Người dân Quận 2 yêu cầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm mới lập Thành phố Thủ Đức
RFA, 07/10/2020
Đại biểu quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hứa với cử tri sẽ tăng tốc giải quyết vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tiến hành dự án thành lập thành phố Thủ Đức.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê hứa sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề Thủ Thiêm - Courtesy of nguoidan cung cap - RFA edited
Ông Khuê cho biết như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 diễn ra ngày 7/10 và được truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tải.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng vụ khiếu nại của người dân liên quan đến sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, cần phải được giải quyết dứt điểm trước khi thành lập thành phố mới Thủ Đức.
Cụ thể, cử tri Nguyễn Huy Hoàng ở phường Bình An phát biểu rằng thành phố nên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Quận 9 cho đúng pháp luật trước rồi mới tính đến chuyện sáp nhập 3 quận lại để thành lập TP Thủ Đức.
Phần đông người dân quận 2 đều không đồng tình với đề án sáp nhập 3 quận thành thành phố mới, vì họ cho rằng vụ Thủ Thiêm giải quyết chưa xong, bây giờ thêm việc sáp nhập sẽ gây nhiều khó khăn khi người dân có những vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu kiện, khiếu nại.
Trả lời về vụ Thủ Thiêm, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc đối thoại với người dân về khu tái định cư 160 ha. Vừa qua do dịch bệnh Covid-19 nên Thanh tra chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện được kế hoạch đối thoại với người dân.
"Tôi cũng rất mong trong điều kiện bình thường mới Thanh tra chính phủ nên sớm tiến hành để đáp ứng yêu cầu của cử tri. Chúng tôi đang ở chặng cuối của nhiệm kỳ, luôn đau đáu với hoàn cảnh của các cử tri và đã hết sức cố gắng… Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ đến các cơ quan Trung ương và thành ủy", ông Khuê bày tỏ.
Riêng về việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, ông Khuê đồng tình với người dân về vấn đề thành phố Thủ Đức mới sẽ khác như thế nào so với huyện Thủ Đức cũ.
Được biết, trong khi chờ đợi buổi đối thoại của Thanh tra chính phủ như lời ông Khuê nói, vào ngày 5/10/2020, một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm đã đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu vì họ cho rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm ngược lại còn có những biện pháp công khai trấn áp người dân.
Nguồn : RFA, 07/10/2020
**********************
RFA, 05/10/2020
Một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm, vào ngày 5/10/2020, tái tục các chuyến đi đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu với Trung ương, yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp đất đai ở Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Courtesy : Người dân Thủ Thiêm cung cấp
Nguyên nhân thúc đẩy họ phải khởi hành ngay cả trong bối cảnh nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, là vì họ cho rằng Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và quận 2 lộ rõ bản chất không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm. Bên cạnh đó chính quyền địa phương còn có biện pháp công khai trấn áp người dân một cách côn đồ.
Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 30/9 vừa qua, khi một số người dân Thủ Thiêm đến khu đất cũ, nơi có nền nhà của họ để căng băng-rôn thông báo họ sẽ xây lại nhà nếu như Chính quyền thành phố không chịu giải quyết dứt điểm những sai phạm ở Thủ Thiêm.
Ông Cao Thăng Ca, vào tối ngày 5/10 kể lại vụ việc đã xảy ra với bản thân ông vào sáng ngày 30/9.
"Khi người ta đã căng băng-rôn rồi thì tôi đi bộ vào khu vực đó. Đi xe thì đương nhiên người ta không cho rồi. Đi bộ thì có người được cho vào, có người lại không được cho. Tôi bị họ ngăn không cho vào. Tôi hỏi họ vì sao cho những người khác vào mà không cho tôi vào. Và, tôi cũng thấy họ đang áp giải mấy người dân Thủ Thiêm, như bà The…Trong lúc tôi đi vào thì họ xô tôi té xuống bị chấn thương cột sống luôn. Người xô tôi là công an mặc sắc phục, trước sự chứng kiến của bà Hồng, Quận ủy viên - Bí thư kiêm Phó chủ tịch phường Bình An. Tôi yêu cầu lập biên bản, nhưng họ nhất định không cho lập biên bản. Họ cứ cho tôi nằm tại đó suốt 2 tiếng đồng hồ, từ 9-11 giờ. Sau đó thì công an đến nói là cứu người trước và lập biên bản sau. Nhưng họ nói thế chỉ để lừa mình thôi".
