Từ sau Tết đến nay, thị trường bất động sản tại Hà Nội đã ‘nóng’ trở lại, đặc biệt là phân khúc chung cư. Theo những người hoạt động trong lĩnh vực này, giá chung cư ở thủ đô đã tăng từ 20%-30% trong vòng hai tháng nay và hiện tại với giá trung bình khoảng trên 50 triệu/m2 thì nhà, đất thổ cư, kể cả trong ngõ sâu, đang tiếp đà tăng giá. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây không phải là tín hiệu hồi phục kinh tế hay người dân có nhiều tiền tích trữ hơn, mà chỉ là làn sóng nhỏ cho thấy sự lo lắng của những người có tiền trước sự bất ổn chính trị và sự mất giá của đồng tiền.
Những chung cư mini và nhà cao tầng xây dựng ken đặc những quận trung tâm Hà Nội
Anh Đặng Thành Trung, một người môi giới có thâm niên trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, cho biết sau thời kỳ ảm đạm kéo dài hơn 3 năm do đại dịch Covid, những tháng gần đây sàn bất động sản nơi anh làm việc đã bận rộn trở lại. Riêng anh cũng có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/tháng vì số lượng chung cư bán thành công có thể nói là bất ngờ.
"Từ đầu năm đến giờ thì mình cũng bán được khá nhiều, tầm chục căn chung cư hơn chục căn gì đấy", anh Trung hồ hởi cho biết và khẳng định rằng mặc dù giá chung cư đã rất cao nhưng anh vẫn còn rất nhiều hy vọng chốt được hợp đồng với thị trường nhà và đất thổ cư.
"Việt Nam mình hiện lãi suất đang thấp mà vàng thì tăng cao rồi. Trong khi chính trị thì lại đang như thế nữa nên là tiền nó mất giá và mọi người chỉ có cách là trú ẩn vào vàng và bất động sản thôi".
Anh Trung dẫn chứng mảnh đất vợ chồng anh đầu tư tại huyện Đông Anh cách đây mấy năm hiện đã tăng giá gấp đôi nhưng người mua tất nhiên ‘không phải là những người có nhu cầu mua để ở’.
"Cuối tuần rồi hai vợ chồng mình vừa qua khu đấy thì thấy toàn các mảnh xây tường quây của các bố đầu tư thôi, chứ có ai về ở đâu", anh nói.
Trước tình hình tăng giá nhà đất, đặc biệt là giá chung cư, anh Nguyễn Thanh Thịnh, một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Hoàn Kiếm, cho biết vợ chồng anh tích góp được một chút tiền với hy vọng mua được một căn chung cư nhỏ để an cư trong lúc thị trường còn trầm lắng, nhưng giờ mua không kịp và ‘không biết sẽ còn vất vưởng đi thuê nhà đến khi nào’.
"Vỡ mặt rồi. Bây giờ mua thế nào được nữa", anh Thịnh chia sẻ.
Anh Đỗ Huy Nam, một biên dịch viên tại một cơ quan nhà nước ở Hà Nội, cho biết sau hơn 20 năm di cư ra thủ đô sinh sống, vợ chồng anh cố tích góp được chút đỉnh với hy vọng vay thêm ngân hàng để mua một căn chung cư cho cả gia đình. Nhưng giờ với mức tăng giá hiện tại, vợ chồng anh không còn hy vọng gì.
"Cơ bản kiếm tiền bây giờ nó khó, kinh tế đang khó khăn. Bây giờ đi làm 20 triệu/tháng thì còn ăn còn tiêu chứ đâu có uống nước lã và hít khí trời không được. Trong khi tiền thuê nhà bây giờ cũng cao lắm. Cái chung cư ngày trước thuê 10 triệu/tháng thì giờ lên tới 15-17 triệu/tháng".
Anh Nam cho rằng sự tăng giá của chung cư nói riêng và của bất động sản nói chung trong thời gian gần đây là do tâm lý lo lắng của tầng lớp giàu có trước những bất ổn chính trị ở thượng tầng và sự ảm đạm kéo dài của nền kinh tế.
"Những cái thuộc về tài sản an toàn thì đều tăng cao ví dụ như nhà cửa hay vàng thì cũng lên tới trên 80 triệu/lượng rồi. Đô la Mỹ thì cũng lên tới 25-26 ngàn/đô la rồi. Nói chung đồng tiền mình nó mất giá nên thế", anh Nam phân tích thêm.
Những nhân viên thu nhập thấp như anh Nam và anh Thịnh không còn hy vọng mua được một căn chung cư để an cư trong khi những người thu nhập cao hơn hiện cũng thận trọng tìm nơi ‘trú ẩn’ an toàn cho số tiền họ tích góp được.
Anh Nguyễn Nam Trung, một chủ doanh nghiệp tại quận Cầu Giấy, cho biết hiện anh cũng đang phải đau đầu tìm kênh đầu tư cho số tiền cá nhân khi mà hiện tại giá vàng, đô la và bất động sản đều đã ở mức ngất ngưởng.
