Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, thuộc đoàn tỉnh Hải Dương hôm 10/10 khi trả lời báo chí nhà nước cho rằng lương giáo viên hiện nay rất cao so với viên chức ngành khác. Theo bà Nga, ngoài chuyện dạy thêm, chỉ tính riêng mức lương và phụ cấp thì mức thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, thuộc đoàn tỉnh Hải Dương. Courtesy haiduong.gov.vn
Thực tế lương giáo viên hiện nay ra sao ? Trả lời RFA hôm 11/10/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội, cho biết về việc này :
"Từ trước đến nay, lương của ngành giáo dục so với mặt bằng chung của xã hội cũng không phải là thấp, nhưng không cao hơn đáng kể. Từ ngày 1/7/2024 cả nước có cải cách tiền lương và tăng mức lương cơ bản cho tất cả công chức, viên chức, chứ không tính riêng với giáo viên. Tuy nhiên, vừa bắt đầu tăng lương thì giá cả hàng hóa trên thị trường cũng bắt đầu tăng theo, khiến cho giá trị thật của việc tăng lương cứ mất dần đi. Cho nên hôm nay có thể nói là không ăn thua. Nếu nói giáo viên lương thấp thì cũng vẫn đúng, như thầy cô mới bắt đầu bước vào nghề đi dạy học ở các cấp lương chỉ dao động từ 3 đến 4 triệu đồng. Trung học phổ thông lương khởi điểm cũng chỉ được khoảng 4,9 triệu trong ba năm đầu tiên".
Theo thầy Khoa, có rất nhiều trường hợp lao động tự do ở ngoài có hệ số lương rất khá, ví dụ như ngành công nghệ thông tin, ra trường trung bình phải hơn 10 triệu tháng. Thầy Khoa nói tiếp :
"Lương giáo viên nếu so với lương công nhân có khi còn ít hơn, giáo viên chỉ hơn công nhân là không phải làm việc liên tục 8 tiếng một ngày như công nhân. Tóm lại lương giáo viên như thế là bình thường, có người bảo hơi cao một tí cũng được, nhưng tôi chắc rằng chỉ một hai năm nữa, hệ số lượng này của ngành giáo dục lại được coi là ngành nghèo khó, lương rất thấp...".
Tuy nhiên theo Thầy Khoa, cán bộ quản lý giáo dục lại có thu nhập cực kỳ cao :
"Ngoài hệ số lương cao vút, lãnh đạo còn tự xét cho mình vượt hệ số ở việc thăng hạn, họ ưu tiên thăng hạn cho nhau sớm, cộng với phụ cấp chức vụ... cho nên hầu hết hiệu trưởng các trường mức lương đều hơn 20 triệu mỗi tháng. Trong khi cá nhân giáo viên thường lương rất ít, người ta nói ngành giáo dục lương cao, chứ thực tế không phải là cao".
Theo Bảng lương mới từ ngày 01/7/2024, giáo viên được hưởng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Theo đó, lương của giáo viên được tính theo công thức : Tiền lương = Hệ số lương x Lương cơ sở. Với cách tính này, giáo viên mới ra trường với bậc 1, trong ba năm đầu sẽ có mức lương tương đương 4,9 triệu đồng mỗi tháng.
Một giáo viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này cho biết :
"Lương thì không đóng thuế nhưng mà trừ nhiều lắm. Ví dụ như một tháng lương đúng ra là lãnh được 4,2 triệu, nhưng thường chỉ lãnh khoảng 3,9 triệu. Người ta muốn trừ cái gì người ta trừ, ví dụ như trừ "nhà tình thương", trừ "bà mẹ Việt Nam anh hùng"… người ta trừ từ trên xuống, mình không biết bất cứ cái gì hết trơn".
Giáo viên trong biên chế lương đã thấp, còn giáo viên theo hợp đồng thì còn khó khăn hơn nhiều. Một giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Giáo viên biên chế thì có tăng, còn giáo viên hợp đồng như tôi thì hầu như không tăng, đợi đến khi nào có biên chế thì mới được tăng. Mà biên chế thì tùy theo thành phố, khi nào có chỉ tiêu thì mới có, còn như tôi là hợp đồng nhiều năm rồi vẫn chưa có, tức là lương gần như bậc 1".
