Người dân Quận 2 yêu cầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm mới lập Thành phố Thủ Đức
RFA, 07/10/2020
Đại biểu quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hứa với cử tri sẽ tăng tốc giải quyết vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tiến hành dự án thành lập thành phố Thủ Đức.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê hứa sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề Thủ Thiêm - Courtesy of nguoidan cung cap - RFA edited
Ông Khuê cho biết như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 diễn ra ngày 7/10 và được truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tải.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng vụ khiếu nại của người dân liên quan đến sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, cần phải được giải quyết dứt điểm trước khi thành lập thành phố mới Thủ Đức.
Cụ thể, cử tri Nguyễn Huy Hoàng ở phường Bình An phát biểu rằng thành phố nên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Quận 9 cho đúng pháp luật trước rồi mới tính đến chuyện sáp nhập 3 quận lại để thành lập TP Thủ Đức.
Phần đông người dân quận 2 đều không đồng tình với đề án sáp nhập 3 quận thành thành phố mới, vì họ cho rằng vụ Thủ Thiêm giải quyết chưa xong, bây giờ thêm việc sáp nhập sẽ gây nhiều khó khăn khi người dân có những vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu kiện, khiếu nại.
Trả lời về vụ Thủ Thiêm, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc đối thoại với người dân về khu tái định cư 160 ha. Vừa qua do dịch bệnh Covid-19 nên Thanh tra chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện được kế hoạch đối thoại với người dân.
"Tôi cũng rất mong trong điều kiện bình thường mới Thanh tra chính phủ nên sớm tiến hành để đáp ứng yêu cầu của cử tri. Chúng tôi đang ở chặng cuối của nhiệm kỳ, luôn đau đáu với hoàn cảnh của các cử tri và đã hết sức cố gắng… Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ đến các cơ quan Trung ương và thành ủy", ông Khuê bày tỏ.
Riêng về việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, ông Khuê đồng tình với người dân về vấn đề thành phố Thủ Đức mới sẽ khác như thế nào so với huyện Thủ Đức cũ.
Được biết, trong khi chờ đợi buổi đối thoại của Thanh tra chính phủ như lời ông Khuê nói, vào ngày 5/10/2020, một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm đã đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu vì họ cho rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm ngược lại còn có những biện pháp công khai trấn áp người dân.
Nguồn : RFA, 07/10/2020
**********************
RFA, 05/10/2020
Một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm, vào ngày 5/10/2020, tái tục các chuyến đi đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu với Trung ương, yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp đất đai ở Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Courtesy : Người dân Thủ Thiêm cung cấp
Nguyên nhân thúc đẩy họ phải khởi hành ngay cả trong bối cảnh nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, là vì họ cho rằng Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và quận 2 lộ rõ bản chất không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm. Bên cạnh đó chính quyền địa phương còn có biện pháp công khai trấn áp người dân một cách côn đồ.
Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 30/9 vừa qua, khi một số người dân Thủ Thiêm đến khu đất cũ, nơi có nền nhà của họ để căng băng-rôn thông báo họ sẽ xây lại nhà nếu như Chính quyền thành phố không chịu giải quyết dứt điểm những sai phạm ở Thủ Thiêm.
Ông Cao Thăng Ca, vào tối ngày 5/10 kể lại vụ việc đã xảy ra với bản thân ông vào sáng ngày 30/9.
"Khi người ta đã căng băng-rôn rồi thì tôi đi bộ vào khu vực đó. Đi xe thì đương nhiên người ta không cho rồi. Đi bộ thì có người được cho vào, có người lại không được cho. Tôi bị họ ngăn không cho vào. Tôi hỏi họ vì sao cho những người khác vào mà không cho tôi vào. Và, tôi cũng thấy họ đang áp giải mấy người dân Thủ Thiêm, như bà The…Trong lúc tôi đi vào thì họ xô tôi té xuống bị chấn thương cột sống luôn. Người xô tôi là công an mặc sắc phục, trước sự chứng kiến của bà Hồng, Quận ủy viên - Bí thư kiêm Phó chủ tịch phường Bình An. Tôi yêu cầu lập biên bản, nhưng họ nhất định không cho lập biên bản. Họ cứ cho tôi nằm tại đó suốt 2 tiếng đồng hồ, từ 9-11 giờ. Sau đó thì công an đến nói là cứu người trước và lập biên bản sau. Nhưng họ nói thế chỉ để lừa mình thôi".