"Giá nó cao quá nên người có nhu cầu thực sự người ta chẳng với được. Ví dụ như một căn hộ ở khu Mandarin mà mình đang ở này có giá tới hơn chục tỉ thì có mà điên mới mua", anh Trung cho biết.
Theo báo chí nhà nước cho biết : Bộ Xây dựng thừa nhận thị trường bất động sản trong nước giá cả neo cao do những nguyên nhân căn bản chưa thể giải quyết như : thiếu nguồn cung, cơ cấu không phù hợp, thiếu phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thị trường xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu vì thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở…
Còn Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) nhận định, sau một thời gian dài sụt giảm, nguồn cung căn hộ ở hai đô thị đã bắt đầu tăng trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường. Riêng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì cần thời gian trước khi chính thức đưa ra thị trường và chủ yếu các dự án này đều ở những khu vực xa trung tâm. Do đó, dự báo trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn tiếp tục duy trì đà tăng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều chủ đầu tư dự ánđang muốn tối đa hóa lợi nhuận nên giá bị đẩy lên, hệ quả là giá nhà luôn có xu thế tăng. Thậm chí, thời gian qua, một số chủ đầu tư bất động sản còn đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30 - 40%, khiến cho người có nhu cầu mua nhà để ở càng khó với tới.
Truyền thông nhà nước cũng nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất. Tuy vậy, việc triển khai sẽ phải có sự nghiên cứu rất kỹ để loại thuế này không đánh vào người thu nhập thấp mua nhà thực sự để ở mà chỉ nhắm vào nhóm đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà đất.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 26/04/2024
Thị trường bất động sản gần như tê liệt, trong hiện tình kinh tế bi đát. Đó là hậu quả dễ dàng nhận ra, trước đó nhiều năm. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và các thị trường có liên quan (chứng khoán, trái phiếu) không quan tâm, chỉ lao theo như bầy thiêu thân và đổ hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn của xã hội nằm bất động trong đó.
Hàng loạt biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã bỏ hoang từ giai đoạn thị trường bất động sản suy thoái trước (Ảnh : Hà Phong/Dân Trí).
Hiện nay, gần như "toàn hệ thống chính trị" đang cố gắng "vào cuộc" để giải cứu bất động sản. Điều đó vô ích, bởi những giải pháp nêu ra, hoàn toàn đơn thuần về "kỹ thuật" (nới room tín dụng, hoãn - giãn nợ - bơm vốn - chuyển đổi trái phiếu/cổ phiếu v.v.). bất động sản tê liệt và không có khả năng "giải cứu" vì hai lý do quan trọng nhứt :
1. Văn hóa nông nghiệp lạc hậu
Cho tới nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên xác nhận lại cho rõ ràng điều quan trọng nhứt về văn hóa của Việt Nam - vẫn là nền "văn minh lúa nước" - Nơi khởi nguồn cho tục ngữ "đất đai cò bay thẳng cánh" (giàu có) và "an cư lạc nghiệp" (trung lưu và thu nhập thấp). Văn hóa nông nghiệp lạc hậu gây ra những hệ quả :
1.1. Quy hoạch đất đai : Mặc dù Việt Nam thuận lợi về các điều kiện cho sản xuất nông nghiệp tân tiến nhưng lại không dành đất cho và không khuyến khích sản xuất nông nghiệp tân tiến như Israel (dù quốc gia này với điều kiện khí hậu - thổ nhưỡng rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng họ trở thành cường quốc về nông nghiệp tân tiến).
1.2. Tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch đất đai : Trong quy hoạch đất đai không thể tồn tại tư duy nhiệm kỳ, bởi quy hoạch cần phải có tầm nhìn trước cả trăm năm về sự phát triển xã hội. Hiện trạng, suốt hàng chục năm qua, quy hoạch đất đai đi kèm với sử dụng đất đã bị phá vỡ bởi văn hóa nông nghiệp lạc hậu, vốn làm cho quy hoạch sửa đổi rất nhiều, trên hầu hết tất cả địa phương.
1.3. Học đòi : Những đầu óc mang nặng văn hóa nông nghiệp lạc hậu sanh ra mặc cảm tự ti, nên coi thường tri thức & trí thức nói chung, cũng như lãnh vực quy hoạch đất đai nói riêng. Nên các quy hoạch chỉ vẽ lên một thị trường bất động sản dành cho hưởng thụ xa hoa từ cái gọi là "biệt thự" nhưng be bé vài ba trăm mét vuông với nội thất thật mắc tiền lại mang đủ sắc màu lòe loẹt, cho đến căn hộ hạng sang, cùng nhiều nhà vườn dành cho nghỉ dưỡng và cả những cái gọi là "shop house" vừa buôn bán vừa ở - vốn chỉ tồn tại ở những nơi đã quen với cuộc sống công nghiệp từ lâu. Minh họa cho tư duy học đòi, đó chính là phát ngôn của ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh trước khi bị bắt [1] : "Tôi muốn nước ngoài mua đất Việt Nam với giá như Tokyo, New York". Một phát ngôn hồ đồ, khiến nhiều người phải kinh ngạc về sự phóng đại tới mức ngoa ngôn của ông ta, một khi gắn với văn hóa nông nghiệp lạc hậu vẫn đầy ắp trong cuộc sống của ngay những thành phần trọc phú với tiền muôn bạc nén và thu nhập quốc dân của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp, so với thế giới.