Nghị Quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam xác định lương giáo viên ‘được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền’. Sau hơn 10 năm, lương giáo viên vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 11/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định :
"Ở Việt Nam người ta sống bấp bênh, đồng lương nhìn chung là không đủ để sống mà không phải lo lắng. Thế nhưng nhìn vào đồng lương Việt Nam phải nhìn với cách nhìn khác, chẳng hạn ở nước ngoài người có lương như thế thì mình biết ngay họ sống như thế nào, tiêu ra sao ?
Ở Việt Nam thì đấy chỉ là một phần, có người lương rất thấp nhưng giàu có vì có sự phân biệt giữa lương và thu nhập. Một số cơ quan lương không phải là cao hơn giáo viên, thậm chí thấp hơn giáo viên, nhưng thu nhập cao hơn hẳn. Tôi đang nói thu nhập chính đáng, ví dụ như cơ quan đó có thu nhập rồi chia lại tiền cho nhân viên, thì tất cả những cái đó làm cho mọi chuyện lương tiền không thay đổi được ngày một ngày hai".
Tóm lại theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giữa lương và thu nhập thì phải nói rằng giáo viên nếu trong cậy vào lương thì đa số họ phải làm cách khác, làm gì đó thêm hoặc là đi dạy thêm, dạy thêm có khi chính đáng, có khi không chính đáng và đã để lại nhiều hệ quả. Ông Dũng nói tiếp :
"Cho nên người nào nhìn vào lương giáo viên để mà nói lương cao, thì những người đó hầu như không biết thực tiễn việc này ở Việt Nam, mặc dù họ sống ở Việt Nam. Ví dụ một ông cảnh sát giao thông lương chắc chắn không hơn người khác, nhưng sống phè phỡn".
Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trình dự án Luật Nhà giáo đã đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Theo tính toán của Bộ này, mức chi dự kiến cho chính sách này khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Với đề xuất này Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng lương giáo viên hiện nay rất cao, nên cần cân nhắc kỹ.
Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định thêm :
"Lương giáo viên thì có khá hơn so với một số ngành, nhưng ngay cả những anh lương thấp hơn thì thu nhập của họ nhìn chung vẫn cao hơn. Giải quyết cách gì không biết, nhưng giải quyết theo kiểu ‘thợ mày ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ’... con em ngành giáo dục thì được miễn học phí... thì cái đó theo tôi không ổn lắm đâu. Bởi vì nếu theo cái logic đó, sẽ dẫn đến chuyện ai cũng đòi theo kiểu đó là thua, không giải quyết được nhiều... Ví dụ như nhân viên Vietnam Airlines, là hãng hàng không quốc gia, sẽ miễn vé cho con em họ ; hay nhân viên bưu điện được miễn phí điện thoại... như vậy là không ổn. Cho nên tôi muốn nói lại, Bộ Giáo dục xót với thu nhập của giáo viên, thì họ đưa ra đề xuất như vậy, nhưng đó là cách giải quyết không mấy sáng sủa lắm".
Với mức lương thấp so với mặt bằng của đời sống kinh tế, có thể dẫn đến chuyện kiếm thêm thu nhập, dạy ngoài giờ, ép học sinh học thêm, hay buôn bán nhỏ lẻ... Đó là những tiêu cực khó tránh trong hàng ngũ giáo viên Việt Nam, việc này gây lo ngại có thể dẫn tới niềm tin và sự tôn kính của nghề giáo bị giảm sút.
Nguồn : RFA, 11/10/2024
Lương nhà giáo : Chưa kịp vui, nỗi lo đã trở lại ! (RFA, 22/02/2019)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21 tháng 2 năm 2019, đã không đồng tình đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên. Như vậy niềm vui tăng lương của nhà giáo lại một lần nữa lỗi hẹn.
