Bộ Thông tin và truyền thông tính siết chặt hơn nữa việc quản lý mạng xã hội
VOA, 12/07/2021
Việt Nam đang nhắm đến siết chặt hơn nữa việc quản lý thông tin trên mạng internet, đặc biệt là hoạt động tường thuật hoặc diễn thuyết trực tiếp trên mạng xã hội thường được gọi là livestream.
Facebook có tới 65 triệu tài khoản ở Việt Nam.
Bộ Thông tin và truyền thôngcủa Việt Nam, cũng được nhiều người trong nước gọi tắt là Bộ 4T, vừa công bố một dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 72 hiện hành về quản lý internet.
Theo tìm hiểu của VOA, bản dự thảo dài 184 trang có điều khoản quy định rằng những chủ trang web cung cấp thông tin của nước ngoài mà có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam "cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam".
Các trang web nước ngoài có 100.000 người trở lên ở Việt Nam truy cập thường xuyên trong 1 tháng phải thực hiện một số nghĩa vụ bao gồm "ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông" cũng như phải "lưu trữ dữ liệu và thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam" theo Luật An ninh mạng, bản dự thảo viết.
Vẫn theo bản dự thảo, các nhà cung cấp mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok chỉ cho phép các tài khoản, các trang cộng đồng, các kênh có từ 10.000 người theo dõi trở lên ở Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu khi các tài khoản, các trang, các kênh đó đã cung cấp thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo quan sát của VOA, đây là điều đang gây chú ý trong dư luận do nó đặt ra các quy định khó khăn hơn đối với việc livestream hoặc bán hàng, kiếm tiền thông qua mạng xã hội.
Theo con số do Bộ 4T công bố, được các báo trong nước dẫn lại, các mạng xã hội nước ngoài đang độc chiếm lượng người dùng đông đảo ở Việt Nam, đứng đầu là Facebook với khoảng 65 triệu tài khoản, YouTube với khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.
Trang VNExpress dẫn lại lời của Bộ 4T đưa ra nhận xét rằng kể từ năm 2013 đến nay các loại hình báo chí ở Việt Nam không còn giữ vị trí độc tôn, và người dùng đã dần chuyển sang các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok, Twitter, Instagram để phục vụ các nhu cầu giải trí, mua sắm.
Bộ 4T cho rằng trong thời gian qua "nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật", và vì vậy Nghị định 72 hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung.
***********************
VOA, 12/06/2021
Việt Nam hôm 12/7 khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền bằng ngoại giao và pháp lý cũng như kêu gọi tôn trọng luật quốc tế, nhân dịp đánh dấu 5 năm ngày tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác các yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông của Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines.
Tòa trọng tài thường trực quốc tế, được thành lập theo Công ước Luật biển 1982 có trụ sở ở La Haye của Hà Lan, vào ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông của Trung Quốc khi cho rằng chúng không có cơ sở. Trong phán quyết của vụ kiện do Philippines đệ trình, tòa tuyên bố rằng Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với khu vực được Tòa trọng tài xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc và Philippines, theo nghĩa vụ của họ đối với Công ước về Luật biển, phải tuân thủ quyết định này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên nhân dịp 5 năm phán quyến của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông hôm 12/7, nói rằng lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là thông qua giải pháp hòa bình và theo luật quốc tế, theo truyền thông trong nước.
Bà Hằng được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, một lập trường nhất quán mà Hà Nội luôn đưa ra trước các tranh chấp trên biển.
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có nhiều tranh chấp nhất với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Trong 5 năm qua, Việt Nam nhiều lần phản đối tàu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình, từ việc Bắc Kinh đưa tàu thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho tới việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc vào tháng 3 năm ngoái đã gửi công hàm lên tổ chức liên chính phủ này để phản bác các lập luận của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines năm 2016 và luôn phủ nhận phán quyến không có cơ chế thi hành của Tòa trọng tài ở La Haye. Kể từ đó đến nay, Bắc Kinh bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cáo buộc là ngày càng có các hoạt động quân sự hóa các đảo cũng như mở rộng thêm các tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng biển giàu tài nguyên nhưng đầy tranh chấp.
