Samsung dùng máy bay vận chuyển linh kiện sang Việt Nam lắp ráp Galaxy (VOA, 19/02/2020)
Samsung đã bắt đầu vận chuyển các linh kiện điện tử để lắp ráp các điện thoại Galaxy mới nhất của công ty này từ Trung Quốc sang các nhà máy Samsung ở Việt Nam giữa lúc tập đoàn Samsung đang chật vật đối phó với những sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch virus corona gây ra, theo báo Financial Times.
Nhân viên trên đường tới hãng Samsung ở tỉnh Thái Nguyen làm việc. ảnh chụp ngày 13/10/2016. Reuters/Kham -
Chính phủ Việt Nam đang hạn chế khối lượng hàng hóa vận chuyển hàng ngày từ Trung Quốc sang Việt Nam qua các tuyến đường bộ, nhưng chúng tôi đang linh động đối phó với vấn đề bằng cách tăng các nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc bằng đường hàng không và đường thủy", một người hiểu chuyện cho biết.
Samsung đã ra mắt điện thoại thông minh mới nhất có thể gập lại được và chiếc Galaxy S20 5G hồi tuần trước tại San Francisco.
Một người phát ngôn của Samsung nói : "Chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động đối với các hoạt động của công ty".. Người này nói thêm rằng khâu sản xuất chưa bị chậm lại, nhưng Samsung không bình luận gì thêm.
Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, sản xuất gần 2/3 số lượng điện thoại của công ty, bao gồm mới nhất, tại các hãng sản xuất ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Nhưng cuộc khủng hoảng virus corona đã gây muôn vàn khó khăn cho các nhà sản xuất chế tạo của Việt Nam, cả do người nước ngoài hoặc người Việt làm chủ, vì Việt Nam vẫn lệ thuộc nặng nề vào các mặt hàng của Trung Quốc, từ hàng điện tử tới vải sợi và giầy dép. vì nhiều chuỗi cung ứng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Khi các nhà máy ở Việt Nam hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, biên giới với Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế các hoạt động buôn bán từ cả hai bên.
Việt Nam và Trung Quốc đều đã thực hiện các bước để giảm bớt lưu lượng hàng hóa nhưng Hà Nội cách ly các tài xế xe tải trở từ đó về từ Trung Quốc, khiến một số tài xế không sẵn sàng lái xe tới đó vì sợ mất tiền lương.
LG Electronics, một nhà sản xuất công nghệ khác của Hàn Quốc thường sản xuất điện thoại thông minh từ cấp thấp đến trung cấp tại Việt Nam, đang đối mặt với gián đoạn nguồn cung tương tự. Người phát ngôn của hãng này khẳng định LG chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu ở Việt Nam, nhưng đang xem xét các giải pháp khác nhau, trong trường hợp khủng hoảng kéo dài làm gián đoạn nguồn cung.
Theo The Register, Samsung là một tập đoàn công ty đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, công ty Samsung con tại Việt Nam thu về gần 58 tỷ đô la, doanh thu lớn nhất đối với bất kỳ công ty Việt Nam nào, trong khi PetroVietnam đứng hạng nhì. Tìm đến Việt Nam vì chi phí lao động thấp hơn, Samsung tuyển dụng hơn 60.000 người làm việc cho công ty, chủ yếu xung quanh các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.
****************
Sơn Lôi kêu gọi gần 200 người rời địa bàn trở về, dân mong sớm được ‘giải phóng’ (VOA, 19/02/2020)
Một người dân tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đang bị cách ly hoàn toàn vì dịch Covid-19, nói với VOA rằng người dân trong xã ai cũng mong sớm đến "ngày giải phóng", giữa lúc các giới chức địa phương đang tìm cách kiểm soát và kêu gọi gần 200 người dân đã rời khỏi địa bàn trước đó sớm trở về địa phương để phòng tránh dịch lây lan.
Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm ngày sau khi chính thức bị phong tỏa khỏi thế giới bên ngoài, một phụ nữ xin giấu tên ở xã Sơn Lôi nói với VOA rằng tình hình trong xã hiện "rất ảm đạm" khi mọi sinh hoạt đều bị hạn chế vì lệnh cách ly.
"Sinh hoạt của bọn em thực ra là làm nông, với cả mọi người cũng đi làm xây dựng, làm sơn, làm cả công ty nữa… nói chung được nghỉ thì chỉ ở nhà thôi. Ai đi sang đồng thì phải xin phép này nọ, nói chung không được thoải mái".
Sơn Lôi, với dân số gần 11.000 dân, được xem là "tâm của tâm dịch" Covid-19 tại Việt Nam hiện nay, với số ca nhiễm virus corona nhiều nhất, chiếm 6 người trong số 11 người ở "tâm dịch" Vĩnh Phúc, trong tổng số 16 người nhiễm dịch trên cả nước.
Dịch bắt đầu tại Sơn Lôi sau khi một nữ công nhân đi huấn luyện tại Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc, trở về địa phương và lây nhiễm bệnh cho người thân trong gia đình, từ đó phát tán ra bên ngoài.
Để phòng chống dịch bệnh chết người lan rộng, giới hữu trách địa phương đã khoanh vùng, cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi trong vòng 20 ngày kể từ 13/2.
Theo đó, có 8 chốt kiểm soát được lập ra trong xã để ngăn chặn 10.641 người dân di chuyển ra khỏi khu vực.
"Ở nhà cũng chẳng làm ăn được gì. Những nhà kinh doanh nói chung là ảm đạm lắm. Ai cũng mong hết dịch, hết cách ly để mọi người có thể đi làm trở lại. Đám cưới, đám cheo đều hoãn hết", người phụ nữ ở Sơn Lôi nói với VOA.
Theo lời người phụ nữ này, nếu tính số người trong làng đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc và các nước Châu Á thì "có đầy", và những người này cũng như số công nhân đang bị cách ly tại địa phương là một trong những nguồn thu nhập chính của dân làng.
"Đa phần bọn em bán rau cỏ là bán cho những công nhân khu công nghiệp đi làm về", người phụ nữ này cho biết, rồi nói thêm rằng "Còn 14 ngày nữa, theo lịch là còn 14 ngày nữa. Nói chung kế hoạch là như thế chứ còn bọn em cũng chả biết thế nào. Cứ theo nhà nước thôi. Nhà nước bảo thế nào thì cứ theo thế thôi".
"Trước khi khoanh vùng, mọi người tụ tập bán hàng với nhau rồi chuyện trò. Nhưng bây giờ ví dụ nhà em có rau hái từ bên đồng không có cách ly về, em đem ra bán thì cứ có người mua xong là về, không đứng tụ tập với nhau nữa vì bây giờ ai cũng sợ !"
Trong thời gian bị cách ly, mỗi người dân tại xã Sơn Lôi bị cách ly tại nhà sẽ được nhà nước trợ cấp 40.000 đồng/ngày. Những người bị cách ly tại trung tâm y tế sẽ nhận được 60.000 đồng/ngày.
Trong thời gian gần 1 tuần phong tỏa, vẫn có một vài trường hợp người dân trong xã tìm cách ra bên ngoài. Gần đây nhất là trường hợp hai vợ chồng giáo viên tranh thủ thời gian được nghỉ việc đi thăm họ hàng ở các tỉnh thành khác, hoặc trường hợp một thanh niên đi thăm bạn gái ở Lai Châu, khiến hàng chục người tiếp xúc với thanh niên này bị cách ly.
Nói thêm về ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân địa phương, người phụ nữ ở Sơn Lôi thừa nhận với VOA rằng ngay cả mẹ bà cũng "chả mấy khi đeo khẩu trang" dù đang ở giữa tâm dịch, khiến bản thân bà và những người khác phải tìm cách vận động, thậm chí "ép buộc" để phòng tránh lây nhiễm dịch.