Ảnh minh họa : Học sinh và thầy giáo ở Mù Cang Chải, yên Bái. AFP
Trước đó vào đầu tháng 1 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Cụ thể mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, đội ngũ giáo viên sẽ được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, nếu xét theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với hiện tại, nhất là giáo viên tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần có bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21 tháng 2 năm 2019, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.
Từ Hà Nội, thầy Đỗ Việt Khoa đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :
"Nó cũng đúng như dự đoán của chúng tôi, là người ta sẽ không có bảng lương riêng cho ngành giáo dục, cao hơn hay cao bằng lương của ngành công an. Ngành công an họ có bảng lương riêng, trung bình lương họ cao gấp 1,8 lần so với lương trong ngành giáo dục và các viên chức khác. Và không hiểu sao lương hưu của họ cũng rất cao, công an, bộ đội sau hai mươi năm làm việc, khi về hưu lương họ cũng sáu bảy triệu, cao hơn lương chúng tôi khi còn đi dạy. Do đó người ta đề nghị tăng lương giáo viên cũng là điều dễ hiểu, vì đời sống giáo viên vốn khó khăn, không gắn bó tận tâm với nghề vì phải làm thêm nhiều chuyện khác. Nhưng bây giờ Quốc hội từ chối bảng lương riêng cho giáo viên thì cũng là một điều đáng tiếc".
Cũng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình cho rằng, giáo viên phải có mức lương ưu tiên, ưu đãi hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần phải tùy thuộc vào khả năng của ngân sách.
Ảnh minh họa : Học sinh tại một trường tiểu học ở Sài Gòn. Courtesy hochiminhcity.gov.vn
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì cho rằng bảng lương riêng cho giáo viên là trái Nghị quyết 27 của Trung ương, còn phụ cấp cao nhất thì không nên vì còn nhiều ngành nghề đặc thù không kém ngành giáo dục ? !
Ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng hiện nay đã có Nghị quyết 27 về cải cách lương rồi nên không thể làm khác được.
Tuy nhiên theo nghị quyết 27 về cải cách lương, thì thu nhập giáo viên vẫn quá ít, không đủ sống, một giáo viên ở vùng ĐBSCL không muốn nêu tên cho Đài Á Châu Tự Do biết thực tế thu nhập của Cô :
"Lương thì không đóng thuế nhưng mà trừ, trừ nhiều lắm. Ví dụ như tôi dạy thì một tháng lương của tôi đúng ra là lãnh được 4,2 triệu nhưng thường chỉ lãnh khoảng 3,9 triệu. Người ta muốn trừ cái gì người ta trừ, ví dụ như trừ "nhà tình thương", trừ "bà mẹ Việt Nam anh hùng"… người ta trừ từ trên xuống, mình không biết bất cứ cái gì hết trơn. Không bao giờ mình biết được tháng này mình sẽ lãnh được bao nhiêu tiền".
Giáo viên trong biên chế lương đã thấp, còn giáo viên theo hợp đồng thì còn khó khăn hơn nhiều. Một giáo viên hợp đồng ở Hải Phòng, cho Đài Á Châu Tự Do biết trong thực tế ngoài chuyện lương thấp, thì cơ chế trả lương cho giáo viên cũng không hợp lý :
"Giáo viên biên chế thì có tăng một chút, còn giáo viên hợp đồng như tôi thì hầu như không tăng, đợi đến khi nào có biên chế thì mới được tăng. Mà biên chế thì tùy theo thành phố, khi nào có chỉ tiêu thì mới có, còn như tôi là hợp đồng nhiều năm rồi vẫn chưa có, tức là lương gần như bậc 1. Theo tôi, cơ chế cần phải thay đổi theo hướng là trả lương cao cho giáo viên và đòi hỏi người ta làm nhiều hơn bởi vì có tình trạng giáo viên vào biên chế rồi thì độ năng động người ta không có. Không có sự bó buộc nào cả giữa mức lương và sự tích cực của người làm. Nó không căn cứ trên gì cả".
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, thì lương giáo viên hiện nay rất thấp, giáo viên ở thành phố thì còn có thể dạy thêm để tăng thu nhập, còn giáo viên ở miền núi vùng sâu vùng xa thì không những không dạy thêm để có nguồn thu, mà đôi khi còn phải bớt tiền của mình để cho học sinh nghèo. Ông cho rằng đây là điều bất bình đẳng trong ngành giáo dục.
Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm tâm tư, nguyện vọng của mình :
"Ngành giáo dục để mà nâng cao được đời sống giáo viên thì cũng khó lắm. Giáo viên chúng tôi không thể vừa dạy học vừa ra chợ. Vì vậy tôi nghĩ giáo viên phải tìm cách tự khắc phục, như tiết kiệm chi tiêu, tìm các công việc phù hợp nhất với mình để cải thiện đời sống. Chứ trông chờ vào nhà nước thì không còn khả năng. Nhưng đói cho sạch, rách cho thơm, nhà giáo xin đừng cố gắng cải thiện bằng cách thu trái phép của phụ huynh, cưỡng ép học sinh học thêm một cách vô lối, thu các khoảng không đúng quy định".
Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang thì cho rằng, muốn còn giáo viên dạy học, trước nhất nhà nước phải tìm cách lo cho đời sống giáo viên, vì hiện nay lương thấp quá, không đủ sống. Ngoài ra, phải thưởng cho giáo viên để khuyến khích giáo viên có nhiều đóng góp sáng tạo. Và quan trọng hơn hết, phải quan tâm thêm cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa để các giáo viên này có thể yên tâm làm việc ở vùng xa đó.
Trung Khang
*********************
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể : cao tốc sụt lún vì kinh phí ít (RFA, 22/02/2019)
Kinh phí ít, không áp dụng công nghệ hiện đại là nguyên nhân vì sao một số đường cao tốc ở Việt Nam vừa đưa vào sử dụng đã bị sụt lún, thấm dột.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí ngày 21/02. Courtesy of Zing
Đây là phát biểu của ông bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể nói với truyền thông trong nước bên lề Hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 diễn ra tại Thành phố Nha Trang ngày 21/2.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chất lượng kỹ thuật là yêu cầu quan trọng nhất khi xây dựng cao tốc. Tuy nhiên khi kinh phí không đủ thì dự án không thể áp dụng công nghệ, giải pháp thi công hiện đại. Vì vậy phải xây dựng theo kiểu truyền thống nên chất lượng sẽ gặp rủi ro.
Cũng trong buổi hội nghị, khi phát biểu về tuyến cao tốc Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện tuyến đường trọng điểm kết nối hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, không để việc giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng tiến độ dự án.
Ông bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên sẽ được áp dụng công nghệ, giải pháp hiện đại để thi công, và sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để chọn ra nhà thầu trước cuối năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông và vận tải sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng khi dự án được triển khai.
Cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài khoảng hơn 2.100 km, đi qua 32 tỉnh thành và được đầu tư theo 3 giai đoạn : 2017-2020, 2021-2025, và sau 2025.
Hiện tại, chính phủ sẽ đầu tư trước 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam với chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, với mức đầu tư gần 119.000 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án được ngân sách nhà nước đầu tư, 8 dự án còn lại theo hình thức PPP (hợp đồng đầu tư giữa nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng).
Nhiệm vụ hiện nay là cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, và lựa chọn nhà thầu.
Bộ Giao thông và vận tải báo cáo trong hội nghị cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí sẵn sàng hơn 14.000 tỷ đồng cho dự án này và sẽ bàn giao ngay cho các địa phương sau khi hoàn tất công tác kiểm kê giải phóng mặt bằng.
Còn theo ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ ngành liên quan và các địa phương cần phải sẵn sàng phối hợp để cùng thực hiện cao tốc Bắc – Nam, dự án có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
********************
Cần đổi mới về giáo dục an toàn giao thông (VNTB, 21/02/2019)
Từ cấp tiểu học, những tiết giáo dục về an toàn khi đi lại trên đường đã được giảng dạy cho học trò qua lồng ghép vào giờ học giáo dục công dân. Tuy nhiên dường như chuyện về tôn trọng luật giao thông, cùng các ứng xử trên đường phố với tư cách là ‘một công dân’ vẫn còn quá nhiều việc cần bàn luận.
