Thời nay thật khó kiếm một lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc cùng bắt tay hợp tác. Tại thời điểm bài viết này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến đi tới Trung Quốc, một phần để gây sức ép nhằm thuyết phục Bắc Kinh ngừng bán các vật liệu có thể dùng để sản xuất vũ khí cho Nga. Ở phía còn lại, Trung Quốc chỉ cần nở một nụ cười lịch sự thôi đã là tốt lắm rồi. Trong bối cảnh đó, thật đáng chú ý khi gần đây hai nước đã quyết định tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong một lĩnh vực khác : chống rửa tiền. Tháng 4 vừa qua hai bên đã mở một diễn đàn song phương để thảo luận về vấn đề này. Không như ở Nga, đây là một vấn đề lớn đối với cả hai nước.
Hình minh họa : Ben Jones
Nạn rửa tiền có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt vì các mạng lưới ngầm từ Trung Quốc với công nghệ mới có thể rửa sạch tiền bẩn chỉ trong vài phút. Những "ngân hàng" mờ ám này đang đóng vai trò nhà băng cho các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Để trấn áp chúng, Mỹ-Trung cần phải đàm phán với nhau. Giữa một không khí chính trị chật chội, các cuộc thảo luận về nạn rửa tiền đã bị đóng băng suốt nhiều năm qua. Gần đây, một quan chức của bộ tài chính Mỹ cho biết việc nối lại hoạt động này đánh dấu "thay đổi lớn, một bước chuyển biến tích cực lớn".
Ở Mỹ nạn rửa tiền là một vấn đề nghiêm trọng. Trong 12 tháng tính đến tháng 11 năm 2023, hơn 105.000 người Mỹ đã thiệt mạng do sử dụng ma túy quá liều, chủ yếu do fentanyl và các loại thuốc phiện tổng hợp khác được nhập lậu vào nước này từ Mexico. Các ngân hàng ngầm từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chơi bằng cách cung cấp một giải pháp cho phép các cartel ma tuý Mexico rửa tiền nhanh chóng và với chi phí thấp.
Trong một bài báo xuất bản năm 2021 trên Tạp chí Tình báo Hoa Kỳ, Virginia Kent đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Robert Gay thuộc Đại học Tình báo Quốc gia ở Maryland đã viết về một "cuộc đảo chính không đổ máu" của các tổ chức xử lý tiền của Trung Quốc, lưu ý rằng trong những năm gần đây, họ đã đã thay thế các ngân hàng ngầm đến từ Mexico. Các tác giả gọi những nhà khai thác Trung Quốc này là "kẻ thù rửa tiền mới và thách thức hơn".
Chính phủ Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Trong "Đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia" năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các thực thể tài chính bất hợp pháp từ Trung Quốc, nói rằng những kẻ buôn ma túy đang ngày càng sử dụng kênh này nhiều hơn trong hoạt động rửa tiền. Báo cáo mới nhất của bộ, được công bố vào tháng 2, cho biết các tổ chức Trung Quốc kể từ đó đã trở nên "phổ biến hơn" và hiện nằm trong số "các tác nhân chính" của nạn rửa tiền trên toàn cầu. Các quan chức Mỹ hy vọng rằng diễn đàn chống rửa tiền mới, cùng với một diễn đàn khác do Mỹ và Trung Quốc thành lập trong năm nay nhằm giải quyết nạn buôn bán ma túy, sẽ giúp chống lại chúng.
Các cơ quan chức năng khác cũng đã vào cuộc. Năm 2019, Europol, cơ quan cảnh sát của EU, cho biết hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm châu Á, đặc biệt là các nhóm Trung Quốc, tạo ra "mối đe dọa ngày càng tăng đối với châu Âu". Họ nói các băng đảng Trung Quốc "cực kỳ linh hoạt" và đang xử lý "lượng tiền đáng kể" từ nhiều hoạt động tội phạm khác nhau. Hồi tháng 1, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã báo cáo về một "cuộc cách mạng" đang diễn ra trong "kiến trúc ngân hàng ngầm" ở Đông Nam Á, liên quan đến mọi thứ từ sòng bạc đến tiền điện tử. Các chi tiết mà báo cáo cung cấp cho thấy các băng đảng Trung Quốc đang đi đầu.