Ông Ca nói chính quyền địa phương "lừa" là vì :
"Khi họ đưa tôi đi cấp cứu thì tôi cũng không ngờ là họ đưa mình lên xe và bẻ chân, bẻ tay và người ta dùng các biện pháp nghiệp vụ, khiến cho mình đang đau một mà ở trên xe cấp cứu thì bị đau đến mười. Người dân xung quanh mà cản trở thì họ cũng bẻ tay, bẻ chân nên người dân sợ và giãn ra. Mấy người bẻ chân, bẻ tay người dân toàn là an ninh mặc thường phục. Lên xe thì còn chửi tục tĩu, thô bỉ, mạt sát, nhục mạ tôi đến mức không thể chịu đựng nỗi. Trên xe có 3 an ninh. Một anh an ninh lấy tay, chân và đầu gối ghìm tôi xuống. Còn 1 người an ninh ngồi ở ca-bin thì tôi chỉ nghe tiếng chửi thề tục tĩu của người đó còn hơn cả xã hội đen. Vô đến phòng cấp cứu, khi bác sĩ làm việc, lấy hồ sơ bệnh án của tôi thì họ lén chụp hình. Bác sĩ nói chỗ này không được chụp hình. Tôi nói với bác sĩ rằng đây là công an mà không chấp hành quy định của luật pháp thì làm sao chúng tôi tin tưởng được Chính quyền quận 2".
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cũng là người đã có mặt ở khu đất tranh chấp giữa người dân Thủ Thiêm và Chính quyền quận 2. Mục sư Nguyễn Hồng Quang nói với RFA, ông đã đến để thăm lại nơi chốn nhà nguyện cũ, nhưng cũng bị công an quận mặc thường phục ngăn cản một cách bạo lực.
"Tôi đi đến sau (ông Ca được đưa đi cấp cứu) thì cũng bị bắt bẻ tay, dẫn đi. Mình về thăm rồi họ đánh thôi. Họ đẩy tôi ra ngoài thì dân oan Thủ Thiêm chạy xông vào để lôi mình ra thì họ buông".
Các cư dân Thủ Thiêm như mục sư Nguyễn Hồng Quang và ông Cao Thăng Ca cho biết việc căng băng-rôn đã được nói đến tại các buổi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội và trong buổi làm việc với Trưởng Ban tiếp Công dân ở Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp. Người dân Thủ Thiêm quyết định sẽ xây lại nhà, nếu như Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không chịu đối thoại với người dân Thủ Thiêm cho đến hết tháng 9 năm nay.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang còn xác nhận với RFA rằng động thái công an mặc sắc phục lẫn thường phục, trong ngày 30/9, ngăn cản người dân Thủ Thiêm đi vào khu đất của họ đã bị cưỡng chế sai pháp luật, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan ban ngành của chính quyền địa phương. Những người đại diện đó đã để cho sự việc xảy ra, đồng thời không có hành động lập biên bản như yêu cầu của người dân Thủ Thiêm có mặt tại hiện trường, mà còn kêu người dân nên đi ra khỏi khu đất để vãn hồi trật tự.
