RFA, 21/08/2020
Truyền thông trong nước hôm 21/8 cho biết Thanh tra Hà Nội đã đột ngột thay đổi những kết luận thanh tra về những sai phạm trong việc mua, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ở Hà Nội từ có thành không.
Công nhân vệ sinh vớt cá chết trên hồ Tây bị ô nhiễm ở Hà Nội hôm 3/10/2016 - Reuters
Theo truyền thông trong nước, vào ngày 12/2/2020, Thanh tra Hà Nội ban hành văn bản số 555 là kết luận thanh tra việc mua, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm ở các hồ trong địa bàn thành phố. Kết luận cho thấy có nhiều sai phạm trong quá trình mua, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C.
Tuy nhiên chỉ 14 ngày sau, vào ngày 26/2/2020, Chánh Thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy lại có văn bản số 794 thay thế văn bản số 555. Kết luận mới không xác định những sai phạm trong quá trình mua, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C như kết luận cũ.
Liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C, vào ngày 20/8, Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam Tổng giám đốc công ty thoát nước Hà Nội là ông Võ Tiến Hùng. Ông Hùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố với tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung hiện cũng đang bị đình chỉ chức vụ 3 tháng để điều tra do có liên quan đến vụ án này cùng 2 vụ án khác ở Hà Nội.
Theo kết luận thanh tra, công ty Watch Water GmbH của Đức vào tháng 8/2016 đã ký văn bản thỏa thuận về việc phân đối độc quyền với công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic. Công ty Watch Water GmbH là công ty cung cấp giải pháp Redoxy-3C cho các hồ ở Hà Nội.
Công ty Arktic, theo truyền thông trong nước, có dấu ấn của ông Nguyễn Đức Hạnh, con trai ông Nguyễn Đức Chung. Ông Hạnh là người góp vốn trong công ty. Tuy nhiên ông Hạnh vào tháng 7 năm 2016 đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình cho người khác.
******************
Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội bị bắt
RFA, 20/08/2020
Cơ quan điều tra Bộ Công an hôm 20/8 đã khởi tố bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội. Lý do vì sai phạm liên quan việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm ở Hà Nội.
Ông Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy vtc
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết ông Hùng bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khởi tố với tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Những quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí mà ông Võ Tiến Hùng vi phạm, xảy ra tại Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Liên quan những sai phạm tại UBND thành phố Hà Nội, trước đó, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng bị tạm đình chỉ công tác để điều tra liên quan vụ án của ông Hùng và 2 vụ án khác.
Dư luận lâu nay quan tâm, đặt dấu hỏi việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội, có đấu thầu hay chỉ định mua?
Trước khi bị đình chỉ công tác, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Thanh tra Hà Nội thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy-3C.
Tin cho biết, theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ tháng 9 năm 2016, 3 hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu đã xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ được thử nghiệm bằng chế phẩm Redoxy-3C. Sau khi thử nghiệm thành công, UBND Hà Nội chấp thuận cho triển khai nhân rộng tại 87/125 hồ nội thành.
**********************
VOA, 21/08/2020
Các hãng hàng không Việt Nam vừa có công văn "kêu cứu" gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đề nghị chính phủ cho vay gói tín dụng 25.000 -27.000 tỷ đồng (1,1-1,3 tỷ USD) để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu trực tiếp lên Thủ tướng trong tình trạng "tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng", ông Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch hiệp hội, cho biết.
Theo đánh giá của các hãng hàng không, nếu đến năm 2024 lưu lượng hàng không mới có thể hồi phục như mức năm ngoái (theo dự báo của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), thì hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ đô la trong năm nay.
Kể từ cuối tháng 7, khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện trở lại tại Việt Nam, nhu cầu đi lại và du lịch bằng đường hàng không đột ngột giảm, dẫn đến tình trạng mất doanh thu ngay vào mùa cao điểm (mùa hè) của ngành hàng không.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50%-70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản, giảm lương nhân viên, giảm giá vé... nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng suy kiệt dòng tiền.
