Việt Nam - Trung Quốc họp bàn xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" đầu năm 2024
RFA, 05/02/2024
Tại cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vào ngày 4/2/2024, phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc giải quyết một loạt các vấn đề khó khăn trong quan hệ kinh tế hai nước.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tiếp, hội đàm với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung hôm 4/2/2024 - VietNamNet
Báo Nhà nước đưa tin hai nước họp bàn xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hay còn gọi là Cộng đồng chung vận mệnh, một khuôn khổ do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất nhằm gây ảnh hưởng lên các nước. Việt Nam là quốc gia thứ tám trong ASEAN tham gia sáng kiến này của Trung Quốc nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.
Theo truyền thông trong nước, tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung, phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Thành Đô và Nam Kinh, sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đề nghị Trung Quốc sớm giải quyết những khó khăn tồn đọng liên quan đến một loạt các dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc đã bị kéo dài nhiều năm bao gồm dự án công nghiệp như Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc… Đây là các dự án vay vốn Trung Quốc và có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc nhưng đã không thể hoàn thành trong nhiều năm. Thậm chí, phía Việt Nam đã cân nhắc việc kiện tổng thầu Trung Quốc ra toà hoặc Trung tâm Trọng tài quốc tế.
Nguồn : RFA, 05/202/2024
*********************************
Việt Nam đề nghị Trung Quốc không để xảy ra các vụ việc phức tạp trên biển
RFA, 05/02/2024
Giới chức Ngoại giao Việt Nam hôm 4/2 đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán của hai nước theo luật quốc tế và không để xảy ra các vụ việc phức tạp gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/2/2024 – Bộ Ngoại giao
Truyền thông Nhà nước hôm 5/2 cho biết lời đề nghị này được Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đưa ra trong cuộc hội đàm với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung. Đây là họp bàn giữa hai nước để bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong năm 2024 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Trong cuộc họp này, hai bên đã thảo luận các vấn đề trên biển và nhất trí thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển theo nguyên tắc tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau.
Hai phía cũng cam kết thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực.
Theo báo Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã đề nghị hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nhau theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không để xảy ra các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá, ngư dân, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trên thực tế, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế phía nam của Việt Nam, theo các dữ liệu quan sát về tàu biển được ghi nhận.
Trong đầu năm nay, Đài Á Châu Tự Do đã đưa tin về việc Trung Quốc điều tàu tuần tra lớn nhất nước này vào khu vực Bãi Tư Chính ba lần trong vòng một tháng. Đáng chú ý là tàu này vào vùng biển của Việt Nam vào khi Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Hà Nội vào hồi đầu tháng 12.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng Biển Đông dựa theo đường đứt khúc chín đoạn mà sau này Bắc Kinh tăng lên thành 10 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài quốc tế trong một phán quyết hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này những Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.
Nguồn : RFA, 05/02/2024
***************************
Việt Nam, Trung Quốc đồng ý kiểm soát, giải quyết bất đồng trên biển theo nguyên tắc ‘tuần tự tiệm tiến’
VOA, 05/02/2024
Đại diện ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc vừa có cuộc hội đàm hôm 4/2, trong đó hai bên đồng ý nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng trên biển theo nguyên tắc tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau, bên cạnh những hợp tác về kinh tế, thương mại, giao thông.
Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ (phải) và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung trong cuộc gặp năm ngoái, ngày 27/9/2023. (Ảnh : baoquocte.vn)
Cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổng Thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung, Tổng Thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam, nhằm mục đích tìm kiếm các biện pháp cụ thể để nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc, theo Tuyên bố chung đã được hai bên đưa ra trong chuyến thăm của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 12 vừa qua.
Hai bên được cho là đã trao đổi "thẳng thắn, chân thành" về những vấn đề trên biển, trong đó phía Việt Nam đề nghị hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nhau, không để xảy ra các vụ việc phức tạp làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước và xử lý thỏa đáng những vấn đề đánh bắt cá và ngư dân, theo Tiền Phong.