Có thể nói, cũng như mọi năm, tình hình tai nạn giao thông vẫn liên tục phát triển. Trên báo chí vẫn tiếp tục những bản tin kiểu như : Ngày ../../2019 tại ngã tư …, xe container "hất bay" hàng chục xe máy đã làm cho nhiều người bàng hoàng. "Mỗi khi mở mạng lướt facebook hay đọc tin lại thấy tai nạn, phát sợ", một người dân chia sẻ.
Đầu tháng 2/2019, Bộ Công an đưa ra số liệu về tình hình tai nạn giao thông : từ 16/12/2018 đến 15/1/2019, toàn quốc xảy ra hơn 1.500 vụ tai nạn, làm 728 người chết, bị thương 1137 người.
"Theo tôi nghĩ, phần lớn là do người dân. Giờ cậu nghĩ xem, uống rượu bia xỉn, tham gia giao thông, chạy lắc bên này ngả bên kia, có phải nguy hiểm cho người kế bên không ? Rồi những trường hợp chạy ngược chiều. Cũng thông cảm cho vài trường hợp, con lươn ở giữa quá dài, không có đường qua. Muốn trở đầu phải đi một đoạn khá xa. Để tiện nên người dân đi ngược chiều. Tuy nhiên, cũng có người vô ý, chạy đụng người ta còn chửi. Rồi có người vừa chạy ngược chiều vừa pha đèn nữa". Ông Tám, một bảo vệ phân bua.
Bên cạnh lý do mà ông Tám đưa ra, theo ghi nhận của người viết, hệ thống đường sá cũng đóng một vai trò quan trọng, Đường mấp mô, những ‘ổ gà’, ‘ổ voi’ luôn là những cái bẫy sẵn sàng ‘sập’ mỗi khi mưa về. Những con đường đó luôn được đào lên lấp lại liên tục với đủ các lý do. Song khi mưa xuống, vẫn ngập, điểm duy nhất vẫn còn khô ráo, có lẽ là… miệng cống thoát nước vì nó thường nhô cao hơn mặt đường (!?)
Nhiều người chạy xe trên đường rất ‘bá đạo’ – anh sinh viên tên Long kể : "Mình chạy ngoài đường, đúng luật, đèn vàng nhấp nháy, mình dừng. Người phía sau bấm kèn inh ỏi. Mình né qua, họ chạy tạt qua mặt mình, rồi quay lại rủa xả gì đó… Mấy bận mình chạy đúng tuyến, đúng luật, người ta chạy lấn tuyến, né xe lớn rồi va quẹt đụng trúng mình. Chẳng những không xin lỗi, họ còn tỉnh queo mắng mình là ‘bộ đui hay sao mà…’. Thiệt hết biết. Không lẽ mình cự lại rồi xô xát…".
Có lẽ để giải quyết thực tế giao thông ‘bá đạo’ đó, cần đến việc giáo dục trong nhà trường từ lứa tuổi học trò cấp tiểu học.
Chương trình "An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ" được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu mang tính thí điểm từ năm 2008 dành cho thầy cô và học sinh tiểu học, với mục tiêu trang bị kiến thức và hình thành những kỹ năng tham gia giao thông văn minh và an toàn cho thế hệ công dân tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bước sang năm thứ 11, chương trình này đã được mở rộng triển khai tới 19 tỉnh/thành phố bao gồm : Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Sơn La, Hà Nam, Ninh Thuận, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ, Phú Thọ, Hậu Giang và 2 tỉnh triển khai mới là Thanh Hóa và Gia Lai.
Tính hiệu quả của chương trình này tới đâu, hay chỉ nhằm để quảng bá nhà tài trợ độc quyền, là câu hỏi cần được trả lời. Một khoản ngân quỹ rất lớn cho chương trình này trong suốt hơn chục năm qua là bao nhiêu ? Các cơ quan chuyên trách ‘góp mặt’ ở "An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ", gồm có Vụ Giáo dục tiểu học, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông. Một doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy, xe hơi tên tuổi của Nhật Bản là nhà tài trợ độc quyền của chương trình.
