World Bank : Già hóa dân số có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại
VOA, 10/10/2021
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây đưa ra nhận định rằng Việt Nam "cần cải cách để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dân số già hóa" tại quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam cần cải cách để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dân số già hóa
Một báo cáo mới công bố của World Bank cho rằng "già hóa dân số có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, làm tăng chi tiêu công và gia tăng áp lực đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công nếu không có các cải cách kịp thời".
Báo cáo có tên gọi "Việt Nam : thích ứng với xã hội già hóa", do Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện và công bố hôm 1/10, cho thấy, so với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số như Việt Nam đang trải qua hiện nay, thì "cả trình độ phát triển kinh tế lẫn thu nhập bình quân của Việt Nam đều thấp hơn".
"Viễn cảnh ‘chưa giàu đã già’ có nghĩa là Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quan trọng mà để giải quyết sẽ không tránh khỏi những lựa chọn chính sách khó khăn", thông cáo của hai tổ chức có đoạn.
"Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng lực lượng lao động dồi dào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ba thập kỷ qua", bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được trích lời nói trong thông báo về bản báo cáo. "Giờ đây, cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất nền kinh tế cũng như bắt đầu tiến hành cải cách lương hưu ngay từ bây giờ để duy trì sinh kế cho người cao tuổi trong những thập kỷ tới".
Theo World Bank, với tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, người cao tuổi dự kiến sẽ chiếm từ 10% - 20% dân số Việt Nam vào năm 2035. Tổ chức tài chính quốc tế này cũng nói thêm rằng tỷ lệ phụ thuộc tuổi già của Việt Nam, được tính bằng số người trên 65 tuổi chia cho số người trong độ tuổi lao động, ước tính sẽ tăng gấp đôi từ 0,11 năm 2019 lên 0,22 năm 2039.
Báo cáo của World Bank và JICA cho thấy tốc độ tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn 2020 – 2050 sẽ chậm lại 0, 9 điểm phần trăm so với 15 năm qua khi Việt Nam chuyển dần sang cơ cấu dân số già.
Ngoài ra, cũng theo báo cáo này, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa cũng được dự báo sẽ tiêu tốn thêm từ 1, 4% đến 4, 6% GDP, và việc mở rộng phạm vi bao phủ và cải thiện chất lượng dịch vụ tất yếu sẽ dẫn đến tăng chi phí tài khóa.
Thông cáo của World Bank trích lời ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, nói rằng "kể từ khi trở thành quốc gia siêu già vào năm 1960, Nhật Bản đã trải qua nhiều hệ lụy khác nhau của quá trình già hóa, đặc biệt là những tác động liên quan đến việc điều chỉnh các chương trình bảo trợ xã hội và thúc đẩy chăm sóc tại cộng đồng".
"Đã có nhiều thành công nhưng cũng không ít kinh nghiệm cay đắng. Chúng tôi hy vọng những bài học chia sẻ này sẽ hữu ích để giúp Việt Nam không chỉ ứng phó được với tình trạng thay đổi nhân khẩu học mà còn thu được lợi ích từ đó", ông Akira nói, theo World Bank.
Báo cáo, vốn được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa JICA và Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam đưa ra các giải pháp chuẩn bị cho một xã hội già hóa, đưa ra khuyến nghị để Việt Nam có thể quản lý tình trạng già hóa dân số một cách hiệu quả, dựa trên bài học kinh nghiệm ở các quốc gia khác đã trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học tương tự, ví dụ như Nhật Bản.
Theo World Bank, các khuyến nghị này bao gồm những cải cách cần thiết để cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động và nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả chi tiêu công và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ. Báo cáo cũng khuyến nghị các hành động chính sách trong bốn lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xu hướng già hóa là thị trường lao động, lương hưu, y tế và chăm sóc người cao tuổi.
Theo tạp chí Bảo hiểm xã hội thuộc cơ quan ngôn luận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết quả Tổng Điều tra Dân số hồi năm 2019 cho thấy, dân số Việt Nam "đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy". Tạp chí này viết rằng Việt Nam có 11, 4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11, 86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35, 9% vào năm 2009 lên 48, 8% vào năm 2019.