Những người dân oan Thủ Thiêm có mặt trong vụ việc xảy ra xung đột vào sáng ngày 30/9, cho rằng chính quyền cấp quận và cấp thành phố càng tỏ rõ cho người dân Thủ Thiêm rằng họ không hề có thiện chí để giải quyết vụ việc sai phạm ở Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Trung ương.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh cáo buộc chính quyền địa phương càng lún sâu hơn trong sai phạm :
"Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ cũng lộ rõ bản chất của họ. Cả anh Nhân (ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh) và anh Phong (ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh) thay vì sửa chữa sai lầm theo chỉ đọa của Chủ tịch nước hay của Thủ tướng Chính phủ thì họ đã sai nhưng họ vẫn muốn giữ đất đó cho các công ty mà thực chất là họ đã giao đất cho các công ty rồi, họ bán trước đó rồi. Bây giờ họ giữ đất đó chứ không giải quyết gì cho dân cả. Nói chung UBND quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh xem thường pháp luật và xem thường kiến thức pháp luật của người dân. Họ chủ động làm theo ý của họ thôi, chứ không cần pháp luật nữa".
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân từng tuyên bố rằng Chính quyền thành phố quyết tâm giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019. Tuy nhiên, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo dài thời gian giải quyết cũng như đối thoại với người dân Thủ Thiêm, qua ít nhất 3 lần trì hoãn với lý do bởi dịch Covid-19 và nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Một số người dân Thủ Thiêm Đài RFA tiếp xúc, chia sẻ rằng họ không đồng thuận với cách lý giải của Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, sự an toàn của họ luôn bị đe dọa kéo dài trong nhiều năm, mà đỉnh điểm từ năm 2016 cho đến thời điểm hiện tại, chứ không phải như cái cớ mà Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã năm lần bảy lượt tuyên bố rằng quan tâm đến sự an toàn của dân chúng Thủ Thiêm là trên hết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang dẫn chứng với RFA :
"Anh Ca thì họ gửi email, tin nhắn hăm dọa quăng xuống lầu, tông xe hoài. Còn tôi thì tuần rồi chính quyền đến nhà và yêu cầu không được lên Facebook cũng như không được đi ra đường. Họ bảo rằng tôi đi khiếu nại pháp luật thì họ không nói gì, nhưng tôi không được đi ra đường chung với người dân và tôi không được lên Facebook".
Song song với việc trì hoãn tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đang lên kế hoạch bán 61 lô đất thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn lực đầu tư, hoàn trả số tiền tạm ứng từ ngân sách.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 9/2020, dẫn lời ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư- Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho hay theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì có đến 55 lô đất phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Các dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA rằng họ sẽ lần lượt ra Hà Nội để yêu cầu Trung ương khẩn trương can thiệp giữ nguyên hiện trạng đất đai ở Thủ Thiêm và phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm đúng pháp luật các sai phạm của Chính quyền quận 2 trong hơn 20 năm qua trước khi tiến hành những hoạt động liên quan dự án Thủ Thiêm như bán đấu giá các lô đất, chẳng hạn.
Những người dân Thủ Thiêm mà Đài RFA trao đổi vào tối ngày 5/10 quả quyết rằng họ đã kiên trì giữ đất suốt hai thập niên qua như thế nào thì bất kể Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bất chấp luật pháp, người dân Thủ Thiêm vẫn kiên định lập trường giữ đất như thế đó.
*********************
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp kỷ lục
RFA, 07/10/2020
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam ngày 7/10 thông báo mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn khá nhiều so với dòng chảy tháng 8/2020.
Sông Cửu Long - AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày, dẫn thông báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam rằng, do mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp, mực nước Biển Hồ mới chỉ đạt gần 5m, dung tích Biển Hồ chỉ đạt gần 14 tỷ m3, xấp xỉ 36% so với dung tích trung bình nhiều năm. Ngoài ra, mực nước tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng hơn 2m và đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay.
Dự báo thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18-22/10. Vào thời điểm này, ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu của An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và Tân Hồng của Đồng Tháp là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của lũ thượng nguồn.
Nhưng với mức lũ nhận định ở dưới báo động 1, hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa Thu Đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho hay lũ đến cuối tháng 9 vẫn ở mức thấp, triều cường đầu tháng 10 ở mức trung bình, triều cường đợt giữa tháng 10 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông năm 2020.
