Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/10/2017

Khaisilk bị điều tra, du khách Trung Quốc, lương giáo viên

Tổng hợp

Vụ Khaisilk : Chính quyền 'mở rộng điều tra' (BBC, 30/10/2017)

Bộ Công thương Việt Nam thành lập "đoàn kiểm tra liên ngành", trong đó có công an, để làm rõ "dấu hiệu vi phạm" của công ty Khaisilk sau cáo buộc "xuất sứ Trung Quốc" của sản phẩm khăn lụa.

vn1

Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội tới cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hà Nội

Đây là một phần nội dung văn bản của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm 30/10.

Tranh cãi nảy sinh từ cáo buộc có khăn lụa xuất xứ Trung Quốc nhưng lại in nhãn mác "Made in Vietnam" ở cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm 30/10 chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ cửa hàng 113 Hàng Gai sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nói sẽ thành lập "đoàn kiểm tra liên ngành", trong đó có công an, để làm rõ "dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk".

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh "đề nghị" chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh "làm rõ dấu hiệu vi phạm" của Tập đoàn Khaisilk.

Vụ việc ở cửa hàng Hàng Gai

Theo báo cáo ban đầu của Cục Quản lý thị trường, sau khi kiểm tra số 113 Hàng Gai, họ đã tạm giữ 56 chiếc khăn vuông lụa tơ tằm loại 50cmx50cm nhãn "Khaisilk Made in Viet Nam".

vn2

Một số phóng viên trong nước tới cửa hàng để đưa tin.

Theo tin đến giờ, cửa hàng này nói rằng do nhu cầu "đột biến", nhân viên cửa hàng đã tự ý mua 60 khăn vuông lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "Khaisilk Made in Viet Nam" để bán cho khách hàng.

4 chiếc đã bán, và còn tồn 56 chiếc, bị giới chức tạm thu giữ.

Sau vụ việc ở Hàng Gai, theo truyền thông Việt Nam, chủ Tập đoàn Khaisilk, ông Hoàng Khải, đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 1990.

********************

Du khách Trung Quốc tăng hơn 45% trong 10 tháng (RFA, 30/10/2017)

Việt Nam chào đón hơn 3,2 triệu du khách Trung Quốc tính từ đầu năm 2017 đến hết tháng 10, tăng đến 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

vn3

Hai khách du lịch Trung Quốc ở Hội An. Photo : AFP

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 30 tháng 10. Một ngày trước đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố Việt Nam chào đón hơn 1 triệu du khách quốc tế trong tháng 10, tăng 5% so với tháng 9 của năm 2017.

Trong 2 tháng cuối năm nay, Việt Nam gấp rút thực hiện các chiến dịch quảng bá du lịch nhằm đạt được chỉ tiêu đón 13 triệu lượt khách, tương đương mức tăng trưởng 30%. Trong đó, tập trung thu hút du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Nga.

Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch cho biết hy vọng đến cuối năm 2017, sẽ có khoảng 4 triệu du khách Trung Quốc trong tổng số 13 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Hồi năm 2016, có hơn 10 triệu khách du lịch vào Việt Nam, trong đó du khách đến từ Trung Quốc là 2, 7 triệu người.

*********************

Lương hưu cô giáo 'thấp mạt hạng' là bất công (BBC, 30/10/2017)

Chuyện một số giáo viên mầm non đi làm cả cuộc đời nhận mức lương hưu "thấp hơn mức lương phổ thông rất nhiều" thật là "chua chát", một giáo viên đại học đã nghỉ hưu nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/10.

vn4

Giáo viên mầm non và tiểu học phải 'lao động cực nhọc'

Báo chí Việt Nam đưa tin giáo viên mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh "khóc không thành tiếng" và Nguyễn Thị Vỹ ở Nghệ An "sụt 4kg" khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu xấp xỉ 1,3 triệu đồng/tháng sau nhiều năm giảng dạy.

Mặc dù mức lương hưu của hai cô giáo này được tính theo đúng quy định, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, người từng là giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm, cho rằng giới chức trong ngành giáo dục cần lên tiếng để thay đổi chính sách và "không thể để cho nhà giáo nhận mức lương 'mạt hạ' như vậy".

vn5

Quyết định về lương hưu của hai cô giáo Trương Thị Lan và Nguyễn Thị Vỹ

Theo tờ Dân Trí, Cô giáo Trương Thị Lan đã đóng bảo hiểm 22 năm 8 tháng trong suốt 37 năm giảng dạy tại trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Sau khi xin nghỉ hưu vào tháng 9, phía bảo hiểm xã hội ra quyết định số tiền hưu trí của bà Lan là 1,268 triệu/tháng và "được nhà nước cho bù thêm 32 ngàn đồng" làm tròn thành 1,3 triệu/tháng.