Trung Quốc cũng có lý do để lo lắng. Họ không muốn các ngân hàng ngầm này tạo điều kiện cho hành vi lách luật kiểm soát ngoại hối nghiêm ngặt (tháo vốn, thậm chí bằng các phương tiện hợp pháp, là một vấn đề đau đầu dai dẳng của Trung Quốc). Người Trung Quốc đại lục không được phép gửi hơn 50.000 USD mỗi năm ra nước ngoài. Và đối với nhiều người Trung Quốc giàu có, quy định này thật gò bó.
Người Trung Quốc thường tìm đến các tổ chức tài chính bất hợp pháp không phải để rửa tiền, mà để chuyển một phần tài sản của họ ra nước ngoài. Nhu cầu này sẽ còn tăng lên khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái. Một số người trong số này là tội phạm, bao gồm cả những quan chức tham nhũng muốn che giấu tiền của của mình khỏi công an Trung Quốc. Họ có lý do để lo lắng : nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang tiến hành một cuộc chiến chống tham nhũng. Hồi năm 2022, văn phòng viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết các nỗ lực chống rửa tiền là một phần của "chiến lược quốc gia quan trọng nhằm duy trì an ninh chính trị và tài chính của đất nước". Theo truyền thông nhà nước, Trung Quốc đang soạn thảo những thay đổi lớn nhất đối với luật chống rửa tiền kể từ khi luật này có hiệu lực vào năm 2007.
Có một số yếu tố đang làm cho vấn đề trở nên khó giải quyết. Đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng phi chính thức đã tồn tại hàng thế kỷ dựa trên cái thường được gọi là hệ thống phi tiền (tiền bay). Nguồn gốc của nó không liên quan gì đến tội phạm. Nó bắt đầu như một phương thức thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt đi đường dài. Giống như hệ thống hawala phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, phi tiền phụ thuộc vào niềm tin : một khoản tiền trao đổi giữa hai bên ở một địa điểm sẽ được khớp với một giao dịch tương đương ở một địa điểm khác.
Ở Trung Quốc, phi tiền vẫn được sử dụng phổ biến như một cách để giao dịch quốc tế một cách nhanh chóng mà không cần sự can thiệp của ngân hàng. Người lao động Trung Quốc ở nước ngoài thường sử dụng những phương pháp như vậy để gửi tiền về nước. Việc gần như mọi người Trung Quốc đều dùng WeChat, một ứng dụng nhắn tin thường được liên kết với tài khoản ngân hàng, đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống phi tiền.
Đại dịch opioid ở Mỹ khiến nó phát triển hơn nữa. Một phần trong số hàng tỷ đô la tiền mặt do nhu cầu ma túy tạo ra sẽ được chuyển lậu trở lại các băng đảng ở Mexico, với rủi ro đáng kể. Theo bà Kent và ông Gay, một số được giao cho những kẻ rửa tiền ở Mexico với hoa hồng cao : thường từ 8% đến 12%. Các tổ chức rửa tiền của Trung Quốc cung cấp một lựa chọn rẻ hơn nhiều, thậm chí gần như miễn phí.