*********************
Ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19
RFA, 07/10/2020
Chín tháng qua, ngành dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 25,5 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 7/10/2020.
Bên trong một xưởng may ở Việt Nam - AFP
Ngành dệt may bị cho là ngành chịu tác động nặng nề nhất trong dịch Covid-19, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều lao động do không có đơn hàng và công nhân bị cho nghỉ việc.
Con số do Bộ Công thương đưa ra được tờ Đại Đoàn Kết dẫn lại cho thấy, đến thời điểm này, chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, 10, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Nguyên nhân là sức mua các mặt hàng tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.
Đơn cử, Công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh vào cuối tháng 9 vừa qua ra thông báo sẽ cho toàn bộ hơn 12 ngàn công nhân nghỉ việc nếu từ nay đến cuối năm không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố hôm 6 tháng 10 cho thấy tính đến tháng 9, cả nước có gần 32 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Báo cáo nêu ra số thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý 3/2020 là hơn 1,2 triệu người, tính chung 9 tháng ước 1,35 triệu người (2,48% của tổng số 54,4 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị quý 3/2020 là 4,0% mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
*********************
31,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 9 tháng/2020
RFA, 06/10/2020
Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Và, mặc dù công ăn việc làm của người lao động trong quý III năm nay được cải thiện, tuy nhiên trong cả 3 quý công việc cho người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nhận giúp đỡ thực phẩm từ các mạnh thường quân, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 6/10 dẫn thông tin vừa nêu từ cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, diễn ra trong cùng ngày.
Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, bà Vũ Thị Thu Thủy, tại buổi họp báo hôm 6/10, cho biết trong 9 tháng năm 2020, có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19 bao gồm mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm việc, giảm thu nhập… Trong đó, có 14% bị tạm nghỉ việc và tương đương 70% người lao động bị giảm thu nhập.
Các khu vực lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là khu vực dịch vụ bị nặng nề nhất - chiếm xấp xỉ 69% lao động ; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng -chiếm gần 66,5% và khu vực nông-lâm-thủy sản - chiếm 27%.
Số người lao động được ghi nhận gia tăng trở lại trong quý III năm 2020, với 1,4 triệu người. Trong đó, số người làm việc ở khu vực phi chính thức tăng 1,2 triệu so với quý II.
Bà Vũ Thị Thu Thủy cho hay do chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam còn bị hạn chế, nên họ phải tìm kiếm việc làm mới trong khu vực lao động phi chính thức. Do đó, thị trường lao động Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhưng thiếu tính bền vững.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị trong 9 tháng năm 2020 là cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm qua. Điển hình, thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2020, có hơn 165 ngàn người bị mất hoặc thiếu việc làm, do dịch Covid-19.
Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia : liệu có khả thi ? (RFA, 20/12/2019)
Một người dân, không muốn nêu tên sống, tại Sài Gòn trao đổi với chúng tôi qua mạng xã hội rằng anh cảm thấy việc cấm rượu bia lái xe hay những vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến an toàn xã hội là điều cần thiết nhưng riêng đối với việc cấm xúi giục, lôi kéo, ép nhau uống… thì theo anh không rõ ràng. Vì thế nào là xúi giục, lôi kéo, rủ rê đi nhậu, mọi người đi uống ‘ép’ nhau vài ly là chuyện bình thường. Nếu mà cấm vậy thì ai sẽ là người giám sát, bao nhiêu chai, lon mới thành tội ép buộc và người nào làm chứng cho điều đó, xử phạt như thế nào ?
Nhóm bạn đang uống bia tại một địa điểm vui chơi ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa) AFP/ RFA Edited
Anh nêu rõ ‘ai sao không biết, chứ tụi tôi là thấy vô lý lắm".
