Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải, vừa lên tiếng "xin nhận trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước" và "xin lỗi gia đình các nạn nhân của bốn vụ tai nạn đường sắt, xảy ra liên tục trong bốn ngày từ 24 đến 27 tháng 5" (1).
Xây nhà dọc sát đường sắt rất dễ xảy ra tai nạn chết người - Hình minh họa.
Rạng sáng 24 tháng 5, đoàn tàu có số hiệu SE19, đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng đã đâm vào một xe vận tải ở đoạn gần ga Trường Lâm, tọa lạc tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vụ tai nạn làm hai người chết, mười người bị thương.
Chiều 26 tháng 5, hai đoàn tàu vận tải, một có số hiệu là ASY2 và một có số hiệu là 2469 lao thẳng vào nhau tại ga Núi Thành, tọa lạc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, may mắn là chỉ có hai đầu máy hư hỏng, bốn toa lật ngang, không có thiệt hại nhân mạng.
Cũng chiều 26 tháng 5, khi vào ga Yên Xuân, tọa lạc tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, để nhường đường cho một đoàn tàu khác, thêm một đoàn tàu vận tải bị tai nạn – 2/27 toa đột nhiên trật khỏi đường ray.
Trưa 27 tháng 5, thêm một đoàn tàu vận tải (số hiệu SH3) đâm vào xe bồn chở bê tông lúc đang băng qua khu vực thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. May mắn là chỉ có đầu máy và xe bồn hư hỏng, không có thiệt hại về nhân mạng.
Sau bốn vụ tai nạn xảy ra liên tục trong bốn ngày, chiều 28 tháng 5, Bộ Giao thông và vận tải mới tổ chức một cuộc họp bất thường để xác định trách nhiệm và để xin lỗi. Bộ Giao thông và vận tải không thể tổ chức cuộc họp bất thường sớm hơn, chẳng hạn ngay vào sáng 24 tháng 5, sau vụ xảy ra vụ tai nạn đầu tiên vì lãnh đạo Bộ Giao thông và vận tải phải đến Đồng Tháp để dự buổi… khánh thành cầu Cao Lãnh.
Cả bốn vụ tai nạn vừa kể đã khiến giao thông trên tuyến đường sắt Xuyên Việt đình trệ. Cho dù kế hoạch của chủ những lô hàng mà ngành đường sắt được thuê vận chuyển, rồi sinh hoạt của những cá nhân chọn đường sắt làm phương tiện di chuyển, cũng như cộng đồng cư dân các địa phương mà tai nạn xảy ra, bị đảo lộn, bị gián đoạn... song trong số này chẳng có ai chết hoặc bị thương nên ông Thể không… xin lỗi.
***
Giống như sau vô số những tai nạn thương tâm đã từng xảy ra trong quá khứ, lần này, cả dân chúng lẫn báo giới lại nói xa, nói gần về chuyện lãnh đạo ngành như ông Thể nên từ chức hoặc Thủ tướng Việt Nam nên cách chức ông Thể.
Tại Việt Nam, những đề nghị, đòi hỏi như thế là… phi lý. Ông Thể là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thành ra Thủ tướng Việt Nam – người đứng đầu nội các - không có quyền gạt ông Thể - một thành viên trong nội các - ra khỏi vị trí Bộ trưởng Giao thông và vận tải vì chỉ Bộ Chính trị mới có quyền đó. Đó cũng là các đại biểu Quốc hội muốn chất vấn ông Thể về trách nhiệm Bộ Giao thông và vận tải sẽ phải uốn lưỡi "70 lần 7", chưa kể yếu tố ông Thể ngang hàng với họ vì ông cũng là… đại biểu quốc hội.
Ông Thể được giới lãnh đạo Đảng lựa chọn – quy hoạch – sắp đặt nên lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ không có tư cách đặt vấn đề về tư cách của ông nếu giới lãnh đạo Đảng chưa bật đèn xanh.
Đâu phải tự nhiên mà sau bốn vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong bốn ngày, nơi đầu tiên ông Thể nghiêng minh gửi lời xin lỗi là Đảng, tiếp đó mới tới Nhà nước và cuối cùng mới là gia đình các nạn nhân.
