Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/02/2020

Virus Covid-19 đến từ con tê tê, thú rừng và ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo

Tổng hợp

Virus corona : Mối nguy từ tiêu thụ tê tê ? (BBC, 15/02/2020)

Kết quả sơ bộ một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc có thể khiến những ai thích ăn thịt tê tê, hay dùng thuốc đông y làm từ vảy tê tê, giật mình.

tete1

Vảy tê tê được dùng làm thuốc đông y ở nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam

Các nhà khoa học ở Quảng Đông vừa cho hay các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tê tê có thể là vật chủ gây ra đại dịch virus corona hiện nay.

Theo tạp chí khoa học Nature, chuỗi gen tiến hóa của virus phân lập từ tê tê giống 99% với virus corona Vũ Hán - nhưng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố chính thức.

'Cần đóng cửa chợ động vật hoang dã ở Việt Nam'

tete2

Vảy tê tê được dùng làm thuốc đông y ở nhiều nước Châu Á trong đó có Việt Nam

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 14/2, nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng, Giám đốc tổ chức CHANGE, một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn năm 2019, nhận định :

"Sau đại dịch SARS 2003, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã từng cảnh báo sẽ có thể có thêm những dịch bệnh đáng sợ, nếu con người không ngừng tiêu thụ các loài động vật hoang dã".

"Ban đầu, từng có phỏng đoán rằng chủng mới của virus corona lần này lây truyền từ vật chủ là loài dơi. Như vậy, không loại trừ khả năng nó cũng có thể bị lây truyền từ một loài động vật hoang dã khác, sau đó lây qua người tiếp xúc với chúng từ các hoạt động buôn bán, tiêu thụ các động vật hoang dã, trong đó có loài tê tê".

"Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc có lẽ cần thời gian để có xác nhận chính thức. Dù vậy, ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã để đối phó với nạn dịch".

"Người Việt có thói quen sử dụng thuốc đông y từ vảy tê tê, hoặc ăn thịt tê tê, dù đã có cảnh báo rằng có thể lây nhiễm ký sinh trùng và virus từ các sản phẩm này. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh".

Về vấn nạn Việt Nam là một trong những nước đứng đầu bảng về tiêu thụ, vận chuyển trái phép tê tê trên thế giới, và hiện cũng đang đối mặt với dịch virus corona, bà Minh Hồng nói :

"Tôi tin rằng, đây chính là thời điểm để chính phủ Việt Nam cần đưa ra một quyết định tương tự. Cần phải đóng tất cả các nhà hàng, các chợ buôn bán động vật hoang dã trên khắp cả nước".

"Trong đại dịch lần này, người dân đang rất lo lắng về dịch bệnh. Và mọi người đều có ý thức rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe của gia đình mình. Do đó, nếu chính phủ đưa ra lệnh cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, cũng như có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát vấn nạn này, như một biện pháp cần thiết để chống dịch bệnh, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng và ý kiến ủng hộ của đông đảo người dân".

Bà Minh Hồng cũng nhắc đến việc cách đây vài năm, Tổ chức Môi trường WildAid đã từng cảnh báo về mối nguy hiểm và việc tiêu thụ thịt tê tê có thể mang lại, trong một phóng sự truyền hình có sự tham gia của ngôi sao Đài Loan Jay Chou.

tete3

Virus corona Vũ Hán có thể lây từ loài tê tê

Trong đó, ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng gióng lên quan ngại về quan niệm sai lầm ở Châu Á là có thể sử dụng vẩy tê tê như thuốc chữa bệnh, trong khi trên thực tế có thể bị lây nhiễm ký sinh trùng và virus từ chúng.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc nói gì ?

Mới đây, Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu nói rằng hai nhà khoa học của trường là Shen Yongyi và Xiao Lihua, đã xác định tê tê là nguồn lây nhiễm nCoV-2019 trên cơ sở so sánh chuỗi tiến hóa của virus corona từ động vật và từ người bị nhiễm trong ổ dịch, và những phát hiện khác. Các chuỗi tiến hóa này giống nhau 99%, các nhà nghiên cứu báo cáo tại cuộc họp báo vào ngày 7/2, theo tạp chí Nature.

Kết quả nghiên cứu ban đầu này được đưa ra trong bối cảnh giới khoa học đang chạy đua để trả lời cho câu hỏi về danh tính của loài động vật là nguồn gốc làm lây lan virus corona, được đặt tên là nCoV-2019.

tete4

Một vụ buôn lậu tê tê bị bắt giữ ở Hà Tĩnh năm 2012

Các loại virus corona được biết là lưu hành ở động vật có vú và chim, và các nhà khoa học đã cho rằng nCoV-2019 ban đầu đến từ dơi, một đề xuất dựa trên sự giống nhau của trình tự di truyền của nó với các virus corona khác đã được biết đến. Nhưng virus có thể đã được truyền sang người bởi một động vật khác. Chủng virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, hay còn gọi là SARS, lây lan từ dơi sang mèo cầy rồi sang người.