Luật sư Đặng Hùng Dũng từng công tác tại Sở Lao động, thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA hôm 20/12/2019 rằng, khi một đạo luật được đưa ra thì các nhà lập pháp cũng đã tính toán và suy nghĩ, xem xét kỹ lưỡng nên thành ra chúng ta chỉ cần biết đợi đưa nó vào trong thực tế xem việc áp dụng luật đó như thế nào mà thôi. Ông nói rõ :
"Thế nhưng chúng ta cũng biết rằng ở Việt Nam và ngay cả Hiến pháp mặc dù ghi rất rõ và rõ ràng nhưng trong thực tế lại không áp dụng được. Điều này đáng buồn và khá phổ biến tại Việt Nam. Luật phòng chống tác hai này là điều cần thiết vì hệ lụy mang lại nhiều tác hại xấu cho xã hội hiện nay. Thành ra người dân cũng chờ đợi xem đối với những bộ luật như vậy nghe thì nó có vẻ khó thực thi nhưng tôi tin rằng dựa vào những câu chữ đó thì chắc chắn nó sẽ có những thông tư để thực hiện tiếp điều đó nữa. Thông thường các luật tại Việt Nam thường sẽ có sự điều chỉnh sau đó với những văn bản dưới luật nữa".
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì đối với những hành vi ép buộc cần phải xử lý và có mức xử phạt hành chính để giảm thiểu tệ nạn say xỉn rồi gây ra những hậu quả khó lường :
"Trên mạng xã hội cũng nhiều ý kiến đối với điều 5 nhưng tôi thấy rằng hàng loạt những hành vi gây nguy hại đến tính mạng người khác như điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, bán rượu bia người dưới 18 tuổi thì nó rất nguy hiểm. Mặc dù luật chính thức đi vào hiệu lực nhưng chính phủ cần quyết định cụ thể để làm sao luật có thể đi vào đời sống cho nên cần xử lý nghiêm hành vi này".
Báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho thấy năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm. Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định cần tạo ra ý thức và là thói quen dần cho người dân : "Nhiều ý kiến nhưng tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm để người dân nhận thức vì khi uống rượu bia khi đi ra đường rất là nguy hiểm nên nếu chúng ta không có biện pháp để chế tài những người này thì nó tác hại không nhỏ đến cuộc sống của người dân, xã hội. Một đất nước mà tình trạng uống rượu bia tràn lan như thế này thì không phát triển được một đất nước không bền vững được. Một số quốc gia người ta có thể uống rượu bia được nhưng bắt buộc không thể lái xe về được thành ra nó tạo ra được thói quen".
Luật sư Hoàng Cao Sang thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trong trả lời báo Tuổi Trẻ đăng ngày 20/12/2019 cho rằng luật cấm lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là điều hết sức tiến bộ nhưng để thực thi được ngay thì không phải là điều dễ dàng. Bởi vì văn hóa của người Việt Nam vẫn còn hình thức rủ rê, lôi kéo… trên bàn nhậu. Nhiều người không biết uống nhưng vì sợ mất lòng nên đối những trường hợp như vậy người bị ép uống khó chịu nhưng để xử phạt cũng là điều rất khó thực thi. Do đó, vị luật sư khẳng định cần có nghị định hướng dẫn cụ thể rõ ràng, quy định rất rõ thế nào thì từ đó có căn cứ xử lý cà hành vi vi phạm.
Đồng ý với điều này, luật sư Đặng Hùng Dũng thừa nhận về mặt luật pháp để các cơ quan công an hay tòa án dễ thực hiện điều này thì phải có những thông tư để định nghĩa rõ ràng từng hành động vi phạm, mức độ ra sao thì sẽ có mức xử phạt hành chính nếu tái phạm nhiều lần có thể khởi tố hình sự… nhưng điều quan trọng là thông thường đối với những sự việc như thế thì luật phải có những chế tài vậy thì xem đạo luật đó có nói về vấn đề chế tài hay không.