Điều này được thực hiện nhờ hệ thống phi tiền và nhu cầu đô la cao của người Trung Quốc. Những kẻ rửa tiền Trung Quốc nhận tiền có nguồn gốc từ ma túy và dùng nó để mua nhân dân tệ với lợi nhuận cao : phi tiền cho phép người mua ở Mỹ gửi số tiền tương đương bằng nhân dân tệ từ tài khoản ngân hàng của họ ở Trung Quốc đến một hoặc nhiều tài khoản ở Trung Quốc do những kẻ rửa tiền kiểm soát. Vì không đi ra khỏi biên giới hai nước, loại hình hoán đổi này cực kỳ khó bị các nhà điều tra Mỹ phát hiện. Các khoản tiền này thường được chia thành số tiền nhỏ hơn nên cũng không thu hút sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc sau đó sẽ được dùng để mua hàng hóa và gửi đến Mexico để bán lấy peso giao cho các cartel ma tuý. Môi giới Trung Quốc sắp xếp việc giao peso gần như ngay lập tức sau khi nhận được đô la bẩn. Laurence Howland, cựu điều tra viên của cơ quan thuế nước Anh, cho biết : "Họ làm việc rất, rất hiệu quả".
Những kẻ buôn lậu ở châu Âu cũng đang theo đuổi ý tưởng này. Hồi tháng 10, cảnh sát Ý đã bắt giữ 33 người vì cáo buộc liên quan đến việc rửa hơn 50 triệu euro (53 triệu USD) cho những kẻ buôn bán ma túy. Trong số những người bị bắt giữ có 7 công dân Trung Quốc. Một sĩ quan người Ý phụ trách hoạt động này nói với hãng tin Reuters rằng số tiền mà những kẻ bị cáo buộc rửa tiền xử lý có lẽ lớn hơn nhiều so với số tiền mà cảnh sát bắt được. Cũng trong tháng đó, cảnh sát Ý và Tây Ban Nha đã bắt giữ 78 người vì cáo buộc tham gia vào mạng lưới buôn bán cần sa. Europol cho biết tổ chức này có sự tham gia của các cá nhân thuộc nhiều quốc tịch, bao gồm cả người Albania và người Morocco. Việc thanh toán cho các chuyến hàng ma túy là do các môi giới Trung Quốc phụ trách.
Theo UNODC, các chính phủ ở Đông Nam Á đang đối mặt với "những thách thức chưa từng có" từ tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Một ví dụ tiêu biểu là Singapore, đất nước đã bị rung chuyển trong những tháng gần đây bởi vụ bê bối rửa tiền lớn nhất trong lịch sử. Nó liên quan đến việc thu giữ hoặc phong tỏa hơn 2 tỷ USD được giữ trong tài khoản ngân hàng hoặc dưới dạng tài sản như hàng hoá xa xỉ, ô tô, và vàng. Trong tháng này, một tòa án ở Singapore đã kết án hai trong số mười công dân Trung Quốc (một vài trong số họ còn có hộ chiếu khác) bị bắt vì liên quan đến vụ án. Cặp đôi này bị tuyên án 13 tháng và 14 tháng tù. Một người thậm chí bị tịch thu hơn 120 triệu USD.
UNODC cho biết tội phạm có tổ chức trong khu vực đã phát triển mạnh nhờ sản xuất ma túy tổng hợp ở "mức kỷ lục" ở "Tam giác vàng" trên lãnh thổ ba nước Lào, Myanmar, và Thái Lan. Chúng được phục vụ bởi các mạng lưới ngân hàng ngầm đang phát triển nhanh chóng, sử dụng sòng bạc, nền tảng cá cược trực tuyến, và tiền điện tử để rửa tiền cho những kẻ buôn lậu. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn công dân tiếp cận tất cả những thứ này (ví dụ như cảnh báo rằng đến thăm các sòng bạc ở nước ngoài có thể bị cảnh sát Trung Quốc coi là phạm tội) vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề. UNODC cho biết : "Việc thiết lập một hoạt động casino trực tuyến chưa bao giờ dễ dàng hơn với chuyên môn kỹ thuật và vốn đầu tư hạn chế, bất kể luật cờ bạc quy định ra sao trong một khu vực pháp lý nào".