"Mười niên học đã đi qua. Các em khối 3, 4, 5 được học tiết giáo dục về an toàn khi đi lại trên đường qua lồng ghép vào giờ học giáo dục công dân, đến nay xem ra cũng đang ở lứa cấp 3 và không ít là ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng chỉ cần quan sát tình trạng xe cộ lưu thông trên đường, sẽ nhận ra bên cạnh chuyện chất lượng đường sá tệ, thì ý thức của nhiều bạn trẻ cũng tệ. Nạn đua xe của giới trẻ tuổi học đường là một ví dụ". Cô giáo Nguyễn Thị Tiến, dạy văn trường cấp 2, 3 Sương Nguyệt Anh, quận 10, Sài Gòn nói.
Cô Tiến cho biết nội dung của giáo trình về giao thông dạy cho các em tiểu học có kết cấu gồm 12 bài học thuộc các chủ đề Đi bộ an toàn, Nguy hiểm khi vui chơi ở những nơi không an toàn, Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, Ngồi an toàn trên xe máy và xe đạp, trong xe ô tô và trên các phương tiện giao thông đường thủy, Biển báo hiệu đường bộ, Đi xe đạp an toàn và Dự đoán để tránh các tình huống nguy hiểm.
"Tôi nghĩ 10 năm lồng ghép là đủ rồi. Muốn có thế hệ học sinh có kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phải đưa chương trình giáo dục này vào chính khóa, có nghĩa là môn học bắt buộc". Cô giáo Nguyễn Thị Tiến đề nghị.
Hình ảnh ghi nhận trên tuyến đường từ Sài Gòn đi Lái Thiêu vào chiều ngày 18 tháng hai, 2019.
Trúc Mai
*******************
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc danh sách những thành phố đắt đỏ nhất Đông Nam Á (RFA, 21/02/2019)
Hà Nội xếp vị trí thứ 13 và Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 15 trong danh sách 20 thành phố đắt đỏ nhất khu vực Đông Nam Á.
Một khu chợ ở phố cổ Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2019 trước Tết Nguyên đán. AFP
Số liệu trên nằm trong bảng xếp hạng chi phí sinh hoạt mới cho các vùng miền được thống kê bởi trang mạng Numbeo.com, trang lưu trữ dữ liệu của người dùng lớn nhất đóng góp thông tin về các thành phố và quốc gia trên thế giới.
Theo Numbeo, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội xếp thứ 316/440 thành phố toàn thế giới.
Trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 320/440 thành phố toàn thế giới.
Singapore, trung tâm kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, vẫn đứng đầu danh sách các thành phố đắt đỏ nhất Đông Nam Á. Sau đó là Bangkok của Thái Lan và hạng ba là Yangon của Miến Điện, dù rằng trước đó Yangon chưa hề lọt vào top 30 giữa năm 2018.
Thủ đô Phnom Penh của Campuchia đứng thứ 5, Jakarta của Indonesia đứng thứ 11 và Manila của Philippines đứng thứ 14.
Numbeo nói cuộc khảo sát được tính toán dựa theo nhiều loại chi phí sinh hoạt khác nhau như tiền thuê nhà, chi phí ăn uống và mua sắm cần thiết để sống thoải mái ở 20 thành phố lớn vùng Đông Nam Á.
Vụ Khaisilk : Chính quyền 'mở rộng điều tra' (BBC, 30/10/2017)
Bộ Công thương Việt Nam thành lập "đoàn kiểm tra liên ngành", trong đó có công an, để làm rõ "dấu hiệu vi phạm" của công ty Khaisilk sau cáo buộc "xuất sứ Trung Quốc" của sản phẩm khăn lụa.
Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội tới cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hà Nội
Đây là một phần nội dung văn bản của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm 30/10.
Tranh cãi nảy sinh từ cáo buộc có khăn lụa xuất xứ Trung Quốc nhưng lại in nhãn mác "Made in Vietnam" ở cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm 30/10 chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ cửa hàng 113 Hàng Gai sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội.
Ông Trần Tuấn Anh cũng nói sẽ thành lập "đoàn kiểm tra liên ngành", trong đó có công an, để làm rõ "dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk".