*********************
Việt Nam : 31,8 triệu người bị ảnh hưởng thu nhập trong quý 3 vì dịch Covid-19
VOA, 08/10/2021
Có đến 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động thuộc hầu hết các ngành kinh tế trong quý III đều giảm đáng kể so với quý trước và với cùng kỳ năm ngoái, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết trong một báo cáo mới công bố.
Làn sóng công nhân tháo chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh sau khi lệnh phong toả được nới lỏng. Phần lớn trong số họ đã bị thất nghiệp nhiều tháng qua vì thành phố bị phong tỏa.
Theo đó, thu nhập bình quân hàng tháng trong quý 3 của người lao động Việt Nam là 5,2 triệu đồng (229 USD), giảm 847.000 đồng so với quý trước và 573.000 đồng so với năm trước.
Người lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất về thu nhập với thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước và có đến 68,9% lao động bị ảnh hưởng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết trong số 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Sau khu vực dịch vụ, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề tiếp theo những nhân công làm trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng, kế đó là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
Báo cáo cũng cho biết trong quý III, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở độ tuổi 15-24 là 7,24%, cao hơn 0,26 điểm phần trăm so với Quý II, và số lao động thất nghiệp thanh niên hiện đã chiếm tới 32,6% tổng số lao động thất nghiệp cả nước.
Thị trường lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý III vì các biện pháp phong toả, cách ly chống lại đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
Sau khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp phòng dịch trên, hàng triệu nhân công đã tháo chạy khỏi các trung tâm sản xuất lớn, tạo thành làn sóng di cư chưa từng có trong nhiều thập niên qua.
TTXVN dẫn lời bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng việc thu hút lao động trở lại thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay là một thách thức khá lớn đối với doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam.
************************
Phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 thế nào khi giải ngân vốn đầu tư công chậm ?
RFA, 06/10/2021
Chỉ còn hơn ba tháng là hết năm 2021, nhưng Việt Nam chỉ mới giải ngân đầu tư công hơn 47% trên tổng số 500 ngàn tỷ đồng. Số liệu vừa nói được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ hôm 5/10 với các bộ, ngành và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Một cây cầu đang xây dựng ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 10 năm 2021. Nhac Nguyen / AFP
Tại cuộc họp, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính còn cho biết có 36 bộ, cơ quan Trung ương và tám địa phương giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt dưới 40% kế hoạch.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 ngàn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 17/9 đã khẳng định với báo chí Nhà nước rằng ngân sách dự phòng trung ương năm 2021 với 17.500 tỉ đồng đã được chi hết, nhưng nhu cầu chi cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đời sống người dân còn rất lớn. Nếu vốn đầu tư công được bơm vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ, thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và đời sống người dân sẽ bớt khó khăn khi ngân sách cạn tiền hỗ trợ theo lời Bộ Tài chính.
Vì sao vốn đầu tư công lại bị các Bộ ngành địa phương chậm giải ngân như vậy ? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM, nhận định với RFA hôm 6/10 :
"Đầu tư công là một nhân tố rất quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy Thủ tướng đã có quan tâm và đôn đốc việc giải ngân đầu tư công. Vấn đề trong thời gian vừa qua là Việt Nam có Đại hội đảng, sau đó đã có Chính phủ mới, nhiều tỉnh đã có bầu Chủ tịch tỉnh mới... tất cả những thay đổi đó làm cho những người lãnh đạo cần có thời gian để tiếp xúc với dự án, với công trình, với công việc... Và có thể đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư công và giải ngân có chậm hơn mức bình thường và chậm hơn so với yêu cầu. Vì bây giờ đã tháng 10 rồi mà chỉ giải ngân chưa đến 40%, chỉ còn hơn ba tháng nữa mà phải giải ngân đến 60% số vốn theo kế hoạch còn lại, thì đấy rõ ràng là sự chậm trễ".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, phải cố gắng làm sao trong thời gian tới đây đốc thúc giải ngân, nhất là tập trung vào các công trình trọng điểm, để có thể đưa vào sử dụng dự án đầu tư công đó. Ông Doanh hy vọng sau sự đốc thúc của Thủ tướng Chính phủ như vậy, thì đầu tư công sẽ được giải ngân nhanh gọn hơn.
Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định :
"Khi đã được phê duyệt, có vốn vay... nhưng do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó, hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì ‘thấy không hiệu quả nhưng vẫn làm’... Nên nhiều nơi đã chậm giải ngân để xem xét có dừng dự án để trả lại vốn đầu tư công hay không ?"
Những tấm nhựa được thiết lập để giảm thiểu sự tiếp xúc gần tại một khu chợ ẩm ướt trong khu phố cổ của Hà Nội vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, sau khi các hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 được nới lỏng sau hai tháng. Manan Vastyayana / AFP.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9/2021, Bộ này đã nhận được đề xuất của 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương xin trả lại gần 22 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư công trong nước là gần bốn ngàn tỷ đồng và vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài ODA là gần 18 ngàn tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, người có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại nhiều quốc gia cho biết, vốn vay ODA để được giải ngân cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện :
"Các nguồn vốn ODA các nước tài trợ cho Việt Nam bị ràng buộc bời nhiều điều kiện lắm. Trước hết Việt Nam đã vào các nước có thu nhập trung bình nên không còn lợi thế như trước, bây giờ lãi suất tăng lên và điều kiện vay cũng khó khăn hơn. Đặc biệt các gói ODA của các chính phủ ràng buộc với điều kiện phải mua nguyên vật liệu của họ nếu dùng ODA phát triển hạ tầng cơ sở".
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, còn có điều kiện tài chính đối với vốn ODA, Việt Nam phải có vốn đối ứng, tức vốn khởi đầu, rồi sau đó các chính phủ mới tài trợ. Vì vậy nếu chưa thỏa các điều kiện thì chưa thể nhận vốn. Ngoài ra, ông còn cho biết điều kiện quan trọng nhất thường vướng mắc ở Việt Nam là việc thỏa thuận giá đền bù cho dân khi giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án :
"Khi thực hiện chương trình hạ tầng cơ sở mà dùng vốn ODA, chưa phải có tiền là làm ngay, mà còn phải giải tỏa mặt bằng và bồi thường cho người dân. Nhưng nhiều khi, giữa chính phủ và người dân ở đó chưa đi đến thỏa thuận về giá cả mà người dân được bồi thường, chính vì thế cũng chưa thể thực hiện dự án. Tóm lại với nhiều điều kiện như thế, không phải cứ có tiền là sử dụng được ngay. Và do đó, nhiều cơ quan bộ ngành đã trả lại số tiền đó".
Liên quan vấn đề giải tỏa mặt bằng và bồi thường cho người dân gặp trở ngại, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là do có sự trùng lắp, chồng chéo trong quy định luật pháp về đầu tư và đầu tư công. Ông đưa ra giải thích :
"Ví dụ như muốn thực hiện đầu tư công thì vấn đề là phải có quỹ đất đai, quỹ đất đai thì phải có đền bù... Mà đền bù thì giá của nhà nước quy định so với giá thị trường có một khoảng cách khá xa. Vì vậy cho nên cần phải có các quyết định thích hợp để giải quyết những vấn đề chồng chéo, những cái chưa ăn khớp... Đấy là những điều thực tế cứ diễn ra và đòi hỏi những người quyết định thích hợp. Thì sắp tới đây cũng mong Quốc hội sẽ có các quyết định thích hợp để giải quyết các vướng mắc này và tạo điều kiện để cho đầu tư công được thực hiện một cách suôn sẻ hơn".
Trong khi Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định ngân sách dự phòng trung ương năm 2021 đã được chi hết, thì ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB khi trả lời báo chí Nhà nước hôm 28/9 cho rằng, Việt Nam đang lo bảo toàn ngân sách nhiều hơn là đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn. Trong khi theo ADB, ngân sách Việt Nam vẫn thặng dư, trần nợ công của Việt Nam sau đánh giá chỉ ở mức 44% GDP - thấp nhất trong khu vực.
Tổng Cục thống kê Việt Nam dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ ở mức 2,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 6,5%. Nguyên nhân vì các chính sách chống Covid-19 cứng rắn đã tác động đến hầu hết mọi ‘ngóc ngách’ của nền kinh tế nước này.
