Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thêm phim có đường lưỡi bò bị Việt Nam cấm chiếu

RFA, 12/03/2022

Cơ quan chức năng Việt Nam cấm chiếu bộ phim Uncharted (Thợ Săn Cổ vật) cũa hãng Sony dự kiến sẽ ra mắt khán giả tại Việt Nam vào ngày 18/3 tới đây.

phim1

Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông. AFP

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn xác nhận của Cục trưởng Cục Điện Ảnh Việt Nam, ông Vi Kiến Thành, như vừa nêu. Lý do được cho biết vì trong phim có xuất hiện ‘đường lưỡi bò’ mà ông Thành nói rõ là phi pháp. Đường lưỡi bò được dùng để chỉ đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra để tuyên bố chủ quyền đến gần trọn Biển Đông. Đường này bị Tòa Trọng tài Quốc tể ở La Haye hồi tháng 7/2016 tuyên không có cả căn cứ pháp lý và lịch sử.

Việt Nam từng có biện pháp tương tự đối với những bộ phim nước ngoài bị phát hiện có bản đồ với đường lưỡi bò.

Vào tháng 10/2019, phim hoạt họa ‘Everest- Người Tuyết Bé Nhỏ’ cũng bị rút khỏi hệ thống rạp chiếu phim Việt Nam sau khi khán giả phát hiện trong một cảnh phim có bản đồ hình lưỡi bò.

Vào năm ngoái, Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ một số tập của bộ phim gián điệp nhiều tập Pine Gap cũng vì có bản đồ đường lưỡi bò.

**********************

Quảng Đông : 48 công nhân Việt bị bắt giữ

RFA, 11/03/2022

48 công nhân Việt Nam làm việc tại Nhà máy Huachang Metal Products ở Quảng Đông, Trung Quốc bị bắt hôm 20 tháng 1 vừa qua. Ngoài số công nhân Việt này, còn có bốn người Myanmar làm cùng nhà máy cũng bị bắt. Tin được Ban Myanmar Đài Á Châu Tự do loan ngày 11/3.

phim2

Công nhân vào một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 30/9/2021 - AFP

Bản tin dẫn phát biểu của thân nhân của những công nhân người Myanmar bị bắt. Những người này cho biết họ mất liên lạc với người thân hơn một tháng.

Vợ của một trong những công nhân Myanmar bị bắt đồng thời cũng làm việc tại Nhà máy Huachang Metal Products ở Quảng Đông cho RFA biết cô chạy thoát. Việc bắt giữ không hề được an ninh nhà máy thông báo trước. Sau đó cô mất liên lạc hơn một tháng với người chồng và em chồng cùng làm việc ở nhà máy.

Cha của hai anh em bị bắt hiện đang sống tại Bang Rakhine, mạn bắc Myanmar, bày tỏ sự lo lắng khi nói trả lời RFA. Ông này còn cho biết gia đình sống chủ yếu nhờ vào tiền mà các con làm việc ở Trung Quốc gửi về.

Tổ chức có tên Mạng lưới Hỗ trợ Nhân đạo cho Công nhân Di cư Myanmar cho biết công an Trung Quốc bắt giữ những công dân nhập cư làm việc chui tại Hoa Lục.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar hôm 10/3 nói không hề biết gì về vụ bắt giữ khi được hỏi về bốn trường hợp công nhân Myanmar bị bắt mới nhất tại Quảng Đông như vừa nêu.

************************

Các vi-rút giống SARS-CoV-2 phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam

RFA, 11/03/2022

Các chủng vi-rút tương tự SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 hiện nay vừa được phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam. Mạng báo NatureWorldNews and Eco-Business loan tin trong hai ngày 10 và 11/3 như vừa nêu.

phim3

Tê tê đi ra từ đường hầm dưới lòng đất vào ban đêm tại Save Vietnam's Wildlife, rừng Cúc Phương hôm 14/9/2020 - AFP

Theo đó, các phân tích được đưa ra trong tạp chí Frontiers in Public health cho thấy các chủng vi-rút có liên quan với SARS-CoV-2 được phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam. Những chủng này cũng liên quan rất gần với các chủng được phát hiện trước đó trong tê tê buôn lậu ở Trung Quốc.