"Khi một bộ luật mới được ban hành như vậy thì thông thường sẽ có khoảng thời gian khá dài để có những luật áp dụng cho bộ luật đó nhưng mà lần này luật có thời gian áp dụng rất là sớm thì như vậy tính cấp bách của luật này ở mức cần thiết phải thực hiện ngay. Nên có thể căn cứ vào câu chữ của bộ luật có thể áp dụng được ngay nhưng mà cái chế tài đi kèm theo bộ luật này đã có chưa nếu mà chưa mà chỉ nói chung chung như vậy thì việc áp dụng có thực thi đến nơi đến chốn hay không. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những thông tư, nghị định ra đời để làm rõ hơn những vấn đề mà bộ luật chưa nói một cách đầy đủ".
Luật sư Hậu cũng khẳng định bộ luật đã có nhưng để xóa bỏ văn hóa ép buộc, xúi giục uống rượu bia này thì cần phải xử phạt nặng, thông tư, nghị định, quy định rõ ràng cụ thể thì mới có hy vọng thay đổi trong tương lai. Vấn đề quan trọng là việc thực thi điều này như thế nào mà thôi chứ tranh cãi, tranh luận thì Quốc hội cũng đã tranh cãi nhiều rồi, luật sư cũng bình luận nhiều trên báo chí trong vào ngoài nước khá nhiều cho nên cần chờ xem việc thực thi điều này như thế nào cho đúng mà thôi.
*******************
Tổ chức tội phạm Việt Nam bị nghi ăn cắp thông tin hàng triệu Facebooker ở Mỹ (VOA, 20/12/2019)
Thông tin cá nhân của hơn 267 triệu người dùng Facebook, bao gồm tên, số điện thoại và thông tin tài khoản, chủ yếu ở Mỹ, đã bị đánh cắp và tung lên mạng, trang NY Post dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu an ninh mạng cho biết hôm 19/12.
Tổ chức tội phạm Việt Nam bị nghi ăn cắp thông tin hàng triệu người dùng Facebook ở Mỹ. Photo Camparitech.
Theo một báo cáo tổng hợp từ trang Comparitech và chuyên gia mạng Bob Diachenko cho biết trong hai tuần qua, tính từ ngày 14/12, một nguồn dữ liệu khổng lồ và nhạy cảm đã bị tung lên mạng mà bất cứ ai cũng có thể xem được, trang NY Post cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết cơ sở dữ liệu này thuộc về "một tổ chức tội phạm ở Việt Nam", theo "các bằng chứng có được". Những thông tin này được tìm thấy trong một cơ sở dữ liệu có thể truy cập mà không cần mật khẩu hay bất kì một biện pháp xác thực nào khác, nhóm này nhận định.
Chuyên gia Diachenko tin rằng nhóm tội phạm ở Việt Nam có được hồ sơ người dùng Facebook thông qua hai cách : khai thác giao diện lập trình ứng dụng hoặc API của Facebook, theo trang CNet.
Đáng lưu ý, một bức ảnh chụp màn hình được Comparitech cung cấp cho thấy ngôn ngữ tiếng Việt được các hacker sử dụng : "Đăng nhập"
Trang Camparitech cho biết nạn nhân là hơn 267,1 triệu người dùng Facebook, chủ yếu ở Mỹ.
(Theo : CNet, NYPost, Comparitech)
*******************
Giấc mơ trở thành cường quốc dệt may của thủ tướng Việt Nam ! (RFA, 17/12/2019)
Báo cáo vào đầu tháng 12 vừa qua từ Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy toàn ngành năm nay tăng trưởng chừng 7,55% so với năm ngoái ; tuy nhiên không thể đạt mục tiêu 40 tỷ đô la như mục tiêu đề ra.
Bên trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc.(Ảnh minh họa) - AFP
Theo đánh giá thì các mặt hàng may mặc trong tình trạng sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chỉ ký được các đơn hàng số lượng nhỏ thay vì số lượng lớn như những năm trước.
Nguyên nhân được nói là do hầu hết các đơn hàng đang có xu hướng bị chia nhỏ, khách hàng không mấy mặn mà trong việc đặt hàng dài hạn, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam bị sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước có ưu đãi về thuế suất như : Banglades, Campuchia thay vì vào Việt Nam như trước đây.