Trước đó, các nhà khoa học đã lưu ý rằng virus corona có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của tê tê, và rằng nCoV-2019 và virus corona từ tê tê sử dụng các thụ thể có cấu trúc phân tử tương tự để làm các tế bào bị lây nhiễm.

Ngay cả trước khi công bố của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố, thì tê tê là một ứng cử viên tốt để trở thành một loài trung gian cho virus, vì vậy, rất thú vị khi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một trình tự gần gũi như vậy, David Robertson, một nhà nghiên cứu virus tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh cho biết.

Các nhà khoa học nói rằng đề xuất này, dựa trên một phân tích di truyền, có vẻ hợp lý - nhưng lưu ý rằng công trình nghiên cứu này vẫn chưa được công bố đầy đủ.

"Đây là một quan sát cực kỳ thú vị. Mặc dù chúng ta cần nghiên cứu thêm các chi tiết, nhưng điều này có lý khi hiện nay có một số dữ liệu khác cũng cho thấy tê tê mang virus có liên quan mật thiết đến virus corona 2019 (nCoV-2019)", ông Edward, nhà nghiên cứu virus tiến hóa tại Đại học Sydney, Úc, được trích lời trên tạp chí Nature.

'Sẽ sớm công bố kết quả nghiên cứu'

tete5

Hải quan bắt giữ 5 tấn vảy tê tê ở Vũng Tàu năm 2019

Liu Yahong, hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu cho hay kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố rộng rãi nhằm hỗ trợ nỗ lực chống lại loại virus này.

Nhiều chi tiết quan trọng của nghiên cứu được chờ đợi, như việc các nhà khoa học tìm thấy virus ở đâu trên cơ thể tê tê, ở mẫu máu hay gạc trực tràng ? Việc này sẽ giúp xác định việc virus này truyền nhiễm sang người như thế nào và làm thế nào đê ngăn chặn.

"Tôi có thể tin tưởng mạnh mẽ rằng kết quả nghiên cứu này là chính xác", Kristian Andersen, nhà miễn dịch học tại Scripps Research ở La Jolla, California, nói. Andersen cho biết ông đã công khai so sánh các chuỗi tiến hóa của các virus trong tê tê và thấy chúng giống như của nCoV-2019. "Tôi mong chờ báo cáo và dữ liệu được công bố", ông cho hay.

Loài tê tê ở Việt Nam và Trung Quốc

tete6

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vảy tê tê có tác dụng chữa bệnh

Tê tê là động vật có vú, có lớp vảy cứng, thường bị săn lùng để lấy vẩy làm thuốc đông y ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Tê tê là loài động vật được bảo vệ. Nhiều loài tê tê đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp do bị săn bắn và buôn bán trái phép cả thịt và vảy để điều trị các bệnh ngoài da, rối loạn kinh nguyệt và viêm khớp trong y học cổ truyền.

Virus corona ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, và được cho rằng lây sang người từ các động vật bị nhiễm bệnh ở chợ hải sản và động vật hoang dã tại đây - nơi những người nhiễm đầu tiên được phát hiện chính là những người làm tại chợ.

Tê tê được cho là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm tới 20% tổng số buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế, đã đưa ra những hạn chế đối với thị trường tê tê từ năm 1975, và năm 2016, CITES đã bổ sung tất cả tám loài tê tê vào phụ lục I, Động vật bị đe dọa tuyệt chủng. Chúng cũng được liệt kê trong sách đỏ IUCN, tất cả đều có số lượng giảm và các tên gọi khác nhau, từ loài dễ tổn thương tới loài nguy cấp.

Việt Nam được coi là một trong những nước tiêu thụ và trung chuyển tê tê đứng đầu bảng trên thế giới.

Dự kiến hơn 85 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho công tác bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam theo "Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" chuẩn bị được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Trong khi chờ đợi, đã có khoảng hơn 15 tấn vảy tê tê buôn lậu bị thu giữ ở các cảng ở Việt Nam năm 2019. Và nhiều nhà hàng vẫn bán thịt tê tê cho khách.