Ông Ca nói chính quyền địa phương "lừa" là vì :
"Khi họ đưa tôi đi cấp cứu thì tôi cũng không ngờ là họ đưa mình lên xe và bẻ chân, bẻ tay và người ta dùng các biện pháp nghiệp vụ, khiến cho mình đang đau một mà ở trên xe cấp cứu thì bị đau đến mười. Người dân xung quanh mà cản trở thì họ cũng bẻ tay, bẻ chân nên người dân sợ và giãn ra. Mấy người bẻ chân, bẻ tay người dân toàn là an ninh mặc thường phục. Lên xe thì còn chửi tục tĩu, thô bỉ, mạt sát, nhục mạ tôi đến mức không thể chịu đựng nỗi. Trên xe có 3 an ninh. Một anh an ninh lấy tay, chân và đầu gối ghìm tôi xuống. Còn 1 người an ninh ngồi ở ca-bin thì tôi chỉ nghe tiếng chửi thề tục tĩu của người đó còn hơn cả xã hội đen. Vô đến phòng cấp cứu, khi bác sĩ làm việc, lấy hồ sơ bệnh án của tôi thì họ lén chụp hình. Bác sĩ nói chỗ này không được chụp hình. Tôi nói với bác sĩ rằng đây là công an mà không chấp hành quy định của luật pháp thì làm sao chúng tôi tin tưởng được Chính quyền quận 2".
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cũng là người đã có mặt ở khu đất tranh chấp giữa người dân Thủ Thiêm và Chính quyền quận 2. Mục sư Nguyễn Hồng Quang nói với RFA, ông đã đến để thăm lại nơi chốn nhà nguyện cũ, nhưng cũng bị công an quận mặc thường phục ngăn cản một cách bạo lực.
"Tôi đi đến sau (ông Ca được đưa đi cấp cứu) thì cũng bị bắt bẻ tay, dẫn đi. Mình về thăm rồi họ đánh thôi. Họ đẩy tôi ra ngoài thì dân oan Thủ Thiêm chạy xông vào để lôi mình ra thì họ buông".
Các cư dân Thủ Thiêm như mục sư Nguyễn Hồng Quang và ông Cao Thăng Ca cho biết việc căng băng-rôn đã được nói đến tại các buổi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội và trong buổi làm việc với Trưởng Ban tiếp Công dân ở Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp. Người dân Thủ Thiêm quyết định sẽ xây lại nhà, nếu như Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không chịu đối thoại với người dân Thủ Thiêm cho đến hết tháng 9 năm nay.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang còn xác nhận với RFA rằng động thái công an mặc sắc phục lẫn thường phục, trong ngày 30/9, ngăn cản người dân Thủ Thiêm đi vào khu đất của họ đã bị cưỡng chế sai pháp luật, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan ban ngành của chính quyền địa phương. Những người đại diện đó đã để cho sự việc xảy ra, đồng thời không có hành động lập biên bản như yêu cầu của người dân Thủ Thiêm có mặt tại hiện trường, mà còn kêu người dân nên đi ra khỏi khu đất để vãn hồi trật tự.
Những người dân oan Thủ Thiêm có mặt trong vụ việc xảy ra xung đột vào sáng ngày 30/9, cho rằng chính quyền cấp quận và cấp thành phố càng tỏ rõ cho người dân Thủ Thiêm rằng họ không hề có thiện chí để giải quyết vụ việc sai phạm ở Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Trung ương.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh cáo buộc chính quyền địa phương càng lún sâu hơn trong sai phạm :
"Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ cũng lộ rõ bản chất của họ. Cả anh Nhân (ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh) và anh Phong (ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh) thay vì sửa chữa sai lầm theo chỉ đọa của Chủ tịch nước hay của Thủ tướng Chính phủ thì họ đã sai nhưng họ vẫn muốn giữ đất đó cho các công ty mà thực chất là họ đã giao đất cho các công ty rồi, họ bán trước đó rồi. Bây giờ họ giữ đất đó chứ không giải quyết gì cho dân cả. Nói chung UBND quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh xem thường pháp luật và xem thường kiến thức pháp luật của người dân. Họ chủ động làm theo ý của họ thôi, chứ không cần pháp luật nữa".