Còn một điểm khác phải chú ý là chỉ đòi truy cứu trách nhiệm của ông Thể cũng như ngành giao thông – vận tải là chưa sòng phẳng.
Hai trong bốn vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong bốn ngày hạ tuần tháng này là do hạ tầng đường sắt có vấn đề. Hạ tầng đường sắt có vấn đề là vấn đề đã có từ lâu. Hồi tháng 3, Đài Truyền hình Quốc gia từng phát một phóng sự nhắc lại rằng, tại Việt Nam có những đoạn đường ray đã dùng hàng trăm năm nhưng đến nay không thay thế mà cũng chẳng sửa chữa. Với số tiền mà công quỹ cấp hàng năm cho việc duy tu – bảo dưỡng hệ thống đường ray như hiện nay thì chỉ tính riêng đoạn đường sắt chạy ngang tỉnh Thanh Hóa cũng phải chờ thêm 100 năm nữa. Bên cạnh hệ thống đường ray cũ, nát, trên tuyến đường sắt xuyên Việt còn có 600 cây cầu càng ngày càng yếu nhưng vẫn dùng chứ không sửa vì không có tiền (2).
Tiền cho hạ tầng đường sắt tất nhiên nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông và vận tải. Khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra hết "chủ trương lớn" này tới "chủ trương lớn" khác, "chủ trương lớn" nào cũng được Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận gần như tuyết đối và Chính phủ cứ thế thi hành thì làm gì còn tiền cho hạ tầng đường sắt ? Đã biết thế thì đâu có đồng chí nào ủng hộ "chặt đầu, lột da" ông Thể.
Hai trong số bốn vụ tai nạn đường sắt còn lại đã được xác định là do quản lý – điều hành trật tự giao thông quá tồi. Cả hai đều xảy ra ở những chỗ giao cắt giữa tuyến đường sắt xuyên Việt và đường bộ. Theo giới hữu trách, tài xế xe vận tải, xe bồn chở bê tông bị đụng đều do thiếu quan sát, vượt ẩu khi băng qua đường sắt. Cũng theo giới hữu trách hiện có 5.700 con đường cắt ngang tuyến đường sắt xuyên Việt, trong số nay có hơn 4.000 là đường tự mở. Tuy nhiên đó là chuyện ngoài phạm vi trách nhiệm của ngành giao thông – vận tải. Địa phương nào cũng có chính quyền và công an nhưng chưa có ai yêu cầu chính quyền địa phương và công an phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông đường sắt, thế thì hà cớ gì họ phải vơ trách nhiệm vào ? Thật ra công an có cảnh sát kiểm soát giao thông đường sắt nhưng có một thực tế mà ai cũng biết là để ý đến hoạt động giao thông đường sắt thì… được gì (?) ngoài phân và nước tiểu tung tóe dọc đường ray bởi nhà vệ sinh trên nhiều đoàn tàu vẫn chưa có thùng chứa, tất cả những thứ mà hành khách phóng uế đều đi thẳng ra… bên ngoài tàu.
***
Cứ nhìn bốn vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong bốn ngày hạ tuần tháng này theo lối ấy thì chẳng lẽ lại không có ai chịu trách nhiệm ?
Có chứ ! Ít nhất Công an Thanh Hóa đã tống giam hai người gác chắn tàu ở đoạn đường ray gần ga Trường Lâm, tọa lạc tại huyện Tĩnh Gia. Họ bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Nhân chuyện hai nhân viên đường sắt bị tống giam, thêm một lần nữa, các viên chức hữu trách của ngành giao thông – vận tải lặp lại với vẻ đầy thương cảm, gác chắn đường sắt, tuần tra đường sắt là những công việc căng thẳng, trách nhiệm nặng nề nhưng lương rất thấp. Dẫu lãnh đạo liên tục tỏ ra rất đồng cảm nhưng sau nhiều năm, nhân viên gác chắn đường sắt, tuần tra đường sắt vẫn không đủ sống và thường là đối tượng bị tống giam sau các vụ tai nạn đường sắt.
