Tập đoàn bất động sản FLC thuê 7 máy bay Airbus (RFA, 12/06/2017)
Tập đoàn bất động sản FLC của Việt Nam đang thảo luận với hãng máy bay Airbus để thuê 7 chiếc máy bay cho kế hoạch kinh doanh hàng không của tập đoàn vào đầu năm tới. Hãng tin Reuters trích lời Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cho báo chí biết như vậy hôm 12 tháng 6.
Trụ sở Tập đoàn bất động sản FLC. Courtesy FLC
FLC đã quyết định sẽ lấn sân sang thị trường hàng không vào tháng 5 vừa qua và đặt tên hãng hàng không là Hàng không Tre.
Ông Quyết cho biết số lượng máy bay của hãng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Hãng sẽ phục vụ các điểm du lịch nghỉ dưỡng ở 9 tỉnh của Việt Nam. Hãng cũng sẽ kết nối với các chuyến bay quốc tế.
Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và Công ty bay dịch vụ hàng không (Vietnam Air Services).
********************
Hãng Tre Việt thuê máy bay, sắp cất cánh (VOA, 11/06/2017)
Công ty Hàng không Tre Việt, mới được tập đoàn FLC của Việt Nam thành lập, cho biết đang làm việc với hãng của Châu Âu là Airbus để thuê 7 máy bay.
Một chiếc máy bay của A350 của Airbus. Hiện chưa rõ ngay là Bamboo Airways thuê những loại máy bay nào.
Thông tin này được Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, nói với Reuters hôm 10/6 ở Singapore, trong chuyến đi quảng bá công ty.
Cuối tháng trước, hội đồng quản trị của FLC đã quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, với vốn điều lệ là 700 tỷ đồng.
Ông Quyết cho biết rằng Bamboo Airways, hãng hàng không mới của Việt Nam này, sẽ có đội bay "khoảng 7 chiếc" vào năm 2018, và chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào đầu năm sau.
Hiện chưa rõ ngay là Bamboo Airways thuê những loại máy bay nào. Chủ tịch FLC được trích lời nói rằng Hãng Tre Việt "sẽ phục vụ các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi ở 9 tỉnh thành tại Việt Nam".
Ông nói thêm rằng "chúng tôi sẽ nối chuyến quốc tế và đưa các hành khách tới các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi".
Theo thông tin đăng trên trang web của FLC, tập đoàn này có "ba mảng hoạt động mũi nhọn là đầu tư tài chính, bất động sản, và khai khoáng", đồng thời "vẫn mở ra các lĩnh vực kinh doanh mới".
Thị trường hàng không trong nước sôi động hơn sau khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam.
Tin cho hay, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không chính, đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và VASCO.
Các nhà quan sát ở trong nước nói với VOA Việt Ngữ rằng thị trường hàng không ở trong nước đang trở nên sôi động, nhất là sau khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, trở thành nữ tỷ phú tiền đôla đầu tiên của Việt Nam.
Tạp chí Forbes ước tính bà có tài sản trị giá gần 1,6 tỷ đôla, đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, người hiện nắm khoảng 2,3 tỷ đôla.
Bà Thảo mới đây đã tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp cao tới Mỹ.
Trong chuyến công du này, VietJet Air đã đạt thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla với các đối tác Mỹ, trong đó có việc ký hợp đồng mua động cơ và nhận dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay của General Electrics, theo Reuters.