"Các bà ở đây có đeo khẩu trang mấy đâu. Thế nhưng bây giờ đeo ầm ầm. Phải đeo thôi. Không đeo, đi đường thanh niên bọn em đưa cho khẩu trang bắt đeo luôn. Bọn em cứ trêu bảo : ‘Ối, trước giờ đi mãi ngoài đồng nắng cháy da chả thèm đeo, bảo vướng, bây giờ đeo ầm ầm là’. Đeo rồi lại thành quen. Cho nên nói chung là thôi, chấp nhận để còn được giải phóng đi chứ không thì chết !"
Hiện giới hữu trách tại Sơn Lôi cũng đang kêu gọi gần 200 người đã rời khỏi địa bàn trước khi xã này bị cách ly quay trở về địa phương.
Tin cho hay số người này nằm trong số 315 nhân khẩu vắng mặt trong địa bàn trong thời điểm hiện tại.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện lệnh cách ly, Sơn Lôi cho đến nay đã phải tăng cường thêm 6 chốt kiểm soát, nâng tổng số chốt chặn lên thành 14 chốt để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ người ra vào xã, theo Tuổi Trẻ.
*******************
Việt Nam ‘tôn trọng quyết định’ của Hàn Quốc về virus Corona (VOA, 17/02/2020)
Sau khi Hàn Quốc khuyến cáo người dân không tới Việt Nam vì chủng virus Corona mới (Covid-19), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với VOA tiếng Việt rằng chính quyền Hà Nội "tôn trọng" bước đi của Seoul.
"Chúng tôi tôn trọng quyết định của các nước trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra", bà Hằng nói hôm 14/2.
Ba ngày trước đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc khuyến cáo người dân hạn chế tới Việt Nam nhằm ngăn chặn điều Bộ này nói là sự lây nhiễm virus gây chết người ở quốc gia nằm trên bán đảo Triều Tiên thông qua một nước thứ ba bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Ngoài Việt Nam, Bộ này cũng khuyên công dân không nên tới Nhật, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan vì những nơi này đã có sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong tuyên bố gửi cho VOA Việt Ngữ qua email, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói thêm rằng chính phủ Việt Nam "nhận thức rõ" rằng Covid-19 là "vấn đề nghiêm trọng, liên quan trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân" nên đã "quyết liệt phòng chống dịch, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam".
Từ ngày 13/2, Việt Nam quyết định cách ly, hạn chế người ra vào xã Sơn Lôi với hơn 10 nghìn người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc để hạn chế sự lây lan của Covid-19 sau khi phát hiện nhiều vụ nhiễm virus xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc ở xã này.
"Cho đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, số lượng ca lây nhiễm ít, quá trình điều trị diễn biến khả quan, đã có một số bệnh nhân được xuất viện, môi trường an toàn được bảo đảm, không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Những nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao", bà Hằng nói với VOA tiếng Việt về tình hình chung ở Việt Nam.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết tiếp rằng "Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng, bảo đảm môi trường, điều kiện an ninh, an toàn nhất cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm ăn và tham dự các sự kiện quốc tế".
Trong khi Việt Nam "tôn trọng quyết định" của Hàn Quốc, theo trang tin Taiwan News, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 12/2 đã triệu tập đại diện ngoại giao Hàn Quốc để yêu cầu sửa chữa thông tin về việc bùng phát virus Corona trong cộng đồng trên hòn đảo này. Mới nhất, một tài xế lái taxi ở Đài Loan đã tử vong vì Covid-19, đánh dấu lần đầu tiên nơi này ghi nhận người chết vì virus mà nay đã làm 5 ca tử vong ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, theo Reuters hôm 16/2.
Theo cập nhật của Bộ Y tế Việt Nam, tới ngày 17/2, Việt Nam đã ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 6 người trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Bộ này cho biết, tới nay, 7 trường hợp đã được "điều trị khỏi".