Ngoài ra, đại diện ngoại giao của hai phía cũng đồng ý trong việc phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển theo nguyên tắc tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau, cùng các nước ASEAN thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ việc dẫn đến căng thẳng trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post hôm 4/2 dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng không giống như Philippines là một đồng minh lâu năm của Mỹ, Việt Nam luôn tìm cách quản lý và tách biệt những vấn đề trên biển khỏi các mối quan hệ song phương khác, không để cho những xung đột trên biển dẫn đến đối đầu cấp cao giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Vào đầu tháng 1, hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành một cuộc "tuần tra xâm nhập" để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với các mỏ dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính ở vị trí phía nam của tuyến đường thủy tranh chấp, chuyên gia an ninh hàng hải Ray Powell thuộc Dự án Myoushu, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, cho biết, dựa theo phần mềm theo dõi hàng hải.
Theo ông Powell, đây là lần thứ ba trong vòng 30 ngày tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc đi tuần ở các lô dầu khí phía Nam Việt Nam. Ông cho biết thêm rằng có một tàu kiểm ngư của Việt Nam đã theo dõi tàu của Trung Quốc.
Tại cuộc hội đàm ngày 4/2, ngoài việc trao đổi quan điểm về các vấn đề trên biển, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực và thành tựu trong quan hệ song phương trong thời gian gần đây, đồng thời chú trọng đến việc mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, kết nối giao thông cũng như thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh và ngoại giao.
Nguồn : VOA, 05/02/2024
"Cộng đồng cùng chung một tương lai" và "Cộng đồng chung vận mệnh" giống mà khác nhau !
Hà Hoàng Hợp, Diễm Thi, RFA, 12/12/2023
Diễm Thi : Trước hết, xin ông cho biết chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam lần này có điểm gì đặc biệt ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 12/12/2023. AFP
Hà Hoàng Hợp : Việt Nam và Trung Quốc có câu "năm cùng tháng tận" nhưng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam lại vào cuối năm. Nó có điều gì đó đặc biệt ở đây. Thứ hai, chuyến thăm này là một sự cần thiết của ông Tập để đáp lại chuyến thăm năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng. Thứ ba, Trung Quốc có kỳ vọng mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hai nước với những đề xuất như Vành đai - Con đường, đường sắt, vận mệnh chung…
Diễm Thi : Mấy năm gần đây, cụm từ "Cộng đồng chung vận mệnh" được Bắc Kinh nhắc đến nhiều trong các cuộc gặp song phương cấp cao với Việt Nam. Theo ông, ý đồ của Trung Quốc là gì, thưa tiến sĩ ?
Hà Hoàng Hợp : Nó là một cái gì đó như một bức tranh vẽ trên tường hay trên giấy mà người ta không hiểu hình dung của nó. Nói bằng ngôn ngữ chính thức thì "Cộng đồng chung vận mệnh" này là một khái niệm/khẩu hiệu được ông cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói ra vào năm 2007. Bẵng đi một thời gian, đến năm 2013 thì ông Tập bắt đầu dùng rất nhiều. "Cộng đồng chung vận mệnh" đề cập đến ý tưởng rằng tất cả con người và các quốc gia trên thế giới đều liên kết với nhau và chia sẻ một tương lai chung về y tế, chính trị, vân vân...
Ý nghĩa là muốn kêu gọi một sự quản trị, quyết định toàn cầu và thúc đẩy hợp tác, cạnh tranh giữa các quốc gia. Hợp tác hơn là cạnh tranh. Nó thừa nhận các lợi ích an ninh và kinh tế trong liên kết giữa các quốc gia. Trung Quốc kêu gọi sự cảm thông, phối hợp và trách nhiệm để đối phó với các mối đe dọa chung, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn.
Ý đồ của Trung Quốc là vẽ lên một bức tranh về thế giới nhằm mục tiêu thách thức trật tự thế giới đã có từ năm 1945. Đây là điều quan trọng nhất. Mà cái ý đồ thách thức này gồm hai phần : Trung Quốc muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới và Trung Quốc muốn dẫn dắt, lãnh đạo trật tự mới này. Đấy là hai ý đồ căn bản của Trung Quốc.
Diễm Thi : Thưa Tiến sĩ, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn Việt Nam tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh". Theo ông, liệu người dân Việt Nam có nên lo ngại nếu Việt Nam ký kết tuyên bố về việc này không ?
Hà Hoàng Hợp : Thực ra người Việt Nam người ta cũng hiểu là "Cộng đồng chung vận mệnh" nó đẹp trên chữ nghĩa, nhưng vẫn cùng nhau xem xét để có thể cụ thể hóa nó. Mà cụ thể hóa thì phải dần dần chứ cái này có phải là một văn bản chặt chẽ và tham gia vào sẽ thành mối quan hệ ràng buộc đâu.
