Một nữ du khách Hàn Quốc đã té chết tại đỉnh Langbiang thuộc tỉnh Lâm Đồng ngay sau khi bốn công dân Hàn Quốc khác bị nước cuốn trôi và thiệt mạng trong một trận lũ quét khi đang đi du lịch cũng ở gần đỉnh núi này, báo chí trong nước đưa tin.
Khu vực nữ du khách Hàn Quốc bị nạn đã được phong tỏa - L.V.
Theo tờ Tuổi Trẻ thì nữ du khách Hàn Quốc đã té vào trưa ngày 26/10 khi đang chụp hình ở một mỏm đá có độ cao 4 mét tại đỉnh Langbiang nằm gần Đà Lạt. Khu vực này vốn đã được gắn bảng cảnh báo nguy hiểm và hạn chế đi lại.
Nữ du khách này đã được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh và không lâu sau đó thì tử vong, cũng theo tờ báo này.
Hai ngày trước đó, vào đầu giờ chiều ngày 24/10, một trận lũ quét bất thình lình xuất hiện trên một con suối cạn vào lúc một nhóm du khách Hàn Quốc đang được chở trên xe địa hình vào đây. Dòng nước lũ đã cuốn trôi một chiếc xe UAZ trên đó có bốn du khách cùng tài xế, trang mạng VnExpress cho biết.
Người tài xế may mắn thoát ra khỏi chiếc xe bị lật úp trong khi bốn du khách Hàn Quốc lớn tuổi, gồm hai nam, hai nữ, đã thiệt mạng. Hiện thi thể của họ đã được tìm thấy và được chính quyền tỉnh Lâm Đồng đưa về Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục bàn giao cho gia đình đưa về nước an táng.
Khu vực xảy ra lũ quét thuộc Làng Cù Lần, khu du lịch thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt hơn 20 km. Đây là khu vực ‘chưa từng xảy ra lũ quét’, theo lời các nhân viên tại khu du lịch này được VnExpress dẫn lại, và vào hôm xảy ra lũ quét ‘chỉ có mưa rải rác’.
Theo mô tả của trang mạng này thì con suối xảy ra lũ quét nằm ở thung lũng dưới các ngọn đồi, mực nước chỉ sâu 30-40 cm. Tham quan suối cạn là một hoạt động thường xuyên ở Làng Cù Lần. Du khách sẽ được chở trên xe địa hình đi trên quãng đường hơn 8 cây số qua nhiều địa hình, trong đó có đi trên suối.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời chính quyền địa phương cho biết những ngày qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn ở thượng nguồn và lượng nước mưa lớn đổ xuống các con suối nhỏ, địa hình dốc tạo thành lũ quét.
Hiện tại Khu du lịch Làng Cù Lần đã bị tạm ngưng hoạt động để rà soát lại vấn đề an toàn cho các tour mạo hiểm, dã ngoại, theo VnExpress.
Nằm dưới chân núi Lang Biang, Làng Cù Lần là một điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt được bao bọc bởi khoảng 200 ha đồi thông và đi vào hoạt động từ năm 2011. Du khách đến đây có thể cắm trại giữa rừng, đốt lửa trại, đi xe địa hình vào rừng nguyên sinh, cưỡi ngựa, bắn cung…
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 26/10, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi công điện thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các du khách gặp nạn và yêu cầu điều tra nguyên nhân để xử lý nghiêm các cơ quan có vi phạm.
Nguồn : RFA, 26/10/2023
Việt Nam : Du khách nước ngoài tăng mạnh (BBC, 02/07/2017)
Cơ quan thống kê Việt Nam nói lượng du khách nước ngoài nửa năm đầu tăng hơn 30%, đa số từ Châu Á và khách Trung Quốc ‘tăng gấp đôi’.
Khách đến từ Châu Âu đạt khoảng gần 1 triệu lượt người, chiếm khoảng 25%
Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam đã đón hơn 6,2 triệu du khách trong 6 tháng đầu năm tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 51% so với năm 2015 và tăng trung bình 20% năm trong giai đoạn 2010-2016.
Với 1,9 triệu lượt người, khách Trung Quốc tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm gần một phần ba tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong khi đó du khách từ các nước tăng theo tỉ lệ là Hàn Quốc 43,9%, Nhật Bản 6,5%, Thái Lan 12,2%, Singapore 6,2%, Malaysia15,9%
Khách đến từ Châu Âu đạt khoảng gần 1 triệu lượt người, chiếm khoảng 25% với khách Nga chiếm khoảng 1/3, tăng 53,4% ; Anh 145.000 người tăng 13%.