Cô giáo Nguyễn Thị Vỹ đóng bảo hiểm 22 năm 5 tháng trong 33 năm giảng dạy tại trường mầm non Nam Xuân, xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An.

Quyết định nghỉ hưu của cô viết mức lương hưu trí bà được hưởng là 1,356 triệu đồng/tháng, tờ Pháp Luật đưa tin.

Lương hưu thấp "theo đúng quy định" ?

Tình trạng giáo viên mầm non nhận lương hưu rất thâp không phải là hiếm. Tiến Sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC bà thấy thật "chua chát" về điều này.

"Mức lương của hai cô giáo đó còn thấp hơn lao động phổ thông. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, một ngày lao động phổ thông, nếu hơi nặng nhọc một chút, không thể trả thấp hơn 200,000/ngày, tức là 6 triệu/tháng. Tuy nhiên tôi hiểu tại sao các cô giáo lại có mức lương ấy và lại có phản ứng như thế", bà bình luận.

Tiến Sỹ Vũ Thị Phương Anh nói mức lương hưu cho hai cô giáo trên đã được tính đúng theo quy định hiện nay, vì lương hưu tính theo mức lương cơ bản, vốn "thấp một cách vô lý" đối với các giáo viên mầm non, những người "lao động rất cực nhọc".

vn6

Học sinh mầm non một trường vùng cao

Vì không ai sống được bằng lương cơ bản, các trường từ mầm non đến đại học thường có cách để "tăng thêm thu nhập cho giáo viên một cách hợp pháp" khi họ còn đương nhiệm. Nhưng bảo hiểm xã hội chỉ được đóng trên mức lương cơ bản nên mức lương hưu có sự chênh lệch lớn so với lương trước khi nghỉ hưu.

Bình luận về phản ứng của hai cô giáo khi biết được mức lương hưu của mình, bà Phương Anh cho rằng không chỉ hai cô giáo đó mà nhiều giáo viên bất ngờ vì mức lương hưu của mình.

Một phần có thể do họ thiếu thông tin, một phần do cách tính lương hưu của bảo hiểm có sự thay đổi trong những năm qua.

Có thời điểm lương hưu được tính theo mức lương năm năm cuối, nhưng sau đó quy định thay đổi lại là tính bình quân cả quá trình công tác nên lương hưu cuối cùng rất thấp, bà Phương Anh cho biết.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Trả lời câu hỏi của BBC ai chịu trách nhiệm về mức lương hưu quá thấp của giáo viên mầm non nói chung, sau khi đã có nhiều năm cống hiến cho ngành, TS Vũ Thị Phương Anh nói :

"Trách nhiệm là ở nhiều phía, nhưng trước hết là Bộ giáo dục và Sở giáo dục phải có tiếng nói, không thể để cho nhà giáo nhận mức lương 'mạt hạ' như vậy.

Các vụ trưởng, hay những người làm trong nghề giáo mà có chức vụ phải lên tiếng. [Không thể cho rằng] nhà nước quy định như vậy thì phải chịu thôi. Mình phải bảo vệ nghề của mình để còn thu hút được những người muốn vào nghề và giữ được những người có lòng yêu nghề. Mình phải bảo vệ được cái hình ảnh của mình".

Một vấn đề lớn hơn, vấn đề của chính phủ là tại sao lại để cho có những quy định như vậy ?

Năm nay trong kỳ thi đại học, các ngành quân đội có điểm chuẩn rất cao còn các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp cũng "là điều dễ hiểu". Cán bộ trong ngành quân đội được rất nhiều quyền lợi, trong khi những người trong ngành giáo, cũng được coi là "người của nhà nước" lại có mức đãi ngộ quá thấp.

Một giáo viên trong ngành quân đội, theo bà Phương Anh, có mức lương cao gấp 2-3 lần giáo viên dân sự. Đây là một sự bất công trong xã hội.

Ngoài ra, bà cũng cho rằng, cách sử dụng quỹ tiền lương bảo hiểm xã hội cần được minh bạch hơn.

"Tại sao lại có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm ?" bà Phương Anh đặt câu hỏi. "Tiền giữ của người ta mấy chục năm, khi thiếu tiền thì thay đổi chính sách để người lao động bị ảnh hưởng".

Bà cho rằng nếu không ai lên tiếng và chính sách không thay đổi thì hậu quả là không ai muốn vào ngành giáo nữa.

Quay lại trang chủ
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)