Hai nước vừa ký tuyên bố "Cộng đồng cùng chung một tương lai". Cụm từ này và cụm từ "Cộng đồng chung vận mệnh" nó cũng gần như nhau thôi. Trung Quốc họ bảo đấy là một nhưng Việt Nam nghĩ khác. Công nhận với nhau thế nên hai bên ký vào tuyên bố chung ấy thôi.
Vì nó không rõ ràng và cái này chỉ là ký vào tuyên bố chung. Trong tương lai cần nhiều bước để cụ thể hóa nó. Tôi lấy một ví dụ nhận thức chung về sáng kiến "Hai hành lang và một vành đai kinh tế" giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hai bên thảo thuận về mặt nguyên tắc với nhau từ năm 2005 nhưng đến nay chưa cụ thể. Và ngay cả nếu đồng ý Trung Quốc hiện đại hóa đường sắt từ Hà Khẩu đến Hải Phòng qua Hà Nội thì nó cũng năm vào khung "Hai hành lang và một vành đai kinh tế". Lại càng không nằm trong "Sáng kiến vành đai và con đường".
Cụ thể hóa như thế thì nó vẫn không hoàn toàn rõ ràng. Mà như thế thì người Việt Nam không cần phải lo lắng. Người Việt Nam thừa sức nhận thức rằng, đây không phải cứ ký tuyên bố chung, cứ công nhận với nhau về mặt nguyên tắc thì Việt Nam trở thành đồng minh của Trung Quốc. Việt Nam không thể là đồng minh của Trung Quốc được.
Việt Nam không làm việc gì mà chỉ có lợi cho Trung Quốc và Việt Nam không có lợi cả. Đấy là nguyên tắc của Việt Nam.
Ở đây, cần nhắc lại nguyên tắc và thực hành quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 là, cái gì hợp tác được thì hợp tác, còn không thì phải đấu tranh. Mức thấp nhất là phải cảnh giác.
Diễm Thi : Thưa tiến sĩ, theo nhận định của ông, vấn đề Biển Đông có tiến triển gì có lợi hơn cho Việt Nam sau chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình không ?
Hà Hoàng Hợp : Không có thay đổi gì hết. Hai lần trước ông ấy sang Việt Nam và mấy lần Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Trung Quốc thì trong các tuyên bố chung đều có một câu là : "Trung Quốc sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp Biển Đông với Việt Nam".
Cái chữ "thỏa đáng"của Trung Quốc thì ai cũng hiểu rằng đấy là từ che giấu bản chất của vấn đề. Vì Trung Quốc gọi là "thỏa đáng" nghĩa là Trung Quốc không bao giờ nhân nhượng chuyện Biển Đông không phải là của Trung Quốc, tức là phần đường 9 đoạn, hay 10 đoạn hay 11 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra là của Trung Quốc, không bao giờ có thể thay đổi được.
Và người Trung Quốc chỉ có thể cho nước khác, trong đó có Việt Nam được khai thác chung. "Thỏa đáng" là như thế. Mà cái chữ "thỏa đáng" ấy nó đồng nghĩa với việc làm trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đấy là cái chữ thỏa đáng mà người Trung Quốc hiểu. Tuyên bố trắng trợn là chúng tôi có những yêu cầu, đòi hỏi phi pháp, đơn phương nhưng chúng tôi vẫn bám lấy cho tới cùng.
Ở Biển Đông, ngay hôm qua Trung Quốc đã dùng tàu Hải cảnh để phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư của người Philippines. Mà hành động ấy là hành động không những là đe dọa Philippines mà đấy còn là đe dọa cả Việt Nam nữa. Không ai ngây thơ trước những hành động ấy của Trung Quốc cả. Họ tính toán rất là kỹ và họ có một bộ máy chỉ huy từ trên xuống dưới một cách chắc chắn, chặt chẽ. Họ đe dọa cả Manila lẫn Hà Nội.
Diễm Thi : Theo như nhận định của ông, tình hình Biển Đông không có gì thay đổi. Vậy Việt Nam đã và sẽ làm gì để đối phó với Trung Quốc, thưa tiến sĩ ?
