Facebooker chế nhạo : ‘Lăng Hồ Chí Minh làm bằng hóa chất của Tàu’ (Người Việt, 20/04/2019)
Dùng sản phẩm tương ớt Chinsu để "tạo hình" Lăng Hồ Chí Minh cho quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi ở siêu thị Lotte Liễu Giai, thương hiệu Masan của nhà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang một lần nữa lại "dậy sóng" trước phản ứng của dư luận.
Mô hình lăng Hồ Chí Minh dựng bằng tương ớt Chinsu trong siêu thị. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 20/04/2019, hình ảnh chụp quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi tương ớt Chinsu của Công ty cổ phần Hàng Tiêu Dùng Masan, ở siêu thị Lotte Liễu Giai (Hà Nội) mô phỏng theo lăng Hồ Chí Minh, tiếp tục được chia sẻ với tốc độ "chóng mặt" với nhiều ý kiến, phần lớn không đồng tình.
Trả lời báo Tuổi Trẻ vào khuya muộn cùng ngày, đại diện Masan cho biết "đã làm việc với nhân viên sales và PG (Promotion) và đã yêu cầu nhân viên PG tường trình".
Tin cho biết, đại diện Masan giải thích, để chào mừng những ngày lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, Siêu Thị Lotte phát động trưng bày sản phẩm trong nội bộ siêu thị theo chủ đề ngày lễ nói trên như xe tăng, lá cờ…
"Sản phẩm tuơng ớt Chinsu đã được các bạn PG sắp xếp mô phỏng theo tạo hình Lăng Hồ Chí Minh với tinh thần tưởng nhớ nhưng lại gây hiệu ứng ngược tới người tiêu dùng. Đây là tự phát cá nhân, song Masan xin được gửi lời xin lỗi chân thành vì sự cố đáng tiếc nói trên…", đại diện Masan biện minh.
Trong khi đó, nói với báo Tuổi Trẻ, đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart, cho hay thông thường các đơn vị thuê mặt bằng tại hệ thống siêu thị bày bán, hoặc giới thiệu sản phẩm như thương hiệu Chinsu nói trên "phải gửi mẫu trưng bày bán lên siêu thị Lotte xem trước. Nếu được duyệt mới được phép triển khai".
Tuy nhiên, trong trường hợp này "nhà cung cấp đã ‘qua mặt’ siêu thị và tự ý làm", vị đại diện Lotte Mart khẳng định.
Khơi mào đầu tiên cho sự việc này, mở đầu dòng trạng thái (status) trên trang Facebook cá nhân, Nhà Báo Đặng Thị Hàn Ni, báo Sài Gòn Giải Phóng, châm biếm viết : "Lăng Bác khuyến mãi giảm giá 10k nữa !!!
Không biết doanh nghiệp kinh doanh bất chấp hay đến lúc cần người tiêu dùng thông minh ? !…".
Lập tức, status này tính cho đến 1 giờ ngày 21 Tháng Tư (giờ Việt Nam) đã nhận được 1.000 lượt thích, 290 bình luận và 335 lượt chia sẻ.
Bạn Huỳnh Ngọc Diệp được dịp bày tỏ bực tức với Masan viết : "Tương ớt thu hồi từ Nhật về bán giảm giá cho người Việt kìa. Thằng MA này hết thuốc chữa rồi".
Bạn Nguyễn Thắng Lợi, châm thêm : "Bản chất của nó đã là khốn nạn rồi. Mọi người hãy tẩy chay tất cả các sản phẩm của Masan".
"Chin su bắt chủ tịch đi bán mắm", bạn Đỗ Mạnh Tiến viết và bạn có tên Bon Bon bổ sung : "Cái này ghi thêm câu Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân là hợp".
Trong khi đó, người có tên Đặng Dũng viết : "CT HCM đi bán tương ớt ah ?", "Ý Masan muốn nói tượng đài giảm giá ?" bạn Trịnh Xuân Thủy nửa đùa, nửa thật.
"Ôi ! Nó sánh nước pha hóa chất hại dân được gọi là nước mắm với chủ tịch Hồ Chí Minh à ?", bạn Trung Nghĩa Phạm bình luận.
"Lăng bác vẫn khuyến mãi à ? Kể ra thì người đưa ra ý tưởng với mô hình quảng cáo này cũng thâm lắm đấy ! hahaa…", bạn Lê Thiệu thích thú viết.