Năm 2016 tại Việt Nam có 381 vụ tai nạn trên đường sắt khiến 166 người chết (4), năm 2017 số vụ tai nạn đường sắt giảm xuống hơn một nửa (164 vụ) nhưng số người chết chỉ giảm 20% (133 người) (5) thành ra thiệt hại nhân mạng có khuynh hướng nghiêm trọng hơn (mức trung bình về số người thiệt mạng trong một vụ tai nạn đường sắt năm sau cao hơn hẳn năm trước).
Chẳng riêng đường sắt, đường bộ, đường thủy cũng đầy rủi ro. Năm ngoái, tổng số người chết vì tai nạn trên cả ba loại đường (thủy, bộ, sắt) vẫn còn hơn 8.000. Đa số nạn nhân chết không phải do lỗi của họ và tới lúc nhắm mắt, xuôi tay cũng chẳng hiểu tại sao. "Tai bay, vạ gửi" giờ rải rác khắp nơi, người Việt đâu chỉ mất mạng khi đang di chuyển trên đường, ở trong nhà cũng chết vì thủy điện đột nhiên xả lũ, vì phá rừng, khai thác đất đá vô tội vạ, vì cướp… Có những trường hợp, cái chết đến ngay lập tức nhưng không ít trường hợp, cái chết đến từ từ, nạn nhân vật vã, quằn quại với bệnh tật do không khí ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm không an tòan rồi mới được giải thoát bằng cái chết…
Trước những mất mát, người Việt thường tự trấn an mình và an ủi nhau : Trời kêu ai nấy dạ. Song càng ngày càng nhiều trường hợp dường như Trời chưa muốn kêu, đương sự tất nhiên không muốn dạ mà vẫn uổng tử vì thói vô trách nhiệm, vì lối suy nghĩ - xử sự thiếu lương tâm. Kêu ai ? Ai đoái hoài ? Chẳng có ai cả. Bạn không thấy với những cá nhân được xem là hữu trách, ngay cả xin lỗi cũng phải chờ sức ép đủ lớn mới bật ra thành lời đó sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/05/2018
Chú thích :
(2) http://vtv.vn/trong-nuoc/nhung-nut-that-ton-tai-cua-duong-sat-viet-nam-20180325163013887.htm
(5) http://kinhtedothi.vn/nam-2017-gia-tang-cac-vu-tai-nan-giao-thong-nghiem-trong-306903.html
Nói biển sạch nhưng chưa công bố bằng chứng (RFA, 24/05/2018)
Cũng giống như hàng ngàn hộ ngư dân khác ở tỉnh Quảng Trị, gia đình bà Huynh là nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa năm 2016. Thảm họa do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải xuống biển làm hải sản chết hàng loạt nổi trắng vùng biển dọc 4 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Cá chết trên một bãi biển thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016. AFP photo
Trước khi thảm họa xảy ra, gia đình bà Huynh bám biển mưu sinh. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng chẳng bao giờ phải lo nghĩ gánh nặng cơm áo.
Thảm họa ập xuống, đẩy gia đình bà vào cảnh khốn khó. Chồng bà là ngư dân đánh cá nhưng không đi biển được vì cá nhiễm độc và số lượng không còn nhiều. Còn bà làm nghề buôn bán hải sản khô và đông lạnh nhưng cũng không bán được vì dân sợ cá nhiễm độc không dám ăn. Trong khi đó nợ ngân hàng lấy vốn làm ăn lên đến hàng tỷ đồng nhưng không có tiền trả, lãi mẹ bồng lãi con.
Hai năm sau ngày xảy ra thảm họa môi trường biển, chúng tôi lại tìm gặp gia đình bà Huynh để thăm hỏi về cuộc sống, bà Huynh cho biết :
Cuộc sống của cô vất vả quá, không biết làm nghề chi để mà ăn. Hàng thì tồn đọng lại bán không được. Biết kêu ai hỗ trợ bây giờ, kinh tế thì khó khăn chật vật quá.
Mấy năm trước đi về [đi đánh cá] được mùa hơn, mấy năm nay đi về mất mùa.