Việc kết nối với các nhà môi giới Trung Quốc cũng rất dễ dàng. Các dịch vụ của họ tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và WeChat. Các chủ ngân hàng ngầm sử dụng các nền tảng internet để tuyển dụng những người làm "con la tiền," tức những người cho phép tài khoản ngân hàng của họ được dùng để rửa tiền. Họ thường nhắm tới các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, những người có thể bị thu hút bởi tiền hoa hồng và không nhận thức được rủi ro. Hồi tháng 12, Europol tuyên bố đã xác định được gần 11.000 con la và 500 nhà tuyển dụng ở 26 quốc gia, dẫn đến việc bắt giữ hơn 1.000 người.
Vào năm 2022, cảnh sát Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống rửa tiền kéo dài 3 năm và cho đến nay đã đưa hơn 2.300 người ra tòa. Nổi bật là một vụ, được công bố vào tháng 12, liên quan đến việc bắt giữ 74 người ở 17 tỉnh bị nghi ngờ xử lý gần 16 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) trong các giao dịch kiểu phi tiền. Họ bị cáo buộc chuyển tiền qua hơn 1.000 tài khoản ngân hàng, mỗi tài khoản có lưu lượng trung bình hàng ngày là 3 triệu nhân dân tệ. Đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Mỹ cho biết mỗi năm có hơn 150 tỷ USD tiền bất hợp pháp được chuyển qua Trung Quốc.
Thỏa thuận của Trung Quốc với Mỹ để cùng chống rửa tiền đã được bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen công bố trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 4. Bà nói Mỹ "không thể làm điều đó một mình". Bà cho biết những điểm yếu trong cơ chế quản lý ở Trung Quốc và các nước khác đang giúp đỡ các băng nhóm tội phạm từ buôn người đến lừa đảo. Nhưng ngay cả với ý chí cao nhất trên thế giới, cũng khó có thể kiểm soát được một vấn đề lớn, phức tạp, và dễ dàng che giấu như hoạt động rửa tiền. Đối với các quan chức ở hai quốc gia cảnh giác lẫn nhau và có ít kinh nghiệm thực thi pháp luật chung, điều đó sẽ còn khó khăn hơn.
The Economist
Nguyên tác : "How Chinese networks clean dirty money on a vast scale". The Economist, 22/04/2024.
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/05/2024
Quan chức gốc Việt cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ thăm Việt Nam (VOA, 29/06/2018)
Bà Michelle Giuda, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, là quan chức gốc Việt cao cấp nhất hiện nay trong chính phủ Hoa Kỳ, vừa có chuyến thăm bốn ngày đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michelle Giuda (phải) và Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/6/2018. Photo FUV.
Hôm 29/6, Đại sứ Hoa Kỳ Dan Kirtenbrink thông báo : "Tôi rất vui mừng đón tiếp Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề công chúng Michelle Giuda, một người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi đã trao đổi về phương thức thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam".
Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội loan báo hôm 29/6 : "Trợ lý Ngoại trưởng Michelle Giuda là một trong những người Mỹ gốc Việt nắm giữ vị trí cao nhất trong chính phủ Hoa Kỳ. Bà đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ cũng như các tập đoàn khác nhau trước khi trở thành trợ lý ngoại trưởng".
Cũng tại Hà Nội hôm 29/6, bà Giuda có cuộc nói chuyện với chủ đề "Tư duy chiến lược : các bài học từ truyền thông của chính phủ và lĩnh vực tư nhân trong thế kỷ 21".
Trong một chương trình tiếp xúc với các sinh viên được phát trực tiếp trên Facebook từ thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/6, bà Giuda nói rằng mẹ của bà là người gốc Việt và hay dạy cho bà tiếng mẹ đẻ sau khi bà được sinh ra ở miền nam bang California. Tuy nhiên, bà cảm thấy hối tiếc rằng tiếng Việt của bà không được thông thạo lắm, nhưng bà rất tự hào là một người con mang nửa dòng máu Việt và thừa hưởng nền văn hóa Việt.
