Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/05/2019

Tự do thông tin, tự do báo chí tại Việt Nam ngày càng bị đe dọa

RFA tiếng Việt

Kêu gọi Facebook không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam (RFA, 03/05/2019)

Vào ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, 10 tổ chức đồng ký tên vào thư ngỏ gửi cho Facebook kêu gọi không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam.

baochi1

Thư ngỏ của 10 tổ chức gửi Facebook nhân ngày 3/5. Trang chủ Việt Tân

Theo thông cáo báo chí được công bố thì tại Việt Nam hiện không có một đơn vị báo chí độc lập nào ; trong khi đó có đến hơn 64 triệu người dùng Facebook tại quốc gia này. Facebook là nguồn tìm kiếm thông tin trên thế giới cho những người sử dụng và qua Facebook những người này chia sẽ cũng như bày tỏ quan điểm về những vấn đề mà họ quan tâm.

Do vậy nhân ngày Tự do Báo Chí Thế giới, 10 tổ chức ký tên kêu gọi Facebook hãy tuân thủ tuyên bố về sứ mạng của tập đoàn này.

Kể từ đầu năm 2019, Luật An Ninh Mạng tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Chính phủ Hà Nội có thể muốn các công ty nước ngoài phải lập máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu tại địa phương, kiểm duyệt nội dung và cung cấp dữ liệu cá nhân người sử dụng ; tuy vậy quyền quyết định cuối cùng là hoàn toàn tùy thuộc vào Facebook. Tập đoàn này có tôn trọng nhân quyền hay không là do họ tự quyết lấy.

Facebook là một thành viên của Nhóm Sáng kiến Mạng lưới Toàn Cầu và có cam kết thực thi các nguyên tắc về quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư ; do vậy những tổ chức ký tên quan ngại sâu sắc về việc Facebook kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

Kể từ ngày 14 tháng tư, Facebook đã chặn không cho người sử dụng mạng xã hội này tại Việt Nam truy cập vào trang Facebook của tổ chức Việt Tân liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước.

Trang Facebook của Việt Tân có 1 triệu 300 ngàn người theo dõi ở Việt Nam.

10 tổ chức ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Facebook không được khuất phục biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Hà Nội gồm Access Now, Article 19, Destination Justice, Electronic Frontier Foundation, Equality Labs, Horizontal, Phóng viên Không Biên giới, SEAPA, Việt Tân, Witness.

********************

9% dân số thế giới được thụ hưởng tự do báo chí (RFA, 03/05/2019)

Chỉ có 9% nhân loại trên thế giới được sống tại một đất nước mà tự do báo chí được nhận định là tốt. Đó là nơi mà các nhà báo có được môi trường làm việc thuận lợi và có thể tác nghiệp một cách tự do và độc lập.

baochi2

RSF xếp hạng Việt Nam thứ 176/180, thuộc những nước không có tự do báo chí trong năm 2019. Courtesy : Ảnh chụp màn hình rsf.org

Thống kê này được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đưa ra trong thông cáo báo chí nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới hằng năm, 3/5.

Theo Bản đồ Tự do Báo chí Thế giới dựa theo Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 được phổ biến vào ngày 18 tháng 4, RSF cho biết có 9% nhân loại được thụ hưởng tự do báo chí ở mức độ hài lòng hoặc tốt, là những nước có màu trắng hoặc vàng trên bản đồ.

Trong khi đó có đến 74% dân số thế giới sống ở những quốc gia mà tự do báo chí được xem như khó khăn hoặc rất nghiêm trọng do thông tin bị kiểm duyệt gắt gao, là những nước có màu đen hoặc đỏ trên bản đồ. Nếu tính luôn các quốc gia mà tự do báo chí được cho là có vấn đề, là những nước màu cam trên bản đồ thì đồng nghĩa với 91% dân số trên toàn cầu không được tiếp cận với tự do báo chí.

Số liệu vừa nêu còn dựa theo thống kê dân số của Ngân hàng Thế giới-World Bank, cho thấy hàng năm tình hình tự do báo chí toàn cầu ngày càng tồi tệ hơn, giảm xuống 11% so với 5 năm trước đây.

Tổng thư ký của RSF, ông Christophe Deloire nhấn mạnh rằng tất cả những vấn đề lớn của nhân loại như tình trạng ấm lên toàn cầu, tham nhũng, bình đẳng giới không thể giải quyết được mà không có thông tin trung thực và độc lập bởi báo chí chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Ông Christophe Deloire nói thêm rằng điều này rất đáng lo ngại cho giới báo chí và hơn hết là nhân loại bị tước đi quyền về thông tin của họ.

Trong Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 của RSF, Việt Nam bị xếp hạng thứ 176/180 quốc gia, thuộc những nước không có tự do báo chí và bị tụt một bậc so với 4 năm liền ở mức 175/180.

********************

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về số lượng tấn công DDoS (RFA, 03/05/2019)

Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 thế giới và thứ 1 Đông Nam Á về số lượng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) trong Quý I năm 2019, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, và Pháp.

baochi3

Ông Nguyễn Huy Dũng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin. Courtesy of cand.com.vn

Truyền thông trong nước loan tin ngày 3/5, trích số liệu từ hội thảo ‘Bảo vệ mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công DDoS nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp’ diễn ra vào sáng cùng ngày.

Trước đó, theo báo cáo của Nexusguard, trong Quý IV năm 2018, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu về nguồn tấn công DDoS, sau Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Brazil. Đồng thời đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc.

Theo phát biểu của ông Nguyễn Huy Dũng – Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin trong buổi hội thảo, việc phòng thủ DDoS hiện gặp nhiều khó khăn do các cuộc tấn công DDoS ngày càng dễ thực hiện.

Hiện Việt Nam đã xây dựng hệ thống chống tấn công mạng Internet trong nước. Trong đó, có liên kết với các doanh nghiệp và nhà mạng để điều phối và xử lý các cuộc tấn công từ chối dịch vụ vào hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hình thức tấn công từ chối dịch vụ phân tán nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông không chỉ tác động đến các nhà mạng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trên mạng lưới.

Tuy nhiên, trong số liệu thống kê của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, kể từ giữa năm 2018 đến hết quý I năm 2019 thì số lượng các cuộc tấn công mạng đã giảm so với giai đoạn trước.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Bộ Truyền thông – Thông tin Việt Nam đề ra mục tiêu tạo ra thị tường an toàn, an ninh mạng ; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin các cơ quan Đảng, Nhà nước ; và đưa Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng ASEAN.

Quay lại trang chủ
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)