1.4. Bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần : Từ văn hóa nông nghiệp lạc hậu cùng với nhiều khuất tất, vốn được góp tay từ địa phương và trung ương với giá đền bù rẻ mạt, các chủ doanh nghiệp bất động sản có được những mảnh đất nhỏ - rời rạc, chừng vài chục hecta đến vài trăm hecta nhưng họ vẽ vời ra "thiên đường sống" để chiêu dụ. Hậu quả đó đã để lại hàng đống biệt thự - nhà lầu - căn hộ - nhà vườn hoang phế cỏ mọc um tùm, vắng lặng như thành phố ma. Trong óc của các chủ doanh nghiệp bất động sản, họ chỉ nhìn thấy khách hàng của họ là những người giàu có. Sản phẩm làm ra của họ luôn đạt "chất lượng cao" cho nên giá bán luôn cao ngất trời.
1.5. Văn hóa nông nghiệp lạc hậu (dân được gọi là "con dân", quan được gọi là "phụ mẫu") cộng với tư duy vẫn đặt nặng tính bao cấp bị ảnh hưởng sâu đậm của thời cấm vận, cùng với đất đai được độc quyền chiếm lấy từ chủ trương "đất đai là sở hữu toàn dân" dựa trên chế độ độc đảng toàn trị, từ đó, các chủ doanh nghiệp bất động sản đưa sản phẩm ra thị trường theo kiểu đặc ân cho khách hàng. Thành phần trung lưu và thu nhập thấp, hầu như bị loại khỏi thị trường bất động sản.
2. Phân khúc sản phẩm sai từ đầu, do văn hóa nông nghiệp lạc hậu nói trên mà ra.
Thế cho nên, sản phẩm của các doanh nghiệp bất động sản rất mắc tiền. Bằng chứng từ báo Tiền Phong [2] ra ngày 16/07/2022 cho biết : "Căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 biến mất khỏi thị trường". Báo này cho biết thêm, căn hộ bình dân có giá tối thiểu 30 triệu đồng/m2.
Giới trung lưu [3] với thu nhập 15 USD/ngày - theo WB vào năm 2018 - chiếm 75% dân số và giới thu nhập thấp chiếm 10%. Khi so con số này, với giá bán gọi là "bình dân" nói trên, nó trở nên quá mắc, vượt khỏi tầm tay của người lao động lương thiện. Làm sao một người chỉ nhận đồng lương ít ỏi như vậy, có thể sắm nổi một căn hộ 50m2 với giá thấp nhứt khoảng 1,5 tỷ đồng ?
Bên cạnh sản phẩm làm ra theo cung cách "Bán cái mình có, không bán cái thị trường cần" như vậy, các chủ doanh nghiệp bất động sản cũng không thể nào bán trả góp, bởi theo tính toán của nhiều chuyên gia, cần khoảng 25 - 30 năm để trả hết. Trong khi đó, đồng nội tệ luôn mang xu hướng mất giá ngày càng nặng nề, mà lãi suất không thể bù đắp cho các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, luật pháp Việt Nam dễ dàng thay đổi - bổ sung bất cứ lúc nào, cũng trở thành rủi ro tiềm ẩn cho các doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó, tâm lý trọc phú vẫn đầy dẫy, họ muốn lời thật nhiều - thật nhanh và không bao giờ chấp nhận huề vốn, thậm chí lỗ là điều không bao giờ có trong suy nghĩ của họ.
Làm cả đời không bằng tiền lời một lô đất - Ngạn ngữ đời mới đã góp tay cho hiện tượng "người người buôn đất - nhà nhà buôn đất" nhưng thật ra, giới đầu cơ cũng chỉ là những người nhiều tiền, muốn hưởng lời nhiều mà không cần phải bỏ công làm lụng. Điều này lý giải, tại sao đất phân lô bán nền, cho đến các loại sản phẩm khác cứ "trơ gan cùng tuế nguyệt" cả hơn chục năm qua. Hậu quả cuối cùng là hiện trạng phơi bày như những tháng gần đây về thị trường bất động sản. Không có gì khó hiểu.