Bà Giuda nói rằng gia đình bên ngoại của bà từ Bắc di cư vào Nam năm 1954 và mẹ bà di tản sang Hoa Kỳ vài ngày trước biến cố năm 1975. Bà theo đuổi con đường chính trị và tham gia vào chính quyền Hoa Kỳ là do ảnh hưởng từ gia đình bên ngoại, từ mẹ, các cậu, và người cha là một cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Việt Nam trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Hôm 25/6, Tòa Bạch Ốc ra thông báo nói rằng Trợ lý ngoại trưởng Michelle Giuda vào ngày 26/6 đến thăm Đại học Fulbright ở Sài Gòn, và gặp gỡ các thành viên Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại thành phố này.
Đại sứ Hoa Kỳ Dan Kritenbrink và Trợ lý Ngoại trưởng Michelle Guida, Photo US Embassy Hanoi.
Vào tháng 1/2018, Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm bà Giuda làm Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Bà Giuda từng là Phó Chủ tịch Truyền thông Doanh nghiệp Toàn cầu tại tập đoàn Weber Shandwick, New York, từ năm 2014. Tại Weber Shandwick, một công ty quan hệ công chúng toàn cầu với các văn phòng có mặt trên khắp thế giới, bà giám sát chiến lược truyền thông toàn cầu trên 81 quốc gia.
Bà Giuda được vinh danh là một trong 50 người Mỹ gốc Á xuất sắc nhất với các thành tích trong kinh doanh của Trung tâm Phát triển Kinh doanh Mỹ gốc Á năm 2016.
Trước đây, bà từng là Phó Thư ký Quốc gia cho Diễn giả Newt Gingrich và Giám đốc Truyền thông của hãng GOPAC ở Washington, DC.
Bà Giuda, 33 tuổi, tốt nghiệp Đại học California Los Angeles và Đại học George Washington.
********************
Theo tờ Rzeczpospolita (28/06/2018), bốn người đàn ông ở độ tuổi ngoài 30 đã bị Cục An ninh Quốc nội Ba Lan (ABW) bắt giữ.
Vụ việc được nói là liên quan đến băng đảng Việt Nam, "hoạt động rộng khắp" tại Ba Lan.
Tờ báo cũng nhắc đến vụ một phụ nữ Việt Nam "nhảy lầu chết hôm 23/05 khi bị nhân viên ABW đến bắt", và cho hay, trong két sắt tại căn hộ người này có 2,1 triệu zloty tiền mặt, tương đương 600 nghìn USD.
Các vụ việc đã cho thấy ngân khoản chuyển qua các tài khoản công ty lên đến 156 triệu zloty, 322 triệu euro và 854 triệu USD, theo báo Rzeczpospolita.
Chỉ riêng tiền trốn thuế VAT là gần 165 triệu zloty.
Bài báo trích lời bà Agnieszka Zablocka-Konopka, phát ngôn viên cho Công tố viên khu vực tại Warsaw nói các khoản tiền được chuyển sang 60 quốc gia.
"Các khoản lớn nhất được chuyển về những tài khoản công ty ở Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Mỹ, Đài Loan, Việt Nam và Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất".
Từ cuối 2017, Cục Thuế Ba Lan đã bắt đầu kiểm tra những người buôn bán ở khu vực Wólka Kosowska có đông công ty Việt Nam và Trung Quốc.
Khu chợ ở Wólka Kosowska, phía Nam thủ đô Warsaw hiện nay đã khá nổi tiếng ở Ba Lan và được gọi là 'Châu Á thu nhỏ'.
Nhưng theo đánh giá của một số tờ báo Ba Lan, chính quyền cũng nhắm vào các vụ việc họ cho là trốn thuế VAT và rửa tiền của một số nhóm Châu Á.