"Đây rất có thể là ẩn ý của Quang Masan rằng ‘ở trong cái lăng, toàn hóa chất của Tàu’. Hay quá chú Quang ơi. Một nhà âm mưu học như Bác đây phải phục chú sát đất". Facebooker Nguyễn Mệnh Đức kết. (Tr.N)
******************
Đà nẵng truy tìm thanh niên Trung Quốc lấy tiền các chủ cửa hàng (Người Việt, 20/04/2019)
Lực lượng hữu trách quận Hải Châu đang truy tìm một thanh niên người Trung Quốc lừa tiền của các cửa hàng bằng thủ đoạn đổi tiền.
Thanh niên Trung Quốc lừa 11 triệu đồng của chị T. vào sáng 19/04/2019. (Hình : Người Lao Động cắt từ clip)
Theo báo Người Lao Động, khoảng 8 giờ 30 phút sáng 19 Tháng Tư, 2019, chị T., chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở đường Nguyễn Hoàng (phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đang ngồi bán hàng thì có một thanh niên khoảng 30 tuổi, nói tiếng Trung Quốc chạy xe gắn máy đến mua.
Sau khi chọn một thỏi son có giá 40.000 đồng (1,7 USD), ông Trung Quốc này bước đến quầy tính tiền rồi rút ra tờ 500.000 đồng (21.5 USD) và yêu cầu chị T. thối lại.
Chị T. kể, do túi xách trên bàn không đủ tiền thối nên chị rút ra hai tờ tiền có mệnh giá 200.000 đồng (8,6 USD) và nói với khách chờ để lấy thêm tiền lẻ thối lại cho đủ, thế nhưng người này không chịu lấy.
Ông ta liên tục xòe hai bàn tay ra rồi nói một câu tiếng Việt : ‘seri 888’. Lúc này, chị T. quay sang lấy bọc tiền hơn 20 triệu đồng (861 USD) ra thì bị khách giựt về phía mình và xòe toàn bộ bọc tiền ra trước mặt chị.
Thấy vậy, chị T. liền giựt lại bọc tiền mà vị khách Trung Quốc này đang cầm và bỏ lại chỗ cũ. Sau đó, ông ta quay sang lấy thêm một tip sữa rửa mặt rồi tiếp tục rút ra tờ tiền 500.000 đồng và yêu cầu chị T. thối tiền.
Sau khi vị khách Trung Quốc rời khỏi cửa hàng, nghi ngờ có điều gì đó không ổn, chị T. xem lại hình từ hai camera an ninh rồi kiểm tra thì thấy 11 triệu đồng (473 USD) tiền mặt đã bị kẻ gian "làm xiếc" giấu vào túi sau. Ngay sau đó, chị T. trình báo công an.
Trước đó, cũng với cách lừa đảo tương tự, khoảng 9 giờ ngày 18/04, sau khi vào cửa hàng thời trang trên đường Lê Duẩn (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) hỏi mua một cái quần bơi, tay Trung Quốc nói trên lại gần sát quầy thu ngân để thanh toán.
Sau một hồi đứng quan sát, y thò tay lấy cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng từ tủ tiền. Vừa chìa số tiền mới lấy ra trước mặt cô gái bán hàng, người này vừa giả vờ nói chuyện bằng tiếng Hoa, tỏ ý muốn dùng những tờ tiền đó thối lại cho mình.
Chị K.H.P, nhân viên bán hàng giải thích bằng tiếng Anh rằng, số tiền đó nhiều hơn số tiền thối mà ông ta sẽ nhận và lấy lại số tiền. Lúc này, tay khách Trung Quốc chỉ vào màn hình máy tính nhằm đánh lạc hướng chị P., rồi nhanh tay rút trộm một số tờ tiền phía dưới của cọc tiền, trước khi đưa trả lại cho chị P số còn lại.
