Sao kiểm sát viên phải 'nể' lãnh đạo địa phương ?
RFA, 13/01/2021
Chủ nhiệm Ủy han Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mới đây nói rằng một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp 12/1/2021. plo.vn
Bà Nga đưa ra nhận xét này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào ngày 12/1, đánh giá nhiệm kỳ công tác khóa XIV, 2016 – 2021, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Xác nhận thực trạng vừa nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tình trạng hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên trong các phiên tòa dân sự và hành chính ở cấp huyện, tỉnh vẫn còn vấn đề cả nể.
Cụ thể, lời ông Trí được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau : "Một kiểm sát viên công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện, tỉnh ra tòa mà phát biểu mạnh về ông Chủ tịch tỉnh thì chắc sau khó xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo "nói vừa vừa thôi" thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng phải dùng cách thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu. Ngay cả Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể chứ một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Tất nhiên, kiêng nể cũng phải có nguyên tắc".
Trao đổi với RFA tối 13/1, Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng là một nhà báo, hiện đang công tác tại Văn phòng Luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa ở thành phố lớn nhất phía Nam nhận xét về phát biểu của người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như sau :
"Tôi coi bản tin báo Pháp luật như vậy tôi rất buồn. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nói thật như thế thì phải nói rằng nếu kiểm sát viên vì những quyền lợi riêng tư như ông viện dẫn như vậy mà không có hình thức răn đe hoặc nói thế nào thì đó là điều rất thất vọng cho luật sư và người dân. Thiếu điều ông ‘vẽ đường cho hươu chạy’. Ông ấy bảo vì quyền lợi thế này, thế kia thì kiểm sát viên không dám nói gì nhiều, ông bảo ngay cả Viện trưởng cũng phải thận trọng thì tôi thấy rằng điều ông nói như thế là thực tế mà thực tế đó là điều rất đáng buồn và không biết cách nào khắc phục".
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Hà Sơn tại Hà Nội nhận định :
"Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp".
Vẫn theo lời Viện trưởng Lê Minh Trí tại phiên thảo luận ngày 12/1, tính ‘cả nể’ mà ông nhắc đến không chỉ xuất hiện riêng trong lĩnh vực tư pháp giữa các kiểm sát viên với các lãnh đạo tỉnh, mà vẫn còn nhiều trong cả hệ thống.
Chị Ngọc Hà, một người dân đang sống tại Bình Dương, bày tỏ cảm nghĩ qua Facebook Messenger về phát biểu vừa nêu như sau :
"Mình thì thấy việc ông Viện trưởng nói người dân ai cũng biết, chỉ là bây giờ có quan chức xác nhận sự thật thôi. Mình chỉ thấy lạ là có luật pháp nhưng chính người làm luật lại nói vậy như một sự cam chịu, không thể thay đổi thì trách nhiệm của những người lãnh đạo liên quan ở đâu ?".
Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay đã có quy định đầy đủ, nhưng ăn thua là người thực thi pháp luật như thế nào, phải có bản lãnh thế nào, vừa phải đào tạo vừa phải kiểm điểm mỗi một vụ án thế nào… Ông tiếp lời :
"Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. Trong đó ông nói là tranh luận là then chốt nhưng thực sự ra tòa luật sư chúng tôi rất muốn tranh luận đến nơi đến chốn nhưng người mà cầm cân trong phiên tòa là chủ tọa, thẩm phán nhiều khi họ cắt ngang chúng tôi. Như một vụ án dân sự tôi vừa vào tòa án cấp cao, chưa tranh luận gì cả thì ông cắt cụp một cái rồi ông đưa một bản án trái pháp luật, cuối cùng chúng tôi phải giám đốc thẩm. May mà giám đốc thẩm được và bây giờ xử lại từ đầu. Tôi thấy nền tư pháp của mình có những thực trạng đáng buồn như vậy".
Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị của Chính phủ Hà Nội về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật diễn ra ngày 24/11/2020 có nhắc đến nội dung chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.
Do đó, Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra đề xuất :
"Phải thay đổi từ Hiến pháp về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập thì mới thay đổi được cái gốc. Còn do đảng thống nhất, phân công chức năng thì không thay đổi được câu chuyện. Theo tôi việc thay đổi hình thức hầu như không thể thay đổi được vì nó là bản chất hiện nay đó là đảng lãnh đạo toàn nhà nước và xã hội nên không thay đổi được. Quan điểm của tôi là như vậy".
Vẫn theo Luật sư Hà Huy Sơn, đây là bản chất chế độ chính trị của Việt Nam nên không thể thay đổi. Trong thực tế, những người nêu lên những vấn đề này, với truyền thống chính phủ Hà Nội thì có thể bị kết tội lật đổ chính quyền nhân dân.
Nguồn : RFA, 13/01/2021
***********************
RFA tiếng Việt, 12/01/2021
Tại buổi báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng ngày 12/1, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Nhiều người trẻ tuổi Việt Nam sở hữu tài sản nghìn tỷ
Biệt phủ tọa lạc trên diện tích 2.300 m2 ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên chủ sở hữu. Courtesy of zing.vn
Ông Lê Minh Trí được báo giới dẫn lời khẳng định rằng "thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước". Điển hình, nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%.
Mặc dù vậy, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh trong thực tế nhận được phản ánh hiện nay có những người trẻ từ 20-30 tuổi đã đứng tên các tài sản cả trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng dù biết nhưng không thể xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng đó là hiện tượng quan chức tham nhũng không bao giờ tự đứng tên tài sản, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên do quy định kê khai tài sản ở Việt Nam chỉ trong hệ thống chính trị. Do đó, ông Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản để khi một tài sản mới được đăng ký mà không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị điều tra và sẽ có cớ sở pháp lý để xử lý cũng như chắc chắn không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.
Anh Đỗ Nam Trung, một bạn trẻ ở Việt Nam lên tiếng xác nhận về thông tin mà Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề cập đến nhiều người tuổi từ 20-30 sở hữu tài sản giá trị trăm, ngàn tỷ.
"Theo tôi thấy đa phần những người trẻ mà có khối tài sản lớn như thế là do của cha ông để lại hay cha mẹ làm quan chức hoặc một kiểu kinh doanh ‘tư bản đỏ’, tức là hình thức kinh doanh có móc nối với chính quyền để làm giàu và sau đó thì tuồn tiền cho họ đứng tên. Thật ra thì những tài sản đó không phải của họ mà là của cha mẹ họ thôi. Thứ hai nữa là mình không có gì để cảm thấy phục những người đó cả, tại vì họ được sinh ra trên một ‘cái mâm vàng’ thì họ tận dụng thôi chứ thật ra họ chẳng tài cán gì cả".
Bạn trẻ Đỗ Nam Trung không đồng ý với giải thích của ông Lê Minh Trí rằng chính quyền không thể "đụng" đến các tài sản khổng lồ của những người trẻ tuổi.
"Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đáng".
Tin tức về tham nhũng trên báo chí nhà nước. RFA Edited
Phản biện của xã hội
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 12/1 nhắc lại một vụ việc điển hình gây xôn xao dư luận hồi năm 2017, được báo giới Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải về biệt phủ ở trung tâm huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tư pháp, luật sư Phạm Công Út cho rằng ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói rằng không thể "đụng" vào những tài sản như của trường hợp vừa nêu là không hiểu đúng theo luật pháp hiện hành.
"Vấn đề thu nhập hợp pháp thì sẽ dựa theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một thanh niên, thanh nữ 18 tuổi, vừa đủ tuổi đứng tên tài sản, mà đứng tên tài sản khủng thì người ta phải xem lại thu nhập cá nhân của người đó. Nhưng nếu không xem thu nhập cá nhân của một người nào đó để tạo nên một gia sản khổng lồ thì thu nhập đó là phi pháp, chứ không thể dơn giản chỉ xem xét vấn đề truy thu thuế. Việc đó là việc bất minh bởi đó là con của một quan chức hưởng lương và các bổng lộc khác để rồi tạo ra những khoản tài sản khổng lồ để cho con của mình đứng tên. Đối với các cơ quan thanh tra, điều tra sẽ truy ngược lại là có khai báo về thu nhập cá nhân hay không. Vấn đề này là một lỗ hổng rất lớn và vấn đề này vẫn có luật nhưng tôi chưa thấy luật đụng đến những câu chuyện cụ thể như thế này. Ở đây, nhà nước chưa làm mạnh tay mặc dù có luật, không nằm trong luật này thì nằm trong luật khác. Chẳng hạn đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân".