Mỹ Hằng

***************

Các tổ chức thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã (RFA, 16/02/2020)

Hôm 16/2, 10 tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thúc giục Chính phủ Việt Nam đóng cửa các chợ và địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp Covid 19 bùng phát mạnh hơn.

tete7

Hình minh họa. Dơi được xác định là con vật trung gian của virus gây dịch bệnh SARS hồi năm 2003 - AFP

Các tổ chức trong và ngoài nước trong thư này xác định việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ góp phần làm lây truyền không chỉ Covid 19 mà còn nhiều chủng virus mới từ động vật hoang dã sang người.

"Bài học từ dịch SARS và nay là Covid 19 rất rõ ràng : Các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam và một số nước khác đã chứng minh virus corona tồn tại trong quần thể động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã tạo cơ hội cho những virus này lây từ động vật hoang dã sang người", bức thư có đoạn viết.

Bức thư nhắc lại dịch bệnh SARS hồi cuối năm 2002 đầu 2003 khiến 8.000 người ở 37 quốc gia nhiễm bệnh và khiến 774 người tử vong. Dịch bệnh phát xuất từ một loại virus có nguồn gốc từ dơi.

Chủng virus corona mới đang gây dịch viêm phổi cấp toàn cầu cũng phát sinh từ động vật hoang dã từ một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Các tổ chức đưa ra bảy đề xuất với Chính phủ Việt Nam bao gồm :

  • Xác định và đóng cửa các địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
  • Cấm các nhà hàng bán trái phép sản phẩm thịt hoang dã
  • Ban hành các quy định bắt buộc báo chí, mạng xã hội theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo sản phẩm từ động vật hoang dã
  • Xây dựng quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại
  • Cải cách thủ tục tư pháp đối với việc răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
  • Nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro khi tiêu thụ động vật hoang dã
  • Đảm bảo hợp tác liên bộ ngành khi thực hiện các điểm trên

Hiện Việt Nam đã xác định 16 ca dương tính với virus Covid 19. Theo đánh đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn 0,53% dự kiến nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý I năm nay.

******************

Xuất khẩu gạo : Covid-19 có cản đường Việt Nam qua mặt Thái Lan ? (RFI, 15/02/2020)

Sản lượng thóc giảm và giá thành cao, trong năm 2020, Thái Lan có nguy cơ bị Việt Nam soán ngôi quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ hai thế giới.

tete8

Nông dân Thái Lan trồng lúa. Ảnh minh họa. Getty Images/Patrick Foto

Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan nhìn nhận : Vương quốc sẽ khó có thể đạt chỉ tiêu 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020. Việt Nam, với hy vọng bán ra 7 triệu tấn, rất có thể soán ngôi nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới từ Thái Lan, hiện đứng sau Ấn Độ.

Việt Nam từng qua mặt Thái Lan một lần vào năm 2012. Vào thời điểm đó, Bangkok đã không thể nào bán số gạo tồn kho mà chính phủ mua với giá cao từ nông dân Thái.

Năm 2020 thì ngược lại, Thái Lan thiếu hụt gạo, thu hoạch mùa phụ chịu hạn hán. Gạo Thái khó khăn cạnh tranh do đồng bath lên giá so với đô la. Một điểm bất lợi khác : Thái Lan không biết đa dạng hóa mặt hàng gạo để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường thế giới, vốn dĩ ngày càng hướng đến các loại gạo thơm hay mềm dẻo.

Covid-19 : Con dao hai lưỡi

Thế nhưng, theo quan điểm của chuyên gia Patricio Mendez del Villar, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nông học vì Phát triển (Cirad), được RFI trích dẫn, kết cục của cuộc đọ sức giữa Thái Lan và Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ vài năm gần đây, Trung Quốc điều chỉnh thị trường bằng cách nhập khẩu gạo. Nhưng với dịch virus corona chủng mới (Covid-19) lan sang nước Việt Nam láng giềng, cùng với việc đóng cửa biên giới giữa hai nước, rất có thể các giao dịch gạo Việt Nam bị xáo trộn.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo (ba triệu tấn vào năm 2019). Nước này đang bán bớt khối lượng gạo dự trữ lớn, chủ yếu sang Châu Phi, khu vực mà Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Thái Lan và Ấn Độ trong năm 2019.

Sau một năm, các hoạt động kinh doanh gạo trên thế giới bị thụt lùi do nhu cầu gạo của Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc giảm, thị trường gạo thế giới hy vọng sẽ lại khởi sắc trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra sẽ là con dao hai lưỡi : Hoặc kìm hãm hoạt động kinh doanh gạo, hoặc khuyến khích Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore tích trữ gạo nhiều hơn.

Một điều chắc chắn duy nhất, Ấn Độ vẫn sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và giá gạo vẫn sẽ dao động nhiều hơn so với năm 2019.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 615 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)