Căn nhà không phải ổ bánh mì. Do đó, không thể nói tăng cung thì giá giảm. Càng không thể đại hạ giá theo kiểu bánh trung thu hết mùa thì sẽ có người mua những căn hộ - biệt thự - nhà phố, bởi còn tốn nhiều tiền để hoàn thiện nơi ở và còn quá nhiều điều kiện khác mang tính riêng biệt của thị trường bất động sản. Cũng không thể giải cứu bất động sản theo kiểu các loại hàng nông sản trong những năm qua.
Nguyễn Ngọc Già
[1] https://vtc.vn/ct-tan-hoang-minh-toi-muon-nuoc-ngoai-mua-dat-vn-voi-gia-nhu-tokyo-new-york-ar654643.html
[2] https://tienphong.vn/can-ho-gia-duoi-25-trieu-dongm2-bien-mat-khoi-thi-t...
[3] http://nfsc.gov.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/world-bank-viet-nam-la-mot-tro...
Nhân tố ‘trở cờ’ với Đảng
Chẳng có gì là vĩnh viễn. Thành tích thu thuế cũng thế. Thuế bất động sản - từng là niềm tự hào của nền ngân sách độc đảng ở Việt Nam vào giai đoạn 2007 - 2011 và 2017 - 2018, lại đang biến thành nhân tố ‘trở cờ’ mà khiến ngân sách này buộc phải căng thẳng tính toán về cơ may còn lại cho chân đứng chính trị đang rã dần của nó.
Khu dân cư tại đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Ảnh: CAO THĂNG
3 tháng đầu năm 2019 dù trôi qua với kết quả tạm thời yên tâm dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam về thu ngân sách vẫn ‘tăng cao’ so với cùng kỳ năm 2018, nhưng một ‘tin mừng’ bắt buộc phải xảy ra cũng kèm theo : nguồn thu từ tiền sử dụng đất liên tục giảm sâu.
Một quy luật biến thiên đã lộ ra : cho dù cố gắng ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ đối với dân chúng và doanh nghiệp, nhưng một số nguồn thu đã mang tính bất ổn định và đang gần với sự thật trần trụi thu được chăng hay chớ.
Sài Gòn - nơi được xem là bò sữa’ về thu thuế của Bộ Chính trị, cũng là thành phố có nguồn thu bất động sản lớn nhất bởi thị trường nhà đất nơi đây đã được các nhóm đầu cơ cá mập ‘đánh lên’ suốt từ năm 2017 đến gần đây, trong 3 tháng qua có số thu thuế bất động sản ước 1.308 tỷ đồng, chỉ đạt 13,08% dự toán và giảm đến 74,85% so cùng kỳ. Đó là những con số cực kỳ đáng báo động cho tương lai thu ngân sách của chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.
Thật ra, câu chuyện ‘giảm thu ổn định’ trên đã hình thành cái logic của nó từ vài năm trước nhưng chính phủ cùng các cơ quan tuyên giáo đã cố ém nhẹm không cho dư luận biết.
Thành tích của ‘Bộ Thắt Cổ’
Trong một cuộc báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018, chính bộ trưởng "Bộ Thắt Cổ" (một tục danh mà người dân biệt đãi cho Bộ Tài chính) – ông Đinh Tiến Dũng – đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017 : dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Thành tích của ‘Bộ Thắt Cổ’ là trên cả tàn nhẫn : vào năm 2017 chính bộ này đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân. Thu nghiến một lần và bất chấp tiếng kêu trong họng của những người phải cắn răng đóng thuế.
Cũng bởi trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Khi đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách đã "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Nhưng đến tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố đã bổ sung cho lo ngại của Đinh Tiến Dũng khi phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1.358,4 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán, nhưng đó là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.
Báo cáo này cũng cho biết số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất không ổn định (hay còn được xem là "cấu trúc thu không bền vững").
Nỗi lo lắng trên của cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng chính là tâm trạng lo sợ khôn nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam : nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn "không ổn định" theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi thường xuyên ‘ổn định’ đến trên 70% tổng chi ngân sách cho đội ngũ 3 triệu công chức viên chức mà trong đó có đến 30% ăn không ngồi rồi, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại ?
Ngày 25/03/2019, đã có thêm một xác nhận từ giới nghiên cứu khoa học về triển vọng thâm hụt nguồn thu bất động sản, tại hội thảo khoa học và công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 : Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng".
Về cơ cấu ngân sách, một chuyên gia là phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành chỉ ra trong thu nội địa, có nhóm khoản thu giữ vai trò quan trọng là thu từ nhà đất. Nguồn thu này chỉ chiếm tỷ lệ trung bình là 9,6% tổng thu nội địa giai đoạn 2006-2011 đã tăng lên trung bình 11,6% giai đoạn 2012-2014. Tới giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ trên đã lên tới 13,8%. Tuy nhiên, vấn đề là, chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này là khoản thu có tính chất một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất (chiếm trung bình 8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2018). Trong khi ấy, thuế từ nhà đất chỉ chiếm 0,2% tổng thu ngân sách Nhà nước. Việc phụ thuộc lớn và các khoản thu không bền vững như thu từ giao đất nói trên theo nhóm tác giả là một lý do khiến ngân sách ngay lập tức bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản ảm đạm.