Biển nói là hồi phục lại rồi nhưng người ta có ăn hải sản mấy đâu. Họ sợ không dám ăn.
Năm 2016, chồng bà được bồi thương khoản tiền khoảng 17 triệu đồng trong khoản 500 triệu đô la Formosa đền bù cho các nạn nhân. Bà nói rằng số tiền đó còn chẳng đủ chi tiêu một tháng, rồi sau đó gia đình bà biết bám víu vào đâu để sống.
Khi được hỏi nghề đi biển đánh cá của chồng bà đã ổn định lại chưa, bà Huynh chia sẻ :
Ngày trước chưa có vụ Formosa đi biển bắt được nhiều hơn. Bây giờ biển ô nhiễm, từ ngày xảy ra vụ Formosa là mất mùa. Người đi về thì đủ tiền dầu, người thì không có chi để ăn hết.
Tuần trước, hai ông Phó Thủ tướng Chính phủ là ông Trịnh Đình Dũng và ông Trương Hòa Bình đã đến thăm khu vực chịu tác động của thảm họa Formosa và thăm cả nhà máy này. Ngày hôm đó, truyền thông trong nước đồng loạt loan tin biển đã an toàn và cuộc sống ngư dân đã được ổn định. Chương trình thời sự của VTV1 nói rằng nhiều ngành nghề còn phát triển hơn trước khi xảy ra thảm họa, mà không nói rõ là ngành nghề gì.
Cùng thời điểm đó, Bộ Y tế khẳng định hải sản, nhất là hải sản tầng đáy khu vực biển 4 tỉnh miền Trung đã đảm bảo an toàn.
Chúng tôi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, về cuộc sống của ngư dân miền Trung sau hai năm xảy ra thảm họa. ông Thắng cho biết :
Sau khi có đền bù, có các cơ quan pháp luật tham gia cố gắng khôi phục lại, nói chung đến giờ phút này bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường đã xác định môi trường đáy của vùng biển này thì một số loài cá tôm có thể được khai thác và sử dụng.
Trước kia việc ngoài vùng 20 hải lý và hải sản tầng đáy được khuyến cáo không cho đánh bắt vì cá còn nhiễm. Sau một năm cố gắng thì tính đa dạng sinh học đã được khôi phục. Một số chất làm ảnh hưởng đến môi trường đã được thiên nhiên trao đổi và làm cho nó trở nên bình thường.
Đáp lại câu hỏi của chúng tôi, rằng hiện nay còn khó khăn gì phía cơ quan chức năng và ngư dân phải đối mặt ? ông Thắng nói :
Người ta vẫn sợ và nhiều người đặt ra câu hỏi có khi nào tình trạng như thế nữa không. Tuy nhiên với quyết tâm của Chính phủ kiên quyết chỉ đạo không cho lặp lại tình trạng này để củng cố tinh thần cho bà con. Và bà con cũng bắt đầu đi vào sản xuất bình thường.
Ngoài Bộ Y tế ra, bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng đồng tình quan điểm là biển đã sạch. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết môi trường biển của bốn tỉnh miền Trung đã an toàn, nguồn lợi hải sản đã phục hồi.
Trên mạng xã hội, phần đông dư luận bày tỏ sự nghi ngờ với kết luận của cả hai bộ Y tế và Nông nghiệp. Nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ phải công bố bằng chứng biển sạch chứ không thể nói suông như vậy. Trong khi một số người yêu cầu phải thành lập đoàn kiểm tra độc lập gồm các chuyên gia quốc tế thì kết quả mới đáng tin.
Chúng tôi trao đổi thông tin này với Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, và được ông cho biết :
Tôi có nghe thông tin này, nhưng tôi chưa thấy tài liệu cụ thể điều tra. Ai là người điều tra và đưa ra dữ liệu rằng môi trường hoàn toàn phục hồi thì tôi chưa được thấy. Thành ra tôi vẫn còn đang đề nghị được tiếp cận với tài liệu cụ thể để có cái đánh giá chính xác hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói rằng bản thân ông và tất cả mọi người đều mong muốn môi trường biển phục hồi và người dân ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên theo ông, ở góc độ khoa học, muốn phát biểu điều gì phải có số liệu cơ sở khoa học để chứng minh.