********************
RFA, 08/10/2021
Phố chuyển "màu"…
Phố Tây Bùi Viện, một địa điểm quen thuộc với không chỉ du khách nước ngoài mà còn cả những người trẻ Việt Nam. Con phố nằm ngay giữa trung tâm thành phố, được mệnh danh "ph ố không ngủ" tràn ngập biển hiệu của các công ty lữ hành, quán bar, nhà hàng, quán nhậu, đồ ăn vỉa hè… trước dịch luôn chật kín người khi đêm đến.
RFA
Tuy nhiên, sau bốn tháng giãn cách xã hội, giờ nhiều người không còn nhận ra khu Phố Tây Bùi Viện sầm uất ngày nào, vì giờ đây khu phố đã thay đổi diện mạo hoàn toàn. Những bảng hiệu đèn màu nay được thay bằng những biển hiệu tạm rao bán các loại rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống…
Trao đổi với phóng viên RFA, một ông chủ quán ăn chia sẻ về sự thay đổi này :
"Thời điểm trước thì kinh doanh cho thuê xe máy, sau này dịch bệnh ở nước ngoài, nước ngoài không qua nữa mới chuyển qua mua bán quán ăn, quán nhậu, vừa bán xong thì bị dịch ngưng suốt mới vừa giãn cách bày ra bán trang trải qua ngày chứ chưa biết lời lỗ bao nhiêu. Giờ trước mắt kiếm vừa có ăn cho con, vừa có ăn cho gia đình, vừa có đồ sinh hoạt.
Nói chung khó khăn cái gì thì mình chuyển theo cái đấy, cuộc sống mà, đi theo thời điểm, đi theo môi trường, cứ nhắm làm được gì cứ làm trang trải cuộc sống, còn đối với làm (trong) tình trạng dịch Covid-19 thế này không thể nào đủ tiền đóng tiền mặt bằng, không đủ tiền ăn lấy gì đóng tiền mặt bằng".
Theo quan sát của chúng tôi, tại đây khá nhiều nhà hàng, quán ăn từ lớn đến nhỏ đều đang thay đổi "hình th ức kinh doanh" mà theo như họ chia sẻ là thay đổi để kiếm ăn, trả tiền hỗ trợ nhân viên. Nói với chúng tôi về công việc "trái tay" để thích nghi với thời dịch Covid-19, một quản lý tại nhà hàng trên phố Bùi Viện cho biết :
"Tình hình dịch bệnh thế này thì quán bar, nhà hàng phải đóng cửa hết. Ông chủ bây giờ mới thay sang nghề này được hai tháng nhưng tôi nghĩ khi nào dịch bệnh hết thì ông chủ sẽ quay về ngành quán bar, nhà hàng. Còn bây giờ cứ tạm thời được đến đâu hay đến đấy".
Cũng theo người quản lý này thì việc chị phải duy trì công việc theo sự thay đổi của ông chủ cũng là vì mong muốn sau dịch sẽ lại được tiếp tục công việc nhà hàng của mình, còn bây giờ chỉ là để kiếm thêm thu nhập. Chị nói tiếp :
"Cũng duy trì được cho nhân viên, để ông chủ trả được phần nào đấy cho nhân viên làm chứ người ta đi làm người ta phải có lương mà giờ ông chủ mà đóng cửa hoài thế này lấy tiền đâu mà trả cho nhân viên ? Bắt buộc ông chủ xoay sang cái này gọi là chắc trả tiền lương cho nhân viên chứ để gánh được nơi này tiền nhà hơi khó, bán rau làm gì có tiền trả tiền nhà ?"
Vì không muốn cho nhân viên nghỉ việc do nhà hàng, quán bar không thể hoạt động được trong mùa dịch nên nhiều chủ quán bar vẫn nuôi đội ngũ nhân viên trụ cột của mình. Tuy vậy, trải qua hơn bốn tháng không kinh doanh, giờ Thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều chủ nhà hàng, quán bar cho nhân viên tự đứng bán rau, củ kiếm sống.