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân từng tuyên bố rằng Chính quyền thành phố quyết tâm giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019. Tuy nhiên, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo dài thời gian giải quyết cũng như đối thoại với người dân Thủ Thiêm, qua ít nhất 3 lần trì hoãn với lý do bởi dịch Covid-19 và nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Một số người dân Thủ Thiêm Đài RFA tiếp xúc, chia sẻ rằng họ không đồng thuận với cách lý giải của Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, sự an toàn của họ luôn bị đe dọa kéo dài trong nhiều năm, mà đỉnh điểm từ năm 2016 cho đến thời điểm hiện tại, chứ không phải như cái cớ mà Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã năm lần bảy lượt tuyên bố rằng quan tâm đến sự an toàn của dân chúng Thủ Thiêm là trên hết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang dẫn chứng với RFA :
"Anh Ca thì họ gửi email, tin nhắn hăm dọa quăng xuống lầu, tông xe hoài. Còn tôi thì tuần rồi chính quyền đến nhà và yêu cầu không được lên Facebook cũng như không được đi ra đường. Họ bảo rằng tôi đi khiếu nại pháp luật thì họ không nói gì, nhưng tôi không được đi ra đường chung với người dân và tôi không được lên Facebook".
Song song với việc trì hoãn tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đang lên kế hoạch bán 61 lô đất thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn lực đầu tư, hoàn trả số tiền tạm ứng từ ngân sách.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 9/2020, dẫn lời ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư- Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho hay theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì có đến 55 lô đất phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Các dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA rằng họ sẽ lần lượt ra Hà Nội để yêu cầu Trung ương khẩn trương can thiệp giữ nguyên hiện trạng đất đai ở Thủ Thiêm và phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm đúng pháp luật các sai phạm của Chính quyền quận 2 trong hơn 20 năm qua trước khi tiến hành những hoạt động liên quan dự án Thủ Thiêm như bán đấu giá các lô đất, chẳng hạn.
Những người dân Thủ Thiêm mà Đài RFA trao đổi vào tối ngày 5/10 quả quyết rằng họ đã kiên trì giữ đất suốt hai thập niên qua như thế nào thì bất kể Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bất chấp luật pháp, người dân Thủ Thiêm vẫn kiên định lập trường giữ đất như thế đó.
*********************
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp kỷ lục
RFA, 07/10/2020
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam ngày 7/10 thông báo mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn khá nhiều so với dòng chảy tháng 8/2020.
Sông Cửu Long - AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày, dẫn thông báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam rằng, do mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp, mực nước Biển Hồ mới chỉ đạt gần 5m, dung tích Biển Hồ chỉ đạt gần 14 tỷ m3, xấp xỉ 36% so với dung tích trung bình nhiều năm. Ngoài ra, mực nước tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng hơn 2m và đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay.
Dự báo thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18-22/10. Vào thời điểm này, ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu của An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và Tân Hồng của Đồng Tháp là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của lũ thượng nguồn.
Nhưng với mức lũ nhận định ở dưới báo động 1, hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa Thu Đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho hay lũ đến cuối tháng 9 vẫn ở mức thấp, triều cường đầu tháng 10 ở mức trung bình, triều cường đợt giữa tháng 10 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông năm 2020.
*********************
Ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19
RFA, 07/10/2020
Chín tháng qua, ngành dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 25,5 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 7/10/2020.
Bên trong một xưởng may ở Việt Nam - AFP
Ngành dệt may bị cho là ngành chịu tác động nặng nề nhất trong dịch Covid-19, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều lao động do không có đơn hàng và công nhân bị cho nghỉ việc.
Con số do Bộ Công thương đưa ra được tờ Đại Đoàn Kết dẫn lại cho thấy, đến thời điểm này, chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, 10, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Nguyên nhân là sức mua các mặt hàng tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.