Độc đảng sẽ sống ra sao ?
Thị trường bất động sản đã từng có những thời hoàng kim mang lại tỷ suất lợi nhuận gấp từ 2 - 3 lần cho giới đầu cơ cá mập và nhỏ lẻ, và cũng ‘kiến tạo’ tiền vào như nước cho con cá mập khổng lồ và mang tính đầu cơ chính trị cao nhất : ngân sách.
Từ năm 2017, thị trường bất động sản ở Việt Nam được giới đầu cơ cá mập lẫn đầu cơ nhỏ lẻ "đánh lên" ở nhiều tỉnh thành. Ở miền Nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở miền Trung như Đà Nẵng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt là "đánh lên" dữ dội ở ba đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)...
Từ đầu năm 2017 đến nay, mặt bằng giá đất ở một số nơi, đặc biệt là những ‘đặc khu tương lai’, được đẩy lên cao đến mức hoang tưởng – hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần.
Đó cũng là bối cảnh mà có đến 80-90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng Cục Thuế hai năm bội thu.
Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2017 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019 và những năm sau đó.
Bây giờ thì dự báo ‘nếu thị trường bất động sản ảm đạm’ của giới nghiên cứu khoa học thậm chí còn thua xa hiện thực trần trụi : từ quý cuối cùng của năm 2018 đến nay, bất chấp một chiến dịch dùng báo chí nhà nước để PR cho đất nền và căn hộ cao cấp ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vân Đồn…, thị trường nhà đất những nơi này vẫn không thể ngóc đầu lên nổi. Nguồn cơn thực sự của tình trạng ủ ê này là trước đó giá đã đội lên quá cao và chỉ còn chờ những kẻ ‘trâu chậm uống nước đục’ biến thành tuẫn tiết lao vào ‘ôm bom’.
Giờ đây, một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước Cộng Sản đang hiện hình như một bóng ma : Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn ngày càng tệ trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
‘Còn bò sữa’ Sài Gòn đang là một minh chứng rất cụ thể và mất ngủ cho chính thể độc đảng, khi nguồn thu nhà đất trong 3 tháng đầu năm 2019 lao dốc quá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Giá được tuyên giáo là ‘tăng từng ngày’, nhưng thanh khoản thì… mất hút.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/04/2019
Đường dây nóng ‘chưa nhận được tin báo tặng quà Tết trái quy định ở Trung ương’ (VOA, 14/02/2018)
Cục Chống tham nhũng hôm 13/2 cho biết đường dây nóng của đơn vị này đã nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh về các hành vi nhận, biếu quà Tết trái quy định.
Một hình ảnh trang trí quen thuộc vào dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
"Có khoảng 40 cuộc gọi đến chúng tôi, phần lớn ở các địa phương, chưa có tin báo về tặng quà Tết trái quy định ở cơ quan Trung ương", VnExpress dẫn lời Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết cho biết.
Theo người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, nội dung các tin báo vào đường dây nóng còn về tình trạng ăn chặn, chậm trả tiền Tết cho người lao động, gia đình chính sách.
Vẫn theo lời ông Đạt, các tin báo này sẽ được "ghi nhận và thông báo ngay cho đơn vị chức năng ở địa phương có biện pháp ngăn chặn", đồng thời thống kê danh sách để báo cáo Thủ tướng.
Ba đường dây nóng (08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688 và Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.) được Cục Chống tham nhũng mở ra vào ngày 28/12 để tiếp nhận các tin báo của người dân tố cáo tham nhũng, tiêu cực và tặng quà Tết trái quy định. Tuy nhiên khi gọi vào các số điện thoại trên, VOA chỉ nhận được thông báo "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang bận hoặc không nhấc máy", hoặc được nghe nhạc, sau đó thông báo cuộc gọi bất thành.
Dịp Tết Nguyên Đán vẫn được xem là một "cơ hội vàng" để mua quan bán chức tại Việt Nam. Trong các vụ đại án nổi tiếng gần đây, các bị cáo chính như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng bị cáo buộc về việc biếu nhận những món quà Tết trị giá hàng tỷ đồng.
Dịp Tết Nguyên Đán 2017, đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng cũng nhận được 56 nguồn tin tố giác tham nhũng, biếu nhận quà Tết, nhưng sau đó cơ quan này thông báo không có trường hợp biếu nhận quà trái quy định. Một số trường hợp các viên chức dự định tặng quà cho cấp trên đã bị ngăn chặn kịp thời.
Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định nghiêm cấm các cơ quan, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc thông qua cơ quan.
Tuy nhiên, việc không cho phép quan chức nhận quà cũng nhận được ý kiến trái chiều, cho rằng điều này chỉ khiến cho tham nhũng, tiêu cực được che đậy kín đáo hơn.
