Người dân Quận 2 yêu cầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm mới lập Thành phố Thủ Đức
RFA, 07/10/2020
Đại biểu quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hứa với cử tri sẽ tăng tốc giải quyết vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tiến hành dự án thành lập thành phố Thủ Đức.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê hứa sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề Thủ Thiêm - Courtesy of nguoidan cung cap - RFA edited
Ông Khuê cho biết như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 diễn ra ngày 7/10 và được truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tải.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng vụ khiếu nại của người dân liên quan đến sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, cần phải được giải quyết dứt điểm trước khi thành lập thành phố mới Thủ Đức.
Cụ thể, cử tri Nguyễn Huy Hoàng ở phường Bình An phát biểu rằng thành phố nên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Quận 9 cho đúng pháp luật trước rồi mới tính đến chuyện sáp nhập 3 quận lại để thành lập TP Thủ Đức.
Phần đông người dân quận 2 đều không đồng tình với đề án sáp nhập 3 quận thành thành phố mới, vì họ cho rằng vụ Thủ Thiêm giải quyết chưa xong, bây giờ thêm việc sáp nhập sẽ gây nhiều khó khăn khi người dân có những vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu kiện, khiếu nại.
Trả lời về vụ Thủ Thiêm, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc đối thoại với người dân về khu tái định cư 160 ha. Vừa qua do dịch bệnh Covid-19 nên Thanh tra chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện được kế hoạch đối thoại với người dân.
"Tôi cũng rất mong trong điều kiện bình thường mới Thanh tra chính phủ nên sớm tiến hành để đáp ứng yêu cầu của cử tri. Chúng tôi đang ở chặng cuối của nhiệm kỳ, luôn đau đáu với hoàn cảnh của các cử tri và đã hết sức cố gắng… Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ đến các cơ quan Trung ương và thành ủy", ông Khuê bày tỏ.
Riêng về việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, ông Khuê đồng tình với người dân về vấn đề thành phố Thủ Đức mới sẽ khác như thế nào so với huyện Thủ Đức cũ.
Được biết, trong khi chờ đợi buổi đối thoại của Thanh tra chính phủ như lời ông Khuê nói, vào ngày 5/10/2020, một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm đã đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu vì họ cho rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm ngược lại còn có những biện pháp công khai trấn áp người dân.
Nguồn : RFA, 07/10/2020
**********************
Dân Thủ Thiêm tiếp tục cầu cứu lên Trung ương và kiên định giữ đất
RFA, 05/10/2020
Công an ngăn cản một cách bạo lực
Một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm, vào ngày 5/10/2020, tái tục các chuyến đi đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu với Trung ương, yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp đất đai ở Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Courtesy : Người dân Thủ Thiêm cung cấp
Nguyên nhân thúc đẩy họ phải khởi hành ngay cả trong bối cảnh nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, là vì họ cho rằng Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và quận 2 lộ rõ bản chất không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm. Bên cạnh đó chính quyền địa phương còn có biện pháp công khai trấn áp người dân một cách côn đồ.
Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 30/9 vừa qua, khi một số người dân Thủ Thiêm đến khu đất cũ, nơi có nền nhà của họ để căng băng-rôn thông báo họ sẽ xây lại nhà nếu như Chính quyền thành phố không chịu giải quyết dứt điểm những sai phạm ở Thủ Thiêm.
Ông Cao Thăng Ca, vào tối ngày 5/10 kể lại vụ việc đã xảy ra với bản thân ông vào sáng ngày 30/9.
"Khi người ta đã căng băng-rôn rồi thì tôi đi bộ vào khu vực đó. Đi xe thì đương nhiên người ta không cho rồi. Đi bộ thì có người được cho vào, có người lại không được cho. Tôi bị họ ngăn không cho vào. Tôi hỏi họ vì sao cho những người khác vào mà không cho tôi vào. Và, tôi cũng thấy họ đang áp giải mấy người dân Thủ Thiêm, như bà The…Trong lúc tôi đi vào thì họ xô tôi té xuống bị chấn thương cột sống luôn. Người xô tôi là công an mặc sắc phục, trước sự chứng kiến của bà Hồng, Quận ủy viên - Bí thư kiêm Phó chủ tịch phường Bình An. Tôi yêu cầu lập biên bản, nhưng họ nhất định không cho lập biên bản. Họ cứ cho tôi nằm tại đó suốt 2 tiếng đồng hồ, từ 9-11 giờ. Sau đó thì công an đến nói là cứu người trước và lập biên bản sau. Nhưng họ nói thế chỉ để lừa mình thôi".
