Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/03/2022

Phim có lưỡi bò, công nhân bị bắt, buôn lậu tê tê, ca nhiễm Covid-19

RFA tổng hợp

Thêm phim có đường lưỡi bò bị Việt Nam cấm chiếu

RFA, 12/03/2022

Cơ quan chức năng Việt Nam cấm chiếu bộ phim Uncharted (Thợ Săn Cổ vật) cũa hãng Sony dự kiến sẽ ra mắt khán giả tại Việt Nam vào ngày 18/3 tới đây.

phim1

Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông. AFP

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn xác nhận của Cục trưởng Cục Điện Ảnh Việt Nam, ông Vi Kiến Thành, như vừa nêu. Lý do được cho biết vì trong phim có xuất hiện ‘đường lưỡi bò’ mà ông Thành nói rõ là phi pháp. Đường lưỡi bò được dùng để chỉ đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra để tuyên bố chủ quyền đến gần trọn Biển Đông. Đường này bị Tòa Trọng tài Quốc tể ở La Haye hồi tháng 7/2016 tuyên không có cả căn cứ pháp lý và lịch sử.

Việt Nam từng có biện pháp tương tự đối với những bộ phim nước ngoài bị phát hiện có bản đồ với đường lưỡi bò.

Vào tháng 10/2019, phim hoạt họa ‘Everest- Người Tuyết Bé Nhỏ’ cũng bị rút khỏi hệ thống rạp chiếu phim Việt Nam sau khi khán giả phát hiện trong một cảnh phim có bản đồ hình lưỡi bò.

Vào năm ngoái, Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ một số tập của bộ phim gián điệp nhiều tập Pine Gap cũng vì có bản đồ đường lưỡi bò.

**********************

Quảng Đông : 48 công nhân Việt bị bắt giữ

RFA, 11/03/2022

48 công nhân Việt Nam làm việc tại Nhà máy Huachang Metal Products ở Quảng Đông, Trung Quốc bị bắt hôm 20 tháng 1 vừa qua. Ngoài số công nhân Việt này, còn có bốn người Myanmar làm cùng nhà máy cũng bị bắt. Tin được Ban Myanmar Đài Á Châu Tự do loan ngày 11/3.

phim2

Công nhân vào một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 30/9/2021 - AFP

Bản tin dẫn phát biểu của thân nhân của những công nhân người Myanmar bị bắt. Những người này cho biết họ mất liên lạc với người thân hơn một tháng.

Vợ của một trong những công nhân Myanmar bị bắt đồng thời cũng làm việc tại Nhà máy Huachang Metal Products ở Quảng Đông cho RFA biết cô chạy thoát. Việc bắt giữ không hề được an ninh nhà máy thông báo trước. Sau đó cô mất liên lạc hơn một tháng với người chồng và em chồng cùng làm việc ở nhà máy.

Cha của hai anh em bị bắt hiện đang sống tại Bang Rakhine, mạn bắc Myanmar, bày tỏ sự lo lắng khi nói trả lời RFA. Ông này còn cho biết gia đình sống chủ yếu nhờ vào tiền mà các con làm việc ở Trung Quốc gửi về.

Tổ chức có tên Mạng lưới Hỗ trợ Nhân đạo cho Công nhân Di cư Myanmar cho biết công an Trung Quốc bắt giữ những công dân nhập cư làm việc chui tại Hoa Lục.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar hôm 10/3 nói không hề biết gì về vụ bắt giữ khi được hỏi về bốn trường hợp công nhân Myanmar bị bắt mới nhất tại Quảng Đông như vừa nêu.

