Việt Nam siết chặt biên giới ngăn làn sóng nhập cảnh trái phép giữa đại dịch (VOA, 12/08/2020)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh giáp biên giới hợp tác chặt chẽ với lực lượng biên phòng để kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới sau khi phát hiện hàng trăm người nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam từ Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hôm 11/8. Ông Đam yêu cầu siết chặt kiểm soát biên giới giữa lúc Việt Nam đối mặt với sức ép lớn trong đợt dịch thứ 3.
Yêu cầu của phó thủ tướng Chính phủ được đưa ra giữa lúc Việt Nam tăng cường các nỗ lực nhằm phá vỡ các đường dây đưa người Trung Quốc và nước ngoài nhập cảnh trái phép qua đường biên giới vào Việt Nam trong khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng bùng phát trở lại.
Ông Đam, tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 hôm 11/8, cho biết Việt Nam đang đối mặt với sức ép lớn trong đợt dịch thứ 3 – sau đợt bùng phát đầu tiên khởi phát từ ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc sau Tết Nguyên Đán, và sau đó là làn sóng xâm nhập từ Châu Âu trở về – và chỉ đạo tiếp tục quản lý chặt chẽ đường biên giới.
"Lực lượng Biên phòng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, biên giới, duy trì 100% số lượng các tổ, chốt và quân số làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chốt chặn trên biên giới ; tăng cường lực lượng, phương tiện ở những địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp", Phó Thủ tướng Đam được cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng trích lời nói.
Ông Đam, cũng là trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "chống dịch như chống giặc" và yêu cầu tổ chức "các tổ công tác gồm nhiều lực lượng hình thành nhiều lớp, quản lý chặt người xuất, nhập cảnh".
Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.000 km, bờ biển dài 3.260 km ; có 37 cửa khẩu cảng ; 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 88 lối mở biên giới. Theo Bộ Quốc phòng, thời gian qua, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới, vùng biển cơ bản ổn định. Thiếu tướng Lê Đức Thái, tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, được TTXVN trích lời nói do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam áp dụng biện pháp hạn chế, tạm dừng nhập cảnh ; cách ly tập trung với trường hợp nhập cảnh. Tuy nhiên, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua các tuyến biên giới đất liền diễn biến phức tạp.
Đầu tháng này một tòa án ở Quảng Ninh đã tuyên án nhiều năm tù đối với 6 người liên quan tới một đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trước đó vào cuối tháng 7, cùng thời điểm các ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng sau gần 100 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng trên toàn quốc, công an Việt Nam triệt phá một đường dây đưa người Trung Quốc vào miền Trung và bắt giữ một công dân Trung Quốc tổ chức đường dây này.
Theo người phát ngôn của Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, cho biết hơn 500 người có quốc tịch Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào 27 tỉnh thành trên cả nước Việt Nam trong năm nay.
Bộ Quốc phòng nói rằng lực lượng an ninh biên giới đã phát hiện và xử lý hơn 16.500 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong giai đoạn từ đầu tháng 2 đến đến tháng 7/8.
Thủ tướng Phúc, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 29/7, yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới.
Kể từ khi làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng bùng phát trở lại cách đây gần 3 tuần, theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận hơn 400 trường hợp lây nhiễm, nâng tổng số lên 880 tính đến ngày 12/8, và có 17 ca tử vong đầu tiên vì virus corona.
*********************
‘Tôi đánh liều tìm đường về Việt Nam qua ngả Campuchia’ (VOA, 12/08/2020)
Một du học sinh Việt ở Hàn Quốc tìm đường về nước thành công qua ngả Campuchia trong lúc không có chuyến bay thương mại giữa hai nước do dịch Covid-19. Tuy nhiên, cô nói với VOA đó là một chuyến đi tốn nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia)
Kể từ cuối tháng 3 cho đến nay, Việt Nam đã cấm cửa tất cả các chuyến bay thương mại mà chỉ tổ chức các chuyến bay đặc biệt để đưa công dân mắc kẹt ở các nơi về nước.