Luật sư Phạm Công Út khẳng định rằng giải thích của ông Viện trưởng Lê Minh Trí sai vì Luật Thuế thu nhập
Về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đưa ra, luật sư Phạm Công Út nhận định:
"Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả".
Vào ngày 11/1, truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải nội dung văn bản liên quan kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Báo giới cho biết Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Nguyễn duy Giảng vừa gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để yêu cầu trả lời kiến nghị vừa nêu.
Theo nội dung kiến nghị thì cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Luật sư Đặng Đình Mạnh trong cùng ngày 11/1, nhận xét với RFA rằng kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là chưa chuẩn xác.
"Mặc dù về ý nghĩa tôi nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay kiến nghị vi phạm Luật Hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu ?"
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng theo thiển ý của ông thì tài sản tham nhũng đôi khi bị tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình đứng tên cho nên cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ của bị can, bị cáo tham nhũng và nhờ đó để có cơ sở thu hồi tài sản mà họ thu lợi bất chính.
Nguồn : RFA, 12/01/2021
Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng từ bỏ đảng vì lý tưởng không phù hợp (RFA, 21/11/2018)
Truyền thông Việt Nam vào ngày 21/11 trích thông tin từ Ban tổ chức Quận ủy Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục quy trình để xóa tên đảng viên đối với ôn Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Courtesy FB Tan Vinh
Lý do đề nghị xóa tên đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh được Quận ủy Hải Châu đưa ra là vì ông Vinh không chuyển hồ sơ đảng viên và đã bỏ sinh hoạt đảng trong nhiều năm.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do về việc này, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết :
"Tôi thấy chuyện đó bình thường thôi bởi vì cái gì đến sẽ đến, thật ra cái chuyện này đã xảy ra từ năm 2014 và bởi vì tôi thấy rằng lý tưởng đó không còn phù hợp với tôi nữa và tôi không sinh hoạt đảng để còn làm mấy việc khác của xã hội".
Trên thực tế, ông Huỳnh Tấn Vinh đã từ bỏ đảng từ trước khi có quyết định của chi bộ. Ông Vinh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình rằng :
"Thật ra mình không muốn mọi chuyện quá ồn ào gây khó xử cho tổ chức nên đã lặng lẽ ra khỏi đảng từ năm 2014.
Vì sao ư ? Vì những điều đang diễn ra không còn phù hợp với lý tưởng ban đầu mà mình đã tin đã theo, đã chiến đấu, bị thương như một nguời lính và gia nhập đảng ở chiến trường K. từ 1980".
Ông Huỳnh Tấn Vinh là một người khá nổi tiếng ở Đà Nẵng trong thời gian vừa qua khi thể hiện quan điểm cá nhân về nhiều vụ việc mà ông cho là bất công trên mạng xã hội.
Ngoài chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông Vinh còn được nhiều người biết đến khi lên tiếng công khai phản đối những vi phạm trong quy hoạch mà ông cho là sẽ tàn phá bán đảo Sơn Trà, lá phổi xanh của Đà Nẵng.
Không rõ là những lên tiếng phản đối về bán đảo Sơn Trà có tác động thế nào đối với quyết định xóa tên khỏi đảng của Quận ủy Hải Châu hay không. Ông Huỳnh Tấn Vinh không muốn trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này.
Trong lần trả lời phỏng vấn với Báo Giao Thông số đăng ngày 11/6/2017, ông Vinh có chia sẻ rằng, sau nhiều diễn biến liên quan đến quy hoạch Sơn Trà, Tổng cục du lịch và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu ông thôi chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch vì cho rằng ông có những kiến nghị vượt cấp làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của chính phủ.
Ông Vinh còn cho rằng vì không đồng ý thôi chức và vẫn tiếp tục lên tiếng nói để bảo vệ Sơn Trà nên phía gia đình ông đã gặp nhiều rắc rối, hăm dọa khiến cuộc sống không yên ổn.
Những đảng viên lên tiếng phản biện trong xã hội thường gặp phải những chỉ trích ngày trong đảng, thậm chí bị kỷ luật, khai trừ đảng. Trường hợp điển hình là của Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đối với Giáo sư Chu Hảo được công bố hôm 25/10 cho rằng giáo sư Chu Hảo đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước, đồng thời có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tiếp theo sau đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vào ngày 15/11, Ủy ban này đã có thông báo chính thức quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với Giáo sư Chu Hảo.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, hiện là chủ tịch hội nhà báo độc lập sống tại Sài Gòn và cũng là người từng tuyên bố ra khỏi đảng từ năm 2013 trong lần hội luận cùng với phóng viên Kính Hòa RFA rằng, từ lâu nhiều đảng viên đã bỏ sinh hoạt đảng, không đóng phí cũng như họ không tuyên bố ra khỏi đảng nhưng tên vẫn nằm trong danh sách đảng viên của chi bộ.
"Tôi cho rằng có một thành phần rất lớn, họ không chính thức công khai tuyên bố là từ bỏ đảng nhưng âm thầm từ bỏ đảng từ lâu rồi thì chúng ta gọi đó là khái niệm thoái đảng đấy. Từ năm 2013, ban tuyên giáo trung ương lúc đó cũng thừa nhận là có đến 40% các đảng viên trong các tổ chức sinh hoạt đảng tại địa phương rơi vào tình trạng thoái đảng. Tôi cho là sau gần 6 năm cho tới đây thì phải cao hơn khá nhiều, thậm chí lên tới 50%-60% và cũng rất nhiều người nói với tôi tình trạng sinh hoạt tại các địa phương èo ụt như thế nào và nhiều đảng viên tìm cách để thoái đảng và bằng cái cách dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, thuận tiện nhất là sau khi về hưu nhận hồ sơ đảng và mang luôn về nhà cất trong ngăn kéo ở nhà mình mà không nộp cho chi bộ".
Sau vụ việc Giáo sư Chu Hảo có ít nhất 14 đảng viên có tên tuổi khác cũng lên tiếng tuyên bố từ bỏ đảng như diễn viên Kim Chi, phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc và một số đảng viên khác. Có những người đã từng nghỉ sinh hoạt đảng đã lâu nhưng chưa tuyên bố chính thức từ bỏ đảng như trường hợp của nghệ sĩ Kim Chi.
Theo truyền thông trong nước thủ tục quy trình để xóa tên ông Huỳnh Tấn Vinh sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Ông Vinh cho biết, việc xóa tên khỏi đảng không ảnh hưởng đến chức danh Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng và ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho bán đảo Sơn Trà tới cùng.
Trong dòng trạng thái ở Facebook viết sau khi có thông tin về quyết định xóa tên đảng, ông Vinh viết rằng : "Nếu đảng Cộng sản dũng cảm thay đổi theo hướng tốt hơn : vì Nhân dân, vì đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Biết đâu, ngày đó mình sẽ xem lại".
*******************
Luật Phòng chống tham nhũng chỉ để xử lý trong nội bộ đảng ? (BBC, 21/11/2018)
Ý kiến luật sư rằng luật Phòng chống Tham nhũng sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ yếu để xử lý trong nội bộ đảng chứ chưa mang tính phổ quát.
Đinh La Thăng, một trong những thành viên cao cấp trong Bộ Chính trị, hầu tòa vì tội tham nhũng
Một trong những nội dung được bàn thảo nhiều tháng trời là "quy định xử lý tài sản bất minh", cuối cùng không được đưa vào Luật Phòng chống Tham nhũng được Quôc hội Việt Nam thông qua hôm 20/11.
Tuy nhiên, Luật này lại có thêm quy định cán bộ đảng viên kê khai tài sản thiếu trung thực sẽ bị xử lý về mặt Đảng và Nhà nước nếu bị phát hiện.