*******************
Hơn 13 kg cần sa giấu trong bánh kẹo từ Mỹ gửi về Sài Gòn (Người Việt, 29/06/2018)
Hàng chục gói cần sa hút chân không, giấu trong bánh kẹo, dầu gội… gửi về đến phi trường Tân Sơn Nhất đã bị phát hiện.
Cần sa được giấu trong bánh kẹo, dầu gội đầu... gửi về Việt Nam (Hình : Lao Động)
Theo báo VnExpress, ngày 29 tháng Sáu, 2018, Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện dấu hiệu khả nghi trong lô hàng thực phẩm, đồ dùng cá nhân được chuyển từ tiểu bang California (Mỹ) cho người đàn ông ngụ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Cụ thể, nhà chức trách tìm thấy 20 gói nylon chứa cần sa được hút chân không, trọng lượng 4 kg được cất giấu trong lô hàng thực phẩm, đồ dùng cá nhân.
Trước đó, ngày 19 tháng Sáu, hải quan phi trường này cũng phát hiện 2,7 kg cần sa trong 12 gói nylon hút chân không, cất giấu trong lô hàng chứa đồ dùng cá nhân như bánh kẹo, quần áo, dầu gội, giày dép… là quà biếu phi mậu dịch từ Los Angeles, tiểu bang California, gửi về Việt Nam cho một người đàn ông ngụ tại tỉnh Vĩnh Phúc
Trước đó nữa, ngày 12 tháng Sáu, hải quan cũng đã bắt giữ liên tiếp hai vụ vận chuyển trái phép tổng cộng 5.2 kg cần sa cũng với thủ đoạn tương tự. Người nhận ghi trên vận đơn ngụ tỉnh Ninh Thuận.
Nói với báo Lao Động, đại diện Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu phi trường Tân Sơn Nhất, cho biết thời gian gần đây các đường dây tội phạm chuyển hướng vận chuyển ma túy bằng đường hàng không từ Canada, Mỹ về Sài Gòn và các tỉnh. Từ đầu năm đến nay đơn vị này đã phát hiện được 23 lô hàng trong đường dây vận chuyển trái phép cần sa qua cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất với tổng trọng lượng lên đến 37 kg.
Vị đại diện này cho biết thêm, hiện nay, tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ như Washington, California, Oregon, Colorado, Alaska, việc bán, sử dụng cần sa cho mục đích giải trí là hợp pháp, dù vẫn bị cấm ở mức liên bang.
Tận dụng điều này, không ít dân chuyên trồng cần sa ở Canada di chuyển sang một số thành phố thuộc các bang trên như Seattle, San Francisco, Houston, San Gabriel Valley để trồng cần sa. Từ đây, cần sa được đóng gói, cất giấu và vận chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng liên tiếp phát hiện hơn 12 kg thuốc lắc (MDMA) trong các bưu kiện quà tặng, được gửi về Việt Nam từ các nước Châu Âu. (Tr.N)
****************
Ông cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai và tô phở úp lên đầu ! (VNTB, 29/06/2018)
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh trong một chia sẻ cho biết, ông Phạm Thế Dũng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khi ông đi ăn phở buổi sáng bên hông Cung Thiếu nhi, 'thằng dân cầm nguyên bát phở chậm rãi đến bên cụ, sau khi xác nhận đúng là cụ thì thằng dân ụp luôn bát phở lên đầu cụ'.
Ông Phạm Thế Dũng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Ông cựu Chủ tịch tỉnh vô liêm sỉ
Nhà ông Phạm Thế Dũng ở Tăng Bạt Hổ kín như nhà tù và nhiều lần bị dân phá, lại thêm chuyện khi ông cựu Chủ tịch tập thể dục ở công viên thì bị vài 'thằng dân' ném đất và đá vào người kèm theo chửi thề. Hay câu chuyện, 'thằng dân' còn mang máu chó lên mộ mẹ ông Dũng ở nghĩa trang Thành phố Pleiku viết văn tế sống cắm lên mộ.