Tuy nhiên, số lượng được đưa về cho đến nay vẫn rất ít so với nhu cầu nên vẫn còn rất nhiều người Việt mắc kẹt ở nước ngoài phải tìm mọi cách để về nước, trong đó có cô V.T., một du học sinh cao học tại Đại học Yonsei ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
‘Sợ bị kẹt ở Campuchia’
Từ trại cách ly ở Việt Nam, cô V.T. kể cho VOA về hành trình nhiều sóng gió của cô từ Seoul về đến cửa khẩu Mộc Bài qua ngả Phnom Penh, Campuchia, với điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Cô cho biết lý do cô tìm cách về nước là vì ‘gia đình có việc’ chứ không phải để trốn dịch vì ‘bên Hàn Quốc lúc này đã kiểm soát được dịch rồi.’
Cô đăng ký danh sách chờ được lên các chuyến bay đặc biệt nhưng hy vọng rất mong manh vì không thuộc diện ưu tiên do thị thực còn hạn, việc học vẫn tiếp tục và bản thân không bị bệnh tật, ốm đau.
"Sau đấy em vào trang hội người Việt ở Campuchia để hỏi thông tin thì có một du học sinh ở Canada đã về trước một tuần và hướng dẫn em cách đi để em đi theo", cô cho biết.
"Em cân nhắc nhiều nhất về vấn đề an toàn. Lúc trước em có đi du lịch Campuchia rồi, em biết Campuchia vấn đề an ninh không được tốt cho lắm nên em cũng sợ bởi vì con gái đi một mình cũng nhiều cái nguy hiểm", cô giãi bày.
Theo lời cô, Campuchia chỉ cấm các chuyến bay thương mại chở du khách đến đất nước họ lúc này, còn doanh nhân và chuyên gia thì vẫn cho vào. Sau khi chi tiền cho dịch vụ, cô có được visa doanh nhân để nhập cảnh Campuchia mặc dù tư cách thường trú của cô ở Hàn Quốc là sinh viên cao học.
Điều kiện để được cấp thị thực Campuchia là ‘phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, phải đặt cọc 3.000 đô la Mỹ và phải có bảo hiểm với trị giá chi trả trên 50.000 đô la phòng trường hợp phát sinh chi phí chăm sóc y tế ở Campuchia’.
Theo lời cô kể thì khi xuống sân bay ở Phnom Penh, phía Campuchia đã chuẩn bị sẵn khách sạn hết rồi nên mọi người chỉ lên xe đi. Tất cả tiền ăn, ở, xét nghiệm sẽ bị trừ vào số tiền 3.000 đô la đặt cọc trước.
"Khi xuống sân bay họ làm xét nghiệm luôn và cả đoàn được đưa đến khách sạn cách ly trong 2 ngày để chờ kết quả xét nghiệm. Nếu cả chuyến bay âm tính hết thì họ sẽ trả hộ chiếu cho mình tự do", cô nói. "Mặc dù họ bảo là phải tự cách ly thêm cho đủ hai tuần nhưng họ không kiểm soát việc mình muốn đi đâu thì đi".
Còn trong trường hợp có người dương tính thì cả chuyến bay sẽ bị cách ly đủ hai tuần lễ, cô cho biết.
Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, cô V.T. chờ đến sau 5 ngày ra nhà băng lấy lại tiền cọc như đã được hướng dẫn khi đặt cọc ở sân bay. Nhưng khi cô ra nhà băng thì được bảo là phải đợi đủ 14 ngày mới được lấy tiền cọc.
Trong tình thế đó, cô quyết định bỏ về Việt Nam luôn, còn tiền cọc sẽ tính sau, cô nói với VOA và cho biết trừ tất cả chi phí ăn, ở và xét nghiệm trong 2 ngày thì tiền cọc cô còn lại là 2.700 đô la.
"Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam lúc đấy vừa bùng lại", cô giải thích. "Em sợ Việt Nam sẽ đóng cửa khẩu với Campuchia như hồi tháng 3 sẽ không biết em sẽ bị kẹt đến bao giờ".
Cô cho biết vào lúc đó cô rất lo mình ‘bị kẹt lại ở Campuchia’ vì đã lỡ ra khỏi Hàn Quốc, nếu Việt Nam không cho vào thì cô cũng không về lại Hàn Quốc được.