Các nhà khoa học tại Wildlife Conservation Society (Hội Bảo tồn Động vậy Hoang dã) phân tích rằng những việc phát hiện các chủng vi-rút tương tự SARS-CoV-2 trong loài tê tê Sunda ở Việt Nam là bằng chứng về tình trạng dịch bệnh lây lan do buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị nghi truyền vi-rút SARS-CoV-2 sang con người.

Tin nhắc lại giả thuyết đại dịch Covid-19 xuất phát từ một chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc nơi buôn bán các loại động vật hoang dã.

***********************

Số ca nhiễm Covid-19 : dừng công bố nhưng đừng bí mật, giấu giếm

RFA, 07/03/2022

Bộ Y tế Việt Nam đưa ra đề xuất vừa nói trong báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch Covid-19 hôm 5/3/2022. Trong báo cáo, Bộ này cho rằng số ca nhiễm dù tăng mạnh, nhưng chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh hiện nay như tỷ lệ tử vong giảm nhiều, nhập viện ít, lượng người đã tiêm vắc-xin cao, phủ rộng.

phim4

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2021. AFP Photo

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON, ở Sài Gòn, cho RFA biết ý kiến về đề xuất này hôm 7/3 :

"Thứ nhất là nhiễm thì số lượng bây giờ rất lớn, nhưng số lượng bệnh nặng và tử vong giảm rất nhiều so với trước đây. Như vậy công bố số lượng nhiễm có ý nghĩa gì không ? Tôi nghĩ những người nắm quyền, những người hoạch định về chính sách thì vẫn phải nắm số người nhiễm. Nhưng công bố rộng rãi ra thì có vẻ như nó sẽ làm cho người ta hoang mang nhiều hơn. Ngay từ trước đến giờ tôi cũng cổ súy chuyện tập trung chữa người trở nặng, tức những người có triệu chứng nặng thì ngành y phải tập trung điều trị. Còn trường hợp nhẹ thì không đặt nặng như trước đến giờ. Nên tôi đồng ý là không công bố ca nhiễm rộng rãi hàng ngày trên TV, báo chí…".

Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, công bố số ca nhiễm rộng rãi sẽ làm cho người dân hoang mang nhiều hơn là tác dụng của việc công bố. Tuy nhiên bác sĩ Sơn vẫn cho rằng không nên bí mật số liệu :

"Nhưng trong ngành y và bộ phận chống dịch thì vẫn phải lưu hành số liệu ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Và không nhất thiết là phải bí mật số ca nhiễm, nhưng chủ động không công bố ầm ĩ. Tôi nghĩ thật ra dịch vẫn đang lưu hành nên mình vẫn phải khuyến khích người ta mang khẩu trang, tránh tụ tập đông người... Dù mình có công bố số liệu hay không thì người chủ quan người ta vẫn chủ quan. Rõ ràng bây giờ số ca nhiễm lên rất nhiều, mọi sinh hoạt vẫn bình thường như 15 ngày trước. Do đó theo tôi, việc chủ quan không xuất phát từ số liệu mà từ bản thân người ta có ý thức được việc áp dụng các biện pháp chống lây lan hay không ? Đó là cái cần tuyên truyền".

Covid-19 hiện vẫn được Tổ chức Y tế thế giới -WHO coi là tình trạng đại dịch và lo ngại có các biến thể mới. WHO cho rằng, nhiều nước vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Còn theo Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nặng tại Việt Nam đã giảm nhiều, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức trên dưới 100 ca/ngày.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc không công bố số ca nhiễm mới. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, việc công bố số ca nhiễm Covid-19 mới tác động ít nhiều đến đời sống người dân. Dựa vào số ca nhiễm, người dân sẽ có kế hoạch lao động, ra ngoài vui chơi hay đưa ra kế hoạch kinh doanh nếu có...

Cũng có ý kiến khác cho rằng nên tạm dừng công bố ca mắc mới, vì những số liệu được công bố hiện nay chưa chính xác, không đúng với thực tế, do người dân nhiễm bệnh không báo cáo chính quyền.

