cũng không có chủ trương đóng tàu mới hay mua tàu đã qua sử dụng trong năm 2019.

Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) năm 2018 có lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức lỗ lũy kế của công ty vẫn còn hơn 792,3 tỉ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2018 là 654,4 tỉ đồng. Công ty kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VOS khi nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Giá cổ phiếu VOS đang giao dịch trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh mức 1.570 đồng/cổ phiếu...

Hoàn toàn bế tc ?

onhiem7

Các hãng tàu Việt Nam chỉ đảm đương 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước - NG.NGA

Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) nhận định thị trường bị trượt dốc liên tục sau những khoảng thời gian ngắn tăng điểm. Đến nay vẫn chưa có yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng thật sự bền vững và ổn định. Lượng tàu nằm chờ vẫn khá nhiều do nhu cầu vận chuyển chịu ảnh hưởng xấu bởi nhiều yếu tố như chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng giảm bất ổn, nhu cầu nhập khẩu than giảm… Điển hình là mặt hàng đậu nành, bắp nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc ngưng trệ từ đầu tháng 7.2018 đã làm giảm nhu cầu hàng trăm tàu Pamanax/Supramax mỗi tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vận tải biển quốc tế. Trước đó trong 10 tháng đầu năm 2018, giá dầu thế giới tăng khoảng 30% và tăng lên mức cao 86,74 USD/thùng. Đến gần cuối năm, giá dầu bất ngờ giảm gần 40%, xuống còn khoảng 53,25 USD/thùng. Giá dầu biến động mạnh và thất thường làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Container phía Nam cũng dự đoán tình hình vẫn chưa hồi phục nhiều trong năm nay nên kế hoạch đề ra là tiếp tục thua lỗ hơn 39,8 tỉ đồng. Với tình hình kinh doanh lỗ nhiều năm, không đủ điều kiện phát hành tăng vốn ra công chúng, Hội đồng quản trị sẽ xây dựng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành riêng lẻ. Trước đó, VSG đề ra mục tiêu chuyển hướng kinh doanh bất động sản nhưng với việc thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm, việc triển khai hoạt động này cũng rất khó khăn.

Nhìn chung, đánh giá của các công ty vận tải biển về triển vọng kinh doanh trong năm nay đều khá tiêu cực. Có vẻ rất khó có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2017, Bộ Công thương nhận định do hạn chế về năng lực cạnh tranh nên phạm vi hoạt động của tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á và hiện chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân cho hạn chế này, trong đó nổi bật là sự liên kết lỏng lẻo giữa các chủ tàu với nhau và chủ tàu với chủ hàng cũng như tập quán của chủ hàng Việt Nam mua CIF bán FOB còn phổ biến. Một số doanh nghiệp nhà nước được xác định là nòng cốt trong đó có Vinalines, thì hiệu quả khai thác đội tàu thấp và khó cạnh tranh được với các đội tàu nước ngoài.

Mai Phương

Quay lại trang chủ
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)