Ông Ca nói chính quyền địa phương "lừa" là vì :
"Khi họ đưa tôi đi cấp cứu thì tôi cũng không ngờ là họ đưa mình lên xe và bẻ chân, bẻ tay và người ta dùng các biện pháp nghiệp vụ, khiến cho mình đang đau một mà ở trên xe cấp cứu thì bị đau đến mười. Người dân xung quanh mà cản trở thì họ cũng bẻ tay, bẻ chân nên người dân sợ và giãn ra. Mấy người bẻ chân, bẻ tay người dân toàn là an ninh mặc thường phục. Lên xe thì còn chửi tục tĩu, thô bỉ, mạt sát, nhục mạ tôi đến mức không thể chịu đựng nỗi. Trên xe có 3 an ninh. Một anh an ninh lấy tay, chân và đầu gối ghìm tôi xuống. Còn 1 người an ninh ngồi ở ca-bin thì tôi chỉ nghe tiếng chửi thề tục tĩu của người đó còn hơn cả xã hội đen. Vô đến phòng cấp cứu, khi bác sĩ làm việc, lấy hồ sơ bệnh án của tôi thì họ lén chụp hình. Bác sĩ nói chỗ này không được chụp hình. Tôi nói với bác sĩ rằng đây là công an mà không chấp hành quy định của luật pháp thì làm sao chúng tôi tin tưởng được Chính quyền quận 2".
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cũng là người đã có mặt ở khu đất tranh chấp giữa người dân Thủ Thiêm và Chính quyền quận 2. Mục sư Nguyễn Hồng Quang nói với RFA, ông đã đến để thăm lại nơi chốn nhà nguyện cũ, nhưng cũng bị công an quận mặc thường phục ngăn cản một cách bạo lực.
"Tôi đi đến sau (ông Ca được đưa đi cấp cứu) thì cũng bị bắt bẻ tay, dẫn đi. Mình về thăm rồi họ đánh thôi. Họ đẩy tôi ra ngoài thì dân oan Thủ Thiêm chạy xông vào để lôi mình ra thì họ buông".
Các cư dân Thủ Thiêm như mục sư Nguyễn Hồng Quang và ông Cao Thăng Ca cho biết việc căng băng-rôn đã được nói đến tại các buổi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội và trong buổi làm việc với Trưởng Ban tiếp Công dân ở Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp. Người dân Thủ Thiêm quyết định sẽ xây lại nhà, nếu như Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không chịu đối thoại với người dân Thủ Thiêm cho đến hết tháng 9 năm nay.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang còn xác nhận với RFA rằng động thái công an mặc sắc phục lẫn thường phục, trong ngày 30/9, ngăn cản người dân Thủ Thiêm đi vào khu đất của họ đã bị cưỡng chế sai pháp luật, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan ban ngành của chính quyền địa phương. Những người đại diện đó đã để cho sự việc xảy ra, đồng thời không có hành động lập biên bản như yêu cầu của người dân Thủ Thiêm có mặt tại hiện trường, mà còn kêu người dân nên đi ra khỏi khu đất để vãn hồi trật tự.
Ông Cao Thăng Ca, một cư dân Thủ Thiêm bị công an xô ngã khi đi vào khu đất cũ đã bị cưỡng chế. Hình chụp sáng ngày 30/9/2020. Courtesy : Người dân Thủ Thiêm cung cấp.
Cáo buộc chính quyền địa phương sai phạm
Những người dân oan Thủ Thiêm có mặt trong vụ việc xảy ra xung đột vào sáng ngày 30/9, cho rằng chính quyền cấp quận và cấp thành phố càng tỏ rõ cho người dân Thủ Thiêm rằng họ không hề có thiện chí để giải quyết vụ việc sai phạm ở Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Trung ương.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh cáo buộc chính quyền địa phương càng lún sâu hơn trong sai phạm :
"Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ cũng lộ rõ bản chất của họ. Cả anh Nhân (ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh) và anh Phong (ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh) thay vì sửa chữa sai lầm theo chỉ đọa của Chủ tịch nước hay của Thủ tướng Chính phủ thì họ đã sai nhưng họ vẫn muốn giữ đất đó cho các công ty mà thực chất là họ đã giao đất cho các công ty rồi, họ bán trước đó rồi. Bây giờ họ giữ đất đó chứ không giải quyết gì cho dân cả. Nói chung UBND quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh xem thường pháp luật và xem thường kiến thức pháp luật của người dân. Họ chủ động làm theo ý của họ thôi, chứ không cần pháp luật nữa".
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân từng tuyên bố rằng Chính quyền thành phố quyết tâm giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019. Tuy nhiên, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo dài thời gian giải quyết cũng như đối thoại với người dân Thủ Thiêm, qua ít nhất 3 lần trì hoãn với lý do bởi dịch Covid-19 và nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Một số người dân Thủ Thiêm Đài RFA tiếp xúc, chia sẻ rằng họ không đồng thuận với cách lý giải của Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, sự an toàn của họ luôn bị đe dọa kéo dài trong nhiều năm, mà đỉnh điểm từ năm 2016 cho đến thời điểm hiện tại, chứ không phải như cái cớ mà Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã năm lần bảy lượt tuyên bố rằng quan tâm đến sự an toàn của dân chúng Thủ Thiêm là trên hết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang dẫn chứng với RFA :
"Anh Ca thì họ gửi email, tin nhắn hăm dọa quăng xuống lầu, tông xe hoài. Còn tôi thì tuần rồi chính quyền đến nhà và yêu cầu không được lên Facebook cũng như không được đi ra đường. Họ bảo rằng tôi đi khiếu nại pháp luật thì họ không nói gì, nhưng tôi không được đi ra đường chung với người dân và tôi không được lên Facebook".