Ngoài ra, lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn khi mà nhiều quốc gia có giá nhân công chỉ bằng một nửa của ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó để thu hút đơn hàng, các quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như : giảm nhiều loại thuế, thúc đẩy xuất khẩu, khiến nguy cơ mất đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính và giá cả thị trường, nhận định về những khó khăn mà ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt :
"Hiện nay có nhiều khó khăn trong quá trình cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ thì đó cũng là một yếu tố. Hai là trong bối cảnh tình hình vừa qua thì gặp nhiều trắc trở ở nguyên liệu đầu vào hay những đơn đặt hàng cũng ít hơn nhưng cái chính là hiện nay cũng có một số nước đang vươn lên trong lĩnh vực dệt may nên xu thế và chiều hướng trong những năm qua cũng không còn là yếu tố tạo cho Việt Nam còn là một trong nước mạnh về xuất khẩu may mặc".
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của cố thủ tướng Phan Văn Khải và cũng là nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, thì ngành dệt may đạt được con số cao đó cũng chủ yếu do khối đầu tư nước ngoài là chính, chứ hàng Việt Nam đến bây giờ cũng chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng vẫn còn rất thấp, do đó với tình trạng hiện nay bà lo cho số phận của các doanh nghiệp may tại Việt Nam :
"Ngành dệt may vẫn chưa có những bước chuyển để đi vào ngành sản xuất như vải và các phụ liệu phụ trợ sẽ làm dệt may có thêm giá trị gia tăng. Thông thường thành tích của ngành dệt may cũng chỉ hay nói về xuất khẩu chứ không nêu con số tương ứng là nhập khẩu bao nhiêu, nếu mà thấy con số nhập khẩu thì nó cũng bằng 80-90% của con số xuất khẩu. Do đó thực tế tại Việt Nam ngành dệt may xuất khẩu tịnh được của ngành dệt may cũng khá là khiêm tốn. tôi cũng đang lo cho số phận của các công ty dệt may tại Việt Nam. Đúng là có một số công ty nhỏ họ làm ngày càng đuối sức nhiều hơn, trên thị trường nội địa thì sức cạnh tranh khó nhọc nên ngành dệt may cũng chủ yếu là phục vụ cho xuất khẩu và hướng về xuất khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài là chính thôi, còn thị trường nội địa thì bị các nước khác vào khai thác nhiều và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì họ làm cho nội địa là chính nên nhiều khi họ không chịu nổi sức ép cạnh tranh, không tồn tại được".
Một nữ doanh nhân trong ngành dệt may tại tỉnh Đồng Nai không muốn nêu danh tính cho xác nhận với RFA về tình hình thực tế hiện nay.
"Thật ra nó có nhiều khó khăn lắm, thứ nhất là về cạnh tranh lao động của các ngành nghề các công ty may với nhau, thứ hai thì các đơn hàng mà do thị trường chung của thế giới nên sức tiêu dùng có giảm, mặt hàng thì giá cả ngày càng cạnh tranh thì nếu đơn hàng chào giá cao thì mình không có cơ hội đâu. Giờ người ta không đặt ở đây mà đặt tại các nước khác như Campuchia, Bangladesh, Myanmar thì những nước đó là những nước ngành dệt may đang bắt đầu mạnh lên và đơn hàng của mình cũng bị san sẻ với các nước trong khu vực, lượng hàng có giảm đi nhiều và đơn giá cũng sụt giảm thấp đi thì đó là tình hình chung khó khăn. Nhiều doanh nghiệp họ cũng hy vọng rằng có việc sự cố về thương mại thì người ta sẽ chuyển về Việt Nam nhưng chưa hẳn là như vậy".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vào ngày 13/12 vừa qua phát biểu rằng ngành dệt may chưa thoát khỏi phụ thuộc về nguyên liệu từ bên ngoài, chủ yếu vẫn là gia công nên sản phẩm có giá trị gia tăng thấp nên thủ tướng đặt bài toán cho ngành dệt may phải chuyển sang mô hình sản xuất tạo giá trị tăng cao hơn cho các sản phẩm. hiện cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về sản phẩm may mặc, chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong khi đó sợi chỉ chiếm hơn 8%, vải gần 3%, phụ kiện may dưới 10%...