Trong khi đó Wotif.com, dịch vụ du lịch trực tuyến, cho biết người Úc đang thích chọn Tp HCM là điểm du lịch với số lượng người tìm kiếm khách sạn và tour tăng 195%, cao hơn Singapore tăng 50% và Phuket (Thái Lan) tăng 40%.
Đại diện hãng này được dẫn lời nói các tuyến bay thẳng giá rẻ từ Sydney và Melbourne của Jetstar hồi tháng Năm và giá khách sạn hấp dẫn tại Việt Nam là các yếu tố chính.
Xu hướng du khách nội vùng Đông Nam Á tăng nhanh từ 2012 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, và trong số hàng triệu du khách Châu Á đi thăm các nước láng giềng trong vùng, du khách Trung Quốc luôn chiếm số đông nhất.
Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay xu hướng này sẽ còn tăng đều, đưa lượng du khách Châu Á lên 50% du khách toàn cầu vào 2030, tăng từ 37% năm 2014.
Du lịch Châu Á tăng nhờ vào thu nhập nội địa các nước này tăng lên, hàng không giá rẻ bùng nổ và dịch vụ du lịch nhìn chung đều phát triển.
Cách đây ba năm, BCG đã dự báo về du khách Trung Quốc :
"Du khách từ Trung Quốc sẽ chiếm trên 40% của tổng số du khách toàn Châu Á vào 2030".
Sự có mặt đông đảo của các tour du lịch Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam cũng đã gây ra một số lo ngại về xung khắc văn hóa, hoặc về chuyện hướng dẫn viên chỉ là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức hai nước này đều đang tìm các giải pháp dung hòa cho nhu cầu phục vụ tour đại trà và các tuyến du lịch cao cấp, ít khách nhưng chi tiền cao hơn.
***********************
Mỗi tuần có 130 chuyến bay khách Trung Quốc đến Đà Nẵng (TBKTSG, 02/07/2017)
Dự kiến, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng sẽ tăng rất mạnh trong hai tháng 7 và 8/2017 và mỗi tuần sẽ có 130 chuyến bay được thực hiện để đưa khách đến thành phố miền Trung này, tăng 48 chuyến so với trước.
Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng sẽ tăng rất mạnh trong hai tháng 7 và 8/2017
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết một số đối tác vừa thông báo về việc tăng lượng khách du lịch Trung Quốc đến thành phố này. Du khách chủ yếu đến bằng các chuyến bay thuê bao, từ nhiều địa phương như Vũ Hán, Nam Kinh, Nam Ninh, Thẩm Dương, Thái Nguyên...
Trước đây, có 14 đường bay với 82 chuyến bay đưa du khách từ Trung Quốc sang Đà Nẵng. Trong hai tháng 7 và 8-2017, sẽ có khoảng 34 đường với 130 chuyến bay mỗi tuần.
Hai tháng này là mùa cao điểm du lịch của thị trường Trung Quốc nên lượng khách thường tăng cao nhưng chưa khi nào tăng cao như hiện nay. Mỗi tháng, thành phố Đà Nẵng sẽ đón từ 70.000 - 80.000 lượt khách trong khi trước đây chỉ có từ 30.000 - 40.000 lượt. Thời gian lưu trú của khách thường là 5 ngày 4 đêm, đi du lịch tại thành phố kết hợp các điểm tham quan ở Huế và Quảng Nam.
"Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra dịch vụ và quản lý thị trường đón khách du lịch Trung Quốc rất chặt chẽ trong thời gian qua nên chất lượng dịch vụ tốt hơn. Hướng dẫn viên tiếng Hoa cũng đã có 450 người, hệ thống khách sạn vẫn đủ để phục vụ khi thị trường tăng trưởng cao", ông Cường nói.
Cùng với lượng khách đến bằng đường hàng không, sắp tới đây Đà Nẵng cũng sẽ có thêm một lượng lớn du khách Trung Quốc đến bằng đường biển. Dự kiến vào ngày 29-8 tới, tuyến du lịch đường biển từ cảng Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây) của Trung Quốc đến Hạ Long, Đà Nẵng và Nha Trang sẽ bắt đầu được khai thác với tuần suất khoảng 2-3 chuyến/tuần. Mỗi chuyến tàu sẽ có từ 900-1.000 khách sang Hạ Long rồi đến Đà Nẵng, Nha Trang hoặc sang Hạ Long rồi chỉ ghé Đà Nẵng.
