Ông Đoàn Văn Báu : vì sao đi cùng sư Minh Tuệ và đi để làm gì ?
BBC, 08/01/2025
Cựu sĩ quan an ninh Đoàn Văn Báu là một nhân vật nổi bật trong chuyến bộ hành của sư Minh Tuệ tới đất Phật Ấn Độ. Vậy vai trò của ông Báu là gì ?
Ông Đoàn Văn Báu nói mình là "trưởng đoàn", còn sư Minh Tuệ nói ông Báu giúp lo thủ tục giấy tờ nhưng "cũng [chỉ là thành viên] trong đoàn thôi chứ... chả có quyền hạn gì to".
"Việt Nam cũng đã giao cho tôi với trách nhiệm làm trưởng đoàn và cả sư Minh Tuệ cũng thống nhất là giao cho tôi cho tất cả những trách nhiệm về phụ trách để tổ chức cho chuyến bộ hành thành công đến Ấn Độ", ông Đoàn Văn Báu nói với BBC News tiếng Việt vào ngày 4/1, trong cuộc phỏng vấn tại một căn nhà ven đường 217 ở tỉnh Ubon Ratchathani ở Thái Lan.
Sư Minh Tuệ đang trên đường bộ hành tới đất Phật Ấn Độ. Ông đã khởi hành từ Việt Nam hồi tháng 12, đi bộ qua Lào và hiện đang ở Thái Lan. Dự kiến sau đó đoàn sẽ đi qua Myanmar và sang Ấn Độ.
Ông Đoàn Văn Báu đi theo đoàn và thường xuyên quay video về hành trình của sư Minh Tuệ rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Trả lời BBC về lý do vì sao đi bộ hành với sư Minh Tuệ, ông Báu nói rằng vì bản thân "có tình cảm sâu sắc" với nhà sư.
"Khi nhận được thông tin là sư Minh Tuệ có nguyện vọng đi Ấn Độ và cần người trợ giúp về thủ tục pháp lý thì ngay lập tức tôi đã xung phong. Ngay ngày hôm sau tôi đã lên để gặp sư Minh Tuệ và là người đầu tiên được sư Minh Tuệ đồng ý, để tôi hỗ trợ về mặt thủ tục và cùng đồng hành cùng với sư trong chuyến bộ hành đến Ấn Độ", ông Báu chia sẻ.
Ông Báu kể rằng mình đã đi tiền trạm Lào, Thái Lan và Myanmar. Khi quay lại Việt Nam, ông nói mình đã xin phép chính quyền địa phương về việc bộ hành tới Ấn Độ.
"Khi chính quyền địa phương đồng ý để tôi đưa sư Thích Minh Tuệ và những người mà tôi đề xuất để đi cùng, chính quyền địa phương ở Việt Nam và các cơ quan ban ngành có liên quan đã có những thủ tục pháp lý về công tác lãnh sự để có thể đưa đoàn đến các quốc gia và cũng đã có công tác lãnh sự để các nước bạn trợ giúp ở Lào và Thái Lan và tới đây sẽ là Myanmar", ông nói.
'Trưởng đoàn' Đoàn Văn Báu
Khi phóng viên BBC tiếp xúc với đoàn, những vấn đề quan trọng đều được những người đi cùng hướng dẫn rằng nên "hỏi anh Báu". Ngay cả việc phỏng vấn sư Minh Tuệ, chúng tôi cũng được gợi ý nói chuyện thông qua ông Báu. Những điều này phần nào cho thấy sự tín nhiệm của thành viên đoàn đối với ông Báu hoặc cơ cấu sắp xếp tổ chức của đoàn.
Cuộc phỏng vấn ông Báu được thực hiện trong bối cảnh có những lời đồn đoán trên mạng xã hội rằng ông Báu được lực lượng an ninh cài vào để kiểm soát các hoạt động của chuyến đi bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, trong một video đăng tải vào đầu tháng 12/2024 trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về miền đất Phật của ông Báu, sư Minh Tuệ nói rằng ông Báu tự nguyện đi cùng sư để lo những thủ tục giấy tờ.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1 với BBC, sư Minh Tuệ cũng nhắc tới vai trò của ông Báu. Theo đó, sư Minh Tuệ không biết ông Báu là ai (vào thời điểm gặp mặt), nhưng quyết định tin tưởng ông Báu vì thấy ông Báu tới gặp mình sau khi nhà sư viết lá đơn tìm người hỗ trợ giấy tờ để đi Ấn Độ.
"Con cũng không biết anh Báu là an ninh hay quân đội hay là người nông dân gì hết".
"Con cũng không biết họ có hại mình, hay như có người nói là Việt Cộng hay phản động gì, con chả cần biết. Nhưng mà chỉ cần giúp con thủ tục giấy tờ với lại đi thôi, còn những chuyện khác con không biết", sư Minh Tuệ đã nói như vậy.
Vậy rốt cuộc ông Báu là ai trong đoàn bộ hành ?
Theo lời ông Báu, ông là trưởng đoàn – chức vụ mà "thứ nhất là do sự ủy quyền của sư Minh Tuệ và thứ hai là các cơ quan chức năng cũng đã có biên bản, ghi nhận bằng văn bản đề cử làm trưởng đoàn".
Ông Báu nói rằng mình đi theo sư Minh Tuệ vì "có tình cảm sâu sắc" với nhà sư.
Vào ngày 5/1, trong một cuộc phỏng vấn khác với ông Báu, BBC đã đề nghị ông Báu cho xem văn bản nói trên. Ông đã trả lời như sau :
"Tôi không cần phải cho xem qua văn bản đó bởi vì các cơ quan chức năng sẽ giữ văn bản đó. Có phóng sự, truyền hình và có cả biên bản ghi nhận lại những sự việc mà ông Thích Minh Tuệ hay còn gọi là ông Lê Anh Tú đã đồng ý cho tôi làm trưởng đoàn và các cơ quan chức năng cử đi".
Theo lời ông Báu, "cơ quan chức năng" ở đây là Công an tỉnh Gia Lai. Ông cũng tuyên bố rằng sẽ chịu trách nhiệm, trên cương vị trưởng đoàn, về tất cả những vấn đề có liên quan, gồm phát ngôn, pháp lý và an toàn của đoàn.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng liệu Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị mà theo lời ông Báu là ban hành văn bản nói trên, có phải chịu trách nhiệm gì hay không, ông Báu trả lời như sau : "Đương nhiên khi một cơ quan chức năng nào đó họ ban hành một cái văn bản nào đó thì đều có tính pháp lý ở Việt Nam".
Ông cho biết thêm rằng đoàn không cần giữ liên lạc thường xuyên với Công an tỉnh Gia Lai để thông báo về hành trình. "Bình thường đi như thế này thì tôi đã được người ta liên hệ trước với cơ quan lãnh sự Việt Nam tại các nước. Trừ khi có những vấn đề phức tạp gì đó thì mới liên hệ lại để nhờ trợ giúp. Còn bình thường thì chúng tôi cứ đi như bình thường, chỉ cần đăng ký nhập cảnh vào quốc gia sở tại và được sự đồng ý thì chúng tôi cứ đi bình thường", ông nói.
Theo quan sát của BBC, ngoài những vấn đề về thủ tục, ông Báu còn phụ trách nhiều mảng khác liên quan tới cuộc bộ hành, như tìm chỗ ngủ nghỉ, tuyển chọn và quản lý thành viên đoàn.
Về phần sư Minh Tuệ, ông từng nói với BBC rằng ông Báu "cũng [chỉ là một người] trong đoàn này thôi chứ anh [Báu] chả có quyền hạn gì to".
Ai được đi cùng đoàn ?
Trên một số nền tảng mạng xã hội, ví dụ như Facebook, có những ý kiến cho rằng ông Báu là người quyết định sư nào được đi cùng đoàn, sư nào không được. Qua đó, họ nói rằng ông Báu đang "vượt quyền", đang tự cho phép bản thân mình được quyết định thành viên đoàn.
Nói tới thành viên đoàn, có thể chia ra hai nhóm chính : nhóm các nhà sư và nhóm người hỗ trợ.
Theo lời kể của ông Báu, trước khi đưa ra quyết định sư nào có đi cùng đoàn được hay không, các sư sẽ thảo luận, còn ông Báu và những người khác, ở đây ông Báu dùng từ "chúng tôi", sẽ "tư vấn lựa chọn" về việc một nhà sư có đồng hành được cùng với đoàn hay không. Sau đó, khi tất cả mọi người thống nhất một danh sách, ông Báu nói rằng mình sẽ công bố ra ngoài. Tuy nhiên, do các sư không sử dụng mạng xã hội, do đó cũng khó kiểm chứng được danh sách ông Báu đưa ra ngoài có giống với danh sách đã thống nhất hay không.
Khi được hỏi rằng liệu làm thế nào để công chúng có thể kiểm chứng được danh sách thống nhất giữa mọi người và danh sách công bố ra ngoài là giống nhau, ông Báu đã nói rằng chúng tôi có thể xác nhận điều này với sư Minh Tuệ.
Thời điểm đó, BBC không còn dịp phỏng vấn sư Minh Tuệ nên chưa xác nhận chính xác được liệu có sự thiếu đồng nhất nào hay không.
Liên quan tới vấn đề này, sư Minh Tuệ từng nói rằng "anh Báu cũng quyết định được" việc sư nào có thể gia nhập đoàn, sư nào không. "Con cũng nói là theo quy định của pháp luật nước đó như thế nào thì anh Báu thấy tùy ý hợp thời mà tạo điều kiện được, tốt đẹp thì giúp đỡ cho họ đi. Với lại cũng xem xét trên mạng xã hội họ nói sư này như thế nào, sư kia như thế nào, đi để phá, hay chưa được, hay lung tung ra thì cũng không nên", sư Minh Tuệ nói.
Một chiếc xe chở bốn người luôn theo sát đoàn
Tình nguyện viên và 'người được Hoàng gia cử đến'
Ngoài các nhà sư, đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ còn nhiều thành viên khác, nổi bật nhất là ông Đoàn Văn Báu và ông Lê Khả Giáp, một người đã từng bộ hành qua nhiều nước và khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Theo lời ông Báu, "những tình nguyện viên cũng như là [ông] Giáp phải tuân theo sự chỉ đạo" của ông.
Phóng viên BBC cũng đã tiếp xúc với bốn người trong một chiếc xe hơi hiệu MG ZS màu trắng luôn đi phía sau đoàn, cách khoảng chừng 5-6 mét. Khi chúng tôi hỏi họ có phải cảnh sát hay không, họ nói không.
"Vậy xin hỏi các anh có phải tình nguyện viên không ?" chúng tôi hỏi. Những người này nói phải, sau đó có một người nói "gần như vậy", rồi một người nói tiếp: "Có gì thì hỏi anh Báu". Họ không tiết lộ thêm thông tin, chỉ nói rằng họ ở đây chủ yếu để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 4/1 với BBC, ông Báu thường xuyên đề cập tới tình nguyện viên, không chỉ ở Thái Lan mà đoàn cũng đã có sẵn tình nguyện viên ở Bangladesh - quốc gia mà ông Báu nói chỉ là "một phương án dự phòng". Ông cũng chưa hề đi tiền trạm ở quốc gia này.
Chia sẻ về cách tìm cũng như tiêu chí xét duyệt tình nguyện viên, ông Báu nói rằng tất cả tình nguyện viên là do ông xét duyệt và sư Minh Tuệ không liên quan. Theo chia sẻ của ông, ông từng đăng tin tuyển tình nguyện viên và ngoài ra "cũng có quan hệ với các kiều bào ở các quốc gia trên".
"Tôi sẽ tuyển chọn tình nguyện viên dựa trên mối quan hệ thực tế [của họ] và khả năng, năng lực. Đặc biệt, điều kiện quan trọng nhất của tôi đó là họ phải thực sự yêu kính sư Minh Tuệ thì tôi mới tuyển chọn". "Còn nếu như họ không yêu kính hay họ có thái độ này nọ thì tôi sẽ không tuyển. Cho dù họ có giỏi cỡ nào thì tôi cũng sẽ không tuyển tình nguyện viên đó".
Một người khác cùng đi với đoàn tại tỉnh Ubon Ratchathani là ông Therawat. Trong một video đăng tải vào ngày 26/12/2024 trên kênh YouTube của ông Báu, ông từng giới thiệu Therawat là người do "Hoàng gia cử đến".
Ông Báu đã nói như sau : "Anh Therawat sẽ giúp mình có hai cảnh sát của Hoàng gia [Thái Lan] đi theo suốt đến Mae Sot".
Mae Sot là tên một huyện và thành phố của Thái Lan giáp với Myanmar.
Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên BBC, ông Therawat nói rằng mình chỉ là tình nguyện viên, là "một công dân bình thường".
Liên quan tới thông tin "hai cảnh sát của Hoàng gia", BBC News tiếng Thái đã liên lạc với cảnh sát của huyện Chong Mek, tỉnh Ubon Ratchathani, nơi có cửa khẩu với Lào mà đoàn của sư Minh Tuệ đã đi qua vào ngày 31/12/2024.
Theo cảnh sát huyện, họ không nhận được bất cứ thông tin gì liên quan tới đoàn bộ hành. Chỉ tới khi người dân địa phương báo cáo có thấy một nhóm các nhà sư Việt Nam lạ mặt, cảnh sát mới tới kiểm tra thử và gặp mặt đoàn của sư Minh Tuệ.
Thiếu tá Suwit Thongphap từ Phòng Cảnh sát Chong Mek nói hôm 6/1 : "Chúng tôi không biết gì về các nhà sư Việt Nam trước đó [cho tới khi] chúng tôi được người dân địa phương báo tin. Người dân cũng không biết những nhà sư Việt Nam vừa bước qua biên giới và vào Thái Lan là ai".
Khi được hỏi Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan hay chính quyền Việt Nam có liên lạc với cảnh sát địa phương để thông báo về việc các nhà sư này nhập cảnh hay không, ông nói không có bất kỳ sự liên lạc nào về vấn đề này.
Tới ngày 7/1, sau sự cố đoàn bộ hành "bị đuổi đi trong đêm" (theo cách gọi trên YouTube của ông Giáp), đã có hai người mặc cảnh phục có chữ "Traffic Police", tạm dịch là "cảnh sát giao thông", xuất hiện.
Theo lời ông Giáp, hai cảnh sát này là do ông Therawat (gọi thân mật là anh Nọng) "có alo để hỗ trợ thêm đoàn"
Khi được hỏi về đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ, Trung tướng Archayon Kraithong, người phát ngôn Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, nói với BBC News tiếng Thái vào ngày 8/1 : "Tôi không biết gì về việc đó".
Có thể thấy, cảnh sát Thái Lan xuất hiện, nếu có, chỉ là trong trường hợp có sự cố xảy ra, chứ họ không có một sự phân công nhân sự đặc biệt nào để theo đoàn suốt chuyến đi tại nước này như các thông tin được phát tán trên mạng.
'Không phỏng vấn chuyện chính trị'
Bên cạnh vấn đề "vượt quyền" đã đề cập bên trên, nhiều người cho rằng ông Báu đang ngăn cản truyền thông, gồm cả YouTuber và các kênh truyền thông chính thống, tiếp cận sư Minh Tuệ.
Trước khi BBC phỏng vấn sư Minh Tuệ vào chiều ngày 3/1, có một nhóm phóng viên từ đài RFA của Mỹ đã tiếp cận đoàn. Tuy nhiên, theo lời của nhóm này thì ông Đoàn Văn Báu đã không cho họ thực hiện cuộc phỏng vấn đối với sư Minh Tuệ.
Trong một video phát vào tối 3/1, RFA (cụ thể là phóng viên Cao Nguyên) cho biết ông Báu muốn đảm bảo nhóm phóng viên, gồm hai người, không hỏi về các vấn đề chính trị và đồng ý để ông Báu ghi hình lại cuộc trò chuyện. Theo họ việc này là một cách để ông Báu "kiểm duyệt thông tin". RFA nói rằng ông Báu đã cản trở việc tác nghiệp báo chí của họ.
Liên quan tới vấn đề này, ông Báu kể với BBC rằng hai người tới gặp ông đã không nói rõ mình làm cho RFA, nói rằng phóng viên Cao Nguyên lại xưng mình là phiên dịch viên và "khi nào cô ta cũng đeo một cái khẩu trang". Ông Báu nói rằng chỉ sau khi video của RFA được công bố vào tối 3/1 thì ông mới biết những người này là phóng viên từ RFA.
"Trước khi các bạn ấy phỏng vấn thì tôi chỉ yêu cầu như thế này, là hãy mở khẩu trang ra và tôi quay lại gương mặt của hai bạn và các bạn xác nhận với tôi là các bạn sẽ đăng tin trung thực với những gì phỏng vấn với sư Minh Tuệ. Và chỉ một điều kiện đó thôi nhưng mà các bạn ấy đã không đáp ứng được", ông nói.
Ngoài ra, ông Báu nói rằng họ muốn phỏng vấn trực tiếp với sư Minh Tuệ nhưng chỉ yêu cầu ông Báu đi ra chỗ khác còn các sư khác vẫn có thể ở đó. Theo ông Báu, những việc trên khiến ông Báu thấy họ "có hành tung mờ ám".
Ngoài RFA, nhiều YouTuber khác cũng có những video cáo buộc ông Báu cản trở, không để họ tiếp cận sư Minh Tuệ.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Báu nói rằng ông không muốn xảy ra trường hợp có quá nhiều YouTuber đi theo, tương tự như ở Việt Nam. Ông cho rằng tình huống đó có thể sẽ cản trở cuộc bộ hành, nếu việc đông người tụ tập gây mất trật tự ở quốc gia sở tại hoặc nếu có tai nạn giao thông xảy ra.
"Chẳng hạn như giao thông ở Thái Lan này mà các YouTuber cứ băng qua băng lại [ở đường] như vậy mà tốc độ xe chạy nhanh như thế này rồi xảy ra một tai nạn thì dù muốn hay không sẽ vẫn liên quan đến đoàn bộ hành chúng tôi, bởi vì chúng tôi là nguyên nhân khởi phát. Để cho những YouTuber khác thực hiện những hành vi quay như vậy và sẽ rất là nguy hiểm".
"Còn khi tôi quan sát thấy các YouTuber của Thái Lan, họ đứng bên đường họ quay và họ đều nói là 'tôi có thể ghi nhận hình ảnh của các bạn được không ?', thì tôi vẫn đồng ý", ông nói.
BBC không thể xác định được việc ông Báu có cản trở các nhóm phóng viên khác và các YouTuber hay không.Riêng nhóm phóng viên của BBC khi đề nghị phỏng vấn sư Minh Tuệ vào ngày 3/1, ông Đoàn Văn Báu đã đưa ra hai điều kiện : ông sẽ quay phim khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn và chúng tôi không được hỏi về chính trị.
Với yêu cầu "quay phim", chúng tôi chỉ lưu ý rằng ông Báu được quay nhưng không được đăng tải do đây là nội dung báo chí do BBC thực hiện, nên bản quyền thuộc về BBC.
Với điều kiện "không phỏng vấn về chính trị", chúng tôi nói với ông Báu rằng chúng tôi sẽ hỏi những câu hỏi đúng với chức năng, nhiệm vụ và quyền của nhà báo mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tất nhiên là nhà sư Minh Tuệ có quyền trả lời hoặc không.
Ông Đoàn Văn Báu nói rằng chính trị là chủ đề không nên hỏi tới vì nhiều người đã xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam không cho sư Minh Tuệ bộ hành dù sư đã đi bộ khất thực vài năm. Ông Báu cũng nói rằng chúng tôi có 15 phút để phỏng vấn vào lúc đoàn nghỉ trưa, bao gồm cả khâu chuẩn bị thiết bị. Về phía mình, chúng tôi bảo lưu lập trường, rằng sư Minh Tuệ, chứ không phải ông Báu, sẽ quyết định trả lời nội dung nào và trong bao lâu. Quyền đặt ra câu hỏi nào vẫn thuộc chúng tôi, những người đến đây với tư cách công khai là tác nghiệp báo chí.
Trong các ngày 3, 4 và 5/1, chúng tôi đã thực hiện hai cuộc phỏng vấn dài với sư Minh Tuệ, hai cuộc phỏng vấn với ông Báu và các cuộc phỏng vấn nhanh với một số người đi trong đoàn.
Ông Đoàn Văn Báu ngồi khá gần sư Minh Tuệ khi chúng tôi thực hiện hai cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1 với sư Minh Tuệ, ông Báu ngồi bên cạnh và lặng lẽ quay phim ; trong cuộc phỏng vấn ngày hôm sau, ông Báu đề nghị ông Giáp quay, còn ông ngồi bên cạnh. Ông Báu không có sự can thiệp nào trong suốt quá trình chúng tôi phỏng vấn sư Minh Tuệ.
Panisa Aemocha từ BBC News tiếng Thái thực hiện các cuộc phỏng vấn cảnh sát Thái Lan.
Nguồn : BBC, 08/01/2025
****************************
Tại sao báo chí Việt Nam im lặng trước việc sư Minh Tuệ đi Ấn Độ ?