Người dân tự sản xuất các sợi tơ tằm tại làng Cổ Chất ở Nam Định. AFP
Ngoài ra, thủ tướng Phúc còn khẳng định Việt Nam tự hào đứng thứ 3 thế giới về dệt may dù chưa đạt 100 triệu dân nên đây là sự cố gắng lớn lao nhưng ông đặt vấn đề rằng liệu có giữ được vị trí top đầu thế giới về may mặc hay không. Ông kỳ vọng Việt nam vẫn tiếp tục là cường quốc nhóm đầu trong ngành công nghiệp dệt may…
Trong bối cảnh tình hình hiện nay với nhiều quốc gia đang vươn lên trong ngành dệt may này, nhân công giá rẻ hơn Việt Nam…và nhiều chính sách ưu đãi khác thì liệu rằng thời gian tới Việt Nam có giữ được vị trí nhóm đầu về ngành công nghiệp này như Thủ tướng mong muốn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định điều đó rất khó có khả năng : "Kỳ vọng thì ở đâu cũng thế thôi, đặc biệt những ngành đã là mũi nhọn của cả nước thì cố gắng tiếp tục giữ nhưng điều đó hoàn toàn không hề đơn giản nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại khốc liệt, và cũng đồng thời các nước khác đang vươn lên rất là mạnh. Trong tình hình hiện nay nhiều chính sách của nước mình bắt đầu tháo gỡ nhưng những tiềm năng nó bắt đầu cũng hạn chế và không còn tồn tại và mạnh như trước nữa. Cho nên kỳ vọng của chinh phủ là luôn luôn vẫn phát huy nhưng được hay không nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có mong muốn là được đâu. Với khả năng đó mà mình giữ vững và tồn tại thì khó có khả năng".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định, giữ vị trí này rất khó nếu muốn thì Việt Nam phải có sự chuyển mình rất mạnh về ngành dệt may :
"Trong thời gian vừa rồi có một số doanh nghiệp bên Trung Quốc họ dời nhà máy sang Việt Nam mang danh là nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu thì như vậy gần như tất cả chuỗi giá trị gia tăng là họ hưởng hết, cái đó nó còn tệ hơn, nó làm xóa đi, mờ đi điểm yếu những mặt chưa tốt trong ngành dệt may. Đến lúc sản phẩm xuất sang các thị trường chủ chốt trong tương lai của Việt Nam như CPTPP, thị trường EU, tỉ lệ xuất xứ nội địa hoặc nội khối phải chừng 40% thì Việt Nam sẽ không thực hiện nổi đâu. Hay Hoa Kỳ tăng thêm những đòi hỏi về xuất xứ chứng minh nguồn gốc không từ những nước coi như lẫn tránh thuế thì lúc đó Việt Nam còn tệ hại hơn. Tôi nghĩ cần thay đổi rất căn bản nếu muốn duy trình ngành dệt may có nghĩa tập trung đầu tư rất cao cho các ngành phụ trợ của dệt may từ dệt, nhuộm trở đi, xây dựng cả chuỗi tương đối căn cơ tại Việt Nam chứ không thể cứ làm gia công như hiện nay mà nhập chủ yếu từ bên ngoài hết".
Vào tháng 10/2019 Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) và Bộ Công thương có cùng nhau ra báo cáo về sách trắng công nghiệp Việt Nam 2019 cũng có phân tích chuỗi về ngành dệt may cho thấy rằng Việt Nam rất cần đầu tư vào những ngành căn cơ hơn như hóa chất phục vụ cho ngành dệt may. Tuy nhiên ngành này hiện Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài và nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác nữa.