Đào Loan
Khách Nga rộn ràng quay lại, người Việt giang tay đón (Đất Việt, 03/01/2017)
Việc du khách Nga quay trở lại không chỉ là tin vui cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là yếu tố thúc đẩy ngành du lịch chủ động và phát triển mạnh hơn.
Tăng sức cạnh tranh điểm đến
Ngày 30/12, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị liên quan đón 280 khách du lịch Nga bằng máy bay riêng (charter flight) của tập đoàn Pegas Touristik, một trong những đơn vị tiên phong đưa khách Nga vào Việt Nam.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 30/12, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là chuyến thuê bao đầu tiên đưa du khách Nga đến thành phố sau 2 năm tạm ngưng (từ 28/10/2014).
Nói cụ thể thêm, ông Khánh cho hay : "Tập đoàn Pegas quay trở lại là vì họ đã giải quyết được mối quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ một cách hữu hảo. Trước đây, tập đoàn Pegas bị Nga chặn lại việc phát triển, giờ khi giải quyết xong nội bộ, thì họ quay trở lại Việt Nam bằng các chuyên cơ.
Trước khi khách Nga quay trở lại đây, thì chúng tôi đã bàn với bên Pegas các hình thức liên kết điểm đến. Trước đây, khách đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi lại trung chuyển qua Mũi Né, Phan Thiết. Giờ chúng tôi đưa ra 2 hành trình mới, đó là bến Thành phố Hồ Chí Minh đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh ra Phú Quốc.
Du khách Nga quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh bằng máy bay thuê bao
Như vậy, khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ có thể đi ra 3 điểm mới, từ đó hình thành ra những sản phẩm du lịch, sẽ kéo dài thêm thời gian lưu trú, tăng được thêm chi tiêu của khách. Đây là một tín hiệu tích cực, giúp cho các địa phương có được sự chủ động trong việc kết hợp với nhau.
Nhất là sau đợt hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Giang trong chương trình năm du lịch quốc gia, chúng tôi phát hiện, du khách Nga rất thích khu vực này. Cùng với đó, chúng tôi đưa ra chương trình du lịch mới đi đến vùng biển Hồ Cốc, suối tắm khoáng nước nóng ở Bình Châu (Vũng Tàu).
Trước đây chúng tôi thúc đẩy chương trình này cho khách Trung Quốc, năm nay chúng tôi thúc đẩy cho du khách Nga. Nghĩa là phải đa dạng thêm các chương trình du lịch tham quan trong việc liên kết với địa phương khác, tăng sự hấp dẫn".
Bên cạnh đó, theo ông Khánh, lượng khách Nga thời gian qua đến Thành phố Hồ Chí Minh giảm vô cùng nhiều, họ đến các địa phương nhiều hơn là đến thành phố. Đầu tiên họ đến Thành phố Hồ Chí Minh là chính, nhưng sau đó họ lại đi thẳng đến các tỉnh như Khánh Hòa, Mũi Né.
Hơn nữa, lượng khách đến Thành phố Hồ Chí Minh - là do Tập đoàn Pegas thúc đẩy là chính, còn các hãng bay khác cũng làm nhưng số lượng không nhiều, đến bây giờ, Nga - Thổ Nhĩ Kì đã giải quyết xong, Pegas quay trở lại, khi đã có cơ hội thì chúng ta phải nắm bắt xu hướng thì mới thúc đẩy lại hợp tác này.
"Chúng tôi luôn xác định, Nha Trang vẫn có sự hấp dẫn của riêng mình nên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gây dựng hình ảnh đến đây sẽ có mua sắm, giải trí, đó là sức cạnh tranh của điểm đến. Hướng của chúng tôi là đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Bên cạnh việc thu hút du khách Nga, chúng tôi cũng đang xúc tiến quảng bá để thu hút cả du khách Ấn Độ và Indonesia, hai thị trường rất tiềm năng, mới có đường bay, nhưng phải phát triển thêm thông tin, hiện công tác xúc tiến, quảng bá còn ít.
Nếu làm được thì đây sẽ là 2 thị trường tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng", ông Khánh cho biết thêm.
Đà Nẵng hứa hẹn nhiều tin vui
Cũng là một địa phương được Pegas hứa hẹn có thêm nhiều chuyến bay thẳng đưa du khách Nga đến đây, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết : "Nếu thực sự thị trường khách Nga quay lại và đến Đà Nẵng thì quá tốt, là dấu hiệu mừng với Đà Nẵng, vì chúng tôi luôn xác định Nga là thị trường tiềm năng, triển vọng, trong phát triển du lịch.