************************

Các vi-rút giống SARS-CoV-2 phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam

RFA, 11/03/2022

Các chủng vi-rút tương tự SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 hiện nay vừa được phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam. Mạng báo NatureWorldNews and Eco-Business loan tin trong hai ngày 10 và 11/3 như vừa nêu.

phim3

Tê tê đi ra từ đường hầm dưới lòng đất vào ban đêm tại Save Vietnam's Wildlife, rừng Cúc Phương hôm 14/9/2020 - AFP

Theo đó, các phân tích được đưa ra trong tạp chí Frontiers in Public health cho thấy các chủng vi-rút có liên quan với SARS-CoV-2 được phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam. Những chủng này cũng liên quan rất gần với các chủng được phát hiện trước đó trong tê tê buôn lậu ở Trung Quốc.

Các nhà khoa học tại Wildlife Conservation Society (Hội Bảo tồn Động vậy Hoang dã) phân tích rằng những việc phát hiện các chủng vi-rút tương tự SARS-CoV-2 trong loài tê tê Sunda ở Việt Nam là bằng chứng về tình trạng dịch bệnh lây lan do buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị nghi truyền vi-rút SARS-CoV-2 sang con người.

Tin nhắc lại giả thuyết đại dịch Covid-19 xuất phát từ một chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc nơi buôn bán các loại động vật hoang dã.

***********************

Số ca nhiễm Covid-19 : dừng công bố nhưng đừng bí mật, giấu giếm

RFA, 07/03/2022

Bộ Y tế Việt Nam đưa ra đề xuất vừa nói trong báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch Covid-19 hôm 5/3/2022. Trong báo cáo, Bộ này cho rằng số ca nhiễm dù tăng mạnh, nhưng chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh hiện nay như tỷ lệ tử vong giảm nhiều, nhập viện ít, lượng người đã tiêm vắc-xin cao, phủ rộng.

phim4

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2021. AFP Photo

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON, ở Sài Gòn, cho RFA biết ý kiến về đề xuất này hôm 7/3 :

"Thứ nhất là nhiễm thì số lượng bây giờ rất lớn, nhưng số lượng bệnh nặng và tử vong giảm rất nhiều so với trước đây. Như vậy công bố số lượng nhiễm có ý nghĩa gì không ? Tôi nghĩ những người nắm quyền, những người hoạch định về chính sách thì vẫn phải nắm số người nhiễm. Nhưng công bố rộng rãi ra thì có vẻ như nó sẽ làm cho người ta hoang mang nhiều hơn. Ngay từ trước đến giờ tôi cũng cổ súy chuyện tập trung chữa người trở nặng, tức những người có triệu chứng nặng thì ngành y phải tập trung điều trị. Còn trường hợp nhẹ thì không đặt nặng như trước đến giờ. Nên tôi đồng ý là không công bố ca nhiễm rộng rãi hàng ngày trên TV, báo chí…".

Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, công bố số ca nhiễm rộng rãi sẽ làm cho người dân hoang mang nhiều hơn là tác dụng của việc công bố. Tuy nhiên bác sĩ Sơn vẫn cho rằng không nên bí mật số liệu :

"Nhưng trong ngành y và bộ phận chống dịch thì vẫn phải lưu hành số liệu ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Và không nhất thiết là phải bí mật số ca nhiễm, nhưng chủ động không công bố ầm ĩ. Tôi nghĩ thật ra dịch vẫn đang lưu hành nên mình vẫn phải khuyến khích người ta mang khẩu trang, tránh tụ tập đông người... Dù mình có công bố số liệu hay không thì người chủ quan người ta vẫn chủ quan. Rõ ràng bây giờ số ca nhiễm lên rất nhiều, mọi sinh hoạt vẫn bình thường như 15 ngày trước. Do đó theo tôi, việc chủ quan không xuất phát từ số liệu mà từ bản thân người ta có ý thức được việc áp dụng các biện pháp chống lây lan hay không ? Đó là cái cần tuyên truyền".