Trả lời RFA hôm 7/3, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định :

"Là bác sĩ thì tôi thấy nó chưa thật là chuẩn đâu, đó là một biện pháp thụ động mà mình không thể làm gì khác được. Chúng ta không làm gì khác được thì chúng ta phải theo nó thôi. Chuyện công bố (tổng số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày) thì nó cũng giống như là kít test, nó chỉ là một biện pháp nghiên cứu khoa học, tất cả chúng ta đã nhất trí là nó phải như thế, đành phải chấp nhận với nhau là tất cả các con số theo quy luật Pareto là chừng đó người bị thì sẽ là như vậy và không thể dừng. Tôi đã tính là chúng ta sẽ mất 10% dân số, là khoảng 10 triệu người giống như nước Mỹ. Điều vô tình là chúng ta được bằng nước Mỹ một cách vô duyên nhất, tiền thì không có mà buộc phải làm những cái điều... đến bây giờ thì tiêm vắc-xin không phải là một phương pháp chống dịch".

Ông William A. Haseltine, Giáo sư Đại học Harvard - Hoa Kỳ, trong bài viết đăng trên Tạp chí Forbes mới đây cho rằng, không thể ngừng công bố số ca nhiễm Covid-19. Ông viết :

"Hãy tưởng tượng nếu chúng ta chỉ báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19 phải nhập viện và tử vong trước khi bùng phát biến chủng Omicron... thì đã có thể chúng ta đã chậm chân, thậm chí còn không được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta sẽ không thể sửa đổi hành vi của mình, hủy bỏ các sự kiện, phân phối tài nguyên cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng cường xét nghiệm một cách đáng kể. Dữ liệu quý giá về số ca nhiễm cho phép lập kế hoạch ở cấp địa phương và liên bang, biết nơi cần gửi thiết bị bảo hộ y tế và dụng cụ xét nghiệm".

Ngoài ra theo Giáo sư William, báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19 trên bình diện quốc tế cho phép khách du lịch đưa ra quyết định sáng suốt, cũng như giúp phân bổ hỗ trợ giữa các nước hiệu quả. Việc không công bố số ca nhiễm theo ông William cũng sẽ làm giảm số người đi xét nghiệm, trong khi đó là một công cụ quan trọng nhất để kiểm soát đại dịch và phát hiện sớm các biến thể mới.

Bác sĩ Đinh Đức Long, khi trao đổi với RFA hôm 7/3, nhận định dưới một góc nhìn khác :

"Ở Việt Nam thì mọi chủ trương công bố hay không công bố (số ca nhiễm Covid-19) thì nó thuộc về vấn đề chính trị, chứ không phải vấn đề chuyên môn. Ngành y chỉ là một ngành chuyên môn, họ công bố nhiều hay ít, công bố đúng sự thật hay công bố khác đi đều có chỉ đạo của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam... còn cụ thể thế nào thì không biết. Mọi thức mở cửa lại, đường bay mở lại, nói chung là cái gì cũng phải hợp chủ trương của đảng và nhà nước, còn nói trái với chủ trương của đảng và nhà nước là không được".

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ 16h ngày 6/3 đến 16h ngày 7/3, Việt Nam ghi nhận 147.358 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 147.335 ca nhiễm trong nước.

Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 4.582.058 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 46.385 ca nhiễm.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Virus corona : Mối nguy từ tiêu thụ tê tê ? (BBC, 15/02/2020)

Kết quả sơ bộ một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc có thể khiến những ai thích ăn thịt tê tê, hay dùng thuốc đông y làm từ vảy tê tê, giật mình.

tete1

Vảy tê tê được dùng làm thuốc đông y ở nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam

Các nhà khoa học ở Quảng Đông vừa cho hay các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tê tê có thể là vật chủ gây ra đại dịch virus corona hiện nay.

Theo tạp chí khoa học Nature, chuỗi gen tiến hóa của virus phân lập từ tê tê giống 99% với virus corona Vũ Hán - nhưng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố chính thức.

'Cần đóng cửa chợ động vật hoang dã ở Việt Nam'

tete2

Vảy tê tê được dùng làm thuốc đông y ở nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 14/2, nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng, Giám đốc tổ chức CHANGE, một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn năm 2019, nhận định :

"Sau đại dịch SARS 2003, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã từng cảnh báo sẽ có thể có thêm những dịch bệnh đáng sợ, nếu con người không ngừng tiêu thụ các loài động vật hoang dã".