Thế nên chuyện ông Dũng có nhà ở Gia Lai nhưng ít khi ở, mà ở Sài Gòn nhiều hơn ở quê nhà là vậy.
'Thằng dân' nói thẳng ra không có quyền gì đánh ông cựu Chủ tịch hết, nhưng bởi khi còn tại chức, ông quan Dũng chỉ lo 'vơ vét' của cải bằng quyền lực chiếc ghế mà bỏ việc chăm lo đời sống nhân dân, nên dân ghét. Và hầu như phố núi Gia Lai,... ai cũng ghét ông cả.
Ông Phạm Thế Dũng từng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật vì vi phạm trong giao đất, cho thuê đất không đấu giá, bổ nhiệm người thân không đủ tiêu chuẩn... Nhiều người coi 'kỷ luật' là vết nhơ trong đường công danh, nhưng đó là khi họ còn phấn đấu, chứ vơ vét xong và làm chuyến hoàng hôn nhiệm kỳ như kiểu ông Phạm Thế Dũng thì kỷ luật chỉ như muỗi đốt đồng. Chính vì vậy, mà ông Dũng đã buông ra câu nói hời hợt và vô liêm sỉ : Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử.
Phá là thế, nhưng ông Dũng lại được những hai nhiệm kỳ với 10 năm tròn (2005- 2015). Vào 1 thập niên đủ khiến cho Gia Lai 'ngộp thở' với hàng loạt dự án nghìn tỷ như Tượng đài Bác Hồ và các dân tộc Tây Nguyên (1.000 tỷ đồng), nâng cấp mở rộng sân bay Pleiku (gần 1.000 tỷ đồng). Thậm chí, ngay cả dự án mua sắm sách, vở và đồ dùng học tập cho trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được ông nhón tay quyền lực vào để 'thông thầu' cho vợ.
Nhắc đến Gia Lai mà quên nhắc đến rừng là một thiếu sót lớn. Có thể nói, 10 năm trước ai làm Chủ tịch Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông là những người góp công lớn nhất để dọn dẹp sạch sẽ nguồn rừng bạt ngàn của vùng đất đỏ bazan này. Riêng ông Dũng, ông có công lao chuyển đổi rừng quý sang rừng khai thác phổ thông ; rừng nghèo thành vùng trồng cao su.
Sự 'ăn tàn phá hoại' qua 2 nhiệm kỳ của ông Dũng đã để lại một di chứng mà báo Tiền Phong ngày 30/09/2017 đã phải đặt dấu hỏi : Ai khắc phục nổi ?
Dân 'thế thiên hành đạo'
Khi pháp luật của chính quyền và kỷ luật của đảng không được nghiêm, thì nghiễm nhiên người dân sẽ 'thế thiên hành đạo', bởi 'dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền' như ông cụ khai sinh ra nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam từng lên tiếng phê phán.
Người ta bảo làm quan ở Việt nam nếu luồn cúi thì cần phải mặt dày, và mặt dày thì cần phải tập chui rúc. Trong thời đại công nghệ phẳng với mạng xã hội Facebook 30 triệu người dùng, những hành vi - phát ngôn 'trái dân, hại nước' đều bị bóc mẽ. Từ những vị Đại biểu quốc hội song tịch đến những anh quan phụ mẫu đương quyền - cậy chức rao giảng ngày đêm 'đạo đức cách mạng'.
Lòng dân là thứ quan trọng, nhưng có vẻ các vị quan ở Việt nam chưa bao giờ để ý tới, họ chỉ vơ vét và lên chuyến bay sang nước ngoài. Và vì quan chức mặt dầy nằm trong thể chế, nên cả thể chế vì thế trở thành một đối tượng đáng tổng xỉ vả trong mắt dân. Nói nôm na, cả thể chế sẽ có lúc bị dân úp tô phở lên đầu như cách 'thằng dân' úp tô phở lên đầu ông cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai vậy.
