Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/08/2020

Báo động : mực nước sông Mekong xuống thấp, xí nghiệp đóng cửa hàng loạt

RFA tồng hợp

Việt Nam trước hối thúc giải quyết tình trạng mực nước sông Mê Kong xuống thấp ! (RFA, 10/08/2020)

Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy Hội sông Mê Kông hôm 7/8 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.

alert1

Cảnh sông Mekong giáp với Thái Lan và Lào được nhìn từ phía Thái Lan ở Nong Khai. Ảnh chụp ngày 29 tháng 10 năm 2019. Reuters

Kêu gọi vừa nêu được đưa ra dựa trên những thông tin từ báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông phát hành cùng ngày.

Bản báo cáo cho biết mực nước xuống thấp và tình trạng hạn hán tại lưu vực hạ nguồn sông Mê Kong do nhiều yếu tố gây nên.

Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông đã không thể có được dữ liệu và thông tin chính thức để xác minh các tác động tiềm tàng của hoạt động trữ nước lại tại khu vực thượng nguồn.

Trao đổi với RFA tối 10/8, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn cho rằng việc yêu cầu minh bạch thông tin về hoạt động đập thủy điện trên dòng Mê Kông là việc hữu hiệu nhất có thể làm hiện nay :

"Chúng ta phải xây dựng quy tắc chung, đưa ra kịch bản để kiểm soát, giám sát việc thực hiện các ứng xử, hành xử. Trong điều kiện nước sông như thế cần có một tổ chức hoạt động khách quan và dựa trên các thông tin giám sát minh bạch. Về lâu dài các nước cũng phải phối hợp với nhau để từng bước sử dụng dòng nước sông thông qua việc xây dựng các công trình cũng như thông qua việc quản lý các công trình này một cách hiệu quả và khoa học. Bởi vì đây là dòng sông chung, tất cả mọi quốc gia chia sẻ dòng sông này đều có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với con sông và cũng có quyền để bảo vệ nguồn nước cho nhân dân nước mình".

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng việc chia sẻ dữ liệu là việc tốt nên làm, đồng thời giải thích ảnh hưởng các đập thủy điện trên dòng Mê Kông tác động thế nào đến Việt Nam :

"Bây giờ không có số liệu, thông tin thì mình không biết các đập tích nước thế nào. Ở Trung Quốc và điều tôi quan tâm hơn là các đập trên dòng nhánh ở Lào vì lượng nước ở Lào mới ảnh hưởng chính đến Đồng bằng sông Cửu Long. Còn cái ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không nhiều bằng ở Lào. Nguyên nhân chính bữa giờ mực nước thấp là do mưa ít. Nguyên tắc của thủy điện là khi nào mưa ít thì thủy điện lại tích nước, làm cho tình hình tồi tệ thêm, phát tác vấn đề".

Tuy nhiên, với kinh nghiệm bản thân, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết thực sự thì Ủy hội sông Mê Kông đã khuyến cáo nhiều lần, kể cả chuyện các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn tối thiểu phải chia sẻ thông tin, thế nhưng phía Trung Quốc không màng đến.

"Chuyện này đã 5, 7 năm nay chứ không phải chuyện mới. Các nước chung dòng sông Mê Kông ở phía dưới Trung Quốc rất nhất trí với nhau, tất nhiên đôi khi có chuyện không thống nhất lắm ví dụ như các đập thủy điện ở Lào. Nhưng không đến mức mang tính bất hợp tác. Cũng đôi lần Trung Quốc tỏ ra hợp tác qua những điều nhỏ, nhưng lớn nhất là cái mà các nước đề nghị có chia sẻ thông tin thì đến hiện nay vẫn chưa làm".

Bản báo cáo dài 32 trang của Ủy hội sông Mê Kông cũng chỉ ra rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Các nước như Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng năng suất nông nghiệp.

Nói rõ hơn về những ảnh hưởng mà Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu do dòng chảy thấp từ sông Mê Kông, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định Việt Nam là nước hạ nguồn nên bị động rất nhiều về việc lấy nước trên thượng nguồn, trong điều kiện biến đổi khí hậu này thì chế độ thủy văn cũng bất thường. Ông tiếp lời :

"Rõ ràng nếu các biến động như chuyện dòng chảy thấp đương nhiên có ảnh hưởng về lâu dài và nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Dưới Đồng bằng sông Cửu Long có 2 ngành sản xuất nông nghiệp chính quan trọng nhất đối với cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và đối với cả kinh tế Việt Nam là sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Cả hai ngành chính này đều dựa rất nhiều vào nguồn nước sông Mê Kông vì thế nếu nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy trong thời gian kéo dài dòng chảy Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng như thế thì chắc chắn những năm hạn hán, lượng mưa thấp thì tốc độ đó càng tăng cường lên. Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến những thời kỳ có tình trạng xâm nhập mặn vào sâu đất liền, gây thiệt hại cho cả trái cây ở vùng giữa, lúa ở vùng giữa và vùng ven biển".