Dư Lan, RFA, 07/01/2025
"Deafening silence" (sự im lặng điếc tai) là một thành ngữ tiếng Anh chỉ sự im lặng nhưng thu hút chú ý mạnh mẽ của người khác. Sự im lặng của truyền thông nhà nước Việt Nam trước việc sư Minh Tuệ rời nước đi Ấn Độ trong khoảng một tháng qua là một kiểu im lặng như vậy.
Sư Thích Minh Tuệ (bìa phải) tại Thái Lan - RFA
Truyền thông nhà nước im lặng lạ lùng
Sư Minh Tuệ là một hiện tượng tôn giáo, xã hội nổi bật ở Việt Nam năm 2024. Và theo lẽ thường, báo chí luôn có nhu cầu đưa tin về vấn đề công chúng muốn biết.
Thế nhưng, báo chí ở Việt Nam trong thời gian qua đã tỏ ra thờ ơ một cách bất thường đối với cuộc hành trình tới Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ. Dù có hàng trăm tờ báo nhưng không lấy nổi một bài báo về sự kiện đang được hàng triệu người theo dõi này.
Trao đổi với RFA, một phóng viên báo chí làm việc trong một cơ quan truyền thông nhà nước ở Hà Nội "ngậm ngùi" cho rằng trong khoảng một tháng qua, khi sư Minh Tuệ rời Việt Nam, báo chí nhà nước đã phải đã im lặng, "nhường sân" cho mạng xã hội và báo chí tiếng Việt ở nước ngoài.
Theo phóng viên này, hồi tháng 5, tháng 6/2024, khi sư Minh Tuệ còn bộ hành ở Việt Nam và thu hút sự chú ý của công chúng, Ban Tuyên giáo chỉ yêu cầu báo chí trong nước không tung hô ông. Từ sau khi sư Minh Tuệ bị đưa về Gia Lai đến nay, hệ thống tuyên giáo đã có những chỉ đạo khác nhau cho báo chí về việc đưa tin về sư Minh Tuệ, tùy vào tình hình cụ thể.
Sư Minh Tuệ rời Việt Nam bộ hành sang Ấn Độ từ ngày 12/12/2024.
Ông đã đi qua Lào và hiện đang đi trên đất Thái Lan. Truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng về chuyến đi này của sư Minh Tuệ, nhưng truyền thông nhà nước càng im lặng thì người dân càng quan tâm theo dõi chuyến bộ hành của ông. Các video về sư Minh Tuệ trên kênh youtube của ông Lê Khả Giáp, người trong đoàn đi cùng sư Minh Tuệ, luôn đạt trên một triệu lượt truy cập chỉ sau vài giờ đăng tải.
Truyền thông "dân lập" vào cuộc
Truyền thông nhà nước im lặng để cho sư Minh Tuệ đi vào quên lãng, nhưng truyền thông "dân lập" lấp đầy khoảng trống đó. Trong thời đại ngày nay, làm cho sư Minh Tuệ đi vào quên lãng là bất khả thi. Theo nhận xét của Luật sư Đặng Đình Mạnh.
Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra rằng sư Minh Tuệ đã bộ hành theo đường quốc lộ Bắc Nam bốn năm qua nhưng ít được để ý. Chỉ đến khi truyền thông "dân lập" vào cuộc rầm rộ với các Youtuber thì câu chuyện về hành giả Minh Tuệ đã trở nên phổ biến với công chúng trong cả nước hồi tháng Năm và tháng Sáu năm 2024, thậm chí, rộng rãi đến cả nước ngoài. Từ đó, hành giả Minh Tuệ vụt trở nên nổi tiếng và có sức thu hút, ảnh hưởng lớn trong công chúng một cách tự nhiên, ngoài chủ ý của ông ấy, theo nhận xét của Luật sư Đặng Đình Mạnh.
Nhìn lại chuỗi sự kiện liên quan đến hành giả Minh Tuệ, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét rằng truyền thông "dân lập" đã hết sức nổi bật và hoàn toàn lấn át vai trò của hệ thống truyền thông của chế độ bao gồm cả hàng trăm báo, đài trú đóng trong 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, chính truyền thông tự phát đã đưa sự kiện hành giả Minh Tuệ đến với công chúng chứ không phải truyền thông của chế độ. Ông trao đổi với RFA :
"Cho đến khi diễn ra sự kiện hành giả Minh Tuệ xuất cảnh với danh nghĩa hành hương về "đất Phật" vào trung tuần tháng 12/2024, bộ hành đi qua nhiều quốc gia : Lào, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ… thì truyền thông của chế độ vẫn phải im thin thít.
Điều này không nằm ngoài chủ trương của chế độ nhằm hạn chế sức lan tỏa, ảnh hưởng của hành giả Minh Tuệ trong công chúng. Mặt khác, "cứu vớt" lòng tin còn sót lại của công chúng vào Giáo Hội Phật Giáo đầy tính chất "xôi thịt" do chế độ tạo dựng.
Không sao cả, truyền thông dân lập vẫn tiếp tục chiếm vị thế thượng phong, phủ sóng rộng khắp. Họ đưa thông tin, hình ảnh về chuyến bộ hành ấy đến với công chúng quan tâm. Đến mức này, công chúng không thể không tự hỏi: Hệ thống truyền thông của chế độ với cả hàng nghìn báo đài, hàng vạn nhà báo có thẻ, được trang bị phương tiện hiện đại… có còn cần thiết tồn tại nữa hay không ?"
Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay nhà nước Việt Nam muốn hệ thống truyền thông của mình im lặng trước hành trình của sư Minh Tuệ đến Ấn Độ ?
Không chế tài được sư Minh Tuệ
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng nhà nước Việt Nam không dùng luật pháp để chế tài sư Minh Tuệ được vì Luật tôn giáo hiện hành của chính quyền chỉ chế tài các tổ chức tôn giáo, không có điều luật nào chế tài cá nhân đi tu.
Trong khi đó, hành giả Minh Tuệ không lập tổ chức, không tự nhận là sư, không nhận đệ tử, không chốn dung thân, hoàn toàn tự do, nên chính quyền không chế tài được bằng luật. Do đó, muốn chế tài sư Minh Tuệ thì nhà nước phải sửa Luật tôn giáo hiện hành, nhưng không dễ, vì "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" mà Việt Nam đã ký cũng nghiêm cấm các nước ra luật chế tài niềm tin ở cấp độ cá nhân.
Tuy tu hành theo cách thức tối giản, rất mực khiêm tốn, không nhận tiền tài, chỉ khất thực một bữa đúng ngọ, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, sư Minh Tuệ đã trở nên nguy hiểm cho chế độ.
Lý do là ông đã tạo ra một hình ảnh hoàn toàn tương phản với giới sư sãi của giáo hội Phật giáo do nhà nước dựng lên. Tiến sĩ Thắng điểm qua một vài cái tên đã rất "nổi tiếng" mà bản thân truyền thống nhà nước cũng đã phê phán : chùa Ba Vàng của sư Thích Trúc Thái Minh với dịch vụ cúng vong giải nghiệp, chùa Phúc Khánh của sư Thích Thanh Quyết với dịch vụ cúng sao giải hạn, chùa Thiền tôn Phật Quang của sư Thích Chân Quang với những lời kêu gọi cúng dường cầu tài lộc.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng đồng tình với nhận xét trên. Ông cho rằng từ biết bao lâu nay, công chúng đã mất lòng tin vào sự chân thật của hàng ngũ tu sĩ Phật giáo mà tuyệt đại đa số thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do chế độ thành lập, nhưng với hành giả Minh Tuệ, công chúng hoàn toàn tin cậy vào sự chân thật của ông ấy. Trong đó, cách thức tu hành tối giản của hành giả Minh Tuệ đã hoàn toàn đối lập với cách thức tu hành bằng cách xây chùa to, dựng tượng lớn, trang phục hoa hòe, danh hiệu cao đạo, thứ bậc phức tạp, thay cho thuyết pháp là luôn miệng yêu cầu cúng dường bằng tiền bạc, tài sản có giá trị của nhiều tu sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chính hình ảnh tương phản giữa sư Minh Tuệ và các sư sãi của giáo hội chính thống đã khiến cho giáo hội này phải ra một văn bản phủ nhận sư Minh Tuệ là sư, ngay sau khi sư Minh Tuệ được truyền thông "dân lập" đưa tin và trở nên nổi tiếng. Theo Tiến sĩ Thắng, giáo hội chính thống phải phủ nhận sư Minh Tuệ vì việc tu hành theo hạnh Đầu đà của ông đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi vật chất của giáo hội.
Sư Minh Tuệ đi Ấn Độ, ai được lợi ?
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, vấn đề không chỉ là việc tu hành theo hạnh Đầu đà tối giản của sư Minh Tuệ đã tương phản với cả hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam to lớn, giàu có nhưng ít "Phật tính". Vấn đề mà nhà nước Việt Nam quan ngại nhất là sự tương phản đó đã làm cho hành giả Minh Tuệ vô tình trở thành mối nguy hại tiềm ẩn về an ninh cho chế độ. Ông nói : "Đó cũng là lý do mà chế độ đã ra tay bắt cóc ông ấy tại Huế đưa về Gia Lai vào thượng tuần tháng 06/2024, đồng thời, khuyến khích ông ấy ẩn tu để vô hiệu hóa các yếu tố nguy hại.
Về phương diện pháp lý, biện pháp này của chính quyền đã vi phạm vào quyền tự do tôn giáo của hành giả Minh Tuệ. Khiến cho công chúng phản ứng và tạo nên công luận khiến cộng đồng quốc tế quan tâm, lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền.
Có vẻ như những điều này đã khiến chế độ chùn tay đàn áp hành giả Minh Tuệ, khác với trước đây họ đã từng đàn áp nhiều tu sĩ, đến mức độ bỏ tù không xét xử hoặc bí mật thủ tiêu tu sĩ".
Sau khi nhà nước Việt Nam đưa sư Minh Tuệ về Gia Lai thì dòng người ngưỡng mộ vị hành giả vẫn tiếp tục đổ dồn về Gia Lai để được tiếp xúc với ông. Do đó, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, việc đưa hành giả Minh Tuệ ra nước ngoài với danh nghĩa đi hành hương về đất Phật là chỉ giải pháp mang tính chất tình thế của chính quyền, và trong chừng mực nào đó, nó cũng phù hợp với nguyện vọng của hành giả Minh Tuệ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, sư Minh Tuệ phải ra đi. Sự ra đi của ông một mặt phù hợp với mong muốn của ông, và mặt khác, đem lại lợi ích cho nhà nước và giáo hội của chính quyền. Với nhà nước, không còn cảnh người tu tập vì ngưỡng mộ sư Minh Tuệ, không còn hình ảnh một tu sĩ "ngoài luồng", đứng ngoài tổ chức do mình kiểm soát. Còn với giáo hội của chính quyền, không còn hình ảnh một tu sĩ "hạnh Đầu đà" trái ngược với cuộc sống sa hoa của họ.
Do đó, theo Tiến sĩ Thắng, việc truyền thông nhà nước không đưa tin về chuyến đi của sư Minh Tuệ là hoàn toàn "hợp lý", xét từ lợi ích của nhà nước. Tuy nhiên, Tiến sĩ Thắng cho rằng thời đại ngày nay không thể bịt thông tin hoàn toàn được. Đặc biệt là khi sư Minh Tuệ sang Thái Lan. Thái Lan là xứ sở mộ đạo Phật nên rất ủng hộ sư Minh Tuệ. Nhà nước Việt Nam cũng hiểu điều này, cho nên giữa hai giải pháp (đưa ra nước ngoài và giữ lại Gia Lai) thì họ chọn giải pháp đỡ xấu hơn cho họ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng so sánh cách nhà nước đối xử với sư Minh Tuệ với cách họ đối xử với các tù nhân lương tâm : đẩy ra nước ngoài. Ở nước ngoài, các cựu tù nhân lương tâm có thể vẫn lên tiếng, nhưng ảnh hưởng trong nước được giảm thiểu tối đa.
Tuy nhiên, theo Luật sư Đặng Định Mạnh, đối với nhà nước, việc đưa hành giả Minh Tuệ ra nước ngoài chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa khắc phục được hoàn toàn mối nguy hại tiềm ẩn về an ninh cho chế độ. Vì sau khi hoàn thành chuyến đi, hành giả Minh Tuệ rất có thể sẽ trở về nước. Do đó, công chúng hoàn toàn có lý do để lo ngại rằng chế độ sẽ tiếp tục có biện pháp "cấm cửa" ông ấy trở về Việt Nam hoặc thậm chí áp dụng các biện pháp nặng nề hơn nữa.
Sư Minh Tuệ khó có thể ở lại Ấn Độ mãi mãi vì ông là công dân Việt Nam. Chắc hẳn dù có đến được Ấn Độ, trong tương lai ông sẽ phải trở về quốc gia mình là công dân. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, xét về mặt lợi ích thì nhà nước và giáo hội của nhà nước sẽ không muốn hành giả Minh Tuệ quay trở lại. Nhưng thời điểm đó còn xa. Ông Nguyễn Đình Thắng nhận định rằng công chúng sẽ phải đợi đến lúc đó để quan sát xem hành giả Minh Tuệ sẽ được đối xử như thế nào.
Dư Lan
Nguồn : RFA, 07/01/2025
Sau giai đoạn tu tập tại Việt Nam với nhiều lần bị gián đoạn, hiện nay sư Thích Minh Tuệ đang thực hiện một cuộc bộ hành qua nhiều nước với đích đến là đất Phật Ấn Độ. Ông đã xuất phát từ Việt Nam, đi bộ qua miền nam Lào rồi qua cửa khẩu Vang Tao để vào Thái Lan vào ngày 31/12/2024.
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 thuộc khu vực huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan. BBC News tiếng Việt đã có mặt tại tỉnh Ubon Ratchathani và có cuộc trao đổi với sư Minh Tuệ.
Sư Minh Tuệ trà lời phóng vấn của đặc phái viên BBC tiếng Việt trong một khu rừng ở Thái Lan
Bộ hành ở Thái Lan
BBC : Thưa nhà sư Minh Tuệ, ông có thể cho biết là đi bộ ở Lào và Thái Lan có khác gì với đi bộ ở Việt Nam không và khác như thế nào ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, đi bộ ở Lào với ở Thái thì nói chung là đều mệt mỏi cả, nói chung là đều rát chân. Ở Việt Nam cũng thế, nhưng ở bên Lào hay Thái Lan thì nói chung là mình còn đi bộ thoải mái được, mọi người không đi theo mình nhiều, [số người đi theo] ít thì mình có điều kiện. Còn ngày xưa ở Việt Nam thì đi bộ cũng giống như thế này, nhưng sau đó mọi người đi theo đông rồi lại khó khăn. Khó khăn là chỗ đông người thôi.
BBC : Hiện tại thời tiết bên Thái Lan khá nóng, sư có thể cho biết là đi bộ trong thời tiết nắng nóng như thế này có gì khó khăn không ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, nóng hay lạnh hay gì thì cũng khó khăn. Nhưng mà như con đi học tập thì cũng khắc phục được. Nói chung là bình thường cũng không khó khăn lắm, khắc phục khó khăn.
BBC : Một ngày sư sẽ khởi hành lúc mấy giờ và đi đến mấy giờ thì nghỉ ?
Sư Minh Tuệ : Ở đây có anh Báu [ông Đoàn Văn Báu, người trước đây được truyền thông Việt Nam giới thiệu là tiến sĩ tâm lí tội phạm] và anh Giáp [ông Lê Khả Giáp, một người từng đi bộ qua nhiều nước, nhà sản xuất nội dung trên các nền tảng số] giúp đỡ tìm chỗ ở và làm thủ tục giấy tờ. Chẳng hạn như đi qua Thái Lan thì họ cho đi 1.200km trong 60 ngày, thì trung bình mình đi từ 20-25km/ngày, phù hợp với thời gian quy định của nước Thái và vừa sức khỏe mình. Chứ bây giờ mà đi 50km/ngày rồi bữa sau hư chân hư cẳng cũng không được.
Sư Minh Tuệ chuẩn bị bộ hành, ảnh chụp ngày 5/1 tại tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan
Vai trò của ông Đoàn Văn Báu
BBC : Trên YouTube, ông Đoàn Văn Báu nói là đã đến xin sư đi cùng, đó có phải là lần đầu tiên hai người gặp nhau không ?
Sư Minh Tuệ : Ngày xưa ở Việt Nam thì con có đem tâm nguyện của mình lên mạng. Nói chung bất kì anh Báu hay ai giúp đỡ cũng được. Nhưng anh Báu đến giúp đỡ trước và đảm bảo. Chứ đã nhận anh Báu giúp đỡ rồi thì đâu nhận người khác được, đúng không ? Người ta đã giúp đỡ thì mình cũng vui vẻ. Họ làm tốt việc đó thì ai cũng bình đẳng giống ai, họ làm được thì cứ để cho họ làm, giúp đỡ.
BBC : Điều gì đã khiến sư tin tưởng ông Báu có đủ khả năng và đủ lòng để đi cùng với mình ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, con không biết anh Báu là ai. Con cũng không biết anh Báu là an ninh hay quân đội hay là người nông dân gì hết. Nhưng mà con thấy một người khi mình đem [tâm nguyện] lên mà họ chạy đến với mình trước, thì dường như là họ có niềm tin rằng họ làm được thì họ mới tới. Chứ không lẽ một người bảo là dẫn mình bơi qua sông mà họ không biết bơi thì người đó chắc chả dám chạy tới. Thì mình nói ở đây là cái chân thật của họ.
Con cũng không biết họ có hại mình, hay như có người nói là Việt cộng hay cái gì phản động, con chả cần biết. Nhưng mà chỉ cần giúp con thủ tục giấy tờ với lại đi thôi, còn những chuyện khác con không biết.
Con thấy bất kỳ ai mà đến trước thì con nói người đó [đi cùng] trước. Con không biết họ có làm được hay không, nhưng mà thấy họ đến trước còn những người khác chẳng qua họ đến sau, rồi họ nói tùm lum. Chẳng hạn như khi thấy được rồi thì lại nói người ta. Chẳng hạn như tại sao mình làm tốt sao mình không đến sớm.
Nói chung là ai đến trước thì mình thấy người đó tốt đẹp trước.
BBC : Từ ngày bộ hành từ Việt Nam đến nay cũng đã được gần một tháng, sư thấy việc đặt niềm tin vào ông Báu và ông Giáp có đúng không ?
Sư Minh Tuệ : Con cũng không nghĩ tới cái gọi là đặt niềm tin hay không đặt niềm tin. Chẳng hạn như các anh đang đảm bảo tốt thì đi, nhưng cái vô thường mình cũng không biết được, như ở trên đường anh ấy đau ốm hay vô thường nó tới thì sẽ có người khác giúp, hay là có chuyện gì… Chẳng hạn là ai cứ nói tôi làm được, nhưng mình bệnh chết hay những cái vô thường mình không nói được.
Mình thấy ngày hôm nay và ngày mai tốt đẹp cái đã. Biết ngày hôm nay là được rồi, đừng biết ngày mai. Nếu ngày mai không còn, kể cả con cũng thế, cứ nói là đang đi Ấn Độ nhưng mà chiều nay chết ngay thì làm sao đi nữa. Nhưng mà thấy đang tốt đẹp.
BBC : Vậy tức là từ ngày rời Việt Nam tới nay thì mọi chuyện đều tốt đẹp, có phải không ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, đều tốt đẹp, không có gì khó khăn cả, nói chung là đều khắc phục được.
BBC : Vậy còn cả đoàn gồm các sư khác, ông Báu, ông Giáp và những người hỗ trợ… thì có ai đau ốm gì không ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, ốm thì có ốm, nhưng mà ốm lặt vặt bình thường, chẳng hạn như sổ mũi, nhức chân, hay giẫm cái đinh hay cái gai hay thay đổi thời tiết, cái này bình thường. Họ đều khắc phục được cả, không sao.
Ông Đoàn Văn Báu (trái) luôn đi gần sư Minh Tuệ khi đoàn thực hiện bộ hành
Vì sao đi Ấn Độ ?
BBC : BBC có đọc được một lá đơn của sư nói rằng muốn đi tới Ấn Độ. Trước đó sư đã đi bộ hành ở Việt Nam được vài năm, xin hỏi vì sao bây giờ lại quyết định đi sang Ấn Độ ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, nói chung là tất cả đều do duyên. Đủ duyên thì mình đi, chưa đủ duyên thì mình chưa đi. Nhưng mà thấy thời này cũng đủ duyên rồi. Tất cả đều do nhân duyên, chết rồi thì không đi được. Nhưng mà vẫn còn sống tốt đẹp thì nên đi Ấn Độ.
Với lại ở Việt Nam mình cũng học rồi, đi ra nước ngoài, thế giới thì mình học được nhiều hơn. Đi nhiều học nhiều, học rộng. Mọi người cũng nên đi, đi được nhiều học nhiều thì mới mở mang được, chứ ở nhà trong lũy tre làng thì chả thoát ra được.
Học nhiều, mình biết được nhiều thứ hơn, học hỏi kinh nghiệm hơn về tất cả mọi cái.
BBC : Sư có nói về việc đã thấy "đủ duyên", sư có thể giải thích kỹ hơn rằng "đủ duyên" là như thế nào không ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, giống như thấy lúa chín rồi thì mình tới mình gặt chứ để rồi nó rụng đi.