Ánh Liên
****************
Cầm thẻ ngành rồi chiếm đoạt tiền bỏ trốn (CaliToday, 28/06/2018)
Chiếc thẻ ngành công an ở Việt Nam được coi là có giá trị, khi mà công an là "thanh kiếm, lá chắn" cho chế độ. Chính vì thế công an rất được ưu đãi và chiếc thẻ ngành nhờ đó mà tăng thêm giá trị. Biết được điều đó, rất nhiều công an đã mang thẻ ngành đi cầm cố hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Mới đây, một thượng úy công an mang thẻ đi cầm vay tiền rồi chiếm đoạt tiền bỏ trốn.
Giấy chứng minh công an nhân dân có giá 330 triệu đồng. Ảnh : Đại Đoàn Kết
Ngày 28/6, ông Bùi Trọng Tuấn- Trưởng phòng tham mưu công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã hoàn tất hồ sơ kỷ luật để trình lên Bộ công an đề nghị tước danh hiệu công an nhân dân đối với thượng úy Lê Duy Tân (sinh năm 1986, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Lắk) vì mượn tiền của dân rồi bỏ trốn.
Bà Ngô Thị Ngọc (ngụ thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) cho biết, vào ngày 11/4, thượng úy Tân đến gặp bà và mang theo giấy chứng minh công an nhân dân để xin bà cầm cố cho vay 330 triệu đồng. Lý do mà thượng úy Tân đưa ra là cần tiền để đáo hạn ngân hàng. Tin tưởng Tân, lại có chiếc thẻ ngành làm tin nên bà Ngọc không ngại ngần cho Tân vay tiền.
Theo giấy ghi nợ, Lê Duy Tân hứa đến ngày 30/4 sẽ trả lại tiền cho bà Ngọc. Đến ngày hẹn trả, bà Ngọc liên tục gọi điện thoại để đòi lại số tiền nhưng Tân tìm đủ mọi lý do để khoái thác, không chịu trả nợ.
Bực tức trước việc trây ì không muốn trả tiền của Tân, bà Ngọc liền viết đơn tố cáo gởi lên công an tỉnh Đắk Lắk để yêu cầu giải quyết sự việc.
Đơn gởi đã lâu, nhưng mãi đến nay vụ việc mới được công an tỉnh giải quyết. Theo một lãnh đạo công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, trong thời gian bà Ngọc gởi đơn tố cá thì thượng úy Lê Duy Tân đã bỏ ngang công việc không có lý do. Sau khi tiếp nhận đơn, phía công an đã hướng dẫn bà Ngọc làm đơn kiện thượng úy Tân ra tòa theo đúng luật dân sự. Trong trường hợp Tân bỏ trốn thì làm đơn tố cáo gởi cho Cảnh sát điều tra công an tỉnh.
Hợp đồng vay 330 triệu đồng của bà Ngọc có chữ ký xác nhận của ông Tân.
Chiếc thẻ ngành của công an được coi là vật bất ly thân, nhất là đối với cảnh sát giao thông. Vì khi đi tuần tra, xử phạt
Chiếc thẻ ngành của công an được coi là vật bất ly thân, nhất là đối với cảnh sát giao thông. Vì khi đi tuần tra, xử phạt cảnh sát cần phải có thẻ ngành để trình ra với dân chúng. Việc làm mất thẻ hay dùng thẻ để đi cầm cố là trái quy định. Ngay cả khi công an ra khỏi ngành cũng thu lại thẻ để tránh trường hợp dùng thẻ vào các mục đích xấu.
Không chỉ với thẻ ngành, mà đến ngay cả thẻ đảng viên cộng sản Việt Nam cũng được các "thanh kiếm, lá chắn" mang đi cầm cố để vay tiền. Trong tất cả những tin tức liên quan đến việc công an cầm thẻ ngành, thẻ đảng đi cầm cố báo chí ít khi được phía chức trách cho biết lý do cầm cố để làm gì.
Người Quan Sát