Nói với báo Tổ Quốc, chị P. cho biết : "Thanh niên này vào mua một quần bơi, nhưng hành động rất kỳ lạ, bước vào là lấy ngay đồ rồi thanh toán tiền chứ không lựa hay thử. Lúc tính tiền, ông ta còn đứng gần sát mình. Nào ngờ, hắn lại lợi dụng sơ hở của mình để ăn cắp tiền". (Tr.N)
******************
Khoảng 40 người Trung Quốc lừa đảo ở Nha Trang bị bắt (Người Việt, 19/04/2019)
Một nhóm khoảng 40 người Trung Quốc thuê nhà ở khu Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, xâm nhập email của doanh nghiệp, cá nhân để trộm thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
"Ổ người Trung Quốc" thuê trọ thường xuyên ở khách sạn Duy Nhất, Hòn Rớ, Nha Trang bị công an bắt giữ tối 19 Tháng Tư, 2019. (Hình : Tuổi Trẻ)
Tối 19/04/2019, một nhóm người Trung Quốc thuê trú thường xuyên tại khách sạn Duy Nhất (ở khu Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang trên đường ra phi trường Cam Ranh thì bị công an bắt giữ.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngay trong đêm, công an khám xét nơi ở của "ổ người Trung Quốc" này tại khách sạn Duy Nhất và thu giữ một số máy móc mà những người bị bắt đã sử dụng để lừa đảo.
Cũng với "chiêu" tương tự, báo Công an nhân dân đưa tin, hồi Tháng 7/2018, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt một nhóm người Trung Quốc về tội "sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Kiểm tra ngôi nhà tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, nơi có một hơn chục người người Trung Quốc "sinh hoạt bất thường, có nhiều biểu hiện nghi vấn", công an thu giữ được nhiều sim, điện thoại di động và 18 laptop, hai máy điện toán, thẻ ngân hàng cùng nhiều thiết bị công nghệ khác.
Khai với công an, nhóm lừa đảo này cho biết sang Việt Nam bằng sổ thông hành du lịch do một "ông trùm" bên Trung Quốc điều khiển, rồi dùng các thiết bị công nghệ cao lôi kéo người bên Trung Quốc "đầu tư chứng khoán". Khi có người tin tưởng tham gia, nhóm này sẽ chuyển toàn bộ số tiền "mua chứng khoán" vào các tài khoản đã lập sẵn và rút tiền tại Trung Quốc. (Tr.N)
Người dân trong nước bày tỏ sự "phẫn nộ", sau khi chính quyền thành phố Đà Nẵng phát hiện có đến 38 du khách Trung Quốc thuê nguyên cả khách sạn, sử dụng 55 máy tính làm việc "chưa rõ mục đích"trên lãnh thổ Việt Nam.
Hôm 25/11, lực lượng chức năng Thành phố Đà Nẵng đã tiến hành điều tra làm rõ mục đích của một nhóm 38 người Trung Quốc, trong đó có 37 người nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực du lịch. Cả 38 người này được cho là đã dùng 55 máy tính làm việc bất hợp pháp tại tầng 7 khách sạn Beach Light tại một khu đất biệt lập, xung quanh cỏ mọc um tùm, hầu như chưa có dân cư sinh sống, theo báo điện tử Infonet.
Ông Hồ Xuân Thịnh, một người dân sống tại thành phố Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông cảm thấy "rất phẫn nộ" trước các hành động "không bình thường" của du khách từ quốc gia láng giềng phương Bắc.
Ông nói thêm :
"Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của thành phố. Nhưng đây không đơn giản là vấn đề an ninh trật tự bình thường mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề lớn hơn, như an ninh quốc gia".
Infonet trích lời ông Nguyễn Đức Quý, quản lý khách sạn Beach Light cho hay, số người Trung Quốc này thuê toàn bộ các phòng của khách sạn để sử dụng, và cho biết thêm rằng công an quận Ngũ Hành Sơn cùng với công an thành phố Đà Nẵng, Cục An Ninh Mạng (Bộ Công An) tiến hành kiểm tra nhưng những người này "tỏ ra không hợp tác trong việc lấy lời khai".
VOA đã liên lạc với ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đồng thời là cựu Trưởng ban Tuyên giáo thành phố, nhưng ông nói ông đang "quá bận"nên không trả lời phỏng vấn.
"Tôi có công việc lỡ dở nên không thể trả lời ngay được", ông Trí nói.
Sáng 25/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn, xác nhận với báo Infonet rằng công an đang phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ mục đích của vụ 38 người Trung Quốc sử dụng 55 máy tính để làm việc tại một khách sạn trên địa bàn quận.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bày tỏ sự "phẫn nộ" trước việc du khách Trung Quốc dùng thị thực du lịch để thực hiện các hoạt động mà bà cho là "phi pháp, mờ ám" tại Việt Nam.