Chẳng hạn bây giờ mình đang trẻ khỏe, mà ở Việt Nam thì mình đi rồi, học rồi, nhưng ở Việt Nam thì giờ đi lại khó khăn. Cơ hội ra ngoài thoải mái hơn, đủ điều kiện hơn thì mình nên đi, không để mai mốt già rồi lại khó đi, sức khỏe không cho phép hay là bệnh dịch tới.
Nên là đủ duyên và hợp thời thì mình nên đi để tranh thủ khi sức khỏe mình đang tốt nhất. Vì đường sá xa xôi và còn ra nước ngoài nữa nên nếu sức khỏe hạn chế thì lại khó khăn. Nên con thấy là đi sớm học hành thì tốt đẹp hơn.
BBC : Ở trên mạng có những ý kiến cho rằng ông Báu là người quyết định sư nào được đi cùng đoàn, sư nào không được. Sư nghĩ sao về việc ông Báu quyết định đi cùng, ai không đi cùng ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, anh Báu cũng có quyết định được. Tại vì cái gọi là các sư thì con không mời chào họ. Tại vì con với các sư phụ không phải là thầy trò đệ tử gì cả, cũng đều học Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng là đệ tử Phật cả, đều bình đẳng, anh em huynh đệ, hữu duyên thì đi cùng, không hữu duyên thì thôi.
Con đi ra nước ngoài như thế này là con đi nhưng anh Báu tổ chức làm giấy tờ, nhưng giấy tờ thì anh Báu không quyết định được, tại vì [tùy] vào pháp luật nước đó, hay quy định của Việt Nam, của Lào hay của Thái Lan. Cái này anh Báu nắm được nên tùy tình hình mà cho phép người đi, hay những người nào đi để học tập, rèn luyện được vì giờ con đâu có kêu rủ đâu.
Giờ con cũng không sử dụng điện thoại, không liên lạc được với vị nào muốn đi và không biết về mạng xã hội, nhưng anh Báu làm được cái đó.
Con cũng nói là theo quy định của pháp luật nước đó như thế nào thì anh Báu thấy tùy ý hợp thời mà tạo điều kiện được, tốt đẹp thì giúp đỡ cho họ đi. Với lại cũng xem xét trên mạng xã hội họ nói sư này như thế nào, sư kia như thế nào, đi để phá, hay chưa được, hay lung tung ra thì cũng không nên.
Con thì không biết cái đấy. Con nói là vị này đi được hay không con không quan trọng. Tất cả các sư đều bình đẳng, gặp trước đi trước, con là như thế, gặp sau đi sau, ai đi được thì đều tốt đẹp cả.
BBC : Nếu bây giờ nói là sư Minh Tuệ đã ủy nhiệm cho anh Đoàn Văn Báu việc lựa chọn thành viên của đoàn thì là đúng hay sai ?
Sư Minh Tuệ : Ủy nhiệm hay không, nhưng mà chỉ đi từ đây tới Ấn Độ thôi. Con nhờ anh Báu làm thủ tục giấy tờ. Nếu mà anh tự nguyện giúp đỡ đúng như nguyện hạnh của mình thì để anh ấy làm.
Đáng nhẽ là con chỉ xin mình con đi thôi, nhưng anh Báu biết được luật, cho thêm các sư phụ thì để cho anh tự sắp xếp. Giờ anh ấy hỏi thì con cũng nói là đều tốt đẹp cả.
Nhưng nếu như khi đang đi trên đường mà anh Báu làm ngược lại hay làm sai, chẳng hạn như dẫn đến những chỗ ở không đúng hạnh đầu đà, không đúng giới luật, như nhà nghỉ, nhà dân… thì con không cần anh Báu nữa.
Con cần người tạo điều kiện giúp đỡ mình và con cũng nói với anh Báu trước như thế, đảm bảo sức khỏe, đúng giới luật, cái học của mình, căn các nơi để nghỉ ngơi cho vừa sức.
Mình đi được 20 cây số mà đặt cái chỗ nghỉ 30 cây số thì kêu anh Báu đi chứ mình đâu đi nổi. Với lại cần đi ở cái chỗ mà mình khất thực được, phải phù hợp, chứ không phải dẫn bậy dẫn bạ. Ý là mình cố gắng mình đi nhưng khi mà không hợp lý nữa thì thôi. Cái đấy cũng không phải cứ nhất nhất như vậy.
BBC : Lý do BBC hỏi câu này là vì trên mạng có những người nói rằng ông Báu "vượt quyền", hay kiểm soát tất cả mọi người nên muốn nhờ sư giải đáp ?
Sư Minh Tuệ : Cái này thì chẳng hạn quy định ở nước Thái Lan là cho đoàn 10 người hay 15 người thì đâu thêm người được nữa.
Họ đi sau như quay YouTube hay làm cái gì là việc theo quy định không ảnh hưởng tới ai, nhưng mà chẳng hạn anh Báu đi, rồi người khác đi, rồi người khác đi nữa, cho đi theo rồi ai cũng chạy sang thành một đoàn dài như thế đâm ra lại ảnh hưởng lẫn nhau là không được.
Nếu như họ cho 15 người chẳng hạn thì 15 người đi theo đúng quy định của pháp luật thì được, nhưng mà nếu có thêm ai đi theo khiến họ trục xuất tất cả thì đâu được, cái đó cũng khó cho anh Báu. Nhưng anh làm cái đấy là để đảm bảo được, chứ không ai đi cả, rồi kéo theo một đoàn là không được.
Mọi người đều có quyền đi theo quy định của pháp luật, nhưng không ảnh hưởng tới ai. Chẳng hạn như những người khác đi theo mà ảnh hưởng đến con với mọi người và anh Báu thì cũng không được, hay ảnh hưởng đến luật pháp cũng không được.
Nói chung là mình làm đúng theo quy định của pháp luật thì mình được đi.
Còn anh Báu thì anh ấy cũng trong đoàn này thôi chứ anh chả có quyền hạn gì to. Như anh [nói với phóng viên BBC] cũng thế, nếu mà anh nói tôi có thể làm tốt hơn, làm visa tốt hơn, chạy đến nói với con thì anh Báu cũng để cho anh đi thôi.
Nếu mình có đủ khả năng nói rằng tôi đến đây để [đưa đoàn] qua Thái Lan, qua Myanmar, tôi có thể cho nhập cảnh, tôi có thể đi đối thoại với Bộ Ngoại giao, mà trong khi anh Báu làm không được, thì mình cũng có quyền để nói nhưng mà anh làm được cả thì để cho họ làm. Mình không nên gây rối họ làm gì.
Kế hoạch đi Ấn Độ
BBC : Được biết hành trình sang Ấn Độ của sư sẽ đi qua Myanmar, xin hỏi sư có lo ngại về vấn đề nội chiến ở Myanmar không ?
Sư Minh Tuệ : Không, nội chiến hay không nội chiến, con tới đó mà họ cho nhập cảnh thì con cũng đi hết. Con không lo, nhưng mà sợ họ không cho nhập cảnh, thì mình dùng phương án khác.
Nhưng mà kể cả chiến tranh hay không chiến tranh, cho nhập cảnh là con vào. Con không sợ chết, con vẫn mong cho mọi người hạnh phúc. Nhưng mà khi đến đó thì những người khác như anh Báu chẳng hạn, nếu tới đó sợ chết thì chạy về, mình con đi thôi có gì đâu.
BBC : Sau khi đến Ấn Độ thì sư có dự định gì ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, dự định đến học tập ở Ấn Độ một thời gian, nói chung là cũng không biết bao lâu. Con thì không có bó buộc thời gian, nên tập trung đảnh lễ học tập tìm hiểu Ấn Độ, đến Hi Mã Lạp Sơn có thể là tu hành ở núi, ở rừng một thời gian. Con cũng có ý nguyện bộ hành nữa.
BBC : Sư đã chọn được địa điểm để đi bộ hành đến chưa ?
Sư Minh Tuệ : Muốn đi đâu con không nói trước. Nhưng mà mình vẫn còn khỏe thì tiếp tục vòng quanh, nhưng chưa biết đi đường như nào.
BBC : Sư đã có dự định quay về Việt Nam, trước hoặc sau khi đến Ấn Độ chưa ?
Sư Minh Tuệ : Quay về Việt Nam thì nói chung cũng tốt đẹp, nhưng mà phải hữu duyên. Quay về cũng tốt đẹp, mà không quay về cũng tốt đẹp, chứ đâu phải nhất thiết mình phải quay về hay không. Cái đó tới duyên, còn duyên thì quay về, còn sống với cả có điều kiện.
Bộ hành thế giới cũng thế, có điều kiện [thì mới đi] chứ đâu nhất thiết đi được đâu. Nói chung tất cả cũng là vì nhân duyên chứ mình không nói trước được gì cả. Hôm nay bộ hành cái đã, ngày mai còn thở thì tiếp tục.
Sư Thích Minh Tuệ chia sẻ về dự định tu hành ở Ấn Độ
Tự nguyện dừng khất thực ?
BBC : Vào thời điểm ngày 2/6/2024, khi sư và đoàn đi theo đang bộ hành ở Huế thì bất ngờ không thấy đoàn đâu nữa. Đến sáng ngày 3/6 thì có những hình ảnh chụp sư đang làm căn cước công dân ở Gia Lai. Khi đó sư đi bằng cách nào từ Huế đến Gia Lai ?
Sư Minh Tuệ : Con thì cũng không muốn nói cái đấy. Nhưng mà nói chung là an ninh họ đem đi.
BBC : Trước đó thì an ninh có liên hệ hay báo trước với sư là tới lúc đó là sẽ di chuyển như vậy không ?
Sư Minh Tuệ : Những cái đấy thì con cũng không được rõ lắm, đó là việc của họ. Tại vì theo con nghĩ nếu lúc đó không có người dân đông thì họ đâu có đem đi.
Cái gì cũng đều do duyên, có nhiều người đi theo đông, chứ nếu mà không có những người Phật tử chạy theo thì cũng không có chuyện đó xảy ra. Nên tất cả mọi cái là việc tất yếu nó như thế thôi.
Nếu mà nói mục đích sâu xa hơn nữa thì lý do mất tích đem đi đó là do những người chạy theo đông mới như thế, mới đem đi, [bởi vì] ảnh hưởng an toàn giao thông.
Nếu mà mình không vi phạm giao thông hay an toàn trật tự thì mọi cái đã không có vấn đề gì. Cái đó mình cũng gọi là việc chủ quan với khách quan. Con nghĩ là cũng do duyên, cái này cái kia chứ mình cũng không trách ai hay nói gì cả. Buộc nó phải như thế, nhân quả nó xảy ra, nhưng mà cũng qua điều kiện như vậy mà mình có thể học tập, thử thách.
Nhưng mà họ làm việc gì với mình, mình không sân hận, không oán ghét họ, bình đẳng mong tất cả mọi người đều tốt đẹp.
BBC : Hồi đó, có phóng sự của VTV phỏng vấn sư phát vào ngày 8/6. Trong thời gian từ ngày 3/6 đến ngày 8/6, sư làm gì và ở đâu ?
Sư Minh Tuệ : Con ở Công ty Cà phê Ia Châm [huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai]. Ở đó tránh một thời gian để mọi người khỏi tới đông. Ở đó thì có mấy người nhà, có anh Tuấn, lúc đó đang làm chỗ công ty đấy, cho cơm, có mấy người trong công ty đó cũng cho bữa cơm. Thì mình tạm thời ở như thế sau đó thì đi khất thực.
Những lá đơn
BBC : Trên mạng và báo chí đăng hai lá đơn nói là của sư, một lá đơn là về việc sư không muốn mọi người đưa hình ảnh của mình lên mạng, một lá đơn thể hiện mong muốn đi Ấn Độ và có ai có thể giúp phần giấy tờ . Có những người cho rằng hai lá đơn đó không phải do sư viết. Sư có thể xác nhận hai lá đơn đó có phải là do mình viết hay không ?
Sư Minh Tuệ : Con thì không tự mình đưa hình ảnh [lên mạng], nhưng mà có nhiều người nói là đem hình ảnh của con rồi lên gây lung tung chuyện trên mạng. Con thì không cần biết mạng là gì.
Nhưng cũng có người chạy tới nói với con là viết cái lá đơn không đem hình ảnh thì con cũng viết lá đơn không đem hình ảnh.
Nhưng cũng có người chạy xin đem hình ảnh lên mạng, thì con cũng cho. Họ xin cái gì con cho cái đấy... nhưng mà phải đúng với quy định pháp luật.
BBC : Sư cho hỏi người đến nhờ sư viết lá đơn là ai vậy ?
Sư Minh Tuệ : Lá đơn ấy là con viết là thật.
Nhưng nói chung là họ đã xin và con đã cho rồi thì không nên hỏi ai nữa. Tại vì giờ con đã cho anh rồi thì con không có kiện cáo hay đòi hay không nuối tiếc nữa. Đã cho là không tìm đến.
Nên những cái đấy thì cũng thôi, xin không nên truy tới họ. Nhưng mà con có cho cái người đó.
Chẳng hạn như giờ con đang ngồi đây mà có người xin chém một nhát thì con cũng cho, nhưng không nói là ai chém rồi người ta lại tìm đến để đánh đập người đó thì đâu được. Mình đã cho người ta rồi mình không đòi nữa, mình không tìm nữa.
BBC : Vậy thì nội dung của lá đơn đó là sư tự viết hay cũng là người đó nhờ viết ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, nói chung là anh muốn như thế nào con viết cho anh như thế.
Con cũng nói với anh là không cần phải biết ai nói, cho ai. Cho rồi con không tìm nữa. Nhưng mà họ xin cái gì con cho cái đấy, chẳng hạn như anh tới xin phỏng vấn con cũng cho phỏng vấn. Nhưng ai hỏi ai tới con không biết, con cho người đó như thế nhưng con không biết người đó là ai. Con cũng không hỏi anh là ai nữa.
BBC : Vậy còn lá đơn sư muốn đi sang Ấn Độ là có người nhờ viết hay sư tự viết ?
Sư Minh Tuệ : Không, lá đơn mà đi Ấn Độ là tự con [viết], không ai nói cả. Tự mình đi mà, không cần thế lực nào, đó là tâm nguyện của mình.
Còn việc sử dụng hình ảnh là không phải tâm nguyện, mà đó là cái ở thế gian, cái phóng giật, cái lung tung thì họ mới xin, chứ có ai chạy tới nói đi Ấn Độ đâu.
Nên đi Ấn Độ ấy là tự con, nhưng cái đó con nghĩ là cái giá trị với cái tốt đẹp nhất đối với con hiện giờ.
Về cuốn sách Hương bay ngược gió
BBC : Thời gian gần đây có một cuốn sách viết về sư, tên là Hương bay ngược gió. Sư có biết đến cuốn sách này không ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, con có xem cuốn sách rồi, con giở ra một vài trang, nhưng con chưa đọc. Con không yêu cầu họ viết. Họ thấy tốt đẹp như thế nào, mang lại lợi ích, vui vẻ gì cho họ thì họ viết, đó là việc của họ, con không có ý kiến gì.
Con không đính chính là đúng hay sai. Nhưng mà con chỉ có nhiều cái làm chưa được, chẳng hạn như là con phát nguyện đi bộ nhưng mà rồi lại đi xe đấy.
Nhưng mà nếu họ muốn vẽ voi, vẽ chuột, hay muốn làm gì để họ hạnh phúc vui vẻ mà không ảnh hưởng tới ai thì họ cứ làm, con không kiện cáo hay đòi bản quyền, không nói gì hết. Ai thấy vui vẻ, họ muốn làm thì cứ làm.
BBC : Xin hỏi sư có được cuốn sách đó từ đâu ?
Sư Minh Tuệ : Cái đấy con không tự lấy được, nhưng lúc đấy có anh Hà, kênh YouTube Sơn Tây Phố, vào chỗ con gặp con thì anh ấy mua được cuốn sách đó. Anh ấy nhờ xem thì con mới biết tới cuốn sách đó. Lúc đó con đang ở Thiên Định Tuệ, ở tỉnh Gia Lai. Ngày mấy thì con cũng không biết, nhớ là ngày 16 hoặc 17/11 hay sao đó.
BBC : Sư đã đọc nội dung cuốn sách này chưa ?
Sư Minh Tuệ : Chưa, con chưa đọc.
BBC : Theo BBC được biết thì cuốn sách này hiện tại đã bị cấm xuất bản ở Việt Nam...
Sư Minh Tuệ : Vâng, cấm thì thôi. Tại vì đối với con thì không cấm cũng tốt đẹp mà cấm cũng tốt đẹp… Tại vì mình cũng đâu cần thiết mấy cái đấy đâu. Mấy cái đấy cái lung tung.
Nhưng mà con cũng khuyên mọi người là viết sách hay tranh ảnh hay cái gì mà ảnh hưởng đến ai thì mình không nên làm. Những cái như giữ giới, đừng trộm cắp, đừng nói láo… thì tốt đẹp.
Sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành nghỉ trưa ngày 4/1/2025
Nhiều người đi theo ở Việt Nam
BBC : Cách đây vài năm, khi sư đi bộ hành ở Việt Nam thì không có nhiều người chú ý như bây giờ. Sư cảm thấy thế nào khi mình đột nhiên được chú ý như vậy ?
Sư Minh Tuệ : Cái đấy thì con cũng thấy bình thường thôi. Cái đấy là con cũng thấy là cái nghiệp quả để mình học, mình thử thách thôi.
Tại vì đông người rồi thì cái tham của mình được nhiều người tới rồi cung kính, rồi yêu mến, rồi ủng hộ để xem mình như thế nào. Nhưng mà mình thấy cái đấy bình thường, coi như là cảm ơn tất cả mọi người, cái món quà tốt đẹp.
Nhưng mà con cũng nghĩ là mình chưa xứng đáng để nhận cái món quà to lớn như thế. Thôi mình im lặng vì mình cũng thấy bình thường.
Con cũng nghĩ là giờ họ chạy tới họ hoan nghênh với mình như thế, họ chào đón mình hay là giờ họ chạy đến đánh đập, chửi mắng mình, bắt nhốt mình… thì con cũng thấy như nhau, bình thường. Nói chung là để mình rèn luyện cái tâm của mình không dao động.
Nói chung là có cũng bình thường, không có cũng bình thường.
BBC : Hôm mà sư nói là an ninh đưa đi vào đêm 2/6/2024, khi đó đoàn cũng lên đến vài chục người. Lúc đó sư có biết các sư khác ở đâu và có lo lắng khi đoàn bị tách ra như vậy không ?
Sư Minh Tuệ : Vâng, con [lúc đó] nói chung là cũng có dao động chứ không phải là không. Nhưng mà con cũng nghĩ là tội cho các sư phụ, các vị đi như thế này.
Nhưng mà con nghĩ là mình làm những việc không lỗi lầm, tại vì mình không có sát sanh, không có trộm cắp, không có ai kiện cáo hay là ai nói gì, chỉ có đi theo rồi đông người, ảnh hưởng an toàn giao thông mất trật tự.
Đi như thế con cũng nói là mong cho các sư phụ được tốt đẹp chứ đừng có xảy ra như thế. Con cũng muốn nói với họ là thôi bắt mình con đi thôi, để cho họ thoải mái, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Vậy cũng không có sao.
BBC : Khi sư nói như vậy thì họ phản ứng như thế nào ? Hoặc khi đưa sư đi thì thái độ và cách cư xử của họ là như thế nào ?
Sư Minh Tuệ : Con thấy họ cũng tốt đẹp bình thường, họ cũng nói bình thường tốt đẹp.
Nhưng mà con cũng nói rồi, con bây giờ là một người tu hành, không liên quan gì đến chính trị, xã hội, an ninh gì cả. Nhưng mà họ là chính quyền thì họ muốn làm gì thì họ làm, mình là nông dân mình nói gì được.
Anh muốn đem [đi] thì đem [đi], hay là muốn cái gì cũng được, mình cũng vui vẻ, mình cũng tư duy là tất cả những cái đó đều thuộc về đảng phái, chính trị, công việc của họ. Họ muốn làm thì họ làm, họ không làm thì thôi, cái đấy mình cũng không có ý kiến, hay nói là "tôi phải như thế này, tôi phải được cái này, tôi phải được cái kia" gì hết.
Con nói là "anh thấy hợp thời vui vẻ thì anh làm, anh muốn đi đâu cũng được", tùy họ, thích đem [đi] thì đem [đi], mà không thích thì thôi. Đấy là việc làm của họ. Họ ưng thì họ làm, con cũng không kiện cáo, cũng không nói là đáng nhẽ tôi phải ở chỗ này chỗ kia. Cái đấy là niềm vui của họ, mà họ thấy là họ làm như thế này là đúng, là hợp thì làm. Tại vì cái đấy là bên đảng, cơ quan nhà nước, mình không biết gì cả. Cái đấy thì tùy chứ con cũng không oán hận họ, không kiện cáo với họ gì cả.
BBC : Thưa sư Minh Tuệ, do đoàn dự kiến tiếp tục bộ hành nên BBC xin phép kết thúc phỏng vấn tại đây. Tuy nhiên, BBC có thể xin ngày mai quay lại phỏng vấn thêm được không ạ ?