Báo VnExpress Tiếng Anh trong ngày 6/8 vừa qua cũng có bài viết cho biết nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang chặt bỏ hàng trăm ha sầu riêng bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử.

Theo đó, vườn cây ăn trái của nông dân trông như bị bỏ hoang từ lâu, xung quanh từng gốc cây là những đoạn ống dẫn nước bị cắt bỏ vương vãi trên nền đất khô nứt nẻ. Hầu hết các cây đã chết và ngả sang màu đen, lá khô héo.

Trong báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông cũng nhắc đến chuyện nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 này không cải thiện đáng kể, các quốc gia nên tìm kiếm nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước. Đồng thời, nên yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và nhà điều hành thủy lợi điều chỉnh các hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát tiềm năng xói mòn.

Ngoài ra, nếu dòng chảy thấp vẫn còn, theo báo cáo, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước, như họ đã làm trong năm 2016, để giảm bớt tình trạng thiếu nước tại lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng lời khuyên vừa nêu không thể áp dụng trong tình hình Việt Nam vì đã đặt sai vấn đề. Ông giải thích :

"Xả nước của Trung Quốc không ăn thua gì với Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2016 1 lần, năm 2020 1 lần không có tác động lớn đối với Việt Nam. Thật ra lượng nước ở Trung Quốc không nhiều, thủy điện của Trung Quốc đối với Đồng bằng sông Cửu Long cái chính là làm giảm phù sa, cát, gây sạt lở. Trung Quốc xả nước hai lần không về tới Đồng bằng sông Cửu Long được bao nhiêu".

Vẫn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là không nên xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông. Ông cho biết bản thân ông cùng những nhà nghiên cứu khác vào năm 2009 đã thấy được tác động mạnh mẽ của đập thủy điện và đề cập đến trong đánh giá môi trường chiến lược nhưng không ai nghe đến. Bây giờ, các đập đã được xây dựng và vận hành thì mọi chuyện đã quá muộn.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng đến thực trạng như hiện nay, chính phủ các nước có chung dòng chảy sông Mê Kông cần đồng lòng lên tiếng mạnh mẽ hơn :

"Cần đưa vấn đề sông Mê Kông này vào những hiệp định thương mại nhưng hiện nay Việt Nam và Trung Quốc thì thương mại thì chỉ có xuất khẩu, nhập khẩu, nhiều khi hạ đường tiểu ngạch rất nhiều. Nếu gắn với nhau bằng hiệp định thương mại thì câu chuyện sông Mê Kông có thể đưa vào hiệp định thương mại. Nhưng cho đến nay thì hiệp định thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN hay với Việt Nam cũng đều buôn bán, trao đổi thương mại nhưng không dựa trên bất kỳ hiệp định nào thành ra chuyện cũng khó".

Ủy ban sông Mê Kông đưa ra dự báo trong báo cáo cho biết mặc dù các dự báo về lượng mưa trong phần còn lại của mùa mưa năm 2020 khác nhau tùy theo từng cơ quan, nhưng tiên lượng chung là lượng mưa tháng 8 và tháng 9 có thể cao hơn bình thường và giảm dần vào tháng 10.

*********************

Việt Nam công bố nhiều gói cứu trợ do dịch Covid-19 mà doanh nghiệp vẫn đóng cửa hàng loạt ? (RFA, 10/08/2020)

Trong bảy tháng đầu năm 2020, có gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vừa và nhỏ.

alert2

Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 2/7/2020. AFP

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10/8/2020 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận định :

"Cái này cũng giống khó khăn chung của thế giới thôi, khi dịch bệnh hoành hành thì kinh tế đình trệ, người ta không có tiền đi chơi, chưa kể tâm lý người Việt rất ngại lây nhiễm dịch bệnh. Cho nên không riêng gì ngành du lịch, mà hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang hết sức khó khăn và những khó khăn này không như lần đầu và không ai có thể nói trước được. Ví dụ như đợt đầu, cả nước thực hiện phòng chống dịch rất tốt, 99 ngày không có ca lây nhiễm, rồi đùng một phát nó bùng ra, ngoài dự báo của nhiều người, không ai lường trước được chuyện đó, họ có thấy trở lại nhưng không nghĩ nguy hiểm như vậy".

Trong số các doanh nghiệp rút khỏi thị trường, có khoảng gần 33 ngàn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Đây là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, đa số là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Nhiều nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, lưu trú và ăn uống...