Covid-19 hiện vẫn được Tổ chức Y tế thế giới -WHO coi là tình trạng đại dịch và lo ngại có các biến thể mới. WHO cho rằng, nhiều nước vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Còn theo Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nặng tại Việt Nam đã giảm nhiều, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức trên dưới 100 ca/ngày.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc không công bố số ca nhiễm mới. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, việc công bố số ca nhiễm Covid-19 mới tác động ít nhiều đến đời sống người dân. Dựa vào số ca nhiễm, người dân sẽ có kế hoạch lao động, ra ngoài vui chơi hay đưa ra kế hoạch kinh doanh nếu có...

Cũng có ý kiến khác cho rằng nên tạm dừng công bố ca mắc mới, vì những số liệu được công bố hiện nay chưa chính xác, không đúng với thực tế, do người dân nhiễm bệnh không báo cáo chính quyền.

Trả lời RFA hôm 7/3, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định :

"Là bác sĩ thì tôi thấy nó chưa thật là chuẩn đâu, đó là một biện pháp thụ động mà mình không thể làm gì khác được. Chúng ta không làm gì khác được thì chúng ta phải theo nó thôi. Chuyện công bố (tổng số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày) thì nó cũng giống như là kít test, nó chỉ là một biện pháp nghiên cứu khoa học, tất cả chúng ta đã nhất trí là nó phải như thế, đành phải chấp nhận với nhau là tất cả các con số theo quy luật Pareto là chừng đó người bị thì sẽ là như vậy và không thể dừng. Tôi đã tính là chúng ta sẽ mất 10% dân số, là khoảng 10 triệu người giống như nước Mỹ. Điều vô tình là chúng ta được bằng nước Mỹ một cách vô duyên nhất, tiền thì không có mà buộc phải làm những cái điều... đến bây giờ thì tiêm vắc-xin không phải là một phương pháp chống dịch".

Ông William A. Haseltine, Giáo sư Đại học Harvard - Hoa Kỳ, trong bài viết đăng trên Tạp chí Forbes mới đây cho rằng, không thể ngừng công bố số ca nhiễm Covid-19. Ông viết :

"Hãy tưởng tượng nếu chúng ta chỉ báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19 phải nhập viện và tử vong trước khi bùng phát biến chủng Omicron... thì đã có thể chúng ta đã chậm chân, thậm chí còn không được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta sẽ không thể sửa đổi hành vi của mình, hủy bỏ các sự kiện, phân phối tài nguyên cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng cường xét nghiệm một cách đáng kể. Dữ liệu quý giá về số ca nhiễm cho phép lập kế hoạch ở cấp địa phương và liên bang, biết nơi cần gửi thiết bị bảo hộ y tế và dụng cụ xét nghiệm".

Ngoài ra theo Giáo sư William, báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19 trên bình diện quốc tế cho phép khách du lịch đưa ra quyết định sáng suốt, cũng như giúp phân bổ hỗ trợ giữa các nước hiệu quả. Việc không công bố số ca nhiễm theo ông William cũng sẽ làm giảm số người đi xét nghiệm, trong khi đó là một công cụ quan trọng nhất để kiểm soát đại dịch và phát hiện sớm các biến thể mới.

Bác sĩ Đinh Đức Long, khi trao đổi với RFA hôm 7/3, nhận định dưới một góc nhìn khác :

"Ở Việt Nam thì mọi chủ trương công bố hay không công bố (số ca nhiễm Covid-19) thì nó thuộc về vấn đề chính trị, chứ không phải vấn đề chuyên môn. Ngành y chỉ là một ngành chuyên môn, họ công bố nhiều hay ít, công bố đúng sự thật hay công bố khác đi đều có chỉ đạo của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam... còn cụ thể thế nào thì không biết. Mọi thức mở cửa lại, đường bay mở lại, nói chung là cái gì cũng phải hợp chủ trương của đảng và nhà nước, còn nói trái với chủ trương của đảng và nhà nước là không được".

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ 16h ngày 6/3 đến 16h ngày 7/3, Việt Nam ghi nhận 147.358 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 147.335 ca nhiễm trong nước.

Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 4.582.058 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 46.385 ca nhiễm.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 419 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)