"Ban đầu, từng có phỏng đoán rằng chủng mới của virus corona lần này lây truyền từ vật chủ là loài dơi. Như vậy, không loại trừ khả năng nó cũng có thể bị lây truyền từ một loài động vật hoang dã khác, sau đó lây qua người tiếp xúc với chúng từ các hoạt động buôn bán, tiêu thụ các động vật hoang dã, trong đó có loài tê tê".

"Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc có lẽ cần thời gian để có xác nhận chính thức. Dù vậy, ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã để đối phó với nạn dịch".

"Người Việt có thói quen sử dụng thuốc đông y từ vảy tê tê, hoặc ăn thịt tê tê, dù đã có cảnh báo rằng có thể lây nhiễm ký sinh trùng và virus từ các sản phẩm này. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh".

Về vấn nạn Việt Nam là một trong những nước đứng đầu bảng về tiêu thụ, vận chuyển trái phép tê tê trên thế giới, và hiện cũng đang đối mặt với dịch virus corona, bà Minh Hồng nói :

"Tôi tin rằng, đây chính là thời điểm để chính phủ Việt Nam cần đưa ra một quyết định tương tự. Cần phải đóng tất cả các nhà hàng, các chợ buôn bán động vật hoang dã trên khắp cả nước".

"Trong đại dịch lần này, người dân đang rất lo lắng về dịch bệnh. Và mọi người đều có ý thức rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe của gia đình mình. Do đó, nếu chính phủ đưa ra lệnh cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, cũng như có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát vấn nạn này, như một biện pháp cần thiết để chống dịch bệnh, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng và ý kiến ủng hộ của đông đảo người dân".

Bà Minh Hồng cũng nhắc đến việc cách đây vài năm, Tổ chức Môi trường WildAid đã từng cảnh báo về mối nguy hiểm và việc tiêu thụ thịt tê tê có thể mang lại, trong một phóng sự truyền hình có sự tham gia của ngôi sao Đài Loan Jay Chou.

tete3

Virus corona Vũ Hán có thể lây từ loài tê tê

Trong đó, ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng gióng lên quan ngại về quan niệm sai lầm ở Châu Á là có thể sử dụng vẩy tê tê như thuốc chữa bệnh, trong khi trên thực tế có thể bị lây nhiễm ký sinh trùng và virus từ chúng.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc nói gì ?

Mới đây, Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu nói rằng hai nhà khoa học của trường là Shen Yongyi và Xiao Lihua, đã xác định tê tê là nguồn lây nhiễm nCoV-2019 trên cơ sở so sánh chuỗi tiến hóa của virus corona từ động vật và từ người bị nhiễm trong ổ dịch, và những phát hiện khác. Các chuỗi tiến hóa này giống nhau 99%, các nhà nghiên cứu báo cáo tại cuộc họp báo vào ngày 7/2, theo tạp chí Nature.

Kết quả nghiên cứu ban đầu này được đưa ra trong bối cảnh giới khoa học đang chạy đua để trả lời cho câu hỏi về danh tính của loài động vật là nguồn gốc làm lây lan virus corona, được đặt tên là nCoV-2019.

tete4

Một vụ buôn lậu tê tê bị bắt giữ ở Hà Tĩnh năm 2012

Các loại virus corona được biết là lưu hành ở động vật có vú và chim, và các nhà khoa học đã cho rằng nCoV-2019 ban đầu đến từ dơi, một đề xuất dựa trên sự giống nhau của trình tự di truyền của nó với các virus corona khác đã được biết đến. Nhưng virus có thể đã được truyền sang người bởi một động vật khác. Chủng virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, hay còn gọi là SARS, lây lan từ dơi sang mèo cầy rồi sang người.

Trước đó, các nhà khoa học đã lưu ý rằng virus corona có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của tê tê, và rằng nCoV-2019 và virus corona từ tê tê sử dụng các thụ thể có cấu trúc phân tử tương tự để làm các tế bào bị lây nhiễm.