"Khi ra khỏi Hàn Quốc, phía xuất nhập cảnh của họ có nói là nếu em muốn vào lại thì bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48h của đất nước mình vừa rời đi", cô giải thích. "Nhưng khi đến Campuchia thì mới biết họ làm xét nghiệm phải mất khoảng 3 ngày mới có giấy".
Cô cho biết cô đã tính đến khả năng xấu nhất là nếu bị kẹt ở Campuchia thì cô ‘sẽ xin gia hạn visa’, nếu không thì sẽ ‘cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam’.
Từ Phnom Penh đến Mộc Bài
Khi ở trên đất Campuchia, cô cho biết điều cô lo nhất là ‘hành trình từ Phnom Penh đến Mộc Bài bằng đường bộ’ vì từng nghe đã ‘xảy ra nhiều vụ không an toàn’.
Cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam)
"Ngoài vấn đề an toàn em cũng lo một chuyện là không biết có đúng là Việt Nam cho phép mình nhập cảnh như thế không vì em từ Hàn Quốc về Campuchia rồi mới về Việt Nam", cô nói.
Cô cho biết cô đã trả cho nhà xe Kumho Thaco 25 đô la để mua một chỗ. Trên chuyến xe 7 chỗ đó, chỉ có cô là người Việt, còn lại tất cả là người Campuchia xuống xe dọc đường.
"Lái xe có nói được một chút Tiếng Việt. Anh ấy hỏi mình đi đâu rồi sau đó gọi điện cho một người chạy xe ôm ở cửa khẩu để dặn dò hướng dẫn em", cô nói và cho biết khi cô vừa xuống xe khách ở cửa khẩu thì ngay lập tức có người xe ôm chạy tới.
"Người xe ôm ấy nói rằng nếu em cần về Việt Nam thì đưa hộ chiếu đây và kẹp vào đấy 20 đô la để anh đưa cho xuất nhập cảnh của Campuchia", cô kể.
Người xe ôm vào trong cửa khẩu Bavet ‘chỉ có 5-10 phút thì có dấu xuất cảnh’. Sau đó, tài xế xe ôm chở cô đến cửa khẩu Mộc Bài cách đó chừng 500 mét. Số tiền cô trả cho tài xế xe ôm đó là 50.000 đồng Việt Nam.
"Cửa khẩu Mộc Bài luôn mở để đón công dân Việt Nam về nên cũng rất thoải mái", cô nói và cho biết trên chuyến xe về khu cách ly ở Việt Nam hôm đó có tổng cộng 5 người.
Theo lời cô thì phía Việt Nam không quan tâm cô đã xét nghiệm âm tính hai lần. "Về đến Việt Nam là bị hốt lên xe đưa đi cách ly hết", cô nói và cho biết đến thứ 5 tuần này cô sẽ hết thời hạn cách ly và sẽ mua vé máy bay về Hà Nội.
Cô cho biết tổng chi phí cho hành trình về Việt Nam từ Hàn Quốc của cô là 4.500 đô la, bao gồm cả 3.000 đô la tiền đặt cọc ở Campuchia chưa lấy lại được.
Cô nói khoảnh khắc cô đặt được chân lên đất Việt Nam cô ‘cảm thấy nhẹ nhõm’ vì kiểu gì thì ‘mình cũng không bị đẩy trở lại Campuchia vì visa của mình đã hết hiệu lực rồi’.
Trong khi đó, lúc ở Phnom Penh cô bị ‘stress kinh khủng’ và ‘gần như ngày nào cũng gọi điện về nhà khóc với ba mẹ’.
Theo lời cô thì từ hôm về Việt Nam đến nay, ‘có rất nhiều người biết chuyện nhắn tin hỏi em về con đường này’, trong đó ‘đông nhất là người Việt ở Mỹ, Canada, Dubai, New Zealand’.
"Em nghĩ là họ đi cũng được, nhưng sẽ tốn rất nhiều công sức và mệt mỏi", cô nói.
Cho đến nay, cô biết ‘có ít nhất 5 người đã về Việt Nam qua con đường này.’ Có một anh ở Mỹ cũng về theo con đường đó sau cô và ‘hôm nay (10/8) đã nhận lại tiền cọc ở Campuchia và về tới Việt Nam rồi’.