"Dù không xử lý được tài sản bất minh, luật lại buộc cán bộ, đảng viên phải kê khai đúng. Nghe có vẻ mâu thuẫn đôi chút về logic, nhưng trên thực tế chúng ta đều thấy khá rõ ràng là các quy định của đảng còn đứng trên các quy định pháp luật của nhà nước", luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC hôm 21/11.
"Cần hoàn thiện quy định kê khai tản sản cá nhân trước"
Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia bị khai trừ Đảng và bị kết án tử hình
"Tôi cho rằng chính phủ không đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh vào Luật Phòng chống Tham nhũng cũng là bước đi khôn ngoan, thận trọng".
"Bởi vì rất nhiều quy định bị đưa vào luật cho vui chứ không có văn bản nào hướng dẫn thi hành, hoặc không có biện pháp liên quan đến dân sự và kinh tế thì không thể xử lý được".
"Không đưa quy định này vào luật sẽ tránh được nguy cơ gây oan sai về mặt pháp lý, trong bối cảnh các luật hiện hành và quy định liên quan đến sở hữu tài sản cá nhân còn nhiều bất cập", luật sư Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh toàn dân đều mong mỏi chính phủ xử lý quan tham, việc có thêm các luật như Luật Phòng chống Tham nhũng nếu nhìn tích cực có thể hiểu là hướng đi tốt của chính phủ để đáp ứng mong mỏi này.
"Tuy nhiên, do còn thiếu những quy định hướng dẫn việc kê khai, quản lý tài sản, nên trước hết cần hoàn thiện các quy định này trước".
"Nếu ta không xử lý được gốc rễ từ vấn đề quản lý, kê khai tài sản thì không thể xử lý được tài sản bất minh".
"Cần nhớ rằng cải cách ruộng đất ngày xưa là một bài học rất lớn cho việc áp dụng một cách bừa bãi các quy định mà không có hướng dẫn cụ thể".
"Nếu không có quy định, hướng dẫn cụ thể rõ ràng thì việc xử lý đó có thể đưa đến những tiêu cực khác. Ví dụ có thể đưa đến tham nhũng trong quá trình xử lý tham nhũng".
Cũng theo ông Tuấn, Luật phòng chống tham nhũng từ trước tới nay vốn không xử lý được nhiều về vấn đề tham nhũng", trong khi đó các luật chuyên ngành khác có thể xử lý được các hành vi tham nhũng bị phát hiện".
"Thậm chí không có luật này thì vẫn xử lý được tham nhũng nếu chính phủ mạnh mẽ áp dụng những luật chuyên ngành khác đã có. Luật phòng chống tham nhũng không phải là tất cả, là duy nhất để xử lý tham nhũng".
"Ví dụ một quan chức tham nhũng thì căn cứ vào mức độ, hành vi, có thể xử lý trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự".
Ông Tuấn cũng cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan điều tra và tiến hành tố tụng phải có nhiệm vụ chứng minh rằng những tài sản của một cá nhân là bất minh, để cấu thành hành vi tham nhũng. Chứ không thể "bắt người ta kê khai không được thì xử lý tài sản đó".
"Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa thể làm minh bạch trong kê khai, quản lý tài sản, như tài sản hình thành từ đâu, và giao dịch thế nào. Ở Việt Nam có những giao dịch lớn vẫn trả bằng tiền mặt nên không quản lý được. Người ta không muốn hoặc chưa thể làm triệt để việc này thì làm sao bắt buộc họ kê khai đúng được".
"Luật chỉ có tính xử lý nội bộ đảng"
Bình luận về quy định cán bộ, đảng viên phải kê khai đúng nếu không sẽ bị xử lý về mặt Đảng, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC :
"Tôi cho rằng chính phủ mong muốn không chỉ dừng lại trong xử lý đảng viên và cán bộ công chức tham nhũng, mà thậm chí cả người dân. Nhưng khi chưa làm được vào thời điểm này thì trước mắt họ đưa ra quy định với người trong tổ chức của họ".
"Về logic thì có một chút gì đó mâu thuẫn nhưng việc áp dụng điều này thực tế đã có từ lâu, và khá rõ ràng là các quy định của đảng còn đứng trên các quy định pháp luật của nhà nước".
"Các xử lý về mặt đảng còn khiến cán bộ sợ hơn là các quy phạm pháp luật".
"Ví dụ trong ứng cử đại biểu quốc hội thì quy định này đã được đưa vào rồi. Và đã từng có người bị xử lý, như nguyên đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga, bị xử lý do bị phát hiện khai báo tài sản không đúng thực tế".
"Có thể hiểu ở đây chính phủ đang muốn xử lý trong nội bộ các đảng viên mà thôi chứ chưa xử lý ra bên ngoài. Giống như họ tách biệt giữa quy định của đảng và quy định pháp luật của nhà nước, khi mà quy định của nhà nước còn chưa đủ để xử lý".
Luật sư Tuấn cho rằng đây chỉ là quy định mang tính nội bộ, chỉ có giá trị răn đe với đảng viên hơn là xử lý về mặt pháp luật.
"Họ thanh lọc, xử lý trong nội bộ trước, nếu không được thì mang ra xử ly theo pháp luật, có thể hiểu như vậy".
"Về cơ bản, dù sử đổi, nhưng Luật này không có sự thay đổi nhiều".
"Thực tế các quy định của luật thì luôn cứng nhắc, và luật có thể chỗ này chỗ khác còn chưa hoàn thiện nhưng quan trọng vẫn là thực thi của cơ quan tố tụng. Kể cả không sửa đổi nhưng nếu làm mạnh mẽ thì các quy định và luật hiện hành đã đủ để xử lý hành vi tham nhũng của những người có chức quyền", luật sư Tuấn nói với BBC.
Đại biểu quốc hội nói gì ?
Giải thích lý do vì sao không đưa quy định xử lý tài sản bất minh vào Luật, dù đã bàn nhiều, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói do đại biểu còn "rất băn khoăn" và "họp nhiều kỳ rồi vẫn thế".
"Chúng tôi thấy rằng cần có thời gian để quá trình thực hiện cho chín thì mới đưa vào luật", ông Phúc được trích lời trên VTC.
Ông Phúc cũng nói việc đưa quy định đảng viên phải kê khai trung thực nếu không sẽ xử lý về mặt đảng là "biện pháp mạnh hơn trước".
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đồng tình rằng Luật này "quy định rất chặt chẽ, minh bạch hơn các biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập, qua đó thực hiện tốt hơn việc kê khai tài sản thu nhập".
Theo Luật hiện hành, nếu tài sản được xác định do tham nhũng mà có thì có thể bị thu hồi hoặc truy thu thuế.
Còn theo Luật sửa đổi, đảng viên bị phát hiện kê khai tài sản không đúng sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử chức đại biểu quốc hội, Hội đồng Nhân dần, hoặc bị đưa ra khỏi danh sách lãnh đạo đã được quy hoạch.
*******************
Tại sao khó xử lý tài sản bất minh ? (RFA, 20/11/2018)
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần thứ 4. Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho việc xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Tại sao khó xử lý tài sản bất minh ? Ảnh minh họa. AFP
Trước khi quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về việc "xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc", theo đó việc xử lý tài sản thu nhập này là vấn đề mới và lần đầu tiên Quốc hội đặt vấn đề xử lý đối với loại này nên rất khó đưa ra quy định xử lý tại kỳ họp lần này.
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế. Những ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng chứng minh được là do phạm tội và vi phạm pháp luật mà có.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng đây cũng là vấn đề khó để Quốc hội đưa ra quyết định bởi vì có hai quan điểm khác nhau :
"Bản thân cá nhân tôi cũng thông cảm cái việc xử lý các nguồn ý kiến khác nhau này của quốc hội. Theo thông lệ của Việt Nam nếu thường không giải quyết được thì đều cho là giải quyết vào đợt sau. Tôi cho rằng quy định xử lý tài sản này nếu cần phải chống tham nhũng thì cần có những quyết định thật chặt chẻ bởi vì mọi tài sản đều phải được giải thích từ nguồn gốc nếu không giải thích được thì nó có thể bắt nguồn từ việc hình thành tài sản không đúng với sức lao động của mình. Tôi thì tôi buồn khi mà quốc hội không đưa ra được quyết định cuối cùng trong luật phòng chống tham nhũng về các tài sản bất minh".
Đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam giải thích với chúng tôi rằng khi đưa ra điều luật mà không chứng minh và không thực hiện được thì thật sự rất khó. Phải chứng minh các tài sản đó là bất minh bằng cách xác định rõ mới xử lý được.
"Nếu mình đưa những tài sản là bất minh thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mượn cớ để lạm quyền nên rất là khó. Theo tôi thấy riêng cái này thì cần phải có thời gian, bởi vì khi dự thảo vấn đề này thì nó phải mang tính thực tiễn, phải rõ ràng, khi mình định tội một người nào đó thì phải làm cho người đó tâm phục khẩu phục. Chứ giờ mình đưa ra một điều mà không thể thì không được".
Theo kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu tương đương 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456 ý kiến đại biểu, khoảng 32,16% đại biểu đồng ý với phương án thu thuế. 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, kết quả ý kiến không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội và là một blogger tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, để trả lời vì sao quốc hội không đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh tại kỳ họp này thì nên lật ngược lại quá trình bầu cử cách đây vài năm.
"Tất cả những người là ứng cử viên tự do là những người có đủ năng lực pháp lý để có thể tự ra ứng cử thì đều bị chính quyền Việt Nam đấu tố, làm khó và rất nhiều hành động để ngăn chặn các đại biểu tự do cho nên quyết định của quốc hội cũng không có gì là ngạc nhiên cả, bởi vì học đã dàn xếp hết rồi toàn là người của họ hết. Đương nhiên với một thể chế của Việt Nam hiện nay thì họ ăn cây nào rào cây đấy, bảo vệ lợi ích và quyền lợi mà họ đang có. Cho nên kết quả của quốc hội nó đúng như những gì chúng tôi đã từng chứng kiến trong các kỳ bầu cử quốc hội".
Sau cuộc họp Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ông Nguyễn Mạnh Cường cho báo chí biết, bỏ nội dung này không có nghĩa là không xử lý mà vẫn xử lý tài sản bất minh nếu phát hiện và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc xử lý vấn đề này. Ông giải thích rằng, từ thời bao cấp trước đây cũng có xử lý là kiểm tra hành chính và nếu không giải thích được tài sản hình thành như thế nào thì nhà nước sẽ tịch thu. Nhưng :
"Từ khi đổi mới cho đến nay đã hơn 30 năm, do hoàn cảnh khi đổi mới Việt Nam kêu gọi các nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế và cũng không cần xem xét nguồn gốc tài chính đó như thế nào. Đến lúc này, Việt Nam cũng đã phát triển được quảng đường khá dài thì cũng là lúc chúng ta nghĩ đến chuyện tham nhũng vừa rồi được đánh giá là cái quốc nạn, nếu không xử lý thì nó lại kiềm hãm phát triển, tôi cho rằng đáng lý ra thời điểm này là điểm cần phải thảo luận tới cùng về việc đưa ra giải pháp xử lý".
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để phát hiện tham nhũng, xác định các tài sản bất minh, cần phải có sự tham gia tích cực của cơ quan truyền thông và người dân.
"Bởi vì người dân tai mắt lắm nên không thể giấu được và với sự giám sát của người dân là chính xác. Thường thường các vụ tham nhũng xuất phát từ báo chí và dư luận nhiều hơn, bởi vì người nói không có lửa sao có khói, người dân là không thể qua mặt được họ, cho nên cơ chế dân biết, dân làm, dân kiểm tra là hay nhất".
Blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng dù có phát hiện tài sản bất minh đi nữa, nếu có ý kiến chỉ đạo từ trung ương thì mọi chuyện cũng bị chìm.
"Một cơ chế độc đảng mà đảng lại không có cơ chế pháp luật điểu chỉnh các hoạt động của đảng. Cho nên khi mọi người quan sát thấy các vụ trọng án thì người ta không xử theo pháp luật mà người ta xử lý theo nghị quyết xử lý theo chỉ đạo từ trung ương. Nếu như có phát hiện một tài sản bất minh thì ngay cả những người trong hệ thống nếu như thật sự người ta muốn làm cho nó đúng theo pháp luật thì cũng rất là khó. Cho dù đưa ra các bằng chứng thông tin như thế nào mà có ý kiến từ trung ương đảng thì nó cũng bị chìm".
Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2017 đã phát hiện ông Phạm Sỹ Quý nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái đã kê khai tài sản thiếu trung thực hàng ngàn m2 đất, nhiều nhà cửa, biệt phủ và tiền bạc với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng, ông Quý khai rằng có nhiều tiền như vậy là nhờ ông buôn bán chổi đót. Tuy nhiên, hình thức xử lý đối với ông Quý là chỉ gián chức từ giám đốc sở Tài nguyên Môi trường xuống cấp phó.
Ngoài ra, có nhiều vụ việc bị người dân phát hiện tố cáo tham nhũng nhưng hình xử lý đối với các trường hợp này thì chỉ giơ cao đánh khẽ giống như vụ ông Quý.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham Nhũng năm 2017 được công bố đầu năm nay, Việt Nam được 33/100 điểm, là quốc gia đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
***************
Quy trình kỷ luật Đảng với ông Tất Thành Cang (BBC, 21/11/2018)
Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm giải thích với cử tri về quy trình kỷ luật Đảng với ông Tất Thành Cang.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Tất Thành Cang 'vi phạm rất nghiêm trọng'
Trước đó ngày 15/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 15/11 công bố kết luận sai phạm của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, nói ông này vi phạm "rất nghiêm trọng".
Sáng 21/11, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn đầu đoàn đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh gặp cử tri quận 9.
Tại đây, có cử tri hỏi về sai phạm của ông Tất Thành Cang.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay : "Ban thường vụ Thành ủy đã họp nguyên ngày chủ nhật 18/11 để kiểm điểm đồng chí Tất Thành Cang và cũng kết luận cần phải thi hành kỷ luật".
Bà tiết lộ sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về sai phạm của ông Tất Thành Cang, Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã hai lần họp kiểm điểm.
Bà giải thích với cử tri về quy trình kỷ luật của Đảng Cộng sản, theo đó, cuộc họp của Ban thường vụ Thành ủy chỉ là chính kiến của đơn vị này.
Theo quy trình, ông Cang sẽ tiếp tục kiểm điểm với Ban chấp hành Đảng bộ thành phố.
Sau đó, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ họp bỏ phiếu thi hành kỷ luật ông Cang.
Ông Tất Thành Cang sinh tháng 2/1971 tại Long An.
1990-1998 : Ông đi bộ đội và học tại Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn).
2009-2012 : Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh
2012-2014 : Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
2014-2015 : Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh
2015-2018 : Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Kết quả sẽ được Thành ủy gửi cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị sẽ là nơi quyết định việc xử lý ông Cang.
"Quá trình kiểm điểm đồng chí Tất Thành Cang chúng tôi đã làm rất nghiêm túc, trách nhiệm. Các thành viên Ban thường vụ phát biểu ý kiến căn cứ những đóng góp cũng như những vi phạm để kết luận đồng chí có ưu điểm, khuyết điểm gì", bà Tâm nói.
Chiều 15/11, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về việc Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang đã vi phạm "rất nghiêm trọng" trong nhiều sự vụ.
Thông cáo nêu rõ : "Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Ông Cang bị xác định sai phạm cả khi đương nhiệm lẫn khi còn ở vai trò Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
******************
Tiếng nói công luận làm đổi chiều công lý trong vụ lùi xe trên cao tốc ? (VOA, 21/11/2018)
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội hôm 21/11 thông báo họ đưa ra quyết định kháng nghị đối với 2 bản án gây tranh cãi của một tòa án ở tỉnh Thái Nguyên về một vụ tai nạn trên đường cao tốc.
Chiếc xe của một nữ doanh nhân Ngô Oanh Phương vận động cho tự do và công bằng cho lái xe Lê Ngọc Hoàng
Báo chí Việt Nam đưa tin lãnh đạo tòa cấp cao "đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án hình sự" của tòa cấp tỉnh để điều tra lại vụ tai nạn xảy ra cách đây 2 năm, trong đó một xe tải chở container đâm vào một xe gia đình làm 4 người chết tại chỗ.