Sư Minh Tuệ : Khi nào hợp thời thì cứ phỏng vấn. Phỏng vấn cả ngày, nói chung khi nào cũng được.
Tại vì con nói toàn sự thật như thế, con cũng không có giấu giếm gì cả. Tại vì con chả lo lắng điều gì nữa. Được sống ngày nào thì bộ hành, tu hành, mà không được thì thôi chứ con cũng không lo lắng chỗ này chỗ kia.
Nên là mọi người có duyên, đủ duyên thì gặp thoải mái. Nhưng mà phải có chỗ nghỉ ngơi như thế này thì được.
Nhưng mà giữa đường thì không nên. Không nên tụ tập những chỗ mà gây đông người hay gây chú ý gì ai. Mọi người thấy phỏng vấn mà đem lại lợi ích, đem lại hạnh phúc, vui vẻ cho mình thì cứ làm.
Nguồn : BBC, 06/01/2025
'Đủ duyên thì đi, con không sợ chết'
Trên đất Thái Lan, nhà sư Thích Minh Tuệ đã có những chia sẻ với BBC News tếng Việt về hành trình tu tập, giải thích các chi tiết và vấn đề đang gây tranh luận.
Sư Thích Minh Tuệ nghỉ trưa và trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt tại tỉnh Ubon Ratchathani
Buổi sáng, chúng tôi xuất phát từ thủ phủ Ubon Ratchathani của tỉnh cùng tên tại vùng đông bắc Thái Lan, đi về hướng đông theo đường 217.
Đó là ngày 3/1/2025 và mục đích chuyến đi của chúng tôi là gặp đoàn bộ hành của nhà sư Thích Minh Tuệ. Từ Lào, ông cùng đoàn đã băng qua cửa khẩu Vang Tao để tiến vào đất Thái Lan vào đúng ngày cuối cùng của năm 2024.
Người đàn ông nhỏ nhắn, không giữ bất kỳ một vị trí quyền lực nào, không có tài sản nào đáng giá, trong khoảng gần một năm qua đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ của hàng triệu người Việt Nam. Cũng chính con người này, chỉ bằng lối tu tập dung dị của mình, đã khiến các hội đoàn phật giáo của nhà nước bao phen rung chấn. Hệ thống chính trị cũng vào cuộc.
Giờ đây, sau những ngày tu tập với nhiều trắc trở ở Việt Nam, ông đang trên đường bộ hành tới nơi đạo Phật phát khởi : Ấn Độ.
Khoảng gần 9 giờ sáng, chúng tôi gặp đoàn của sư Minh Tuệ đi bộ trên quốc lộ 217. Lúc này trời đã nắng nóng nhưng đoàn đi bộ rất nhanh. Những bước chân trần thoăn thoắt trên mặt đường nhựa đang được nung lên dưới ánh mặt trời chói chang.
Chúng tôi dễ dàng nhận ra ông Đoàn Văn Báu luôn đi bên cạnh nhà sư Minh Tuệ. Ông Báu, một cựu sĩ quan an ninh, từng được báo chí trong nước giới thiệu là chuyên gia tâm lý tội phạm. Trong chuyến đi này, ông Báu luôn giới thiệu mình là người cùng đi theo đoàn do ngưỡng mộ sư Thích Minh Tuệ, nhưng đã có nhiều tranh cãi liên quan tới vai trò của ông. Trên mạng xã hội, có nhiều cáo buộc rằng ông là người của nhà nước được lực lượng an ninh cài vào để kiểm soát các hoạt động của chuyến đi bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đoàn bộ hành đi theo sư Minh Tuệ trên đất Thái Lan
'Hãy hỏi anh Báu'
Chúng tôi đi theo đoàn, tây tiến dọc theo quốc lộ 217. Lúc bấy giờ đoàn đang ở trên địa phận huyện Phibun Mangsahan của tỉnh Ubon Ratchathani. Đây là tỉnh nằm xa nhất về phía đông của Thái Lan, giáp với tỉnh Champassak và Salavan của Lào. Thủ phủ của tỉnh là thành phố cùng tên Ubon Ratchathani, mang nghĩa 'thành phố hoa sen của hoàng gia'. Thành phố nằm bên bờ sông Mun, một phụ lưu của sông Mekong.
Dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài người tới đảnh lễ sư Minh Tuệ, chủ yếu là người Thái gốc Việt hoặc người Lào gốc Việt.
Anh Bounmee, tên Việt là Hiếu, là người gốc Sài Gòn đã sống ở Lào được hơn 20 năm. Xuất phát vào sáng sớm từ thủ đô Viêng Chăn của Lào, anh đã chạy xe xuống Ubon Ratchathani để đảnh lễ sư Minh Tuệ vì "ngưỡng mộ cách tu của thầy".
"Cách tu của thầy thể hiện đúng con người có Phật pháp, phù hợp với văn hóa của Lào và Thái Lan. Mình theo Phật giáo tiểu thừa, mình ngưỡng mộ điều đó và luôn ủng hộ cách tu chân chính của thầy", anh Bounmee nói với BBC News tiếng Việt.
Bà Phan Thị Mùi, cũng là một Phật tử gốc Việt tại Lào, chia sẻ : "Giống như bao Phật tử khác, tôi thấy ngưỡng mộ cách tu tập của thầy. Tôi không rõ mình tới có làm phiền thầy hay ảnh hưởng tới sự tu tập của thầy hay không, nhưng được đi thế này, được đảnh lễ với thầy thì thấy vui lắm, thấy lòng nhẹ nhõm".
Dọc hành trình, chúng tôi cũng có dịp nói chuyện với ông Therawat, người mà trong một video trước đây ông Đoàn Văn Báu từng nói là "được Hoàng gia cử đến".
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi bằng tiếng Việt, ông Therawat nói ông chỉ là tình nguyện viên đi cùng sư Minh Tuệ và nếu chúng tôi muốn quay phim, chụp hình hay phỏng vấn gì thì "hãy hỏi anh Báu". Khi chúng tôi hỏi lại về việc liệu ông có phải cảnh sát Thái Lan hay không, ông không xác nhận đúng hay sai, nêu lý do rằng nội dung ông nói có thể bị truyền thông bóp méo. Ngày hôm sau thì ông lại nói với chúng tôi rằng ông đi theo đoàn chỉ với tư cách cá nhân, không đại diện cho bất kỳ cơ quan nào.
Chúng tôi cũng thấy có một chiếc xe hơi màu trắng đi theo sau đoàn, trên xe có 4 người. Khi chúng tôi hỏi liệu họ có phải cảnh sát hay không, họ nói không. "Vậy xin hỏi các anh có phải tình nguyện viên không ?" chúng tôi hỏi. Những người này nói phải, sau đó có một người nói "gần như vậy", rồi một người nói tiếp : "Có gì thì hỏi anh Báu". Họ không tiết lộ thêm thông tin, chỉ nói rằng họ ở đây chủ yếu để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Therawat cũng giới thiệu chúng tôi với ông Lê Khả Giáp, một người từng bộ hành qua nhiều nước và khá nổi tiếng trên mạng xã hội.
Theo lời ông Therawat và ông Giáp, nếu chúng tôi muốn phỏng vấn thì phải "xin phép" ông Báu. Khi hỏi ông Báu có phải trưởng đoàn không, cả hai người đều không xác nhận, nhưng nói rằng anh Báu chịu trách nhiệm cho việc đó.
Khi ông Báu xuất hiện, một người tự xưng tên Hùng đã kéo ông Therawat đi, để chúng tôi nói chuyện trực tiếp với ông Báu. Về sau, khi chúng tôi nói chuyện với người đàn ông tên Hùng này, ông đã nói rằng mình chỉ đi theo hỗ trợ ông Báu.
Ông Đoàn Văn Báu (áo đen) đi bên cạnh sư Minh Tuệ
Điều kiện của ông Đoàn Văn Báu
Chúng tôi tới gặp đoàn của sư Minh Tuệ với mục đích công khai và rõ ràng : đó là phỏng vấn, quan sát, quay phim, chụp hình cho mục đích báo chí. Chúng tôi luôn nói điều đó với những người được phỏng vấn, để họ biết rõ rằng câu trả lời và hình ảnh của họ có thể sẽ xuất hiện ở đâu. Chúng tôi không đến đây với một camera giấu kín.
Trước khi đến, chúng tôi được biết có một nhóm phóng viên từ đài RFA của Mỹ đã tiếp cận đoàn. Tuy nhiên, theo lời của nhóm này thì ông Đoàn Văn Báu đã không cho họ thực hiện cuộc phỏng vấn đối với sư Minh Tuệ.
Chúng tôi cũng muốn xác định tính chất của đoàn bộ hành, rằng đây là một đoàn do nhà nước Việt Nam tổ chức và ông Báu là trưởng đoàn, hay là một đoàn tu tập không có tính chất nhà nước. Bởi vì, nếu là một đoàn tu tập thông thường và ông Báu không được sư Minh Tuệ ủy nhiệm làm đại diện, thì chính nhà sư mới là người quyết định có trả lời phỏng vấn hay không. Ông Báu không có "quyền tài phán" đối với quyết định của người khác, một khi đây đã là lãnh thổ Thái Lan.
Khi trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Báu nói rằng chúng tôi có thể phỏng vấn sư Minh Tuệ với điều kiện : ông Báu sẽ quay phim khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn và chúng tôi không được hỏi về chính trị.
Ông Báu nói ông muốn quay phim lại cuộc phỏng vấn để phòng khả năng chúng tôi xuyên tạc nội dung, điều mà, với nguyên tắc báo chí chặt chẽ, chúng tôi không bao giờ làm.
Điều thứ nhất (quay phim) thì không vấn đề gì, chúng tôi chỉ lưu ý rằng ông Báu được quay nhưng không được đăng. Chúng tôi đưa ra yêu cầu này trên cơ sở đây là nội dung báo chí do BBC thực hiện, do đó bản quyền thuộc về BBC.
Với điều thứ hai – không phỏng vấn về chính trị, chúng tôi nói với ông Báu rằng chúng tôi sẽ hỏi những câu hỏi đúng với chức năng, nhiệm vụ và quyền của nhà báo mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tất nhiên là nhà sư Minh Tuệ có quyền trả lời hoặc không trả lời.
Đáp lại, ông Đoàn Văn Báu nói rằng chính trị là chủ đề không nên hỏi tới. Theo ông, nhiều người đã xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam không cho sư Minh Tuệ bộ hành dù sư đã đi bộ khất thực vài năm. Ông Báu cũng nói rằng chúng tôi có 15 phút để phỏng vấn vào lúc đoàn nghỉ trưa, bao gồm cả khâu chuẩn bị thiết bị. Về phía mình, chúng tôi vẫn bảo lưu lập trường, rằng sư Minh Tuệ sẽ quyết định trả lời nội dung nào và trong bao lâu. Quyền đặt ra câu hỏi nào vẫn thuộc chúng tôi, những người đến đây với tư cách công khai là tác nghiệp báo chí.
Về sau, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn sư Minh Tuệ và hỏi ông về vai trò của ông Báu. Theo nhà sư thì ông Báu có vai trò giúp đỡ đoàn trong khâu giấy tờ thị thực và một số vấn đề khác. Còn chuyện phỏng vấn thì nhà sư Minh Tuệ nói rằng phóng viên có thể phỏng vấn bao lâu tùy thích, "cả ngày cũng được".
Về phần ông Báu, vào hôm sau (ngày 4/1), khi trả lời phỏng vấn BBC, ông đã nói rằng mình là "trưởng đoàn", và rằng ông đã xin phép chính quyền, công an tại Việt Nam trước khi thực hiện chuyến đi. Ông cũng nói mình đã nghỉ công tác trong lực lượng công an từ năm 2023.
Cuộc trò chuyện dưới tán rừng
Trái với không khí mang tính chất kiểm soát mà chúng tôi cảm nhận ở bên ngoài khi trao đổi với ông Báu, một khi đã gặp sư Thích Minh Tuệ, mọi việc liền trở nên nhẹ nhàng và cởi mở, như chính ấn tượng sẵn có của chúng tôi về nhà sư qua các video về ông trên mạng.
Nhà sư nói chuyện thoải mái, giải thích những lý do đằng sau các quyết định của ông, chia sẻ những điều mà trước nay còn nhiều tranh luận nơi công chúng do không có đủ thông tin.
"Đi bộ ở Lào và Thái Lan thì nói chung là đều mệt mỏi như ở Việt Nam, chân đều bị đau rát. Nhưng ở bên Lào và Thái Lan thì mình đi bộ thoải mái được, mọi người không đi theo mình nhiều. Còn ngày xưa ở Việt Nam thì đi bộ cũng giống như thế này, nhưng sau đó mọi người đi theo đông rồi lại khó khăn. Khó khăn là chỗ đông người thôi", nhà sư chia sẻ.
Sư Minh Tuệ cũng nói rằng việc ông quyết định lên đường tới Ấn Độ đều là do duyên.
"Tất cả đều do duyên. Đủ duyên thì mình đi, chưa đủ duyên thì mình chưa đi. Giờ thấy cũng đủ duyên rồi. Tất cả đều do nhân duyên, chứ chết rồi thì không đi được. Giờ vẫn còn sống tốt đẹp thì nên đi Ấn Độ. Với lại ở Việt Nam mình cũng học rồi, giờ đi ra nước ngoài, ra thế giới thì mình học được nhiều cái hơn. Đi nhiều mới học được nhiều, mới mở mang được. Chứ ở nhà trong lũy tre làng thì không thoát ra được".
Ông nói rằng nhân duyên thì cũng giống như lúa, "đến lúc chín thì gặt thôi".
Trên đường bộ hành đến Ấn Độ, dự kiến đoàn sẽ đi qua Myanmar, nơi đang có chiến tranh. "Con tới đó nếu mà họ cho nhập cảnh thì con đi hết. Con không lo, nhưng nếu họ không cho nhập cảnh thì dùng phương án khác. Kể cả có chiến tranh hay không chiến tranh thì cho nhập cảnh là con vào. Con không sợ chết. Con vẫn mong cho mọi người hạnh phúc, nhưng mà khi đến đó thì những người như anh Báu chẳng hạn nếu sợ chết thì về, còn mình con đi thôi", sư Minh Tuệ nói.
Nhà sư cũng chia sẻ rằng khi đến đất Phật, ông sẽ tiếp tục tu học, có thể sẽ đến vùng Himalaya để tu. Còn khả năng trở lại Việt Nam thì, theo lời ông, "Quay về Việt Nam nói chung cũng tốt đẹp. Nhưng mà phải hữu duyên".
Trở lại vấn đề tu tập khi đang còn ở Việt Nam, sư Thích Minh Tuệ đã xác nhận rằng lúc ông đột ngột dừng bộ hành tại Huế vào đầu tháng 6/2024 là do "an ninh đem đi". Ông còn nói rằng một lá đơn đề nghị không phát tán hình ảnh của ông trên mạng mà báo chí công bố trước đây là do ông viết, nhưng "có người nhờ".
Nhà sư cũng khẳng định ông Đoàn Văn Báu có vai trò giúp đỡ thủ tục, giấy tờ để đi qua các nước. Tuy nhiên, tất cả đều là tự nguyện và không có sự bó buộc nào. Nếu ông Báu không đi theo nữa cũng không sao.
Sư Minh Tuệ tại tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan
Trong suốt cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Đoàn Văn Báu luôn có mặt và lặng lẽ quay phim lại toàn bộ. Ông không nói gì trong suốt thời gian đó.
Nguồn : BBC, 05/01/2025
Tháo gỡ vòng kim cô kiểm soát tôn giáo trong hành trình của sư Minh Tuệ
Gió Bấc, RFA, 04/01/2025
Ngày xưa Trần Huyền Trang bị 81 kiếp nạn, ngày nay sư Minh Tuệ chỉ bị một kiếp nạn từ một nguồn duy nhất nhưng kiếp nạn này kéo dài mãi đến khi sư đắc đạo. Ngày xưa, Quan Thế Âm Bồ Tát gắn kim cô giúp Đường Tăng khống chế Tôn Ngộ Không. Ngày nay, thế lực bí ẩn nào đó đã cài đặt Đoàn Văn Báu để quản chế sư Minh Tuệ. Thế lực đen ấy muốn bóp chết tự do tôn giáo, che mờ ánh sáng Phật pháp, kích động và đánh lừa người dân vào những lầm mê.
Sư Thích Minh Tuệ (giữa) và ông Đoàn Văn Báu (phải phía sau) khi vào Thái Lan hôm 31/12/2024. RFA
Tin đoàn bộ hành sư Minh Tuệ đến Thái Lan làm nhiều người bừng lên hy vọng. Các YouTuber trong đó có cả những người từng giao duyên và quay clip Sư Minh Tuệ trước khi nổi tiếng như Nhân Gà Vlog, Tuấn Container, đã chực chờ ở cửa khẩu Thái Lan hy vọng tiếp tục quay hình ảnh hành trình và câu chuyện phẩm hạnh, pháp hành cao quý của Sư. Phía gia đình Sư Minh Tuệ cũng gửi ba người gồm cả hộ pháp và YouTuber sang Thái tham gia đoàn. Quá chán ngán hình ảnh do Báu độc quyền chỉ có cái lưng, những bước chán chản vô hồn của các sư, công chúng mong sẽ được xem, nghe hình ảnh, câu chuyện cận cảnh của các sư.
Đoàn bộ hành của sư Thích Minh Tuệ trên đất Thái Lan – DieuHanhVlogs
Khống chế thành viên, độc quyền truyền thông
Nhưng tất cả đều thất vọng. Đoàn Văn Báu vẫn lấy cớ phải theo danh sách đã đăng ký, đóng cứng con số thành viên 10 người, không cho bất cứ ai tham gia đoàn bộ hành. YouTuber Nhân Gà và Tuấn Container chỉ được đảnh lễ Sư trong thoáng chốc và ngậm ngùi rời Thái Lan, Thái Tâm đụng độ nảy lửa với Báu và hậm hực quay xe trong tâm thế kẻ bại trận.
Một số YouTuber kiên trì bám lại phải tác nghiệp từ xa hàng trăm mét, đứng bên đường quay hình đoàn bộ hành. Mỗi ngày vài ba lần hét lên tuyệt vọng ba từ "Con chào thầy !" chứng minh sự hiện diện của mình mỗi lần sư đi ngang qua. Tất cả các YouTuber đều cam phận xào đi nấu lại những khuôn hình, nguồn tin về đoàn bộ hành, về sư Minh Tuệ do Báu độc quyền phát hành. Hình ảnh Báu ngất ngưởng chiếm hết các kênh truyền thông với bao lời nịnh nọt như một người hùng.
Báu tự giới thiệu là "trưởng đoàn được nhà nước phân công", mặc nhiên làm người phát ngôn cho sư Minh Tuệ. Công chúng không được nghe lời Sư nói, chỉ biết ý kiến sư Minh Tuệ qua cái miệng truyền đạt của Báu. Nhiều người mù quáng tung hô khen ngợi Báu ngay cả những việc làm trái với ý nguyện của sư Minh Tuệ và trái với giáo pháp. Ở Thái Lan, sư Minh Tuệ đã cho phép sư Minh Khổ tham gia đoàn nhưng đi mới được một ngày Báu đã tự ý ép buộc Minh Khổ rời đoàn quay về Việt Nam với những lòi kết tội nặng nề phạm giới, không đủ hạnh. Báu cũng trích dẩn ý kiến sư Minh Tuệ cho rằng sư Minh Khổ "thiếu kham nhẫn".
Tùy ý giết tha như cai ngục với tù nhân
Tuy đoàn bộ hành chưa chính thức là Tăng đoàn nhưng với thành phần chủ yếu là các nhà sư cùng bộ hành theo mục đích tâm linh, tuân theo hạnh đầu đà, thì mọi sinh hoạt, ứng xử phải theo giáo luật từ bi đối với Tăng đoàn. Theo Luật Tạng (Vinaya Pitaka), việc kết luận một tu sĩ phạm giới phải do Tăng đoàn (Sangha) là thẩm quyền cao nhất, thông qua các cuộc họp chính thức (Yết ma).
Một cá nhân, dù là cư sĩ hay xuất gia, không có quyền kết luận một nhà sư phạm giới. Huống hồ chi Báu là người ngoại đạo. Việc tố cáo và kết tội phải tuân theo quy trình được quy định trong Luật tạng. Phải có hành vi cụ thể vi phạm một điều trong giới luật. Phải có chứng cứ rõ ràng chứng minh hành vi vi phạm. Việc xét xử và kết luận phạm giới phải tuân theo quy trình, cuộc họp Tăng đoàn, thẩm vấn các bên liên quan, và biểu quyết của Tăng đoàn. Người bị xem xét phạm giới được dự họp và trình bày tự bảo vệ mình.
Việc sư Minh Khổ không có tên trong danh sách (nếu danh sách này có thật) là việc thế tục. Mốn đưa sư Minh Khổ ra khỏi đoàn bộ phải do sư Minh Tuệ và cả đoàn quyết định theo các thủ tục nhất định. Người ngoại đạo cần tôn trọng các quy tắc và truyền thống và đạo pháp. Ở đây, những yếu kém, phạm giới hay phạm hạnh đầu đà của sư Minh Khổ không ai có chứng cứ nào, tất cả đều do lời truyền miệng từ cáo buộc của Báu. Hơn thế nữa, Báu còn kêu gọi cộng đồng mạng ai biết được sai phạm của sư Minh Khổ thì thông tin cho Báu giống như cán bộ đội cải cách ruộng đất phát động quần chúng đấu tố địa chủ ác ôn (1). Cách làm của Báu giống công an trừng trị tù nhân hơn là hộ pháp ứng xử với nhà sư.