"Cứ để họ công khai tặng quà nhau, công khai để ai cũng thấy họ tặng nhau cái gì, công khai để thấy những hộp quà to, nhỏ thế nào", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị-Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh nói với Dân Việt.
Chuyên gia này cảnh báo nếu cứ "đao to búa lớn với mấy gói quà, không khéo ‘chuột lớn’ không bắt, lại vợt mấy con ‘chuột nhỏ’", trích Dân Việt.
"Diệt chuột đừng để vỡ bình" là câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông bắt đầu nói về chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vào năm 2014. Nhiều quan chức lớn của Việt Nam đã bị "diệt" trong chiến dịch vẫn đang kéo dài này. Tuy nhiên, giới phê bình quốc tế cho rằng mục tiêu chính của chiến dịch là tiêu diệt phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo phúc trình của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2017, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia tham nhũng nhất Châu Á, chỉ sau Ấn Độ. Những người Việt được phỏng vấn nói tham nhũng hiện là "đại dịch" của quốc gia Đông Nam Á này.
****************
Du lịch Việt và vấn nạn khách Trung Quốc (RFA, 13/02/2018)
Khách Trung Quốc tăng mạnh ở Nha Trang
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà là một trong những điểm du lịch nổi tiếng thu hút số lượng du khách trong và ngoài nước khá nhiều đến Việt Nam. Năm 2017, Nha Trang đón gần 5,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 17.300 tỷ đồng.
Du khách Trung Quốc thăm quan phố cổ Hội An AFP
Tuy nhiên, trong số du khách đó người Trung Quốc chiếm lượng đông đảo và có sự gia tăng nhanh hơn so với người từ các Châu lục khác. Vấn đề du khách Trung Quốc và những tour giá rẻ dành cho đối tượng này đang gây ra một số vấn nạn cho ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, theo một số đơn vị lữ hành trong nước, du khách Trung Quốc tăng không tỷ lệ thuận so với số tiền nhóm du khách này chi tiêu tại Việt Nam.
Một hướng dẫn viên tại Nha Trang, anh Nguyễn Việt Anh, cho biết về tình trạng mà anh theo dõi được khi tham gia hoạt động này :
Lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang hiện nay rất đông, tất nhiên họ sẽ mang lợi nguồn lợi kinh tế cho thị trường du lịch. Tuy nhiên khách Trung Quốc là thị trường bình dân và giá thấp nên hiệu quả và lợi nhuận không đem lại được như kỳ vọng. Bởi vì khách Trung Quốc họ đòi hỏi rất là nhiều trong khi số tiền họ bỏ ra thì rất thấp. Họ bỏ ra ít tiền mà lại đòi hỏi rất nhiều quyền lợi. Chúng tôi cũng cố gắng đáp ứng tuy nhiên không thể nào đáp ứng được hết vì nhiều khi có những yêu cầu hết sức phi lý.
Khách Châu Âu tránh người Trung
Bên cạnh việc chi tiêu hạn chế, du khách Trung quốc xuất hiện ngày một đông đảo cũng đang khiến cho lượng khách Nga và Đông Âu vốn là thị trường tiềm năng của du lịch các tỉnh miền Nam Trung Bộ như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng…giảm trong thời gian gần đây.
Hướng dẫn viên Nguyễn Việt Anh cho biết tiếp :
Ví dụ như một số khách đến từ Châu Âu, Nga.. thì thường không khoái việc phải đi chung với khách Trung Quốc vì khách Trung Quốc rất là ồn ào, không được văn minh và lịch sự lắm và họ không được như với mặt bằng chung của các khách đến từ Châu Âu. Có nhiều khách phàn nàn với chúng tôi về việc họ phải đi chung với khách Trung Quốc và họ cảm thấy không được thoải mái cho lắm.
Thực trạng vừa nêu đối với du khách Trung Quốc cũng được ông Đỗ Văn Toàn, một người kinh doanh khách sạn tại Nha Trang, thừa nhận.
Ở khách sạn họ ở rất dơ dáy, không tôn trọng tài sản, phá rối mất vệ sinh, ăn nói… làm cho người xung quanh khó chịu và bất mãn. Khách Trung Quốc khiến cho những du khách khác đặc biệt là khách Âu Châu họ không đến Nha Trang nhiều như những năm trước đây nữa.
Trong thực tế một số doanh nghiệp, khách sạn bất chấp các quy định kinh doanh để bán tour, khoán khách sạn cho các đoàn khách Trung Quốc dẫn tới việc sử dụng phòng sai quy định, nhồi nhét quá nhiều khách trong cùng 1 phòng, vệ sinh không đảm bảo… Tình trạng này được cho là nguyên nhân dẫn khiến thị trường du lịch Nha Trang trở nên kém chuyên nghiệp và tạo ấn tượng khống tốt cho các du khách quốc tế khi đến đây.