Trong các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, tòa án tỉnh Thái Nguyên xác định rằng lái xe tải có tên Lê Ngọc Hoàng có lỗi và kết án ông này 6 năm tù giam và phải đền bù thiệt hại.
Ngược lại, ông Hoàng cùng gia đình và luật sư bào chữa cho rằng bản án như vậy là "bất công" đối với ông. Dựa vào các bằng chứng trong hồ sơ về vụ việc, họ lập luận rằng lỗi dẫn đến tai nạn không thể tránh khỏi thuộc về người lái chiếc xe gia đình nhãn hiệu Toyota Innova, vì người đó say rượu và lùi xe trên đường cao tốc.
Gia đình ông Hoàng đã "kêu cứu" tới công luận, vợ ông thỉnh cầu mọi người "lên tiếng" để bảo vệ sự công bằng cho ông nói riêng, và trên bình diện rộng hơn, là tránh tạo ra một "tiền lệ sai lầm", gây bất lợi cho những người khác khi rơi vào hoàn cảnh tương tự sau này.
Lời kêu gọi đã nhận được làn sóng ủng hộ từ đông đảo mọi người, trong đó có giới tài xế, doanh nhân, luật sư, nhà báo, v.v…
Hàng trăm cuộc thảo luận đã diễn ra trên các diễn đàn mạng, kể cả Facebook, với đa số áp đảo trong hàng nghìn ý kiến cho rằng lái xe Lê Ngọc Hoàng không có lỗi và kêu gọi tòa án hủy bỏ bản án, trả tự do cho ông.
Hàng chục bài viết trên báo chí chính thống của những người thuộc các giới khác nhau cũng bày tỏ bức xúc về bản án và để nghị hủy bỏ.
Sau nhiều ngày công luận gây sức ép, các báo trong nước đưa tin rằng hôm 12/11, Tòa án Nhân dân Tối cao "đã chỉ đạo rút hồ sơ lên để xem xét và đánh giá lại".
Tin cho hay, sau một cuộc họp với các chuyên gia, Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận là "chưa đủ chứng cứ để chứng minh tài xế xe container có tội hay không có tội", và ông giao hồ sơ cho tòa cấp cao tại Hà Nội "nghiên cứu".
Sau 9 ngày làm việc, tòa cấp cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để điều tra lại.
Tin tức này ngay lập tức được công chúng đón nhận như một thắng lợi ban đầu. Những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Đào Tuấn, hay nhà văn kiêm doanh nhân Trần Quốc Quân thận trọng nhận định rằng "công lý có chút hi vọng".
Chị Ngô Oanh Phương, một doanh nhân tích cực vận động cho lái xe Lê Ngọc Hoàng, chia sẻ với VOA rằng chị và những người ủng hộ ông Hoàng "chưa thấy vui" về quyết định mới nhất của tòa cấp cao.
Facebooker Trần Quốc Quân thận trọng nhận xét về quyết định mới của tòa đối với vụ của lái xe Lê Ngọc Hoàng
Mặc dù vậy, theo chị, những nỗ lực để đưa đến kết quả này vẫn đáng "tự hào". Chị nói :
"Người dân bây giờ bắt đầu quan tâm và họ chịu lên tiếng nói. Tất cả là nhờ cộng đồng mạng, nhờ người dân họ ý thức và đồng lòng lên tiếng".
Viết trên Facebook cá nhân tối 21/11, nhà báo Đào Tuấn gọi việc tòa án Thái Nguyên quy cho tài xế Hoàng "không giữ khoảng cách an toàn" với xe Innova đi lùi sai luật để kết án là "lập luận ngu dốt và khốn nạn".
Nhà báo này đề xuất rằng giờ đây nhà chức trách cần "thay đổi biện pháp ngăn chặn" đối với tài xế Hoàng sau 21 tháng ông này bị giam giữ.
Chị Phương có chung quan điểm với ông Tuấn. Chị nói với VOA :
"Mọi người kể cả các tài xế và bản thân tôi đều nghĩ là đúng cái công bằng, đúng cái pháp luật thì anh Lê Ngọc Hoàng là trắng án và được thả tự do ngay lập tức và phải được bồi thường cho thời gian anh bị tạm giam mất gần hai năm".
Nữ doanh nhân cho biết đỉnh điểm của việc chị vận động công lý cho lái xe Hoàng là chị đã cùng một số nhà báo và bạn bè vừa đi xuyên Việt từ thành phố Hồ Chí Minh tới tòa án Thái Nguyên trên xe riêng dán đề-can đòi "trả tự do" và "trả công bằng" cho ông Hoàng.
Theo lời kể của chị, công an địa phương ban đầu đã gây phiền phức cho chị khi tìm cách khép chị vào vi phạm về quảng cáo trên thân xe. Nhưng bằng những lập luận chặt chẽ căn cứ vào luật pháp, chị đã bác bỏ và công an không thể buộc chị gỡ bỏ đề-can hay ngăn chặn chuyến đi của chị.
Chuyến đi đã được người dân dọc chiều dài Việt Nam "ủng hộ, hoan nghênh", cũng như "tạo dư luận tốt" cho ông Lê Ngọc Hoàng, chị Phương cho hay.
Đánh giá về sức nặng của công luận không chỉ trong riêng vụ việc hiện nay mà xét đến tác động của nó tới các vấn đề xã hội rộng lớn hơn, chị Phương đưa ra nhận định với VOA :
"Bắt đầu là sự lan tỏa của mạng xã hội, của truyền thông, thì người dân có ý thức. Đầu tiên họ tìm hiểu, nhìn nhận đúng sai. Sau đó, mặc nhiên họ sẽ lên tiếng. Người dân không vô cảm. Chỉ là khi nào, lúc nào cần và đủ thì họ lên tiếng. Và đó là sự khả quan cho xã hội, và sắp tới có thể có nhiều sự tốt đẹp từ sự đồng lòng từ người dân nữa".
HRW : Cuộc xét xử Huỳnh Thục Vy là một sự nhạo báng công lý (VOA, 21/11/2018)
Nhân vật bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy sẽ phải ra trước Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ để bị xét xử về cáo buộc "xúc phạm lá cờ quốc gia" về tội xịt sơn trắng lên lá cờ đỏ sao vàng, rồi đăng ảnh lên Facebook một ngày trước Ngày Quốc khánh 2 tháng 9. Cô Huỳnh Thục Vy giải thích lý do cô làm điều đó trên trang mạng xã hội : "Đất nước đang bị nhấn chìm dưới núi nợ nần ! Không có gì để gọi là ăn mừng : nào là Formosa ; nạn ô nhiễm ; ung thư ; thuốc giả ; tù nhân lương tâm ; vi phạm nhân quyền…".
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy. Facebook Nguyen Van Dai
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại cô Huỳnh Thục Vy. Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, nói trong thời gian qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã "tìm mọi lý do để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì những hoạt động của cô, vận động cho nhân quyền và dân chủ.
Nếu bị kết án, người sáng lập ra Hội Phụ nữ Việt Nam vì Nhân quyền, cũng là mẹ của một em bé mới khoảng 1 tuổi, sẽ phải đối mặt với bản án 3 năm tù giam. Phiên tòa đã được ấn định vào ngày 22/11, hôm qua đột nhiên bị hoãn lại cho tới ngày 30/11.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ sáng ngày 20/11 giờ Washington, ông Robertson nói :
"Chúng tôi rất quan tâm đến những trường hợp như thế. Cô Huỳnh Thục Vy lẽ ra không nên bị đưa ra tòa xét xử về những tội danh đó. Thật là "nực cười" khi chính quyền Việt Nam cố tình khép cô Vy vào tội ‘xúc phạm lá cờ quốc gia’. Rõ ràng nhà nước Việt Nam coi trọng các biểu tượng hơn là quyền làm người của nhân dân của chính họ. Phải hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Thục Vy, và nếu chính quyền cứ tiếp tục truy tố và bỏ tù cô, thì đó là điều mà các đối tác thương mại của Việt Nam, và các nước cấp viện cho Việt Nam, cần nêu lên với Việt Nam để đòi Hà nội trả tự do cho cô".