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh "đề nghị" chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh "làm rõ dấu hiệu vi phạm" của Tập đoàn Khaisilk.
Vụ việc ở cửa hàng Hàng Gai
Theo báo cáo ban đầu của Cục Quản lý thị trường, sau khi kiểm tra số 113 Hàng Gai, họ đã tạm giữ 56 chiếc khăn vuông lụa tơ tằm loại 50cmx50cm nhãn "Khaisilk Made in Viet Nam".
Một số phóng viên trong nước tới cửa hàng để đưa tin.
Theo tin đến giờ, cửa hàng này nói rằng do nhu cầu "đột biến", nhân viên cửa hàng đã tự ý mua 60 khăn vuông lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "Khaisilk Made in Viet Nam" để bán cho khách hàng.
4 chiếc đã bán, và còn tồn 56 chiếc, bị giới chức tạm thu giữ.
Sau vụ việc ở Hàng Gai, theo truyền thông Việt Nam, chủ Tập đoàn Khaisilk, ông Hoàng Khải, đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 1990.
********************
Du khách Trung Quốc tăng hơn 45% trong 10 tháng (RFA, 30/10/2017)
Việt Nam chào đón hơn 3,2 triệu du khách Trung Quốc tính từ đầu năm 2017 đến hết tháng 10, tăng đến 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai khách du lịch Trung Quốc ở Hội An. Photo : AFP
Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 30 tháng 10. Một ngày trước đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố Việt Nam chào đón hơn 1 triệu du khách quốc tế trong tháng 10, tăng 5% so với tháng 9 của năm 2017.
Trong 2 tháng cuối năm nay, Việt Nam gấp rút thực hiện các chiến dịch quảng bá du lịch nhằm đạt được chỉ tiêu đón 13 triệu lượt khách, tương đương mức tăng trưởng 30%. Trong đó, tập trung thu hút du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Nga.
Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch cho biết hy vọng đến cuối năm 2017, sẽ có khoảng 4 triệu du khách Trung Quốc trong tổng số 13 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Hồi năm 2016, có hơn 10 triệu khách du lịch vào Việt Nam, trong đó du khách đến từ Trung Quốc là 2, 7 triệu người.
*********************
Lương hưu cô giáo 'thấp mạt hạng' là bất công (BBC, 30/10/2017)
Chuyện một số giáo viên mầm non đi làm cả cuộc đời nhận mức lương hưu "thấp hơn mức lương phổ thông rất nhiều" thật là "chua chát", một giáo viên đại học đã nghỉ hưu nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/10.
Giáo viên mầm non và tiểu học phải 'lao động cực nhọc'
Báo chí Việt Nam đưa tin giáo viên mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh "khóc không thành tiếng" và Nguyễn Thị Vỹ ở Nghệ An "sụt 4kg" khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu xấp xỉ 1,3 triệu đồng/tháng sau nhiều năm giảng dạy.
Mặc dù mức lương hưu của hai cô giáo này được tính theo đúng quy định, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, người từng là giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm, cho rằng giới chức trong ngành giáo dục cần lên tiếng để thay đổi chính sách và "không thể để cho nhà giáo nhận mức lương 'mạt hạ' như vậy".
Quyết định về lương hưu của hai cô giáo Trương Thị Lan và Nguyễn Thị Vỹ
Theo tờ Dân Trí, Cô giáo Trương Thị Lan đã đóng bảo hiểm 22 năm 8 tháng trong suốt 37 năm giảng dạy tại trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Sau khi xin nghỉ hưu vào tháng 9, phía bảo hiểm xã hội ra quyết định số tiền hưu trí của bà Lan là 1,268 triệu/tháng và "được nhà nước cho bù thêm 32 ngàn đồng" làm tròn thành 1,3 triệu/tháng.
Cô giáo Nguyễn Thị Vỹ đóng bảo hiểm 22 năm 5 tháng trong 33 năm giảng dạy tại trường mầm non Nam Xuân, xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An.