Nhưng công chúng ít người thấy điều đó và vẫn tung hê Báu như thần như thánh. Youtuber Tuấn Container tình cờ gặp và quay clip sư Minh Khổ ở Pakse trên đất Lào. Nội dung clip thể hiện Sư Minh Khổ kể việc Báu dùng tình nguyện viên Lào đưa sư đến cửa khẩu Thái Lan. Người này lấy passport của sư đưa cho nhân viên và nhân viên Thái Lan đưa sư sang cửa khẩu Lào. Sư Minh Khổ quyết quay lại Thái Lan đi theo đoàn dù đi sau một vài km và sẵn sàng xả bỏ nhục thân. Tuấn và mấy người dân Lào khuyên sư quay lại Việt Nam nhưng sư vẫn quyết tâm. Quyền lực và ảnh hưởng truyền thông của Báu mạnh đến mức sau khi đăng clip. Chỉ bao nhiều đó, Tuấn bị dư luận tấn công và phải đăng một clip khác để trần tình (2).
Sau đêm bị đàn áp oan nghiệt 3/6/2024, dù bị quản chế tại địa phương, dù bị truy đuổi, chặn bắt trên khắp nẻo đường, nhiều vị sư vẫn kiên trì giữ giới, hạnh đầu đà tiếp tục bộ hành hướng về sư Minh Tuệ. Hơn 6 tháng thử thách, bị trấn áp, đầy đuổi, áp giải, quản chế, tịch thu y áo… các vị sư vẫn giữ được Phật nguyện, đã vượt qua chướng ngại, đã có bước tiến lớn trên đường tu tập. Các vị sư này hẳn đã xứng đáng, đủ bản lĩnh tham gia đoàn.
Xuyên suốt từ trước đến nay, sư Minh Tuệ luôn khẳng định sư phát nguyện bộ hành, không mời ai đi theo nhưng cũng không cấm ai, mọi chuyện tùy duyên miễn sao tốt đẹp. Thế nhưng, qua đến Thái Lan, Báu đã phát một clip độc thoại đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn "các sư nhỏ" theo Báu nói "tôi đã bàn với thầy Minh Tuệ". Những tiêu chuẩn Báu đưa ra là : phải giữ giới, phải tinh tấn, phải đủ quyết tâm, phải có sức đi bộ hành bằng chân, không đi dép. Báo công bố đã chọn được 9 người sẽ bổ sung làm thủ tục. Đặc biệt, ông còn kêu gọi công chúng bình chọn và giới thiệu thêm (3). Những vị sư được Báu nêu tên vô cùng hoan hỉ. Sư Minh Dược trân trọng đảnh lễ từ giả cha mẹ. Công chúng được mời tham gia bình chọn sư như chấm thi hoa hậu cũng nức lòng tham gia bàn tán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những nhà sư đang bị nhà nước quản chế nghiêm nhặt, thông tin bị bưng bít, hiểu biết Phật pháp của công chúng bị hạn chế, ngay cả ông Báu cũng nhầm lẫn giữa Giới và Hạnh, việc cộng đồng bình chọn sư nghe có gì đó sai sai. Việc bình chọn có thể tạo ra hiệu ứng đám đông, dẫn đến những quyết định cảm tính và thiếu căn cứ. Việc hai vị sư Tâm Dũng, Như Ngộ vốn được công chúng mến mộ qua phong thái từ bi khiêm ái và thái độ bi trí bị ông Báu gác lại do có tin tố cáo "phạm giới" khi đi hành hương đã xuất gia ở một chùa Ấn Độ là dẩn chứng điển hình. Sư Minh Đạo lấy giáo luật thực tế Việt Nam cho là hai sư đã sai. Sư ông Hiếu Hiền từ Ấn Độ cho rằng xuất gia thọ giới để chính thức tu học là chuyện bình thường. Nhiều người khuyên hai sư kiên nhẫn chờ. Hai sư muốn chúng minh trong sạch đã phát tâm xả bỏ giấy tờ và nghi thức xuất gia… (4).
Báu là công cụ kiểm soát tôn giáo !
Youtuber Thành ở Gia Lai đăng clip cho biết được Báu giao tổ chức xe đưa các sư ra cửa khẩu Bờ Y làm thủ tục. Nhiều cuộc chia tay hoan hỉ, đẫm nước mắt, ngậm ngùi, đã diễn ra. Thế nhưng, cuối cùng con số 9 "sư nhỏ" được bổ sung chỉ là cái bánh vẽ. Ngày 2/1, Báu công bố chốt lại chỉ bổ sung 3 sư mà không công bố lý do. Báu cũng tóm tắt triết lý vụn vặt tính thiên mệnh hay duyên nghiệp của con số 10 thành viên mà Báu đã chốt hạ trước đó (5).
Trong số 6 sư bị rớt lại có sư Minh Dược, người đã long trọng đảnh lễ cha mẹ. Theo clip của Nguyễn Thị GL thông tin, công an cửa khẩu giải thích công an địa phương nơi cư trú có công văn đề nghị không cho sư Minh Dược xuất cảnh. Ngày 3/1, sư Minh Dược đã đến công an xã nơi cư trú thì được trả lời là địa phương không biết gì về việc này (6).
Sự kiện chênh lệch 9 thành 3 này là minh chứng cho thấy, Thượng tá công an Đoàn Văn Báu đầy quyền lực nhưng chưa phải là người quyết định cuối cùng trong việc áp giải sư Minh Tuệ. Đoàn Văn Báu không phải là tình nguyện viên, là thiên thần, hộ pháp cho sư Minh Tuệ mà đang thực hiện nhiệm vụ của ai đó phân công.
Báu không phải thích du hành như Lê Khả Giáp. Báu không sùng đạo. FB của Báu chuyên quảng cáo bán xe. Trước ngày sư Minh Tuệ công bố thông tin cần người hỗ trợ pháp lý, thủ tục đi bộ hành, Báu không có thông tin, không biểu thị nào thể hiện sự quan tâm đến sư. Vậy động cơ nào Báu tình nguyện tham gia hành trình gian khổ ?
Trong một clip trần tình, Báu tự khai đã xin ngừng sinh hoạt Đảng 1 năm, dừng công việc kinh doanh để tham gia bộ hành. Theo điều lệ Đảng, ngưng sinh hoạt Đảng 3 tháng sẽ bị khai trừ. Sư Minh Tuệ và tăng đoàn bị bắt, bị phán tán, quản thúc tại gia. Báo nhà nước bị cấm đăng tin bài, sách viết về sư Minh Tuệ bị cấm xuất bản. Giáo Hội nhà nước không công nhận Minh Tuệ là tu sĩ. Ban Tôn Giáo chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho dân chúng hiểu. Chi bộ nào dám cho phép đảng viên Báu ngừng sinh hoạt một năm để làm tình nguyện viên hộ vệ cho sư Minh Tuệ đi ra nước ngoài ?
Sư Minh Tuệ bài học từ bi, bài học tự do tôn giáo !
Hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ đã vượt ra ngoài khuôn khổ một chuyến đi tâm linh, trở thành một biểu tượng cho quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, sự can thiệp từ Đoàn Văn Báu và các thế lực đứng sau cho thấy có nguy cơ thao túng và kiểm soát tôn giáo tại Việt Nam. Các cơ quan truyền thông cần làm rõ danh sách "10 người được phép tham gia đoàn bộ hành" và các thủ tục pháp lý liên quan. Vạch rõ những thủ đoạn dối trá của Đoàn Văn Báu.
Cần yêu cầu quyền tiếp cận trực tiếp với sư Minh Tuệ để đảm bảo rằng thông điệp giáo pháp được truyền tải chính xác và trung thực.
Công chúng cần tỉnh táo và phân tích kỹ lưỡng thông tin. Cảnh giác trước các chiều trò mị dận. lợi dụn hiệu ứng đám đông và không dễ dải chấp nhận việc nhà nước gò ép, tước đạt quyền tự do tính ngưỡng như việc bình thường.
Các Phật tử cần đoàn kết và lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đảm bảo rằng hành trình bộ hành mang ý nghĩa tích cực, đúng với tinh thần Phật giáo.
Hành trình bộ hành không chỉ là câu chuyện của riêng sư Minh Tuệ mà còn là một bài học lớn về tự do, sự thật và lòng từ bi trong thế giới đầy biến động này.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 04/01/2025
Tham khảo :
1. https://www.youtube.com/watch?v=gOtQnHEaU8E
2. https://www.youtube.com/watch?v=yaHcjLU0gTY&t=144s
3. https://www.youtube.com/shorts/7EyB2RKek00
4. https://www.youtube.com/watch?v=6ZN9A5gxlhc&t=102s
5. https://www.youtube.com/shorts/dV3QZNqWgu4
6. https://www.youtube.com/watch?v=k_RUgtiUNcA
Cảnh sát Thái Lan : "Không có giao thiệp nào với phía Việt Nam" trong chuyến bộ hành của sư Thích Minh Tuệ
RFA, 03/01/2025
Đại diện quan hệ công chúng thuộc Văn phòng Phật giáo của tỉnh Ubon Ratchanthani, Thái Lan, hôm 3/1 cho BenarNews biết văn phòng này không nhận được thông tin gì về chuyến đi của đoàn nhà sư Thích Minh Tuệ sang Thái Lan và cũng không có sự phối hợp trước đó với phía Việt Nam. Trong khi đó, cảnh sát ở cửa khẩu Chong Mek thuộc tỉnh này xác nhận đoàn nhà sư vào Thái Lan khất thực nhưng cảnh sát không được cho biết về việc đoàn sẽ sang Myanmar và cũng không có giao thiệp nào với phía Việt Nam về đoàn.
Sư Thích Minh Tuệ (giữa) và các sư khác trong đoàn vào Thái Lan hôm 31/12/2024 - Photo : RFA
Sư Thích Minh Tuệ cùng năm nhà sư Việt Nam khác vào ngày 31/12/2024 đã đi bộ qua biên giới giữa Lào và Thái Lan, bắt đầu cuộc bộ hành trên đất Thái Lan. Theo YouTuber Đoàn Văn Báu - cựu sĩ quan an ninh Việt Nam, người đi theo hộ tống đoàn - các nhà sư sẽ đi bộ 1.300 km trên đất Thái Lan trong vòng hai tháng để sang Myanmar trong chuyến đi đến Ấn Độ.
Chuyến đi bộ hành khất thực của sư Thích Minh Tuệ từ Việt Nam qua Lào và hiện giờ ở Thái Lan được công chúng ở những nơi đoàn đi qua chú ý, đặc biệt đối với sư Thích Minh Tuệ - người tu theo 13 hạnh đầu đà của Phật và không tự nhận mình là người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên kênh YouTube của mình, ông Đoàn Văn Báu cập nhật các thông tin về chuyến đi của đoàn và cho biết đoàn thường được giới chức các địa phương đoàn đi qua giúp đỡ, như công an Lào đi theo khi đoàn ở Lào và cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được cử đi theo hộ tống đoàn.
Những video đầu tiên về đoàn nhà sư tại cửa khẩu Chong Mek hôm 31/12/2024 cho thấy có hai cảnh sát địa phương đi theo để đảm bảo an ninh trật tự, tuy nhiên những chặng đường các ngày sau đó không thấy xuất hiện những cảnh sát mặc đồng phục.
Trả lời phỏng vấn của BenarNews, Trung tá Kittipong Thanomsin - quyền trưởng đồn cửa khẩu Chong Mek của tỉnh Ubon cho biết : "Chúng tôi xác nhận đoàn đã vào Thái Lan hợp pháp. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các giới chức xuất nhập cảnh và du lịch để kiểm tra các khách nước ngoài vào Thái Lan. Nếu không phát hiện có vi phạm, nhà sư có thể thực hiện bộ hành như cho phép trong visa. Ngay từ đầu, ông ấy đã không cho biết kế hoạch sẽ đi đến Myanmar, mà chỉ cho biết là ông sẽ hành hương và chúng tôi không thấy bất cứ vi phạm nào".
Viên cảnh sát này đồng thời cũng cho biết thêm : "Không có quan ngại nào hoặc nhu cầu phối hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên như thường lệ. Không có bất cứ giao thiệp nào với phía Việt Nam".
Đại diện quan hệ công chúng của Văn phòng Phật giáo tỉnh Ubon Ratchathani nói với BenarNews : "Chúng tôi không biết gì về chuyến đi này và không có bất cứ phối hợp nào trước đó".
Sau khi đoàn nhà sư Việt Nam vào Thái Lan, một số truyền hình Thái Lan đã đưa tin về chuyến đi của sư Thích Minh Tuệ, trong đó có nói đến sự việc sư Thích Minh Tuệ từng đi bộ hành khất thực ở Việt Nam nhưng đã bị chính quyền gây khó khăn. Ông Đoàn Văn Báu trong video mới đây trên YouTube cho rằng thông tin này là sai sự thật và cho biết "Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Thái Lan để điều chỉnh về vấn đề này".
Hiện vẫn chưa có thông tin nào trên báo chí Nhà nước Việt Nam về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về thông tin này và truyền thông trong nước cũng không đưa tin về chuyến đi tới Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ - người được công chúng chú ý rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam suốt năm 2024.
Sư Thích Minh Tuệ đã từng bộ hành khất thực ít nhất bốn lần suốt dọc Việt Nam nhưng chuyến đi gần nhất của ông vào giữa năm 2024 mới được đặc biệt chú ý khi người dân đưa hình ảnh và video của ông lên mạng xã hội, kéo theo hàng đoàn người đi theo. Nhiều người cũng cạo đầu và mặc y phấn tảo đi khất thực cùng ông. Lúc đông nhất, đoàn nhà sư đã lên đến 70 người. Đoàn nhà sư đã bị công an địa phương giải tán vào hồi đầu tháng 6/2024 khi đoàn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sư Thích Minh Tuệ sau đó bị đưa về quê nhà ở Gia Lai để lấy dấu vân tay làm căn cước công dân. Ông cũng phải ẩn tu sau đó. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thông báo ông tự nguyện ẩn tu.
Vào ngày 25/11, sư Minh Tuệ viết thư tay bày tỏ mong muốn được bộ hành đến Ấn Độ và thăm các thánh tích Phật giáo, đồng thời nhờ tư vấn đường đi, thủ tục.
Trong chuyến đi đến Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ, cựu sĩ quan an ninh chuyên về tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu cho biết ông là người đại diện cho sư Minh Tuệ và thường đưa ra các phát biểu thay cho các nhà sư trong đoàn. Một số những video được đăng tải trên mạng xã hội còn cho thấy ông Báu nạt nộ nhà sư địa phương đến gặp sư Minh Tuệ tại Lào, hay yêu cầu các YouTuber không được lại gần đoàn.
Ông Báu mới đây cũng cho biết đoàn nhà sư sáu người đã giảm xuống năm người và sẽ tiếp nhận thêm chín nhà sư mới đưa từ Việt Nam sang. Các nhà sư phải đáp ứng điều kiện giữ giới và đi chân trần. Ông Báu cho biết đây là ý kiến của sư Minh Tuệ và các sư trong đoàn. Điều này trái ngược với những gì sư Minh Tuệ đã từng phát biểu trước đó là ông không kêu gọi ai đi theo và cũng không đuổi bất kỳ ai.
Một nhà quan sát người Thái Lan giấu tên nói với RFA : "Hiện không rõ có phải ông Báu đi theo hộ tống các sư để tránh sự chú ý ở Việt Nam và giảm nhẹ ảnh hưởng của ông (sư Minh Tuệ) ở đó hay không".
Người này cho rằng sư Minh Tuệ có thể theo bước thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã tạo được dấu ấn về giảng đạo Phật ở Thái Lan.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, tuy nhiên ông đã bị cấm về Việt Nam từ năm 1973 và chỉ được trở về lần đầu tiên vào năm 2005 khi Hà Nội đang tìm cách ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo của chính phủ Mỹ. Ông cũng quay lại Việt Nam vài lần sau đó và lần cuối cùng là vào năm 2018 khi ông đang bị bệnh và bày tỏ mong muốn được dành những ngày cuối đời tại ngôi chùa nơi mình xuất gia – Tổ đình Từ Hiếu (Huế). Ông qua đời vào tháng 1/2022.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là người lập ra Làng Mai ở Thái Lan cho các nhà sư vào năm 2012.
"Câu hỏi vẫn còn để mở là liệu ông (sư Minh Tuệ) có thể được cho phép quay lại Việt Nam nữa hay không. Sư Thích Nhất Hạnh chỉ có thể quay lại Việt Nam khi ông gần qua đời" - nhà quan sát Thái Lan nói với RFA.
Nguồn : RFA, 03/01/2024
Đằng sau chuyện "hộ pháp" cho sư Minh Tuệ
Nam Việt, RFA, 22/12/2024
Trong một video được chọn lọc phát đi vào ngày 22/12, những người theo dõi hành trình của sư Minh Tuệ qua kênh truyền hình độc quyền của ông Đoàn Văn Báu chứng kiến cảnh một vị sĩ quan của quân đội Việt Nam, chặn sư Minh Tuệ lại trên đường để trao cờ đỏ sao vàng và huy chương.
Đoạn đường từ Việt Nam tới Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ do RFA dự đoán - RFA
Khung cảnh đó, rõ là thật ngượng nghịu với các vị sư. Không ai có thể cảm ơn và bước đi khỏi bài diễn văn ngắn - chủ yếu để lấy hình - của vị sĩ quan đó, cùng với ông Báu đứng bên cạnh. Không có nhiều tin tức để biết là vị sĩ quan đó làm sao biết được đoạn hành trình luôn bảo mật của ông Báu, cũng như việc vị sĩ quan chuẩn bị trước với trang phục long trọng, gắn đầy huy chương như đi dự hội toàn quân. Nhưng những người nhìn thấy, đều cùng mỉm cười, hiểu lý do của việc xuất hiện đoạn video này : sự việc diễn ra đúng ngày Truyền thống của quân đội Việt Nam.
Chợt nhớ đến những hình ảnh trước đó, anh Báu đã tỏ thái độ không vui khi thấy người, hay sư từ Việt Nam tìm đến sư Tuệ trên đất Lào. Trái ngược với hình ảnh ngày 22/12, anh Báu đứng kề bên vị sĩ quan, mặt vui vẻ và cũng không có ý hối thúc vị sĩ quan này cần vắn tắt để đoàn tiếp tục lên đường.
Đây có thể là sự kiện lịch sử, khi một đoàn các sư đi khất thực lại được trao cờ và huy chương. Nhưng cả đoàn, chỉ có một mình sư Tuệ được chọn để trao "vinh dự" này.
Trước đó vài ngày, ông Báu đã đề nghị sư Minh Tuệ cầm cờ đỏ sao vàng khi đi khất thực. Sư Tuệ đã từ chối mạnh mẽ rằng "người đi tu không cầm cờ", và khi bị Báu nài nỉ rằng cần phải cho mọi người biết mình là người Việt Nam, vì "đại diện quốc gia dân tộc". Sư Tuệ đã nói luôn là nếu muốn thì để người của Báu cầm. Vị sư bị xua đuổi và dèm xiểm trên mọi con đường ở Việt Nam, hôm nay đột nhiên phải mang vác vai trò "quốc gia dân tộc". Với những ai còn nhớ, sư Minh Tuệ cũng từ chối giao chuyện cầm cờ cho bất cứ vị sư nào trong đoàn. Đi tu với màu áo vàng hay y phấn tảo, đều có một ý nghĩa duy nhất là xin làm con Phật, là người học Phật. Việc cố chen vào một ý nghĩa địa lý chính trị là vô nghĩa và đầy âm mưu.
Nhưng tại sao phải là sư Tuệ, chứ không phải là ông Báu, hay người của ông ta cầm cờ ?
Bởi đơn giản, hình ảnh đó có thể là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Báu phải cố thực hiện cho được trong chuyến đi này. Một chuyến đi mà ngoài chuyện "hộ pháp", còn là chuyện âm thầm "hộ quốc" trong khung cảnh đang dầu sôi lửa bỏng của Hà Nội.
Có thể suy luận rằng, chuyến đi được Báu dẫn dắt, mục tiêu là đưa sư Minh Tuệ ra khỏi vòng yêu mến của người mộ tín Việt Nam lúc này, đánh loãng sự sụp đổ từng phần của Giáo hội tay sai, mà ngày càng không thể kiểm soát được. Nhưng nhiệm vụ thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là tìm những chứng cứ cho thấy không có chuyện đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, vào lúc hồ sơ của Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ USCIRF đang chất chồng trước cửa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong việc xác định chứng cứ về các nhóm tôn giáo được Hà Nội dựng lên, làm tay sai cho các cuộc đàn áp nhóm và cá nhân, chính ông Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo quốc doanh Việt Nam đã há miệng mắc quai khi nhanh nhẩu chạy theo ý chủ, đưa ra văn bản số 151, đề ngày 16/5, để khẳng định người được mạng xã hội Việt Nam gọi là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo.