Quan ngại về chỉ tiêu
Cơ quan quản lý du lịch tỉnh Khánh Hoà và bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam nói họ hiểu rõ thực trạng vừa nêu ; nhưng do thị trường khách du lịch Trung Quốc quá lớn đối với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung nên chấp nhận chạy theo số lượng và thành tích để giải quyết vấn đề thúc đẩy phát triển du lịch.
Chúng tôi liên lạc với ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, để hỏi thêm thông tin ; nhưng ông này từ chối trả lời.
Tình hình hiện nay như vấn đề khách du lịch Trung Quốc khiến nhiều người quan ngại không biết liệu trong ba năm nữa mục tiêu thu được 35 tỷ đô la tổng giá trị từ ngành công nghiệp không khói có đạt được hay không.
Mỹ Lan
******************
Người Mường sống trên dãy Trường Sơn, số lượng bản làng Mường tăng dần từ Nghệ An đến Thanh Hóa và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tết về trên bản Mường Ba Vì TTVN
Trong bản đồ các dân tộc thiểu số phía Bắc, người Mường và người H’Mong chiếm số đông và chính các Tù trưởng người Mường đã gọi người Việt là dân tộc Kinh nhằm ám chỉ người sống gần kinh kỳ. Bản Mường ở Ba Vì, Hà Nội được xem là bản Mường thịnh vượng nhất Việt Nam. Người Mường cũng là dân tộc thiểu số có cung cách đón Tết gần với người Việt nhất. Theo thời gian, hầu như mọi tập quán, phong tục của người Mường dần biến mất và thay vào đó là các phong tục, tập quán của người Kinh.
Ông Đinh Tiến Hải, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ : "Phong tục của người Mường phong phú lắm. Nhưng giờ do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, dường như nó cũng thay đổi, gần như nó giống như người Kinh. Chỉ khác một chút là người Mường ăn Tết vào khoảng 27, 28 Tết (27, 28 tháng Chạp), ngày chính thường thường là 30, người ta tổ chức ở nhà tổ, con cái anh em họ hàng tập trung tất, ở nhà đấy, rồi chúc sức khỏe nhau".
Ông Bùi Hữu Dụng, lão niên dân tộc Mường, chia sẻ : "Năm mới thì có lễ hội, đền chùa, tế bái ngày xưa ấy, mừng tuổi cho các cháu".
Ông Đinh Tiến Hải, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ thêm : "Thì ở đây ngày xưa người ta hay tổ chức ném còn, hội cồng chiêng, chơi con quay ấy, còn bây giờ thì chỉ còn ném còn, thể thao, bóng đá, bóng chuyền, cồng chiêng thôi, giờ chỉ giữ lại được chừng ấy thôi".
Tục uống rượt cần, ca hát, chơi các nhạc cụ truyền thống, ném còn, kéo co, hát trảy hội bằng tiếng Mường trong ba ngày Tết dường như đã mất dấu. Thay vào đó là thú vui uống rượu gạo tự nấu, thi đá bóng, đánh bóng chuyền, chương trình ca hát văn nghệ những bài hát mang tính chất tuyên truyền, ca ngợi đảng, ca ngợi mùa xuân của hội phụ nữ… Những người già tiếc nuối Tết Mường xưa thì tìm cách ủ rượu cần để cùng nhau uống rồi hát dân ca Mường, chơi các nhạc cụ truyền thống. Nhưng chuyện này rất hãn hữu trong Tết Mường hiện nay.
Ông Đinh Tiến Hải, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ thêm : "Rượu cần thì ở các nơi như Hòa Bình thì người ta vẫn uống rượu cần ngày Tết, riêng người Mường ở Ba Vì, Hà Nội này thì do thay đổi xã hội nên chỉ uống rượu thường, rượu nhà nấu lấy vào những ngày Tết".
Bà Nguyễn Thị Ngọc, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ : "Dân tộc Mường thì mặc váy Mường, có lễ hội gì như lễ hội cồng chiêng thì mặc váy Mường, cũng thấy đẹp".
Ông Bùi Hữu Dụng, lão niên dân tộc Mường, chia sẻ : "Ai có thịt lợn thì làm lấy, 4 nhà, 5 nhà làm một con, nấu rồi làm bánh các thứ, cho con cháu ăn thôi".
Dịp Tết Nguyên Đán cũng trùng với vụ giáp hạt của người dân tộc thiểu số vùng cao. Thường thì vào mùa này, một số gia đình phải đi vay gạo hoặc mua nợ gạo để ăn Tết. Nhưng hai năm trở lại đây, tình trạng vay gạo ăn Tết không còn diễn ra nữa bởi người dân đã biết để dành lương thực và nhờ vào gạo cứu tế của chính phủ. Vấn đề người đồng bào thiểu số sợ nhất hiện nay là thiếu áo ấm để mặc, bởi dịp Tết cũng là dịp lạnh nhất ở các tỉnh vùng cao phía Bắc do thời tiết thay đổi trong những năm gần đây.