Vì chưa có dữ liệu cụ thể nên các nhà khoa học hiện tại chưa thể phân tích một cách chi tiết về môi trường biển miền Trung. Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói thêm :
Về thông thường những sự cố môi trường do tác động của phát triển công nghiệp thì phải mất rất lâu mới phục hồi được. Nhưng mà ở miền Trung Việt Nam có một hệ thống động lực rất mạnh chạy từ Bắc vào Nam. Đồng thời, vùng biển Việt Nam là vùng Á nhiệt đới, nhiệt độ tương đối nóng và sinh vật đa dạng hơn. Nên khả năng tự động có thể nhanh chóng hơn so với các nơi khác trên thế giới.
Nhưng về vấn đề môi trường không thể nói theo quy luật được mà phải có số liệu cụ thể bằng cách đo đạc, kiểm tra thực biển thì từ đó mới đánh giá được.
Chắc ở Việt Nam cũng có những số liệu như vậy nhưng họ chưa công bố rộng rãi ra.
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có nên thành lập một đoàn kiểm tra độc lập với Nhà nước hay không, Tiến sĩ Nguyễn Tác An không đồng tình với ý kiến này. Ông giải thích :
Tôi nghĩ là chưa cần thiết, bởi vì muốn thành lập một đoàn độc lập thì phải có chuyên gia, phải có công cụ nghiên cứu và tốn kém rất nhiều tiền của. Nhưng Nhà nước đã công bố thông tin này thì tốt nhất Nhà nước công bố rộng rãi ra rằng dựa vào cơ sở nào, những nhà khoa học nào kết luận chuyện này. Trên cơ sở đó ta mới biết nên làm như thế nào.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết định giữ nguyên kế hoạch ban đầu là cho phép công ty Formosa hoạt động ở Việt Nam trong 70 năm.
Về phía công ty Formosa cũng vừa mới đưa vào vận hành thử nghiệm lò cao số 2, dự tính sản xuất 5 triệu tấn gang lỏng trong năm nay. Hội đồng giám sát của Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết lò cao số 2 của Formosa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn môi trường.
Trước đó bộ này cũng nói là từ tháng 7/2016 đến nay nước thải và khí thải của Formosa luôn đạt quy chuẩn cho phép.
Còn ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thì nói rằng sau thảm họa môi trường, người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền hơn.
*****************
Sài Gòn chưa hết ngập vì 'chọn sai cách' ? (BBC, 24/05/2018)
Mạng xã hội dấy lên tranh cãi về báo cáo của Trung tâm Chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình trạng ngập lụt sau cơn mưa lớn vào chiều 19/5.
Tình hình ngập lụt của Thành phố Hồ Chí Minh mỗi lúc càng nặng hơn mỗi năm
Văn bản này cho hay, thành phố chỉ có 10 "điểm ngập" với chiều sâu từ 0,10 m đến 0,25 m, tổng diện tích ngập từ 640 m2 đến 3.500 m2.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ xuất hiện "tình trạng tụ nước" trên 22 tuyến đường, sau khi mưa tạnh từ 10 đến 20 phút thì nước rút hết nên không được tính là "điểm ngập".
Cùng thời điểm, truyền thông Việt Nam cũng cho hay, dự án chống ngập có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh "đã tạm dừng thi công do nguồn vốn chậm được giải ngân".
'Công trình con nhà giàu'
Hôm 24/5, trả lời BBC, ông Cù Mai Công, một nhà báo sinh ra ở Sài Gòn và là tác giả sáu tập sách Saigon By Night, cũng như có quá trình tham gia đào kênh Tham Lương từ cuối thập niên 1970, nói : "Hiện nay, theo thông tin mới nhất của Trung tâm Điều hành hành Chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố cần kinh phí gần 73.400 tỷ".
"Nhưng tới giờ chỉ mới có hơn 26.850 tỷ đồng, thiếu hơn 46.500 tỷ đồng. Vậy nhưng người ta vẫn cứ đeo đuổi những công trình con nhà giàu như hệ thống cống ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam thực hiện, rồi hàng trăm hồ chứa ngước ngầm ở nhiều nơi trong thành phố được liên kết với Nhật".