Ông Thích Đức Thiện không giải thích được vì sao sư Minh Tuệ không là tu sĩ, mà chỉ "khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Tức, phải được sự cho phép của Giáo hội tay sai mới được tu, mới được chọn theo con đường đạo Phật.
Chính lập luận này, đã khóa miệng Ban Tôn giáo Chính phủ và cả Giáo hội Phật giáo tay sai, khi hồ sơ phân tích về các hoạt động của các nhóm tôn giáo do chính quyền lập ra để kiểm soát và đàn áp đồng đạo, được đề lên Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, những người đọc hồ sơ đã đưa ra câu hỏi kinh ngạc rằng "những người như sư thích Minh Tuệ không thể tự mình tu tập tại Việt Nam được hay sao ?". Trường hợp sự Minh Tuệ cũng làm sống lại hồ sơ của Thiền An Bên Bờ Vũ Trụ, nơi chọn tu tập không theo Giáo hội đã bị trừng phạt một cách ghê tởm.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 14/12, Chủ tịch USCIRF, tiến sĩ Stephen Schneck đã nhấn mạnh rằng hôm nay, ông cũng như những người theo dõi tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam đã hoàn toàn "nhận ra bản chất có hệ thống đang diễn ra, và nghiêm trọng của bạo lực liên tục chống lại người chọn tự do tôn giáo" (recognize the systematic ongoing and egregious nature of its continuing violence), đặc biệt qua các nhóm tôn giáo tay sai.
Đoàn Văn Báu là giảng viên khoa Tâm lý đại học An ninh Nhân dân
Ông Đoàn Văn Báu tự giới thiệu vô cùng khiêm tốn, là xin được đi theo thầy để trợ duyên, thì hôm nay ông ta đã trở thành người điều khiển tất cả mọi thứ trong chuyến hành trình này. Cũng trong một video trước ngày 22/12, ông Báu đột ngột nói là Giáo hội Việt Nam cần phải cho phép thành lập một phân hội đầu đà do sư Thích Minh Tuệ đứng đầu. Liệu đây có là cách mở đường của ông Báu, để giúp Giáo hội tay sai hợp pháp hóa việc dung nạp sư Thích Minh Tuệ vào trong hệ thống nhà nước, xoá bớt án không có tự do tôn giáo mà thế giới đang nhìn vào chính quyền cộng sản Việt Nam ?
Ông Báu thực hiện nhiệm vụ của mình, mỗi ngày và kiên nhẫn như trong một cuộc thẩm vấn không chính thức. Ông hỏi sư Tuệ rằng nếu như có một người cho miếng đất, cho ngọn núi, và cho ngôi chùa thì Sư Minh Tuệ có chịu ẩn tu ở đó hay không. Cần biết, việc nhận một phần vật chất và quản lý nó, đó chính là quy trình của Giáo hội tay sai vẫn ban phát cho những người quy thuận hệ thống tôn giáo nhà nước.
Ông Báu là người đi theo sư Minh Tuệ vì biết rõ sư quyết chọn cuộc đời bộ hành, nhưng sao chưa được một nửa đoạn đường, thì không dưới hai lần, ông Báu đã ra sức thuyết phục sư Tuệ thay đổi con đường tu tập của mình để làm gì ?
Hành trình của sư Minh Tuệ thật sự nhọc nhằn thể chất, nhưng còn nhọc nhằn hơn và xao lãng việc tu tập, khi luôn phải tỉnh táo đối phó với những câu hỏi gài bẫy của Báu, về những chuyện mà khi sư Tuệ sa vào, thì có thể mất hẳn hình tượng của mình, mất hẳn hạnh tu trong lòng công chúng.
Cũng cần phải nhắc đi nhắc lại rằng ông Báu là người xin được đi theo sư Minh Tuệ trong cuộc hành trình. Nhưng vấn đề lạm quyền và quản lý sư Minh Tuệ - nhân danh hiểm nguy dọc đường - đã diễn ra ngày càng rõ ràng, như một người thoạt đầu chỉ xin mượn tạm cửa nhà để ngồi, nhưng sau đó im lặng chiếm hẳn ngôi nhà. Hãy tự hỏi, nếu như đến một lúc nào đó cảm thấy hết duyên, sư Minh Tuệ lên tiếng muốn được bộ hành một mình ung dung tự tại, không cần ai kèm cặp nữa, liệu lúc đó Đoàn Văn Báu có buông tha cho sư Minh Tuệ hay không ?
Nam Việt
Nguồn : RFA, 22/12/2024
***************************
Đoàn Văn Báu : Hộ pháp hay người áp giải Thầy Minh Tuệ ?
Gió Bấc, RFA, 19/12/2024
Sau một tuần lễ kể từ ngày Thầy Minh Tuệ bộ hành về đất Phật, những diễn biến thực tế mâu thuẫn đã buộc người ta tự hỏi Đoàn Văn Báu là ai ? Là doanh nhân tự nguyện phát tâm đồng hành làm hộ pháp hỗ trợ Thầy như lời ông ta nói ? Hay đang là đồng chí nguyên thượng tá an ninh, tiến sĩ tâm lý tội phạm học, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiệm vụ áp giải Thầy theo cách im ả nhất đến Himalaya ẩn tu theo kế hoạch của ai đó ?
"Hộ pháp" Đoàn Văn Báu là người thực hiện phóng sự độc quyền về sư Minh Tuệ
Cần nhớ bốn năm qua, Sư Minh Tuệ từng bốn lần độc hành xuyên Việt, không giấy tờ tùy thân, không có ai bảo vệ nhưng vẫn an toàn. Hành trình về đất Phật của Sư đi qua Lào, Thái, Myanmar, Nepal, là những quốc gia Phật giáo được tôn kính như quốc giáo, vậy tại sao phải được bảo vệ kín kẽ như vậy ?
Trước hết xin gọi Ngài Minh Tuệ là Thầy, một danh xưng kính trọng phổ quát. Không dám gọi là Sư vì e sẽ làm phiền đến các đồng chí quan chức giáo hội quốc doanh không cho phép xem Thầy là tu sĩ.
Nhìn lại những diễn biến dồn dập đuổi theo bước chân, số phận Thầy Minh Tuệ trong năm qua, dễ thấy rằng luật vô thường của Phật Pháp đã thể hiện rõ trong từng sát na.
Khi cộng đồng mạng xã hội phát hiện dẫn đến thông tin bùng nổ, Thầy được hàng triệu người ngưỡng mộ. Tu sĩ độc hành không thuyết giảng mà thu hút thành "tăng đoàn" cuồn cuộn như thác lũ trên đường thiên lý dọc các tỉnh thành. Đang lúc cao trào, Phật tử xứ Huế kính ngưỡng, bỗng nhiên có phép màu nào đó giữa đêm, Thầy mất tích, "tăng đoàn" tan tác, người Bắc người Nam. Dư luận hoang mang thắc mắc, Thầy lại hiện hình được công an "hỗ trợ" làm căn cước công dân, lên sóng truyền hình rồi lại mất tích, ẩn tu rồi bộ hành khất thực khi núi Sạn Nha Trang, khi ở Gia Lai.
Dù Thầy ẩn ở đâu, sức thu hút Phật tử, công chúng vẫn rất mạnh mẽ, họ vẫn săn lùng, quy tập về chực chờ được chiêm bái và luôn được bảo vệ chặt chẽ, nghiêm mật. Trú xứ của Thầy cũng được an ninh hóa đến mức đài truyền hình quốc gia cũng phải dùng thủ thuật để khán giả không nhận diện ra. Ý nguyện chân chính đơn giản nhất của Thầy là bộ hành khất thực trở thành vô vọng vì lý do sẽ gây tụ tập đông người, làm mất an ninh trật tự.
Thật đáng tiếc cho một đất nước đang vươn mình vào kỷ nguyên mới, lần thứ ba đăng ký vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, lần thứ ba đăng cai tổ chức Vesak Phật Đản Liên Hiệp Quốc mà tâm nguyện nhỏ nhoi của cá nhân công dân tu theo hạnh đầu đà tốt đẹp lại không thực hiện được.
Một đảng quang vinh bách chiến bách thắng, một nhà nước do dân, vì dân lại không thể tạo điều kiện cho một khất sĩ tu hành theo cách khổ hạnh cao nhất.
Nhà nước không ngại tốn kém, cho phá rừng xây chùa Bái Đính, chùa hàng trăm, hàng ngàn hecta, quy tụ hàng chục, hàng trăm ngàn người khắp nơi trên thế giới tụ về lễ lạc cúng bái linh đình nhưng lại không đủ sức giữ gìn trật tự trị an cho một khất sĩ đi xin ăn mỗi ngày một bữa. Phải chăng người ta e ngại phẩm hạnh buông bỏ, giác ngộ sáng ngời của vị chân tu sẽ làm tan rã tấm bình phong tự do tôn giáo đang che chắn cho đội ngũ ma tăng cổ súy cho tà thuyết cúng dường ?
Ấy vậy mà Thầy Minh Tuệ bỗng dưng được lỏng tay, bộ hành về Ấn Độ với sự bảo vệ, hỗ trợ của một số cá nhân tự nguyện. Trong tâm thư viết tay, Thầy Minh Tuệ chỉ cầu mong sự giúp đỡ về thông tin, thủ tục giấy tờ, mọi thứ còn lại Thầy đều tự lực với phát tâm mạnh mẽ : "Nếu có ai không đồng ý hay phản đối, gây khó khăn, hay cấm đoán, bắt bớ hay ép buộc, hay thủ tiêu, hay bắt buộc phải bỏ hạnh nguyên, hay tước đoạt mạng sống, hay nhận bản án tử hình. Con đều hoan hỉ đón nhận và không kiện cáo gì và đều ước nguyện cho họ hạnh phúc"…
Thông tin chấn động ấy làm nức lòng hàng vạn trái tim. Những "đệ tử" trong tăng đoàn ngày trước, những người yêu kính Phật và đức hạnh của Thầy đã phát tâm xin đồng hành. Doanh nhân, nguyên thượng tá an ninh Đoàn Văn Báu đã bất ngờ xuất hiện tự nguyện tham gia như ngôi sao sáng trong vai trò người hỗ trợ về thủ tục pháp lý, hướng dẫn đường đi… tóm lại là vai trò Hộ pháp.
Trước khi xuất phát, dư luận đa số đồng tình nhưng không ít ý kiến băn khoăn lo ngại về lai lịch ông Báu, ông thật sự phát tâm hay tham gia theo sự phân công của Sư ? Ông đã lên mạng live stream trần tình lật ngửa bài mình là thượng tá công an đã về hưu 3 năm, đang sinh hoạt đảng ở địa phương và tuyên bố chắc nịch sẽ làm những điều tốt đẹp theo tâm nguyện Thầy Minh Tuệ. Nhiều người, trong đó có tôi, đã bị thuyết phục trước lời trần tình này.
Một tuần lễ bộ hành trôi qua, diễn biến thực tế chuyến đi đã đủ cơ sở trả lời những băn khoăn về ông Báu.
Trước hết, về nguyên tắc đảng, cái tội lớn nhất, đáng sợ nhất của đảng viên cộng sản là tự chuyển biến, tự chuyển hóa chính trị, vi phạm những điều cấm đảng viên không được làm. Trong những điều cấm ấy, quan trọng nhất là làm trái chủ trương, chính sách đảng, nhà nước. Vậy chủ trương của đảng và nhà nước về chuyện Thầy Minh Tuệ bộ hành đi Ấn Độ ra sao ? Câu trả lời là 800 tờ báo lề phải không đăng 1 chữ nào. Trên mạng xã hội, các trang "bò đỏ", dư luận viên tha hồ đơm đặt chỉ trích. Điều ấy cho thấy đảng không muốn cho công chúng biết về chuyến đi, và nếu có biết thì phải biết những điều xấu xa đơm đặt.
Như vậy đã rõ, ông Báu hoặc đã tự nguyện hộ pháp cho Thầy Minh Tuệ trái với chủ trương của đảng, hoặc đang thực hiện một nhiệm vụ được đảng phân công.
Diễn biến cho thấy, ông Báu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mượn vai Hộ pháp cho Thầy Minh Tuệ, nhưng thực chất ông Báu đang áp giải Thầy Minh Tuệ đến nơi nào đó theo ý đảng và hạn chế tối đa tiếng vang của chuyến đi, cũng như tên tuổi, hình ảnh phẩm hạnh của Thầy Minh Tuệ.
Nhân danh làm thủ tục pháp lý và quan hệ với các nước sở tại, ông Báu đã hạn chế số lượng người tham gia bộ hành đến mức thấp nhất. Quan niệm từ bi của Thầy Minh Tuệ trước sau như một là không mời ai tham gia, cũng không chối bỏ bất cứ ai tự nguyện, miễn là mọi thứ tốt đẹp. Nước Lào chưa bao giờ có quy định hạn ngạch số người Việt nhập cảnh vào Lào hay số lượng người được đi thành đoàn trên đường. Thế nhưng, cho rằng có thỏa thuận nào đó với cơ quan chức năng của Lào, ông Báu đã từ chối nhiều nhóm người Việt tham gia, ngay cả những người đã xuất cảnh hợp pháp sang Lào như nhóm của chức sắc Phật Giáo Hòa Hảo Phước Nghiêm, dù ông này đã từng phát tâm đồng hành với Thầy Minh Tuệ ngay ở Gia Lai (1).
Ngày 14/12, ông Báu độc đoán loại trừ Sư Hộ pháp Kim Cang và một Sư khác vì lý do đông người. Mượn tay an ninh Lào cưỡng ép Sư Kim Cang lên xe, ngăn không cho gặp Sư Minh Tuệ. Đến ngày 18/12, Báu lại gọi điện cho ông Tuấn (anh Thầy Minh Tuệ) yêu cầu cho ông Quý và một số Sư nhỏ sang Lào tham gia đoàn. Ông Tuấn đề nghị cho Đông, một youtuber thân ông Tuấn, nhưng Báu không chấp nhận. Có người thân cận ông Báu giải thích rằng Quý có sức khỏe, kinh nghiệm làm hộ pháp cho Thầy Minh Tuệ khi bộ hành ở Gia Lai. Cách giải thích này không thỏa đáng. Sư Kim Cang dù nói năng lỗ mãng nhưng thể lực tốt đã từng bảo vệ Thầy Minh Tuệ trên cung đường xuyên Việt hàng trăm cây số, trước áp lực đám đông hàng chục ngàn người. Ông Quý nếu có tham gia chỉ là trên cung đường ngắn thôn làng, số người hâm mộ cũng không đông lắm. Sư Kim Cang đến Lào hợp pháp lại bị đuổi về, ngược lại ông Quý đang ở Việt Nam chưa đủ giấy tờ lại được mời sang.
"Hộ pháp" Đoàn Văn Báu chọn Quý, một đồng hương ở Hà Tĩnh, làm phụ tá
Về thông tin, trong văn bản thông báo của công ty Thiên Định Tuệ công bố trên website của công ty trước chuyến đi đã xác định các youtuber, fbker, tự do quay phim chụp ảnh đoàn bộ hành và phải chịu trách nhiệm việc làm của mình. Phải thừa nhận rằng trong sự kiện Thầy Minh Tuệ bộ hành trước đây, vai trò, công lao của các youtuber rất lớn. Tuy có người quá khích, qua đáng xông vào chỗ các Thầy nghỉ ngơi, lúc riêng tư, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh, các youtuber đã tường thuật chi tiết từng bước đi, phát hiện phản ánh từng chi tiết diễn biến các thành viên trong đoàn và sự kiện liên quan.
Công bằng mà nói, chính họ cũng là người phát hiện, phản ánh, đấu tranh vạch mặt những Sư giả, những nhóm người lợi dụng ăn theo tiếng tăm tăng đoàn Thầy Minh Tuệ. Thế nhưng, từ khi xuất phát đến nay, Báu không cho phép bất kỳ một youtuber nào tham gia đoàn, thậm chí là đi sau ở phía xa cũng không được. Tất cả các kênh youtuber khác đều phải sử dụng hình ảnh từ Báu và Lê Khả Giáp. Trong các clip đó, Báu vừa là nhân vật, vừa là người dẫn chương trình. Hình ảnh của Thầy Minh Tuệ và tăng đoàn bị mờ nhạt, thời lượng không nhiều. Điều thú vị nhất là các câu nói, giải đáp thắc mắc mang tính thuyết pháp có ý nghĩa đạo lý sâu sắc, sinh động của Thầy Minh Tuệ hiếm khi thể hiện. Đoàn người cứ đi im lặng như những robot không hồn.
Qua video độc quyền này, người ta không biết Đoàn Vãn Báu là "hộ pháp", "gạt đờ co" 'garde corps) hay "gạt đờ căm" (garde camps) cho đoàn sư Minh Tuệ
Cách độc quyền quay phim chụp ảnh cung cấp cho toàn xã hội, các youtuber khác phải xào nấu theo nguồn nguyên liệu này, Đoàn Văn Báu đã lũng đoạn và thao túng truyền thông theo ý của mình, giống như 800 tờ báo chỉ có một tổng biên tập là Ban Tuyên giáo.
Về ý nghĩa việc khất thực, ngoài việc nuôi thân để sống và tu tập, bằng việc xin ăn, chư tăng ni gieo duyên với chúng sinh trong "bát cơm ngàn nhà", đánh thức Phật tính, lòng từ bi, giảm tính tham lam bủn xỉn trong mỗi người. Đây cũng là cơ hội để họ truyền pháp, lan tỏa thông điệp từ bi hỷ xả, lối sống thiện lành. Nên nhớ, khi khất thực, Đức Phật và các đệ tử bưng bát ghé lần lượt từng nhà chứ không lựa chọn những nhà hảo tâm mà mình biết để nhanh chóng xin đủ bữa.
Với bản thân khất sĩ, việc xin ăn cũng giúp họ kiểm soát bản ngã, xóa bỏ tính kiêu ngạo, tự cao, học tính khiêm cung, nhẫn nại. Khất thực cũng giúp đoạn trừ được lòng tham còn lại trong tu sĩ, vì các vị được bố thí gì thì dùng cái đó, khi bước đi không biết được thí chủ cho gì, nhiều hay ít, ngon hay không (2).
Thế nhưng, cũng nhân danh việc giữ an ninh, Báu đã vạch ra những cung đường vắng vẻ phải vượt suối, băng rừng, cố ý tránh xa nơi có nhiều người, thậm chí né tránh những bản làng có đông người Việt. Trừ những đoạn qua công ty Hoàng Anh – Gia Lai hay thị trấn không thể né tránh. Trung thực là ngây thơ như youtuber Lê Khả Giáp đến ngày thứ 5 của chuyến đi đã kịp ghi nhận trong clip "Đáng Nhớ Sư Minh Tuệ Lần Đầu Vào Một Ngôi Làng Tại Lào Để Khất Thực". Trong đó, Giáp nhấn mạnh : "Các thầy rất thích đi khất thực từng nhà" (3).
Một youtuber đã dành thời gian tra cứu kinh điển Phật pháp, đối chiếu cách làm của Báu và bình luận trong clip "Đoàn Văn Báu tái thiết hạnh đầu đà mới cho Thầy Thích Minh Tuệ, tìm hiểu lại nguồn gốc" (4).
Lộ liễu rõ rệt nhất là trong một clip, Báu đã gợi ý với Thầy Minh Tuệ cho đoàn cầm cờ đỏ sao vàng khi đi bộ hành. Bằng trí tuệ trong suốt, Thầy Minh Tuệ trả lời thẳng thắn : "Tu sĩ ai cầm cái đó. Cho những người đi theo ai cầm được thì cầm, hoặc gắn nó trên xe (chiếc xe bán tải chở hành lý, thực phẩm cho những người đi theo)".
Một quốc gia mà chính phủ đàn áp người tu, tăng đoàn đến mức tan tác. Một giáo hội không công nhận người tu là tu sĩ, đơm đặt bôi xấu tăng đoàn giờ lại bày trò cầm cờ bộ hành quay phim là quá sức xấu hổ thủ đoạn chính trị (5).
Các dư luận viên đã dựa vào clip này kết án Thầy Minh Tuệ và tăng đoàn như những kẻ phản quốc.
Độc quyền chọn người, lại chọn mờ ám, bất công. Độc quyền thông tin lại lũng đoạn, thao túng thông tin gây bất lợi cho Thầy. Bằng nhiều cách tách tăng đoàn không được giao tiếp với công chúng trên đường đi, bày ra nhiều chiêu trò để đi sai Phật pháp. Đoàn Văn Báu đã lộ nguyên hình là kẻ áp giải Thầy Minh Tuệ đến nơi đọa đày nào đó, vai trò quan trọng trong kế hoạch cực kỳ thâm độc, loại trừ Thầy Minh Tuệ ra khỏi lãnh thổ và dìm mọi tiếng vang, giá trị của Thầy trong nhận thức mơ hồ, lộn xộn chóng quên.