Nhân kỷ niệm 5 năm sau phán quyến của Tòa trọng tài, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 11/7 đưa ra một tuyên bố trong đó nói rằng "không ở đâu trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe doạ nhiều hơn là ở Biển Đông". Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cáo buộc Trung Quốc "tiếp tục cưỡng bức và đe doạ các quốc gia ven biển của Đông Nam Á, đe doạ quyền tự do hàng hải trên tuyến hải lộ quan trọng toàn cầu này".
Trong tuyên bố, Bộ trưởng Blinken nói rằng Mỹ tái khẳng định chính sách mà Washington đưa ra ngày 13/7/2020 liên quan đến các tuyên bố hàng hải trên Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc "tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, ngừng các hành vi khiêu khích và phải cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tông trọng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ".
Việt Nam, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, nhân dịp này cũng lên tiếng "đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước UNCLOS 1982, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy tình hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế", theo bà Hằng được VietNamNet trích lời cho biết.
************************
Giá xăng tại Việt Nam tăng cao nhất trong hơn hai năm
RFA, 12/07/2021
Giá xăng tại Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm trở lại đây kể từ 15 giờ chiều ngày 12/07/2021. Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 12/7.
Ảnh minh họa chụp tại một điểm bán xăng ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Cụ thể, theo mức giá bán lẻ xăng dầu mà Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh, giá xăng RON 95 được điều chỉnh sẽ tăng 867 đồng/lít lên mức 21.783 đồng/lít ; xăng E5 RON 92 tăng 850 đồng/lít thành 20.610 đồng/lít.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng điều chỉnh tăng khá mạnh giá các mặt hàng dầu. Dầu diesel sau tăng giá sẽ là 16.537 đồng/lít ; dầu hỏa là 15.503 đồng/lít và dầu mazut là 15.670 đồng/kg.
Tin cho biết, Liên Bộ Tài chính - Công Thương trong lần tăng giá này đã trích lập quỹ bình ổn giá cho dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít... Tuy nhiên, Liên Bộ này tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, mà sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.300 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 350 đồng/lít.
Giải thích cho đợt tăng giá này, Bộ Công Thương cho biết do giá xăng trên thị trường Singapore tăng nhanh. Tương tự, giá dầu cũng biến động đi lên, do thâm hụt dầu ngày càng lớn, trong khi nhu cầu lại lên cao khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19.
Kể từ ngày 2/5/2019 đến nay, giá xăng các loại tại Việt Nam tăng đến mức cao nhất trong hơn hai năm.
Giá dầu thế giới tăng, Việt Nam thu thêm tiền, người dân gánh thêm ‘giá xăng tăng’
Nhân viên đang đổi bảng giá tại một cây xăng.
Giá dầu thế giới tăng đang giúp cho Việt Nam kiếm tiền, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và có thể giúp cho nước này xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Duy chỉ có một cảnh báo, đó là giá xăng dầu cao hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Mặc dù không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn như các nước Trung Đông, nhưng Việt Nam xem các sản phẩm liên quan đến năng lượng là nguồn xuất khẩu cao thứ năm của mình. Ngành công nghiệp này chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà cung cấp năng lượng PetroVietnam, với doanh thu hàng năm là 3,1 tỷ USD. Phần lớn năng lượng của Việt Nam được khai thác ngoài biển ở phía đông và phía nam của đất nước.
Nếu giá dầu thô giữ ở mức trung bình 65 USD/thùng trong năm nay, cao hơn mức trung bình của năm ngoái là 60USD/thùng, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đặt ra là 6,7%, trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết vào tuần trước.
Ralf Matthaes, người sáng lập công ty tư vấn nghiên cứu Infocus Mekong tại thành phố Hồ Chí Minh, nói : "Việt Nam có trữ lượng dầu khí rất lớn, do đó nếu giá tăng lên chắc chắn sẽ là mối lợi cho Việt Nam".
Chuyên gia này nói thêm rằng : "Một lợi ích khác cho Việt Nam là có nhiều xuất khẩu hơn, không chỉ cà phê và gạo".