Mấy năm qua Đà Nẵng cũng có hoạt động xúc tiến tại thị trường này, nhưng đặc thù có nhiều sự khác biệt, Nga cũng có nhiều biến động, nên chưa thuận lợi cho chúng tôi khai thác.
Nếu có dịp này thì đúng là cơ hội rất lớn cho Đà Nẵng đưa vị thế của mình đến thị trường Nga, thu hút thị trường này. Hơn nữa, Pegas vẫn có quan hệ với Đà Nẵng trước đây, đã từng có vài chuyến bay thẳng, cũng đã làm việc, giờ thì tiếp tục xúc tiến".
Mặt khác, theo ông Cường, việc chuẩn bị cho thị trường Nga lâu nay ĐN đã có những bước làm đầu tiên, vì biết Nga là thị trường trọng điểm, trọng tâm, nên đã chuẩn bị cho những cuộc khảo sát thị trường, chuẩn bị một số sản phẩm, để lưu trú khách đến.
Cái băn khoăn, lo nhất của ĐN vẫn là vấn đề nguồn nhân lực, nếu lượng khách đến tương đối, vài ba ngàn khách trong 1 tháng có thể đáp ứng được, còn nếu hơn thì phải tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nhân lực cho thị trường này, vì đặc thù thị trường này là không nói tiếng Anh".
Theo ông Cường, thời gian qua, do vấn đề khủng hoảng chính trị, kinh tế của Nga nên họ ít đến Việt Nam, còn Việt Nam vẫn được Nga đánh giá là thị trường họ quan tâm.
Đặc biệt, máy bay thuê chuyến mới chỉ là bước đầu cho thị trường khách quen trở lại, tạo cho Đà Nẵng tiếp cận với thị trường này, còn về lâu dài thì Đà Nẵng muốn xúc tiến các đường bay thường kỳ, sẽ khai thác tốt hơn, còn theo chuyến độ ổn định không cao.
"Đảm bảo phát triển bền vững vẫn là mục tiêu được Đà Nẵng lâu nay vẫn làm, đa dạng thị trường, không bỏ trứng vào 1 giỏ, vì du lịch chịu tác động bởi chính trị, kinh tế, môi trường, đa dạng sẽ không bị thụ động.
Các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ mở rộng thêm không chỉ Nga mà Úc, Ấn Độ, Châu Âu và Trung Đông", ông Cường khẳng định.
Châu An
*******************
Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng mạnh : mừng hay lo ? (BBC, 02/01/2017)
Trung Quốc có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất trong năm 2016
Theo con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 2,7 triệu người, tăng hơn 51% so với năm 2015 và chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.
Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng làm tăng nguồn thu cho du lịch Việt Nam, nhưng cũng gây nhiều hệ lụy khó lường cho những người hoạt động trong ngành du lịch.
Hướng dẫn viên Trung Quốc 'nói sai sự thật'
Tờ South China Morning Post (SCMP) trích lời ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng kinh doanh công ty Du lịch In-Out Tour có văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh nói : "Gần đây, một số hướng dẫn viên người Hoa không được cấp phép đã cho khách những thông tin không đúng về các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển đảo. Hướng dẫn viên Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật, gây lo lắng cho người dân và chính phủ Việt Nam".
Theo báo này, nhiều hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc "chui" nói với khách trong đoàn của họ rằng dù Việt Nam không còn là lãnh thổ Trung Quốc và đã giành độc lập, nước này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và cống nạp cho Trung Quốc.
Nhiều hướng dẫn viên Trung Quốc bị cáo buộc xuyên tạc lịch sử địa lý Việt Nam, chẳng hạn như nói rằng bãi biển Mỹ Khê thực ra là thuộc về Trung Quốc.
Báo này trích lời ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, nói : "Theo luật, người nước ngoài không được làm hướng dẫn viên ở nước chúng tôi". Lúc đầu, nhiều hướng dẫn viên Việt Nam rất vui vì đông khách Trung Quốc đến Việt Nam vào đầu năm 2016. Họ nghĩ họ sẽ "có thêm cơ hội để kiếm tiền và cải thiện mức sống".
Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Họ đã mất mối làm ăn vì "các công ty du lịch Trung Quốc đã cho trưởng đoàn người Trung Quốc làm hướng dẫn viên", ông Trà được báo SCMP dẫn lời.