"Quán nhậu mà bà chủ thấy nuôi không nổi nữa giờ cho nhân viên bán kiếm tiền ăn, bán rồi xúm nhau chia nhau ăn.
Sau mấy tháng nằm chèo queo, đói, mấy này làm có tiền ăn, người được mấy chục cũng đỡ chứ ai cho".
"Nhà hàng, quán bar mà giờ ông chủ bà chủ chuyển qua bán rau tạm thời, khi nào quán bar hoạt động trở lại thì thôi. Giờ cầm chừng lo cho gia đình.
Giờ do khó khăn quá thì bắt buộc phải chuyển ngành, chuyển nghề chứ biết sao giờ. Giờ bán rau, củ, quả, hàng tươi sống của Đà Lạt gửi xuống.
Nói chung là cũng có tiền trang trải cuộc sống, lo cơm nước hàng ngày cho gia đình".
Nhà hàng, quán bar đổi thành tiệm bán rau, củ. RFA
Đây không chỉ là tình trạng riêng của người tự đứng ra kinh doanh, mà ngay cả những người lao động tại khu phố Tây trước đây cũng phải tự đứng lên tìm một hướng đi khác để kiếm kế mưu sinh :
"Giờ tôi bán ở Bùi Viện này từ hồi đầu dịch tới giờ, nhà hàng đóng cửa hết nên tôi phải đi mưu sinh.
Trước đây tôi làm bên phục vụ nhà hàng, có dịch tôi không trở về làm nữa mới được mớ tiền đem ra bán dưa hấu, bán trái cây lây lất tới giờ.
Tôi không được hỗ trợ, không nhận tiền trợ cấp, không ai cho gì hết, mình xoay sở, tự sống thôi.
Nói chung giờ mình bươn chải cuộc sống mình, tới đâu hay tới đó, đủ ăn thôi, chờ tới khi nào mở cửa lại thì mình đi làm chuyện khác lại".
Đợt dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam kể từ cuối tháng 4/2021 đã khiến nền kinh tế cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước hình chữ S nói riêng phải chịu những tổn thất nặng nề.
Trong đó, ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế trọng điểm đem lại nguồn thu lớn đã bị ảnh hưởng mạnh do chính phủ Hà Nội phải đóng cửa biên giới để hạn chế sự lây lan SARS-CoV-2.
Không còn khách nước ngoài lưu trú hay tụ họp mỗi khi đêm đến, phố Tây Bùi Viện nay đã chuyển mình hoàn toàn trong điều kiện ‘bình thường mới’. Lẽ dĩ nhiên, những người kinh doanh tại đây cũng phải thay đổi mỗi ngày cho phù hợp với môi trường mới này, nhưng dường như tương lai phía trước vẫn quá mông lung với họ :
"Cuộc sống bây giờ, sau này không biết thế nào, không biết có bán cái này hay bán quán này, cứ đảo lộn lung tung, thật sự không biết đi hướng nào".
Tuy vậy, dù Phố Bùi Viện có thay đổi từ khu phố đi bộ sầm uất thành khu buôn bán thực phẩm, đâu đó vẫn luôn có người ủng hộ những người kinh doanh tại đây :
"Tôi ở gần đây nên đến mua ủng hộ mọi người, với lại bây giờ đâu đi siêu thị các thứ được nên đến đây cho nhanh, tiện".
"Thấy gần ở đây nên tôi đến mua ủng hộ. Tình hình bây giờ ai cũng khó khăn nhưng phải cố gắng vượt qua".
Được biết, Cục hàng không Việt Nam vừa đề nghị chính quyền các địa phương lên kế hoạch mở lại đường bay nội địa kể từ 10/10/2021. Khoảng 16 địa phương trong số 21 tỉnh/thành có sân bay đã đồng ý với đề nghị trên.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, Bộ VH-TT&DL cũng đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trước thông tin này, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng Khu phố Ba Lô-Phố Tây Bùi Viện sẽ lại sớm sáng đèn, sầm uất như xưa…
Việt Nam hụt mục tiêu xuất khẩu hàng may mặc, đối mặt với tình trạng thiếu lao động
RFA, 06/10/2021
Việt Nam sẽ không đạt mục tiêu xuất khẩu hàng may mặc trong năm nay, giảm 5 tỷ đô la trong tình huống xấu nhất.