Quyết định nghỉ hưu của cô viết mức lương hưu trí bà được hưởng là 1,356 triệu đồng/tháng, tờ Pháp Luật đưa tin.
Lương hưu thấp "theo đúng quy định" ?
Tình trạng giáo viên mầm non nhận lương hưu rất thâp không phải là hiếm. Tiến Sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC bà thấy thật "chua chát" về điều này.
"Mức lương của hai cô giáo đó còn thấp hơn lao động phổ thông. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, một ngày lao động phổ thông, nếu hơi nặng nhọc một chút, không thể trả thấp hơn 200,000/ngày, tức là 6 triệu/tháng. Tuy nhiên tôi hiểu tại sao các cô giáo lại có mức lương ấy và lại có phản ứng như thế", bà bình luận.
Tiến Sỹ Vũ Thị Phương Anh nói mức lương hưu cho hai cô giáo trên đã được tính đúng theo quy định hiện nay, vì lương hưu tính theo mức lương cơ bản, vốn "thấp một cách vô lý" đối với các giáo viên mầm non, những người "lao động rất cực nhọc".
Học sinh mầm non một trường vùng cao
Vì không ai sống được bằng lương cơ bản, các trường từ mầm non đến đại học thường có cách để "tăng thêm thu nhập cho giáo viên một cách hợp pháp" khi họ còn đương nhiệm. Nhưng bảo hiểm xã hội chỉ được đóng trên mức lương cơ bản nên mức lương hưu có sự chênh lệch lớn so với lương trước khi nghỉ hưu.
Bình luận về phản ứng của hai cô giáo khi biết được mức lương hưu của mình, bà Phương Anh cho rằng không chỉ hai cô giáo đó mà nhiều giáo viên bất ngờ vì mức lương hưu của mình.
Một phần có thể do họ thiếu thông tin, một phần do cách tính lương hưu của bảo hiểm có sự thay đổi trong những năm qua.
Có thời điểm lương hưu được tính theo mức lương năm năm cuối, nhưng sau đó quy định thay đổi lại là tính bình quân cả quá trình công tác nên lương hưu cuối cùng rất thấp, bà Phương Anh cho biết.
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Trả lời câu hỏi của BBC ai chịu trách nhiệm về mức lương hưu quá thấp của giáo viên mầm non nói chung, sau khi đã có nhiều năm cống hiến cho ngành, TS Vũ Thị Phương Anh nói :
"Trách nhiệm là ở nhiều phía, nhưng trước hết là Bộ giáo dục và Sở giáo dục phải có tiếng nói, không thể để cho nhà giáo nhận mức lương 'mạt hạ' như vậy.
Các vụ trưởng, hay những người làm trong nghề giáo mà có chức vụ phải lên tiếng. [Không thể cho rằng] nhà nước quy định như vậy thì phải chịu thôi. Mình phải bảo vệ nghề của mình để còn thu hút được những người muốn vào nghề và giữ được những người có lòng yêu nghề. Mình phải bảo vệ được cái hình ảnh của mình".
Một vấn đề lớn hơn, vấn đề của chính phủ là tại sao lại để cho có những quy định như vậy ?
Năm nay trong kỳ thi đại học, các ngành quân đội có điểm chuẩn rất cao còn các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp cũng "là điều dễ hiểu". Cán bộ trong ngành quân đội được rất nhiều quyền lợi, trong khi những người trong ngành giáo, cũng được coi là "người của nhà nước" lại có mức đãi ngộ quá thấp.
Một giáo viên trong ngành quân đội, theo bà Phương Anh, có mức lương cao gấp 2-3 lần giáo viên dân sự. Đây là một sự bất công trong xã hội.
Ngoài ra, bà cũng cho rằng, cách sử dụng quỹ tiền lương bảo hiểm xã hội cần được minh bạch hơn.
"Tại sao lại có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm ?" bà Phương Anh đặt câu hỏi. "Tiền giữ của người ta mấy chục năm, khi thiếu tiền thì thay đổi chính sách để người lao động bị ảnh hưởng".
Bà cho rằng nếu không ai lên tiếng và chính sách không thay đổi thì hậu quả là không ai muốn vào ngành giáo nữa.