Ngay cả trước khi công bố của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố, thì tê tê là một ứng cử viên tốt để trở thành một loài trung gian cho virus, vì vậy, rất thú vị khi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một trình tự gần gũi như vậy, David Robertson, một nhà nghiên cứu virus tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh cho biết.

Các nhà khoa học nói rằng đề xuất này, dựa trên một phân tích di truyền, có vẻ hợp lý - nhưng lưu ý rằng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố đầy đủ.

"Đây là một quan sát cực kỳ thú vị. Mặc dù chúng ta cần nghiên cứu thêm các chi tiết, nhưng điều này có lý khi hiện nay có một số dữ liệu khác cũng cho thấy tê tê mang virus có liên quan mật thiết đến virus corona 2019 (nCoV-2019)", ông Edward, nhà nghiên cứu virus tiến hóa tại Đại học Sydney, Úc, được trích lời trên tạp chí Nature.

'Sẽ sớm công bố kết quả nghiên cứu'

tete5

Hải quan bắt giữ 5 tấn vảy tê tê ở Vũng Tàu năm 2019

Liu Yahong, hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu cho hay kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố rộng rãi nhằm hỗ trợ nỗ lực chống lại loại virus này.

Nhiều chi tiết quan trọng của nghiên cứu được chờ đợi, như việc các nhà khoa học tìm thấy virus ở đâu trên cơ thể tê tê, ở mẫu máu hay gạc trực tràng ? Việc này sẽ giúp xác định việc virus này truyền nhiễm sang người như thế nào và làm thế nào đê ngăn chặn.

"Tôi có thể tin tưởng mạnh mẽ rằng kết quả nghiên cứu này là chính xác", Kristian Andersen, nhà miễn dịch học tại Scripps Research ở La Jolla, California, nói. Andersen cho biết ông đã công khai so sánh các chuỗi tiến hóa của các virus trong tê tê và thấy chúng giống như của nCoV-2019. "Tôi mong chờ báo cáo và dữ liệu được công bố", ông cho hay.

Loài tê tê ở Việt Nam và Trung Quốc

tete6

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh

Tê tê là động vật có vú, có lớp vảy cứng, thường bị săn lùng để lấy vẩy làm thuốc đông y ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Tê tê là loài động vật được bảo vệ. Nhiều loài tê tê đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp do bị săn bắn và buôn bán trái phép cả thịt và vảy để điều trị các bệnh ngoài da, rối loạn kinh nguyệt và viêm khớp trong y học cổ truyền.

Virus corona ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, và được cho rằng lây sang người từ các động vật bị nhiễm bệnh ở chợ hải sản và động vật hoang dã tại đây - nơi những người nhiễm đầu tiên được phát hiện chính là những người làm tại chợ.

Tê tê được cho là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm tới 20% tổng số buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế, đã đưa ra những hạn chế đối với thị trường tê tê từ năm 1975, và năm 2016, CITES đã bổ sung tất cả tám loài tê tê vào phụ lục I, Động vật bị đe dọa tuyệt chủng. Chúng cũng được liệt kê trong sách đỏ IUCN, tất cả đều có số lượng giảm và các tên gọi khác nhau, từ loài dễ tổn thương tới loài nguy cấp.

Việt Nam được coi là một trong những nước tiêu thụ và trung chuyển tê tê đứng đầu bảng trên thế giới.

Dự kiến hơn 85 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho công tác bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam theo "Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" chuẩn bị được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Trong khi chờ đợi, đã có khoảng hơn 15 tấn vảy tê tê buôn lậu bị thu giữ ở các cảng ở Việt Nam năm 2019. Và nhiều nhà hàng vẫn bán thịt tê tê cho khách.

Mỹ Hằng

***************

Các tổ chức thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã (RFA, 16/02/2020)

Hôm 16/2, 10 tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các chợ và địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp Covid 19 bùng phát mạnh hơn.

tete7

Hình minh họa. Dơi được xác định là con vật trung gian của virus gây dịch bệnh SARS hồi năm 2003 - AFP

Các tổ chức trong và ngoài nước trong thư này xác định việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ góp phần làm lây truyền không chỉ Covid 19 mà còn nhiều chủng virus mới từ động vật hoang dã sang người.