Công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại nhà máy may mặc Maxport ở Hà Nội ngày 21 tháng 9 năm 2021. AFP PHOTO
Reuters hôm 5/10 dẫn tin từ chính phủ Việt Nam cho biết nguyên nhân tình trạng vừa nêu là do tác động của các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 và tình trạng thiếu lao động.
Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may năm 2021 của Việt Nam có thể chỉ đạt 34 tỷ USD so với mục tiêu 39 tỷ USD. Đồng thời sẽ thiếu hụt từ 35% đến 37% công nhân vào cuối năm nay.
Việt Nam là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới, cung cấp cho các thương hiệu như Zara, Ralph Lauren, The North Face, Lacoste và Nike, cùng nhiều thương hiệu khác.
Hiện Việt Nam có hơn 6.000 nhà máy dệt may, sử dụng khoảng ba triệu lao động.
"Ba tháng cuối năm nay sẽ là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam"... Chính phủ Hà Nội trong một tuyên bố mới đây cho biết, ngành công nghiệp này có thể đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng khi khách hàng chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác và tình trạng thiếu hụt lao động.
Hai hãng Nike và Adidas đã tạm dừng hoạt động tại Việt Nam vào đầu năm nay. Trong khi hãng Lululemon đang chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 2,35 tỷ USD trong tháng 9, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù xuất khẩu trong chín tháng đầu năm tăng 5,8%, lên 23,5 tỷ USD.
Với tỷ lệ bao phủ vắc-xin hiện tại, các chủ nhà máy dự kiến sẽ hoạt động trở lại hoàn toàn trong điều kiện ‘bình thường mới’ từ nửa cuối năm 2022. Hiện dưới 12% trong số 98 triệu dân Việt Nam được tiêm vắc-xin Covid-19, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực.
*********************
Các nhà sản xuất chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc trong mùa dịch
RFA, 05/10/2021
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc trong bối cảnh nhiều hãng xưởng trong nước bị đóng cửa vì dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều hãng xưởng trong nước bị đóng cửa vì dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Saigon Times đưa tin hôm 3 tháng 10, dẫn nguồn từ CNBC. Điển hình như điện thoại thông minh Pixel 6 của Google và tai nghe Airpods mới nhất của Apple đã được chuyển qua Trung Quốc để sản xuất thay vì Việt Nam.
Các sản phẩm chuông thông minh, camera giám sát và loa củaAmazon được sản xuất ở miền Bắc Việt Nam đã bị chậm trễ giao hàng từ tháng năm, khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại nước này.
Lakeland Industries, công ty may mặc quần áo bảo hộ hôm 9 tháng 9 cho biết gần đây đã thuê một số giám đốc điều hành để chuyển sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vài tuần trước mắt.
Saigon Times ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã mất nhiều công sức để chuyển đơn hàng sang Việt Nam, bao gồm việc tuyển dụng lực lượng lao động, thay đổi thiết bị và triển khai các chiến lược vận tải mới để khắc phục nguồn cung ứng bị gián đoạn tại Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch. Bất chấpthuế quan Hoa Kỳ áp đặt trên các sản phẩm từ Trung Quốc, đối với các doanh nghiệp này, việc quay trở lại Trung Quốc là lựa chọn ít rủi ro nhất để đảm bảo nguồn cung ứng trước mùa mua sắm cuối năm.
**********************
Tài xế ô tô công nghệ : Chống dịch và chống nợ ?
RFA, 04/10/2021
Mười mấy anh em bán hơn phân nửa tại vì Grab lên chiết khấu, khách ít, giá xăng lên nên chạy không có ăn, anh em quyết định bán, nghỉ làm chuyện khác. Mỗi tháng đóng ngân hàng gồng sao nổi ? Chi phí xe này nọ góp mỗi tháng cả chục triệu.
Tài xế ô tô công nghệ : Chống dịch và chống nợ ? Ảnh minh họa. RFA
Một số anh em chịu không nổi bán xe hết rồi, mình cũng đang kêu lái bán, không chạy gì được. Mượn tiền bên vợ, bên mình, mượn tùm lum mà gồng không nổi chắc cũng bán, nghĩ sao giờ ?"