Tư liệu - Phil Robertson, trái, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Châu Á, tại một cuộc họp báo ở Phnom Penh, Cambodia vào tháng Ba 2015.
Ông Robertson nói rõ ràng Việt Nam chưa tuân thủ các cam kết về nhân quyền đã được ghi trong thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam.
"Quan điểm của chúng tôi là còn quá sớm để chung kết thỏa thuận này. Việt Nam phải được cho biết là nước này phải cải thiện tình trạng nhân quyền trước khi EU tưởng thưởng cho Việt Nam với một thỏa thuận thương mại tự do như thế".
Được hỏi thế ông không cho hành động của Huỳnh Thục Vy, xịt sơn trắng lên lá cờ Việt Nam, là một hành động có tính cách xúc phạm ? Ông Robertson trả lời :
"Hành vi đó không nên được coi như một tội hình sự. Chắc chắn không phải một hành động đáng bị bỏ tù. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã phản ứng quá mức. Họ lẽ ra phải thừa nhận rằng đây là một hành vi nhằm thể hiện quan điểm chính trị, rằng Thục Vy có quyền nói lên quan điểm của mình. Cô ấy đã làm điều đó một cách ôn hòa, không làm hại ai, và chính quyền Việt Nam không nên bỏ tù cô vì hành vi đó".
Ông Robertson nói trong thời gian qua, không những Thục Vy mà cả gia đình cô, cha và em cô… đã trở thành mục tiêu bị chính quyền sách nhiễu, phân biệt đối xử, trấn áp tinh thần, thậm chí, bị đàn áp có hệ thống. Cha của Huỳnh Thục Vy, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một tù nhân chính trị đã từng bị giam cầm nhiều năm. Ông Robertson nói :
"Gia đình của Vy đều nói lên những gì họ suy nghĩ, họ đã thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và đứng lên đòi hỏi các quyền của họ, hậu quả là họ đã bị chính quyền nhắm tới và bị đối xử tàn tệ. Việt Nam cần ngưng ngay những hành động sách nhiễu đối với gia đình này".
Phó Giám Đốc HRW đặc trách Châu Á còn nói rằng lẽ ra chính quyền Việt Nam phải cảm ơn gia đình họ Huỳnh và các công dân khác đã chỉ ra các vấn đề mà đất nước đang đối mặt, chẳng hạn như nạn tham nhũng dưới nhiều hình thức, nạn ô nhiễm môi trường vv.. để có cách đối phó hay giải quyết :
"Chính quyền Việt Nam lại tìm cách che đậy những hành vi sai trái, và vi phạm các quyền của dân thay vì lắng nghe sự thật từ các bloggers và các công dân khác cũng quan tâm tới tình hình đất nước".
Ông Robertson bày tỏ quan tâm là phiên tòa diễn ra tại Dắk lắk, nhà cầm quyền khó có thể chấp thuận cho các nhà ngoại giao và các bên quan tâm khác tới theo dõi phiên tòa.
"Tôi tin rằng điều quan trọng là mọi người phải chú ý tới vụ xét xử để bảo đảm chính quyền không vi phạm các quyền căn bản của Thục Vy, tôi cho rằng cả vụ xét xử này là một trò nhạo báng công lý".
Huỳnh Thục Vy là kẻ phản động ?
Nhưng dưới con mắt của nhà cầm quyền Việt Nam thì Huỳnh Thục Vy hình như đã được xếp vào thành phần ‘phản động’.
Trong một bài báo tải lên trang mạng Việt Nam Thời Luận vào tháng Ba năm 2018, tác giả Tứ Hoàng gọi Huỳnh Thục Vy là một kẻ phản động. Tác giả bài báo giải thích rằng phản động là "thuật ngữ dành cho những kẻ có hành động chống đối đảng, Nhà nước, những kẻ bán nước, hại dân, phản bội dân tộc", viện những hoạt động của Thục Vy biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn, tham gia các khóa huấn luyện xuống đường đấu tranh bất bạo động "để lật đổ chính quyền Việt Nam". Bài báo còn chỉ trích "Hội Phụ nữ nhân quyền" do Huỳnh Thục Vy và Trần Thị Nga đồng sáng lập là một tổ chức được một số nhân viên sứ quán Mỹ, phương Tây hậu thuẫn để thúc đẩy phát triển "lực lượng đối lập" trong phái nữ.
Một số nhà hoạt động cũng dùng các phương tiện truyền thông xã hội để bênh vực Huỳnh Thục Vy và hỗ trợ bà Trần Thị Nga, đồng sáng lập Hội Phụ nữ Việt Nam vì Nhân quyền, đang thi hành bản án tù 9 năm về tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Về bà Trần Thị Nga, Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của HRW Phil Robertson nói :
"Bà Trần Thị Nga đang thọ án tù chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình một cách ôn hòa, vì đã dám phát biểu, dám đứng dậy trước cường quyền, và vì bà đã đòi các quyền cho chính mình và cho nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không thấy bà làm bất cứ điều gì để đáng bị trừng phạt với bản án tù như thế, và chúng tôi sẽ kêu gọi để bà được trả tự do".
***************
Xử phúc thẩm nhà báo độc lập Đỗ Công Đương : Y án 4 năm tù giam (RFA, 21/11/2018)
Phiên tòa phúc thẩm xử nhà báo độc lập Đỗ Công Đương với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" diễn ra vào sáng 21/11/2018 và kết thúc lúc 13h10 phút với kết quả bị tuyên y án 4 năm tù giam.
Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện phát trên FB cá nhân Ảnh chụp màn hình, courtesy FB
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đỗ Công Đương cho rằng ông Đương không vi phạm điều luật này vì nơi xảy ra vụ việc không phải là không gian công cộng. Ông Sơn nói qua điện thoại như sau :
"Bài bào chữa của tôi tại tòa ngày hôm nay, tóm lại là cái hiện trường nơi mà người ta cho rằng ông ấy gây rối trật tự công cộng là cái công trường chứ không phải công cộng như pháp luật. Họ quanh co nói rằng ông ấy gây ách tắc giao thông nhưng không có bằng chứng và họ cũng kết án như vậy thôi".
Trong bài bào chữa của mình được đăng tải trên Facebook cá nhân sau phiên tòa, luật sư Sơn nhận định đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ở cấp sơ thẩm :
Cụ thể là sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn không gửi bản án cho người bào chữa, Luật sư Hà Huy Sơn mặc dù ông này đã có văn bản đề nghị.
Điều này vi phạm vào khoản 1 điều 262 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Theo luận cứ bào chữa, ông Đương không phải là người tổ chức hay chủ mưu, cầm đầu, vụ việc.
"Sự việc khoảng 30 người dân xóm Chúc, thôn Dương Sơn, xã Tam Sơn chuẩn bị ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, băng rôn … phản đối thu hồi đất ngày 24/01/2018, không do bị cáo, tổ chức, chỉ huy, xúi giục, giúp sức", ông Sơn khẳng định.
******************
Tại sao khó xử lý tài sản bất minh ? (RFA, 20/11/2018)
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần thứ 4. Cũng như những lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng trước đây, Quốc hội lần này đã quyết định không chọn phương án mới nào cho việc xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Ảnh minh họa. AFP
Trước khi quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về việc "xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc", theo đó việc xử lý tài sản thu nhập này là vấn đề mới và lần đầu tiên Quốc hội đặt vấn đề xử lý đối với loại này nên rất khó đưa ra quy định xử lý tại kỳ họp lần này.
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế. Những ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng chứng minh được là do phạm tội và vi phạm pháp luật mà có.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng đây cũng là vấn đề khó để Quốc hội đưa ra quyết định bởi vì có hai quan điểm khác nhau :
"Bản thân cá nhân tôi cũng thông cảm cái việc xử lý các nguồn ý kiến khác nhau này của quốc hội. Theo thông lệ của Việt Nam nếu thường không giải quyết được thì đều cho là giải quyết vào đợt sau. Tôi cho rằng quy định xử lý tài sản này nếu cần phải chống tham nhũng thì cần có những quyết định thật chặt chẻ bởi vì mọi tài sản đều phải được giải thích từ nguồn gốc nếu không giải thích được thì nó có thể bắt nguồn từ việc hình thành tài sản không đúng với sức lao động của mình. Tôi thì tôi buồn khi mà quốc hội không đưa ra được quyết định cuối cùng trong luật phòng chống tham nhũng về các tài sản bất minh".
Đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam giải thích với chúng tôi rằng khi đưa ra điều luật mà không chứng minh và không thực hiện được thì thật sự rất khó. Phải chứng minh các tài sản đó là bất minh bằng cách xác định rõ mới xử lý được.
"Nếu mình đưa những tài sản là bất minh thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mượn cớ để lạm quyền nên rất là khó. Theo tôi thấy riêng cái này thì cần phải có thời gian, bởi vì khi dự thảo vấn đề này thì nó phải mang tính thực tiễn, phải rõ ràng, khi mình định tội một người nào đó thì phải làm cho người đó tâm phục khẩu phục. Chứ giờ mình đưa ra một điều mà không thể thì không được".
Theo kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu tương đương 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. 156/456 ý kiến đại biểu, khoảng 32,16% đại biểu đồng ý với phương án thu thuế. 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, kết quả ý kiến không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội và là một blogger tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, để trả lời vì sao quốc hội không đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh tại kỳ họp này thì nên lật ngược lại quá trình bầu cử cách đây vài năm.
"Tất cả những người là ứng cử viên tự do là những người có đủ năng lực pháp lý để có thể tự ra ứng cử thì đều bị chính quyền Việt Nam đấu tố, làm khó và rất nhiều hành động để ngăn chặn các đại biểu tự do cho nên quyết định của quốc hội cũng không có gì là ngạc nhiên cả, bởi vì học đã dàn xếp hết rồi toàn là người của họ hết. Đương nhiên với một thể chế của Việt Nam hiện nay thì họ ăn cây nào rào cây đấy, bảo vệ lợi ích và quyền lợi mà họ đang có. Cho nên kết quả của quốc hội nó đúng như những gì chúng tôi đã từng chứng kiến trong các kỳ bầu cử quốc hội".
Sau cuộc họp Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ông Nguyễn Mạnh Cường cho báo chí biết, bỏ nội dung này không có nghĩa là không xử lý mà vẫn xử lý tài sản bất minh nếu phát hiện và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc xử lý vấn đề này. Ông giải thích rằng, từ thời bao cấp trước đây cũng có xử lý là kiểm tra hành chính và nếu không giải thích được tài sản hình thành như thế nào thì nhà nước sẽ tịch thu. Nhưng :
"Từ khi đổi mới cho đến nay đã hơn 30 năm, do hoàn cảnh khi đổi mới Việt Nam kêu gọi các nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế và cũng không cần xem xét nguồn gốc tài chính đó như thế nào. Đến lúc này, Việt Nam cũng đã phát triển được quảng đường khá dài thì cũng là lúc chúng ta nghĩ đến chuyện tham nhũng vừa rồi được đánh giá là cái quốc nạn, nếu không xử lý thì nó lại kiềm hãm phát triển, tôi cho rằng đáng lý ra thời điểm này là điểm cần phải thảo luận tới cùng về việc đưa ra giải pháp xử lý".
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để phát hiện tham nhũng, xác định các tài sản bất minh, cần phải có sự tham gia tích cực của cơ quan truyền thông và người dân.
"Bởi vì người dân tai mắt lắm nên không thể giấu được và với sự giám sát của người dân là chính xác. Thường thường các vụ tham nhũng xuất phát từ báo chí và dư luận nhiều hơn, bởi vì người nói không có lửa sao có khói, người dân là không thể qua mặt được họ, cho nên cơ chế dân biết, dân làm, dân kiểm tra là hay nhất".
Blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng dù có phát hiện tài sản bất minh đi nữa, nếu có ý kiến chỉ đạo từ trung ương thì mọi chuyện cũng bị chìm.
"Một cơ chế độc đảng mà đảng lại không có cơ chế pháp luật điểu chỉnh các hoạt động của đảng. Cho nên khi mọi người quan sát thấy các vụ trọng án thì người ta không xử theo pháp luật mà người ta xử lý theo nghị quyết xử lý theo chỉ đạo từ trung ương. Nếu như có phát hiện một tài sản bất minh thì ngay cả những người trong hệ thống nếu như thật sự người ta muốn làm cho nó đúng theo pháp luật thì cũng rất là khó. Cho dù đưa ra các bằng chứng thông tin như thế nào mà có ý kiến từ trung ương đảng thì nó cũng bị chìm".
Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2017 đã phát hiện ông Phạm Sỹ Quý nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái đã kê khai tài sản thiếu trung thực hàng ngàn m2 đất, nhiều nhà cửa, biệt phủ và tiền bạc với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng, ông Quý khai rằng có nhiều tiền như vậy là nhờ ông buôn bán chổi đót. Tuy nhiên, hình thức xử lý đối với ông Quý là chỉ gián chức từ giám đốc sở Tài nguyên Môi trường xuống cấp phó.
Ngoài ra, có nhiều vụ việc bị người dân phát hiện tố cáo tham nhũng nhưng hình xử lý đối với các trường hợp này thì chỉ giơ cao đánh khẽ giống như vụ ông Quý.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham Nhũng năm 2017 được công bố đầu năm nay, Việt Nam được 33/100 điểm, là quốc gia đứng thứ 133/176 trên bảng
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đừng xem phòng – chống tham nhũng như một vở kịch, tình thế đã khác.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị áp dụng quy trình giải quyết thông qua tòa án trong việc xử lý tài sản bất minh
Vì chỉ muốn biểu diễn quyết tâm chống tham nhũng để… an dân nên hậu quả do tham nhũng gây ra đối với chính trị - kinh tế - xã hội càng ngày càng trầm trọng.
Thật tâm chống tham nhũng, hôm 20 tháng 11, Quốc hội Việt Nam không gạt bỏ các giải pháp xử lý tài sản, thu nhập bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới…
***
Sự kiện công an tống giam ba cựu viên chức của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đào Anh Kiệt – cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Văn Út – cựu Phó Phòng Quản lý đất đai của Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) được nhiều người xem là bằng chứng về một đợt "củi – lửa" mới.
Người ta không giấu diếm hy vọng rằng, những Lê Thanh Hải (cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Đua (cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh)… rộng hơn là những Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông), Trương Minh Tuấn (cựu Thứ trưởng Thông tin Truyền thông)… đều sẽ thành "củi".
Giả sử tất cả những cá nhân mà công chúng mong bị biến thành "củi" được thảy hết vào lò thì sao ? Thiệt hại do hành vi tham nhũng của họ gây ra đối với kinh tế - xã hội có thể khắc phục được không ? Chắc chắn là không ! 96 triệu dân Việt Nam và các thế hệ hậu sinh vẫn oằn lưng gánh tất cả hậu quả do dung túng tham nhũng gây ra cả trong quá khứ, ở hiện tại, lẫn tương lai.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thể chỉ đạo Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), hủy bỏ thương vụ bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 34,2 héc đất ở Nhà Bè để tránh bị thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng có thể thu hồi những công thổ, công thự ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mà giá trị cao hơn gấp nhiều lần giờ đã đổi chủ không ? Nếu không, ai sẽ gánh chịu những thiệt hại đó ? Đốt thành tro bao nhiêu "củi" thì khắc phục được hậu quả ?
Tại sao các sai phạm của những Tín, Kiệt, Út, Son, Tuấn… vốn đã được đề cập, bàn luận từ lâu nhưng mãi đến gần đây mới được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhìn tới ? Câu trả lời đơn giản là vì tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm quyền lực thay đổi. Thành ra cũng là làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng Phạm Sỹ Quý - em trai Bí thư Yên Bái, Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa, Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thành phố Đà Nẵng,… hoàn toàn vô sự.
Không phải công lý mà tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm quyền lực cũng sẽ là lý do Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,… có thể thoát nạn hoặc chỉ bị phủi bụi ở mông. Luật pháp là một chuyện nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghĩ sao, muốn gì là chuyện khác. Chuyện sau quan trọng hơn chuyện trước.