Trong đơn kêu cứu, các hãng hàng không còn đề nghị Thủ tướng kéo dài miễn giảm dịch vụ hàng không cho đến hết năm 2021, và giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không khác.
Hiệp hội cũng đề nghị chính phủ cho phép mở lại đường bay tới các quốc gia được xem là đã kiểm soát được dịch Covid-19, cho phép khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch.
Tình trạng đại dịch quay trở lại khiến chính phủ Việt Nam phải tạm dừng các hoạt động du lịch, vận chuyển để ngăn chặn bùng phát trong cộng đồng. Tính đến tối 21/8, Việt Nam đã có 1.009 ca nhiễm bệnh và 25 trường hợp tử vong vì virus corona.
Tập đoàn bất động sản FLC thuê 7 máy bay Airbus (RFA, 12/06/2017)
Tập đoàn bất động sản FLC của Việt Nam đang thảo luận với hãng máy bay Airbus để thuê 7 chiếc máy bay cho kế hoạch kinh doanh hàng không của tập đoàn vào đầu năm tới. Hãng tin Reuters trích lời Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cho báo chí biết như vậy hôm 12 tháng 6.
Trụ sở Tập đoàn bất động sản FLC. Courtesy FLC
FLC đã quyết định sẽ lấn sân sang thị trường hàng không vào tháng 5 vừa qua và đặt tên hãng hàng không là Hàng không Tre.
Ông Quyết cho biết số lượng máy bay của hãng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Hãng sẽ phục vụ các điểm du lịch nghỉ dưỡng ở 9 tỉnh của Việt Nam. Hãng cũng sẽ kết nối với các chuyến bay quốc tế.
Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và Công ty bay dịch vụ hàng không (Vietnam Air Services).
********************
Hãng Tre Việt thuê máy bay, sắp cất cánh (VOA, 11/06/2017)
Công ty Hàng không Tre Việt, mới được tập đoàn FLC của Việt Nam thành lập, cho biết đang làm việc với hãng của Châu Âu là Airbus để thuê 7 máy bay.
Một chiếc máy bay của A350 của Airbus. Hiện chưa rõ ngay là Bamboo Airways thuê những loại máy bay nào.
Thông tin này được Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, nói với Reuters hôm 10/6 ở Singapore, trong chuyến đi quảng bá công ty.
Cuối tháng trước, hội đồng quản trị của FLC đã quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, với vốn điều lệ là 700 tỷ đồng.
Ông Quyết cho biết rằng Bamboo Airways, hãng hàng không mới của Việt Nam này, sẽ có đội bay "khoảng 7 chiếc" vào năm 2018, và chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào đầu năm sau.
Hiện chưa rõ ngay là Bamboo Airways thuê những loại máy bay nào. Chủ tịch FLC được trích lời nói rằng Hãng Tre Việt "sẽ phục vụ các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi ở 9 tỉnh thành tại Việt Nam".
Ông nói thêm rằng "chúng tôi sẽ nối chuyến quốc tế và đưa các hành khách tới các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi".
Theo thông tin đăng trên trang web của FLC, tập đoàn này có "ba mảng hoạt động mũi nhọn là đầu tư tài chính, bất động sản, và khai khoáng", đồng thời "vẫn mở ra các lĩnh vực kinh doanh mới".
Thị trường hàng không trong nước sôi động hơn sau khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam.
Tin cho hay, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không chính, đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và VASCO.
Các nhà quan sát ở trong nước nói với VOA Việt Ngữ rằng thị trường hàng không ở trong nước đang trở nên sôi động, nhất là sau khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, trở thành nữ tỷ phú tiền đôla đầu tiên của Việt Nam.
Tạp chí Forbes ước tính bà có tài sản trị giá gần 1,6 tỷ đôla, đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, người hiện nắm khoảng 2,3 tỷ đôla.
Bà Thảo mới đây đã tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp cao tới Mỹ.
Trong chuyến công du này, VietJet Air đã đạt thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla với các đối tác Mỹ, trong đó có việc ký hợp đồng mua động cơ và nhận dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay của General Electrics, theo Reuters.