Thầy Minh Tuệ không phải là nạn nhân đầu tiên của cộng sản về việc hộ vệ kiêm áp giải. Qua câu chuyện cố thiếu tướng Phan Văn Xoàn, Phó Tư lệnh lực lượng Cảnh vệ, người phụ trách bảo vệ Hồ Chí Minh tự kể đã được chọn lọc trên báo chí cho thấy, ông Xoàn có cả hai vai trò đó. Ông Hồ được bảo vệ chu đáo, cẩn thận trong từng bước chân, muốn bước ra khỏi cổng nhà sàn, muốn gặp bất cứ ai phải được ông Xoàn sắp xếp theo phê duyệt, chỉ đạo của Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn. Muốn đi chợ Tết phải hóa trang thành hai cha con và theo phương thức ba không : không dừng lại, không mua bán, không giao tiếp với ai. Đêm giao thừa ông Hồ bất ngờ đi thăm hộ dân nghèo nhất Hà Nội là một màn trình diễn, tất cả các nhân vật tháp tùng, đón tiếp đều là diễn viên công an sắm vai. Chỉ duy nhất người phụ nữ nghèo gánh nước thuê là diễn viên nghiệp dư được công an lựa chọn. Tất cả những điều cưỡng ép dối trá ấy đều nhân danh mục đích cao quý là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho ông Hồ.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 19/12/2024
Tham khảo :
1. https://www.youtube.com/watch?v=XUbZca_KYKg
2. https://vtcnews.vn/vi-sao-duc-phat-di-khat-thuc-ar694792.html
3. https://www.youtube.com/watch?v=eELFGQC8za8
Giáo hội quốc doanh không công nhận là tu sĩ, nhà nước đàn áp lên bờ xuống ruộng từ Sư Minh Tuệ đến các "Sư Nhỏ". Chia tách tan đàn xẻ nghé ở Huế, mai phục lừa lọc chặn bắt, trấn áp từ Kontum, Gia Lai, Cần Thơ không cho họ tụ hội. Bây giờ chuyến bộ hành tự phát về Ấn Độ ngày càng thu hút công chúng, bỗng dưng có lời chúc sư Minh Tuệ làm vẻ vang cho đất nước, gợi ý sư cầm cờ đỏ sao vàng, đánh giá cho rằng đoàn bộ hành mang hình ảnh đất nước, dân tộc.
Tâm nguyện của Thầy Minh Tuệ là bộ hành từ Gia Lai đến Ấn Độ. Con đường dài 5000 km đó, phải qua núi đồi đèo dốc, qua vùng chiến tranh
Liệu có ngày nào đó Sư Minh Tuệ được thưởng huy chương anh hùng lao động vì mang hình ảnh đại diện cho dân tộc Việt ?
Tâm nguyện của Thầy Minh Tuệ là bộ hành từ Gia Lai đến Ấn Độ. Con đường dài 5000 km đó, phải qua núi đồi đèo dốc, qua vùng chiến tranh nhưng đoạn khó khăn nhất mà Thầy không thể bộ hành theo ý nguyện lại chính là đoạn từ Gia Lai đến cừa khẩu Bờ Y. Anh Đoàn Văn Báu phải chọn theo kế sách đi ô tô từ huyện Ia Gray đến cửa khẩu cho Thầy đi bộ một đoạn tương trưng từ đất Gia Lai.
30 km không trốn nhưng phải tránh
Người xưa có câu đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vi lòng người ngại núi e sông. Trường hợp Thầy Minh Tuệ lại trớ trêu chua chat là vì lòng người ngưỡng mộ quá mạnh mẽ, sự thu hút quá lớn nên chuyến bộ hành của Thầy có thể làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Anh Báu kể Thầy nói mình đâu phạm tội gì mà phải trốn. Đúng vậy nhưng với tư duy cái gì không quản đươc thì cấm nên việc bộ hành chân chính thiêng liêng của Thầy Minh Tuệ lại bị xem là nguyên nhân gây tụ tập đông người, làm mất an ninh trật tự. Vì vậy công an chìm, nổi đã quản lý Thầy như một tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Nơi ẩn tu bị chốt chặn nhiều tầng. Mỗi bước chân đều có nhiều hộ pháp vây quanh bảo vệ.
Không biết ngày xưa vua Lý Thế Dân quản thúc Trần Huyền Trang đến mức nào ? Với Thầy Minh Tuệ, ngày 12/12 lịch sử ấy nhiều xe cảnh sát, an ninh chìm đã bao vây quanh khu công ty Thiên Định Tuệ, ngay quán cà phê Nắng ở gần đó cũng bị phong tỏa phải nghỉ bán.
Ấy, giáo hội lẫn chính quyền đã chơi tất tay với Thầy Minh Tuệ và các sư nhỏ như vậy đó. Giáo hội lạnh lùng, lặng im trước hành trình lich sử theo đại nguyện của Sư chỉ vì sư không đươc công nhận là tu sĩ vì Sư theo pháp tu Hạnh Đầu Đà không nhận tiền cúng dường, sống ngoài nghĩa địa, ngược với pháp tu gom tiền bá tánh xây chủa to phật lớn. Chính quyền khống chế đến mức đoàn đi phải phân tán, di chuyển dích dắc để tránh tiếp xúc với dân. Cách thức vận hành này giống như cách đặc công, biệt động thành thâm nhập đánh đồn bót thời chiến tranh.
Đúng theo ý nguyện của Thầy, đoàn không trốn mà đi giữa thanh thiên bạch nhật nhưng các thành viên trong đoàn phải phân tán, phải thay đổi chỗ tránh nhiều lần trước khi xuất phát. Clip "Sư Chơn Trí và cha chia tay trước chuyến hành trình dài" của Lê Khả Giáp đã thể hiện rất chi tiết sự di chuyển lắc léo ngoạn mục này (1).
Đại diên cho đất nước
Qua đến đất Lào, Đoàn Văn Báu vẫn sợ Việt Kiều ở Lào và người Việt từ trong nước đuổi theo xin đảnh lễ nên phải lựa chọn những cung đường vắng, thay đổi lộ trình để đánh lạc hướng.
Vài ba ngày sau, khi chuyến đi chớm xuôi thuận. Người dân Lào đổ xô quỳ phục hai bên đường đảnh lể, cúng dường cho Thầy mỗi ngày đầy một xe bán tải, Báu phải đem đi làm từ thiện cho ngưới dân Lào. Nhưng đến ngày thứ ba, thứ tư đã xuất hiện những tín hiệu gắn kết hoạt động cùa đoàn với đât nước và càng lúc càng lộ rõ. Mặc dù Thầy Minh Tuệ phát nguyện cá nhân đi để viếng các thánh tích tri ân đức Phât và cầu nguyện cho thế giới hòa bình an lạc. Thầy đâu dám đụng chạm đến đất nước thiên đường hay giáo hội quốc doanh.
Ấy vậy mà trong clip "Xúc động hình ảnh Cụ Bà 86 tuổi đi 500km chỉ để đảnh lễ Sư Minh Tuệ chúc đất nước mình nổi tiếng nổi tăm" đã ghi nhận câu chúc rất ư chính trị của một bà cụ "Chúc đất nước mình nổi tiếng nổi tăm" (2).
Đoàn gia đình bà cụ này khá đặc biệt đã đến ngay nơi các Thầy nghỉ trưa sau khi thọ thực và không tiếp xúc với ai. Đoàn ở trong rừng cây đươc cảnh giới từ xa và ngăn chặn mọi người tiếp cận. Thế nhưng có lẽ nghe cụ già 86 tuổi đi 500 km tìm đến, Thầy Minh Tuê đã bước ra ngoài đảnh lễ, gieo duyên.
Có thể cho rằng đây là câu nói vô tình của một phật tử kính đạo yêu nước chứ không có động cơ chính tri. Thế nhưng chỉ một ngày sau lại xuất hiện đoạn clip ghi âm Đoàn Văn Báu gạ thầy cầm cờ đỏ sao vàng trong cuộc hành trình.
Nhà sư cầm cờ đi bộ ?
Thầy Minh Tuệ không từ chối việc đoàn cầm cờ nhưng cho rằng "tu sĩ ai làm như vậy" và giao viêc đó cho Báu hoặc các anh em đi theo phụ việc khi xe dừng thì cắm cờ lên xe.
Một làn sóng phản đối, quy chụp đã nổ ra. Nhiều Youtuber, Facebooker đã rộ lên phê phán thầy Minh Tuệ là không yêu nước trên cả đời thực lẫn trên mạng. Một kênh Facebook đã đăng bài "Hiểu đúng về việc SƯ MINH TUỆ KHÔNG CẦM CỜ, cho phép thành viên trong đoàn cầm cờ Tổ Quốc | HP" (3).
Clip này phát lại đoạn đôi thoại giữa Thầy và Đoàn Kim Báu. Thông tin cho biết nhiều youtuber, facebooker đã phê phán, chụp mũ Thầy Minh Tuệ không yêu nước, không thực hiện trách nhiệm công dân… Ngược lại đa số người khác cho rằng Thầy không chối bỏ cờ đỏ sao vàng, tuy nhiên người tu hành phát nguyện buông xà ngay cả thân tứ đại như Thầy thì việc cầm cờ là không phù hợp và vô nghĩa.
Trong thực tế dù báo chí trong nước thủ khẩu như bình, đồng loạt im lăng về chuyến đi bộ hành thì dư luận trên mạng xã hội bừng bừng dây sóng. Sau mấy ngày độc quyền đưa thông tin hoạt động của đoàn kênh youtube của Lê Khả Giáp tăng hàng trăm ngàn lượt đăng ký và đạt nút vàng. Người dân Lào mỗi nơi đoàn đi qua đổ xô ra hai bên đường trải khăn, quỳ dâng cúng. Báo chí Lào cũng bắt đầu vào cuộc.
Môt lần nữa, trách nhiệm với đất nước, với dân tộc của đoàn bộ hành đươc nhắc đến. Trong một clip trên trang Facebook của Đoàn Văn Báu nội dung giải thích vì sao người này người khác đươc hoặc không đươc tham gia đoàn bộ hành, ở thời điểm 1 phút 35 Báu khẳng định đoàn bộ hành không chỉ đi cho mình mà còn mang hình ảnh của quốc gia, dân tộc và của một pháp tu (4).
Điều kiện nào là hình ảnh đại diện ?
Đành rằng Sư Minh Tuệ và các Sư Nhỏ là người Việt Nam đang ở nước ngoài nhưng liệu có phải bất cứ người Viêt nào ra nước ngoài đều có thể là hình ảnh của đất nước, dân tộc Việt ?
Các quan chức tấn công tình dục ở Chi Lê và Newzeland có mang hình ảnh Viêt Nam không ?
Với xu hớng gắn kết khá khiên cưỡng ấy tôi băn khoăn liệu đến ngày nào đó, Sư Minh Tuệ và các Sư Nhỏ được thưởng huy chương, anh hùng lao động vì mang hình ảnh đại diện cho dân tộc Việt ? Nếu việc tréo ngoe ấy xảy ra thì các danh hiệu này có chính danh ? Để có câu trả lời một cách khách quan tôi đã nhờ đến trí tuệ nhân tạo
Hỏi - ChatGPT trả lời
Hỏi : Điều kiện nào cá nhân công dân đai diện cho hình anh một quốc gia dân tộc ?
ChatGPT : Để một cá nhân đại diện cho hình ảnh của một quốc gia, dân tộc, có thể là trong lĩnh vực ngoại giao, thể thao, văn hóa hoặc chính trị, các điều kiện cần thiết thường bao gồm các yếu tố sau :
1. Quốc tịch và sự công nhận : Cá nhân đó phải là công dân của quốc gia mà họ đại diện. Họ phải có quốc tịch chính thức và được quốc gia công nhận là người đại diện hợp pháp.
2. Danh tiếng và uy tín : Cá nhân này phải có uy tín, danh tiếng trong lĩnh vực mà họ đại diện. Đối với các hoạt động thể thao, họ cần có thành tích đáng chú ý, với sự công nhận rộng rãi. Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, họ phải có những đóng góp đáng kể.
3. Kỹ năng và năng lực : Người đại diện phải có các kỹ năng chuyên môn và khả năng giao tiếp, làm việc với các tổ chức quốc tế, hoặc có khả năng thể hiện hình ảnh của quốc gia một cách tích cực và hiệu quả.
4. Được lựa chọn hoặc bổ nhiệm : Trong một số trường hợp, cá nhân đó phải được lựa chọn hoặc bổ nhiệm bởi cơ quan nhà nước, tổ chức quốc gia (chính phủ, liên đoàn thể thao, tổ chức văn hóa...). Ví dụ, một vận động viên đại diện cho quốc gia trong các kỳ Olympic hoặc một nhà ngoại giao được bổ nhiệm để đại diện quốc gia trong các cuộc đàm phán quốc tế.
5. Tính đại diện : Người này phải có khả năng thể hiện các giá trị, bản sắc và văn hóa của quốc gia. Điều này có thể bao gồm việc truyền tải thông điệp của quốc gia hoặc thực hiện các nhiệm vụ đại diện tại các sự kiện quốc tế.
6. Lòng yêu nước và sự tôn trọng : Người đại diện cần thể hiện sự tôn trọng đối với quốc gia, dân tộc và các giá trị văn hóa của quốc gia mình. Họ cần hiểu và truyền đạt được những giá trị này trong các hành động và lời nói của mình.
Có cầm cờ, hô khẩu hiệu cũng vẫn là những cá nhân
Hỏi : Sư Minh Tuệ tu theo Hạnh Đầu Đà bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đa số theo pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo Đại thừa) ra thông báo chính thức khẳng định không phải là tu sĩ. Sư tự phát nguyện bộ hành đi sang Ấn Độ, chuyến đi đươc một số cá nhân tự nguyện hưởng ứng, nhà nước và giáo hội không có ý kiến cũng không có sự hỗ trợ nào, chuyến đi gây tiếng vang lớn trong ngoài nước trên mạng xã hội nhưng báo chí nhà nước không đưa tin. Vậy đoàn đi Ấn Độ của sư Minh Tuệ có mang hình ảnh đại diện cho đất nước dân tộc Việt Nam không ?
ChatGPT : Về việc đoàn đi Ấn Độ của Sư Minh Tuệ có mang hình ảnh đại diện cho đất nước và dân tộc Việt Nam hay không, câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến vai trò và mối quan hệ giữa cá nhân đó với chính quyền, giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như sự công nhận từ phía xã hội.
Các yếu tố cần xem xét :
1. Phân biệt giữa cá nhân và đại diện chính thức : Sư Minh Tuệ là một cá nhân xuất phát từ một truyền thống tu hành riêng, theo Hạnh Đầu Đà, và không được giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận là tu sĩ chính thức. Trong bối cảnh này, nếu không có sự công nhận chính thức từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc chính quyền, thì chuyến đi của sư có thể chỉ được xem là hành động cá nhân, không phải là hoạt động đại diện chính thức cho đất nước.
2. Lý do chuyến đi không được hỗ trợ chính thức : Việc nhà nước và giáo hội không có sự hỗ trợ hay can thiệp vào chuyến đi cho thấy rằng Sư Minh Tuệ không tham gia với tư cách là đại diện chính thức của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có trách nhiệm hay cam kết gì đối với chuyến đi này. Do đó, không thể coi chuyến đi là hành động đại diện chính thức cho đất nước hay dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế hay ngoại giao.
3. Tác động trên mạng xã hội và dư luận : Mặc dù chuyến đi gây tiếng vang lớn trên mạng xã hội và được một số cá nhân hưởng ứng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chuyến đi đại diện cho quốc gia. Mạng xã hội có thể khuếch đại hình ảnh của cá nhân, nhưng điều này chỉ thể hiện một phần trong sự đánh giá của cộng đồng, không phải là sự công nhận chính thức từ các cơ quan nhà nước hay giáo hội.
4. Mối quan hệ với Phật giáo và hình ảnh quốc gia : Trong văn hóa và tôn giáo Việt Nam, Phật giáo có vai trò quan trọng, nhưng các hành động của một tu sĩ (hoặc cá nhân tự xưng là tu sĩ) có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo, chứ không phải trực tiếp đến hình ảnh quốc gia. Việc Sư Minh Tuệ hành động một cách độc lập không được giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận có thể gây ảnh hưởng nhất định trong giới Phật giáo, nhưng sẽ không được coi là đại diện cho quốc gia Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế.
Kết luận
Sư Minh Tuệ và đoàn của sư không thể coi là đại diện chính thức cho đất nước và dân tộc Việt Nam trong chuyến đi này. Nếu không có sự công nhận từ các cơ quan nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hành động của sư chỉ là cá nhân tự phát và không có tính đại diện cho quốc gia trong bối cảnh quốc tế hay ngoại giao. Chuyến đi này có thể gây tiếng vang và thu hút sự chú ý, nhưng về mặt chính thức và pháp lý, không thể xác định đó là hành động đại diện cho Việt Nam.
Đến đây ta có thể yên tâm, dù Sư Minh Tuệ và cả đoàn có cầm cờ, cầm quạt hoặc có buộc phải hô khẩu hiệu tự hào quá Viêt Nam trên đất Phật thì họ mãi là những người bộ hành vạn dặm theo phát nguyện cá nhân như các cô gái điếm. Ngược lại những quan chức tấn công tình dục thì lại khác. Họ đi công cán với vai trò, sứ mạng đươc nhà nước phân công. Họ là đại diện, là hình ảnh đất nước Việt Nam.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 21/12/2024
Tham khảo
1. https://www.youtube.com/watch?v=5ZVOZavu1EU
2. https://www.youtube.com/watch?v=5iTY1ySEUbM
3. https://www.youtube.com/watch?v=0YJ4qu2zO1k
4. https://www.facebook.com/doanvanbau/videos/1105754617502808
Sách "Hương Bay Ngược Gió" ghi lại các pháp thoại của sư Minh Tuệ bị cấm phát hành
RFA, 18/12/2024
Cuốn sách ghi lại những đoạn hội thoại của sư Minh Tuệ về Phật pháp không được phép xuất bản ở Việt Nam, chủ công ty sách đặt câu hỏi "ai/những ai, cơ quan nào muốn triệt cuốn sách về ông – một cuốn sách hết sức lành mạnh ?"
Sách "Hương Bay Ngược Gió" được quảng cáo trên website của công ty sách Khai Tâm là "sắp phát hành" - Chụp màn hình
Sư Thích Minh Tuệ trong những tháng qua đã gây chú ý trong dư luận Việt Nam khi nhiều người phát hiện ông đã đi bộ chân trần dọc Việt Nam, thực hành việc tu tập theo hạnh đầu đà của Phật. Chuyến đi gần đây nhất của ông vào tháng 5 năm nay đã kéo theo nhiều người theo dõi và đưa tin trên mạng xã hội khiến Chính phủ phải vào cuộc và bắt ông phải ẩn tu ở quê nhà Gia Lai.
Soạn giả Phạm Hiền Mây đã biên soạn cuốn sách "Hương bay ngược gió : Bước chân tập học của sư Minh Tuệ" từ 27 video đã đăng trên YouTube, kể lại bước đường tập học của hành giả Minh Tuệ trong sáu năm qua.
Công ty trách nhiệm hữu hạn văn hóa Khai Tâm liên kết với Nhà xuất bản Đà Nẵng để phát hành và đã được nhà xuất bản trên cấp phép vào ngày 20/09/2024, đồng thời Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận nộp lưu chiểu vào ngày 14/10.
Ông Hoàng Nhơn, Giám đốc công ty Khai Tâm dẫn quy định hiện hành cho biết, trong vòng 14 ngày sau khi nộp lưu chiểu, đơn vị thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ có văn bản thông báo quyết định phát hành, tuy nhiên sau hai tháng ông vẫn không nhận được giấy tờ gì.
Trên Facebook cá nhân ông cho hay, khi sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành bước chân sang Lào vào ngày 12/12 để hành hương đến Ấn Độ, ông Nhơn gọi cho Nhà xuất bản Đà Nẵng để hỏi thì được đại diện công ty này cho biết "cuốn sách không được phát hành".
Hôm 16/12, ông vẫn đang đợi thông báo chính thức bằng văn bản của đơn vị liên kết nói rõ lý do vì sao không cho phát hành sách liên quan đến sư Minh Tuệ. Nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do, ông chia sẻ : "Thật sự mình không biết ai, hay cơ quan nào có thẩm quyền để cấm cuốn sách này - tức là không cho phát hành, bởi vì nó đã vượt quá thẩm quyền của Nhà xuất bản, vượt thẩm quyền của Cục Xuất bản - đây là nơi chịu trách nhiệm chính trong chuyện này nhưng cũng vượt thẩm quyền của họ luôn".
Tra cứu thông tin về cuốn sách trên website của Cục Xuất bản cho thấy công ty sách đã nộp lưu chiểu vào ngày 14/10/2024. Ảnh chụp màn hình
Ông cũng cho rằng người của Nhà xuất bản cho ông biết tổ thẩm định của Cục Xuất bản đánh giá nội dung của cuốn sách là "không có gì", nghĩa là lành mạnh, tốt đời đẹp đạo theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Kể từ khi thành lập công ty sách Khai Tâm vào năm 2021, ông Nhơn đã liên kết với các nhà xuất bản cho ra đời nhiều cuốn sách khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp trường hợp sách đã nộp lưu chiểu, đã in nhưng không được phép phát hành.