"Bản thân tôi nhà có con nhỏ, tha phương cầu thực, ở thuê ở mướn, ngừng hoạt động từ 18/5 mà đến nay hơn bốn tháng trời tôi phải gồng gánh 13 triệu trong khi đó tiền ăn tiền uống, nhà cửa, con cái, nói chung rất khổ sở.
Tôi nằm trong cái khó nên chắc có lẽ tôi ‘bung’. Thật sự không chịu nổi vì tình hình này khi xả phong tỏa toàn quốc đi nữa tôi cho rằng khoảng hai tháng sau nghề dịch vụ mới sống lại được, mình không biết kéo dài bao lâu".
Vừa rồi là chia sẻ của tài xế xe ô tô công nghệ của hãng Grab tại Thành phố Hồ Chí Minh với chúng tôi về tình hình khó khăn mà họ đang phải đối mặt sau khi thành phố lớn nhất phía nam liên tục giãn cách trong suốt bốn tháng qua để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát lần thứ tư.
Nhiều tài xế cho hay họ ở trong tình cảnh mua trả góp xe ô tô để gia nhập hãng xe công nghệ nhưng khi dịch bùng phát, họ không có thu nhập, nên vừa lo cho đời sống vật chất hằng ngày, vừa lo trả nợ cho ngân hàng vì ngân hàng không có chính sách giãn nợ.
"Một chiếc xe đâu rẻ, nếu người nào mua chiếc Ford Runner 1,1-1,2 tỷ làm dịch vụ hay Grab mua chiếc Ford Runner luôn thì giá góp tùy theo 5-7 năm. Nếu 5 năm trả một tháng 17-18 triệu, năm đầu tiên đóng tiền lãi có 0,85% nhưng sau nhảy lên một chấm mấy.
Nhóm tôi chạy dịch vụ bên Hóc Môn giờ đang bị nợ xấu hai tháng mấy chưa đóng, bây giờ trong khu cách ly nữa, nhà giăng dây, bị giãn cách, giờ nhiễm bệnh nữa sao chạy ?
Câu lạc bộ Grab, bất cứ ai cũng vậy, giờ người ta than trời hết trơn, nói chung người ta buông hết rồi. Sài Gòn giờ 100% chạy ô tô ngoài đường là gia đình 100 người chứ có 1, 2 người đi là cao. Ô tô đâu phải số tiền nhỏ, toàn đi chạy Grab mà không nghe ngân hàng nói giãn nợ.
Ngân hàng của nhà nước mà nhà nước im ru sao ngân hàng dám ho. Ngân hàng tư nhân thì lãi suất cao hơn ngân hàng nhà nước. Tùy theo có người nào quen biết bên ngân hàng giãn nợ cho, còn không đóng một tháng thì cảnh báo, ba tháng thì thu hồi xe".
Nhiều ngân hàng lấy lý do tài xế vay tiêu dùng nên khó giảm lãi cho người vay vì sử dụng không đúng mục đích.
Sở dĩ lý do nhiều tài xế chấp nhận vay tiêu dùng khi vay mua xe được nói do nợ có rủi ro cao vì thu nhập tài xế không ổn định nên nhiều ngân hàng chỉ đồng ý cho vay dưới dạng cho vay tiêu dùng, tức người vay có thêm nguồn trả nợ khác từ lương.
Vì vậy, ngân hàng từ chối giảm lãi hay cơ cấu cho người vay vì hợp đồng vay tiêu dùng nhưng lại sử dụng không đúng mục đích.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế cho hay phía ngân hàng không tự áp dụng hỗ trợ giãn nợ hay cơ cấu nợ mà tài xế phải tự liên lạc tìm hiểu :
"Hồi đầu ngân hàng không có thông báo gì, bắt đầu anh em mới tự nói chuyện với nhau, nói là phải tự chủ động liên hệ chứ phía ngân hàng không chủ động thông báo cho mình.
Phía tôi có vay VIB thì em có liên hệ với các anh chị nhân viên bên đó người ta có hỗ trợ giãn nợ nhưng theo tính cách dồn".