Bà nói :
"Tôi rất phẫn nộ về việc nầy. Tôi là người Việt Nam, sống tại nhà của mình mà còn thường xuyên bị an ninh đến đe dọa, nửa đêm đến kiểm tra hành chính, trong khi đó chính quyền lại không có một biện pháp gì đề phòng, bảo vệ an ninh quốc gia trước việc Trung Quốc luôn tìm cách làm hại Việt Nam. Việc người Trung Quốc hoạt động tại Đà Nẵng không có gì đảm bảo họ đúng là du khách, mà rất có thể gây hại cho an ninh quốc phòng của Việt Nam. Dường như họ không có biện pháp nào để quản lý người Trung Quốc sống trên đất Việt Nam".
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Phạm Viết Đào nhận định về hoạt động "kinh doanh" của "du khách" Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam :
"Đây là việc vi phạm pháp luật Việt Nam, việc này rất nguy hiểm vì họ sang đây làm ăn phi pháp. Có vài người Trung Quốc vào đấy để làm nhiều chuyện khuất tất và gây nhiều hệ lụy xã hội".
Ông Đào nói thêm : "Riêng Đà Nẵng là một thành phố chiến lược, đối diện với quần đảo Hoàng Sa, nếu để cho người Trung Quốc vào đó mua đất và ở thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Do đó việc kiểm soát người Trung Quốc là việc làm rất lớn, cần phải ra báo động, trách nhiệm chính là của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Nếu để trình trạng thế này hệ thống bảo vệ an ninh quốc gia bị tê liệt".
Các nhà hoạt động nói qua vụ này cho thấy việc quản lý người Trung Quốc của chính quyền Việt Nam "quá lỏng lẻo, lơ là".
Bà Nguyễn Thúy Hạnh nói :
"Luật đặc khu của Việt Nam chưa được thông qua nhưng vùng Vũng Áng gần như đã là một đặc khu (của Trung Quốc) rồi. Lao động Trung Quốc nhởn nhơ trên đất Việt Nam, bây giờ đến lượt du khách tự do quá hạn. Việc này vô cùng nguy hiểm. Tôi không hiểu chính quyền quá cả tin vào Trung Quốc hay quá nhu nhược để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên đất nước của chúng tôi. Việc này không thể chấp nhận được".
Đà Nẵng được ghi nhận là nơi mà người Trung Quốc mua đất nhiều nhất, thậm chí còn hình thành cả "phố Trung Quốc".
VOV cho biết trên các tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại thuộc quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn của Thành phố Đà Nẵng có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn trưng biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Những tuyến đường này được cho là "phố Trung Quốc" bởi phần đông hàng quán, khách sạn phục vụ chủ yếu cho du khách Trung Quốc.
Báo điện tử Dân Trí hôm 22/11 tường thuật rằng cử tri thành phố đã yêu cầu chính quyền làm rõ thông tin về việc nhiều người Trung Quốc mua các lô đất ven biển, gần phi trường Nước Mặn, và nhờ người Việt Nam đứng tên để hợp thức hóa.
*****************
Cắm 40 cột mốc biên giới Việt Nam- Campuchia (RFA, 26/11/2018)
Việt Nam và Campuchia vừa cắm 40 cột mốc dọc theo khu vực biên giới được hai phía thống nhất tại tỉnh Ratanakiri và Mondulkiri. Tuy nhiên ở những khu vực còn tranh chấp vẫn phải tiếp tục chờ phân định.
Hình chụp vào tháng 6 năm 2017 tại khu biên giới Campuchia- Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm Thủ tướng Hun Sen bỏ trốn khỏi Phe Khmer Đỏ. AFP
Truyền thông Campuchia loan tin ngày 26 tháng 11 dẫn phát biểu của ông Var Kimhong, Chủ tịch Ủy Ban Biên giới Xứ Chùa Tháp. Theo đó thì cụ thể có 28 cột mốc được cắm tại tỉnh Ratanakiri và 12 cột tại tỉnh Mondulkiri trong vòng 3 tuần lễ qua
Công tác này được thực hiện sau khi hai nước hoàn tất phân định được 84% đường biên giới trên bộ giữa đôi bên.
Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin tại cuộc gặp phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Chính phủ Phnom Penh, ông Prak Sokhom đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam, ông thủ tướng chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị hai phía sớm hoàn tất việc pháp lý hóa ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ giữa hai nước.