Đơn cử, Công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh vào cuối tháng 9 vừa qua ra thông báo sẽ cho toàn bộ hơn 12 ngàn công nhân nghỉ việc nếu từ nay đến cuối năm không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố hôm 6 tháng 10 cho thấy tính đến tháng 9, cả nước có gần 32 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Báo cáo nêu ra số thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý 3/2020 là hơn 1,2 triệu người, tính chung 9 tháng ước 1,35 triệu người (2,48% của tổng số 54,4 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị quý 3/2020 là 4,0% mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
*********************
31,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 9 tháng/2020
RFA, 06/10/2020
Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Và, mặc dù công ăn việc làm của người lao động trong quý III năm nay được cải thiện, tuy nhiên trong cả 3 quý công việc cho người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nhận giúp đỡ thực phẩm từ các mạnh thường quân, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 6/10 dẫn thông tin vừa nêu từ cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, diễn ra trong cùng ngày.
Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, bà Vũ Thị Thu Thủy, tại buổi họp báo hôm 6/10, cho biết trong 9 tháng năm 2020, có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19 bao gồm mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm việc, giảm thu nhập… Trong đó, có 14% bị tạm nghỉ việc và tương đương 70% người lao động bị giảm thu nhập.
Các khu vực lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là khu vực dịch vụ bị nặng nề nhất - chiếm xấp xỉ 69% lao động ; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng -chiếm gần 66,5% và khu vực nông-lâm-thủy sản - chiếm 27%.
Số người lao động được ghi nhận gia tăng trở lại trong quý III năm 2020, với 1,4 triệu người. Trong đó, số người làm việc ở khu vực phi chính thức tăng 1,2 triệu so với quý II.
Bà Vũ Thị Thu Thủy cho hay do chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam còn bị hạn chế, nên họ phải tìm kiếm việc làm mới trong khu vực lao động phi chính thức. Do đó, thị trường lao động Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhưng thiếu tính bền vững.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị trong 9 tháng năm 2020 là cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm qua. Điển hình, thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2020, có hơn 165 ngàn người bị mất hoặc thiếu việc làm, do dịch Covid-19.
Việt Nam trước hối thúc giải quyết tình trạng mực nước sông Mê Kong xuống thấp ! (RFA, 10/08/2020)
Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy Hội sông Mê Kông hôm 7/8 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.
Cảnh sông Mekong giáp với Thái Lan và Lào được nhìn từ phía Thái Lan ở Nong Khai. Ảnh chụp ngày 29 tháng 10 năm 2019. Reuters
Kêu gọi vừa nêu được đưa ra dựa trên những thông tin từ báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông phát hành cùng ngày.
Bản báo cáo cho biết mực nước xuống thấp và tình trạng hạn hán tại lưu vực hạ nguồn sông Mê Kong do nhiều yếu tố gây nên.
Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông đã không thể có được dữ liệu và thông tin chính thức để xác minh các tác động tiềm tàng của hoạt động trữ nước lại tại khu vực thượng nguồn.
Trao đổi với RFA tối 10/8, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn cho rằng việc yêu cầu minh bạch thông tin về hoạt động đập thủy điện trên dòng Mê Kông là việc hữu hiệu nhất có thể làm hiện nay :
"Chúng ta phải xây dựng quy tắc chung, đưa ra kịch bản để kiểm soát, giám sát việc thực hiện các ứng xử, hành xử. Trong điều kiện nước sông như thế cần có một tổ chức hoạt động khách quan và dựa trên các thông tin giám sát minh bạch. Về lâu dài các nước cũng phải phối hợp với nhau để từng bước sử dụng dòng nước sông thông qua việc xây dựng các công trình cũng như thông qua việc quản lý các công trình này một cách hiệu quả và khoa học. Bởi vì đây là dòng sông chung, tất cả mọi quốc gia chia sẻ dòng sông này đều có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với con sông và cũng có quyền để bảo vệ nguồn nước cho nhân dân nước mình".