Bãi biển Nha Trang, một điểm đến ưa thích của khách du lịch Trung Quốc
Một số hướng dẫn viên Trung Quốc bị cáo buộc kể với đoàn của họ là Việt Nam ghét Trung Quốc, và không nên tin vào những điều hướng dẫn viên Việt Nam nói. Một số người còn bị cáo buộc nói với khách bằng tiếng địa phương Trung Quốc để hướng dẫn người Việt nói tiếng Quan Thoại hay tiếng Quảng Đông không hiểu họ nói gì, tờ báo này viết.
Báo Infonet trích lời ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng, nói hồi tháng Sáu 2016, "hơn 100 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung của Đà Nẵng gần như ... biểu tình vì họ rất phẫn uất". Ông Vinh cho biết nhiều đoàn khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không sử dụng hướng dẫn viên người Việt Nam.
Hồi tháng Bảy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã trục xuất bốn hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép. Những hướng dẫn viên này bị phạt khoảng 4.200 USD còn công ty lữ hành thuê họ bị tịch thu giấy phép hoạt động và phạt khoảng 560 USD. Cũng trong tháng này, tỉnh Khánh Hòa đã trục xuất 66 người Trung Quốc hoạt động trái phép trong ngành du lịch.
Khách du lịch Trung Quốc được cho là có một số nét đặc thù và nhiều khách Trung Quốc gây phản cảm ở Việt Nam. Hồi tháng Sáu, một khách Trung Quốc đã đốt tiền Việt Nam ở một quán bar tại Đà Nẵng. Hồi tháng Năm, một số khách Trung Quốc bị cáo buộc đã đe dọa nhân viên Sân bay quốc tế Cam Ranh gần Nha Trang.
Nguồn thu cho kinh tế địa phương
Mặc dù có hệ lụy, nhiều người Việt Nam ghi nhận sức mua của khách du lịch Trung Quốc. Như lời ông Tuấn ở công ty In-Out Tour nói : "thực ra ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đang thúc đẩy ngành du lịch và kinh tế địa phương".
Đà Nẵng và Nha Trang giờ đây là điểm đến yêu thích của nhiều người Trung Quốc. Chính quyền các thành phố này tìm cách đáp ứng nhu cầu của du khách Trung Quốc tốt hơn.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nói với tờ SCMP rằng khách du lịch Trung Quốc ức chế vì thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung người Việt Nam. Vì vậy, Sở du lịch Đà Nẵng đang đào tạo thêm nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu này.
Trong một tin có liên quan khác, hãng hàng không VietJet chuẩn bị mở đường bay hàng tuần từ Trịnh Châu đi Đà Nẵng vào ngày 12/1/2017.
************************
Khách Trung Quốc đến Việt Nam đông chưa từng có (VnEconomy, 30/12/2016)
Lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, gấp hai lần con số của năm 2010...
Khách du lịch Trung Quốc và tổng số khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2012 -2016 - Đơn vị : triệu người.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12 ước tính đạt 897.300 lượt người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 10,01 triệu lượt người, tăng 26% so với năm trước, tương ứng tăng hơn 2 triệu lượt khách.
Trong đó, khách từ châu Á đạt 7,26 triệu lượt người, chiếm 72,5% và tăng 30,6% so với năm trước.
Đặc biệt, khách từ Trung Quốc đạt 2,7 triệu lượt người, tăng 51,4%, chiếm số lượng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam.
Đây là mức tăng kỷ lục của khách từ Trung Quốc từ trước đến nay.
Năm ngoái, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam từng sụt giảm đang kể, khi chỉ có 1,7 triệu lượt, giảm hơn 200.000 người so với 2014.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, mỗi năm lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam đều chiếm từ 20 - 25% tổng lượng khách quốc tế. Đây là nhóm du khách tới Việt Nam đông đảo nhất.
Cũng trong năm nay, khách đến Việt Nam từ châu Âu đạt 1,6 triệu lượt người, tăng 18,2% so với năm trước.
Khách từ châu Mỹ đạt 735.100 lượt người, tăng 13,5% so với năm 2015, trong đó khách đến từ Mỹ đạt 552.700 lượt người, tăng 12,5%.
Khách từ châu Úc đạt 368.300 lượt người, tăng 7,9%. Khách đến từ châu Phi đạt 28.500 lượt người, tăng 5,2% so với năm 2015.
"Trong năm 2016, với các chính sách, nỗ lực thu hút khách du lịch được triển khai như miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ mạng e-marketing, triển khai chương trình quảng bá du lịch trên truyền hình, phương tiện truyền thông, đại chúng, lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, gấp hai lần lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2010", Tổng cục Thống kê cho biết.
Kiều Châu