Hà Hoàng Hợp : Trước hết, Việt Nam khích lệ Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển 1982 và các bộ luật khác mà Trung Quốc hứa nhưng không bao giờ làm. Thay vào đó, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành đông gọi là chiến thuật vùng xám.
Đó là một loạt các hành động mập mờ để cho phép Trung Quốc mở rộng kiểm soát Biển Đông, dẫn tới việc cuối cùng có thể sở hữu được Biển Đông về mặt chủ quyền mà không gây ra chiến tranh toàn diện.
Việt Nam phải thực hiện một số điều căn bản để đối phó với Trung Quốc, bao gồm : Tố cáo các hành động phi pháp của Trung Quốc và công bố công khai các bằng chứng. Việt Nam làm thường xuyên ; Tăng cường tuần tra thực thi pháp luật hàng hải tại các khu vực tranh chấp ; Tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản ; Tìm hiểu các thỏa thuận phát triển chung để ngăn chặn sự hành động đơn phương của Trung Quốc ; Tìm kiếm và chuẩn bị trọng tài quốc tế để khi cần bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về mặt pháp lý.
Nếu Trung Quốc chuyển chiến thuật vùng xám thành chiến tranh thì dĩ nhiên, "anh đánh tôi thì tôi phải đánh lại" dù không ai muốn chiến tranh.
Diễm Thi : Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình. Vậy với những quốc gia khác thì sao, thưa Tiến sĩ ?
Hà Hoàng Hợp : Câu ấy thì Việt Nam cũng nói với Mỹ, cũng nói với Hàn Quốc, cũng nói với Nhật Bản, cũng nói với Nga. Tất cả đều là hàng đầu hết vì nó quan trọng như nhau.
Nếu ông ấy bảo đặt quan hệ Việt Nam với Trung Quốc lên số một thì lúc ấy mới thành vấn đề. "Hàng đầu" không phải là chỉ có một quốc gia duy nhất đâu. "Hàng đầu" ở đây là một số quốc gia. Đó là kiểu chơi chữ nên mình không cần phải nghi ngại.
Hàng đầu ở đây theo tôi là có sáu đối tác. Đó là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản. Đó là sáu mối quan hệ hàng đầu. Trong sáu mối quan hệ ấy không có thứ tự ai là số một, ai là số hai hết.
Ai cũng hiểu rằng Việt Nam đang thực hiện một chính sách đối ngoại theo nhiều hướng. Mà cái chính sách đối ngoại ấy dựa trên một cái chân kiềng gồm 18 chân kiềng. Đó là 18 nước mà Việt Nam thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược. Trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với sáu nước. Đó là sáu chân kiềng quan trọng nhất và Việt Nam phải tương tác một cách hài hòa nhằm tạo cho mình một cái thế cân bằng, an ninh, phù hợp và bền vững.
Diễm Thi : Cám ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đã dành thời gian cho RFA.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 13/12/2023
**********************
Hãy cẩn trọng với mối quan hệ ‘rất hiếm thấy trên thế giới’
Trân Văn, VOA, 12/2/2023
Giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn từng đề ra "16 chữ vàng" và "tinh thần bốn tốt" để định hướng cho quan hệ Việt Trung – nay đang quảng bá "bốn kiên trì".
Ông bà Nguyễn Phú Trọng đón ông bà Tập Cận Bình tại Hà Nội, ngày 12 tháng 12. (Photo by Nhac NGUYEN / P)
Ông Tập Cận Bình – Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa đến Việt Nam(1). Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam với cả hai tư cách như vừa kể (lần đầu năm 2015, lần sau năm 2017). Vài giờ trước khi chiếc phi cơ chở ông Tập Cận Bình hạ cánh ở phi trường Nội Bài, tờ Nhân Dân giới thiệu một bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình, trong đó, ông ta nhấn mạnh, ông ta cảm thấy Việt Nam "vô cùng thân thiết", đến Việt Nam "giống như đến thăm họ hàng, láng giềng" (2).
Giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn từng đề ra "16 chữ vàng" (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và "tinh thần bốn tốt" (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) để định hướng cho quan hệ Việt Trung – đang quảng bá "bốn kiên trì" (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành). Trong thư gửi cho tờ Nhân Dân để cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam giúp quảng bá trước chủ trương, đường lối đối ngoại của Trung Quốc, Tập Cận Bình vỗ về người Việt : "Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt" !