"Công trình hệ thống cống ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng thì Tập đoàn Trung Nam tuyên bố ngưng làm, dù theo kế hoạch ban đầu thì đến tháng 4/2018 là xong và không biết bao giờ mới làm lại vì không được giải ngân".
"Còn hàng trăm hồ chứa nước ngầm ở khắp nơi giờ cũng chưa có cái nào, do nhiều nguyên nhân : nguồn vốn, sự phản đối của ngay địa phương nơi đào hồ như như hồ dự tính đào ở Bàu Cát, Tân Bình... Siêu máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bây giờ chưa hiệu nghiệm vì khi có mưa lớn thì vẫn ngập khu vực này".
Thành phố Hồ Chí Minh sau cơn mưa hôm 19/5
"Nghĩa là các công trình chống ngập hiện đại, máy móc, đồng nghĩa với tiền bạc tính hàng chục ngàn tỷ coi như không ngăn được Thành phố Hồ Chí Minh ngâp càng lúc càng nặng hơn. Trong khi dư luận chung đòi hỏi chống ngập theo kiểu tự nhiên, sinh thái, tận dụng ưu thế của Sài Gòn là thành phố của sông nước, kênh rạch".
"Dù thực tế, có những cái chúng ta không thể "hồi tố" được như việc những khu từng là nơi thoát nước của Sài Gòn nay là Phú Mỹ Hưng, Đầm Sen, khu dân cư D2, Văn Thánh., Miếu Nổi... Đó là chưa kể hàng trăm kênh rạch đã bị lấp thành khu dân cư".
Giải pháp là gì ?
Theo ông Cù Mai Công, có giải pháp chống ngập "đơn giản mà hiệu quả hơn máy móc và không tốn kém bằng các công trình chống ngập hiện đại hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng".
Ông nói : "Rõ nhất là nạo vét kênh rạch ,một công việc cần làm đều đặn hàng năm. Ví dụ, hệ thống Nhiêu Lộc dài hàng chục km, rộng trung bình 30m-40m, nếu đào sâu thêm 1-2m, hệ thống kênh này có thể chứa thêm hàng triệu m3 nước mưa. Và Thành phố Hồ Chí Minh còn hàng chục, hàng trăm con kênh có thể đào sâu hơn, nạo vét hơn".
"Thậm chí, nếu cần, Thành phố Hồ Chí Minh có thể phục hồi lại một số kênh rạch, như vừa qua đã làm ờ kênh Hàng Bàng ở quận 6 : giải tỏa nhà trên con kênh bị lấp và phục hồi nó".
"Còn nếu lấy cái lõi của sân vận động Phú Thọ 300.000m2 để đào hồ chứa nước thì có thể chứa được 1,5 đến 2 triệu m3 nước. Làm được như vậy thì đơn giản và hiệu quả cả siêu máy bơm tốn kém ở đường Nguyễn Hữu Cảnh".
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn được báo Người Lao Động hôm 22/5 dẫn lời : "Khi cấp phép xây dựng nhà cao tầng tại những khu vực có địa hình cao như quận 12, Gò Vấp..., cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ đầu tư phải giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm cùng với thành phố đầu tư hạ tầng để bảo đảm giao thông, chống ngập".
"Các dự án chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ mang tính chất cục bộ, chưa có sự kết nối nên phải cần có một "nhạc trưởng" để phối hợp các dự án quy hoạch này. Nên khoanh vùng, đặt thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án chống ngập và công khai cho người dân biết và giám sát", ông Sơn nói.
***********************
Hơn 50 người nước ngoài trên đoàn tàu bị lật ở Thanh Hóa, 2 lái tàu chết (24/05/2018)
Đoàn tàu lửa từ Hà Nội đến Sài Gòn chở 400 người, trong đó có 50 người nước ngoài, bị lật ở Thanh Hóa sáng sớm hôm 24/5, làm 2 lái tàu tử vong.