Người tài xế này nói rõ hơn về cách tính mà ngân hàng áp dụng :
"Tháng 9 tới tôi không đóng, tháng 9, 10, 11, 12 là họ sẽ hỗ trợ bốn tháng này, bắt đầu tháng 1 tôi đóng trở lại, nhưng thay vì mình đóng 1 thì mình đóng thành 1.5, họ giãn ra nhưng họ cộng dồn chứ họ không dời luôn cho mình. Thay vì cuối hợp đồng của mình giả sử là tháng 3/2025 họ dời thành tháng 9/2025 thì sẽ đơn giản hơn. Mặc dù họ dời cho mình thời điểm này nhưng họ là dồn cho mình một cái khó khác rất khó xử".
Cùng hoàn cảnh tương tự, một tài xế khác cũng cho rằng việc giãn nợ mà các ngân hàng đang thực hiện với hợp đồng mua trả góp của cánh tài xế Grab hoàn toàn không đem lại tác dụng :
"Giờ ai cũng bị tình trạng đó. Ngân hàng kêu mình không đóng lãi, không đóng tiền gốc trong vòng 4-6 tháng, sau đó chia ra 8 tháng hoặc 12 tháng rồi mới đóng tiền lãi, tiền gốc luôn, đóng tiền cũ dồn lại hai cái đóng không nổi. Ví dụ mình đóng 5 triệu, qua tháng đó đóng 10 triệu sao nổi ? 5 triệu là tiền gốc, rồi tiền lời nữa, nó bắt mình đóng hai lần sao đóng nổi ?"
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, nói với truyền thông chính thống rằng vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 14, theo đó các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Người vay nếu thuộc diện theo quy định của thông tư này có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Nếu bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, trong thực tế, mọi việc vẫn phụ thuộc vào quyết định của các ngân hàng do thông tư 14 được nói chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay.
Không chỉ từ phía ngân hàng mà ngay chủ lao động là Grab cũng được nói là không hỗ trợ gì cho chính những người hợp tác với công ty, như chia sẻ của một tài xế :
"Phải chi bên Grab có chương trình hỗ trợ cho tài xế, ngân hàng giảm thì anh em còn gắn bó nổi, kiểu này anh em đâu chịu nổi.
Bên Grab liên hệ không được, không giải quyết được gì. Mình mua ăn đấm ăn xôi là mình chịu chứ nó không có trách nhiệm gì. Mua chiếc Vios đời 2019 chạy được 3, 4 tháng là bị dịch tới giờ ảnh hưởng, chưa chạy được bao nhiêu là dịch dập tới. Dịch nhấp nhá nhấp nhử hoài chạy không được, khách đâu đi nhiều".
Đại diện Grab khi trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ vào giữa tháng 9 về vấn đề tài xế phải ‘treo xe’ do không được ngân hàng giảm lãi và cơ cấu nợ đã cho hay :"Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, từ tháng 4/2020, Grab đã đề xuất một số ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất cho đối tác GrabCar. Rất mong Thành phố sớm khống chế được dịch, mở lại các hoạt động kinh tế, trong đó có các dịch vụ như GrabCar, GrabBike theo lộ trình đảm bảo an toàn".
Một tài xế cho hay nghề chạy xe chở khách công nghệ hoàn toàn không phải dễ dàng vì Grab có những chính sách không công bằng giữa các tài xế. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập nhưng dường như đã đến lúc họ cần phải xem xét lại về nghề nghiệp này vì so với những gì bỏ ra, thành quả thu lại không đủ bù đắp cho họ, đặc biệt trong thời gian dịch dã như hiện nay :
"Tôi chạy Grab được chắc khoảng tám tháng nhưng có khi tôi ăn trên xe, hộp cơm phải ngưng ăn hai, ba lần, hoặc mới ngưng kêu tô hủ tíu thì phải bỏ tô hủ tíu vì khi khách người ta vừa đặt, nếu mình không nhận cuốc để chạy thì khi khách đặt lại mình khó nhận được cuốc. Thành ra tài xế chỉ chưa đi toilet trên xe thôi chứ rất khổ !"