Phnom Penh Post dẫn phát biểu của ông Var Kimhong rằng 16% biên giới trên bộ giữa hai nước sẽ được quyết định với sự giúp đỡ từ phía Pháp.
Vào tháng 11 năm 2016, ông thủ tướng Hun Sen đồng ý với người tương nhiệm Việt Nam về việc đề nghị Pháp giúp chuyển những bản đồ tỷ lệ 1/100.000 thành chi tiết hơn theo tỷ lệ 1/50.000.
Phía Pháp hoan nghênh yêu cầu đó nhưng Paris nói rằng trước khi xúc tiến thì Việt Nam và Campuchia cần đạt được thống nhất với nhau.
Chủ tịch Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Campuchia, ông Sok Touch, được mạng báo Khmer Times dẫn lời rằng hai phía còn tranh chấp tại khu vực Dak Dam ở tỉnh Mondulkiri.
Trong khi đó Phnonh Penh Post dẫn phát biểu của ông Var Kimhong nhắc lại ý kiến được đưa ra trên trang Facebook cá nhân của Phó Chủ Tịch Ủy Ban Biên Giới Vương Quốc Campuchia, bà Koy Pisey rằng, một số nhà bình luận như ông Um Sam An khi nói rằng Phnom Penh nhượng hai khu vực Dak Dam và Dak Hout cho phía Hà Nội là không chính xác.
Ông Um Sam An từng là một dân biểu thuộc Đảng Cứu Nguy Dân Tộc. Ông này bị bắt vào tháng 4 năm 2016 với cáo buộc đưa lên trang Facebook cá nhân cáo buộc chính phủ Phnom Penh sử dụng bản đồ biên giới không đúng khi đàm phán với phía Hà Nội.
Vào năm ngoái, ông Um Sam An bị kết án 2 năm rưỡi tù ; tuy nhiên vào tháng 8 vừa qua, ông này được Hoàng Gia Campuchia ân xá. Ông này sang Mỹ định cư sau đó vì bản thân mang hai quốc tịch, Campuchia và Hoa Kỳ.
Đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia được cho biết dài 1270 kilomet.
Người Trung Quốc ở Việt Nam
hay là
Chuyện về những nàng An Thị thời hiện đại
1. Hiện diện trên đất nước Việt Nam hôm nay dĩ nhiên không chỉ có người Trung Quốc. Tuy vậy, phải nói rằng chuyện người Trung Quốc có mặt ở Việt Nam để làm ăn, du lịch hay làm gì khác chưa bao giờ là vấn đề thôi mang tính thời sự, hiểu theo nghĩa nào đó. Đây là đề tài - một sự thật nhiều người biết, nhiều người thấy nhưng để nói ra thì chưa bao giờ là điều dễ dàng, thoải mái.
Không ít người nông dân phá cả ruộng sắn nhà mình đi, hái lá để bán nhưng thương lái Trung Quốc đã không quay lại lấy
Còn nhớ cách đây không lâu, chuyện những thương lái Trung Quốc lặn lội vào tận các vùng thôn xóm hẻo lánh ở Việt Nam để thu mua những mặt hàng "độc và lạ", không ai có thể ngờ tới như : móng trâu, bò, ong bầu, lá điều, cau non, cam non, đuôi chuột, đỉa, ốc bưu vàng… sau đó "lặn" một hơi mất tăm để lại một nỗi buồn vô hạn cho những người dân nghèo nhẹ dạ cả tin. Câu chuyện này sau nhiều lần lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương mới nhận được sự quan tâm của dư luận cùng với đó là những quan điểm nhìn nhận, lý giải khác nhau.
Trong cái nhìn của người làm kinh tế và nhất là đã lặn lội sang tận Trung Quốc tìm hiểu, tác giả Tony trong sách "Cà phê cùng Tony" cho biết, đây đơn giản chỉ là chiêu trò cấu kết, dùng miệng lưỡi cùng thủ đoạn "mua bán lòng vòng" để tìm cách nâng giá của bọn gian thương nhằm lừa gạt những người dân quê nghèo khó và ít học. Bởi lẽ, trên thực tế không có một món hàng nào chúng thu gom của đồng bào ta được chuyển về xứ họ. Bọn gian thương ấy không chỉ lừa gạt những người dân nghèo ở Việt Nam mà ngay cả những người dân nghèo ở Trung Quốc cũng là nạn nhân của chúng.