Phóng viên gửi email cho Nhà xuất bản Đà Nẵng, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Xuất Bản, In và Phát hành để tìm hiểu về vụ việc, tuy vậy, vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Một người theo dõi sư Minh Tuệ ở Việt Nam không nêu danh tính vì lý do an ninh nhận xét : "Việc phát hành cuốn Hương Bay Ngược Gió có lẽ bị Ban Tôn giáo Chính phủ không đồng ý, bởi họ không hề thích sư Minh Tuệ. Họ sẽ ngăn chặn mọi thông tin chính thống có lợi cho ông. Cuộc du hành của ông đến Ấn Độ các báo hầu như không đề cập".
Viết về việc cuốn sách không được phát hành, chủ công ty sách tư nhân đặt câu hỏi : "Tại sao lại sợ một công dân đang tập học theo lời Phật dạy một cách hết sức đàng hoàng ? Sợ những câu chuyện về ông ấy đi vào đời sống, đến với bạn đọc ?"
Nguồn : RFA, 18/12/2024
Chỉ vài ngày sau chuyến bộ hành ra khỏi Việt Nam của sư Minh Tuệ, vốn được hàng triệu người theo dõi, mọi thứ đã hiện rõ đó là bài toán của Nhà nước – dù chỉ là bước đầu – nhưng mục tiêu rõ ràng để dẹp bỏ sự thành kính không thể dập tắt của quần chúng đối vị sư chân đất, và quan trọng là lưu đày một cách hợp pháp ông ra khỏi cội nguồn quê hương.
Sư Minh Tuệ và tăng đoàn trên đất Lào. Ảnh : FB Võ Hồng Ly
Ngay cả việc đưa sư Minh Tuệ đi khỏi quê nhà Gia Lai cũng đầy bất thường. Buổi sáng ngày 12/12, những người dân trong vùng, cũng như những người khắp nơi tụ về, do phỏng đoán ngày công an sẽ đưa sư Tuệ ra cửa khẩu biên giới Lào, đã thấy công an sắc phục, mật vụ thường phục… xuất hiện dày đặc trên con đường dẫn vào nhà sư Minh Tuệ. Có khoảng bốn chốt gác được lập ra để ngăn chặn bất kỳ ai muốn tiếp cận thầy. Điều buồn cười là yêu cầu vô lý trong đơn gửi công an của bà Nguyễn Thị Hoàng ở Bình Dương về chuyện phải dẹp bỏ quán cà phê Nắng và những người buôn bán trước con đường dẫn vào nhà sư Minh Tuệ, cũng đã được công an răm rắp làm theo trong ngày hôm đó.
Giống như cuộc cưỡng bức du hành thô bỉ, những chiếc xe của công an đóng kín cửa, chở sư Minh Tuệ đi nhanh thẳng ra đường, trong sự ngơ ngác nhìn theo của nhiều người đang quan tâm và lo lắng cho thầy.
Chuyến đi này, có ông Thượng tá công an Đoàn Văn Báu, chuyên viên về tâm lý tội phạm của Bộ Công An, đi kèm cặp sư Minh Tuệ. Mặc dù người này đã lên trên các kênh truyền thông để tự giải thích rằng mình không còn trong ngành công an nữa và chỉ đi theo sư Tuệ vì mến mộ, và đi tiền trạm rồi theo luôn trong đoàn để bảo vệ, nhưng khắp nơi vẫn còn đầy các câu hỏi rằng, nếu chỉ là một người mến mộ, tại sao ông Báu lại bỏ thời gian để vạch hết tất cả những lộ trình bắt buộc cho sư Tuệ, đồng thời đưa ra những quy định hạn chế nghiêm ngặt về người đi theo sư Tuệ, cũng như về việc đưa tin, chụp hình.
Đáng nói, trong những video mà ông Báu đưa ra về lộ trình của tám người đoàn sư Minh Tuệ, ngày 14/12, ông Báu vô tình sơ hở để lộ một chi tiết rằng ông chỉ chọn những con đường heo hút và đường rừng cho sư Minh Tuệ đi, vì sợ cung đường dễ tìm gặp thì sẽ có những người từ Việt Nam chạy sang và gia nhập đoàn đi cùng sư Tuệ.
Nếu là một người mến mộ đi theo sư Tuệ bình thường, tại sao ông Báu lại có một quyền hạn đặc biệt về quyết định lộ trình, buộc mọi người phải theo, và quan trọng là chỉ cho phép ai mà ông ta đã duyệt trước mới được đi theo sư Tuệ ?
Nói trong một video, ông Báu giải thích như một cách cảnh cáo rằng những người từ Việt Nam chớ có mà tìm cách tự mình đi qua Lào, tìm kiếm lộ trình của sư Tuệ rồi nhập đoàn. Ông nói điều này chỉ gây phiền phức cho sư Tuệ, và đây là điều mà chính quyền Lào cấm đoán. Theo lời ông Báu, chính quyền Lào chỉ cho các phép một đoàn đi giới hạn với 10 người, do đó chính vì vậy mà lúc này đoàn của sư Tuệ chỉ có tám người.
Lại thêm một điều nữa gây thắc mắc cho tất cả những người đang quan tâm đến sự kiện bộ hành của sư Minh Tuệ. Đã có người lên tìm kiếm về các quy định du lịch, cũng như tôn giáo của Lào, lại không thấy sự cấm cản nào liên quan đến con số 10 mà ông Báu nói. "Em chưa nghe nói đến việc giới hạn số lượng thầy tu bộ hành khất thực như ông công an nói", một người Việt sống ở Lào chia sẻ, và cũng không dám tiết lộ tên tuổi, "có những lúc em đã thấy các đoàn sư ở Lào đi khất thực đến vài chục người mà cũng không có chuyện gì xảy ra".
Trên một diễn đàn đã có người đặt câu hỏi rằng "nếu một đoàn chỉ được 10 người, vậy thì các thầy chia làm những đoàn đi cách nhau vài trăm mét, có được không ?". Không thấy ông Báu trả lời câu hỏi này.
Nhưng điều ông Báu cảnh cáo mọi người không phải là không có lý do. Trong một bản video, người ta nhìn thấy hai vị sư đi riêng lẻ, bị một chiếc xe có những người mặc Việt thường phục, rượt theo trên một đoàn đường vắng, cưỡng ép quay lại Việt Nam. Một vị dường như lên tiếng nói rằng ông hiện không đi chung đoàn với sư Minh Tuệ, nhưng không ai trả lời ông, và việc hủy bỏ chuyện bộ hành cũng không được giải thích.
Điều này cho thấy, khi đi qua biên giới, luật pháp Lào cho các vị sư này đã nhập cảnh bình thường, nhưng rồi có ai đó phát hiện và gọi báo, nhờ công an Lào phối hợp thì các vị này mới bị truy đuổi. Sau đó, thì Thượng úy Báu lên video khuyến cáo mọi người từ Việt Nam "đừng tìm cách theo thầy". Tại sao người Việt hâm mộ sư Minh Tuệ không thể tìm gặp ông, trong khi dân Lào thì đón trên đường với sự thành kính.
Hơn nữa, ông Báu, người tự xưng mến mộ đơn thuần nhưng mọi lúc trên đất Lào, đều cầm bộ đàm trong tay và liên lạc không ngừng. Đoàn của sư Minh Tuệ chỉ duy nhất có ông là cầm bộ đàm. Ông Báu phải liên lạc thường xuyên báo cáo với ai ?
Sau sự kiện vài vị sư bị rượt đuổi trên đường và trục xuất về Việt Nam. Một hiện tượng khác lại nổi lên, được bàn tán trên mạng. Một người Việt tên Nga Phạm viết trên Facebook cá nhân rằng bà ta đi qua Lào để du lịch, nhưng nhân viên hải quan Lào lại hỏi là bà có đi theo sư Minh Tuệ hay không. Dù bà khẳng định rằng bà chỉ đi du lịch, nhưng công an Lào vẫn không tin và không cho bà nhập cảnh. Đã có cuộc liên lạc cấp ngoại giao đến mức nào mà tên sư Minh Tuệ cùng những người đi theo đã bị ngăn chặn từ cửa biên giới ?
Chiếc thòng lọng của nhà cầm quyền dành cho sư Minh Tuệ hiện ra một cách rõ ràng, và có lẽ họ muốn chuyến đi của ông đi lâu hơn bình thường, để ở quê nhà người dân quên dần hình ảnh của ông, cũng như giúp phục hồi dần sự bệ rạc của Giáo hội Phật giáo tay sai trong những ngày tháng qua, khi sư Minh Tuệ còn ở trong nước.
Một trong những chi tiết ngày càng lộ rõ những điều đơm đặt, nhét chữ vào miệng sư Minh Tuệ, là công an Báu trong lúc ngồi giữa đoạn đường, có hỏi sư Tuệ rằng "Thầy đi xong rồi thì có về ẩn tu không". Sư Minh Tuệ cười và nói "Con không bao giờ chọn ẩn tu". Sự khẳng định này một lần nữa cho thấy toàn bộ hệ thống tuyên truyền của nhà nước cộng sản Việt Nam, về việc đã bắt cóc sư Minh Tuệ, cô lập ông trong một thời gian dài và gán cho cái nhãn là "tự nguyện ẩn tu", là hoàn toàn dối trá.
Và câu hỏi của công an Báu cũng làm cho nhiều người trầm ngâm suy nghĩ. Liệu sau chuyến đi đánh lạc hướng tất cả mọi người trong nước về sư Minh Tuệ, có khi nào chính quyền lại cô lập ông, và nói là sư Minh Tuệ đã tự nguyện "ẩn tu" chăng ?
Cần biết là toàn bộ chuyến đi này những phát ngôn chính thức về sư Minh Tuệ, đều do công an Báu độc quyền phát đi. Ngày 15/12, ông Báu bất ngờ phát một video ngắn trong đó nói sư Minh Tuệ có ý nguyện sau chuyến đi này sẽ đến Himalaya ẩn tu. Ngôn luận này hoàn toàn từ ông Báu đưa ra mà không có sự xác nhận của sư Minh Tuệ, và cũng hoàn toàn ngược với những gì sư Minh Tuệ khẳng định đã khẳng định trước đây.
Có lẽ chuyến đi đã nhọc nhằn, và người đóng vai người hâm mộ đơn thuần đã đến lúc mỏi mệt, và e ngại rằng sẽ có những người nhập đoàn, đưa tin không còn có thể kiểm soát được, Báu đã sớm đưa ra những viễn cảnh đã được dự tính. Một viễn cảnh mà không chỉ riêng nhà cầm quyền, mà kể cả Giáo hội tay sai cũng đang thấp thỏm chờ đợi.
Nam Việt
Nguồn : RFA, 16/12/2024
Đằng sau quyết định của sư Minh Tuệ rời bỏ đất nước để bộ hành qua Ấn Độ
Sáu tháng sau khi đoàn bộ hành của sư Thích Minh Tuệ bị công an giải tán ở Thừa Thiên-Huế, vị hành giả này đã cùng một số đồng tu rời Việt Nam, một số người cho rằng chính quyền đã "nhổ được cái gai trong mắt họ".
Sư Thích Minh Tuệ đi khất thực - Ảnh minh họa
Hôm 12/12, sư Minh Tuệ cùng các sư khác như Minh Tạng, Minh Trí, Chơn Trí, Minh Dược... được một số người đưa từ nơi trú ngụ ở tỉnh Gia Lai đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nằm ở biên giới Việt-Lào, để lên đường sang nước bạn.
Video của ông L.K.G, một Youtuber bộ hành du lịch nổi tiếng, đăng tải ngày 13/12 cho thấy, các vị tu sĩ này được một số người hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh ở biên giới.
Trước đó, ông này đã xin đồng hành hỗ trợ sư Minh Tuệ trên đường hành hương về đất Phật ở Ấn Độ do đã có kinh nghiệm đi đường.
Một Phật tử giấu tên ở Sài Gòn cho rằng, vị tu sĩ đầu trần chân đất xuất hiện như một bậc chân tu đã làm lu mờ, cũng như gián tiếp vạch trần sự băng hoại của nhiều tu sĩ trong hệ thống Phật giáo nhà nước hiện nay. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :
"Những người có khả năng quy tụ được số đông quần chúng nhân dân, luôn là cái gai trong mắt của những chính quyền độc tài. Nên có lẽ sư Minh Tuệ không ngoại lệ.
Cho nên, có thể trong tối và ngoài sáng, người ta chọn giải pháp để ông tu tập bên ngoài Việt Nam là tốt nhất, đặc biệt qua năm tới Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak".
Đã nhận giấy tờ sư Minh Tuệ sang Ấn Độ bộ hành và luật sư nổi tiếng Hoa Kỳ nói về Sư Minh Tuệ
Từ Nam California (Hoa Kỳ), bà Thanh Nhàn, một người gốc Việt quan tâm đến chặng đường tu hành của sư Minh Tuệ cho rằng, ông không được tự do tu tập theo ý nguyện ở trong nước và ông buộc phải chọn con đường ra nước ngoài như một hình thức "tị nạn tôn giáo".
Bà cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn đó là tầm ảnh hưởng, sức thu hút của ông đối với quần chúng. Do vậy, chính quyền muốn nhổ đi cái gai trong mắt họ bằng cách đưa qua nước khác. Bà nói trong tin nhắn gửi RFA :
"Rời khỏi Việt Nam, con đường tu tập của Thầy chắc sẽ dễ dàng hơn, và chắc Thầy cũng tiếp tục được giới truyền thông theo dõi, nếu vì vậy mà Thầy trở nên nổi tiếng thì là một sự thiệt thòi lớn cho Việt Nam : Một vị chân tu không được đất nước của mình chấp nhận".
Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Thanh Huy từ Nha Trang cho rằng việc sư Minh Tuệ đi đến Ấn Độ là một điều tốt cho tâm nguyện của ông và quyết định đó vẹn cả đôi đường vì "nó cũng tháo gỡ được những khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh, giảm bớt áp lực cho xã hội trước những luồng dư luận".
Nguồn : RFA, 13/12/2024
Chuyện sư Thích Minh Tuệ đột ngột nhận được đơn tố giác của một chủ doanh nghiệp tại Bình Dương, về chuyện nhờ công an điều tra xem sư Tuệ có phải là "phản động", và có liên kết với các thành phần phản động là Châu Ngọc Đời, Hoàng Duy Hùng hay không, thật sự vừa buồn cười, và cũng phải cho thêm một nụ cười buồn cho sự hỗn loạn của trên bề mặt dân tình đất nước này.
Sư Minh Tuệ - Ảnh minh họa
Tin nói bà Nguyễn Thị Hoàng, sinh năm 1960 (rất tiếc không thể công bố thêm các chi tiết cụ thể vì đó là phần riêng tư cá nhân) gửi thư cho đến cả Chủ tịch nước Lương Cường cùng nhiều cơ quan khác, trong đó nhờ công an Gia Lai điều tra việc ông Tuệ "chia rẽ tôn giáo, dân tộc" và "xúc phạm công an". Chuyện gọi là xúc phạm, vì bà Hoàng nói trong một bức tâm thư, ông Tuệ diễn đạt rằng công an đã ngăn chặn không cho ông đi khất thực trong 108 ngày tại núi Sạn.
Trong lá thư dài ba trang giấy A4, nộp ngày 27/11/2024, ký tên Nguyễn Thị Hoàng là chủ của công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Dương, còn nhiều hạng mục đòi hỏi phải điều tra và yêu cầu khác, chẳng hạn phải làm rõ sư Tuệ có quan hệ gì với sư Thích Minh Đạo. Bà này còn yêu cầu phá hủy cốc của sư Tuệ ở Gia Lai, cấm những người buôn bán và chạy xe ôm ở quán Cà Phê Nắng gần công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ… Điều quan trọng nhất là bà Hoàng đề nghị cấm xuất cảnh, không cho ông Tuệ được đi lại, cũng như không được đi khất thực ở nơi khác cho đến khi điều tra xong.
Điều buồn cười tất cả những yêu cầu này, qua đơn tố giác tội phạm cho thấy một giọng điệu căm ghét ngu xuẩn đối với một người tu hành chân phương, và cũng không có nhu cầu để đối đáp với bà ta. Hơn nữa, tất cả những thứ bà ta yêu cầu và định ra những nghi ngờ đều là những chuyện thao túng từ truyền thông bẩn, mà không cần đến công an, bất kỳ người dân bình thường lâu nay theo dõi câu chuyện sư Tuệ đều có thể trả lời đúng-sai ngay lập tức.
Còn chuyện phải cười buồn, là đất nước Việt Nam ngày càng hỗn loạn với loại công dân thích đứng về phía bóng tối để ném đá về những người đứng ngoài ánh sáng. Nhân danh tố cáo tội phạm, họ thể hiện sự hằn thù và ganh tị với những người mà họ không thể nào với tới được. Lá thư này chợt bỗng nhắc cho mọi người nhớ đến đơn tố cáo của ông Thích Nhật Từ dành cho Tịnh thất Bồng Lai, mà nguyên cớ chỉ là sự ghét bỏ nằm trong vỏ bọc của kẻ mặc áo Phật.
Trên thực tế không có công an nào rảnh rỗi để đi làm những công việc mà bà Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu, và kể cả chuyện giải trình những điều này từ công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ, cho đến sư Thích Minh Tuệ, với cơ quan công an Gia Lai là quá dễ dàng. Một lời tố cáo ất ơ nào đó sẽ không thể ảnh hưởng đến một công dân bình thường, đặc biệt khi không có một chứng cứ phạm tội cụ thể, cũng như khi chưa có lệnh của Viện kiểm sát đưa xuống với những chứng cứ cần điều tra.
Bà Hoàng như vẫn sống trong một tâm tưởng của Việt Nam những ngày đầu sau năm 1975, lúc tất cả mọi thứ còn hoang mang và sự kiểm soát vẫn còn chưa đầy đủ, lúc đó đã có không ít người chỉ vì thù ghét nhau mà dán nhãn những tội trạng chính trị lên đó, trong việc trình báo. Nhưng vẫn đáng để suy luận, là phía sau bà Hoàng, chắc còn lởm khởm những bóng ma nào đó mang đậm tư duy "địch-ta", vẫn đang hà hơi tiếp sức.
Lá thư tố cáo đưa ra hơn chục yêu cầu đủ loại, mà mục đích chỉ có duy nhất là để hủy hoại danh tính của sư Tuệ cũng như là ngăn chặn hành trình của ông được tự do tu tập. Dĩ nhiên dù không thành công, thì lá thư này cũng làm cho bọn ma tăng, bọn con nhang của những loại thầy tu giả hiệu… vỗ tay, mở cờ trong bụng vì nghĩ cũng đã cào cấu được một ít nào đó, với kẻ mà họ tự dựng nên một sự căm thù. Còn đám đông không rành chuyện và mơ hồ trước những luồng thông tin không thể kiểm chứng được, thì cũng có thể hình thành một luồng xì xào cần thiết, có lợi cho những kẻ đổ đá hại người, ngăn cản bước đi.
Đọc qua lá đơn tố giác này, sao thấy nhớ thật nhiều đến chuyện trước đây, khi Thích Nhật Từ cùng Nguyễn Phương Hằng tung lời vu cáo rằng ông Lê Tùng Vân ở Tịnh Thất Bồng Lai là dâm loạn. Điều này đã khiến công an tỉnh Long An tiến hành điều tra suốt trong nhiều tháng trời, bao gồm việc tổ chức 4 lần lấy mẫu ADN của các thành viên của Tịnh thất. Cuối cùng công an Long An vẫn không tìm ra được chứng cứ gì, và thời hiệu cuộc điều tra về tội danh này cũng đã kết thúc im lặng. Dĩ nhiên mục đích của những kẻ tố cáo không muốn gì khác hơn là làm nhục người mà họ muốn hãm hại. Bởi kết luận vô tội thì sẽ chậm, và không sớm lan đi nhanh như những tin đồn giật gân.
Với trường hợp sư Tuệ cũng vậy, lá đơn tố cáo đầy tính giật gân "phản động", "chia rẽ tôn giáo, dân tộc", "không phụng dưỡng cha mẹ"… cho thấy mục đích chính là để làm nhục sư Tuệ, chứ không hề là để đòi hỏi một giá trị minh bạch nào cả. Lá đơn này chỉ là sự kết tinh của tất cả những điều thối nát từ trước đến giờ được góp lại từ những quần chúng ngu ngơ bị thao túng, từ miệng lưỡi của những tay ma tăng ganh tị đến mức ăn không ngon ngủ không yên trước sư Tuệ.
Điều mà ai cũng biết, chắc chắn lá đơn này chỉ là khởi đầu, đại diện cho những bóng tối đang ngày đêm, muôn mặt bao vây sư Tuệ, mà sự an nhiên và chân thành của ông, lạ thay lại có sức công phá bóng tối đến bất ngờ.
Sư Tuệ đã từng bị đánh, bị chặn lại trên đường đi, bị chất vấn, và bị coi là kẻ gây hại trong tương lai. Nhưng ông vẫn hoan hỉ. Rồi ông sẽ đi qua thôi, sẽ bước qua những rác rưởi với đủ loại tên gọi của các hạng người trong xã hội hôm nay để tiếp tục đi tới, mà những kẻ thù hằn, ganh ghét ông như gió bụi, sẽ không có một cơ may nào lưu lại được cái tên, hay gương mặt trong trí nhớ, trái tim của ông.
Tuấn Khanh
(06/12/2024)