Còn lại là các doanh nghiệp chờ làm thủ tục hoàn tất giải thể, chủ yếu là bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, xây dựng, đa số hoạt động tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, lý giải nguyên nhân khó khăn hiện nay :

"Trong thời gian vừa qua, Việt Nam có giãn cách xã hội, không cho người dân ra đường, cho nên sản xuất bị đình trệ. Việt Nam một số năm gần đây xuất nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì dịch bệnh cho nên đầu vào cũng khó khăn, Ngay cả đầu ra của Việt Nam cũng rất khó khăn, đến giờ một loạt chủ hàng ở nước ngoài xin không thực hiện các hợp đồng. Cho nên sản xuất của Việt Nam cần phải có sự chuyển hướng, phải có sự thay đổi. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến thị trường nội địa, để cầm cự qua được thời gian đại dịch này".

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế bị đình trệ, như gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp, hay gói tín dụng 16 ngàn tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và mới nhất là gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 250 ngàn tỷ đồng.

alert3

Người dân đeo khẩu trang đi siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/4/2020 Reuters

Vì sao Việt Nam công bố nhiều gói cứu trợ nhưng vẫn không thể cứu các doanh nghiệp phá sản ? Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành dệt may và da giầy, giải thích với Đài Á Châu Tự Do hôm 10/8/2020 :

"Các gói hỗ trợ đấy được tuyên bố lên, nhưng mà nó có đến tay doanh nghiệp cần được giúp đỡ hay không, thì chưa thấy được rõ ràng. Theo những thông tin tôi nhận được thì rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của nhà nước. Vì vậy cho nên người ta không có cách nào khác là phải đóng cửa thôi"…

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, có nhiều lý do, một là điều kiện để tiếp cận các gói cứu trợ quá khắc khe, hai là cá cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề đó chưa làm hết mức có thể, để nhanh chóng thực hiện các gói cứu trợ đấy. Đó là vấn đề, và phải cố gắng làm nhanh hơn nữa, ông nói tiếp :

"Nhà nước cần phải nhanh chóng phối hợp với các hội đoàn, ví dụ như phòng thương mại, hay các câu lạc bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ... để mà đưa ra các phương án để giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này, và phải nhanh chóng triển khai. Hiện nay, vấn đề đưa ra chính sách đến triển khi thì thời gian hơi quá dài, nên doanh nghiệp không có sức chịu đựng nổi. Vì vậy phía nhà nước cần nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn trong vấn đề đưa ra các chương trình giúp đỡ và triển khai các chương trình giúp đỡ".

Vào cuối tháng 7/2020, tại buổi tọa đàm ‘Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19’ do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng - VCCI Đà Nẵng tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, một thông tin đã gây sốc các đại biểu khi mới chỉ có gần 3% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.

Chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm :

"Thật ra nói nhiều chứ đâu có nhiều, gói lớn nhất là dự tính chi 250 ngàn tỷ, tương đương hơn 10 tỷ đô la. Mà lấy số này chia cho khoảng 750 ngàn doanh nghiệp thì không ăn thua gì, chia đều ra thì chả bỏ bẻn gì. Cho nên thấy rằng Việt Nam chưa giàu như các nước Mỹ, Nhật... để mà hỗ trợ kiểu đó. Cái đó chỉ là liệu pháp tinh thần, động viên nhiều hơn là thực tế. Chưa kể nói là như thế, nhưng phân bổ như thế nào, xét duyệt như thế nào, cách nhận như thế nào cũng không hề đơn giản".

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, vì vậy ông cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng, thay vì hỗ trợ, có thể miễn giảm các loại thuế. Ông nói tiếp :

"Ví dụ như là Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, trong đó có tôi đề nghị giảm 50% thuế VAT... Tôi còn đề nghị giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% các khoản đóng bảo hiểm xã hội... nhưng nhà nước cũng chưa có phản ứng cụ thề. Vừa rồi chỉ nghe thông tin sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng mà mình đâu có doanh thu đâu mà có thu nhập ? Nhưng anh em cũng động viên nhau, cố gắng vượt qua khó khăn, hoặc phá sản, chứ khó trông cậy vào nhà nước, trong khi nhà nước cũng còn rất nhiều cái khó khăn".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết, Covid-19 gây ra các tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cũng có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng phải chứng minh được đã ngừng việc 3 tháng, hay đang gặp khó khăn. Những quy định để có thể nhận trợ cấp đối với các doanh nghiệp như thế theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là quá ngặt nghèo, cho nên đến tận bây giờ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận được các gói hỗ trợ của chính phủ Việt Nam.

Còn Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA cho rằng chính phủ phải xem xét thêm, để làm sao tăng cường hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, để sớm khắc phục tình trạng bị đình trệ do Covid-19. Theo bà, gói tiền ngân sách sẵn sàng bỏ ra để hỗ trợ doanh nghiệp là khá lớn, nhưng trong quá trình thực hiện không kịp thời và đủ mức. Chính phủ cần có những hệ thống để kiểm tra giám sát và thúc đẩy thực hiện tiếp những chính sách đã đề ra về lĩnh vực này. Những chính sách này là đúng, nếu thực hiện tốt thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tình trạng hiện nay.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 580 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)