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng việc chia sẻ dữ liệu là việc tốt nên làm, đồng thời giải thích ảnh hưởng các đập thủy điện trên dòng Mê Kông tác động thế nào đến Việt Nam :
"Bây giờ không có số liệu, thông tin thì mình không biết các đập tích nước thế nào. Ở Trung Quốc và điều tôi quan tâm hơn là các đập trên dòng nhánh ở Lào vì lượng nước ở Lào mới ảnh hưởng chính đến Đồng bằng sông Cửu Long. Còn cái ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không nhiều bằng ở Lào. Nguyên nhân chính bữa giờ mực nước thấp là do mưa ít. Nguyên tắc của thủy điện là khi nào mưa ít thì thủy điện lại tích nước, làm cho tình hình tồi tệ thêm, phát tác vấn đề".
Tuy nhiên, với kinh nghiệm bản thân, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết thực sự thì Ủy hội sông Mê Kông đã khuyến cáo nhiều lần, kể cả chuyện các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn tối thiểu phải chia sẻ thông tin, thế nhưng phía Trung Quốc không màng đến.
"Chuyện này đã 5, 7 năm nay chứ không phải chuyện mới. Các nước chung dòng sông Mê Kông ở phía dưới Trung Quốc rất nhất trí với nhau, tất nhiên đôi khi có chuyện không thống nhất lắm ví dụ như các đập thủy điện ở Lào. Nhưng không đến mức mang tính bất hợp tác. Cũng đôi lần Trung Quốc tỏ ra hợp tác qua những điều nhỏ, nhưng lớn nhất là cái mà các nước đề nghị có chia sẻ thông tin thì đến hiện nay vẫn chưa làm".
Bản báo cáo dài 32 trang của Ủy hội sông Mê Kông cũng chỉ ra rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Các nước như Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng năng suất nông nghiệp.
Nói rõ hơn về những ảnh hưởng mà Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu do dòng chảy thấp từ sông Mê Kông, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định Việt Nam là nước hạ nguồn nên bị động rất nhiều về việc lấy nước trên thượng nguồn, trong điều kiện biến đổi khí hậu này thì chế độ thủy văn cũng bất thường. Ông tiếp lời :
"Rõ ràng nếu các biến động như chuyện dòng chảy thấp đương nhiên có ảnh hưởng về lâu dài và nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Dưới Đồng bằng sông Cửu Long có 2 ngành sản xuất nông nghiệp chính quan trọng nhất đối với cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và đối với cả kinh tế Việt Nam là sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Cả hai ngành chính này đều dựa rất nhiều vào nguồn nước sông Mê Kông vì thế nếu nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy trong thời gian kéo dài dòng chảy Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng như thế thì chắc chắn những năm hạn hán, lượng mưa thấp thì tốc độ đó càng tăng cường lên. Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến những thời kỳ có tình trạng xâm nhập mặn vào sâu đất liền, gây thiệt hại cho cả trái cây ở vùng giữa, lúa ở vùng giữa và vùng ven biển".
Báo VnExpress Tiếng Anh trong ngày 6/8 vừa qua cũng có bài viết cho biết nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang chặt bỏ hàng trăm ha sầu riêng bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử.
Theo đó, vườn cây ăn trái của nông dân trông như bị bỏ hoang từ lâu, xung quanh từng gốc cây là những đoạn ống dẫn nước bị cắt bỏ vương vãi trên nền đất khô nứt nẻ. Hầu hết các cây đã chết và ngả sang màu đen, lá khô héo.
Trong báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông cũng nhắc đến chuyện nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 này không cải thiện đáng kể, các quốc gia nên tìm kiếm nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước. Đồng thời, nên yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và nhà điều hành thủy lợi điều chỉnh các hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát tiềm năng xói mòn.
Ngoài ra, nếu dòng chảy thấp vẫn còn, theo báo cáo, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước, như họ đã làm trong năm 2016, để giảm bớt tình trạng thiếu nước tại lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng lời khuyên vừa nêu không thể áp dụng trong tình hình Việt Nam vì đã đặt sai vấn đề. Ông giải thích :
"Xả nước của Trung Quốc không ăn thua gì với Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2016 1 lần, năm 2020 1 lần không có tác động lớn đối với Việt Nam. Thật ra lượng nước ở Trung Quốc không nhiều, thủy điện của Trung Quốc đối với Đồng bằng sông Cửu Long cái chính là làm giảm phù sa, cát, gây sạt lở. Trung Quốc xả nước hai lần không về tới Đồng bằng sông Cửu Long được bao nhiêu".