Nếu như người Mường ở Ba Vì, Hà Nội hay các tộc người Mường sống rải rác ở dãy núi phía Bắc Việt Nam đã chính thức thay đổi điệu sống, họ cố gắng thay đổi để không bị bỏ rơi trong thế giới đầy phức tạp và họ phải trả giá cho điều này bằng sự đánh mất gốc gác, văn hóa bản địa, văn hóa tộc người… Thì người Mường ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An lại xoay chiều, bỏ hẳn các tập tục cũ, ăn Tết theo người Kinh, tổ chức các buổi văn nghệ ‘mừng đảng mừng xuân’, chơi bóng chuyền, bóng đá. Dường như không thấy dấu vết Mường ở người Mường Thanh Hóa, Mường Nghệ An.
Nếu để nhận biết về người Mường, chỉ thông qua các sinh hoạt đời sống hằng ngày của họ, như cày cấy, làm ruộng bậc thang, chờ nước trời để cấy lúa, mỗi năm một vụ lúa, mùa hè thì trồng mía, đi củi rừng và cái ăn mùa giáp hạt luôn là nỗi lo. Nhà sàn của người Mường bây giờ cũng hiếm hoi bởi hầu hết đều xây nhà xi măng. Làm nhà bằng xi măng như là một sự thể hiện về đằng cấp cũng như sự tiến bộ.
Có thể nói rằng hầu như các tập tục đón Tết cổ truyền mang tính thiện lương, mang màu sắc nhân ái, tương cảm giữa con người với trời đất, vạn vật đã dần mất dấu và thay vào đó là cái Tết đậm tính thị trường, đậm dáng dấp Tết Kinh. Nhưng đáng sợ hơn cả là những lễ hội đậm chất man rợ lại được phát triển đến đỉnh cao, từ lễ hội đâm trâu đến lễ hội cướp dâu và cả lễ hội chặt lợn của người đồng bằng đều được bảo hộ văn hóa, được tổ chức thành một lễ hội có tính kinh điển.
Tết Mậu Tuất về, dường như người Mường không còn lo lắng cho cái ăn nhiều như xưa, nhưng bù vào đó là nỗi sợ cái lạnh thấu xương mà không phải ai cũng có được áo ấm để mặc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
******************
Thị trường bất động sản Việt Nam thiếu đầu tư từ Châu Âu-Châu Mỹ (RFA, 13/02/2018)
Thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây liên tục có gia tăng đầu tư từ các nhà đầu tư Châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, sự tham gia của các nhà đầu tư từ Châu Âu và Mỹ vẫn không đáng kể.
Một người bán hàng bất động sản đang chỉ vào mô hình một dự án dân cư tại thành phố Hạ Long. Hình chụp hôm 20/9/2015. AFP
Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hôm 13/2/2018.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản đứng thứ ba trong số các lĩnh vực kinh doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI lớn nhất vào năm 2017 với vốn cam kết 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Đây cũng là lĩnh vực thu hút nhiều FDI nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017 với 1,01 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, theo sau là Hàn Quốc.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết nhóm Creed từ Nhật Bản đã tiến hành dự án Lacasa ban đầu do Công ty Bất Động sản Vạn Hưng Phát đầu tư. Hankyu Realty và Nishi Nippon đã cùng nhau hợp tác để phát triển dự án khu đô thị Mizuki Park cùng với Công ty Nam Long. Trong khi đó, dự án Lotus Đại Phước đã được VinaCapital chuyển sang Trung Quốc Fortune Land.
Nhiều hợp đồng theo dạng mua bán và sát nhập M & A (Mergers & Acquisitions) đã được thực hiện tại Việt Nam vào năm 2017. Công ty cổ phần Phú Long đã mua 50% cổ phần của Posco trong liên doanh Phát triển Đô thị Mới An Khánh, là công ty phát triển khu đô thị Splendora.
Giải thích điều này, ông Sử Ngọc Khương, Savills Việt Nam cho rằng vì sự khác biệt về văn hoá, dẫn đến sự khác biệt về thị trường. Ông nói rằng bất động sản, về bản chất, có mối quan hệ chặt chẽ với các quy tắc địa phương, và các vấn đề pháp lý có thể là lý do tại sao các nhà đầu tư phương Tây ít quan tâm.
Tổng giám đốc Savillstheo Việt Nam, Neil MacGregor phân tích nguyên nhân do các nhà đầu tư phương Tây vẫn còn thiếu kinh nghiệm, cần thêm thời gian để tìm hiểu về thị trường. Ông Neil MacGregor không nghĩ rằng Việt Nam là không quan trọng trong mắt các nhà đầu tư phương Tây.
Các nhà phân tích nói rằng các công ty Châu Âu và Mỹ có xu hướng tập trung vào các dịch vụ liên quan đến bất động sản. Các công ty quản lý tòa nhà văn phòng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm mua sắm đều là những thương hiệu nổi tiếng từ Châu Âu và Mỹ.