***
Cho dù các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục khẳng định : Tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm, chống tham nhũng không có vùng cấm - nhưng Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng vẫn tiếp tục được nâng lên, đặt xuống suốt từ 2015 đến nay vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Dựa trên Công ước Phòng - Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption - UNCAC), cách nay vài năm, khi soạn thảo Luật Hình sự mới, bộ phận soạn thảo đã đề nghị xem tất cả những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội "làm giàu bất chính".
Lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không… đồng tình, Quốc hội phủ quyết nên Luật Hình sự 2015, sau này Luật sửa đổi Luật Hình sự 2015 vào năm 2017 không có tội "làm giàu bất chính". Đó là lý do hệ thống tư pháp chỉ truy tố - xét xử tướng Phan Văn Vĩnh, tướng Nguyễn Thanh Hóa "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", do không chứng minh được cả hai đã "nhận hối lộ".
Nếu Luật Hình sự có tội "làm giàu bất chính", chẳng riêng tướng Vĩnh, tướng Hóa, rồi những Tín, Kiệt, Út,… bị phạt tù "vì tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản" mà các khối tài sản ấy còn bị tịch thu, sung công. Chống tham nhũng lẽ ra phải như thế nhưng làm như thế thì nhà tù không còn chỗ chứa các viên chức phạm pháp và số viên chức mất sạch không cả triệu thì cũng vài trăm ngàn ! Chẳng có bao nhiêu viên chức muốn như thế vì đa số đã nhúng chàm.
Thất bại trong việc hình sự hóa "làm giàu bất chính" theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc, khi soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, bộ phận soạn thảo, tiếp tục đưa ra một số giải pháp để giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc. nhưng không có giải pháp nào được chấp nhận.
Hồi tháng 9, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, từng than trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, bộ phận soạn thảo đã đề ra sáu giải pháp để xử lý những tài sản, thu nhập mà các viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc nhưng bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai. Tuy nhiên "so với yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì cả hai vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn (1).
Chuyện chưa ngừng ở đó. Tuần trước, khi hai giải pháp còn lại nhằm xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh trong Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu quốc hội, chỉ có 209/485 (43%) đại biểu quốc hội đồng ý để Tòa án quyết định về tài sản, thu nhập mà các viên chức không giải trình được. Chỉ có 156/485 (32%) đại biểu quốc hội tán thành thu thuế thu nhập cá nhân đối với những tài sản, thu nhập mà viên chức không đưa ra được giải trình hợp lý về nguồn gốc (2).
Ngày 20 tháng 11, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (2). Cần nhớ, cách nay ba năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng tuyên bố, sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng vì thiếu giải pháp hữu hiệu để xử lý tài sản, thu nhập của các viên chức giàu có bất minh và điều đó sẽ răn đe, ngăn chặn viên chức làm giàu bất chính.
Phòng – chống tham nhũng mà không tán thành bất kỳ giải pháp nào, cả về hình sự lẫn dân sự để xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì phòng thế nào, chống làm chi ? Nếu khăng khăng đòi xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải "không gây xáo trộn, không tác động tới ai" thì xét về bản chất, những "lò", "củi" có khác gì "nhất tiễn hạ song điêu", một "điêu" là giải quyết mâu thuẫn nội bộ để củng có quyền lực, "điêu" còn lại để lừa gạt về quyết tâm chống tham nhũng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/11/2018
Chú thích :
"Tài sản bất minh" là tài sản thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phóng viên báo chí : Chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) không có nghĩa là xem nhẹ mà vẫn thể hiện thái độ mạnh mẽ.
Sau 3 kỳ thảo luận, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng thuận việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Chỉ có 32% số đại biểu quốc hội tán thành, tức là 68% hay hơn 400 đại biểu Quốc hội không tán thành phương án đưa tài sản không chứng minh được nguồn gốc ra xử lý tại tòa án trong cuộc bỏ phiếu mới đây.
Duy nhất một đại biểu tán thành tịch thu tài sản được xem là bất minh.
Tài sản bất minh rõ ràng là tài sản không kiếm được từ thu nhập một cách chính đáng và hợp pháp. Chúng đến từ móc ngoặc, tham ô, hay biển thủ công quỹ. Tài sản bất minh chính cái tên của nó đã định nghĩa một cách rõ ràng là bất hợp pháp và việc chế tài người nào có tài sản bất minh không thể nào khó khăn đến nỗi cả ba kỳ họp của Quốc hội vẫn không đồng thuận cho một biện pháp chế tài.
Nhưng nếu nhìn kỹ vào cơ cấu Quốc hội người ta sẽ không ngạc nhiên vì cái rào cản vô hình khiến cho việc giải quyết tài sản bất minh cứ đứng yên giữa nghị trường, mặc sức cho tiếng búa của bà Chủ tịch quốc hội kêu vang trên bàn chủ tọa.
Theo số liệu chính thức từ văn phòng Quốc hội thì khóa XIV có 100 Ủy viên trung ương đảng, toàn bộ Ủy viên Bộ chính trị, 3 Phó Thủ tướng, 13 Bộ trưởng. Gần 96% Đại biểu quốc hội là đảng viên.
Gần 96% đảng viên có số má trong hệ thống cầm quyền lại kiêm nhiệm thêm vai trò của đại biểu quốc hội bảo sao họ không tán thành việc tịch thu tài sản bất minh, ngay cả biện pháp đánh thuế là một biện pháp giơ cao đánh khẽ, cũng không được họ tán thành, bởi nếu tán thành thì chính họ bỏ phiếu chống lại mình hay sao?
Vì có đảng viên nào đáng được gọi là trong sạch để không dính vào tài sản bất minh?
Vài tháng trước Thanh tra Chính phủ cho biết hơn 1,1 triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 6 người sai phạm. Con số lý tưởng này thật ra chỉ là một vở diễn của cái được gọi là kiểm kê tài sản quan chức nhà nước do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trương. Kết quả "đẹp đến thế là cùng" này chắc sẽ làm cho nhiều người bất mãn vì con số không thể thuyết phục trong hoàn cảnh cán bộ viên chức cao cấp phục vụ trong guồng máy nhà nước có thu nhập từ nguồn thứ hai ngoài lương mới là chính.
Nguồn thu nhập thứ hai đến từ hàng ngàn "đầu mối". Từ vẽ ra dự án đến tổ chức đấu thầu, từ phê duyệt kinh phí đến móc ruột ngân sách... tất cả được thu vén và vận hành song song với cỗ máy nhà nước. Tài sản bất minh nếu bị khai quật lên, có lẽ không còn ai trong Quốc hội nữa đơn giản chỉ vì các đại biểu đang vò đầu bức tai tìm cách nào hay nhất để khai báo "tài sản bất minh" mà họ có được ở một nơi khác, nơi mà họ đang là Chủ tịch này, Bí thư kia.
Ngay cả khi quan chức về hưu rồi Quốc hội cũng tìm cách bao che cho những hành vi mà họ đã làm khi còn tại chức. Những hành vi ấy đối với người dân thì ngay lập tức sẽ bị khởi tố và vào tù, nhưng với quan chức nhà nước thì dù họ có vi phạm một cách trắng trợn nhất cũng có lá bùa của Quốc hội mà được miễn truy cứu.
Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi sáng 8/11, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa thuộc đơn vị tp Hồ Chí Minh cho rằng, không nên xem xét đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp. "Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu"-
"Phức tạp" là cách nhìn của ông Nghĩa, nó sẽ làm các quan to trước khi về hưu không dám ký bừa bãi cho những "mối" béo bở vào những nơi kiếm tiền dễ như đi gom lá mùa thu. Phức tạp vì người dân sẽ được quyền tố cáo những "tạp quan" mà họ biết để rồi từ những tố cáo ấy đảng và nhà nước sẽ trở thành tấm bia cho người dân ném mọi giận dữ vào.
Quốc hội Việt Nam thật ra rất có quyết tâm vào những chuyện khác miễn là đừng dính gì tới tham nhũng, Biển Đông, hay dân chủ nhân quyền. Vì vậy đừng kỳ vọng vào lá phiếu chống lại chính họ khi vùng cấm của đại biểu quốc hội bị xâm phạm.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 21/11/2018