Đoàn tàu Bắc-Nam bị lật ở Thanh Hóa, 24/5/2018, hai lái tàu thiệt mạng. Ảnh : Thanh Niên
Báo Thanh Niên cho biết khoảng 0 giờ 30 phút ngày 24/5, 6 toa tàu của tàu SE19 đi tuyến Bắc - Nam bị lật khỏi đường ray sau khi tông phải một chiếc xe tải. Nơi xảy ra tai nạn thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có hơn 400 hành khách, trong đó có khoảng 50 người nước ngoài.
Vụ tai nạn khiến 6 toa tàu bị lật, trong đó có 4 toa khách, 1 toa chở hàng và 1 toa phòng ăn đầu máy. Hai lái tàu bị tử vong tại chỗ, 11 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.
Báo Tiền Phong trích lời các nhân chứng nói tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, rào chắn đường sắt không được đóng nên chiếc ô tô tải đã băng qua đường giao cắt khi đoàn tàu tới.
Báo Tiền Phong trích lời ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện công an đã mời 2 gác chắn đường sắt nơi xảy ra tai nạn để làm việc.
**********************
Việt Nam hy vọng hưởng ‘miễn trừ’ vụ thép ‘gốc Trung Quốc’ (VOA, 24/05/2018)
Bộ Công thương Việt Nam hôm 24/5 cho hay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo cho phép miễn trừ biện pháp áp thuế nặng nếu các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam chứng minh được sản phẩm được làm từ nguyên liệu không xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhân viên kiểm tra chất lượng thép tại nhà máy thép Hòa Phát ở tỉnh Hải Dương.
Thông tin trên được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo áp dụng mức thuế chống bán phá giá 199% và thuế chống trợ cấp 256% đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vì lý do "xuất xứ Trung Quốc".
Thép chống gỉ của Việt Nam cũng phải đối mặt mức thuế chống phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05% khi nhập vào Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Mỹ cho rằng Trung Quốc đã tìm cách lẩn tránh các loại thuế trên bằng dùng chiêu chuyển sản phẩm thép sang Việt Nam để "sơ chế" trước khi đưa vào thị trường Mỹ.
Các nhà sản xuất thép Mỹ và Châu Âu cáo buộc chiêu bán phá giá lượng thép thừa của Trung Quốc đã dồn các đối thủ cạnh tranh phải đóng cửa nhà máy và hàng ngàn người mất việc.
Kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra sau cuộc một điều tra kéo dài từ tháng 11/2016.
Hiệp hội Thép của Mỹ nói động thái của Bộ Thương mại "là bước quan trọng nhằm đóng lại một trong nhiều con đường đã được sử dụng để đưa thép bán phá giá và được trợ giá vào tràn ngập nước Mỹ".
Tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã ra kết luận điều tra sơ bộ, giữ nguyên quan điểm áp thuế nặng lên sản phẩm thép của Việt Nam, nhưng Hà Nội nhiều lần khẳng định cáo buộc của Mỹ là "không có cơ sở", "không khách quan", và chủ nghĩa bảo hộ chính là lý do đằng sau của việc áp thuế này.
Hồi đầu năm nay, một đại diện của Hiệp hội Thép Việt Nam còn khẳng định sẽ khởi kiện ra tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Mỹ vẫn quyết định đánh thuế trừng phạt thép Việt Nam, vì cho rằng quyết định này vi phạm thông lệ quốc tế, quy định của WTO và luật pháp Mỹ.
Tuy nhiên sau khi Mỹ công bố kết luận cuối cùng, Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại, thuộc Bộ Công thương Việt Nam, ngày 24/5 nói với báo Tuổi Trẻ rằng Bộ này "sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để xử lý các yêu cầu về quy trình thủ tục của DOC nhằm được hưởng miễn trừ theo quy định", và về lâu dài sẽ "làm việc với các nước để nắm bắt các thay đổi về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm thép để kịp thời cảnh báo cho các doanh nghiệp".
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mức thuế trừng phạt của Mỹ, được áp dụng với khoảng 500% thép tôn mạ và 200% thép cán nguội của Việt Nam, là một hàng rào gần như "chặn đứng" việc xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường Mỹ, một trong những thị trường lớn của Việt Nam hiện nay.