Cũng có người lý giải sự việc này góc nhìn khác, thậm chí có cả một "thuyết âm mưu" cho rằng, những chiêu trò ấy về lâu dài nhằm phá hoại nền kinh tế nước Việt. Nhìn chung, dù ở góc độ nào thì những cách lý giải đều gặp nhau ở một điểm : nhắc nhớ mỗi người dân Việt hôm nay chớ quên bài học xương máu về sự lơ là, nhẹ dạ cả tin của nàng An Thị Mỵ Châu cách nay mấy ngàn năm. Khi ấy, chỉ vì tình cảm riêng tư với chàng Trọng Thủy mà nàng Mỵ Châu đã vô tình gây nên họa mất nước.
2. Công bằng và khách quan mà nói, không phải chuyện gì liên quan đến người Trung Quốc hôm nay cũng đều tệ hại, xấu xa để chúng ta lên tiếng dè bĩu, nghi kỵ, bài trừ, lên án... (và nếu tự soi lại mình thì không ít người Việt hôm nay chưa chắc đã tốt đẹp hơn họ). Tuy vậy, trong bối cảnh với vô vàn sự phức tạp và nhạy cảm của đất nước hôm nay, một sự thận trọng và tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động để mỗi người Việt không tự biến mình thành những "nàng An Thị" thời hiện đại là vấn đề rất nên được nghiêm túc nhìn nhận. Nhưng, thiển nghĩ để làm được điều ấy, rất cần một sự trao đổi chân thành và thẳng thắn về một vài vấn đề có liên quan. Nói khác đi, nếu nhìn xa hơn, thì đây chính là câu chuyện lớn liên quan đến rất nhiều ban ngành, đoàn thể chính quyền các các cấp trong vấn đề quản lý người nước ngoài nhất là người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, sinh sống và định cư từ nhiều năm qua.
Nói điều trên để thấy rằng, khi những người dân nghèo bị gian thương Trung Quốc lừa gạt đến nỗi "tiền mất tật mang", có người nói cũng tại dân mình tham lam quá, nhưng nếu bình tâm nghĩ lại sẽ thấy dù sao những người dân nghèo ấy vẫn đáng thương hơn là đáng trách. Vì thực ra, người nghèo và ít học thì ở đâu cũng giống nhau ở một vài nét cơ bản nào đó. Thử hỏi trong hoàn cảnh mà cái bao tử lúc nào cũng sôi ùng ục lên vì đói thì làm sao họ có đủ thời gian để suy nghĩ sâu xa hay phân tích cặn kẽ những chiêu trò của bọn gian thương để từ chối những món hời trước mắt ?
Không những vậy, theo lẽ thường, những thương lái Trung Quốc trước khi được tự do đi lại thoải mái đến tận các bản làng, thôn xóm nước Việt để thu mua những thứ "trời ơi đất hỡi" như thế nhất định phải hoàn thành các thủ tục tại các cửa khẩu hải quan. Cho dù có kẻ đã vào nước ta bằng đường "tiểu ngạch" đi nữa thì vẫn có cả một hệ thống chính quyền cùng rất nhiều các hội đoàn lớn nhỏ (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Tổ dân phố, Tổ tự quản…) từ trung ương đến địa phương kia mà.
Thương lái trung Quốc lại tìm mua rễ cây rừng ở xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Và như thế, câu hỏi trước hết phải đặt ra ở đây là tại sao giữa thanh thiên bạch nhật tại một thành phố lớn mà cả một dãy phố 1.500 mét vuông với hàng loạt ngôi nhà kiến trúc kiểu Trung Quốc được dựng lên trái phép trong nhiều tháng ; hay tinh thần trách nhiệm và cảnh giác kiểu gì để một nhóm người khác núp bóng đi du lịch đến thuê cả một doanh nghiệp, thuê luôn ruộng lúa sắp thu hoạch của nông dân để trồng giống "Sen lạ" hay thả nuôi hàng trăm con Tôm hùm đỏ trong một thời gian dài mới bị phát hiện ?
Những người dân nghèo vì ít học và nhất là vì miếng cơm manh áo nên vô tình tự biến mình thành những "nàng An Thị" hiện đại đã đành nhưng những người "có học" và nhất là đang giữ trọng trách trong bộ máy công quyền từ trên xuống dưới thì sao ? Đây là những câu hỏi nhất định phải cần được trả lời trung thực và thỏa đáng từ những người có trách nhiệm trong vấn đề quản lý. Đặc biệt là với không ít trường hợp những người Trung Quốc đến Việt Nam với một tâm thế và hành tung rất đáng ngờ mà dư luận báo chí ít nhiều đã phản ánh trong thời gian qua.