Giá dầu thế giới tăng vọt
Bộ Tài chính Việt Nam dự báo tổng thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu thô sẽ đạt 3,13 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2018, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng doanh thu từ tháng 1 đến tháng 9 đã vượt mục tiêu của cả năm.
Doanh thu tăng lên đối với Việt Nam phản ánh thu nhập cao hơn từ việc xuất khẩu dầu. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, giá dầu thế giới sẽ lên tới 73 USD/thùng trong năm nay và 74 USD/thùng trong năm tới. Cơ quan này nói giá dầu tăng là vì có vấn đề về cung, trong đó có ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
"Đối với chính phủ và doanh nghiệp nhà nước PetroVietnam, đây chắc chắn là tin tốt", ông Frederick Burke, đối tác của công ty luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định. "Thời gian qua họ đã gặp khó khăn ở hạng mục này trong ngân sách".
Một giàn khoan ngoài khơi của PetroVietnam.
Việt Nam xuất khẩu dầu chủ yếu sang Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Nguồn thu từ xuất khẩu này đóng góp vào nền kinh tế trị giá 224 tỷ USD và tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm kể từ năm 2012. Phần lớn tăng trưởng nhờ vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất và chế tạo các mặt hàng như phụ tùng ô tô và đồ điện tử gia dụng.
Đảng Cộng sản cho biết Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 11,23 triệu tấn dầu thô trong năm nay.
Làm gì với tiền ?
Theo ông Matthaes, doanh thu từ xuất khẩu dầu sẽ giúp cho chính phủ có nhiều tiền hơn để chi cho cơ sở hạ tầng công cộng. Các quan chức Việt Nam đang xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để các nhà sản xuất thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu, vận chuyển từ nhà máy ra thị trường nước ngoài. Vận chuyển hàng hóa dễ dàng sẽ giúp giữ chân các nhà sản xuất ở Việt Nam, vốn cạnh tranh với Trung Quốc và phần lớn khu vực Đông Nam Á để thu hút đầu tư.
Tờ báo trong nước VnEpress nói chính phủ hiện đang chi tiền cho các tuyến đường cao tốc và giao thông công cộng đô thị để xử lý "những thiếu hụt hậu cần của đất nước".
Công nhân xây dựng đang làm việc trên một đường cao tốc ở Hà Nội.
Theo ông Burke, các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy lọc dầu. Mặc dù có doanh thu xuất khẩu, nhưng Việt Nam lại là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu vì các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam không thể đáp ứng cho tất cả nhu cầu của 95 triệu dân và ngành công nghiệp.
Việt Nam nhập khẩu ngược lại khoảng 70% nhiên liệu của mình để sử dụng trên thực tế, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Các quan chức Việt Nam muốn xây dựng thêm các nhà máy lọc dầu để đảm bảo Việt Nam luôn có nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định, theo lời ông Burke. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng tình trạng "dư thừa" nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đặt ra nghi ngờ về ý tưởng mở thêm các nhà máy lọc dầu trong nước.
Mối đe dọa lạm phát
Phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ làm tăng giá xăng dầu cho người tiêu dùng Việt Nam, và đó là một mối đe dọa lạm phát, theo dự đoán của các nhà phân tích và truyền thông trong nước.
Theo đó, giá xăng sẽ tăng từ 5 đến 15% và có thể làm tăng lạm phát lên tới 0,64% trong năm, vẫn theo nguồn tin của Đảng Cộng sản.
Các quan chức ở Hà Nội đặt giới hạn mức lạm phát là 4% trong năm nay, nhưng tính đến tháng 6, mức lạm phát đã tăng cao hơn. Giá cả thấp giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hàng triệu thường dân lái xe máy hằng ngày vẫn còn đang sống với mức thu nhập nghèo túng.
Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nói rằng người tiêu dùng bình thường đã "cảm thấy sức nóng".
Ông nói : "Họ đã quá quen với việc xăng dầu tăng giá, nên tôi nghĩ họ vẫn có thể chịu đựng được, nhưng không biết được bao lâu".
Ralph Jennings
Nguồn : VOA, 15/10/2018