Song song với việc trì hoãn tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đang lên kế hoạch bán 61 lô đất thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn lực đầu tư, hoàn trả số tiền tạm ứng từ ngân sách.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 9/2020, dẫn lời ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư- Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho hay theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì có đến 55 lô đất phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Các dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA rằng họ sẽ lần lượt ra Hà Nội để yêu cầu Trung ương khẩn trương can thiệp giữ nguyên hiện trạng đất đai ở Thủ Thiêm và phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm đúng pháp luật các sai phạm của Chính quyền quận 2 trong hơn 20 năm qua trước khi tiến hành những hoạt động liên quan dự án Thủ Thiêm như bán đấu giá các lô đất, chẳng hạn.
Những người dân Thủ Thiêm mà Đài RFA trao đổi vào tối ngày 5/10 quả quyết rằng họ đã kiên trì giữ đất suốt hai thập niên qua như thế nào thì bất kể Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bất chấp luật pháp, người dân Thủ Thiêm vẫn kiên định lập trường giữ đất như thế đó.
*********************
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp kỷ lục
RFA, 07/10/2020
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam ngày 7/10 thông báo mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn khá nhiều so với dòng chảy tháng 8/2020.
Sông Cửu Long - AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày, dẫn thông báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam rằng, do mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp, mực nước Biển Hồ mới chỉ đạt gần 5m, dung tích Biển Hồ chỉ đạt gần 14 tỷ m3, xấp xỉ 36% so với dung tích trung bình nhiều năm. Ngoài ra, mực nước tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng hơn 2m và đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay.
Dự báo thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18-22/10. Vào thời điểm này, ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu của An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và Tân Hồng của Đồng Tháp là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của lũ thượng nguồn.
Nhưng với mức lũ nhận định ở dưới báo động 1, hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa Thu Đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho hay lũ đến cuối tháng 9 vẫn ở mức thấp, triều cường đầu tháng 10 ở mức trung bình, triều cường đợt giữa tháng 10 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông năm 2020.
*********************
Ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19
RFA, 07/10/2020
Chín tháng qua, ngành dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 25,5 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 7/10/2020.
Bên trong một xưởng may ở Việt Nam - AFP
Ngành dệt may bị cho là ngành chịu tác động nặng nề nhất trong dịch Covid-19, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều lao động do không có đơn hàng và công nhân bị cho nghỉ việc.
Con số do Bộ Công thương đưa ra được tờ Đại Đoàn Kết dẫn lại cho thấy, đến thời điểm này, chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, 10, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Nguyên nhân là sức mua các mặt hàng tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.
Đơn cử, Công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh vào cuối tháng 9 vừa qua ra thông báo sẽ cho toàn bộ hơn 12 ngàn công nhân nghỉ việc nếu từ nay đến cuối năm không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố hôm 6 tháng 10 cho thấy tính đến tháng 9, cả nước có gần 32 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Báo cáo nêu ra số thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý 3/2020 là hơn 1,2 triệu người, tính chung 9 tháng ước 1,35 triệu người (2,48% của tổng số 54,4 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị quý 3/2020 là 4,0% mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
*********************
31,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 9 tháng/2020
RFA, 06/10/2020
Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Và, mặc dù công ăn việc làm của người lao động trong quý III năm nay được cải thiện, tuy nhiên trong cả 3 quý công việc cho người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nhận giúp đỡ thực phẩm từ các mạnh thường quân, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 6/10 dẫn thông tin vừa nêu từ cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, diễn ra trong cùng ngày.
Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, bà Vũ Thị Thu Thủy, tại buổi họp báo hôm 6/10, cho biết trong 9 tháng năm 2020, có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19 bao gồm mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm việc, giảm thu nhập… Trong đó, có 14% bị tạm nghỉ việc và tương đương 70% người lao động bị giảm thu nhập.
Các khu vực lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là khu vực dịch vụ bị nặng nề nhất - chiếm xấp xỉ 69% lao động ; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng -chiếm gần 66,5% và khu vực nông-lâm-thủy sản - chiếm 27%.
Số người lao động được ghi nhận gia tăng trở lại trong quý III năm 2020, với 1,4 triệu người. Trong đó, số người làm việc ở khu vực phi chính thức tăng 1,2 triệu so với quý II.
Bà Vũ Thị Thu Thủy cho hay do chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam còn bị hạn chế, nên họ phải tìm kiếm việc làm mới trong khu vực lao động phi chính thức. Do đó, thị trường lao động Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhưng thiếu tính bền vững.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị trong 9 tháng năm 2020 là cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm qua. Điển hình, thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2020, có hơn 165 ngàn người bị mất hoặc thiếu việc làm, do dịch Covid-19.