"Bài học từ dịch SARS và nay là Covid 19 rất rõ ràng : Các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam và một số nước khác đã chứng minh virus corona tồn tại trong quần thể động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã tạo cơ hội cho những virus này lây từ động vật hoang dã sang người", bức thư có đoạn viết.

Bức thư nhắc lại dịch bệnh SARS hồi cuối năm 2002 đầu 2003 khiến 8.000 người ở 37 quốc gia nhiễm bệnh và khiến 774 người tử vong. Dịch bệnh phát xuất từ một loại virus có nguồn gốc từ dơi.

Chủng virus corona mới đang gây dịch viêm phổi cấp toàn cầu cũng phát sinh từ động vật hoang dã từ một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Các tổ chức đưa ra bảy đề xuất với Chính phủ Việt Nam bao gồm :

  • Xác định và đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
  • Cấm các nhà hàng bán trái phép sản phẩm thịt hoang dã
  • Ban hành các quy định bắt buộc báo chí, mạng xã hội theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo sản phẩm từ động vật hoang dã
  • Xây dựng quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại
  • Cải cách thủ tục tư pháp đối với việc răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
  • Nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro khi tiêu thụ động vật hoang dã
  • Đảm bảo hợp tác liên bộ ngành khi thực hiện các điểm trên

Hiện Việt Nam đã xác định 16 ca dương tính với virus Covid 19. Theo đánh đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn 0,53% dự kiến nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý I năm nay.

******************

Xuất khẩu gạo : Covid-19 có cản đường Việt Nam qua mặt Thái Lan ? (RFI, 15/02/2020)

Sản lượng thóc giảm và giá thành cao, trong năm 2020, Thái Lan có nguy cơ bị Việt Nam soán ngôi quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ hai thế giới.

tete8

Nông dân Thái Lan trồng lúa. Ảnh minh họa. Getty Images/Patrick Foto

Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan nhìn nhận : Vương quốc sẽ khó có thể đạt chỉ tiêu 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020. Việt Nam, với hy vọng bán ra 7 triệu tấn, rất có thể soán ngôi nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới từ Thái Lan, hiện đứng sau Ấn Độ.

Việt Nam từng qua mặt Thái Lan một lần vào năm 2012. Vào thời điểm đó, Bangkok đã không thể nào bán số gạo tồn kho mà chính phủ mua với giá cao từ nông dân Thái.

Năm 2020 thì ngược lại, Thái Lan thiếu hụt gạo, thu hoạch mùa phụ chịu hạn hán. Gạo Thái khó khăn cạnh tranh do đồng bath lên giá so với đô la. Một điểm bất lợi khác : Thái Lan không biết đa dạng hóa mặt hàng gạo để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường thế giới, vốn dĩ ngày càng hướng đến các loại gạo thơm hay mềm dẻo.

Covid-19 : Con dao hai lưỡi

Thế nhưng, theo quan điểm của chuyên gia Patricio Mendez del Villar, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nông học vì Phát triển (Cirad), được RFI trích dẫn, kết cục của cuộc đọ sức giữa Thái Lan và Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ vài năm gần đây, Trung Quốc điều chỉnh thị trường bằng cách nhập khẩu gạo. Nhưng với dịch virus corona chủng mới (Covid-19) lan sang nước Việt Nam láng giềng, cùng với việc đóng cửa biên giới giữa hai nước, rất có thể các giao dịch gạo Việt Nam bị xáo trộn.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo (ba triệu tấn vào năm 2019). Nước này đang bán bớt khối lượng gạo dự trữ lớn, chủ yếu sang Châu Phi, khu vực mà Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Thái Lan và Ấn Độ trong năm 2019.

Sau một năm, các hoạt động kinh doanh gạo trên thế giới bị thụt lùi do nhu cầu gạo của Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc giảm, thị trường gạo thế giới hy vọng sẽ lại khởi sắc trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra sẽ là con dao hai lưỡi : Hoặc kìm hãm hoạt động kinh doanh gạo, hoặc khuyến khích Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore tích trữ gạo nhiều hơn.

Một điều chắc chắn duy nhất, Ấn Độ vẫn sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và giá gạo vẫn sẽ dao động nhiều hơn so với năm 2019.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Việt Nam