3. Nàng An Thị Mỵ Châu năm xưa chỉ vì nghe theo "tiếng gọi của tình yêu", "tiếng nói của con tim" nên đã bị chàng Trọng Thủy lừa, đánh tráo Nỏ Thần đưa đến họa mất nước. Tuy vậy, ở phương diện nào đó, rất nên biết rằng những chuyện thuộc về "tiếng nói của con tim" trong nhiều trường hợp rất khó để đưa ra một kết luận "đúng-sai", huống hồ đây vốn là âm mưu mà kẻ thù của cha nàng đã rắp tâm sắp đặt từ trước. Nhưng dù thế nào thì nàng An Thị Mỵ Châu cũng đã trả một cái giá rất đắt cho sự nhẹ dạ của mình. Một cái chết không toàn thây bởi chính lưỡi gươm oan nghiệt của vua cha.
Nhưng lẽ nào, suốt mấy ngàn năm qua, mỗi khi nhắc nhớ về bài học mất nước này chúng ta chỉ biết đổ hết lên đầu nàng An Thị Mỵ Châu, trong khi đó người chịu trách nhiệm chính trong chuyện này là Thục Phán An Dương Vương cùng những cận thần của ông lại ít khi "đụng" đến ?
Hình như có gì đó sai sai trong việc diễn giải và tuyên truyền về câu chuyện này từ trước đến nay ? Mối tình của nàng Mỵ Châu xưa kia phải chăng chính là tấm bình phong nhằm che đậy và lấp liếm cho nhưng sai lầm trong "ngoại giao" của Thục Phán An Dương Vương –rộng hơn là những người nắm trong tay vận mệnh quốc gia từ trước đến nay nhưng chưa bao giờ họ có đủ dũng khí để thừa nhận những sai lầm ấy.
Cũng giống như giờ đây, những người dân ít học nghèo khó, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", không bao giờ có cơ hội bàn chuyện quốc gia đại sự, nhưng lạ thay, lại được nhắc đến nhiều nhất về tinh thần cảnh giác.
Ngoài ra, trong cái nhìn của không ít người, cái danh sách về những "thế lực thù địch" của dân tộc Việt Nam hôm nay lại dễ dàng bỏ qua dòng dõi, cháu con của những Triệu Đà, Triệu Trọng Thủy hiện nay ?
Phải chăng vì thế mới có chuyện các dự án lớn nhỏ - những "miếng ngon" nhất trên đất nước này bao giờ họ cũng được ưu ái giành phần trước nhất ? Theo đà ấy, khắp các hang cùng ngỏ hẻm của dãy đất hình chữ S hôm nay chẳng có nơi nào mà họ không đặt chân lên trong tư thế của những kẻ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", cùng với đó là thái dộ ngạo mạn, nghênh ngang và bất chấp ?
4. Nói cho cùng, đã là con người không ai trong đời không một lần vướng vào cái "cạm bẫy ái tình" như nàng An Thị Mỵ Châu năm xưa. Nhưng dù thế nào thì những người vướng vào cái bẫy tình ái như vậy vẫn đáng được cảm thông hơn những kẻ không vượt qua được cái cạm bẫy về tiền bạc, địa vị và danh vọng !
Phải chăng, bài học về sự cảnh giác trước kẻ thù của nàng An Thị ngàn năm trước rất nên được nhìn nhận lại đặc biệt là phải làm sao phù hợp tinh thần và bối cảnh của thời đại hôm nay : những "nàng An Thị" thời hiện đại vì tiền tài, danh vọng và quyền lực của phe nhóm và bản thân mình đã đan tâm bán rẻ dân tộc, quốc gia một cách tinh vi, hèn hạ nhất ?
Cần Thơ, 15/03/2017
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn : viet-studies, 15/03/2017
---------------
Nguồn tham khảo :
- Tony Buổi Sáng - "Chuyện nàng An Thị" (in trong sách "Cà phê cùng Tony"). Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2014.
- "Khu phố" 1.500m2 không phép xây bí mật trong nhà kho ở Đà Nẵng". Xem : http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khu-pho-1-500m2-khong-phep-xay-bi-mat-trong-nha-kho-o-da-nang-3553595.html