***
Cũng thời điểm này, Stars and Stripes giới thiệu bài tổng kết về va chạm giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông trong 2023. Từ đầu năm đến nay, các tàu có vũ trang của Trung Quốc (hải quân, hải cảnh, dân quân biển) đã có năm loại hành động gây hấn đáng chú ý ở khu vực Biển Đông : Phóng laser vào tàu công vụ của Philippines khiến thủy thủ đoàn quáng (tháng 2/2023). Vây tàu, vây đảo (tháng 3/2023 và tháng 12/2023). Dùng súng phun nước tấn công tàu công vụ của Philippines (tháng 8/2023 và tháng 12/2023). Lắp đặt chướng ngại vật (hàng rào nổi) để cản trở hoạt động của ngư dân Philippines (tháng 9/2023). Liên tục hăm dọa tàu đánh cá, khiêu khích tàu công vụ của Philippines.
Jonathan Malaya - Phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm tại Biển Đông của Philippines – nhận định :Các hành động của Trung Quốc ởBiển Đông cho thấy họ thực sự muốn giatăng căng thẳng(3). Người Việt, đặc biệt là ngư dân Việt không lạ lẫm gì với những loại hành động này của Trung Quốc. Ít nhất chúng đã xuất hiện và tồn tại trên Biển Đông khoảng hai thập niên. Tuy nhiên Philippines khác Việt Nam ở chỗ công bố tất cả các hành động hung hăng của Trung Quốc và vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, vừa hỗ trợ ngư dân nhằm duy trì "bình thường hóa" di chuyển trên Biển Đông.
***
Trong "bốn kiên trì" mà ông Tập Cận Bình vừa sử dụng cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam để giới thiệu đường lối, chủ trương đối ngoại của giới lãnh đạo Trung Quốc trong "tình hình mới", người ta không thấy Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc đề nghị hai bên cùng "kiên trì" về "chủ quyền" ở Biển Đông – yếu tố quan trọng nhất. Nếu chỉ có Trung Quốc "kiên trì" với những yêu sách về chủ quyền thì "bốn kiên trì" (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành) có khác gì bịp bợm ?
Nếu trong các cuộc hội đàm riêng biệt giữa Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ với ông Tập Cận Bình mà tất cả cùng lờ đi, không "kiên trì" nêu ra để cùng thảo luận một cách rạch ròi, sòng phẳng về "chủ quyền" thì chẳng lẽ đó là lý do để Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam tự tin đến mức không ngại tuyên bố với báo giới rằng : Quan hệ giữa hai đảng, hai nước là "rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới" (4) ?
***
Ngày 8/12/2015, khi gặp gỡ ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – như đại biểu, đại diện cho cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội tại Quốc hội, nhiều cử tri vốn là cựu viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã nhắc đến những yếu tố (như Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt từ đầu tháng 5/2014 cho đến giữa tháng 7/2014, v.v.) khiến họ cũng như nhiều người Việt khác lo ngại cho chủ quyền quốc gia.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì lúc đó ông Trọng khẳng định :Càng ngày càng thấy cách giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng cộng sản Việt Nam là đúng đắn. Thay vì trực tiếp trả lời những cử tri dù lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của Đảng nhưng không tránh khỏi hoang mang về cách hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông Trọng vặn lại :Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội đảng được không ? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ?
Ông Trọng tỏ ra rất tự tin và tự hào khi tự trả lời câu hỏi do chính ông nêu ra :"Ta" chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia...(5). Không rõ ông Trọng quan niệm như thế nào về "nể trọng", đặc biệt là sự "nể trọng" mà Trung Quốc cũng như ông Tập Cận Bình dành cho Việt Nam và cho chính ông ?
Cần nhớ, cho dù ông Tập Cận Bình được Việt Nam tiếp đón trọng thể, được mời trò chuyện với Quốc hội vào ngày 6/11/2015, công khai hứa hẹn sẽ cùng Việt Nam"nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau" (6) nhưng ngay hôm sau (7/11/2015), khi đến thăm Đại học Quốc gia của Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định : Biển Đông là của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (7) ! Hi vọng, lần này, ông Trọng và đảng của ông không mắc lỡm vì lý do khiến quan hệ giữa hai đảng, hai nước trở thành "rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/12/2023
Chú thích
(7) http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20151107-tap-can-binh-lai-khang-dinh-bien-dong-la-cua-trung-quoc