Vẫn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là không nên xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông. Ông cho biết bản thân ông cùng những nhà nghiên cứu khác vào năm 2009 đã thấy được tác động mạnh mẽ của đập thủy điện và đề cập đến trong đánh giá môi trường chiến lược nhưng không ai nghe đến. Bây giờ, các đập đã được xây dựng và vận hành thì mọi chuyện đã quá muộn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng đến thực trạng như hiện nay, chính phủ các nước có chung dòng chảy sông Mê Kông cần đồng lòng lên tiếng mạnh mẽ hơn :
"Cần đưa vấn đề sông Mê Kông này vào những hiệp định thương mại nhưng hiện nay Việt Nam và Trung Quốc thì thương mại thì chỉ có xuất khẩu, nhập khẩu, nhiều khi hạ đường tiểu ngạch rất nhiều. Nếu gắn với nhau bằng hiệp định thương mại thì câu chuyện sông Mê Kông có thể đưa vào hiệp định thương mại. Nhưng cho đến nay thì hiệp định thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN hay với Việt Nam cũng đều buôn bán, trao đổi thương mại nhưng không dựa trên bất kỳ hiệp định nào thành ra chuyện cũng khó".
Ủy ban sông Mê Kông đưa ra dự báo trong báo cáo cho biết mặc dù các dự báo về lượng mưa trong phần còn lại của mùa mưa năm 2020 khác nhau tùy theo từng cơ quan, nhưng tiên lượng chung là lượng mưa tháng 8 và tháng 9 có thể cao hơn bình thường và giảm dần vào tháng 10.
*********************
Việt Nam công bố nhiều gói cứu trợ do dịch Covid-19 mà doanh nghiệp vẫn đóng cửa hàng loạt ? (RFA, 10/08/2020)
Trong bảy tháng đầu năm 2020, có gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vừa và nhỏ.
Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 2/7/2020. AFP
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10/8/2020 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận định :
"Cái này cũng giống khó khăn chung của thế giới thôi, khi dịch bệnh hoành hành thì kinh tế đình trệ, người ta không có tiền đi chơi, chưa kể tâm lý người Việt rất ngại lây nhiễm dịch bệnh. Cho nên không riêng gì ngành du lịch, mà hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang hết sức khó khăn và những khó khăn này không như lần đầu và không ai có thể nói trước được. Ví dụ như đợt đầu, cả nước thực hiện phòng chống dịch rất tốt, 99 ngày không có ca lây nhiễm, rồi đùng một phát nó bùng ra, ngoài dự báo của nhiều người, không ai lường trước được chuyện đó, họ có thấy trở lại nhưng không nghĩ nguy hiểm như vậy".
Trong số các doanh nghiệp rút khỏi thị trường, có khoảng gần 33 ngàn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Đây là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, đa số là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Nhiều nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, lưu trú và ăn uống...
Còn lại là các doanh nghiệp chờ làm thủ tục hoàn tất giải thể, chủ yếu là bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, đa số hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, lý giải nguyên nhân khó khăn hiện nay :
"Trong thời gian vừa qua, Việt Nam có giãn cách xã hội, không cho người dân ra đường, cho nên sản xuất bị đình trệ. Việt Nam một số năm gần đây xuất nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì dịch bệnh cho nên đầu vào cũng khó khăn, Ngay cả đầu ra của Việt Nam cũng rất khó khăn, đến giờ một loạt chủ hàng ở nước ngoài xin không thực hiện các hợp đồng. Cho nên sản xuất của Việt Nam cần phải có sự chuyển hướng, phải có sự thay đổi. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến thị trường nội địa, để cầm cự qua được thời gian đại dịch này".
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế bị đình trệ, như gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp, hay gói tín dụng 16 ngàn tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và mới nhất là gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 250 ngàn tỷ đồng.
Người dân đeo khẩu trang đi siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/4/2020 Reuters
Vì sao Việt Nam công bố nhiều gói cứu trợ nhưng vẫn không thể cứu các doanh nghiệp phá sản ? Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành dệt may và da giầy, giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 10/8/2020 :
"Các gói hỗ trợ đấy được tuyên bố lên, nhưng mà nó có đến tay doanh nghiệp cần được giúp đỡ hay không, thì chưa thấy được rõ ràng. Theo những thông tin tôi nhận được thì rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của nhà nước. Vì vậy cho nên người ta không có cách nào khác là phải đóng cửa thôi"…
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, có nhiều lý do, một là điều kiện để tiếp cận các gói cứu trợ quá khắc khe, hai là cá cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề đó chưa làm hết mức có thể, để nhanh chóng thực hiện các gói cứu trợ đấy. Đó là vấn đề, và phải cố gắng làm nhanh hơn nữa, ông nói tiếp :
"Nhà nước cần phải nhanh chóng phối hợp với các hội đoàn, ví dụ như phòng thương mại, hay các câu lạc bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ... để mà đưa ra các phương án để giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này, và phải nhanh chóng triển khai. Hiện nay, vấn đề đưa ra chính sách đến triển khi thì thời gian hơi quá dài, nên doanh nghiệp không có sức chịu đựng nổi. Vì vậy phía nhà nước cần nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn trong vấn đề đưa ra các chương trình giúp đỡ và triển khai các chương trình giúp đỡ".
Vào cuối tháng 7/2020, tại buổi tọa đàm ‘Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19’ do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng - VCCI Đà Nẵng tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, một thông tin đã gây sốc các đại biểu khi mới chỉ có gần 3% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.
Chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm :
"Thật ra nói nhiều chứ đâu có nhiều, gói lớn nhất là dự tính chi 250 ngàn tỷ, tương đương hơn 10 tỷ đô la. Mà lấy số này chia cho khoảng 750 ngàn doanh nghiệp thì không ăn thua gì, chia đều ra thì chả bỏ bẻn gì. Cho nên thấy rằng Việt Nam chưa giàu như các nước Mỹ, Nhật... để mà hỗ trợ kiểu đó. Cái đó chỉ là liệu pháp tinh thần, động viên nhiều hơn là thực tế. Chưa kể nói là như thế, nhưng phân bổ như thế nào, xét duyệt như thế nào, cách nhận như thế nào cũng không hề đơn giản".
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, vì vậy ông cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng, thay vì hỗ trợ, có thể miễn giảm các loại thuế. Ông nói tiếp :
"Ví dụ như là Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, trong đó có tôi đề nghị giảm 50% thuế VAT... Tôi còn đề nghị giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% các khoản đóng bảo hiểm xã hội... nhưng nhà nước cũng chưa có phản ứng cụ thề. Vừa rồi chỉ nghe thông tin sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng mà mình đâu có doanh thu đâu mà có thu nhập ? Nhưng anh em cũng động viên nhau, cố gắng vượt qua khó khăn, hoặc phá sản, chứ khó trông cậy vào nhà nước, trong khi nhà nước cũng còn rất nhiều cái khó khăn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết, Covid-19 gây ra các tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cũng có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng phải chứng minh được đã ngừng việc 3 tháng, hay đang gặp khó khăn. Những quy định để có thể nhận trợ cấp đối với các doanh nghiệp như thế theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là quá ngặt nghèo, cho nên đến tận bây giờ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận được các gói hỗ trợ của chính phủ Việt Nam.
Còn Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA cho rằng chính phủ phải xem xét thêm, để làm sao tăng cường hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, để sớm khắc phục tình trạng bị đình trệ do Covid-19. Theo bà, gói tiền ngân sách sẵn sàng bỏ ra để hỗ trợ doanh nghiệp là khá lớn, nhưng trong quá trình thực hiện không kịp thời và đủ mức. Chính phủ cần có những hệ thống để kiểm tra giám sát và thúc đẩy thực hiện tiếp những chính sách đã đề ra về lĩnh vực này. Những chính sách này là đúng, nếu thực hiện tốt thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tình trạng hiện nay.